Muốn biết giá cả tăng vọt thế nào, nên hỏi những người buôn bán ở chợ hơn là tin vào con số của thống kê Việt Nam. Ảnh báo Phụ nữ Việt Nam
Trong những ngày này, khắp thế giới đâu cũng thấy bàn chuyện giá cả hàng hóa leo thang, nói gọn là lạm phát. Cuộc chiến tranh ở Ukraine, thế giới cấm vận dầu và khí đốt của Nga đẩy giá xăng dầu lên các mức kỷ lục mới. Chuỗi cung ứng hàng hóa vốn đã bị gián đoạn trong hai năm đại dịch Covid-19 hiện vẫn chưa hoàn toàn phục hồi một phần do Trung Quốc thực hiện phong tỏa nhiều thành phố để thực hiện chiến lược “zero-Covid” làm nạn khan hiếm hàng hóa thêm trầm trọng. Chỉ có Việt Nam là khác!
Lạm phát thấp… giả tạo
Nhu cầu tiêu thụ tăng sau đại dịch nhưng hàng hóa không cung ứng đủ, từ xăng dầu, sữa bột cho trẻ em đến bột mì, ngũ cốc, thậm chí cả băng vệ sinh cho phụ nữ… đã đẩy giá hàng hóa tăng vọt. Tại Mỹ, chỉ số lạm phát tháng Năm là 8.6%/năm, tức là so với tháng Năm năm ngoái, giá hàng hóa đã tăng bình quân 8.6%, mức cao nhất trong hơn bốn mươi năm qua. Lạm phát ở Mỹ bằng với mức lạm phát bình quân của khu vực đồng euro châu Âu nhưng vẫn thấp hơn lạm phát của các nước Hòa Lan (8.8%), Anh (9.1%), Tây Ban Nha (10.2%), Brazil (11.73%), Nga (17.1%), Argentina (60.7%) và Thổ Nhĩ Kỳ (78.62%). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, trong năm nay, lạm phát sẽ ở mức bình quân 5.7% ở các nền kinh tế phát triển; 8.7% ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Nhưng có một nước mà giá cả tăng rất chậm, chậm đến mức các nhà kinh tế học không giải thích nổi – đó là Việt Nam. Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố đầu tháng này, chỉ số giá tiêu dùng sáu tháng đầu năm nay chỉ tăng 2.44%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% mà chính phủ đề ra, lạm phát cơ bản chỉ tăng 1.25% so với cùng kỳ năm trước.
Con số này khác xa những gì đang diễn ra trong thực tế cuộc sống, khác xa cảm nhận của người dân, từ bà nội trợ, anh chạy xe ôm tới các ông chủ doanh nghiệp ở mọi ngành nghề kinh tế.
Chỉ tính riêng mặt hàng xăng dầu, từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã tăng 13 lần; hiện giá xăng Việt Nam đang ở mức kỷ lục và cao hơn giá xăng ở Mỹ hoặc Nhật Bản. Giá xăng tăng kéo theo tất cả các loại hàng hóa khác, từ mớ rau con cá trong bữa ăn đến các sản phẩm phục vụ việc sản xuất vì hàng hóa nào cũng cần phải được vận chuyển.
Nhà báo Hoàng Tư Giang của báo Vietnamnet, một trong số ít cây bút chuyên về kinh tế Việt Nam, trích dẫn báo cáo của Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, Nguyễn Quốc Hiệp gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho biết: “Tính từ cuối năm 2020, đầu 2021 đến nay, giá thép tăng từ 20-60%; giá xi măng tăng từ 1.400đ lên 1.980đ/kg; nhựa đường từ 11.000đ lên 15.500đ/kg… Tất cả các loại vật liệu đều tăng cao, làm giá thành gói thầu tăng lên từ 18-30%.” Ông Hiệp than thở, trước thách thức này, các doanh nghiệp xây dựng “thật sự đang đối mặt nguy cơ tàn lụi dần”. Ông Giang cho biết, tiếng kêu của ông Hiệp cũng là từ khắp các hiệp hội doanh nghiệp. “Nó được đồng vọng ở khắp các diễn đàn, hội thảo, báo chí; chỉ có điều, tiếng kêu này không được thể hiện trong mức tăng chỉ số giá tiêu dùng của Tổng cục Thống kê”, ông Giang viết.
Kinh tế tăng… ảo
Số liệu thống kê về mức lạm phát thấp tới kinh ngạc còn mâu thuẫn với những số liệu khác mà các chuyên gia kinh tế cũng “bó tay”, không hiểu được. Theo quy luật cung cầu, giá hàng hóa tăng khi thiếu hàng hoặc dư tiền hoặc cả hai yếu tố xảy ra cùng lúc. Thiếu hàng do chiến tranh, do gián đoạn chuỗi cung ứng thì đã rõ, còn dư tiền có xảy ra hay không? Trong kinh tế vĩ mô “dư tiền” xảy ra khi nguồn cung tiền từ ngân hàng nhà nước ra thị trường tiền tệ tăng nhanh hơn nhu cầu. Báo chí trong nước cho biết lượng cung tiền của Việt Nam hiện đã lên tới hơn 180% tổng sản lượng quốc gia GDP, nghĩa là trên thị trường đang lưu hành một lượng tiền mặt nhiều gần gấp đôi năng lực sản xuất và dịch vụ của nền kinh tế. Trong hoàn cảnh tiền mặt dồi dào như thế, giá hàng hóa không tăng mạnh, lạm phát không cao là chuyện rất lạ.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng lên tới 17.09%, nói nôm na là ngân hàng cho vay nhiều hơn, đưa ra thị trường số tiền nhiều hơn 17.09% so với cùng kỳ năm ngoái. Để có tiền cho vay, các ngân hàng thương mại đã tăng tiền lời lên 7%-7.3%/năm; điều đó có nghĩa là lãi suất (hay số phân lời cho vay) phải lên mức tối thiểu 11%-12%, nói theo kiểu người Mỹ là 11, 12 “chấm”. Đây là mức lãi suất cho vay hủy diệt doanh nghiệp vì khó có ngành nghề kinh doanh nào chịu nổi số phân lời cao như vậy, trừ những kẻ lừa đảo hay buôn ma túy! Các công ty ở Việt Nam nối nhau chết như ngả rạ, công ty vận tải tính đường bán xe, tàu đánh cá nằm bờ vì không chịu nổi phí xăng dầu là những ví dụ. Theo lời nhà báo Hoàng Tư Giang dẫn trên thì các nhà thầu xây dựng và những ngành nghề khác cũng không khác.
Ấy thế nhưng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế Việt Nam nửa đầu năm nay tăng trưởng ở mức 6.42% so với cùng kỳ năm trước, riêng quý 2-2022 đạt tăng trưởng 7.72%, cao nhất trong giai đoạn 2011 đến nay. Để so sánh, nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc ước tăng trưởng khoảng 4%, của Mỹ chỉ đạt 2.8% theo ước đoán của các chuyên gia kinh tế. Việt Nam quả là một hiện tượng độc đáo, sắp thành rồng thành hổ tới nơi!
Trong sáu tháng đầu năm nay chỉ số chứng khoán VN-Index mất gần một phần ba số điểm.
Số ma và hậu họa
Số liệu thống kê kinh tế, về lạm phát, về tăng trưởng GDP là một nguồn thông tin tham khảo quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách dựa vào để đưa ra các biện pháp điều hành kinh tế – xã hội. Nó cũng giống như những con số “sinh tử” về nhịp tim, huyết áp, chỉ số đường, mỡ, các xét nghiệm căn bản về cơ thể bệnh nhân giúp thầy thuốc bắt đúng bệnh, kê đúng thuốc; các chỉ số này sai thì đoán bệnh sai, kê đơn sai và bệnh không thuyên giảm.
Ở Việt Nam, số liệu thống kê luôn được “xào nấu” cho vừa với khẩu vị của nhà cai trị cộng sản, bất chấp thực tế cuộc sống mà lúc nào cũng phải “tiến nhanh, tiến mạnh”. Những số liệu ma quỷ trong báo cáo thống kê góp phần đưa tới những chính sách hoang tưởng, phi thực tế, khiến đất nước đi từ thất bại này đến thất bại khác, càng ngày càng lụn bại.
Chỉ có trên thị trường chứng khoán các nhà đầu tư không chịu tin vào các con số đẹp như mơ của nhà nước mà thấy trước triển vọng u ám của nền kinh tế: trong sáu tháng đầu năm nay chỉ số VN-Index của sàn giao dịch TPHCM giảm từ 1550 điểm xuống còn 1169 điểm, tức là mất đi một phần ba giá trị vốn của thị trường và chưa có dấu hiệu hồi phục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét