Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng bị tuyên ba năm tù vì "trốn thuế 6,7 tỷ đồng"
RFA
28/9/2023
Bà Hoàng Thị Minh Hồng trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa xả thải gây ô nhiễm bốn tỉnh miền Trung năm 2016
Facebook
Ngày 28/9, Toà án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã kết tội “trốn thuế” đối với nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng với bản án ba năm tù giam cùng hình phạt bổ sung 100 triệu đồng.
Bà Hồng, 51 tuổi, là sáng lập viên và giám đốc của Trung tâm Hành động và Lliên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), một tổ chức phi lợi nhuận, truyền cảm hứng cho cộng đồng bảo vệ thiên nhiên môi trường, động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.
Bà bị bắt ngày 31/5 vừa qua vì bị cho là chỉ đạo nhân viên của tổ chức không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không thực hiện đầy đủ thủ tục về kế toán, hóa đơn, chứng từ... cho khoản thu 69 tỷ đồng.
Đây là khoản tài trợ của các tổ chức nước ngoài cho những dự án của tổ chức CHANGE trong thời gian từ 2012 cho đến khi giải thể năm 2022. Số tiền bị cho là trốn thuế lên tới 6,7 tỷ đồng.
Báo mạng Thanh Niên đưa tin trong phiên toà, bà Hồng đã “thừa nhận hành vi phạm tội, và khai đã vận động gia đình khắc phục hơn 3,5 tỉ đồng để nhận được sự khoan hồng của nhà nước.”
Vẫn theo báo này, hội đồng xét xử đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bà Hồng như thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, được chính phủ tặng bằng khen... để giảm nhẹ một phần hình phạt.
Bình luận về phiên toà diễn ra trong sáng thứ năm, phát ngôn nhân Văn phòng khu vực Châu Á của tổ chức Ân xá Quốc tế nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua email trong ngày 28/9:
“Chính quyền Việt Nam phải chấm dứt việc đàn áp các nhà vận động môi trường ngay lập tức. Bằng cách giam giữ những người cống hiến cho công lý khí hậu, chính quyền đã hạn chế khả năng của Việt Nam trong việc giải quyết một trong những vấn đề gây hậu quả nặng nề nhất của thời đại chúng ta.”
Nhắc lại việc bà Hoàng Thị Minh Hồng là người Việt Nam đầu tiên đến Nam Cực và đã cống hiến cả đời mình để vận động cho năng lượng sạch cũng như bảo tồn động vật hoang dã, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở London kêu gọi Hà Nội "phải trả tự do cho tất cả các nhà hoạt động và chuyên gia môi trường ngay bây giờ."
Ông Ben Swanton, đồng giám đốc Dự án 88, một tổ chức phi chính phủ đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua tin nhắn trong ngày 28/9:
“Lời kết tội này hoàn toàn là một sự giả tạo, đừng ai bị lừa. Phiên tòa mang tất cả những đặc điểm nổi bật của một phiên tòa trình diễn. Quá trình xét xử kéo dài chưa đầy ba giờ đồng hồ, cho thấy bản án đã được định đoạt từ trước.
Bản án của bà Hồng là một ví dụ khác về việc Chính phủ Việt Nam sử dụng luật pháp để trừng phạt các nhà hoạt động khí hậu trong nước vì đã dám thách thức sự độc quyền của Đảng Cộng sản trong việc hoạch định chính sách.”
Theo ông, việc Nhà nước Việt Nam không bị trừng phạt vì hành vi trái pháp luật này đã đưa tới ảnh hưởng tiêu cực. Ông nhấn mạnh:
“Chính quyền Việt Nam đang sử dụng cáo buộc ‘trốn thuế như một biện pháp ngăn chặn sự xuất hiện của xã hội dân sự độc lập, đồng thời hạn chế các quyền cơ bản về tự do lập hội và tự do ngôn luận.”
Bà Hồng được biết đến là một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng ở Việt Nam và trên trường quốc tế. Năm 2019, Tạp chí Forbes đã bình chọn bà là một trong 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.
Bà là người Việt Nam đầu tiên tới Nam Cực trong chuyến thám hiểm quốc tế với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng thế giới về vấn đề khí hậu nóng lên toàn cầu...
Bà tích cực khởi xướng và điều hành nhiều hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu…
Bà nhận được nhiều giải thưởng cho các hoạt động đó. Vào năm 2015 bà được tổ chức climateheroes.org đưa vào danh sách “Các anh hùng Khí hậu” nhân Hội nghị Liên Hiệp quốc về Biến đổi Khí hậu COP21.
Bà là một trong năm người được trao giải Đại sứ truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2019, và giải Chiến binh Xanh của Năm của giải Elle Style Awards.
Sau khi bà bị bắt giữ, chính phủ nhiều quốc gia dân chủ, hàng chục tổ chức quốc tế về nhân quyền và môi trường đã bày tỏ sự quan ngại về việc giam giữ bà, kêu gọi Việt Nam xoá bỏ cáo buộc và trả tự do cho bà.
Một ngày trước phiên toà, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo báo chí thúc giục Hà Nội phóng thích bà. Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á kêu gọi Việt Nam nên “ngừng việc trừng phạt các nhà hoạt động có các hoạt động ôn hòa liên quan đến biến đổi khí hậu và các chính sách xanh, đồng thời bỏ cáo buộc đối với bà Hoàng Thị Minh Hồng.”
Cuối tháng 7, Ba báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, về quyền tự do hội họp và lập hội, và về nghĩa vụ nhân quyền liên quan đến việc hưởng một môi trường an toàn, sạch sẽ, lành mạnh và bền vững đã gửi một thư chung đến Chính phủ Việt Nam. Trong thư, các chuyên gia nhân quyền bày tỏ lo ngại rằng “cáo buộc trốn thuế dường như có động cơ chính trị và nhắm vào công việc chính đáng của bà Hồng là bảo vệ môi trường.”
Các chuyên gia liên hệ việc bắt giữ bà Hồng với các vụ bắt giữ lãnh đạo của một số tổ chức xã hội dân sự có đăng ký với nhà nước gần đây như bà Nguỵ Thị Khanh, luật sư Đặng Đình Bách, nhà báo Mai Phan Lợi, và ông Bạch Hùng Dương, nói rằng việc tống giam họ nằm trong chiến dịch trấn áp rộng rãi đối với những người bảo vệ quyền môi trường và chống lại không gian dân sự ở Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/environmental-activist-hoang-thi-minh-hong-sentenced-to-three-years-for-tax-evasion-09282023031704.html
TNLT Lê Trọng Hùng tuyệt thực ngày thứ 25, tinh thần vẫn kiên định
RFA
28/9/2023
Ông Lê Trọng Hùng và vợ là bà Đỗ Lê Na trước khi ông bị bắt
FB Tử Đinh Hương
Tính đến ngày 28/9/2023, tù nhân lương tâm (TNLT) Lê Trọng Hùng tuyệt thực đến ngày thứ 25 trong Trại giam số 6 và dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 09/11.
Ông Hùng, 44 tuổi, đang thi hành án tù năm năm về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Nhà báo độc lập này bị bắt ngày 27/3/2021 sau khi tuyên bố ứng cử vào Quốc hội Việt Nam trong cuộc bầu cử vào tháng năm năm đó.
Trong cuộc tuyệt thực lần thứ hai này, ông có mục tiêu yêu cầu toà án mở lại phiên phúc thẩm vụ án của ông, do khi tòa xét xử không có luật sư và người nhà cũng không được thông báo.
Ông cũng yêu cầu cán bộ Trại giam số 6 tôn trọng quyền lợi chính đáng của tù nhân, và đề nghị đại biểu Quốc hội vào gặp vì bản thân đang đề nghị thành lập Tòa Bảo Hiến.
Bà Đỗ Lê Na đến trại giam ở Thanh Chương, Nghệ An để thăm gặp chồng là ông Hùng vào ngày 23/9 vừa qua, và được biết sau 21 ngày nhịn ăn hoàn toàn (chỉ uống nước), ông đã giảm 9 kg từ mức 68 kg với chiều cao 1m63.
Bà nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 27/9 như sau:
“Tôi cũng không rõ là thực chất tình trạng sức khỏe của anh đến mức độ nào rồi nhưng mà thấy hôm đó có những năm người đưa anh vào phòng thăm gặp. Tuy nhiên là tinh thần của anh vẫn rất kiên cường và lạc quan.”
Khi hỏi về kế hoạch tuyệt thực của chồng, bà Na - một giáo viên khiếm thị cho biết:
“Anh vẫn khẳng định rằng, anh sẽ vẫn tiếp tục (tuyệt thực-PV) cho đến khi nào nguyện vọng của anh được đáp ứng, nghĩa là đại biểu quốc hội vào gặp anh hoặc là trại giam phải có những động thái tỏ ra là họ sẽ giải quyết yêu cầu của anh.”
Bà nói rằng cả hai vợ chồng đều nhận thức rằng ít có khả năng đại biểu quốc hội chịu vào trại giam để gặp ông Hùng, nhưng ông vẫn cứ tuyệt thực để chứng minh cho người dân và cộng đồng quốc tế về thực chất của Quốc hội Việt Nam hiện nay. Bà thuật lại lời chồng:
“Người đại biểu cho nhân dân cho quyền lợi của các cử tri mà lại bỏ mặc nguyện vọng cũng như là sinh mệnh của cử tri mình thì họ đang đại diện cho quyền lợi của Đảng chứ không còn là đại diện cho quyền lợi của cử tri nữa.”
Kể từ khi ông Hùng bắt đầu tuyệt thực vào ngày 3/9, bà đã hai lần gửi thư đến một số đại biểu quốc hội mà chồng bà có nhắc đến, như ông Lưu Bình Nhưỡng- Phó trưởng ban Dân nguyện và bà Lê Thu Nga- Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, và một số đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội, để kêu gọi họ chú ý đến trường hợp của ông.
Ngày 25/9, bà cũng đã viết một thỉnh nguyện thư khẩn cấp để gửi đến Liên Hiệp Quốc, nhiều tổ chức nhân quyền, một số cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài ở Việt Nam để kêu gọi họ lên tiếng với Chính phủ Việt Nam với Quốc hội Việt Nam để yêu cầu nhà chức trách Việt Nam phải làm đúng chức năng của mình trong việc giải quyết nguyện vọng của chồng bà để cứu lấy sinh mệnh của ông.
Bà nói rằng cho đến nay chưa có cá nhân hay cơ quan nào, kể cả Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An, cho người đến trại giam để gặp ông. Trại giam chỉ cử một nhân viên y tế đến đo huyết áp của ông hai lần trong một ngày.
Trại giam đã áp dụng biện pháp an ninh nghiêm ngặt khi gia đình thăm gặp ông Hùng ngày 23/9, tăng cường kiểm tra nhằm ngăn chặn việc bà Na quay phim, chụp ảnh hay ghi âm khi vào gặp chồng.
Một số bạn hữu như bà Đỗ Thị Thu, vợ TNLT Trịnh Bá Phương và cựu TNLT Đặng Thị Huệ đồng hành trong chuyến thăm gặp vừa qua.
Bà Na cho biết chính quyền Nghệ An đã đưa nhiều người mặc thường phục đến vây quanh khi họ ngồi nghỉ ngơi gần trại giam. Thậm chí, một người mặc đồng phục công an xã còn ngồi gần với một con dao rựa để trước mặt.
Công an Hà Nội cũng cử người canh gác gần nhà riêng của bà Na tại Hà Nội, cũng như theo dõi chặt chẽ khách khứa đến động viên ba mẹ con.
Ông Hùng là một cựu giáo viên của Trường Câm điếc Xã Đàn (Hà Nội), được nhiều người biết đến sau khi tham gia làm báo độc lập, đặc biệt là chương trình phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội Facebook và YouTube, có tên CHTV. Nội dung chủ yếu là phản biện chính sách, và tố cáo tham nhũng, sai phạm trong cưỡng chế đất đai.
Ông thường mua sách Hiến pháp hiện hành của Việt Nam để phát cho người dân, đồng thời nộp đơn ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 hồi năm 2021 và hứa sẽ vận động thành lập Tòa bảo hiến nếu trúng cử.
Ông sau đó bị bắt tạm giam vì bị cho rằng đã phạm tội "phát tán tài liệu chống nhà nước" trước khi cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra.
Sau khi ông kháng cáo bản án sơ thẩm, Hà Nội đã đưa ông xử phúc thẩm mà không có sự hiện diện của luật sư và gia đình.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/activist-le-trong-hung-in-his-25-consecutive-days-of-fasting-in-prison-09282023054643.html
Hãng sản xuất pin mặt trời của Trung Quốc đầu tư 400 triệu đô la xây dựng nhà máy ở Việt Nam
27/9/2023
Các tấm pin năng lượng mặt trời ỏ nhà máy điện mặt trời Sao Mai tại tỉnh An Giang hôm 25/9/2022 (minh họa)
AFP
Hãng sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc là Trina Solar đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy thứ ba tại Việt Nam để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ đối với mặt hàng này từ Trung Quốc.
Reuters dẫn ba nguồn tin giấu tên cho biết nhà sản xuất pin điện mặt trời này sẽ đầu tư từ 400 triệu đến 600 triệu dô la đầu tư vào nhà máy mới có diện tích 25 ha tại một khu công nghiệp. Nhà máy dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2025.
Các nguồn tin không cho Reuters biết kế hoạch cụ thể của dự án đầu tư này trong khi Trina hiện cũng chưa đưa ra bình luận gì.
Vào tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đưa ra kết luận rằng Trian và bốn công ty sản xuất pin mặt trời khác của Trung Quốc sử dụng nhà máy ở Thái Lan và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á để lẩn tránh thuế trừng phạt lên tấm pin năng lượng mặt trời do Trung Quốc sản xuất mà Mỹ áp đặt.
Tấm pin năng lượng mặt trời sản xuất tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 1/3 lượng nhập khẩu sản phẩm này của Mỹ trong quý một năm nay, theo thống kê của S&P Global Market Intelligence – công ty chuyên nghiên cứu thị trường.
Trina hiện là nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất tại Việt nam.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai vào Việt Nam trong năm nay. Vốn đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tính từ tháng một đến giữa tháng tám vừa qua lên đến 2,7 tỷ đô la, gấp hơn năm lần so với đầu tư từ các công ty Mỹ trong cùng kỳ, theo số liệu của Chính phủ Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/china-s-solar-plans-400-mln-dollars-vn-plant-after-us-sanctions-09272023083308.html
Đắk Lắk: Chín người dân phản đối phá vườn cà phê và sầu riêng bị tuyên án tù
27/9/2023
Những bị cáo tại phiên tòa hôm 27/9/2023 ở Tòa án Nhân dân huyện Krông Pắk
PLO
Chín người dân tham gia phản đối việc chặt phá vườn cà phê và sầu riêng ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk hồi tháng 11 năm ngoái vừa bị Tòa án Nhân dân huyện Krông Pắk hôm 27/9 tuyên án tù và án treo về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Chống người thi hành công vụ”.
Vụ việc xuất phát từ tranh chấp giữa Công ty Thắng Lợi và ông Nguyễn Thành Giang – người nhận khoán lô cà phê của Công ty TNHH MTV (sau đổi tên là Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi).
Theo cáo trạng, vào niên vụ năm 2018 - 2019, ông Giang không nộp sản lượng theo hợp đồng nên bị công ty khởi kiện. TAND huyện Krông Pắk tuyên buộc ông Giang phải trả cho Công ty Thắng Lợi hơn 5.000 kg cà phê quả tươi.
Sau khi thi hành án, ngày 7/7/2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắk đã giao vườn cây cho Công ty Thắng Lợi toàn quyền sở hữu và thông báo cho ông Giang biết.
Báo Nhà nước trích cáo trạng cho biết, vào ngày 7/11/2022, Công ty Thắng Lợi thuê người đến cưa hạ cây trồng để cải tạo vườn thì ông Giang cùng những người khác đến chửi bới, ngăn cản và đuổi những người đến cưa cây.
Tuy nhiên, người dân chứng kiến sự việc cho RFA biết vụ việc xảy ra vào khoảng 4 giờ 30 phút sáng ngày 7/11. Ông Giang được người dân phát hiện có tiếng cưa cây báo ông biết. Khi ông Giang ra hiện trường thì phát hiện khoảng năm người dùng cưa máy để đốn cây cà phê và sầu riêng 5-6 năm tuổi, một nhóm người khác cảnh giới và dùng đèn chiếu để chiếu sáng, tất cả đều mặc đồ thường phục.
Ông Giang bị một người trong số này đánh khi ông ra vườn định ngăn cản. Ông Giang đã phải gọi người dân gần đó đến giúp. Những người cưa cây bỏ chạy khi người dân đến. Người dân đã bắt ba người gồm hai người được thuê cưa cây và một người có chứng minh công an nhân dân Lê Văn Huy công tác ở Công an huyện Krông Pắk.
Theo cáo trạng, Công an huyện Krông Pắk cử tổ công tác phối hợp với Công an xã Hòa Đông đến hiện trường giải quyết vụ việc. Cáo trạng cho rằng đã có 300 người dân kéo đến vườn cây trong khi ông Giang và một số người đã lấy xe máy và các vật dụng khác chất thành đống ở ngã tư các vườn cây và hô hào bắt giữ nhóm người đi cắt cây.
Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đắk Lắk đã huy động 280 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với các lực lượng khác đến giải cứu những người bị bắt giữ.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt ông Nguyễn Thành Giang 4 năm 6 tháng tù, Dương Thị Thủy 2 năm 9 tháng tù, Nguyễn Thị Thanh Phong 2 năm 6 tháng tù, Ngô Công Anh 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội bắt giữ người trái pháp luật.
Các bị cáo, Trần Văn Thịnh 1 năm 3 tháng tù, Nguyễn Huy Công 1 năm 3 tháng tù, Lại Văn Trịnh 9 tháng tù, Huỳnh Văn Quân 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội chống người thi hành công vụ.
Bị cáo Lê Thị Lụa bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù về hai tội danh trên.
Siết xe cá nhân để giảm ùn tắc: Khó đủ thứ!
27/9/2023
Kẹt xe ở nội đô Hà Nội (minh hoạ)
Reuters
Chính phủ vừa ra chỉ thị đốc thúc các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM phải nhanh chóng thúc đẩy chính sách hạn chế xe cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông. Một số người dân tỏ ra đồng tình với chủ trương trên nhưng yêu cầu Chính phủ phải có những giải pháp đi kèm.
Sẽ ủng hộ, nếu…
Ông Thịnh, một người dân Hà Nội cho biết ông sẵn sàng sử dụng phương tiện công cộng nếu mạng lưới giao thông công cộng thuận tiện và an toàn cho hành khách:
“Nếu xe buýt mà thuận tiện thì tôi sẽ đi bằng xe buýt thì tội gì đi bằng xe nhà. Phương tiện công cộng tiết kiệm được tiền cho gia đình vừa khỏi lo lắng chuyện gửi xe vừa an toàn…”
Tuy nhiên, ông Thịnh nói, với thực trạng hệ thống xe công cộng như hiện nay mà Chính phủ vẫn quyết hạn chế xe cá nhân, sẽ khiến đời sống người dân khó khăn hơn rất nhiều. Ông giải thích:
“Hiện nay khi mà những phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân thì tôi đang rất băn khoăn là không biết vào thời gian tới khi mà người ta hạn chế phương tiện cá nhân thì tôi sẽ di chuyển đi làm kiểu gì, bằng phương tiện gì. Ví dụ hiện nay, muốn đến trạm xe buýt gần nhất tôi phải đi bộ từ một cây rưỡi đến hai cây số, nó không hề tiện cho người dân.”
Do đó, theo ý kiến của một người dân thủ đô, ông Thịnh cho rằng việc hạn chế phương tiện cá nhân trong khi chưa có phương án thay thế rõ ràng là bất khả thi.
Bà L, hiện đang sống ở TPHCM, yêu cầu được giấu danh tính, cũng cho biết đồng tình với quy định hạn chế xe cá nhân nhưng, hiện theo bà L. người dân chưa thể lựa chọn đi phương tiện công cộng vì rất bất tiện:
“Tàu điện thì chưa có, còn xe buýt thì không an toàn. Vệ sinh trên xe buýt rất kém, tệ nạn, chen lấn, móc túi nhiều xảy ra thường xuyên nên tôi cũng rất ngại mỗi lần đi buýt.”
Ngoài ra, theo bà L, chính phủ cần phải có một lộ trình với những phương pháp phù hợp để hạn chế xe máy mà không ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là những người mưu sinh bằng phương tiện cá nhân như shipper, xe ôm…
Vào tháng 4/2022, Chính phủ đã yêu cầu năm thành phố lớn bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TPHCM nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế xe máy phù hợp hạ tầng và năng lực vận tải hành khách công cộng. Các thành phố này sẽ tiến tới hạn chế hoặc cấm hẳn xe máy ở một số quận nội đô sau năm 2030.
Theo mạng báo VnExpress, Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện các loại, trong đó có 5,6 triệu xe máy, 600.000 ô tô, còn lại khoảng hai triệu phương tiện vãng lai.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ cấm xe máy ở một số quận nội đô sau năm 2025. Đến sau năm 2030, thủ đô sẽ dừng cho lưu thông xe máy ở khu vực nam sông Hồng và bắc sông Hồng.
Đối với TPHCM, xe máy sẽ bị hạn chế ở các quận trung tâm vào năm 2025. Đến năm 2030 sẽ mở rộng ra các quận ngoại thành như Thủ Thiêm, quận 7…
Hệ thống giao thông công cộng được nâng cấp
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục chậm tiến độ. Ảnh: AFP
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam, cho rằng chủ trương giảm xe cá nhân là phù hợp với xu thế và lợi ích của người dân và đây là giải pháp hữu hiệu để giảm tình trạng ùn tắc, kẹt xe đang diễn ra rất nặng nề ở các thành phố lớn.
Tuy vậy, ông Hợp cho rằng, hệ thống giao thông công cộng hiện nay chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu đi lại của người dân, nên Chính phủ VN cần phải thực hiện một số giải pháp như nâng cấp hệ thống giao thông công cộng, cải thiện năng lực quản lý hệ thông giao thông công cộng; hoặc Chính phủ cũng có thể nâng các loại thuế phí liên quan đến phương tiện cá nhân để người dân bớt mua xe.
Mặc dù vậy, theo ông Hợp, để thực hiện được những giải pháp trên, không dễ. Ông nói tiếp:
“Người ta chỉ hạn chế khoảng 20% thôi, chứ cao hơn như 50% hay 70% là không hạn chế được.
Thế nhưng nó sẽ rất khó, ở chỗ là thứ nhất lấy đâu ra nhiều tiền để đầu tư. Thứ hai là làm sao để xây dựng được một hệ thống quản lý giao thông công cộng đô thị tốt là rất khó. Thứ ba là phải nâng cao nhận thức của từng người dân, từng cá nhân để người ta tự nguyện hạn chế đi lại bằng phương tiện cá nhân.”
Bộ Giao thông vận tải hiện cũng đang yêu cầu các địa phương phải xúc tiến nhanh các dự án giao thông đô thị, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt, cần chú trọng đẩy nhanh hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và TPHCM, khuyến khích nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phù hợp với điều kiện của từng địa phương…
Với các phương án trên, ông Thịnh – người con thủ đô Hà Nội - tỏ ra không mấy lạc quan, vì:
“Tôi từng chứng kiến rất nhiều dự án hạ tầng giao thông ở Hà Nội đắp chiếu nhiều năm.
Như đường sắt trên cao hơn chục năm mới xong đúng một tuyến đường Cát Linh - Hà Đông; Rồi dự án xe buýt nhanh BRT giờ cũng phá sản luôn rồi.
Tôi nghĩ rằng dự án đó đề án đó chỉ là mục tiêu đề ra để báo cáo lấy thành tích mà thô, còn việc thực thi trên thực tế được hay không là một câu chuyện khác.”