Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Sau Nick Vujicic, sẽ có gì ở Việt Nam?


Tác giả: Phạm Xuân Thanh

Có lẽ chúng ta cần có gì đó tốt hơn và không phải chờ lần sau Nick đến để thay đổi!

LTS: Tuy Nick Vujicic đã rời Việt Nam sau chuyến đi thăm ngắn ngày, nhưng "dư âm" về con người khuyết tật vĩ đại này, vẫn để lại trong lòng người Việt những cảm xúc rất khác nhau, những suy nghĩ về "thân phận" người không may mắn giữa cộng đồng. Mới đây Tuần Việt Nam nhận được bài viết của bạn đọc Phạm Xuân Thanh, cũng là một người không may mắn, đã can đảm đứng vững trên "đôi chân" của mình, một đôi chân mà tai nạn vô tình đã cướp đi của anh. Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết dưới đây.

Tinh thần Nick Vujicic

Nick Vujicic đã rời Việt Nam và để lại cho chúng ta cuộc tranh cãi về con số 36 tỷ, trong bối cảnh kinh tế quá xấu hiện nay thì một con số gần hai triệu đô la cũng đáng để chúng ta suy ngẫm. Có người còn hào hứng rằng "100 tỷ cũng không lãng phí...". Dưới góc độ là một người khuyết tật làm doanh nghiệp và tạo việc làm cho người đồng cảnh tôi xin chia sẻ về chuyện "đắt rẻ" ở đất nước này.

Một doanh nghiệp như Tôn Hoa Sen chẳng hạn, có lý do để bảo vệ quan điểm rằng "với một cú hích tinh thần" thì một số tiền như thế là nhỏ để mua. Một số nghệ sĩ tên tuổi, rồi cả một anh ca sĩ người Mỹ cũng chia sẻ như vậy. Người ta có thể bỏ ra rất nhiều tiền để đến đình chùa làm lễ, ở đây, được chứng kiến một câu chuyện kỳ lạ mà không phải đi du lịch xa xôi thì nhiều người ủng hộ là lẽ thường tình.

Những "cú hích" như kiểu Tôn Hoa Sen là cần thiết vì các anh ấy tạo điều kiện cho Nick nói chuyện với các doanh nghiệp để nhận một "điểm tựa tinh thần" gắng gượng vượt qua khủng hoảng.



Các bạn cũng biết đến những con số hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản và gấp nhiều lần con số đó "sống mà như chết" thời gian gần đây. Rất nhiều chính sách ra đời như giảm lãi suất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất vv... Rất nhiều "cú hích" nhưng xem ra "con số chết" cứ ngày càng gia tăng. Vậy biết đâu "cú hích" mang tên Nick Vujicic lại làm sống dậy cách doanh nghiệp và như thế 36 tỷ là quá rẻ?

Chuyện về các doanh nghiệp "sắp chết" nhận liều thuốc Nick có vẻ hơi xa vời. Ở đây, chúng ta tập trung vào người khuyết tật nhận được gì từ "cú hích" này?
Tôi kể cho các bạn câu chuyện ngay hôm nay thôi, về một bạn trẻ đã lĩnh hội được "tinh thần Nick". Cô ấy đi rút tiền ở ATM. Cây ATM hết tiền, thì cô gặp một người chân tay teo tóp lê lết trên đường. Bình thường, cô ấy sẽ bỏ đi vì dù gì cũng là một thiếu nữ xinh đẹp, còn kia là một người hôi hám đang cố lết qua đường.

Nhưng dừng lại, cô ấy hỏi: "Anh có cần em chở đi không?". Đáp lại cô, là một khuôn mặt nhễ nhại và một cái miệng ú ớ... Chợt nhớ còn ít tiền lẻ, cô ấy đưa hết cho người này và một khuôn mặt rạng rỡ xuất hiện, cái đầu gật gật liên tục...


"Anh ấy chỉ cần có thế!?!", cô ấy nghĩ vậy và phóng xe bỏ đi. Trong một xã hội người thường còn khó có việc làm, người khuyết tật thì hình ảnh dễ thấy nhất là ăn mày, ăn xin thì có vẻ như một đồng bạc mua bóng bay cũng là xa xỉ, đừng nói 36 tỷ.

Với Nick, tôi coi anh ấy là người đồng cảnh và trân trọng. Còn cảm giác chung thì anh ấy không "nâng nhấc" được tinh thần của tôi, nếu không nói là nhạt nhòa. Giống như tôi cứ ước giá mình giống bác Nguyễn Ngọc Ký để đi lại dễ dàng, đến được bất cứ tòa nhà nào để được dễ dàng chấp nhận học tập. Chứ ngồi xe lăn như tôi thì bị từ chối học hành là chuyện quá thường.

Không chờ Nick đến để... thay đổi!

Lâu nay, tôi chẳng muốn đi đến một sự kiện công cộng nào, vì nó quá khó khăn để tiếp cận, quá đông đúc, chen lấn và mạnh ai người ấy... lấn.

Ở đất nước của Nick, trong các sự kiện lớn thì người khuyết tật thậm chí ngồi ở những vị trí đẹp và tốt hơn các quan chức. Tất nhiên, có những ý kiến cho rằng kể cả được tạo điều kiện đầy đủ thì rất nhiều người khuyết tật như Nick cũng không thể đạt được như Nick.

Đúng như vậy, không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh hãy làm được gì đi đã, tôi đã nói là rất trân trọng Nick, và đánh giá cao những nỗ lực vượt lên của anh ấy. Bất giác, tôi nghĩ đến câu nói nổi tiếng của giáo sư Hoàng Tụy (Góc nhìn trí thức, NXB Tri Thức, 2011) về khuyết tật "hệ thống"?!?

Nếu một xã hội hoàn hảo, không "khuyết tật", nó sẽ hỗ trợ phát huy tài năng của bất cứ cá nhân nào, dù anh ta không cần chân tay. Vậy hãy khoan nói chúng tôi là ai, một xã hội có hỗ trợ được chúng tôi hay không mới là quan trọng, vì chúng tôi là những con người. Một xã hội tốt thì sẽ làm bệ phóng cho những con người tài năng để xây dựng nó ngày càng hoàn hảo.

Tôi lo cho Tôn Hoa Sen về việc chúng ta có rất, rất nhiều doanh nghiệp nhưng chẳng có người tài để gánh trách nhiệm vượt qua khủng hoảng. Chúng ta chưa có điều kiện cần thì đưa ra điều kiện đủ làm gì, chưa có một môi trường tốt thì làm gì vượt qua khủng hoảng. Tôi băn khoăn về câu chuyện Tôn Hoa Sen mời Nick tới nói chuyện trước các CEO, tôi tin nó có tác dụng không nhiều.

Và nếu câu chuyện ở đây là tranh luận của những người khuyết tật với những người làm chính sách (những người hoạch định và thực thi chính sách) về con số 36 tỷ thì tốt hơn.

Như thế sẽ có rất nhiều hỗ trợ dành cho người khuyết tật được thực hiện. Số tiền này gấp ba lần số tiền tạo nghề cho người khuyết tật toàn quốc một năm. Bản thân tôi theo dõi hoạt động tạo nghề và việc làm cho người khuyết tật, hiện tượng tái mù nghề và việc sử dụng sai ngân sách Nhà nước hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật diễn ra tràn lan.

Thực tế, cho đến nay Nhà nước đang dừng cấp ngân sách cho Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam cũng chính vì việc làm khuất tất này.

Còn rất nhiều người nói rằng "100 tỷ cũng còn rẻ" để đưa Nick sang đây, chỉ là những người "cưỡi ngựa xem hoa". Chỉ cần cô ta hoặc anh ta ngồi thử xe lăn, bị từ chối phục vụ hoặc bị xe buýt bỏ bến thì sẽ cảm nhận chuyện đắt rẻ ở đây.

Và lý lẽ của họ, đây là "cú hích tinh thần" cơ mà, làm sao đo lường được đắt rẻ? Tôi cũng cho là như vậy, xin nhắc lại để thời gian trả lời, nhưng nên nhớ, hãy làm một "cú hích" và tạo điều kiện cho một "cỗ xe tốt". Còn nếu kích và đẩy mãi một "cỗ xe xộc xệch" thì quả là lãng phí, lãng phí quá mức.

Thay lời kết, tôi xin dùng lời của Nick rằng "...người Việt hãy giúp đỡ người Việt" để giúp thay đổi nhận thức và chúng ta có thể tiến lên sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác Hồ nói hay không, mới là điều quan trọng, hơn là ngồi tranh cãi chuyện đắt rẻ.

Hãy nhìn chúng ta "vứt" xuống biển cả trăm nghìn tỷ vụ Vinashin, Vinalines ...thì con số 36 tỷ là quá nhỏ. Dịch giả Bích Lan hôm qua vừa nói trên báo Tuổi trẻ là "Nick đến vài ngày rồi lại đi, việc của chúng ta là tiếp tục sống ở đây...". Đúng, có lẽ chúng ta cần có gì đó tốt hơn và không phải chờ lần sau Nick đến để thay đổi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét