Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

HIỆN TƯỢNG SÁM HỐI


Mac Lam

January 14, 2012
Trong chương trình VHNT hôm nay Mặc Lâm tiếp chuyện nhà văn, nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo về hiện tượng nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam lên tiếng phủ nhận những gì mà họ theo đuổi trong suốt hơn nửa thế kỷ, trong đó không thể không kể đến hai khuôn mặt của văn học nước nhà là nhà văn Nguyễn Khải và nhà thơ Chế Lan Viên.

Trước tiên xin tóm lược một ít chi tiết về quá trình làm việc của nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo. Theo như ông kể thì ông sinh năm 1947 tại Nam Định. Lúc nhỏ Trần Mạnh Hảo theo cha xứ đi giúp lễ và học kinh sách giáo lý chủng viện công giáo. Lớn lên đi học, vì lý lịch xấu không được vào đại học.
Năm 1975 ông từ rừng Lộc Ninh về Sài Gòn, ra khỏi lính làm báo dân sự. Năm 1982 vì viết bài thơ “Cho một người nằm xuống” để khóc Nguyên Hồng ông bị treo bút ba năm. Năm 1989, in tiểu thuyết Ly Thân, ông bị cho ra khỏi đảng, đuổi khỏi biên chế nhà nước.
Trần Mạnh Hảo đã xuất bản trên dưới 30 đầu sách. Tuy nhiên từ 10 năm nay các bài viết của ông bị cấm in trên báo lề phải, không được xuất bản sách trong nước. Trần Mạnh Hảo thú nhận hiện nay ông chỉ còn viết trên Internet cho vui… Trần Mạnh Hảo cũng khẳng định rằng ông không làm chính trị mà chỉ làm văn học, làm sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút là nói lên, viết lên sự thật.
Thức tỉnh
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông Trần Mạnh Hảo, câu hỏi đầu tiên có lẽ xin ông cho biết tại sao lúc gần đây lại có hiện tượng rất nhiều cán bộ cao cấp và văn nghệ sĩ nổi tiếng đã phát ngôn hay sáng tác nói lên những điều mà nhiều năm trước đây không ai dám nghĩ là sẽ xuất hiện trong chế độ toàn trị của đảng cộng sản Việt Nam?
Trần Mạnh Hảo: Theo tôi thì chuyện người ta già, người ta về hưu, khi nhìn thấy cõi chết thì người ta thường quay lại kiểm điểm cuộc đời và con người dù tàn ác đến đâu thì tạo hóa cũng cho một chút xíu lương tâm có thể nó đã ngủ quên cả cuộc đời nhưng khi về già, khi gần chết thì nó thức tỉnh. Chút xíu đom đóm lương tâm đó lập lòe trong tâm hồn con người mà cả đời họ làm ác, có thể nó thức tỉnh, nó làm cho người ta ân hận sám hối cho nên người ta nói lên sự thật, nói lên những điều thật nhất mà suốt đời không có cơ hội để nói.
Về hưu mới dám nói thật


Mặc Lâm: Cũng có người tiếc rẻ khi những phát ngôn của nhiều cán bộ cao cấp tung ra quá chậm, khi họ đã về hưu do đó không còn tác động gì lớn lao đối với hệ thống như khi họ còn tại chức, đương quyền…

Trần Mạnh Hảo: Cái chuyện đó tôi cho là cũng rất bình thường vì trong một xã hội toàn trị như Việt Nam thì những người là cán bộ cao cấp họ không có dịp nói thật khi họ cầm quyền, vì nói thật ở Việt Nam là nguy hiểm vô cùng. Bởi vì cái hệ thống chính trị của họ là một hệ thống chính trị thật sự xa rời mục tiêu của sự thật.



Ví dụ như ông Võ Văn Kiệt đã lên tới Thủ tướng chính phủ, khi ông ấy làm Thủ tướng ông ấy không dám nói thật nhưng khi về hưu rồi mới dám nói thật. Ông nói thật một điều rất tâm huyết rằng ngày 30 tháng Tư là cái ngày có một nửa nước vui, một nửa nước buồn. Một triệu người vui thì có một triệu người Việt Nam buồn. Ông ấy nói câu ấy là quá đúng. Những người miền Nam Việt Nam hồi đó họ thua trận họ vẫn có lý tưởng rất là tốt đẹp phục vụ đất nước, dân tộc. Nhưng thua trận nên họ buồn và còn bị bắt đi tù đày hàng loạt… họ buồn là đúng chứ sao bắt họ vui cho được?
Ông Kiệt đã nói lên một sự thật mà sự thật này khi đang làm thủ tướng ông ấy không thể nói được cho đến khi về hưu mới nói được sự thật này. Chính việc nói lên sự thật này dần dần ông sẽ nói ra các sự thật khác cho nên rất nguy hiểm cho tính mạng của ông ấy.
Mặc Lâm: Còn chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thì sao thưa ông?
Trần Mạnh Hảo: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An là một người suốt cuộc đời theo cách mạng, theo cộng sản nhưng khi nghĩ hưu rồi thì cũng phải nói lên sự thật. Thà ông như vậy có thể tôi trọng ông ấy hơn là những người cứ câm miệng suốt cả cuộc đời vì lương tri trong người họ không trổi dậy. Nói cho cùng khi lương tri không thức tỉnh trong tâm hồn họ thì họ sống cả cuộc đời không lương tri, không lương thiện.
Ông Nguyễn Văn An nói như thế này, Ông bảo hiện giờ không cải tạo được đất nước vì cái sai lầm là của hệ thống mà muốn thay đổi cho đất nước tiến lên thì phải thay cái hệ thống cộng sản này.
Mặc Lâm: Còn riêng về Phó thủ tướng Trần Phương thì sao?
Trần Mạnh Hảo: Ông Phó Thủ tướng Trần Phương là một người cũng tận tụy đi theo cách mạng. Làm đến Phó Thủ tướng nhưng khi các ông ấy ngồi lại để góp ý cho đảng thì ông ấy nói rằng cuộc đời trong mỗi cá nhân chúng ta để vượt qua những sự kiện quan trọng trong đời mà cứ phải nói dối người thân, nói dối gia đình, nói dối mọi người đến mấy lần thì khi về già đã thấy ngượng, thấy xấu hổ lắm. Nhưng đảng cộng sản của chúng ta từ khi sinh ra đến giờ toàn nói dối mà không biết tại sao đảng không biết ngượng, không biết xấu hổ, không biết sám hối. Đấy là một cán bộ cao cấp khi về hưu đã nói như thế.
Bi kịch Đi tìm cái tôi đã mất


Mặc Lâm: Riêng về văn nghệ sĩ thì sao thưa ông?
Trần Mạnh Hảo:Giới văn nghệ sĩ rất nhiều anh em đã nói nhưng nổi bật nhất vẫn là ông Nguyễn Khải và Chế Lan Viên. Ông Nguyễn Khải là một nhà văn đi theo cách mạng từ năm 1945 là con một tri huyện mà là con một bà vợ hai nên khi theo cách mạng ông khai là không có cha để tránh việc bố ông ấy là quan huyện. Quê cha ông ở Nam Định nhưng ông khai quê mẹ ở Hải Dương và không có cha. Cha ông ấy sau này đến năm 54 thì di cư vào Sài Gòn.
Ông Nguyễn Khải là một nhà văn rất trí thức mặc dù ông chỉ học chưa hết trung học của thời Pháp nhưng ông ấy chịu đọc và suy nghĩ viết lách rất giỏi và rất thông minh. Cả cuộc đời ông ấy viết theo mệnh lệnh của đảng. Tất nhiên những cuốn sách ông ấy viết đã lách ra khỏi hệ thống một tí mà bây giờ người ta gọi là lề trái.

Trong sách ông ấy viết về lề phải nhưng khi mở ra người ta thấy đầy lề trái trong đó. Tức là cái lề phải là lề của đảng cộng sản còn lề trái là lề của những người bất đồng.
Trước khi chết ông Nguyễn Khải có viết mấy bài, sau khi ông ấy chết mới tung ra rất là sâu sắc. Nói chung là ông ấy viết một cách trí thức chứ không phải chửi bới vớ vẩn. Bây giờ ai vào trong Google đánh chữ Nguyễn Khải đều hiện lên những bài của ông ấy nói về những đau đớn của ông ấy như bài “Đi tìm cái tôi đã mất” hay là “Nghĩ muộn”. “Đi tìm cái tôi đã mất” ông lấy trường hợp của bản thân ông, một con người sinh ra đời, đi tìm chân lý, đi tìm sự thật đã thấy sự thật, chân lý mà không dám vô! Bởi vì đi vào thì sẽ bị tù, sẽ bị bắt sẽ bị giết. Một sự đau đớn vô cùng của một trí thức.
Cả bài “Đi tìm cái tôi đã mất” của ông Nguyễn Khải cuối cùng ông ấy kết luận là: Đảng cộng sản nên trả chính quyền cho nhân dân, đã cướp chính quyền của nhân dân rất lâu rồi hãy trả lại cho nhân dân cái quyền đã đánh mất. Các quyền tự do, dân chủ tất cả phải trả lại cho dân. Ông ấy còn nói về thân phận đau đớn của người cầm bút trong chế độ cộng sản mà không dám nói lên sự thật.
Sự thật nó đến nhà nó ở trong tâm hồn mình. Chân lý nó nằm trong tâm hồn mình mà mình sợ, mình run rẩy không dám nhận nó. Mình run rẩy bảo nó cút đi vì nói ra bị tù bị tội rồi vợ con sống làm sao? Đi ăn mày à?
Cả cuộc đời ông Nguyễn Khải ông ấy viết trong sự sợ hãi. Ông ấy bảo làm người mà như con gián thì làm sao thành người được? Nếu quý vị đọc bài này của Nguyễn Khải thì quý vị thấy cái đau đớn vô cùng của người cầm bút trong chế độ cộng sản. “Đi tìm cái tôi đã mất” là một bài viết tôi cho là rất trí thức, rất uyên bác, rất hay. Nói về thân phận của người cầm bút trong một chế độ toàn trị. Trong một chế độ mà không ai dám nghĩ đến sự thật, chân lý. Vì nghĩ đến sự thật, nói đến chân lý thì sẽ bị giết. Đấy là bi kịch lớn của chúng ta trong giai đoạn vừa qua.
Mặc Lâm: Theo chúng tôi biết thì trước đây ông Nguyễn Khải rất thân tình với ông, có kỷ niệm gì giữa hai ông mà ông cảm thấy cần chia sẻ với thính giả hôm nay hay không?




Trần Mạnh Hảo: Tôi là người đã từng là đàn em thân thiết của Nguyễn Khải. Có những năm ông Nguyễn Khải vào Sài Gòn ở ba tháng trời trong nhà tôi và khi tâm sự với tôi thì ông ấy không nói dối điều gì cả. Ông nhận ra tất cả mọi cái nhưng không dám viết ra. Ông ấy tâm sự với tôi và ổng khóc. Lúc ấy Sài Gòn mới giải phóng vài ba năm ông ấy vào nhà tôi tại một chung cư văn nghệ sĩ ở Sài Gòn. Ông ấy ở với tôi, có ông Lê Lựu nữa.
Có những đêm anh em tâm sự với nhau mà ổng khóc. Bởi vì con người ông Nguyễn Khải có học ổng đọc sách, tiểu thuyết tiếng Anh tiếng Pháp thoải mái và ổng rất uyên bác. Một con người như thế thì họ đau đớn là phải, vật vã là phải thôi. Phải viết những điều mình không muốn bởi viết những điều mình muốn mình tâm huyết thì không được in mà có in ra thì cũng tai bay vạ gió.
Cho nên ông Nguyễn Khải đau cái đau thân phận làm con người trong một chế độ toàn trị, không cho người ta tự do viết, trong khi mình là người cầm bút là nhà văn.
Ông bảo nhục nhã lắm, đau đớn lắm. Những bài viết như “Nghĩ muộn”, “Đi tìm cái tôi đã mất” Nguyễn Khải viết để trối lại cho đời sau, đọc thấy cay đắng và đau đớn vô cùng.
Mặc Lâm: Xin chia sẻ một điều tôi rất lấy làm lạ là tại sao Trần Mạnh Hảo lại nói được, chẳng hạn như bây giờ, mà Nguyễn Khải lại không nói được? Có phải giai đoạn này nới lỏng tự do ngôn luận hơn hay chăng?
Trần Mạnh Hảo: Nguyễn Khải không ở trong tư thế nói như tôi được vì tính cách của ông ấy khác. Ông ấy theo cộng sản từ năm 45 đến giờ và đã đi hết cuộc đời rồi cho nên ông ấy muốn nói với hậu thế cái điều thật nhất của ông ấy. Ổng viết ra rồi ông bảo gia đình ổng sau khi ổng chết thì mới công bố.
Trong đám tang của Nguyễn Khải thì người ta mới biết bài viết của ảnh, được gửi cho những người trong đám tang và họ đưa lên mạng. Đau đớn như vậy, chết rồi mới dám nói ra sự thật, chết rồi mới dám sám hối. Đấy là một bi kịch đau đớn của người cầm bút.
Nếu anh không có lương tri anh cứ cầm bút như một bồi bút thì suốt cuộc đời anh không biết hổ thẹn, anh không biết ân hận thì những người đó tôi không bàn đến.
Mặc Lâm: Thưa ông Trần Mạnh Hảo rất tiếc là thời gian của chúng ta hôm nay không còn nữa, chúng tôi biết một nhân vật nữa mà thính giả chúng ta đang chờ nghe vì sự có mặt của ông ta dưới mái nhà trường của cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam. Ông là một hiện tượng trong phong trào thơ Mới và sáng tác khi tuổi còn rất trẻ. Chỉ 16 tuổi ông ta đã nổi lên như một ngôi sao sáng qua tập thơ “Điêu Tàn” với bút hiệu cũng lạ lùng và ấn tượng là Chế Lan Viên.
Xin đề nghị chúng ta sẽ dành một chương trình đặc biệt để nói về nhà thơ Chế Lan Viên, về những sáng tác sau cùng của ông với những nhận thức mà theo nhiều người cho rằng một sự sám hối với chính mình. Xin cám ơn nhà văn Trần Mạnh Hảo về chương trình hôm nay, xin cám ơn quý vị thính giả đã quan tâm theo dõi.
Mặc Lâm [Nguồn RFA]

Nhà thơ Chế Lan Viên

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

2012-01-14

Trong chương trình VHNT tuần rồi nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo đã cho chúng ta biết một vài nhân vật cao cấp trong hệ thống chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam đã trăn trở, nhận chân lại sự thật về hệ thống mà họ đã hết lòng phục vụ trong suốt cuộc đời để rồi cuối cùng phát hiện ra sự hy sinh của mình là vô ích.

Trong những khuôn mặt ấy trong giới văn nghệ sĩ có hai người nổi tiếng là Nguyễn Khải và Chế Lan Viên.

Thiên tài

Tuần trước chúng ta đã biết phần nào về nhà văn Nguyễn Khải, hôm nay mời quý vị theo dõi tiếp câu chuyện của tác giả tập thơ Điêu Tàn, người đi vào nền văn học Việt Nam khi chưa qua khỏi lứa tuổi 16. Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn là điều không ai có thể từ chối, tuy nhiên con đường phục vụ cách mạng bằng thi ca của ông là một chuỗi sai lầm mà ông tự nhận vào lúc cuối đời đáng để cho nhiều người suy nghĩ.
Mặc Lâm: Bây giờ xin quay lại với nhà văn Trần Mạnh Hảo, thưa ông để tiếp tục chương trình, xin ông nói qua về con người và sự nghiệp của nhà thơ Chế Lan Viên như ông được biết qua kinh nghiệm cá nhân như thế nào?

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Ông Chế Lan Viên là lớp đàn anh ông Nguyễn Khải. Trong Hội Nhà Văn Việt Nam người ta nói thế hệ tiền chiến thì người thông minh nhất, sắc sảo nhất là Chế Lan Viên, còn thế hệ cầm bút thời chống Pháp người thông minh nhất, uyên bác nhất là Nguyễn Khải. Hai ông đó nói rồi thì người ta khó nói lại lắm. Trong đám đông khi hai ông ấy lý luận thì rất khó nói lại vì họ rất thông minh, trí thức. Ông Chế Lan Viên năm 1937 ông ấy mới 16 tuổi đã cho in tập thơ Điêu Tàn làm kinh ngạc cả nền văn học nước nhà và ông Hoài Thanh đánh giá như một thiên tài. Rõ ràng ông Chế Lan Viên xuất hiện với tư cách là một thiên tài.

Chế Lan Viên quê ở Quảng Trị nhưng học ở Quy Nhơn. Ông ấy trưởng thành trong nhóm thơ ở Quy Nhơn và khi cách mạng đến năm 1945 thì ông ấy rất vui vẻ đi theo và tôi cho rằng đi theo như thế là thật lòng bởi vì cả tuổi thơ của ông ấy là thời thuộc địa. Dân Việt Nam năm 45 đều vui mừng cả vì nước nhà đã dành được độc lập. Rất nhiều văn nghệ sĩ, các nhà tư bàn, địa chủ theo cách mạng, kháng chiến rất nhiều. Sau này những người Việt Minh họ đứng ra lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp và dần dần cuộc kháng chiến chống Pháp lái qua ý nghĩa cộng sản, tức là đấu tranh giai cấp và loại những giai cấp không cùng với mình như địa chủ, tư sản là phải tiêu diệt cho nên nó mới tạo ra cuộc mất đoàn kết vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Chia rẽ nhất từ trước tới giờ dân tộc ta chưa bao giờ chia rẽ như thế.

Một số người vẫn trung thành đi theo và vào đảng như Chế Lan Viên. Năm 48-49 gì đó ông ấy vào đảng và đi theo cho đến cùng. Rất nhiều trí thức, rất nhiều văn nghệ sĩ họ về thành, dinh tê. Ví dụ như Doãn Quốc Sỹ nằm trong nhóm viết văn ở khu Việt Bắc với ông Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố.

Ba tập thơ sám hối

Ông Chế Lan Viên theo cách mạng khởi nguồn là thật nhưng sau này đã nhận thức ra nhưng không thể nói lên được. Ông nhận thức con đường mình đã đi là giả nhưng không thể nói được vì đã trót đi cứ đi như vậy mãi...
Mặc Lâm: Vào năm 1991 rất nhiều người đã thích thú trước sự xuất hiện của bài thơ Bánh Vẽ. Đây có thể xem là một tuyên ngôn không khoan nhượng của nhà thơ trước sự thật mà ông chiêm nghiệm trong hơn nửa thế kỷ. Xin ông cho biết về bài thơ này...
Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Đây là bài thơ ông Chế Lan Viên viết về sự nhầm lẫn của ông ấy, ông biết là bánh vẽ mà vẫn phải ăn. Tôi xin đọc:

Bánh vẽ
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi
Nhai nhồm nhoàm
(Prométheé 86, Văn học và Dư luận, 8-1991)

Ông Chế Lan Viên biết mình đang ăn bánh vẽ nhưng vẫn phải nhai ngồm ngoàm. Ông biết con đường mình đi là sai trái nhưng vẫn phải đi. Đấy là bi kịch, là nỗi đau của trí thức. Thà anh ngu đi anh không biết anh lờ đi hoàn toàn… ở đây anh biết con đường anh đi là giả mà vẫn phải ca ngợi là chân lý, là tốt đẹp thì đấy là sự đau đớn quằn quại. Đấy là sự vong thân lớn. Đấy có thể gọi là bán linh hồn cho quỷ như Goethe đã viết con người đã bán linh hồn cho quỷ để đổi lấy sung sướng.

Thác Bayon bốn mặt

Mặc Lâm: Chúng tôi chú ý đến một bài thơ rất lạ của Chế Lan Viên sáng tác từ năm 1998 đó là bài “Tháp Bayon bốn mặt” có những câu như:
Anh là tháp Bay-on bốn mặt
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình....

Bài thơ này đã mở ra một suy tưởng khác của nhà thơ Điêu Tàn bởi thao thức với cái triết lý sống nhiều mặt của văn nghệ sĩ trong đó có cả nhà thơ. Phải chăng Chế Lan Viên phản ứng mạnh hơn, trí tuệ hơn trong bài thơ này so với trước đó là bài Bánh Vẽ sáng tác vào năm 1991 rất trực diện và trần trụi?
Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Bài “Thác Bayon bốn mặt” là bài thơ lớn của Chế Lan Viên. Bài thơ này có một khái quát tổng hợp về triết học và thần học. Ý nghĩa lớn của nó là về triết học chứ còn ý nghĩa xã hội, chính trị thì tôi nghĩ nó cũng nhỏ thôi. Tức là bản thân con người ta nó tồn tại không phải 4 mặt mà rất nhiều mặt trong mỗi chúng ta.

Đạo Phật có Phật Bà nghìn mắt nghìn tay bốn mặt của Ấn Độ giáo truyền qua Campuchia bốn mặt quay về bốn hướng. Con người có những mặt quay về các hướng khác nhau, nó thể hiện thần học và triết học. Chế Lan Viên tức nhiên cũng nói ý nghĩa chính trị trong đó rằng những gương mặt mà tôi chường ra chưa phải là gương mặt thật của tôi vì gương mặt thật của tôi chưa thể hiện ra được, bài thơ này nó có ý đó.

Bài thơ đó về mặt triết học nói về thân phận con người. Để mà làm người thì phải đi qua rất nhiều những con đường giả hình. Đi qua cái giả, từ cái giả chưa chắc đã nhận chân sự thật. Mọi cái anh tưởng là thật thì đấy là giả. Trong thần học, trong Phật giáo hay Ấn Độ giáo thì con người sinh ra và lớn lên bị ảo tưởng, bị sự dối trá của chính bản thân mình nó lừa mình cho nên tìm ra sự thật trong cuộc đời của chúng ta rất khó.
Nhưng ở đây cũng có thể nói đau đớn của Chế Lan Viên là cái gương mặt thật của anh phải giấu đi trong tăm tối của cái sâu thẳm trong tâm hồn mình chưa có dịp để trình ra với mọi người.

Chế Lan Viên đã trình ra mặt thật của ông ấy trong ba di cảo thơ rất lớn của ông ấy vào lúc cuối đời và ông đã nói thật hết gần như toàn bộ con người của mình và phủ nhận con đường ông đã đi. Ông bị đi chứ không phải được đi và ông đau đớn vô cùng khi nhận thức ra điều đó.
Toàn bộ cuộc đời Chế Lan Viên nếu không có ba tập thơ sám hối này thì ông chỉ là một bồi bút của một chế độ toàn trị mà thôi.
Mặc Lâm: Trong ba tập thơ đó thì “Bánh Vẽ” chúng ta đã nói qua còn bài “Trừ đi” thì sao?
Nhà văn Trần Mạnh Hảo: “Trừ đi” của ông ấy là thẳng thừng ngược lại. Nhiều người đọc bài thơ nhưng không để ý tới từ “đi”. Mày cộng vào thì tao trừ đi!

Trừ Đi

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau – giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm – giết một ước mơ – tôi giết
Cái cánh sắp bay – trước khi tôi viết
Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời lên trên biển – Giết mưa
Và giết cả cỏ trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi.
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi – Người có lỗi
Đã phải giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình
(Tạp chí Văn, Paris 1992)

Mặc Lâm: Có một điều đáng kinh ngạc là Chế Lan Viên có thể là người duy nhất thừa nhận rằng do những giòng thơ tuyên truyền ca tụng của ông mà hàng ngàn con người đã chết trong trận Mậu Thân. Đây có thể nói chính xác là lời sám hối của một người có lương tri dám nhìn sự thật về tác hại của những lời giả dối của mình trong thơ ca, xin ông đọc cho thính giả nghe bài thơ hiếm có này…

Nhà văn Trần Mạnh Hảo:

Ai? Tôi!

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi!

Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong.
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ

Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!

Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời,
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ.
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười

(Rút trong sổ tay thơ tập 5 của tác giả)
Hãy thoát khỏi thân phận bồi bút

Mặc Lâm: Vâng thưa ông Trần Mạnh Hảo, để kết thúc buổi mạn đàm hôm nay xin ông cho một kết luận về hai khuôn mặt Nguyễn Khải và Chế Lan Viên theo như kinh nghiệm sống cùng của ông đối với hai tài năng này.

Nhà văn Trần Mạnh Hảo: Ông Chế Lan Viên là người tài nhất trong thế hệ Tiền Chiến mà trong những năm theo cộng sản ở miền Bắc từ năm 54 đến năm 75. Ông viết vẫn hay và có thể hay hơn thời Điêu Tàn. Còn Huy Cận, Xuân Diệu thì chỉ tài trong tiền chiến thôi chứ tới sau này thì chỉ có Chế Lan Viên là người vẫn viết hay.

Chế Lan Viên là một thiên tài còn Nguyễn Khải là tài năng lớn. Hai tài năng đại diện cho hai thế hệ, một thế hệ tiền chiến và một thế hệ chống Pháp đã nói lại cho thế hệ chúng tôi và các thế hệ mai sau rằng bất hạnh thay cho đất nước, cho quê hương chúng ta đã bị bắt đi theo một con đường sai lầm, đau khổ. Và bây giờ cái khao khát của Chế Lan Viên và Nguyễn Khải nhắn với hậu thế rằng con đường đi của các ông ấy là các ông ấy bị đi chứ không phải được đi và đấy là con đường đau khổ, con đường đầy nước mắt, con đường không có sự thật và chân lý đi cùng. Cuối đời may mắn là các ông còn trối lại với hậu thế. Các ông ấy nhận chân ra điều đó và để lại cho thế hệ mai sau rằng hãy noi gương các ông mà thoát khỏi cái thân phận bồi bút theo đóm ăn tàn, thân phận đau đớn nhục nhã của người cầm bút, người trí thức.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà văn Trần Mạnh Hảo về buổi nói chuyện ngày hôm nay. Thưa quý vị thính giả chúng ta vừa biết thêm một chút sự thật về hai người, một là nhà văn Nguyễn Khải và hai là nhà thơ Chế Lan Viên về những những u uất của họ trong những lúc cuối đời. Xin kính chào hẹn gặp lại vào tuần sau cũng trên làn sóng này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét