Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

John Mac Ghlionn * - Liệu có bao nhiêu quốc gia Á Châu đứng về phía Hoa Kỳ trong vấn đề Đài Loan?

https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/08/taiwan-1200x800-1.jpg

Quốc kỳ Đài Loan tung bay tại quảng trường trước lễ kỷ niệm quốc khánh ở thành phố Đào Viên, Đài Loan, ảnh chụp ngày 08/10/2021. (Ảnh: Ann Wang/Reuters) 

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quả quyết rằng chỉ có “một Trung Quốc” và rằng người dân Đài Loan phải theo lệnh và phải báo cáo với Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình, vị chủ tịch độc tài của Trung Quốc, đã nói nhiều hơn một lần, rằng việc “thống nhất” Đài Loan [với Đại lục] ắt phải xảy ra, kể cả phải dùng đến vũ lực nếu cần. 

Trái với suy nghĩ của nhiều người, Hoa Kỳ không ủng hộ Đài Loan độc lập. Theo một tuyên bố chính thức, chính phủ Hoa Kỳ phản đối “bất kỳ sự đơn phương thay đổi hiện trạng nào từ cả hai phía.” Mặc dù Hoa Kỳ “không ủng hộ Đài Loan độc lập,” nhưng những người ở Hoa Thịnh Đốn “rất mong những mâu thuẫn giữa hai bờ eo biển sẽ được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình.” 


Nếu như Đài Loan không muốn trở thành một phần trong kế hoạch của ĐCSTQ, thì mong muốn của hòn đảo tự trị này nên được tôn trọng. Không biết các quốc gia khác trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương có quan điểm tương tự, hay là họ kiên định ủng hộ Trung Quốc? Đáp án cho câu hỏi này có liên quan đến Hoa Kỳ và bất kỳ quốc gia nào khác tin rằng nhân dân Đài Loan nên được sống trong hòa bình. 

Bà Shannon Tiezzi, tổng biên tập của tờ The Diplomat, mới đây đã thực hiện một phân tích khá thu hút. Bà hỏi liệu có bao nhiêu quốc gia đứng về phía Hoa Kỳ trong vấn đề Đài Loan và có bao nhiêu quốc gia đứng về phía ĐCSTQ. Để trả lời câu hỏi này, bà đã phân tích hàng chục tuyên bố của các Bộ Ngoại giao ở khắp khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. 

Bà viết, hai quốc gia ủng hộ Trung Quốc mạnh mẽ nhất là Myanmar (Miến Điện) và Bắc Hàn. Ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi thực hiện chuyến đi bất ngờ đến Đài Loan, chính quyền quân sự của Miến Điện đã đưa ra một tuyên bố cáo buộc bà Pelosi làm leo thang căng thẳng trên eo biển Đài Loan một cách không cần thiết. Bắc Hàn cũng đồng quan điểm, chỉ trích “sự can thiệp thô bạo” của Hoa Kỳ vào “vấn đề nội bộ của các quốc gia khác.” 

Mặc dù mức độ ủng hộ này đối với ĐCSTQ là trường hợp hy hữu, bà Tiezzi lưu ý, nhưng có đến 10 quốc gia khác đã bày tỏ quan điểm giống y chang quan điểm của Bắc Kinh. Có nghĩa là, cả 10 quốc gia đó đều coi Đài Loan là “một phần bất khả xâm phạm của Trung Quốc,” bà lưu ý. 

Tại Nepal, quốc gia mà tôi thường xuyên đến thăm và là quốc gia mà trước đây tôi từng thảo luận chi tiết, quốc gia có địa hình núi non hiểm trở này vẫn cam kết trung thành với chính sách “một Trung Quốc” của ĐCSTQ. Bắc Kinh đã đáp lại bằng cách cam kết đầu tư nhiều hơn nữa vào Kathmandu, thủ đô của Nepal và các địa khu xung quanh. Vào trung tuần tháng Tám, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố viện trợ 118 triệu USD cho Nepal. Hai nước cũng đang hợp tác để xây dựng một tuyến đường sắt xuyên biên giới từ Nepal tới Tây Tạng. Đây là một mạng lưới kết nối xuyên dãy Himalaya. 

https://www.epochtimesviet.com/wp-content/uploads/2022/08/NEPAL-CHINA-DIPLOMACY-1200x800-1.jpg

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Phải) cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Narayan Khadka vẫy tay chào trước cuộc họp tại Singhadurbar ở Kathmandu hôm 26/03/2022. (Ảnh: Prakash Mathema/AFP qua Getty Images) 

Tại Pakistan, cách Nepal hai giờ bay, các nhà lãnh đạo nước này gần đây đã tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với chính sách “một Trung Quốc”. Theo một tuyên bố chính thức, chính phủ Pakistan “kiên quyết ủng hộ chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.” 

Sáu quốc gia đã thông qua điều mà bà Tiezzi phân loại “là lập trường trung lập thực sự,” kêu gọi “tất cả các bên” thận trọng trong từng đường đi nước bước, tập khống chế bản thân, và “kiềm chế để tránh làm leo thang tình hình.” Các quốc gia này không chọn bên. Một trong các quốc gia này là Indonesia, nơi có nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, thu hút sự quan tâm của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. 

Trong khi đó, Ấn Độ, New Zealand, Singapore, và Việt Nam “định vị bản thân gần hơn với Hoa Kỳ,” bà Tiezzi lưu ý. Tuy nhiên, cả bốn quốc gia này không trực tiếp lên án Trung Quốc. Điển hình, Singapore chỉ đơn giản nhấn mạnh rằng, “cần tránh những tính toán sai lầm và các sự cố ngoài ý muốn, có thể dẫn đến một vòng xoáy leo thang và gây mất ổn định trong khu vực.” 

Song song với đó, Ấn Độ đã mất một tuần rưỡi để đưa ra một tuyên bố chung sau chuyến đi đến Đài Loan của bà Pelosi, nhấn mạnh sự cần thiết phải tập kiềm chế cũng như sự cần thiết trong việc “duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.” Tuy nhiên, giờ đây, Bắc Kinh đang gây áp lực buộc New Delhi phải cam kết trung thành với chính sách “một Trung Quốc.” Liệu Ấn Độ có chấp nhận lời đề nghị của Bắc Kinh? Chỉ thời gian mới có câu trả lời. 

Trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Úc và Nhật Bản là hai quốc gia duy nhất kiên quyết đứng về phía Hoa Kỳ, những đồng minh duy nhất sẵn sàng công khai chỉ trích các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan. 

Đừng lo lắng. Mặc dù dường như Hoa Kỳ không có nhiều đồng minh trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, nhưng chí ít thì họ có sự ủng hộ của Âu Châu. Không biết có phải vậy không? Dĩ nhiên, Âu Châu không phải là một khối thống nhất. Lục địa này gồm nhiều quốc gia có quan điểm và nghị trình khác biệt; một vài quốc gia trong số này chịu ân huệ của Trung Quốc. 

Mười tám quốc gia Âu Châu là thành viên của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Ngay cả Đức — thủ phủ kinh tế của Âu châu — cũng dựa vào Bắc Kinh. 

Theo lời ông Norbert Röttgen, một chính trị gia danh tiếng, sự nương nhờ của Đức vào Trung Quốc “tạo ra sự phụ thuộc khiến chúng ta bất lực. Sự phụ thuộc này đang gia tăng với “tốc độ khủng khiếp.” Mặc dù Berlin chịu áp lực đáng kể trong việc giữ khoảng cách với Bắc Kinh, nhưng điều ngược lại dường như đang xảy ra. Người Đức đang tự chui đầu vào rọ. Nếu Berlin chỉ trích Bắc Kinh, có nguy cơ họ phải chứng kiến nền kinh tế thịnh vượng của mình trở thành một nền kinh tế đầy tuyệt vọng. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của nước Đức. 

Điều này đặt ra câu hỏi: Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, liệu Đức có thực sự đứng lên chống lại Trung Quốc hay không? Liệu có bao nhiêu quốc gia trên toàn thế giới sẽ thực sự đứng lên để chống lại Trung Quốc? 

Thành thật mà nói, chúng ta không thể biết chính xác. Tuy nhiên, sau khi viết bài báo này và đọc rất nhiều phản ứng thờ ơ từ các chính phủ trên toàn thế giới, tôi e rằng chỉ một số ít quốc gia sẽ có lập trường phản chiếu quan điểm đó của Hoa Kỳ.

*John Mac Ghlionn : Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng thông tấn như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.

Doanh Doanh biên dịch

https://www.epochtimesviet.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét