Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

LẠC QUAN VÀ TÍCH CỰC


February 3, 2013
T/S Alan Phan
2/2/2013

Trước hết, tôi tin bản chất tôi là một con người vô cùng lạc quan và tích cực. Tôi mê phim ảnh Hollywood, những chuyện cổ tích thần kỳ và những huyền thoại về các anh hùng quay về từ vực thẳm để chinh phục thế giới. Tôi yêu đời, yêu người, tin vào sự lương thiện bẩm sinh và sự cứu giúp của Ơn Trên khi gặp hiểm nguy. Sau bao bài học qua thực tại về cái Xấu và Ác, tôi vẫn tin rằng trái tim cũng như khối óc của chúng ta cần được mở rộng để thông cảm và tha thứ cho những lầm lỡ, sai trái của tha nhân. Đến giờ này, tôi chắc chăn là trong lòng tôi không chứa một hận thù, ghen tị hay cay đắng với ai, cho dù họ có thể là những kẻ thù và đối thủ đã từng hại tôi trong quá khứ.
Do đó, tôi ngạc nhiên khi những bài viết của tôi lại hay bị phê phán là bi quan và tiêu cực.
Tôi thú nhận là nhiều lúc tôi khá thất vọng với tư duy của con người và cách hành xử trong đời sống hàng ngày ở đây. Có lẽ vì tôi đánh giá khá cao những đồng hương của mình so với nhiều dân tộc khác. Chuẩn mực cao tạo nên những phê phán hơi nghiêm khắc.


Tuy nhiên, tôi đã cố gắng khách quan như có thể. Tầm nhìn của cá nhân mình có thể lạc quan và tích cực, nhưng một bài phân giải và luận cứ về thực tại của tình thế phải dựa trên những nguyên tắc căn bản của khoa học để tránh sai lầm. Cảm xúc cá nhân hoàn toàn không có chỗ đứng trong việc đánh giá, phẩm hay lượng.
Và có lẽ trong góc nhìn của Alan, tình hình kinh tế và xã hội (không nói đến chánh trị) của Việt Nam không có gì để tôi lạc quan hay phấn chấn.
Nhiều chuyên gia kinh tế, nội và ngoại, quốc doanh và độc lập, gần đây có sự bắt mạch tiên đoán khá tích cực cho 2013 và những năm sắp đến. Họ thường dựa vào những tuyên bố về chánh sách của chánh phủ hay những số liệu thống kê khả quan để cho rằng sự phục hồi của kinh tế Việt đang thấp thoáng ngoài cửa như những ngày đầu năm Quý Tỵ đang về.
NHNN đã có biện pháp và lập ra một công ty quốc doanh mới để thanh toán nợ xấu ngân hàng; gói cứu trợ BDS sẽ có hiệu quả sau 6 tháng đầu năm; thị trường chứng khoán bắt đầu khởi sắc với dòng vốn FII mới; các nhà đầu tư ngoại sẽ quay trở lại với các siêu dự án vì nhân công Việt sẽ càng ngày càng rẻ so với các nước láng giềng. Trên hết, chánh phủ lại tiếp tục đổ vốn (qua nợ công và tiền in) vào các DNNN, vào các dự án hạ tầng mới, vào các chương trình cứu trợ…Tóm lại, những ngày hạnh phúc mới sắp về sau mùa xuân quang vinh này (happy days are here again).
Nhưng ta cũng có thể kết luận những chiêu PR đồng bộ nói trên là một cố gắng của chánh phủ để gây dựng lại niềm tin của các nhà đầu tư nội và ngoại. Như Hitler và Mao đã dậy,” những lời nói dối lập đi lập lại hàng ngày qua một thời gian dài sẽ trở thành một ‘sự thât’.”
Tuy nhiên, các chánh trị gia quên một điều căn bản. Khi nói về giáo điều hay lý luận kinh điển (qua các khẩu hiệu đơn giản nhàn chám) người dân có thể chấp nhận vì thực ra lời nói không mất tiền mua và nếu bảo đây là con đường duy nhất để lên thiên đường, họ gật gù tán đồng cho yên chuyện. Vả lại, những triết thuyết của các ông cụ thế kỷ 19, quá vô hình và thiếu khoa học để suy diễn rộng hơn hay tạo nên phản biện. Phần lớn lớp trẻ ngày nay không quan tâm gì đến những học thuyết khô khan và vô dụng này.
Tuy nhiên, khi lời nói lại có thể làm họ mất tiền (lúc nào nó liền với khúc ruột) thì phản ứng của người dân sẽ khác hẳn. Ngay cả những hoa hậu, siêu mẫu cũng gặp rất nhiều khó khăn khi muốn móc túi đại gia, thì chuyện một anh công chức (mà 30% là vô dụng theo lời Phó TT) muốn thuyết phục người dân phải tin vào chánh phủ, mà sẵn sáng móc hồ bao ra để hy sinh cứu nước, thì đây là một hoang tưởng khôi hài.
Trong kinh nghiệm làm ăn của tôi, những đánh giá lạc quan và tích cực là một trong những nguyên nhân chính của các thất bại trong kinh doanh. Dù cố gắng dựa trên căn bản khoa học và khách quan, những vị phụ tá soạn thảo kế hoạch thường thường để cảm xúc cá nhân làm mờ đi những rủi ro căn bản và những yếu tố ngoài tầm kiểm soát. Và khi nghe những phân tích hồ hởi năng động, các quản lý hay quyết định vội vã trong sự hưng phấn của môi trường và nhân viên. Đôi khi, 3 đến 5 dự án thành công mới đủ bù cho một thất bại.
Cho nên, nếu các định giá chỉ thuần túy dựa trên những PR của chánh phủ hay của các nhà đầu tư có lợi ích trong dự án hay biện pháp hành chánh, sự thiệt hại cho nền kinh tế là một mất mát lâu dài và đau đớn.
Chúng ta phải giữ thái độ lạc quan và tích cực trong hành xử hang ngày. Đời sống thực tại đã quá khó khăn để dìm mình trong vũng lầy của âu lo và bất ổn. Nhưng nếu chúng ta không cẩn trọng trong phán đoán và suy xét, cái giá phải trả lớn lao hơn là những thất vọng nhất thời.
Nhất là khi dùng tiền của chính mình, không phải OPM.
Alan Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét