Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

BÊN TRONG CÁC VỤ TỰ THIÊU Ở TÂY TẠNG LÀ DO SỰ DIỆT CHỦNG VĂN HÓA. ASIA TIMES

Asia Times

Bên trong các vụ tự thiêu ở Tây Tạng là do sự diệt chủng văn hóa

Tác giả: Emily-Anne Owen

http://www.atimes.com/atimes/China/NF26Ad01.html

Người dịch: Dương Lệ Chi
26-06-2012


BẮC KINH – Chính phủ Trung Quốc không phải “loại bỏ chủ nghĩa cá nhân”, nhưng thay vì [Trung Quốc] khuyến khích sự đa dạng tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ, Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, bị gây sức ép sau vụ tự thiêu nữa của một người Tây Tạng ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc tuần qua. Phát biểu tại Đại học Westminster ở London tuần trước, Đức Đạt Lai Lạt Ma thúc giục chính phủ Trung Quốc học hỏi từ sự thành công của chủ nghĩa đa nguyên ở Ấn Độ, nơi ông đã sống lưu vong kể từ khi rời bỏ quê hương mình vào năm 1959.


Trong khi ông thừa nhận, “độc lập hoàn toàn… không phải là vấn đề đặt ra”, nhưng ông than vãn về hệ thống “lỗi thời” của Đảng cầm quyền Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mà các nhóm ủng hộ Tây Tạng cáo buộc đang nghiền nát văn hóa Tây Tạng.
Bài phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma sau vụ tự thiêu của Tamdin Thar, một người Tây Tạng làm nghề chăn gia súc, đã chết ở Huangnan, thuộc khu tự trị Tây Tạng, nằm ở phía tây bắc Trung Quốc hồi tuần trước. Người chăn gia súc này ít nhất là người Tây Tạng thứ 38 đã tự thiêu từ năm 2009 và 29 người đã chết. Tháng trước, các vụ tự thiêu đã lan đến Lhasa, thủ đô Tây Tạng, lần đầu tiên khi hai người đàn ông tự thiêu bên ngoài một ngôi chùa.
Năm ngoái, tại một cuộc họp báo ở Tokyo, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cáo buộc Bắc Kinh “diệt chủng văn hóa” ở Tây Tạng và cho rằng làn sóng tự thiêu chưa từng có là do sự đàn áp ngày càng khắc nghiệt về văn hóa và tôn giáo Tây Tạng của chính phủ.
Văn hóa bị tấn công
Kể từ khi cuộc bạo động của người Tây Tạng hồi năm 2008, Trung Quốc đã tung ra một chiến dịch đàn áp ngày càng khắc nghiệt ở các khu vực Tây Tạng trên đất nước. Các chính sách của chính phủ trong các tu viện được cảm nhận sâu sắc nhất: cảnh sát giám sát thường xuyên, cắt đứt nguồn cung cấp lương thực và nước nôi, và giáo dục cưỡng bức lòng yêu nước cho các tu sĩ, đã làm gia tăng sự giận dữ và tuyệt vọng.
Năm nay, Bắc Kinh đã phân phát hơn một triệu bức chân dung của bốn nhà lãnh đạo Cộng sản quan trọng nhất và cờ Trung Quốc cho các tu viện, các gia đình và trường học Tây Tạng. Hình ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma – nhân vật tinh thần quan trọng nhất của Tây Tạng đã bị cấm. Nhưng việc hạn chế của chính phủ không chỉ diễn ra ở các tu viện. Các nhà chức trách đã đóng cửa các trường học Tây Tạng do địa phương cấp ngân sách, mở các lớp dạy ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng, theo Trung tâm Nhân quyền và Dân chủ Tây Tạng, có trụ sở ở Ấn Độ.
Trường Khadrok Jamtse Rokten, thành lập năm 1989, đã bị buộc đóng cửa vào ngày 2 tháng 4, theo tin tức từ Trung tâm [Nhân quyền và Dân chủ] Tây Tạng. Trường nằm ở quận Ganzi, tiếng Tây Tạng là Kardze, ở tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc, khu vực mà chuyện tự thiêu ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Hai giáo viên đã bị bắt.
Bà Tsering Woeser, nhà thơ Tây Tạng và là tác giả, người đã giúp làm nổi bật các vụ tự thiêu ở một blog có ảnh hưởng, tin rằng, những hành động như vậy được thiết lập để từ từ hủy hoại văn hóa Tây Tạng.
Bà Woeser nói với IPS: “Ngôn ngữ rất quan trọng đối với bất kỳ chủng tộc nào. Tuy nhiên, ở các vùng Tây Tạng, chính phủ Trung Quốc đang thực hiện cải cách giáo dục để giảm bớt giáo dục bằng ngôn ngữ Tây Tạng. Ở các trường học Tây Tạng, nơi các lớp học lẽ ra phải được giảng dạy bằng ngôn ngữ Tây Tạng, nhưng được dạy bằng tiếng phổ thông và ngay cả sách giáo khoa cũng bằng tiếng phổ thông. Tệ hơn nữa, các trường tư đang dần dần bị đóng cửa“.
Bà Woeser nói: “Trong khi đó, các trí thức hiện đại, gồm các nhà văn, nhân viên của tổ chức phi chính phủ (NGO) và các ca sĩ đã bị bắt và bị giam giữ. Tôi lo rằng văn hóa Tây Tạng một ngày nào đó sẽ chết“.
Thiêu cháy trong tuyệt vọng
Phát biểu tại cuộc họp báo năm 2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết: “Đó là lý do vì sao quý vị nhìn thấy những sự cố đau buồn này đã xảy ra, do phần nào tuyệt vọng về tình hình này. Ngay cả người Trung Quốc từ đại lục đến thăm Tây Tạng cũng có ấn tượng là mọi chuyện thật khủng khiếp. Một dạng diệt chủng văn hóa đang diễn ra“.
Bắc Kinh đã cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma về việc tạo ra tình trạng bất ổn và tuyên bố rằng các vụ tự thiêu là “khủng bố cải trang”. Một bài báo đã được China Daily, tờ báo của nhà nước, đăng tải hôm thứ hai, nói rằng không có “vấn đề Tây Tạng” và đó là một sự xung đột được “phát minh bởi Anh quốc”. Tuy nhiên, Phong trào Quốc tế vì Tây Tạng (ICT) đã cáo buộc Trung Quốc “diệt chủng văn hóa”.
Trong một báo cáo có tựa đề: “60 năm cai trị tồi tệ Trung Quốc: Tranh cãi diệt chủng văn hóa ở Tây Tạng”, được công bố hồi tháng 4, trong Tháng Ngăn ngừa Diệt chủng [văn hóa], ICT tuyên bố rằng, các nhà chức trách Trung Quốc đã thực hiện một nỗ lực có hệ thống và phối hợp để thay thế văn hóa có hệ thống của Tây Tạng, với một phiên bản đã được sự chuẩn thuận của nhà nước, đáp ứng các mục tiêu của ĐCSTQ.
“Tình hình ở Tây Tạng không phải là một trường hợp vi phạm nhân quyền chống lại người Tây Tạng ngoại lệ hay riêng lẽ, văn hóa Tây Tạng là mục tiêu nhắm đến để hủy diệt ngay từ khi bắt đầu [tiếp quản Tây Tạng của ĐCSTQ]“, bà Mary Beth Markey, Chủ tịch ICT nói với IPS.
“Đàn áp văn hóa đã được thể chế hóa thông qua việc thực hiện các chiến dịch, quy định và luật pháp khác nhau. Nơi mà biểu hiện văn hóa nằm trong đường lối chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc, nó phải chịu đựng và thậm chí bị thương mại hóa. Nơi không [nằm trong sự chỉ đạo của chính phủ], văn hóa bị kiểm duyệt hoặc bị cách ly thông qua sự đồng hóa bằng cưỡng chế”.
ICT đã công bố bản báo cáo này hôm 25 tháng 4, là ngày sinh nhật của Gedhun Choekyi Nyima, Ban Thiền Lạt Ma của Tây Tạng. Gedhun Choekyi Nyima là nhân vật tôn giáo quan trọng đứng thứ hai trong Phật giáo Tây Tạng, sau Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giam hồi năm 1995 và không ai nghe nói về ông kể từ đó.
Từ đó, Bắc Kinh đã tự chỉ định Ban Thiền Lạt Ma, xức dầu thánh cho Gyaincain Norbu, 22 tuổi, người mà lần đầu tiên đã có bài phát biểu trước công chúng ở ngoài Trung Quốc đại lục trong năm nay. Sự xuất hiện [của Gyaincain Norbu] ở Hồng Kông được mọi người xem như một nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu hút sự công nhận quốc tế đối với Ban Thiền Lạt Ma mà chính phủ Trung Quốc chấp thuận, ông [Gyaincain Norbu] không được Đức Đạt Lai Lạt Ma hay chính phủ lưu vong Tây Tạng công nhận.

Nguồn: Asia Times
Nguồn ảnh: báo Economist.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét