Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012
TỬ VI NĂM THÌN CỦA TRUNG-QUỐC
Nguyễn Xuân Nghĩa
Năm Nhâm Thìn Và Những Trăn Trở Của Lãnh Đạo Bắc Kinh...
Đầu năm con rồng, Ngày Nay chơi khó. Đòi chuyên gia kinh tế kiêm bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa đội mão tướng số mà luận đoán về Trung Quốc. Kết luận của ông có khi lại là chuyện "tiền hung hậu cát" cho Việt Nam....
Trong sự vận hành miên viễn của vũ trụ và nếp sinh hoạt thường tình của nhân loại, thời khoảng một năm thật ra chỉ là một giai đoạn ngắn. Và từ đêm trước qua đến sáng hôm sau của một năm mới chỉ là khoảnh khắc ồn ào tiếng pháo. Khác biệt nếu có thì đó là tâm lý của con người, với nhiều kỳ vọng về một chu kỳ mới sau khi kiểm điểm những gì xảy ra năm trước, và vài lời tâm niệm rút tỉa được từ kinh nghiệm đã qua.... Vời từng người, chuyện ấy đã thành nhàm.
Với một quốc gia, sự thể lại phức tạp hơn.
Và tại một quốc gia bát ngát có dân số đông nhất địa cầu như Trung Quốc thì chuyện "phức tạp" đó là một mớ bòng bong. Trước thềm năm mới, chúng ta sẽ gỡ mối bòng bong đó ra xem, vì định mệnh của Việt Nam vẫn bị ớm bóng Trung Quốc.
Bài viết này sẽ... mở lá tử vi Trung Quốc và nói đến lẽ "Tứ Hành Xung" trong thế "Hung Tinh Đắc Địa" của xứ này....
Phân tách sự chuyển động của các quốc gia trong khung cảnh thời gian – nói cho thi vị và ra vẻ uyên bác thì ta gọi là "trường đoản luận" – người ta cần nhìn rộng hơn khuôn khổ của một năm.
Ngôn từ của tử vi gọi đó là "đại vận" của mười năm, trong đó có niên hạn hoặc thậm chí nguyệt hạn! Biến cố ngắn hạn, của một tháng hay một năm, trong một chu kỳ dài hơn mà ta gọi là trường kỳ có thể là những gì mà mình suy đoán được, nhất là khi nhìn rộng ra cục diện quốc tế.
***
Thế giới đang ở giữa một giai đoạn đổi thay lớn lao, vài thế hệ mới thấy một lần. Đấy là chuyện "thương hải tang điền", ruộng dâu bỗng lại ra màu biển xanh!
Lần trước, từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ đến ngày Liên bang Xô viết tan rã – từ mùa Thu 1989 đến mùa Đông 1991 – người ta đã hồn nhiên... ăn Tết mấy lần mà không biết. Vì vậy không mấy ai để ý hoặc còn nhớ đến vụ tàn sát Thiên an môn Tháng Sáu năm 1989 và những chọn lựa chính trị của lãnh đạo Bắc Kinh. Hoặc việc truất phế và cầm tù Tổng bí thư đương nhiệm là Triệu Tử Dương.
Khi ấy, người ta cũng chưa nhìn ra chu kỳ suy sụp của Nhật, khởi sự từ năm 1990, hoặc những biến động âm ỉ trong thế giới Hồi giáo. Người ta chỉ ngợi ca việc Chiến tranh lạnh kết thúc và Lịch sử Cáo chung! Thật ra, thế giới đã trải qua một thời kỷ đổi thay lớn lao chưa từng thấy kể từ 1945.
Ngày nay cũng vậy.
Đổi thay lớn lao của ngày nay khởi sự từ năm 2008. Thế vận hội Bắc Kinh năm đó khai mạc cùng ngày Liên bang Nga tấn công Georgia sau khi nước Nga mất tám năm mới hồi phục từ vụ khủng hoảng của buổi giao thời. Tháng Chín năm 2008, khủng hoảng tài chánh Hoa Kỳ bùng nổ giữa một chu kỳ suy trầm và trở thành Tổng suy trầm cho cả thế giới.
Hoàn cảnh bất thường ấy khiến Bắc Kinh phải tung ra biện pháp kích thích kinh tế từ Tháng 11 2008, và cũng hoàn cảnh bất thường đó đã phơi bày ra những nhược điểm nội tại của Âu Châu, kết tinh thành vụ khủng hoảng tài chánh ngân hàng, công trái, đồng Euro và tương lai Liên hiệp Âu châu, v.v....
Khi ấy, chúng ta chỉ nhìn ra chuyện ngắn hạn và thường thu tầm nhìn vào Hoa Kỳ, với sự lãnh đạo của một tổng thống da đen. Ai hoài nghi cậu bé quàng khăn đỏ này liền bị chụp mũ là kỳ thì màu da!
Chuyện "trường đoản luận" đó là khung cảnh "cân sao", cân nhắc ảnh hưởng mạnh yếu và xấu tốt, của từng yếu tố chi phối lá tử vi của Trung Quốc.
***
Trong năm 2012, trùng hợp với năm Nhâm Thìn của tâm lý chúng ta, Trung Quốc gặp những yếu tố bất trắc xuất phát từ nhiều hướng - hay nhiều "cung", nếu nói theo ngôn ngữ tử vi!
Ngay tại cung "Mệnh", xứ này đã trải qua – và chấm dứt – ba đại vận hưng phấn là 30 năm tăng trưởng ngon lành sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách: hãy nhớ đến khoảng thời gian 1979-2009. Thế rồi, khi phải chuyển hướng vì đã thấy ra những giới hạn của chiến lược tăng trưởng theo kiểu Đông Á, với xuất cảng là đầu máy, thì Trung Quốc lại bị hiệu ứng của vụ khủng hoảng 2008 và nạn Tổng suy trầm sau đó.
Từ những năm 2003, khi thế hệ thứ tư của những Hồ Cẩm Đào hay Ôn Gia Bảo lên cầm quyền, lãnh đạo Bắc Kinh hiểu ra giới hạn kinh tế và xã hội của chiến lược này. Làm sao có thề tăng trưởng một cách hài hòa cân đối giữa các thành phần sản xuất, giữa các giai tầng xã hội và các địa phương, với kết quả được phân phối đồng đều hơn? Đó là đã bài toán được thấy ra và nói tới.
Nhưng họ giải quyết không được vì mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.
Một cách khách quan thì muốn chuyển hướng kinh tế của một quốc gia lớn lao và phức tạp như Trung Quốc, thì ai cũng gặp chuyện nan giải. Huống hồ, và đây là nghịch lý, xứ này lại theo chế độ độc đảng!
Trong bối cảnh suy trầm toàn cầu khi đó, yêu cầu tăng trưởng trở thành ưu tiên với quyết định kích cầu khổng lồ về số lượng công chi và tín dụng, mấy ngàn tỳ đô la, ít nhất lên tới 40% của Tổng sản lượng Nội địa GDP. Và gây hậu quả vĩ đại.
Quyết định kích cầu gây lạm phát, thổi lên bong bóng đầu tư, kích thích phản ứng đầu cơ và cướp giật - được chế độ độc đảng bao che - dấy lên phong trào vay mượn vô trách nhiệm của các địa phương, gây căm phẫn trong nhiều thành phần dân chúng, v.v. khiến một số học giả trí thức của đảng cũng thấy phân vân, bất an...
Ngược với sự phán đoán lạc quan của giới đầu tư quốc tế và các trung tâm tạo ảnh hưởng vào nhận thức của thiên hạ, Trung Quốc đang gặp những thách đố sinh tử, chưa từng thấy vào năm 1979 – khi bắt đầu cải cách – hay vào năm 1989, khi bị hậu quả đợt đầu của 10 năm cải cách khiến cả ngàn người bị tàn sát sau những ngày dài biểu tình tại quảng trường Thiên an môn.
Cung "Mệnh" đã vậy, nhìn qua cung "Thân" và các cung xung chiếu thì ta thấy ra cách "hung tinh đắc địa".
***
Trong năm nay, kinh tế xứ này phải đạt mức tăng trưởng cao, dù chưa được 10% một năm như trong ba chục năm liền thì ít ra cũng phải trên 8%. Chuyện ấy hơi khó.
Lý do thứ nhất, thị trường xuất cảng số một của Trung Quốc là Âu Châu sẽ suy trầm (recession), có khi suy thoái (depression). Thị trường kế tiếp là Hoa Kỳ vẫn bị đình đọng, có khi lại bị suy trầm nếu Âu Châu lâm hạn suy thoái. Đó là chuyện ngắn hạn của riêng năm 2012 này. Nó báo hiệu những mâu thuẫn và thậm chí tranh chấp về ngoại thương và kinh tế giữa các nước với nhau vì xứ nào cũng tìm cách xuất cảng tối đa nhập cảng tối thiểu để thoát khỏi nguy nàn.
Thứ hai, đến Tháng 10 năm nay, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có Đại hội khoá 18 để chuẩn bị thế hệ thứ năm lên lãnh đạo kể từ đầu năm 2013 trở đi.
Sau thế hệ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo sẽ đến thời của Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường. Trong khung cảnh suy trầm kinh tế, ưu tiên chính trị lại là một mâu thuẫn khác. Thế hệ đang ra đi phải bảo toàn di sản sẽ bàn giao cho thế hệ nối tiếp nên không thể lấy những quyết định quá mạnh bạo, dù là cần thiết.
Mà vì Đại hội 18 sẽ bầu lại 70% số Trung ương Ủy viên cùng đa số Ủy viên Bộ Chính trị, nhất là bảy ủy viên mới trong Thường vụ Bộ Chính trị, cho nên thế hệ sắp lên cũng mở ra nhiều cuộc vận động. Và họ gây nhiễu âm hoặc cản trở những cố gắng xoay chuyển mà Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đã đề ra từ Tháng 10 năm ngoái.
Nhu cầu vận động ấy trong khung cảnh bất ổn khiến người ta thấy tái xuất hiện lý luận cực tả kiểu Mao, hoặc tư tưởng cực hữu nhuốm mùi phát xít của các tướng lãnh trong quân đội. Đảng có thể chỉ huy khẩu súng và lãnh đạo quân đội, nhưng muốn lên lãnh đạo đảng thì phải có hậu thuẫn của các tướng lãnh, các Uỷ viên trong Quân ủy Trung ương hay Ban Chấp hành Trung ương. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đầu năm 2012 dương lịch, nhiều người đã nêu nghi vấn là hình như trong năm qua một số tướng lãnh đã dựng lại hài kịch Lâm Bưu, là tiến hành đảo chánh!
Có tin đồn là Đại tá Hải quân là Đàm Lâm Thuật đã bị bắt hồi Tháng 12, sau đó hai sĩ quan Không Quân bị câu lưu và một tiềm thủy đĩnh nguyên tử đang tuần duyên được lệnh lập trức trở về căn cứ vì bị nghi là có liên hệ đến một âm mưu đảo chánh... Đấy là chuyện cuối năm.
Chứ tình trạng động loạn lan rộng suốt năm càng khiến Uỷ ban Chính pháp Trung ương - cơ quan tối cao về an ninh và trật tự có chức năng lãnh đạo Bộ Công an (Bộ Nội vụ và bàn tay cảnh sát) và Bộ Quốc gia An toàn (Bộ An ninh và bàn tay tình báo) - phải đạp thắng rất mạnh. Thành phần phụ trách an ninh và bảo vệ chế độ đã đẩy lui những đề nghị cải cách hoặc thoả hiệp với quần chúng và tung ra khẩu hiệu quản lý xã hội để thẳng tay dẹp loạn.
Ngày mùng chín vừa qua, một báo cáo của phân khoa Xã hội học thuộc Đại học Thanh Hoa do Giáo sư Tôn Lập Bình vừa được niêm yết trên trang nhà của Thanh niên Nhật báo đã lập tức bị bóc. Tôn Lập Bình là nhà xã hội học và cố vấn của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, người sẽ lên lãnh đạo sau Đại hội tới. Phúc trình của nhóm nghiên cứu về Phát triển Xã hội do ông chỉ đạo trong Đại học Thanh Hoa đề cập tới cái bẫy của sự chuyển tiếp ("chuyển hình hãm tịnh") vì những đề nghị cải cách đã bị các nhóm quyền lợi ngăn cản....
Đâm ra không chỉ có Hoa Kỳ mới bị ách tắc chính trị trong một năm bầu cử!
Nói cách khác, cung "Mệnh" của Trung Quốc đã có những bất toàn bẩm sinh vì xứ này ở vào hoàn cảnh đói ăn khát dầu trên một lãnh thổ thật ra rất nghèo và có quá nhiều dị biệt nên lệ thuộc vào thế giới. Nhưng cung "Thân" của xứ này còn có đầy mâu thuẫn nội tại vì sự chọn lựa của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc: xã hội chủ nghĩa và chế độ độc đảng. Gặp hoàn cảnh đó, các nước khác thường cố gắng xây dựng chế độ liên bang, Thiên triều đỏ thì không!
Cho nên vào năm Nhâm Thìn này, cả hai cung Mệnh và Thân đều gặp sao xấu!
Huống hồ, trong năm 2012, lãnh Bắc Kinh lại gặt hái kết quả của những mầm độc họ đã gieo rắc bên ngoài.
***
Lãnh đạo Bắc Kinh biện minh cho quyền lực độc tôn của đảng là đem lại cơm ăn áo mặc cho thần dân. Hết rồi, cái thời mà nhân dân phải chia nhau chiếc quần thâm và tranh nhau ăn bát gỗ.
Nhưng nạn Tổng suy trầm và sự chuyển hướng của cả thế giới từ năm 2008 khiến cho cái lẽ chính danh này bị lu mờ.
Nói về cơm ăn áo ấm thì làm sao bằng Đài Loan, một xứ tân hưng kinh tế đã có dân chủ chính trị từ lâu? Cuộc bầu tử Tổng thống vào đầu năm nay tại "Trung Hoa Dân Quốc" là một nhắc nhở. Sự chuyển hóa của Cộng Hoà Mông Cổ ("Ngoại Mông") qua chế độ dân chủ từ mấy năm trước là một nhắc nhở khác.
Ở giữa là hương nhài khét lẹt của Mùa Xuân Á Rập 2011!
Không thể dùng bao tử sai khiến cái đầu, Bắc Kinh cho thần dân ăn bánh vẽ: vuốt ve tự ái dân tộc bằng cách xiển dương thế lực đại cường quốc của Hán tộc!
Chuyện bành trướng ảnh hưởng quân sự để bảo vệ luồng giao dịch kinh tế đã được Bắc Kinh tiến hành từ hai chục năm rồi. Nhưng theo phép "thao quang dưỡng hối" của Đặng Tiểu Bình: che giấu giấc mơ bá quyền dưới vẻ quang minh tử tế mà Hồ Cẩm Đào gọi là "quật khởi hòa bình".
Năm 2011 vừa qua, Bắc Kinh đổi cung bậc và cho thần dân uống thuốc cường dương. Đảng đưa đất nước lên hàng cường quốc trung tâm của thế giới, với khả năng vuốt mặt vầng Thái Dương và quậy sóng ngoài Đông Hải.
Kết quả là hàng loạt phản ứng của các quốc gia hải đảo hay bán đảo vây quanh.
Tam giác đầu tiên là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ, những cường quốc có truyền thống hải dương từ khi Thiên triều Bắc Kinh còn quay đầu ngó vào trong vách . Vành cung bên ngoài là các nước từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á tới tận Úc Châu. Và những vọng động của Bắc Kinh, từ Phi Châu đến Trung Đông qua Trung Nam Mỹ đều được thế giới chú ý. Các chế độ độc tài và hung đồ như Lybia, Syria, Iran hay Venezuela bỗng dưng được thiên hạ phát giác là đồng chí của Thiên triều đỏ!
Đáng chú ý nhất là việc Hoa Kỳ tuyên bố trở lại Đông Á, còn xăm xoi thăm hỏi lưu vực Mekong, đẩy mạnh diễn biến hoà bình tại Miến Điện, và tạo cơ hội cho Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á cân nhắc lại quan hệ của họ với Trung Quốc.
Đã vậy, lãnh tụ Kim Chính Nhật bỗng dưng "chuyển sang từ trần" để cậu bé bụ sữa Kim Chính Ân xuất hiện là Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội và Lãnh đạo Tối cao của Bắc Hàn! Năm nay, việc chuyển quyền trong chân không đầy mù mịt của xứ này sẽ gây bất ổn cho cả bán đảo Triều Tiên. Và trở thành một mối lo khác cho Thiên triều....
Làm như Bắc Kinh có thể dỗi hơi giải quyết thiên hạ sự trong vùng trái độn hay phiên trấn của
mình!
***
Tổng kết lại, trong bản lề kéo dài nhiều năm của những thay đổi lớn, lãnh đạo Trung Quốc đang gặp cảnh ngộ bất lợi trùng phùng. Mà toàn những hung tinh đắc địa.
Kinh tế sẽ hạ cánh nhẹ nhàng hay nặng nề? Nội tình xã hội sẽ gặp hạn Ôn Châu của Chiết Giang hay Ô Khảm của Quảng Đông - khi tư doanh phá sản hàng loạt hoặc dân chúng nổi lên đánh đuổi chính quyền địa phương? Chưa biết xoay trở thế nào với nguy cơ nội loạn và cả phản ứng kiêu binh của một số tướng lãnh, Thiên triều lại nhức đầu với tiếng sát phạt của các nước vây quanh.
Chuyện đao binh là điều ai cũng muốn tránh. Bài toán của Trung Quốc chưa hẳn là dụng binh với ngoại thù mà có thể là bắn vào thần dân của chính mình.
Chỉ dấu cho Việt Nam về một cơ hội thoát hiểm, hay tiếng pháo báo tiếng bom vào năm con rồng quậy?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét