Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013
VẪY VÙNG VÀ GIẪY DỤA
Nguyễn-Xuân Nghĩa
"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"
Chính trị Hoa Kỳ đưa ra hình ảnh thê thảm về nước Mỹ
* Ngân sách Hoa Kỳ, thời 2007 và ngày nay, với mảng bội chi và mẩu giảm chi 85 tỷ - Hý họa của Michael Ramirez, báo IBD Ngày 130226 *
Từ một tuần qua và trong những ngày tới, trận đánh về ngân sách tại Hoa Kỳ sẽ lại là thời sự nóng hổi. Nhưng càng khiến thế giới hoài nghi về tâm thần vững mạnh của nước Mỹ.
Mở màn là vụ khủng hoảng tài chánh vào năm 2008, nhồi trong một cuộc tổng tuyển cử sau hai nhiệm kỳ Tổng thống của đảng Cộng Hoà. Năm năm về trước, đa số người dân còn mơ hồ về nguyên nhân sâu xa của vụ khủng hoảng, bùng nổ giữa một chu kỳ suy trầm kinh tế khởi sự từ Tháng 12 năm 2007. Người ta nói đến lý do là nạn bể bóng đầu tư trên thị trường gia cư, hay tình trạng bất cẩn và thậm chí bất lương của nhiều ngân hàng đầu tư, nên mới gây ra một vụ nỡ nợ dây chuyền sau sự sụp đổ của hệ thống tín dụng gia cư với loại tín dụng thứ cấp subprime như những kén nợ ung thối cứ được truyền tay.
Sau tám năm kiểm soát Hành pháp của đảng Cộng Hoà, với vụ suy trầm mở đầu và kết thúc (2001 và 2008), nạn khủng bố 9-11, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và hai chiến trường nóng là Afghanistan và Iraq - một thời chiến tranh được tài trợ bằng vay nợ vì không tăng thuế - đảng Dân Chủ có đầy hy vọng thắng cử. Quả nhiên là kiểm soát được cả Hành pháp lẫn lưỡng viện Quốc hội. Giải pháp cấp cứu của đảng này thuộc vào loại cổ điển của cánh tả là tăng chi để kích thích kinh tế.
Nhưng nguyên nhân của tình trạng khó khăn kinh tế không nằm ở các biểu hiện ngoài da như vừa nói ở trên, mà thuộc về cơ cấu và có tính chất lâu dài hơn một chu kỳ. Nguyên nhân đó là tình trạng vay mượn quá nhiều từ mấy chục năm liền, từ những năm 1980 trở về sau, với sự góp sức đáng kể của Quốc hội và bốn đời Tổng thống thuộc cả hai đảng. Sau ba chục năm đi vay quá sức và đến hồi trả nợ, Hoa Kỳ bước vào giai đoạn sóng gió với giới hạn nhất định của các giải pháp cổ điển thông thường về tiền tệ hay ngân sách.
Giới hạn ấy khiến Ngân hàng Trung ương là định chế duy nhất còn khả năng xoay trở, với loại biện pháp bất thường, hy hữu. Điển hình là sau khi đã hạ lãi suất tới số không thì ba lần in bạc bơm tiền gọi là "quantitative easing" (QE) và một lần vặn chéo lãi suất ("Operation Twist"). Vì nhiều nguyên do sâu xa lâu dài, các biện pháp đó chậm gây tác dụng. Rồi tranh luận chính trị cùng các chính khách mới gây ra những vấn đề còn lại.
Trước hết, sau cuộc tổng tuyển cử 2008 trong cơn hốt hoảng của khủng hoảng tài chánh, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm 2010, cử tri phản ứng mạnh với chánh sách tăng chi và bao cấp của Chính quyền Dân Chủ. Kết quả là nạn ách tắc chính trị vì một hệ thống lãnh đạo hai đầu: đảng Dân Chủ vẫn kiểm soát Hành pháp và Thượng viện, nhưng phải chia quyền với đảng Cộng Hoà tại Hạ viện, cơ chế có thẩm quyền nhất về ngân sách.
Hậu quả là trận đánh liên miên về ngân sách giữa hai đảng trong suốt năm 2011. Vì 2012 lại có tổng tuyển cử nữa, nên bài toán nan giải và lưu cữu về ngân sách - với mức bội chi kỷ lục là mỗi năm một ngàn tỷ đô la, và gánh công trái (nợ của khu vực công) đã vượt tổng sản lượng là 16 ngàn tỷ - cũng không được giải quyết: các chính khách chỉ có thể nhắm vào mục tiêu ngắn hạn trước mắt là tái đắc cử.
Họ lãng quên và khóa lấp các vấn đề dài hạn là 1) giảm mức bội chi, 2) thanh toán gánh nợ công quyền, 3) cải tổ chế độ thuế khoá, 4) cải cách thủ tục chi thu để tránh sự phá sản tất yếu của quỹ an sinh và y tế. Năm năm sau vụ khủng hoảng vì vay mượn quá nhiều, chính quyền lại mắc nợ hơn trước và việc giảm chi chỉ là giảm đà gia tăng của công chi mà thôi.
Đấy là bối cảnh của trận đánh ngân sách và biện pháp gọi là "tạm cầm giữ" ("sequestration") liên quan đến 85 tỷ sẽ tự động bị cắt năm nay.
Số là sau khi chiếm lại đa số tại Hạ viện trong cuộc bầu cư 2010, đảng Cộng Hoà đòi hỏi là chỉ nâng định mức đi vay thêm một đồng nếu ngân sách giảm chi một ngân khoản tương đương. Trận đánh kéo dài suốt năm 2011 với kết quả là đạo luật kiểm soát ngân sách Budget Control Act được Tổng thống Barack Obama ban hành ngày hai Tháng Tám năm đó. Bên trong là thỏa thuận giữa hai đảng là trong 10 năm tới sẽ nâng mức công trái thêm 2.400 tỷ và giảm chi một ngân khoản tương đương. Nhưng sẽ giảm ở đâu?
Vì các chính khách không thể đồng ý về nội dung và đối tượng giảm chi, họ bày ra một trò lạ là sự dọa nạt.
Nếu trong năm 2012 mà không đạt thỏa thuận thì ngân sách tự động bị cắt 1.200 tỷ trong 10 năm tới. Dù đấy chỉ là một dọa nạt theo kiểu tháu cáy, sự thỏa thuận đó vẫn không có, trừ vài nhượng bộ ngoài da - trị giá 24 tỷ bằng cách tăng thuế và giảm chi mỗi thứ một nửa – và biện pháp tăng thuế thêm 160 tỷ, nên ngân sách của tài khóa 2013 sẽ tự động bị cắt 85 tỷ đô la, bên trong có 46 tỷ về quốc phòng.
Xin nhắc lại cho rõ: giảm chi 85 tỷ trong một ngân sách 3.600 tỷ, chỉ bằng 2,36%. Tuần qua, chính trường Hoa Kỳ biểu diễn hài kịch còn lại.
Tổng thống Obama lại buông lời dọa nạt: việc giảm chi mù quáng đó khiến người già con trẻ, an ninh phi trường hay vệ sinh thực phẩm, và thậm chí cả khả năng tác chiến của quân đội, v.v... không được bảo đảm. Màn dọa nạt đó là sáng kiến đánh dứ xuất phát từ Phủ Tổng thống ra, mà được đa số Dân biểu Nghị sĩ Cộng Hoà tương kế tựu kế chấp nhận khi bỏ phiếu đồng ý từ Tháng Tám năm 2011 và gần nhất là vào Tháng Giêng vửa qua.
Bây giờ đôi bên đổ lỗi cho nhau, rằng đó là ý kiến tai hại của Tòa Bạch Cung. Không, đó là trách nhiệm nặng nề của đảng Cộng Hoà.
Những người chủ thật sự của quốc gia này nghĩ sao về trò hề này?
Cuộc khảo sát ý kiến được công bố Thứ Năm tuần trước cho biết là chỉ có 43% người dân lõm bõm biết về biện pháp giảm chi tự động. Nhưng 54% lại tin rằng việc giảm chi ấy gây bất lợi khi kinh tế còn èo uột và thất nghiệp vẫn mấp mé 8%.
Chính là sự mơ hồ của cử tri, và sự hồ đồ của họ khi bỏ phiếu, mới dẫn đến bi hài kịch hiện nay, bi kịch về kinh tế và hài kịch về chính trị. Trong kỳ tới, mục "Kinh tế cũng là Chính trị" sẽ tìm hiểu chuyện này. Nhìn từ bên ngoài, các quốc gia trên thế giới, bạn như thù, đang theo dõi trận đấu Mỹ-Mỹ với sự ái ngại - hay hả hê.... Hoa Kỳ hết vẫy vùng mà chỉ giẫy dụa!
Hay dân tộc nào cũng có lãnh đạo xứng đáng với mình?
_______________________
"Chỉ Có Tại Nước Mỹ": cuối mục "Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài" có trăm chữ về loại chuyện chỉ có tại nước Mỹ. Mua vui cũng được một vài phút giây:
Nhà thiết kế Adam Harvey tại New York vừa tung ra loại trang phục mới, tên là Stealth Wear - mà ta có thể dịch là "y phục tàng hình". Công dụng là giúp cho người mặc khỏi bị máy bay tự động phát giác bằng ống kính hồng ngoại tuyến. Dù chẳng là khủng bố sắt máu thì khách hàng cũng phải là dân có máu mặt: áo khoác có che đầu trị giá 473 đô la; áo dài kiểu burqa phủ tới cổ chân có trùm đầu và che mặt thì tốn 2.365 đồng. Sáng tạo vô biên!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét