Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

THẾ GIỚI 2012: THAY ĐỔI BẤT NGỜ VÀ NHANH CHÓNG



..Jessica T. Mathews, nhà phân tích của Tổ chức Carnegie Endowment đã nhìn lại 12 tháng trôi qua và đánh giá năm mới sắp tới. Mathews nói rằng, chủ đề năm 2011 là thay đổi quá bất ngờ và nhanh chóng sẽ tiếp tục diễn ra trong 2012.//


Tác giả: Nguyễn Huy theo carnegieendowment

03/01/2012

Những thay đổi trong năm 2011 đã là lịch sử. Sau một năm xảy ra loạt sự kiện chấn động như Ảrập Thức tỉnh, khủng hoảng châu Âu, thảm hoạ hạt nhân Nhật Bản, tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden, và phản ứng bất ngờ của người dân Nga về cuộc bầu cử quốc hội... thì không thể không có những câu hỏi đặt ra dành cho năm mới 2012.
Jessica T. Mathews, nhà phân tích của Tổ chức Carnegie Endowment đã nhìn lại 12 tháng trôi qua và đánh giá năm mới sắp tới. Mathews nói rằng, chủ đề năm 2011 là thay đổi quá bất ngờ và nhanh chóng sẽ tiếp tục diễn ra trong 2012.
2011 sẽ được nhớ đến thế nào?
Không có câu hỏi này, 2011 sẽ được nhớ tới với phong trào Ảrập Thức tỉnh, và có lẽ - còn quá sớm để biết chắc chắn - là một làn sóng chính trị mới ở nước Nga.
Một câu chuyện có thể so sánh với Ảrập Thức tỉnh là cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro. Sự kiện này có thể so sánh về mặt ý nghĩa lịch sử với những gì đã xảy ra ở Trung Đông.
Việc Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden và thậm chí là thảm hoạ kép sóng thần- động đất Nhật Bản kéo theo hậu quả là cuộc khủng hoảng hạt nhân không nằm cùng về mức độ lịch sử với các sự kiện kể trên. Vụ việc Fukushima đã đặt một dấu hỏi rất lớn trong khả năng của một sự "phục hưng" hạt nhân. Ấm nóng toàn cầu có thể đưa thế giới hướng tới năng lượng hạt nhân như một hình thức không phát thải khí carbon kiểu như năng lượng điện. Cũng còn quá sớm để nói điều này. Nhưng nó là một sự kiện lớn với Nhật Bản và nhiều cường quốc khác như Đức trong việc rút dần các nhà máy hạt nhân, hay làm chậm lại kế hoạch phát triển hạt nhân. Chọn lựa sau có thể là một điều tốt, đặc biệt với Trung Quốc và Ấn Độ, với những kế hoạch phác thảo phục vụ cho tăng trưởng cực kỳ nhanh chóng. Tăng trưởng chậm hơn cũng sẽ dẫn tới khả năng phát triển an toàn hơn.
2011 hoá ra lại là một bất ngờ lớn. Mọi thứ không ai đoán biết trước được trong hai tuần lễ trước khi nó xảy ra. Bất ngờ là chủ đề của năm và sẽ là khôn ngoan nếu chúng ta nghĩ sẽ tiếp tục đón đợi những bất ngờ nữa trong năm 2012.
Các vấn đề lớn toàn cầu nào sẽ định nghĩa 2012?


2012 sẽ là một năm lịch sử khác. Điều đầu tiên hãy nhìn vào "bộ tứ" ở Trung Đông - Ai Cập, Iraq, Syria, và Iran.
Các cuộc bầu cử ở Ai Cập đang tiến về phía trước; việc quân đội sẽ từ bỏ quyền lực mà họ giành được trong làn sóng trỗi dậy và lật đổ Mubarak vẫn là một dấu hỏi lớn. Những bất ổn chúng ta chứng kiến trong vài ngày qua sẽ là điềm báo trước cho những gì có thể xảy ra sau khi quốc hội mới cuối cùng đã được chọn lựa. Và đó không phải là những dấu hiệu đáng khích lệ.
Trong thời khắc sau khi chấm dứt cuộc chiến ở Iraq và sự ra đi của quân đội Mỹ, Thủ tướng Nuri Kamal al-Maliki đã có động thái đáng kinh ngạc chống lại các nhà lãnh đạo Sunni - ngay lúc bước chân cuối cùng của lính Mỹ đi qua biên giới. Còn quá sớm để nói rõ ràng về Iraq nhưng sẽ không bất ngờ nếu như tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Trong năm tới, Bashar al-Assad sẽ là một cựu tổng thống và chế độ hiện tại của Syria sẽ biến mất. Nhưng câu hỏi đặt ra là nó sẽ kết thúc thế nào, mức độ bạo lực đến đâu và bao nhiêu sinh mạng mất đi. Cộng đồng quốc tế sẽ đóng một vai trò tích cực và Liên đoàn Ảrập sẽ thúc đẩy những gì như đã làm ở Libya để minh chứng tính hiệu quả hơn với những gì họ làm cho tới thời điểm này? Có những hậu quả lớn cho Lebanon, Iran, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chúng ta đang bước vào một giai đoạn đặc biệt nguy hiểm ở Iran. Thông tin tình báo mới nhất cho thấy, Iran có kế hoạch mở rộng các hoạt động làm giàu ở một cơ sở dưới lòng đất gần Qom. Israel đang diễn ra một cuộc tranh cãi xem liệu có nên tấn công trước khi một cơ sở như vậy đi vào hoạt động đầy đủ hay không. Quan điểm chính trị về vấn đề này với chính quyền Mỹ trong một năm bầu cử sẽ rất tồi tệ. Sẽ là một cuộc chiến tranh khi Israel có thể bắt đầu nhưng không thể kết thúc. Trong khi đó, các ứng viên đảng Cộng hoà lại cố gắng vượt trội đối thủ về sự hiếu chiến với Iran. Mỹ có thể bị lôi kéo vào hành động quân sự khiến giá dầu toàn cầu tăng vọt và rất có thể dẫn tới sự bùng nổ giận dữ trong cộng đồng người Shia.
Ở những nơi khác, cuộc khủng hoảng euro mở đầu cho việc thế giới bước vào suy thoái. Vẫn chưa rõ là cuộc khủng hoảng ấy có thể được giải quyết hay không và liêuụ khu vực đồng euro sẽ tồn tại hay không.
Vẫn tiếp tục có những dấu hỏi về Afghanistan và Pakistan. Những điều ở Pakistan sẽ đi từ tồi tệ đến khủng khiếp. Căng thẳng gia tăng giữa lực lượng quân sự hùng mạnh với chính phủ dân sự, và có thể hình dung rằng, một cuộc đảo chính quân sự có thể chấm dứt kỷ nguyên cầm quyền dân sự vào năm 2012. Điều đó sẽ khiến cuộc chiến tại Afghanistan trở nên phức tạp hơn nhiều. Trong chiến cuộc kéo dài cả thập niên, hai năm tổn thất lớn nhất với NATO là 2010 và 2011.
Tại Mỹ, sau cái gọi là thất bại của siêu uỷ ban trước khả năng đồng thuận về cách thức cắt giảm thâm hụt trong mùa hè, sẽ là lo lắng và quan tâm thực sự về cắt giảm ngân sách tiến hành sau đó. Cắt giảm mạnh trong chi tiêu quốc phòng có thể gây ra những tổn hại lớn. Đó là chưa kể những tác động lớn với nước ngoài về hình ảnh và sức mạnh của Mỹ khi ngân sách chi tiêu sụt giảm.
Và cuối cùng, những gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống của Nga sắp tới hiện tại không rõ ràng. Cuộc bầu cử quốc hội gần đây cho thấy, tầng lớp trung lưu mới và các thế hệ trẻ hơn ở Nga sẽ đứng lên để nói rằng "đã quá đủ". Trong những cuộc biểu tình trên đường phố suốt tháng 12, phe đối lập đã nói "chúng tôi cần tiếng nói trong quản trị đất nước, chúng tôi nhấn mạnh rằng đó là sự nghiêm túc, và chúng tôi không muốn 12 năm khác của Vladimir Putin". Thoả thuận kiểu cũ giữa nhà nước và xã hội có thể không còn được chấp thuận với số đông dân chúng. Và nếu nó xảy ra, khó biết được Putin sẽ phản ứng thế nào. Tính hợp pháp đang bị suy yếu đáng kể của Putin, và thậm chí nếu ông tái đắc cử, cũng khó có thể đảo ngược tình thế nhưng sẽ tác động lớn tới chính sách đối ngoại của Nga.
Tiếp tục Ảrập Thức tỉnh?
Đúng, sẽ là như thế. Năm 2012 sẽ là một năm chông gai, nhưng điều này không phải là bất ngờ. Mùa xuân Ảrập có thể là cách dùng sai. Nó không phải là một mùa, cũng không phải là quá trình dài một năm của những thay đổi. Hơn cả, 2011 là sự khởi đầu của một thập niên hay nhiều thập niên chuyển đổi sâu sắc trong thế giới Ảrập.
Mọi người cần nghĩ Ảrập Tỉnh thức theo diễn giải này và không tin rằng, một cuộc bầu cử ở một quốc gia nào đó xác định thời điểm mà từ đó không thể quay đầu lại. Trên thực tế, những cuộc bầu cử đầu tiên không phải là dấu chấm hết trên con đường dài, nó chỉ là sự bắt đầu.
Tuy nhiên, năm mới sắp tới sẽ là thời khắc khó khăn cho các chính phủ mới, khi họ đối mặt với các thách thức to lớn để giành được các tiến bộ về kinh tế. Người dân khắp nơi trong khu vực đòi hỏi lợi ích kinh tế, nhưng thực sự là khó khăn trong bối cảnh hiện tại để có thể đánh giá xem liệu các chính phủ có thể đáp ứng như thế nào.
Thế giới 2012: Không thể và có thể
Khủng hoảng đồng euro đe doạ tăng trưởng kinh tế toàn cầu? sự kết thúc của nó sắp tới gần?
Người ta thường lãng quên rằng, Liên minh châu Âu là một thực thể kinh tế lớn hơn Mỹ. Những gì xảy ra ở châu Âu có ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế toàn cầu, nhưng phạm vi ảnh hưởng sẽ được xác định bởi cách khu vực đồng euro thay đổi thế nào và việc liệu nó đột nhiên nổ tung hay tìm ra con đường để tiến tới sự tồn tại.
Châu Âu dường như cam kết cứu đồng euro. Vấn đề là thực hiện các bước đi cần thiết như vậy đòi hỏi ý chí chính trị to lớn của mỗi chính phủ. Để có được sự chấp thuận chính trị trong nước, các nhà lãnh đạo cần phải chờ đợi cho tới khi những nền kinh tế tiến sát tới bờ vực sụp đổ. Ở mỗi giai đoạn, tiến triển chính trị chỉ có thể được đẩy trước một bước khi không còn chọn lựa nào khác ngoài hành động. Qúa trình ấy thường tự lặp lại.
Vấn đề đi cùng với chuyện này là nó đồng nghĩa với cái giá để cứu đồng euro. Người châu Âu không thể đi trước thị trường. Nếu tám tháng trước đây, các nhà lãnh đạo có thể làm những gì như đã làm trong tháng 12, thì họ có thể đã đủ sức lấy lại lòng tin thị trường và ngăn chặn vòng xoáy sụt giảm. Nhưng đó là điều không thể về mặt chính trị. Nền kinh tế toàn cầu đang tiến sát tới vực thẳm không phải là cách thoải mái để tiến lên phía trước.
Không may là khó có chọn lựa thay thế. Cho tới thời điểm hiện tại, đã có quyết tâm mạnh mẽ để bảo vệ đồng euro, nhưng người ta tự hỏi khi nào thì nó kiệt sức. Hơn nữa, thị trường sẽ không để cho điệu vũ này tiếp tục mãi mãi. Dù tốt hơn hay tồi tệ hơn, tình hình sẽ phải được giải quyết trong năm tới. Dĩ nhiên, quá trình phục hồi sẽ mất nhiều năm.
Bầu cử sẽ định hình chính sách đối ngoại Mỹ?
Có ba lĩnh vực mà chính trị rõ ràng tác động tới chính sách. Đầu tiên là Trung Quốc. Mỹ có lịch sử lâu dài khi mà đảng không nắm quyền lực - hoặc Cộng hoà hay Dân chủ - thì thường chỉ trích đảng nắm quyền về cách hành xử quá tốt với Trung Quốc.
Năm nay sẽ không có ngoại lệ. Trung Quốc cũng sẽ trải qua giai đoạn thay đổi lãnh đạo. Cho dù cuộc chơi diễn ra thế nào, thì chính quyền Mỹ cũng sẽ nghe thấy rất nhiều yêu cầu to lớn về cách hành xử với Trung Quốc theo cách khó thực hiện được. Thực tế là, động thái gần đây của chính quyền Obama khi nói về trục Mỹ "xoay chiều" về châu Á dường như là kiểu "phòng ngừa" trước những kiểu tấn công như vậy.
Vấn đề tiếp theo là Israel. Tổng thống Obama sẽ phải chịu áp lực rất lớn để chứng tỏ rằng, ông yêu quý Israel cũng nhiều như phe Cộng hoà vào thời điểm chính phủ hiện tại của Israle nói một cách lịch sự thì chính xác không phải là lực lượng xây dựng cho hòa bình. Việc tiếp tục xây dựng các khu định cư và những thúc giục liên tục ở Israel hành động chống lại Iran, thì vấn đề này có thể đặt ra một thách thức lớn với chính quyền Mỹ.
Lĩnh vực thứ ba có thể là một tâm điểm trong chiến dịch tranh cử. Đó là cuộc đua để tìm kiếm xem ai có thể đưa ra tuyên bố cứng rắn nhất về Iran. Sự thực là, thế giới cuối cùng có thể phải sống cùng một Iran có khả năng tạo ra các vũ khí hạt nhân. Nguy cơ lớn nhất từ một Iran có vũ khí hạt nhân không phải ở chuyện nhà cầm quyền điên rồ sẽ phát động cuộc chiến hạt nhân, mà là nó sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân tại một trong những khu vực nguy hiểm nhất thế giới và là nơi mà các chính phủ đổ tiền đổ của vào nó.
Điều vô cùng quan trọng là Mỹ cần làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn mọi điều xảy ra. Chính quyền Obama đã cố gắng hết sức mà không thành công. Cánh tay với dài của tổng thốgn Mỹ đã bị Iran đẩy lui. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt cũng đã có hiệu quả và hoạt động ngoại giao để có được sự hợp tác của Nga, Trung Quốc trong vấn đề này là con đường khó khăn phía trước. Và, chúng ta không thể quên nếu chế độ Assad sụp đổ ở Syria, Iran sẽ mất đi đồng minh quan trọng nhất. Thói thường, các chính phủ bị yếu đi ở nước ngoài thường có nhiều động thái trong nước để chứng minh dũng khí của họ cũng như lái dư luận khỏi sự chú ý tới tổn thất.
Thay đổi lãnh đạo ở Trung Quốc ảnh hưởng đến triển vọng toàn cầu?
Cho dù có sự thay đổi lãnh đạo ở Trung Quốc, nhưng hầu như chúng ta sẽ chứng kiến sự tiếp tục của chính sách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về Trung Quốc thậm chí ngay dưới sự lãnh đạo hiện tại.
Đặc biệt là không hề có sự rõ ràng về cách hành xử quyết đoán và tính dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc sẽ thế nào trong nỗ lực khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, điển hình là ở Biển Đông. Trung Quốc đã có ít nhiều hành xử gây hấn năm 2010 nhưng dường như đã nhận ra sự thiếu khôn ngoan trong các hành động ấy và thay đổi đáng kể trong năm nay. Bắc Kinh cũng sẽ phải dõi theo sát sao quá trình chuyển giao quyền lực ở Triều Tiên, vốn luôn là quốc gia bấp bênh, và rất khó đối phó.
Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng phải đối phó với những vấn đề kinh tế. Bắc Kinh cần thúc đẩy chi tiêu quốc nội, nhưng điều này lại đặt ra những căng thẳng với tầng lớp lãnh đạo mới. Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc sẽ phải vật lộn với nhiều vấn đề, và tăng trưởng kinh tế cũng chậm lại đáng kể, thì điều này lại không có khả năng trở thành một cuộc khủng hoảng.
Sự ra đi của Mỹ có nghĩa gì với Iraq?
Khi một nhà lãnh đạo bị loại bỏ - dù do nổi dậy trong nước hay lực lượng bên ngoài - thì khoảng trống quyền lực sẽ còn ở lại phía sau. Nó gần như được lấp đầy bởi những cuộc đấu tranh phe phái để phân chia quyền lực. Và sự hiện diện của Mỹ tại Iraq sẽ chỉ làm chậm quá trình này chứ cuối cùng không chắc sẽ ngăn chặn được nó xảy ra.
Kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 9 năm ở Iraq sẽ giúp Mỹ có cơ hội rời bỏ lại phía sau một số trách nhiệm. Nhưng nó đồng nghĩa với việc tình hình cụ thể lại hoàn toàn phụ thuộc vào những gì xảy ra trong nền chính trị Iraq. Nếu xung đột sắc tộc gia tăng, thì sẽ lại phát sinh ra những vấn đề mới.
Chính phủ Iraq cần phải tuân thủ cam kết phân phối quyền lực giữa người Shia, Sunni và người Kurd. Nếu họ làm vậy, sẽ có hy vọng.
Cộng đồng quốc tế trước quan ngại gia tăng về tham vọng hạt nhân Iran
Các thông tin tình báo cho thấy rằng, người Iran đang có kế hoạch mở rộng hoạt động làm giàu uranium ở một cơ sở ngầm trong lòng dất gần Qom. Mỹ dường như đã nói với Tehran rằng, đây là vạhc đỏ và không nên vượt qua.
Người Israel thì có thể không đủ sự kiên nhẫn, nói rằng đây là mối đe doạ không thể chấp nhận được và rằng họ sẽ cần hành động trước khi cơ sở này đi vào hoạt động. Nếu Israel hành động đầu tiên và đơn phương, Mỹ rõ ràng bị hút theo và chia sẻ mọi trách nhiệm với Israel nhưng lại không nhận được sự thúc đẩy chính trị tích cực nào từ trong nước.
Đáng lo là ở chỗ chính trị sẽ đẩy chính quyền Mỹ vào hành động thảm khốc. Điều đầu tiên sẽ xảy ra là giá dầu tăng cao chót vót, và với nền kinh tế toàn cầu đang hết sức mong manh thì đó là điều khủng khiếp. Tiếp đến là hoạt động của khủng bố, nghĩa là Mỹ có thể phải rất hối tiếc trước việc leo thang quân sự.
Cuộc chiến Afghanistan và sự ổn định ở Pakistan?
Quân đội Mỹ nói rằng họ đang giành thắng lợi trong cuộc chiến ở Afghanistan, nhưng có ít dấu hiệu chứng tỏ điều đó. Có một ngọn núi khổng lồ phải vượt qua để đạt tới hạn chót rút quân năm 2014 và để lại sau một quốc gia ổn định không nằm dưới ảnh hưởng của Taliban.
Vấn đề ở Afghanistan là ngày Mỹ rút quân. Một mặt, thật dễ dàng để nói rằng sẽ là không khôn ngoan nếu đưa ra ngày giờ cụ thể, nhưng mặt khác, là sự thiếu kiên nhẫn của người dân Mỹ để đặt dấu chấm hết cho một cuộc xung đột quá dài và câu hỏi cho tính hợp pháp về cuộc chiến kéo dài thêm 10 hay 20 năm nữa ở một quốc gia thực sự có thể khiến mọi thứ trở nên tốt hơn hay không.
Tuy nhiên, thời hạn rút quân là điều hiển hiện. Có quá ít dấu hiệu cho thấy, NATO và Afghanistan có thể xây dựng các lực lượng an ninh có khả năng giữ vững nước này và bảo vệ nó khỏi sự hồi sinh của Taliban. Chính phủ thì yếu kém và đầy rẫy tham nhũng, quân đội thì đòi hỏi kinh phí quá lơn mà tự thân Afghanistan có thể đáp ứng. Một tương lai không hạn định không phải là kết quả mong đợi.
Cùng lúc đó, tình hình tại Pakistan chỉ trở nên tồi tệ hơn và quốc gia này sẽ chiếm thứ hạng cao trong danh sách các nước đáng lo lắng vào năm 2012. Có dấu hiệu cho thấy sự khôi phục hoạt động chống lại các nhà lãnh đạo dân sự từ phía quân đội. Tất cả chính phủ dân sự trong lịch sử Pakistan đều bị hạ bệ thông qua hành động quân sự và nền kinh tế đất nước sẽ ở trong tình trạng không thể tồi tệ hơn.
Mối quan hệ Mỹ - Pakistan đang ở mức thấp đáng kể. Washington sẽ cần xem xét lại quan hệ của họ với Islamabad. Cho tới nay, cách Mỹ đổ tiền vào Pakistan vô tình khiến Islamabad chi tiêu quá mức vào quân đội và bị ám ảnh với Ấn Độ. Mỹ luôn luôn định hình các chính sách của mình với Pakistan ở mục tiêu lớn hơn và trong trường hợp này là Afghanistan. Với rất ít chọn lựa có triển vọng hứa hẹn, Washington cần tìm ra cách để xây dựng ảnh hưởng hơn đến quá trình của các sự kiện.
Tác động từ cái chết của Kim Jong Il
Kể từ khi Chủ tịch Kim Jong Il qua đời, đã có rất nhiều dự đoán về những kịch bản tồi tệ nhất về những gì tiếp theo sẽ xảy ra ở Triều Tiên. Nhưng có lẽ đây không phải là thời điểm xảy ra một cuộc khủng hoảng hay là cơ hội tuyệt vời để thống nhất hai miền Triều Tiên.
Kết quả hầu như sẽ là một giai đoạn bất ổn của quá trình chuyển giao khi Kim Jong UN cố gắng củng cố quyền lực sau thời gian để tang vị cố chủ tịch. Mối lo ngại chính đáng là các nhà lãnh đạo mới sẽ cố gắng chứng tỏ sự cứng rắn bằng cách quyết định tiến hành những vụ thử tên lửa hay thực hiện kiểu hành xử gây hấn khác.
2012 lại là một năm thất bát trong cuộc chiến toàn cầu chống thay đổi khí hậu?
Qủa thực là như vậy. Mỹ là vấn đề với cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 nên sẽ không có động thái quyết định trong quốc hội. Trung Quốc sẵn sàng hơn để hành động nhưng lại có thách thức lớn hơn. Ấn Độ sẽ vẫn chờ đợi Mỹ và Trung Quốc. Nga thì ở xa ranh giới sẵn sàng tích cực hành động.
Chúng ta cuối cùng sẽ hành động, nhưng câu hỏi đặt ra là nó sẽ mất bao lâu, chi phí thế nào và tổn thất không thể đảo ngược là đến đâu đối với hành tinh này?.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét