Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012
NEWTOWN KHÔNG ĐƠN ĐỘC
Nguyễn-Xuân Nghĩa
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Vụ thảm sát trong trường tiểu học Sandy Hook của một trị trấn nhỏ là Newtown thuộc tiểu bang Connecticut vào ngày Thứ Sáu 14 vừa qua để lại một di sản buồn cho Hoa Kỳ. Sau khi cầu nguyện cho các nạn nhân, ta nên nhìn vào nhân thế....
Hai chục em nhỏ sáu bảy tuổi bị hạ sát cùng sáu cô giáo, kể cả cô hiệu trưởng. Hung thủ là một thiếu niên 20 tuổi, đã bắn chết bà mẹ trước khi lấy ba khẩu súng hợp pháp của mẹ đột nhập ngôi trường chỉ có 700 học sinh, rồi nã súng xối xả vào hai lớp học. Khoảng 10 phút sau, khi cảnh sát tiến vào thì y tự sát bằng súng lục, bên cạnh còn mấy trăm viên đạn của khẩu bán tự động....
Thảm kịch xảy ra làm dư luận choáng váng. Truyền thông và chính giới là hai thành phần bận rộn nhất đã tường thuật và lên tiếng về một chuyện phi lý để nói về những giải pháp hợp lý cho một vấn đề khó giải thích nổi.
***
Giải pháp đầu tiên là phải tăng cường kiểm soát việc mua súng và dùng súng.
Trong sự xúc động chung vì một thảm kịch vô nghĩa lý, người ta đòi hạn chế quyền mua súng để võ khí khỏi lọt vào tay kẻ sát nhân. Thật ra, kẻ điên muốn giết người thì có thể dùng võ khí, không súng thì dao, chẳng có dao thì cài bom. Mà Hiến pháp Hoa Kỳ có Tu chính án số Hai về quyền mang súng.
Khi tranh luận về khấu súng, nhiều người còn quên mất xuất xứ của vấn đề.
Sau khi chế độ nô lệ được bãi bỏ, nhiều người da trắng vẫn coi dân da đen là sinh vật hạ đẳng và đòi giết vô tội vạ. Tổ chức Klu Klux Klan được thành lập trong mục tiêu đen tối ấy, do sáng kiến đáng tởm của một số người trong đảng Dân Chủ. Phe Cộng Hoà bèn vận động việc cho phép người da đen được có súng để tự vệ, và đấy mới là nguyên ủy của quyền có súng.
Rồi sự thể đổi thay khiến gần 150 năm sau, việc hạn chế súng đạn trở thành tiêu chuẩn phân định lằn ranh Dân Chủ với Cộng Hoà, mặc dù nhiều chính khách Dân Chủ cũng tôn sùng quyền đeo súng và coi đó là bản sắc của dân tộc.
Một bản sắc khác chính là sự sùng chuộng bạo lực.
Đầu năm ngoái, vụ tàn sát tại Tucson của tiểu bang Arizonia làm sáu người thiệt mạng và 13 người bị thương (cột báo này có bài "Cái Dũng Ở Đầu Ruồi... Và Đầu Lưỡi" vào ngày 11 Tháng Giêng 2011 về vụ Tucson đó). Nổi tiếng nhất trong số nạn nhân bị trọng thương - vì là đối tượng của hung thủ - là Dân biểu Gabrielle (Gabby) Giffords của đảng Dân Chủ tại quận hạt số tám của Arizona, bị bắn vào sọ mà thoát chết.
Xuất thân Cộng Hoà, Gabby vốn đã quen với khẩu súng và tinh thần bạo động. Năm 2009, trong một buổi sinh hoạt tranh cử, khi được biết là trong số người đến dự có ai đó đã để rơi khẩu súng ngắn, hiệu Glock, bà tỉnh bơ phát biểu: "Đã đại diện một quận hạt bao trùm lên các địa danh như OK Corral và Tombstone, 'The Town Too Tough to Die', thì không có gì là ngạc nhiên." Mà thật ra bà chẳng xa lạ gì với khẩu Glock khét tiếng của nước Áo.
Tháng Ba năm kia, văn phòng của bà bị ai đó phá phách, bà trả lời rất hùng và hung: "Tôi có một khẩu Glock 9 ly. Và bắn cũng ngon lắm". Không dữ dằn và kiên trì như vậy thì làm sao trụ được ở vùng hỏa tuyến - mà cũng là tuyến đầu của biên thùy? Khu vực này tiếp giáp với Mexico và đang là đất tung hoành của băng đảng ma túy.
Nhìn từ bên ngoài thì nền văn hóa sùng chuộng bạo động chẳng chừa một ai, kể cả Tổng thống Barack Obama. Trong đà hào hứng của việc tranh cử năm ngoái ông cũng dùng ngôn ngữ rất Mỹ khi nhắn nhủ cử tri của mình, rằng “đối phương mà chơi dao thì ta xài súng!”
Vì vậy, cuộc tranh luận về khẩu súng làm sai lạc sự thể là tội của khẩu súng, hoặc nếu ai ai cũng có súng thì hung thủ đã không thể sát hại trẻ thơ trong trường học. Người ta tránh nói đến tính chất bạo động của xã hội Hoa Kỳ.
Kiểm soát khẩu súng, ngắn hay dài, tự động hay không, có băng đạn nhiều hay ít, v.v... là loại chi tiết đang được bàn cãi, như thông lệ. Nhưng làm sao khuyên bảo nhau là phải bớt ngợi ca bạo lực? Tránh Tu chính án số Hai, người ta gặp Tu chính án số Một, quyền tự do tư tưởng!
Cùng với sự... thăng hoa của nghệ thuật, kỹ nghệ điện ảnh nhảy vọt vào thế giới bạo động và còn bình thường hóa hành động sát nhân, cứ làm như thật. Không chỉ trên màn ảnh, trong các trò chơi cho trẻ em, người ta xóa lằn ranh đúng sai trong tâm tư trẻ em, vốn dĩ chưa thể phân biệt được thiện ác. Khi tai họa xảy ra, bên đảng Dân Chủ thì đổ lỗi cho khẩu súng trong tay đảng Cộng Hoà và phe Cộng Hoà thì phản pháo là vì tội ác trong phim ảnh và đòi kiểm duyệt thông tin và giải trí, điều tối kỵ bên đảng Dân Chủ.
Cả hai đảng đều muốn kiểm soát điều mà họ cho là quan trọng nhất và viện dẫn nhiều thống kê để bênh vực lập trường của họ. Sự thật nó nằm trong một cõi sâu thẳm hơn: người Mỹ nào cũng sùng chuộng tự do, bên trong còn có cả quyền tự do suy diễn theo xã hội quan của mình. Người ta không giáo dục trẻ em về cách suy nghĩ mà về kết quả suy luận.
Đâm ra quyền tự do ngợi ca bạo lực trở thành điều phải đạo cho trí não non nớt của trẻ em. Trong những quà cáp vào mùa lễ, không thiểu gì sản phẩm, trị giá bạc tỷ, đã được trao cho các em, kể cả khẩu súng. Vấn đề không chỉ là khẩu súng mà là hệ thống giáo dục.
Mà vẫn chưa đủ...
Không phải em nhỏ nào cũng sẽ là người điên, cho nên hết biết phân biệt đúng sai thiện ác. Hành động tàn sát – theo định nghĩa của cơ quan FBI là giết từ bốn người trở lên, không kể chính mình – là kết quả của trường hợp tâm thần.
Sau ngần ấy vụ giết người hàng loạt, dư luận khám phá một sự thật khó xử: đa số hung thủ không chỉ phản ứng trong một lúc bất thường, như vì ghen tuông hoặc bị đuổi việc, mà đã dự tính và chuẩn bị từ trước. Đấy là những người điên thông minh, khá trẻ, thường oán ghét cả gia đình lẫn xã hội về những bế tắc hay bất công của đời sống, và muốn tiêu diệt đời sống đó.
Những trường hợp như vậy đều có triệu chứng báo trước trong hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân.
Họ là nạn nhân đang có tiềm năng trở thành sát nhân trước sự thờ ơ của nhiều người và lo ngại của thân nhân, cho đến khi thảm kịch bùng nổ. Từ vụ Newtown này, liệu Hoa Kỳ có ban hành luật lệ về pháp lý và y tế để ngăn ngừa thảm kịch hay chăng? Nhưng khi nhà chức trách, nhà thương, nhà trường hay gia đình, kín đáo theo dõi sự thể này thì xã hội và khoa học có giải bệnh và cứu giúp bệnh nhân được không?
Câu trả lời quả thật là không giản dị, và giải pháp nào cũng có thể xâm phạm quyền tự do của cá nhân, kể cả quyền tự do mua súng hay bảo vệ chuyện riêng tư....
***
Sau khá nhiều thảm kịch tương tự như vụ Newtown, người ta đã mường tượng ra chân dung của loại hung thủ điển hình: thanh niên da trắng, tương đối trẻ, dưới 30 tuổi, cô đơn, thất nghiệp, có học mà phá ngang, từ một gia đình tan nát vì cha mẹ ly dị, ưa giải trí với trò chơi bạo động, v.v.... Họ sống trong một cõi khép kín và lui về vùng đen tối của tâm tư bệnh hoạn. Bên ngoài là một thế giới chan hòa ánh sáng, mà cũng là nơi đầy dẫy cám dỗ và phương tiện.
Khi họ bước ra thì ánh sáng vụt tắt và xã hội giật mình vì tiếng nổ chát chúa. Tổng thống Barack Obama đã an ủi người dân địa phương, rằng Newtown không đơn độc mà nằm trong tâm tư của dân Mỹ. Nhưng Newtown khó là trường hợp cuối cùng - cho đến khi Hoa Kỳ nhìn vào góc tối của chính mình.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét