Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013
ĐỪNG NÍU KÉO
February 18, 2013
Alan Phan
Bài viết đầu cho năm Quý Tỵ (18 Feb 2013)
Vào thập niên 60’s có một bài hát được nhiều người ưa thích…”tôi xin người cứ gian dối…nhưng xin người đừng lìa xa tôi.” Tình yêu đẹp và lãng mạn thật, nhưng dù nam hay nữ, khi thốt ra lời trên, cho thấy một tinh thần tuyệt vọng và tội nghiệp, gần như tâm thần. Nhưng nếu quan sát kỹ, tâm trạng này khá phổ biến, kể cả trong những tình huống không liên quan đến tình yêu. Chả thế mà ông bà ta có câu “bỏ thì thương vương thì tội”.
Bám víu vì sợ hãi?
Tôi không nhớ rõ nhưng được đọc một nghiên cứu xã hội khoảng 10 năm trước, có đến 8% cuộc hôn nhân tại Mỹ mà người vợ hay chồng là một nạn nhân của “lạm dụng quyền lực và bạo động”. Tỷ lệ chắc chắn sẽ cao hơn tại các quốc gia nơi địa vị của người phụ nữ trong xã hội thấp kém và không được tôn trọng. Chuyện níu kéo lại một quan hệ tồi tệ với hy vọng là người mình “yêu và cần” sẽ hồi tâm, thay đổi con người họ và quay về bên mình để cùng tạo dựng hạnh phúc cho tương lai thường chỉ hiện diện ở các kịch bản Hollywood.
Nhìn xa hơn, trong nhu cầu mưu sinh, không ít nhân viên hy sinh một khoảng thời gian dài của cuộc đời để bám víu vào một công việc mình ghét, hay một môi trường thù địch, hay một người chủ ích kỷ…chỉ vì họ để chút tình cảm về bổn phận hay sợ hãi chi phối. Họ không dám “let go” vì ngay cả “tính hèn nhát” riết rồi cũng thành một thói quen. Đôi khi, họ còn tự an ủi là so với các tình huống xấu xa khác, “mình được như thế cũng là may mắn lắm rồi”.
Níu kéo trong kinh doanh
Trong lãnh vực kinh doanh, ngay cả huyền thoại Jack Welch của tập đoàn GE cũng thú nhận,” yếu điểm lớn của tôi là không dứt khoát cắt bỏ những gì không dùng được (với doanh nghiệp con, với nhân viên hay với các quyết định về công việc). Sự chần chờ, níu kéo vì tình cảm đã làm tôi phải trả giá thật cao một thời gian sau.”
Trong những sai lầm về tính “níu kéo” của các doanh nghiệp, một chiến thuật quen thuộc là dùng một mô hình kinh doanh cũ đã thành công làm chỉ nam cho kế hoạch kinh doanh hiện tại hay tương lai; mặc cho những thay đổi của thị trường, của công nghệ hay của nguồn lực.
Không ai thấm thía bài học này nhiều bằng tôi. Có thể nói 90% những thất bại rải rác dọc đường của 44 năm kinh doanh đến từ gánh nặng của quá khứ. Chẳng hạn khi tôi thành công rực rỡ với mô hình “tài trợ mạo hiểm”cho các công ty IT Trung Quốc vào năm 1998, tôi nghĩ là mô hình này có thể được ứng dụng thành công 2 năm sau đó tại các nơi khác. Tôi lầm. Ngay cả tại Trung Quốc, tình hình đã thay đổi lớn lao: các đối thủ mới dồi dào lợi thế hơn, công nghệ lỗi thời nhanh chóng, và cả khách hàng cũng lao theo những sở thích khác biệt hơn.
Tại các quốc gia như Trung Quốc hay Việt Nam, nhiều cơ nghiệp tài sản đã được tạo dựng bằng mối quan hệ sâu xa với các quan chức đương quyền. Điều này không đảm bảo một phát triển bền vững cho doanh nghiệp này vì quan chức có nhiệm kỳ, vì các đặc quyền đặc lợi không thể cứ ban phát mãi cho một đơn vị, vì giới hạn của nguồn lực công khi tình trạng vĩ mô gặp vấn đề, vì các đối thủ có nhiều chiêu thức mới để dành quyền lợi….
Khi tình cảm và giáo điều chi phối…
Một yếu tố quan trọng khác làm suy yếu tổ chức là sự trung thành không đúng lúc đúng chỗ với gia đình, với nhân viên, với bà con bạn bè…Khó có thể nói “không” với những người đã cùng nhau sát cánh xây dựng cơ nghiệp, dù mình biết lả họ hoàn toàn không phù hợp về khả năng hay đạo đức trong công việc giao phó. Không can đảm “let go” các giây rễ này là làm thui chột đà phát triển và sáng tạo của doanh nghiệp.
Ở một bình diện rộng lớn hơn, tinh thần bám víu vào quá khứ vàng son đã làm nhiều quốc gia tụt hậu. Tôi đã đi qua những nơi mà các đế chế huy hoàng của lịch sử chỉ còn là những đền đài cung điện tuyệt kỷ cho du khách, những công trình khảo cứu đầy tự hào của các ông già …trong khi người dân sở tại loay hoay tìm một thu nhập vượt mức đói nghèo cho gia đình. Ai cập, Ấn Độ, Trung Quốc, Kampuchia…đều bị những lãnh đạo phong kiến say ngủ trên ngai vàng mà quên đi những thay đổi và tiến bộ chung quanh của nhân loại.
Cùng một văn hóa Khổng-Lão-Phật như Trung Quốc, nhưng Nhật Bản đã may mắn có được minh vương để cải biến và hoàn thiện bản sắc của mình và bắt kịp Âu Mỹ ngay từ đầu thế kỷ 19. Trong thời gian này, văn minh Đại Hán của Trung Quốc ù lì với các triết thuyết hoàn toàn cổ đại dành cho thời phong kiến. Rồi sự cố gắng “đi tắt đón đầu” của xã hội lai bị tha hóa thêm 60 năm bởi những tư tưởng xã hội du nhập từ Âu Châu; sau khi các ông tổ sinh ra chúng đã bị chế nhạo và đào thải vào sọt rác của lịch sử.
Tiến hóa của lịch sử
Ngay cả chế độ tư bản cũng còn sống sót được nhờ sự cải thiện thường trực của mô hình kinh tế và chánh trị. Vào đầu thế kỷ 19, thành phần lao động bị lạm dụng quá mức, tạo dị ứng xã hội và nhiều sử gia đã cảnh báo về ngày tàn của các đế chế tư bản. Ngày nay, các công ty tập đoàn đa quốc và các cá nhân “siêu giàu” có thể đã chiếm một phần “bánh” lớn hơn nhiều so với thời đầu của tư bản; nhưng phần lớn mọi người chấp nhận vị trí và quyền lợi của họ gần như không tranh cãi. Hai lý do: cởi mở và dân chủ. Ai cũng có thể gia nhập “câu lạc bộ” này nếu đủ kỷ năng và tuân thủ theo luật chơi; và luật luôn luôn thay đổi theo nhu cầu cúa các đấu thủ và của tình thế.
Cá nhân tôi là một con người hoài cổ, luôn yêu thích “những ngày xưa thân ái”. Với tôi, sợi dây ràng buộc vào gia đình, bạn bè, quê hương…là những móc nối quan trọng như chiếc neo của một con tàu. Nhưng nhiều khi tôi phải đối diện với thực tại là nếu muốn phiêu lưu ra khỏi bến đậu để tìm vùng đất hứa, chúng ta phải nhổ neo và lên đường. Nhất là khi chúng ta còn trẻ, còn sức lực, còn đam mê, còn phải tranh đua với nhân loại. Đôi khi, tôi rất bực mình khi nhìn tương lai của bao thế hệ đang bị lãng phí vì những tư duy nhỏ hẹp, nghèo hèn, thụ động của một bộ máy điều khiển không có can đảm để vứt bỏ rác rưởi và tiếp tục bám víu vào những thành tích xa xưa như cổ tích.
Bắt đầu vào việc cho một năm mới đối diện nhiều thử thách, tôi muốn gởi tặng mọi người một bài hát của Ashley Parker Angel, “Let You Go”. Và một câu nói của C. Joybell,” Chúng ta có thể an toàn trong chiếc ao nhà; nhưng không rời bỏ nó, bạn sẽ không bao giờ cảm nhận cái thần kỳ của sông hồ hay đại dương. Đừng níu kéo vì hiện tại có thể chỉ là những cục tạ gông cùm buộc quanh chân bạn…“
Alan Phan
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét