Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012
KỶ NIỆM 85 NĂM NGÀY THÀNH LẬP VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG (25/12/1927 - 25/12/2012)
Việt Nam Quốc Dân Đảng là đảng cách mạng được thành lập ngày 25-12-1927 nhằm dánh đuổi thực dân Pháp với 3 mục tiêu căn bản: Dân Tộc Độc Lập - Dân Quyền Tự Do - Dân Sinh Hạnh Phúc
Lược Sử Thành Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng
25-12-1927/25-12-2012
Bối cảnh lịch sử
Vào thập niên 1920, thực dân Pháp ngày càng đè nặng ách thống trị tàn bạo lên đầu cổ người dân Việt Nam từ Bắc chí Nam. Chúng đàn áp dã man, bóc lột tận xương tủy. Nào sưu cao thuế nặng, nào bắt bớ giam cầm, tù đày, tra tấn, thủ tiêu những người yêu nước. Các phong trào nổi dậy chống Pháp trước đó bị đàn áp dữ dội. Phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu cũng bị dẹp tan. Khắp nơi đâu đâu cũng nghe tiếng oán hờn, nỗi uất hận cao ngút thấu trời xanh.
Trước cảnh cực kỳ đau thương đó của dân tộc, máu căm hờn sôi sục khắp nơi, thanh niên Việt Nam không thể tiếp tục cúi đầu chịu khuất phục đã cương quyết đứng lên chống lại bạo quyền. Nhà Cách Mạng Nguyễn Thái Học, một sinh viên trường Cao Đẳng Thương Mại Hà Nội lúc ấy mới 24 tuổi, đã cùng các thanh niên Việt Nam yêu nước khác như Nhượng Tống, Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm, Hồ Văn Mịch, Phó Đức Chính, Nguyễn Ngọc Sơn, Lê Văn Phúc vân vân... bí mật thành lập một tổ chức đấu tranh cách mạng nhằm đánh đuổi thực dân giành độc lập và tự do cho dân tộc.
Nam Đồng Thư Xã: Hạt nhân đầu tiên
Nam Đồng Thư Xã là hạt nhân phát sinh ra VNQDĐ. Cuối năm 1923, 3 thanh niên trí thức: Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài và Hoàng Phạm Trân (tức Nhượng Tống) đứng ra thành lập Nam Đồng Thư Xã ở số 6 đường 96 khu Nam Đồng Hà Nội, chuyên trứ tác, dịch thuật và xuất bản các sách thuộc loại chính trị, cách mạng, ái quốc như: Cách Mạng Trung Hoa, Lịch Sử Tôn Dật Tiên, Cách Mạng Thế Giới, Chủ Nghĩa Tam Dân. Là loại sách phổ thông, giá bán rất rẻ nên đã gây được tiếng vang lớn, lôi cuốn rất nhiều thanh niên, sinh viên và trí thức nhất là giáo giới và Hạ Sĩ Quan trong Binh Đoàn Thuộc Địa.
25-12-1927: Ngày thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng
Ngày 25-12-1927 là ngày trọng đại đối với lịch sử dân tộc cận đại: Ngày khai sinh Việt Nam Quốc Dân Đảng, một lực lượng Cách Mạng Dân Tộc với hệ thống tổ chức chặt chẽ, dân chủ và khoa học đầu tiên tại Việt Nam. (Đảng Cộng Sản Đông Dương chỉ được thành lập năm 1930).
Lúc ấy, Việt Nam Quốc Dân Đảng chủ trương một cuộc "cách mạng bạo lực để giành độc lập" và là cuộc "cách mạng dân tộc, dân chủ".
Ủy Ban Trù Bị Đại Hội do sinh viên Nguyễn Thái Học làm Chủ Tịch gồm tiểu ban dự thảo chương trình và điều lệ do các thanh niên đều dưới 25 tuổi như Hoàng Văn Tùng, Nguyễn Ngọc Sơn (mới du học ở Pháp về) và nhà văn Nhượng Tống.
Hội trường là nhà của đảng viên Lê Thành Vỵ, làng Thể Giáo, ngoại thành Hà Nội, trên tường treo một biểu ngữ bề ngang 4 thước, dài 20 thước với bàn thờ Tổ Quốc rất trang nghiêm: "Nhiệt Liệt Chào Mừng Đại Hội Đại Biểu Lần Thứ I Và Ngày Thành Lập Đảng 25 - 12 - 1927".
Nguyễn Thái Học được bầu làm Chủ Tịch Tổng Bộ.
Phó Chủ Tịch:Nguyễn Thế Nghiệp
Ủy Ban Tổ Chức: Phó Đức Chính, Trưởng Ban.
Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Ban.
Ủy Ban Tuyên Truyền: Nhượng Tống, Trưởng Ban.
Ủy Ban Ngoại Giao: Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch.
Ủy Ban Tài Chánh: Đặng Đình Điển, Trưởng Ban
Đoàn Mạnh Chế, Phó Trưởng Ban.
Ủy Ban Giám Sát: Nguyễn Hữu Đạt, Trưởng Ban.
Hoàng Trác, Phó Trưởng Ban.
Ủy Ban Trinh Sát: Trương Dân Bảo, Phạm Tiềm.
Ủy Ban Ám Sát: Hoàng Văn Tùng.
Ủy Ban Binh Vụ: (Khuyết. Đại hội kỳ II do Trần Văn Môn, Đội Tàu Bay phụ trách).
Hơn 5 giờ sáng, 16 Đồng Chí tuổi từ 60, 70 đến 20, 30, nghiêm trang tuyên thệ trước Bàn Thờ Tổ Quốc với lời tâm nguyện:
"Quyết tâm làm tròn sứ mệnh đã được trao phó, hăng say đưa sự nghiệp cách mạng đến thành công mỹ mãn. Tuyệt đối hy sinh tất cả cho nước và cho Đảng. Nếu sai lời thề xin chịu tội tử hình".
Đại Hội đã biểu quyết Nam Đồng Thư Xã là ĐỆ NHẤT CHI BỘ, đó là chi bộ hạt nhân nói lên tinh thần tập thể lãnh đạo Đảng. Ông Đỗ Văn Sinh là Niên Trưởng Chi Bộ, thống thuộc Tổng Bộ.
Chủ Nghĩa Đảng
Việt Nam Quốc Dân Đảng theo con đường Dân Tộc Cách Mạng.
Điều lệ của Việt Nam Quốc Dân Đảng lúc bấy giờ ghi rõ: "Mục đích và tôn chỉ của Đảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam độc lập Cộng hòa. Đồng thời giúp các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ đặc biệt là các lân quốc Ai Lao, Cao Mên".
Trong giai đoạn đầu, VNQDĐ dựa vào lý thuyết Tam Dân của Tôn Dật Tiên, quốc phụ Trung Hoa và sáng lập Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Tam Dân Chủ Nghĩa với 3 nguyên tắc làm cơ sở tư tưởng:
- Dân Tộc Độc Lập.
- Dân Quyền Tự Do.
- Dân Sinh Hạnh Phúc.
Khẩu hiệu của Đảng là: Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc (*)
Việt Nam Quốc Dân Đảng đã được thành lập vào ngày 25-12-1927, trùng với ngày kỷ niệm của Thiên Chúa Giáng sinh lần thứ 1927.
Như vậy Việt Nam Quốc Dân Đảng đã thành lập được 84 năm (25-12-1927 - 25-12-2011)
____________________________
(*) Việt Nam Quốc Dân Đảng là đảng cách mạng được thành lập ngày 25-12-1927 nhằm dánh đuổi thực dân Pháp với 3 mục tiêu căn bản:
Dân Tộc Độc Lập - Dân Quyền Tự Do - Dân Sinh Hạnh Phúc
Nguyễn Thái Học
Nguyễn Thái Học – vị anh hùng dân tộc đã thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng ở tuổi 25 nhằm chống thực dân Pháp. Dù ông không thành công nhưng những bài học và giá trị tinh thần ông để lại rất đáng để thế hệ trẻ noi theo.
Nam Đồng thư xã - Tiền thân của Việt nam Quốc Dân Đảng
Việt Nam vào những năm 1920, khi mà những phong trào đấu tranh giành độc lập đã không còn lấy triều đình làm điểm tựa, nhiệm vụ đánh đuổi thực dân là do quần chúng tự phát dưới nhiều hình thức khác nhau. Lúc bấy giờ ở Hà Nội có nhóm tri thức trẻ gồm anh em Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài, cùng với Hoàng Phạm Trân đứng ra thành lập nhà xuất bản Nam Đồng thư xã nằm bên bờ hồ Trúc Bạch.
Nam Đồng thư xã ra đời là nơi thu hút rất đông thanh niên có lòng với đất nước tìm đến gặp gỡ nhau để bàn luận chuyện chính trị. Nam Đồng thư xã vừa là một nhà xuất bản, một hiệu sách, đồng thời cũng là một nhóm biên soạn, dịch thuật, phát hành sách báo phổ biến các tư tưởng cách mạng. Những cuốn sách của Nam Đồng thư xã đã có một tác động mạnh cổ vũ tinh thần yêu nước của thanh niên lúc bấy giờ, đặc biệt là những cuốn sách ca ngợi tấm gương các anh hùng cứu quốc của Việt Nam và nước ngoài; những cuốn sách viết về thuyết Tam Dân của Tôn Dật Tiên, cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc, các nhà tư tưởng nổi tiếng của Pháp như Rousseau, Montesquieu.
Trong số những thanh niên thường lui tới nơi đây có Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Hồ Văn Mịch,... họ đều là những thanh niên trí thức, tuy tuổi còn rất trẻ nhưng đã có hoài bão giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.
Cuối tháng 10 năm 1927, Nguyễn Thái Học khi đó mới 25 tuổi đã đưa ra đề nghị thành lập một đảng bí mật nhằm lật đổ chính quyền thực dân Pháp. Kiến nghị này đã được các thành viên Nam Đồng thư xã tán thành, Việt Nam Quốc Dân Đảng ra đời từ đó và Nguyễn Thái Học được bầu làm chủ tịch Tổng Bộ của đảng.
Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) ra đời đã đáp ứng được lòng mong mỏi của giới thanh niên trí thức, công chức, và các binh lính người việt trong quân đội Pháp, nên đảng đã lớn mạnh rất nhanh chóng, đến năm 1929, đã thu hút được đến 1500 đảng viên.
Từ vụ ám sát Bazin đến khởi nghĩa Yên Bái
Trong quá trình hoạt động, VNQDĐ chủ trương đường lối bạo động, dùng vũ trang để lật đổ thực dân Pháp. Tháng 2 năm 1929, thành bộ của VNQDĐ đã ám sát tên trùm thực dân khét tiếng Bazin. Sự kiện này đã làm chấn động dư luận Pháp, thực dân Pháp đã khủng bố gay gắt các đảng viên của VNQDĐ. Sở mật thám Pháp do được nội ứng chỉ điểm, nên đã bắt được hơn hai trăm đảng viên.
Đứng trước tình thế không còn lựa chọn nào khác, ngày 26 tháng giêng năm 1930, Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đã tổ chức một hội nghị khẩn cấp tại làng Võng La, để ra quyết định tổng khởi nghĩa. Trong cuộc họp, Nguyễn Thái Học đã nhận định rằng đảng sẽ thất bại khi nổi dậy, nhưng sẽ để lại tấm gương hy sinh cho người sau. Bài phát biểu của ông có một câu nói nổi tiếng và đã trở thành châm ngôn:
“... Âu là chết đi, để lại cái gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước. Chúng ta“Không thành công thì thành nhân", có gì mà ngần ngại.”.
Cuộc khởi nghĩa đã diễn ra trong khoảng thời gian từ đêm ngày 9 đến ngày 11 tháng 2 năm 1930 ở nhiều nơi như Hưng Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại và Hà Nội, nhưng lớn nhất là ở Yên Bái, nên có tên gọi là khởi nghĩa Yên Bái. Do sự tổ chức khởi nghĩa trong tình trạng khẩn cấp, thông tin bị bại lộ, lại thiếu đồng bộ giữa các địa phương về thời gian bùng nổ, nên cuộc khởi nghĩa đã bị thực dân Pháp dập tắt không mấy khó khăn.
Ngày 20 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại làng Cổ Vịt, Chí Linh, Hải Dương. Ông bị thực dân Pháp kết án tử hình, và ngày 17 tháng 6 năm 1930 Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của ông trong VNQDĐ đã bị thực dân Pháp hành quyết bằng máy chém tại Yên Bái. Trước khi hy sinh, Nguyễn Thái Học và các thủ lĩnh của VNQDĐ còn hô lớn“Việt Nam Vạn Tuế”.
Phong trào yêu nước tuy thất bại, nhưng các nghĩa sỹ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã để lại những tấm gương sáng trong lịch sử dấu tranh giải phóng dân tộc. Nguyễn Thái Học và những thủ lĩnh của VNQDĐ xứng đáng tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên trí thức sớm giác ngộ lòng yêu nước và dám xả thân vì tổ quốc.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét