Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

GIẢM PHÁT RỒI LẠM PHÁT. NGUYỄN XUÂN NGHĨA

...- Bản thân tôi thì còn hoài nghi hơn vậy vì cho là lãnh đạo kinh tế của Việt Nam chưa thấy cái vấn đề thật nó nằm ở đâu. Hoặc như có thấy thì cũng chẳng giải quyết được vì nó nằm trên đầu, nằm trong hệ thống chính trị. Đấy là cách giải thích duy nhất hợp lý khi người dân chứng kiến sự phá sản và vỡ nợ của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước mà lãnh đạo chính trị không giải quyết mà vẫn tự ký giấy ban khen trong khi các tiểu doanh thương đã bị chìm dưới đáy. Thất nghiệp và nghèo đói là những gì đang chờ đợi khi những người cầm đầu hệ thống chính trị này cứ chỉ nói đến cải cách hay tái cấu trúc trên giấy...

GIẢM PHÁT RỒI LẠM PHÁT

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA Ngày 120627

Kinh tế Việt Nam chưa đụng đáy, sẽ đụng nhưng doanh nghiệp đã "chết lâm sàng"....



* RFA photo - Ngân Hàng Trung Ương tại Hà Nội hôm 13/6/2012*


Chỉ số giá tiêu dùng trong Tháng Sáu tại Việt Nam đã giảm tới mức thấp nhất trong vòng 38 tháng vừa qua và giảm mạnh nhất tại Hà Nội. Sự kiện này xảy ra sau khi kinh tế Việt Nam bị lạm phát rất cao từ năm ngoái. Liệu đấy có là dấu hiệu cho thấy chính sách điều tiết vĩ mô đã phần nào đạt kết quả, hay ngược lại, đây là triệu chứng đáng ngại của hiện tượng giảm phát? Vũ Hoàng nêu câu hỏi với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài Á châu Tự do.


Thiểu phát, Giảm phát rồi Lạm phát




Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Sau nguy cơ lạm phát kéo dài trong hai năm liền, tuần qua người ta được biết chỉ số giá tiêu dùng tại Việt Nam đã giảm mạnh. Câu hỏi ám ảnh nhiều người hiện nay là Việt Nam gặp nạn giảm phát hay lạm phát? Ông có ý kiến gì về vấn nạn này và làm sao mình tiên đoán ra tương lai?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi đang gây thắc mắc cho nhiều người là "giảm phát hay lạm phát?" nhưng đây không chỉ là một vấn đề của Việt Nam mà còn đang làm nhiều nước khác ưu lo, kể cả Hoa Kỳ này. Câu trả lời ngắn gọn của tôi là: "cả hai, giảm phát rồi lạm phát, rồi sẽ thành suy lạm". Nghĩa là chúng ta đang gặp kịch bản đáng ngại nhất cho người làm chính sách. Trước hết, tôi xin được giải thích một vài khái niệm hay định nghĩa về chuyện rắc rối này.

- Lạm phát, hay inflation, là khi vật giá gia tăng, đo lường ở sự sai biệt của chỉ số giá tiêu dùng giữa hai thời kỳ và vật giá gia tăng khiến sức mua của đồng bạc bị soi mòn, có tiền cũng chả mua nổi hàng hóa hay dịch vụ cung cấp trên thị trường. Người nghèo, có ít tiền nhất thì bị thiệt nhất.

- Ngược lại, giảm phát hay deflation là khi giá cả sút giảm, thực tế là hết tăng, mà hàng họ vẫn ế ẩm bán không chạy vì chẳng có ai mua. Trường hợp đó xảy ra thì nhà sản xuất và tiêu thụ đều khổ, giàu nghèo gì cũng hoạn nạn và thất nghiệp sẽ tăng.

- Ở giữa hai trường hợp đó và dấu hiệu tiên báo cho sự xoay chuyển từ lạm phát qua giảm phát là hiện tượng tôi xin tạm gọi là "thiểu phát" hay disinflation, là khi vật giá tăng chậm hơn mà chưa rơi vào số âm. Việt Nam chưa bị giảm phát, đang bị thiểu phát và sẽ tuột xuống đáy, là kinh tế bị suy trầm.

- Kinh tế bị suy trầm hay recession là khi đà tăng trưởng sản xuất sút giảm liên tục. Nặng hơn vậy là nạn suy thoái hay depression, tức là không còn tăng trưởng sản xuất mà mọi lĩnh vực đều sút giảm, chỉ có thất nghiệp tăng đi cùng sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp.
- Với cái đà hiện tại thì kinh tế Việt Nam đang bị thiểu phát, với giá cả sút dần, sẽ bị giảm phát và kinh tế sẽ đụng vào đáy sâu hơn trước, sau đó lại bị suy trầm đi cùng nạn lạm phát. Đó là hiện tượng người ta gọi là đình phát hay suy lạm, suy phát, stagflation, tức là sản xuất đình đọng mà vẫn bị lạm phát. Cái khó nhất ở đây là tiên đoán được thời điểm bản lề, từ giảm phát lật qua lạm phát. Với Việt Nam, chuyện đó xảy ra sẽ rất nhanh, có thể là ngay trong năm tới thôi.

Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông là đã trình bày ra những dấu mốc trên một lộ trình thật khá đen tối như vậy. Nhưng dường như là ông vẫn còn có vẻ lạc quan khi cho rằng Việt Nam mới chỉ có dấu hiệu thiểu phát, là vật giá có tăng mà chậm hơn, chứ chưa đến nỗi giảm phát như nhiều người ở bên trong đã lượng định. Câu hỏi kế tiếp, thưa ông, vì sao vật giá lại sút giảm như vậy sau khi đã tăng quá 20% và bị lạm phát cao nhất trong các nước Đông Á? Phải chăng là nhờ các biện pháp ổn định của chính quyền, thí dụ như Nghị quyết 11 từ đầu năm ngoái?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ là chính quyền nào cũng cố khoe khoang thành tích của họ và càng thiếu dân chủ thì càng có chỉ số tuyên truyền cao mà mình phải trừ bì, hay gia trọng. Mà vì chẳng có quyền tự do thông tin thì báo chí và dư luận càng không có quyền phản biện hoặc tiên báo những gì sẽ xảy ra.

- Về những nguyên nhân thì ta không quên rằng kinh tế toàn cầu đang bị đình trệ, có thể gặp tổng suy trầm nữa, là lại bị suy trầm toàn cầu như trong các năm 2008-2009. Một hậu quả của sự thể đó là giá cả các loại thương phẩm như nguyên liệu, nhiên liệu và cả nông sản đều sụt. Cụ thể thì ta thấy giá dầu thô sụt mạnh, giá tại New York từ hơn trăm mốt vào Tháng Ba đã xuống dưới 80, tức là gần một phần ba trong có bốn tháng. Khi giá thương phẩm giảm thì lạm phát vì phí tổn và nhập khẩu từ đầu vào cho bộ máy sản xuất nội địa tất nhiên là giảm. Đấy là yếu tố khách quan, có thể nằm ngoài khả năng can thiệp hay ứng phó của chính quyền, nhưng cũng đánh sụt số thu về thuế khóa hay xuất khẩu, tức là có tác động vào ngân sách và dự trữ ngoại tệ.

- Yếu tố thứ hai, còn đáng ngại hơn nữa là những lý do nội tại của kinh tế Việt Nam sau hàng loạt biến động liên tục khiến nhiều doanh nghiệp bị nguy cơ phá sản. Đó là người dân hết tiền. Khi số cầu sụt giảm thì hàng họ có bán với giá hạ cũng chẳng có người mua. Vì thế mà tôi cho rằng Việt Nam đang bị thiểu phát và sẽ bị giảm phát, bộ máy sản xuất ngừng chạy, nhiều xí nghiệp rơi vào hoàn cảnh gọi là "chết lâm sàng" như diễn đàn của chúng ta đã báo động từ đầu năm ngoái.


Chính sách Vĩ mô Co giật liên hồi

Vũ Hoàng: Thế còn kịch bản từ giảm phát qua lạm phát mà ông cho là Việt Nam sẽ gặp và rất sớm, điều ấy có nghĩa là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta trở lại hoàn cảnh của cái năm bản lề là 2008 thì sẽ hiểu ra.
- Khi đó, nhà nước Việt Nam lạc quan hồ hởi với viễn ảnh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 mà không ngờ là lại gây ra lạm phát nên lật đật đạp thắng. Ngay sau đấy, khi kinh tế thế giới bị suy trầm thì lại hốt hoảng bơm tín dụng ào ạt để kích thích sản xuất nên thổi bùng lạm phát còn mạnh hơn. Hệ thống quản lý vĩ mô quá thô thiển đã dẫn tới loại chính sách co giật liên hồi và bất nhất khiến cơ thể kinh tế như một con bệnh gặp toàn những liều thuốc quá mạnh. Mà mỗi lần xoay chuyển như vậy là hàng loạt tiểu doanh thương bị phá sản, lợi tức giảm sút vì làm sao tồn tại trên doanh trường với lãi suất đi vay là trên 20% và còn cao gấp bội khi phải vay chui trên thị trường đen? Chúng ta sẽ có ngày trở lại đề tai vay mượn trên thị trường đen, hay hệ thống "ngân hàng chui" với lãi suất cắt cổ.

- Hậu quả là tình trạng ngày nay, khi số tổng cầu của nền kinh tế đã sa sút khiến hàng họ ế ẩm, tồn kho chất đống và nợ nần tích lũy mà không trả được. Khi nhớ tới kinh nghiệm thật ra vẫn còn nóng hổi thì ta mới đánh giá các biện pháp cứu nguy vừa được ban hành, như gói thuốc bổ trị giá 29 ngàn tỷ để cứu các doanh nghiệp đang bị nguy cơ sụp đổ hoặc cả trăm nghìn tỷ để cứu các công ty mắc nợ.

- Trước hết, gói giải pháp ấy không thể hồi sinh cả vạn cơ sở đã phá sản và cả triệu người thất nghiệp hoặc không còn việc làm toàn thời và lợi tức sa sút. Mà giảm thuế hay tạm giãn thuế thì vẫn chẳng cứu được ai vì các doanh nghiệp làm ăn đúng nghĩa không quyết định về đầu tư trong dăm ba năm tới do một biện pháp giảm thuế hay cứu trợ trong giai đoạn. Các doanh nghiệp lỗ lã thì còn lý gì đến chuyện giảm thuế vì họ có trả thuế đâu?

- Trong khi ấy, và đây mới là vấn đề, người ta nói đến cả trăm nghìn tỷ một cách trừu tượng chứ thực tế nó sẽ được trao đúng nơi đúng người để cứu những cơ sở có quan hệ tốt trong hệ thống xin và cho này. Và thay vì cải tổ cả hệ thống sản xuất kỳ lạ ấy, người ta còn thổi bùng nạn đầu cơ và lạm phát.

Vũ Hoàng: Thưa ông, kết cuộc thì làm sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau mỗi đợt dằn sóc như vậy, một thiểu số sẽ kiếm lời rất nhiều và tẩu tán tài sản ra ngoài, trong khi đa số còn lại phải ôm lấy một gánh nợ mà mọi người đều phải trả dưới hình thức này hay hình thức khác.

- Khi nhà nước cứ bơm tiền cấp cứu như vậy thì ngân sách bị bội chi, và phải đi vay hay in bạc ra trả. Đi vay nhiều thì phân lời trái phiếu phải tăng nên lãi suất cũng tăng. Khi in bạc ra xài thì ngân sách bị bội chi và mặc nhiên lại gây thêm lạm phát và vì vậy kinh tế vừa bị suy trầm vì bộ máy sản xuất không phục hồi mà vật giá vẫn gia tăng và đấy là kịch bản suy phát rất đáng ngại.

- Đấy là nguyên do và trình tự của sự kiện kinh tế bị giảm phát, lạm phát rồi suy phát, đó là thuộc về cái "nhân". Còn bao giờ chuyện đó xảy ra, khi nào ta sẽ thấy bước lật từ tình trạng này qua tình trạng kia thì đấy thuộc về cái "duyên" là yếu tố thời cơ. Nó có thể xảy ra khá nhanh vì những đột biến từ bên ngoài vào.


Đi vay, Trả nợ, rồi lại Đi vay tiếp

Vũ Hoàng: Nếu vậy, chúng ta sẽ bước qua chuyện đó, về những yếu tố ngoại nhập. Ông có thể phân tích cho thính giả của chúng ta dễ dàng theo dõi và tiên đoán được chuyện này không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta không quên bối cảnh toàn cầu hiện nay là suy trầm và thất nghiệp. Một nguyên nhân chính của hiện tượng đó là chuyện Việt Nam cũng đang gặp, như Trung Quốc, và hầu hết mọi nền kinh tế tiên tiến là vay mượn quá nhiều nên đến hồi phải thu vén chi tiêu mà trả nợ. Nạn suy trầm hoặc tổng suy trầm đồng loạt xảy ra từ Hoa Kỳ, Âu Châu tới Nhật Bản và Trung Quốc hay Ấn Độ cùng các nền kinh tế đang phát triển đều dẫn tới phản ứng chung là phải in tiền hay đi vay. Trong hoàn cảnh hiện nay, ta chỉ thấy suy trầm cộng hưởng, đồng loạt xảy ra. Và suy trầm đi đôi cùng giảm phát, tức là lạm phát ít đi hoặc không có.

- Khi kinh tế giảm phát thì phân lời hạ, lãi suất thấp càng khiến người ta ồ ạt vay mượn mà không sợ và quên hẳn rằng sở dĩ mình rơi vào chỗ trũng này cũng do đã đi vay quá nhiều. Đấy là hoàn cảnh của hầu hết các nước mà chẳng ai sợ khi thấy lãi suất đã bò ngang mặt sàn.

- Thế rồi sẽ có ngày mà mức luân lưu của đồng bạc hết đình đọng và giả cả hết giảm mà đột ngột tăng cùng với phân lời trái phiếu, tức là tiền lời khi đi vay. Chỉ dấu tiên báo bước lật đó có thể là đường tuyến phân lời của trái phiếu và nhiều người dự đoán là sự thể sẽ xảy ra rất nhanh, trong vòng một năm tới thôi. Nói cách khác, liều thuốc cứu nguy cũng là liều thuốc đổ bệnh.

- Bây giờ, trở lại chuyện Việt Nam là nơi không có lương y mát tay về kinh tế với các toa thuốc gây ra nạn co giật liên hồi như mình đã thấy. Khi tưởng rằng kinh tế đã hết bị lạm phát và còn có dấu hiệu suy giảm dưới cái mức thần kỳ mà duy ý chí là 6%, thì nhà nước lại tìm cách tống ga bơm tiền thay vì cải cách cả cơ chế sản xuất lẫn tài trợ và quản lý. Nghĩa là vẫn chỉ là bơm nước vào nơi úng thủy, gây ra nạn lạm phát trên một bộ máy sản xuất trì trệ.

- Từ bên ngoài vào, yếu tố tiên báo điều ấy sẽ là tỷ giá của đồng Mỹ kim vì so sánh với tình hình sóng gió chung thì thị trường Hoa Kỳ vẫn là bến đậu an toàn hơn cả. Hối suất Mỹ kim sẽ dội vào Việt Nam và nay mai gây sức ép khá tai hại cho bộ máy sản xuất và thật ra trung hòa luôn tính chất giảm phát của thương phẩm. Yếu tố nội tại ở bên trong thị trường chính là phân lời trái phiếu tại Việt Nam. Nó bắt đầu nhúc nhích và sẽ tăng. Chúng ta rất nên để ý tới dấu hiệu này.


Kinh tế chưa Đụng đáy


Vũ Hoàng: Tổng kết lại thì chúng ta vẫn trở về bài toán cải cách hay tái cấu trúc kinh tế đã được nói tới từ đầu năm ngoái mà chưa có dấu hiệu gì gọi là chuyển động, trong khi đó nguời ta lại có thể hài lòng với một vài chuyển động về vật giá, có phải như vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là kinh tế Việt Nam chưa đụng đáy và đà tăng trưởng sẽ khó vượt qua 5% trong khi ấy tồn kho vẫn chất đống, gánh nợ xấu, là khó đòi và sẽ mất, vẫn còn tăng. Nếu nhà nước không hiểu ra điều ấy mà cứ cho nhau uống nước đường và bao che các tác nhân đã gây ra khủng hoảng vì nợ nần chồng chất thì lại tái diễn kịch bản 2009. Đó là khi thấy lạm phát thoái lui từ hơn 17% xuống dưới 4% mà lại bơm tiền kích thích và thổi lên nạn lạm phát phi mã trong khi hệ thống Vinashin đã lung lay. Lần này thì nguy kịch hơn lần trước vì cả triệu doanh nghiệp đang thua lỗ, mấy vạn đã đóng cửa. Tâm lý chung của thị trường là bi quan và hoang mang khi thấy nhà nước không giải quyết vấn đề thật mà chỉ tìm giải pháp biểu kiến.

- Bản thân tôi thì còn hoài nghi hơn vậy vì cho là lãnh đạo kinh tế của Việt Nam chưa thấy cái vấn đề thật nó nằm ở đâu. Hoặc như có thấy thì cũng chẳng giải quyết được vì nó nằm trên đầu, nằm trong hệ thống chính trị. Đấy là cách giải thích duy nhất hợp lý khi người dân chứng kiến sự phá sản và vỡ nợ của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước mà lãnh đạo chính trị không giải quyết mà vẫn tự ký giấy ban khen trong khi các tiểu doanh thương đã bị chìm dưới đáy. Thất nghiệp và nghèo đói là những gì đang chờ đợi khi những người cầm đầu hệ thống chính trị này cứ chỉ nói đến cải cách hay tái cấu trúc trên giấy.

Vũ Hoàng: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét