Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

KHỦNG HOẢNG TÀI CHÁNH TẠI TRUNG QUỐC

...Khi thủy triều xuống, chúng ta trở lại chuyện kinh tế cũng là chính trị.

Trung Quốc tưởng là tìm ra phép thần kỳ với chiến lược tăng trưởng bằng đầu tư, tín dụng và xuất cảng. Nhưng chỉ có lượng mà thiếu phẩm. Đầu tư ào ạt gây lãng phí, tham ô. Khối tín dụng dồi dào thổi lên bong bóng và trở thành một núi nợ sẽ sụp. Trong khi ấy xuất cảng giảm sút vì các thị trường Âu-Mỹ-Nhật đều co cụm. Lãnh đạo Bắc Kinh ý thức được sự hiểm nguy đó nên cố chuyển qua chiến lược khác.

Nhưng khi cỗ xe quẹo cua thì cũng là lúc dễ lật.
//


Nguyễn-Xuân Nghĩa -

Thủy Triều Xuống - Trồi Lên Một Núi Nợ...


* Nhà ga Vũ Hán hiện đại và vĩ đại - mà vắng khách *


Khi Chủ tịch Tập Cận Bình khoa trương sức mạnh kinh tế Trung Quốc tại thượng đỉnh Mỹ-Hoa ở Rancho Mirage thì một ngân hàng Trung Quốc vỡ nợ. Sau đó là một chuỗi biến động...

Everbright Bank hay Đại Quang Ngân hàng là ngân hàng đầu tư đứng hạng 11 của Trung Quốc về ngạch số tài trợ, và là chi nhánh của tập đoàn Đại Quang, cơ sở quốc doanh thuộc hệ thống Hối Kim Trung Uơng, Central Huijin, là tập đoàn đầu tư chi nhánh của Công ty Đầu tư Trung Quốc CIC, tập đoàn tài chánh do Quốc vụ viện (Hội đồng Chính Phủ) Trung Quốc quản lý qua Bộ Tài chánh.

Từ Everbright qua Đại Quang Đầu Tư lên Hối Kim, rồi CIC, Bộ Tài chánh và Quốc vụ viện, một chuỗi doanh nghiệp lồng vào nhau như búp bê Nga, trong bàn tay phù thủy của nhà nước....

Hôm mùng sáu Tháng Sáu, ngân hàng Everbright không trả được món nợ sáu tỷ đồng Nguyên, tương đương với 980 triệu Mỹ kim. Chủ nợ là Industrial Bank Co. hay Hưng nghiệp Ngân hàng tại Phúc Kiến bị vạ lây, không trả được nợ. Nói hoa mỹ là "vi ước" hay lỗi hẹn, nôm na là mấp mé vỡ nợ.

Nhiều trường hợp tương tự cũng đã xảy ra....



Biến cố ấy manh nha khi lãi suất liên ngân hàng tăng vọt từ cuối Tháng Năm khiến hệ thống tín dụng bị nghẽn. Doanh nghiệp thiếu thanh khoản, ngân hàng thiếu tiền mặt, dân chúng lại rút tiền ký thác để tránh ba ngày nghỉ mừng Tết Đoan Ngọ, từ mùng 10 đến 12 Tháng Sáu: khi bá tánh coi cảnh bơi thuyền rồng thì ngân hàng cạn nước.

Các ngân hàng khát vốn bắt đầu kêu cứu nhà nước thì hôm Thứ Tư 19, Quốc vụ viện của Thủ tướng Lý Khắc Cường ra một thông tư cứng cỏi: cơ bản thì nền kinh tế vẫn ổn định, nhà nước quyết tâm cải cách theo quy luật thị trường dù điều ấy có thể làm giảm mức tăng trưởng. Và sẽ duy trì chánh sách tín dụng cẩn trọng.

Diễn ra bạch văn là không bơm tiền vào hệ thống ngân hàng để làm hạ lãi suất.

Vài ngày sau, ngân hàng trung ương vẫn kín đáo can thiệp theo lối nhỏ giọt: lãi suất trung bình vào Tháng Năm từ 4% tăng vọt lên 14% liền giảm xuống mức 9%. Hú vía? Nhưng vụ ách tắc tín dụng che khuất nguy cơ khủng hoảng ngân hàng. Lý do là sau khi đạt mức tăng trưởng 9-10%, kinh tế Trung Quốc đang mất dần tốc độ. Thấp hơn 8% là nguy ngập, dưới 7% thì coi như "hạ cánh nặng nề".

Nay thủy triều bắt đầu rút, để lộ ra một núi nợ tầy trời. Vì đâu nên nỗi?


***


Khi Hoa Kỳ và Âu Châu bị dập vùi trong khủng hoảng tài chánh năm 2008 và kinh tế suy trầm thì Trung Quốc ráo riết gia tăng đầu tư, bơm tiền kích thích và vượt Nhật Bản vào năm 2010. Từ đó thiên hạ nói đến ngày kinh tế Trung Quốc qua mặt Hoa Kỳ.

Nhưng đấy chỉ là mệnh giá, mặt nổi của thống kê kiểu Bắc Kinh. Thực tế thì khối tín dụng từ chín ngàn tỷ đô la năm 2008 đã lên đến 23 ngàn tỷ. Về tốc độ thì tăng gấp đôi mức sản xuất kinh tế.

Tức là đồng tiền có đẩy mức tăng trưởng - rồi đẩy thừa ra ngoài.

Trước hết, tiền trút vào các tập đoàn kinh tế nhà nước giữ vai trò chiến lược trong công nghiệp: sắt, thép, xi măng, than đá, hợp kim, vật liệu sản xuất như quang năng hay phong năng (điện từ nắng và gió). Kết quả là sản xuất thừa, tồn kho chất đống làm các phương tiện sản xuất sụt giá, mà vẫn được ghi là sản lượng kinh tế và tạo ra việc làm.

Thứ đó, các địa phương lập ra công ty đầu tư vay tiền thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng như cầu đường, thiết lộ và hải cảng, phi trường. Quả nhiên là sản lượng cũng tăng trên mệnh giá, mà các dự án hoàn thành không thể khai thác ra tiền, trong khi quan chức thì hái ra tiền từ gốc. Công trình ế ẩm, nhà ga vắng khách trong thành phố ma là kết quả phổ biến. Chuyện thứ ba là tín dụng dồi dào với đất đai trong tay cán bộ có con dấu đã là dịp đầu cơ béo bở nên thổi lên bong bóng địa ốc, từ gia cư vô chủ đến thương xá trống trơn.

Mà không chỉ có vậy.

Xưa kia, trung ương kiểm soát đến 95% lượng tín dụng ngân hàng. Năm năm qua, trung ương bị qua mặt, vì đến 45% lượng tín dụng lại lọt ra khỏi sổ sách ngân hàng và chảy vào ngả khác, gọi là "shadow banking". Đó là các quỹ đầu tư, công ty "quản lý tài phú", wealth management, nhà cầm đồ, cơ sở cho vay lãi trên thị trường chui, v.v... Đặc tính chung của loại hình ngoài ngân hàng là thiếu sổ sách phân minh, mơ hồ khi thẩm định rủi ro. Và bị ung thối nặng.

Lý do bành trướng của khu vực chui là vì lãi suất ký thác ấn định quá thấp nên ai cũng muốn tìm mức lời cao với rủi ro lớn hơn ở bên ngoài. Một nguyên nhân khác là tư doanh khó vay tiền từ ngân hàng nên phải đi vay trên thị trường đen với lãi suất cắt cổ từ những kẻ thần thế có thể vay tiền rất rẻ trên thị trường chính thức.

Rốt cuộc thì sau khi tăng 80% kể từ 2008, tổng số nợ của tư nhân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương nay đã lên tới 210% Tổng sản lượng. Tờ China Securities Journal đưa ra con số còn cao hơn: 221% Tổng sản lượng. Công ty môi giới đầu tư CLSA Securities thì dự báo một tỷ lệ còn kinh hoàng hơn cho năm 2015: 245% Tổng sản lượng GDP. Một núi Thái Sơn.

Khi đã tài trợ loại dự án ít sinh lời, ế ẩm và đầy rủi ro thì núi nợ vĩ đại này phải có nhiều khoản ung thối và sẽ mất. Mức nợ xấu do Bắc Kinh đưa ra là 1% thì chỉ có thể thuyết phục được... Ban Tuyên truyền Trung ương.

Nhiều nơi khác ước lượng là phải đến 20%, hoặc còn cao hơn.

Nếu không mắc bệnh quên trí nhớ, lãnh đạo Bắc Kinh tất nhìn ra cái dạng quen quen của đà gia tăng tín dụng. Nhật Bản, Nam Hàn hay Hoa Kỳ đã có thời vay mượn như vậy. Cho đến khi khối tín dụng mấp mé 200% Tổng sản lượng thì lãnh cơn khủng hoảng. Nhật Bản vào năm 1990, Nam Hàn vào năm 1998 và Hoa Kỳ vào năm 2008.

Khi núi nợ sụp đổ thì biến động sẽ xảy ra từ vòng ngoại vi vào đến cốt lõi là các ngân hàng. Cho nên, sau vài tháng theo dõi chuyện Trung Quốc xoay trở - "một cách tinh vi" theo lời Ngân hàng Trung ương - với nạn ách tắc tín dụng, người ta sẽ mất vài năm ngắm cảnh núi lở cát truồi.

Bắc Kinh khó để ngân hàng vỡ nợ theo lối dây chuyền nên sẽ đáp vốn nhờ dự trữ của hệ thống ngân hàng, cỡ ba ngàn tỷ đô la, rồi khối dự trữ ngoại tệ trị giá hơn ba ngàn tỷ nữa (3,44 ngàn tỷ cho chính xác). Nhưng ngần ấy có đủ không? Mà dự trữ ngoại tệ không là đồng tiền bất động vì đã được đầu tư vào nơi khác nên chẳng dễ đổi thành hiện kim, bạc mặt. Và sau đấy thì sao?

Các đấng con trời vốn không khờ, chẳng đợi ngày núi lở, nhiều đại gia đã rút vốn bỏ chạy. Tính đến mùng năm vừa qua, một tỷ rưỡi đã được triệt thoái khỏi thị trường Trung Quốc, và sẽ tiếp tục như nước tháo làm cổ phiếu tiêu chảy...

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét