Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

PHÊ BÌNH VĂN HỌC THẾ KỶ XX: PHẢN XẠ PHÊ BÌNH


Thụy Khuê


Phê bình là một trong những sinh hoạt hàng ngày của đời sống, là một phản xạ trước mỗi lựa chọn, mỗi hành động. Xuất phát từ ý thức bản thân: khi nghe một lời nói, một bản tin, một bài diễn văn, xem một cuốn phim, đọc một cuốn sách… phản xạ phê bình luôn luôn hiện diện, “nó” âm thầm “làm việc” trong đầu, chỉ cho ta biết điều này nghe được, điều kia ngụy biện, đoạn văn này dí dỏm, bức tranh này xấu, bản nhạc kia hay, v.v…
Mặc nhiên, ý thức phê bình tiềm ẩn trong óc, nếu muốn lộ diện bằng lời nói hay trên văn bản, “nó” phải “có gan” vượt qua thử thách từ môi trường gia đình đến môi trường xã hội.

Ở phương Tây, sinh hoạt tri thức này sớm được vun xới trong gia đình: Con cái có thể tự do phát biểu trong bữa ăn, đưa ra những nhận xét “độc đáo” để phê bình cha mẹ, mà ít khả năng bị mắng, bị đánh. Do không bị ảnh hưởng nho giáo và được sống dưới chế độ dân chủ từ hơn một thế kỷ, nguời Tây phương có ý thức phê bình cao. Ý thức ấy, chẳng những không bị tiêu diệt từ trứng nước, mà còn có điều kiện phát triển trong toàn bộ sinh hoạt sống và suy nghĩ của con người từ gia đình đến xã hội.
Tại phương Đông, quyền huynh, thế phụ là trật tự kỷ cương, vì vậy, phê bình không những thiếu điều kiện phát triển mà còn bị đàn áp ngay từ đầu: Con cái chỉ có quyền “nghe lời” cha mẹ, chứ không được quyền “phát biểu”. Quyền đối thoại với cha mẹ, cho đến nay hầu như vẫn chỉ ở mức độ tối thiểu, ngay cả trong những gia đình rất Âu hoá, hoặc đang sống ở ngoại quốc. Truyền thống này làm nhụt chí con người: Rụt rè, e ngại, không dám nói trước công chúng trở thành quán tính, đặc sản của người Á đông. Đó là hậu quả của nền giáo dục ảnh hưởng đạo nho trong nhiều thế kỷ.


Tại một số nước độc tài ở phương Đông, vấn đề còn đáng ngại hơn: con người bị hai lần quản thúc: Ảnh hưởng nho giáo trong gia đình kết hợp với hệ thống chính trị không dung đối lập, không chấp nhận bất cứ sự phê bình nào đến từ phía quần chúng. Hai giáo điều hợp thành cái vú lớn, đầy ắp miệng “con dân”. Biến con người thành trẻ thơ vĩnh viễn, thành bộ máy chỉ biết nhận lệnh, không có hoặc không còn khả năng phán xét những lệnh đó, có đáng nhận hay không. Sự công khai bảo vệ ý kiến của mình trở thành nguy hiểm, có thể bị bắt, bị rơi vào vòng tù tội.
Trong những xã hội như thế, văn học nói chung, và phê bình văn học nói riêng không thể phát triển, hoặc nếu có, cũng phải đi theo một chiều duy nhất: chiều được phép. Người phê bình, chỉ có nhiệm vụ ca tụng những gì được phép ca tụng, chỉ trích những gì được phép chỉ trích. Nhưng cả ca tụng lẫn chỉ trích, đều không dựa trên bất cứ một đạo đức mỹ học, nghệ thuật nào, vì vậy nó đi ra ngoài mục tiêu của văn học.
Khi nền kinh tế được “mở cửa”, xã hội tiệu thụ tràn vào, trong đó có các sản phẩm tinh thần như sách báo, điện ảnh, âm nhạc… nhưng người dân đã đánh mất phản xạ phê bình, không còn đủ khả năng để lựa chọn một cách sáng suốt cái gì nên “mua”, nên “nhận”, cái gì nên bỏ, trong đống rác khổng lồ mà xã hội phương Tây sa thải, bán đại hạ giá, hoặc cho không các nước nhược tiểu. Nghèo, chúng ta phải nhận rác của người giàu là điều dĩ nhiên, nhưng nếu còn phản xạ phê bình thì chúng ta vẫn có thể lựa trong đống rác ấy, những gì dùng được và những gì phải vĩnh viễn sa thải.
Một điểm nữa: Ý thức phê bình phải đi đôi với ý thức trách nhiệm. Trách nhiệm của người viết đối với bản thân và đối với người khác. Mạ lỵ không phải là phê bình. Khi trách nhiệm vắng mặt, chưa thể có phê bình.
Ở bất cứ hoàn cảnh nào, phản xạ phê bình vẫn hiện diện trong con người như một đòi hỏi, một lương tâm thứ nhì, hướng về những lựa chọn thoả đáng cho mỗi tình thế, mỗi hành động.
Người Việt Nam đã bị bắt buộc (hay tự nguyện) phải dồn ép ý thức phê bình trong tiềm thức quá lâu, từ sau 1954 ở miền Bắc và từ 1975, trên toàn quốc. Những ngòi bút phê bình tài năng và có tâm huyết hầu như đều phải viết khác đi, hoặc phải gác bút, đổi nghề.
Còn lại là lối viết chính thống hoặc “đổi mới” giả tạo, chắp vá những khái niệm thời thượng Âu Tây vừa nhập cảng, chưa kịp tiêu hóa và cũng không rõ nguồn cội, xuất xứ từ đâu.
Sự cố gắng của Nguyên Ngọc trong việc dịch cuốn Qu’est-ce que la littérature (Văn chương là gì?) của Jean-Paul Sartre và Le degré zéro de l’écriture (Độ không của lối viết) của Roland Barthes sang tiếng Việt, cũng không đem lại kết quả khả quan, điều này dễ hiểu, bởi vì đối với độc giả Việt Nam -phần đông còn xa lạ với những lý thuyết phê bình- nếu chúng ta giới thiệu thẳng một cuốn sách của J. P. Sartre hay Roland Barthes, mà không phác hoạ bối cảnh chung, thì người đọc khó tiếp nhận được.
Một mặt khác, hiện nay, những tác phẩm dịch hoặc giới thiệu văn học nước ngoài, vẫn còn chịu quy luật kiểm duyệt gắt gao, cho nên các bản dịch của Nguyên Ngọc về Sartre và Barthes, đã bị cắt xén trầm trọng, chủ yếu là những đoạn mà hai tác giả này nói về tự do dân chủ hoặc phê bình ngôn ngữ mác-xít; riêng đối với Sartre, tự do và dân chủ là điều kiện tiên quyết của văn chương. Toàn thể tác phẩm của ông dựa trên nền tảng tự do tư tưởng.
Cách đây hơn 40 năm, một cái nhìn đại cương về phê bình thế giới, đã được giáo sư Nguyễn Văn Trung phân tích trong bộ “Lược khảo văn học” phần ba, tựa đề “Nghiên cứu và phê bình văn học” [1]. Bộ sách này cho đến nay dường như vẫn là tác phẩm duy nhất đem những phương pháp phê bình văn học thế giới áp dụng vào văn học Việt Nam. Nhưng Nguyễn Văn Trung viết từ những năm 1966-67 (dành cho sinh viên văn khoa miền Nam, như trong lời tựa); ở thời điểm ấy, những trường phái phê bình lớn của Nga và của Đức vẫn chưa được thế giới bên ngoài biết đến.
Chúng tôi muốn tiếp nối công việc của một bậc đàn anh, với chủ đích giúp cho độc giả, nhất là sinh viên ban văn chương trong nước ngày nay có một cái nhìn rộng rãi hơn về phê bình văn học thế giới, và cũng để đáp ứng yêu cầu của một số bạn đồng nghiệp ở trong nước, muốn biết thêm về nền phê bình thế kỷ XX, nhưng với điều kiện ngặt nghèo về tài liệu, với những khó khăn về ngoại ngữ, đã không thể tiếp cận trực tiếp những nguồn tư liệu gốc, mà chỉ đọc những gì các nhà nghiên cứu Liên Xô viết lại hoặc tóm lược.
Đây chỉ là những nét phác đầu tiên, với những thiếu sót hiển nhiên, hy vọng trong tương lai sẽ có những công trình nghiên cứu khác, đầy đủ và đào sâu hơn. Nền phê bình của chúng ta chỉ có thể phát triển được trên một quá khứ đã được soi sáng, không chỉ quá khứ văn học “nước mình”, mà cả quá khứ văn học thế giới. Để mượn lời bà De Staël: “Một nền văn chương không có quá khứ, không phải là văn chương đích thực“, chúng tôi muốn nói: “Một nền phê bình không có quá khứ, chưa phải là phê bình”.
© Copyright Thụy Khuê [http://thuykhue.free.fr]
Nguồn: Tác giả gửi
[1] Nam Sơn xuất bản tại Sài gòn, 1968. Xuân Thu tái bản tại California, 1990.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét