Chụp lại hình ảnh,
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh là hai nhân vật cao cấp mới nhất bị xử lý trong chiến dịch chống tham nhũng của TBT Nguyễn Phú Trọng
Sự kiện Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam bắt ba nhân vật cốp cán hôm 7/6 liên quan đến đại án Việt Á đang gây rúng động dư luận. Chiến dịch 'đốt lò' của TBT Nguyễn Phú Trọng được cho là lại đỏ lửa hơn bao giờ hết.
Trong khi báo chí chính thống của Việt Nam không ngớt lời ca ngợi, một câu hỏi được các nhà quan sát quốc tế đặt ra là điều gì thực sự phía sau chiến dịch này trong một nhà nước độc đảng như Việt Nam.
Ai bị nhắm đến?
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Trạc là ba nhân vật bị xử lý hôm 7/6 trong đợt 'đốt lò' mới nhất của ông Nguyễn Phú Trọng, sau khi bị khai trừ Đảng và bị cách chức do vi phạm các quy định và quy chế của nhà nước, 'gây thất thoát lớn'.
Hồi tháng Tư, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng bị bắt liên quan vụ 'máy bay giải cứu'.
Tháng Năm, cựu Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường ra tòa trong vụ thuốc giả của VN Pharma.
Cũng trong tháng này, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trần Văn Dũng bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng và bị sa thải, với cáo buộc 'có hành vi sai trái nghiêm trọng' trong vụ thao túng thị trường chứng khoán.
Vài ngày sau, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khai trừ ông Đảng Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Một loạt giám đốc điều hành các tập đoàn lớn bị bắt tạm giam, gồm có ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch Bamboo Airways với công ty mẹ là tập đoàn FLC; nguyên TGĐ Chứng khoán Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt Đỗ Đức Nam; và cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân.
Hàng trăm quan chức cấp cao, giám đốc điều hành doanh nghiệp khác đã 'vào lò' trong chiến dịch chống tham nhũng được cho là 'sâu rộng' của TBT Nguyễn Phú Trọng kéo dài trong mấy năm qua.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã thành lập 8 đoàn kiểm tra để xử lý các vụ việc tham nhũng, bao gồm cả ở các cấp ủy đảng và cơ quan. Hơn 1.200 vụ đã được điều tra trong năm nay, với hơn 730 vụ liên quan đến hơn 1.500 bị cáo bị đưa ra tòa.
Mặc dù đã cải thiện hơn 30 bậc trong thập kỷ qua về chỉ số nhận thức về tham nhũng toàn cầu, Việt Nam vẫn xếp hạng 87 trong 180 nước, theo Bloomberg.
Mục tiêu của Việt Nam là gì?
Nguồn hình ảnh, towardstransparency.vn
Chụp lại hình ảnh,
Có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng miền trong cảm nhận về mức độ tăng của tham nhũng
Trong một bài phát biểu trên truyền hình năm ngoái, ông Trọng, người đắc cử nhiệm kỳ thứ ba 'không có trong tiền lệ', nói rằng "mỗi cán bộ và đảng viên phải có trách nhiệm làm gương. Chức vụ, cấp bậc càng cao thì càng phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn," Bloomberg trích lời ông Trọng trong bài báo hôm 7/6.
Việt Nam đã cảnh báo rằng tham nhũng có thể gây nguy hiểm cho tính chính danh và sự nắm giữ quyền lực của ĐCSVN, khi công chúng ngày càng không khoan dung với hối lộ.
Việt Nam, đất nước khoảng 100 triệu dân, cũng có rất nhiều lợi ích về kinh tế nếu có thể củng cố hình ảnh của mình như một nơi đáng để đầu tư. Các nhà sản xuất toàn cầu đã và đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ vươn khỏi Trung Quốc - nước vốn vướng vào chiến tranh thương mại với Mỹ - cuộc chiến mà Việt Nam được hưởng lợi.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tương đương hơn 100% GDP, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhất trên thế giới.
Thị trường chứng khoán Việt Nam là một thị trường mới nổi, và điều này có thể thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn. Là một nước tham gia vào khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương, Việt Nam cũng có cơ hội tăng cường quan hệ với Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này.
Điều gì thực sự phía sau chiến dịch 'đốt lò'?
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nổi tiếng với câu 'Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy'
Thế nhưng, khi nhìn vào thể chế độc đảng của Việt Nam, nơi kiểm duyệt gắt gao các tiếng nói phản biện, các nhà quan sát nhận định rằng 'thật khó để nói liệu có động lực nào khác ngoài việc xây dựng tính chính danh của ĐCSVN', theo tác giả Philip J. Heijmans trên Bloomberg.
Freedom House, một nhóm vận động có trụ sở tại Hoa Kỳ, xếp Việt Nam là nước "không có tự do", với số điểm năm ngoái chỉ là 19 điểm trên 100.
Các nhóm nhân quyền liên tục cáo buộc chính phủ Việt Nam đàn áp người bất đồng chính kiến.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một tổ chức chống tham nhũng có trụ sở tại Berlin, xếp Việt Nam ở vị trí 39/100 vào năm ngoái, tăng so với mức 31 vào năm 2012, năm mà chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó bị ảnh hưởng bởi một loạt vụ bê bối.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế nêu ra bốn yếu tố của các quốc gia 'không có tham nhũng': cơ chế tam quyền phân lập, một xã hội dân sự tự trị, nhà nước pháp quyền, và báo chí độc lập.
Ở Việt Nam, các cơ quan truyền thông do nhà nước quản lý chỉ đăng tải các bài báo về tham nhũng do các cơ quan nhà nước cung cấp. Những hạn chế về quyền tự do báo chí làm suy yếu chức năng điều tra độc lập của truyền thông nhà nước Việt Nam, làm giảm khả năng phát hiện tham nhũng, giảm áp lực lên chế độ về trách nhiệm giải trình, theo phân tích của nhà quan sát Nguyễn Hồng Hải trên East Asia Forum.
Cán bộ quan chức đặc biệt dễ bị tham nhũng trong một xã hội thiếu sự kiểm tra và cân bằng này.
Với sự chú ý ngày càng tăng của công chúng, vụ án Việt Á sẽ được coi là 'test thử' cho các nỗ lực chống tham nhũng của ông Trọng và ĐCSVN. Cư dân mạng Việt Nam đang đặt câu hỏi về 'trùm' thực sự đằng sau vụ án nhiều triệu đô la này. Một số người nghi ngờ rằng vụ án hoàn toàn là sự "thao túng của nhà nước" chứ không phải chỉ xoay quanh một vài 'diễn viên phản diện'.
'Không đi đến đâu'?
Tham nhũng là thứ virus lây lan khắp các lĩnh vực ở Việt Nam. Nếu không có sự hiện diện mạnh mẽ của bốn yếu tố như Tổ chức Minh bạch Quốc tế nêu, các nỗ lực chống tham nhũng của ĐCSVN chắc chắn sẽ thiếu hụt. Quy mô thực sự của tảng băng tham nhũng của Việt Nam sẽ vẫn là một câu đố, theo nhà quan sát Nguyễn Hồng Hải.
Dù ông Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu vào năm ngoái, đã đề cập đến 'đạo đức' khoảng 40 lần, và rằng ông đã ra lệnh hành động "mạnh mẽ, quyết liệt và nhanh chóng hơn", chống tham nhũng kiểu các nước xã hội chủ nghĩa chẳng bao giờ đi đến đâu, theo một số nhà phân tích.
Nhà báo David Hutt cho rằng các chiến dịch chống tham nhũng của các nước cộng sản như Việt Nam, Lào, sẽ không bao giờ có kết quả.
Theo đó, ông David Hutt chỉ ra rằng các chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra ở Việt Nam và Lào tập trung vào tư cách đạo đức của quan chức mà không giải quyết các cơ cấu chính trị vốn khuyến khích tham nhũng.
Ở Việt Nam, cũng giống như ở Lào, theo ông David Hutt, chiến dịch chống tham nhũng đi đôi với chiến dịch "đạo đức" nhằm thanh trừng những cán bộ có tư tưởng cải cách.
ĐCSVN coi lòng trung thành với Đảng là điều kiện tiên quyết để thăng chức, đồng thời cho ban hành vô số tài liệu nhấn mạnh rằng một đội ngũ "cán bộ mang tính chiến lược mới" "sẽ được hình thành từ những người thể hiện sự tận tâm với các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, lòng trung thành với các lãnh đạo hiện tại và sống có đạo đức", bài báo trên The Diplomat của David Hutt viết.
"Thay vì giải quyết gốc rễ hệ thống của sự tha hóa, họ cố gắng hoàn thiện bản chất con người. Tôi đã lập luận rằng điều này tiết lộ lý tưởng chủ nghĩa trong những người chống tham nhũng; họ tập trung vào đạo đức hơn là thể chế.
"Ngay cả khi cố gắng, người ta cũng không thể thiết kế một hệ thống hoàn hảo hơn hệ thống cộng sản của Lào và Việt Nam, nếu người ta muốn tham nhũng phát triển mạnh.
"Đây là các quốc gia độc đảng 'đóng cửa', nơi không có truyền thông tự do và không có tòa án độc lập, trong đó sự phân chia quyền lực trong chính phủ đến từ cơ chế 'cho nhận'," theo David Hutt.
https://www.bbc.com/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét