Luật An Ninh Mạng -
FPT, Viettel, VNPT và cách mạng 4.0
28/05/2018
Nguyễn Quang Đồng
Ấn tượng lớn nhất của tôi khi lần đầu tiên đến Singapore, là
cảm giác hoảng sợ khi chờ qua đường bởi xe ô tô vèo qua trước mặt mình với tốc
độ ‘kinh người’ ngay giữa giao lộ ở trung tâm thành phố. Hoảng sợ - chính xác
là cảm giác giác của tôi, bởi nếu lỡ bước chân xuống đường lúc đèn đỏ, với ô tô
đi chắc chắn phóng không dưới 60 - 70km/h thì chỉ có ‘ đi Văn Điển’. Nhưng tỷ lệ
tai nạn ở quốc gia này là thấp nhất thế giới. Lý do nằm ở chỗ, tất cả người dân
đều chấp hành nghiêm túc luật lệ. Xe cộ không phải bò trên đường, giảm thiểu thời
gian lãng phí vô ích, - cũng là một yếu tố khiến một đất nước đạt đến năng suất
và hiệu quả làm việc hàng đầu thế giới. Sự nghiêm minh của luật pháp – hiếm ai
dám phạm luật, như ví dụ về giao thông, là yếu tố góp phần khiến người
Singapore trong 3 thập kỷ từ một vùng đất thuộc địa nghèo trở thành những người
giàu nhất thế giới. Lý Quang Diệu nói như thế; và khi đứng giữa ngã tư trung
tâm quốc đảo, tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi lời ông Lý.
Hôm qua một nhà báo hỏi tôi tại sao những doanh nghiệp lớn
như Viettel, FPT, VNPT … hoàn toàn im lặng và đứng ngoài một dự thảo luật – nói
không quá, là xua đuổi start-up, xua đuổi sáng tạo và khởi nghiệp sang Sing,
như dự thảo Luật An ninh mạng. Thậm chí ông Trương Gia Bình còn là trưởng ban
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục
hành chính của Chính phủ. Một dự thảo luật, mà nếu thực thi nghiêm ngặt sẽ kéo
lùi 1.7% GDP. Sao không một ai lên tiếng? Họ không biết à?
Bất kỳ ai có kiến thức cơ bản một chút thôi về pháp luật, đọc
2 điều thôi: điều 26 và điều 15, từ người dân bình thường như tôi đến doanh
nghiệp làm ăn chân chính ai cũng có thể là tội phạm cả. Cần nhớ rằng, quy định
về dữ liệu bao gồm cả tổ chức Việt Nam chứ không phải riêng gì cho Google hay
Facebook. Đơn giản thế này, có doanh nghiệp, tổ chức nào trong chúng ta không
dùng Gmail, yahoo mail, hay Hotmail, không lưu trữ một ít dữ liệu, thông tin có
liên quan đến người khác lên google drive, lên icloud không? Chiếu theo Điều
26.2.c, nếu bất kỳ dữ liệu cá nhân nào mà lưu ở nước ngoài là phạm luật. Có ai
tránh khỏi phạm luật với kiểu luật lệ thế này không?
Hoặc đơn giản thế này, xúc phạm vĩ nhân, xúc phạm dân tộc –
điều 15, là đã ‘tuyên truyền, chống phá nhà nước’. Nếu tôi bỡn cợt một chút về
Lê Văn Tám – người có tên trên hàng nghìn con đường, hàng nghìn trường học – là
tôi đã có dấu hiệu phạm tội. Nhưng vĩ nhân đó chỉ sản phẩm tưởng tượng để tuyên
truyền, – cha đẻ của Lê Văn Tám, ông Trần Huy Liệu, - nhà sử học, đích thân thừa
nhận mình vẽ ra điều đó. Vậy tôi chia sẻ những thông tin này, nghĩa là tôi đang
phạm luật. Và bất kỳ doanh nghiệp có ứng dụng, phần mềm, trang thông tin nào,
khi ‘ cơ quan có thẩm quyền’ yêu cầu, buộc phải chặn, phải gỡ thông tin tôi
chia sẻ. Họ mà không làm được thế là họ cũng phạm luật.
Tôi có đang thổi phồng, đang suy diễn và lo lắng thái quá
không? Có và không.
Không. vì Việt Nam không phải là Singapore. Tất cả mọi người
có thể phạm luật nhưng cơ bản sẽ không ai bị làm sao. Người đi bộ không đi qua
đường đúng chỗ có kẻ vạch là phạm luật đấy. Nhưng hàng triệu người vẫn phạm luật
mỗi ngày và về cơ bản vẫn ung dung như không. Hút thuốc ở trường học, bệnh viện
là phạm luật đấy, nhưng có ai bị phạt hành chính đâu nào. Chỉ trừ lúc ‘ cơ quan
chức năng’ ra quân, vài ba anh không may mắn mới bị túm vào phạt. Mà ra quân phạt
người đi bộ ở Hà Nội, tôi đã quên từ lúc nào rồi.
Và có. Vì Việt Nam là Việt Nam. Những con bò ngấp nghé lớn,
vừa có chút sữa mới bị vắt sữa. Cò con thì các ‘ cơ quan quản lý’ ‘ cơ quan chức
năng’ ‘ cơ quan thực thi pháp luật’ lảng vảng đến, kiếm chút phong bì ‘ vài
lít’ ‘ vài củ’ – rồi thôi, cứ tiếp tục mà phạm luật tiếp. Và ai bị ghét, ai bị
soi mới sờ đến, mới có thể trở thành tội phạm. Với điều 26 và điều 15, bất kỳ tổ
chức doanh nghiệp nào, ‘ cơ quan chức năng’ đến ghé thăm thì chỉ có nước nộp
phong bì để được yên, chắc chắn là thế.
Trở lại với các ‘ ông lớn’, vì sao họ không phản ứng luật.
Tôi trả lời ngắn gọn rằng: vì họ nghĩ rằng, họ tin rằng họ đứng ngoài luật. Họ
làm ăn trực tiếp với những quan chức cao cấp nhất của chế độ và luật pháp không
sờ đến họ. “Quan hệ” là tấm khiên che chở họ - dù chiểu theo luật An ninh mạng
( như dự thảo ), họ đương nhiên phạm luật – không ai không phạm luật với những
quy định như thế cả. Nhưng họ vốn đã cơ bản hình thành, đã đi lên từ sự cộng
sinh với ‘ cơ quan chức năng’ ‘ cơ quan quản lý’ – đó là cơ sở niềm tin để họ
không thể bị đụng đến. Vậy thì vì sao họ lại phải phản ứng làm gì?
Lý Quang Diệu ban đầu đã có niềm tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một thế lực khi đổi mới bắt đầu: Việt Nam với dân số như thế, với con người chăm chỉ và thông minh như thế, sao mà không thể trở thành ‘ rồng, cọp’ được. Nhưng sau vài lần đến Việt Nam và nhìn ra sự tuỳ tiện của nền pháp quyền Việt Nam – có rừng luật nhưng lại dùng luật rừng với doanh nghiệp; có toà án và có luật sư, nhưng luật sư chỉ cơ bản là giúp thân chủ đưa phong bì đi cho đúng cửa. Ông Lý đã không tin vào sự hoá rồng của Việt Nam. Và rõ ràng là giờ này thì ông đang đúng.
Lý Quang Diệu ban đầu đã có niềm tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một thế lực khi đổi mới bắt đầu: Việt Nam với dân số như thế, với con người chăm chỉ và thông minh như thế, sao mà không thể trở thành ‘ rồng, cọp’ được. Nhưng sau vài lần đến Việt Nam và nhìn ra sự tuỳ tiện của nền pháp quyền Việt Nam – có rừng luật nhưng lại dùng luật rừng với doanh nghiệp; có toà án và có luật sư, nhưng luật sư chỉ cơ bản là giúp thân chủ đưa phong bì đi cho đúng cửa. Ông Lý đã không tin vào sự hoá rồng của Việt Nam. Và rõ ràng là giờ này thì ông đang đúng.
Riêng trong vòng một tháng qua, tôi đã tham gia, đã nghe 3 hội
thảo về Cách mạng công nghiệp 4.0. Ở cả từ bộ ngành, ban bệ nòng cốt ở trung
ương, đến những tỉnh miền núi xa xôi nhất, 4.0 là câu cửa miệng. Nhưng 4.0 thì ở
trên trời, và luật an ninh mạng mới là thứ ở dưới đất.
Trong hơn 3 năm qua, tôi đã làm việc cùng, đã từng có niềm
tin vào ‘phong trào’ start-up. Nhưng tuần trước, giữa cuộc bia bọt cuối giờ,
giám đốc một doanh nghiệp nghiên cứu thị trường và chính sách công nghệ ở Việt
Nam hơn 20 năm qua, đã cười vào mũi tôi khi tôi nói về chút niềm tin ít ỏi ở
‘khởi nghiệp công nghệ’. Và nhìn lại, cách mà cách doanh nghiệp nước ngoài quan
tâm đến luật an ninh mạng như thế nào, cách họ làm việc với chúng tôi như thế
nào – đối sánh với thái độ và cách thức doanh nghiệp trong nước; cách đại biểu
quốc hội, và cách báo chí truyền thông trong nước tiếp cận dự thảo; giờ thì tôi
đồng ý tôi xứng đáng bị cười vào mũi thật rồi.
Tôi chưa nghe Google, chưa nghe Fb, Amazon nói chút gì về
4.0, họ chỉ nói về hệ sinh thái kinh doanh. Trong một hệ sinh thái, cộng sinh để
cùng phát triển là triết lý dẫn dắt. Những ‘tinh hoa’, những ‘anh cả’ FPT,
Viettel, VNPT đang làm trong hệ sinh thái đó – họ có coi hàng chục triệu người
dùng, hàng triệu doanh nghiệp lớn nhỏ khách hàng của họ là cộng sinh lợi ích để
cùng xây dựng, cùng bảo vệ? Hay họ tiếp tục cộng sinh với chóp bu của chính quyền.
Sau chút hoảng sợ ban đầu ở Sing, tôi tiếp tục an toàn đi bộ
trong vài hôm ở đó. Tôi qua cửa làm thủ tục hải quan ở Sing trong khoảng hơn
30s một chút, giơ trang đầu tấm hộ chiếu vào một máy scan, và cửa tự động mở.
Cán bộ thông quan không sờ đến hộ chiếu của tôi mà chỉ đứng cười khá là thân
thiện. Và về đến Nội bài, tôi mất 20 phút để xếp hàng chờ; chắc khoảng hơn 3
phút để chờ anh cán bộ hờ hững săm soi và đóng dấu vào tấm hộ chiếu của tôi. Nếu
tôi mà khởi nghiệp, tôi cũng sẽ sang Sing.