Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Euro Zero

2011-09-30

Nguyễn Xuân Nghĩa

Đồng Euro và Số phận Liên Âu




Dân chúng Hy Lạp biểu tình chống dự luật tăng thuế lợi tức


Khi lãi suất tại Hoa Kỳ vẫn trôi trên số không, đồng Euro ngập mặn và có thể chìm xuống biển, người ta phải quan ngại về viễn ảnh kinh tế toàn cầu. Vốn dĩ lạc quan nhất, giới đầu tư châu Á đã bắt đầu run sợ khi nhìn ra nguy cơ hạ cánh nặng nề của kinh tế Trung Quốc.


Một chỉ dấu tiên báo những bất trắc của thị trường - Chỉ số Dao động VIX (CBOE Volatility Index) - cứ bập bềnh trên những đỉnh cao nhất từ nhiều năm nay. Người ta gọi đó là "Chỉ số Hãi sợ". Trong khung cảnh đó, thời sự hàng ngày khiến các thị trường tài chánh toàn cầu trồi sụt thất thường đến độ hôm nào mà không có tin tức thì người ta cho là đã có tin vui.

Một trung tâm âu lo chính là Âu châu với vụ khủng hoảng của đồng Euro đã qua đến tháng thứ 19 và chưa có triển vọng thoái lui. Bài này sẽ phân tách riêng chuyện đó.


***

Trước hết là về bối cảnh.

Liên hiệp Âu châu EU gồm có 27 quốc gia thành viên, bên trong có 17 nước đã thống nhất hệ thống tiền tệ và dùng chung đồng Euro, một ngoại tệ dự trữ đứng hạng thứ nhì thế giới sau đồng Mỹ kim, được hơn 500 triệu người sử dụng, kể cả hơn 300 triệu dân Âu châu. Từ năm 2008, đồng bạc ấy bị khủng hoảng vì một số quốc gia đã vay mượn quá khả năng hoàn trả nên có thể bị nguy cơ vỡ nợ.

Đa số các quốc gia này nằm tại miền Nam Âu châu, ở đầu sóng ngọn gió là Hy Lạp.

Vụ khủng hoảng này gồm có hai vế. Thứ nhất là quốc trái của các nước mắc nợ bị mất giá nên các quốc gia trong khối Euro và cả Liên Âu phải cùng nhau gánh vác trách nhiệm đỡ đần và thực tế là chuộc nợ cho các nước bị nguy cơ vỡ nợ. Nếu không, nhiều ngân hàng đã lỡ ôm lấy gánh nợ xấu đó sẽ bị nguy cơ phá sản, và đó là vế thứ hai của vụ khủng hoảng.

Tháng Năm năm 2010, 27 nước Liên Âu lập ra Quỹ Bình ổn Tài chánh Âu châu (European Financial Stability Facility – EFSF) với ngân khoản 440 tỷ Euro (khoảng 600 tỷ Mỹ kim) để cấp cứu các nước lâm nạn. Ngân khoản đó là phần cam kết của các thành viên, trong đó gần phân nửa là từ Cộng hoà Liên bang Đức. Thể thức vận hành là EFSF có thể phát hành trái phiếu để các thành viên mua vào trong hạn ngạch cam kết hầu có tiền chuộc nợ cho các nước gặp khó khăn.

Ngoài 440 tỷ Euro của Quỹ EFSF, các nước Âu châu còn có 60 tỷ của một quỹ cấp cứu khác do Hội đồng Liên Âu quản lý và có thể được Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tài trợ đến 250 tỷ Euro nữa nếu có nhu cầu. Vị chi là tổng cộng 750 tỷ. Nhưng, trong ngân khoản 750 tỷ Euro đó, không có 110 tỷ đã được các nước dành sẵn để chuộc nợ cho quốc gia bị nguy ngập nhất là Hy Lạp. Vị chi là 860 tỷ Euro!

Từ năm ngoái đến nay, tình hình thêm nguy ngập với nguy cơ vỡ nợ có thể lan rộng từ Hy Lạp qua Bồ Đào Nha (Portugal), Tây Ban Nha (Spain), Ý Đại Lợi (Italy), Bỉ (Belgium) và thậm chí cả Pháp. Ngày 21 Tháng Bảy vừa qua, các nước muốn mở rộng, nâng cao, phần cam kết cứu trợ của Quỹ EFSF, từ 440 tỷ lên gần 780 tỷ Euro. Người ta gọi đó là EFSF đợt hai (EFSFII).

Theo quy tắc vận hành của Liên Âu, việc giăng thêm mạng lưới cấp cứu phải được mọi quốc gia thành viên chấp nhận sau khi có sự biểu quyết của Quốc hội từng nước.

Các quốc gia sau đây đã đồng ý với quyết định mở rộng: Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ái Nhĩ Lan (Ireland), Bồ Đào Nha, Luxembourg, Slovenia, Phần Lan (Finland) và quan trọng nhất vì sẽ gánh nợ nhiều nhất là nước Đức, với quyết định hôm 29 vừa qua của Hạ viện Bundestag. Cùng ngày 29 là quyết định của Estonia, sau đó còn có Áo (Austria), Cyprus, Malta, Hòa Lan (Netherland) và Slovakia....

Người ta nhức tim theo dõi việc từng nước biểu quyết biện pháp mở rộng việc cấp cứu vì trong nội bộ, nhiều chính quyền đương nghiệm gặp sự chống đối đáng kể của cử tri và đối lập, nhất là tại Đức.

Phần đóng góp của từng quốc gia vào quỹ bình ổn này cho thấy sức nặng của từng nền kinh tế, tức là ảnh hưởng chính trị của từng quốc gia trong cả hệ thống. Nhưng, đây vẫn chỉ là những cam kết góp nước chữa lửa vào hệ thống cứu hoả tập thể, trong khi cơn hoả hoạn vẫn có thể lan rộng.

Vì vậy, cùng với việc theo dõi tin tức hàng ngày về tranh luận chính trị trong từng quốc gia là có chung tiền chuộc nợ nữa hay thôi, người ta vẫn phải nhìn trên toàn cảnh là cấp cứu đến chừng nào mới đủ.

Chuyện ấy quy vào vai trò của cường quốc kinh tế số một của Âu châu và số phận của đồng Euro.


***


Từ năm 1871 đến 1991 – sau ba cuộc chiến dữ dội năm 1870, 1914 và 1939, và gần nửa thế kỷ Chiến tranh lạnh - nước Đức đã lại thống nhất, là cường quốc số một của Âu châu. Nhưng là một cường quốc kinh tế không có sức mạnh chính trị tương xứng. Cái tội gây chiến và sự khôn ngoan của Pháp, dựa trên mặc cảm phạm tội của Đức, đã dẫn tới một nghịch lý là nước Đức trở thành đầu máy kinh tế cho cả Âu châu nhưng không có tiếng nói mà người dân cho là cần thiết trong những chọn lựa chính trị và kinh tế của cả tập thể.

Đồng Euro phần nào giải quyết mâu thuẫn kinh tế và chính trị đó cho nước Đức nhờ trọng lượng kinh tế của mình trong hệ thống tiền tệ chung. Lợi thế của Đức là có một khối kinh tế rộng lớn nằm trong vùng ảnh hưởng đầu tư và tài chánh của mình mà khỏi gây chiến hay chiếm đoạt như đã từng làm trong quá khứ gần trăm năm.

Cái giá phải trả là nhiều quốc gia miền Nam - được gọi mỉa là "Club Med", Câu lạc bộ du lịch của khu vực Địa trung hải, Mediterranean Sea – đã thừa thế tiêu xài quá khả năng thanh toán. Hy Lạp còn sáng tạo hơn khi cố tình khai gian sổ sách kế toán để gia nhập câu lạc bộ và qua năm 2008 mới bị khủng hoảng mà người ta cứ lầm tưởng là vì hiệu ứng khủng hoảng từ Hoa Kỳ.

Các nước khác trong khu vực cũng chẳng khá hơn và nay đang đến giờ tính sổ.

Cuộc tranh luận về ngân khoản cấp cứu đợt này hay đợt khác chính là tranh luận về tương lai chính trị của Âu châu. Đó là một khối thống nhất về kinh tế mà không thống nhất về chính trị nên các thành viên không bị ràng buộc về kỷ cương ngân sách và thuế khóa.

Trong khối thống nhất này, non yếu nhất vì địa dư hình thể là Hy Lạp, quốc gia kém khả năng huy động vốn nội địa và thường xuyên phải cầu viện, từ Đế quốc Anh trong thời tranh hùng với – và suy bại của – Đế quốc Ottoman, và từ Hoa Kỳ trong thời Chiến tranh lạnh. Khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991 và các nước Âu châu lạc quan thống nhất tiền tệ với sự ra đời của đồng Euro mươi năm về trước, Hy Lạp tìm ra cơ hội huy động mới và tận dụng tối đa nên tự khoe là có tốc độ tăng trưởng cao nhất khối Euro.

Nhưng hoàn cảnh chính trị thế giới đã thay đổi và chẳng một cường quốc nào cần tới Hy Lạp như một tiền đồn hay hậu phương chiến lược và xứ này đã... lỡ mắc nợ gấp rưỡi Tổng sản lượng. Cả chính quyền lẫn quốc dân đều không có khả năng trả nợ và Hy Lạp bị khủng hoảng, một vụ khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến đồng Euro, toàn thể Liên Âu - và vị trí của nước Đức.

Vì sao lại bị ảnh hưởng như vậy?

Trong số công trái (nợ của quốc gia) của Hy Lạp. là hơn 350 tỷ Euro, có ba phần tư là nợ nước ngoài, nợ các ngân hàng Âu châu.

Khác với ngân hàng Mỹ - là hệ thống tư nhân trong một quốc gia thống nhất có chủ trương ít can thiệp vào kinh tế - các ngân hàng Âu châu vẫn thuộc về từng quốc gia. Và cũng là công cụ thi hành chánh sách kinh tế tài chánh từng nước, dưới sự chỉ đạo của chính quyền. Vì vậy, việc đầu tư hoặc cấp phát tín dụng cho xứ này xứ khác có tuân thủ những yêu cầu của nhà nước, hơn là quy luật kinh doanh lời lỗ thông thường của tư nhân như ta thấy tại Hoa Kỳ.

Khác biệt nữa là các ngân hàng Âu châu lại có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế vì cung cấp tới 70% nhu cầu tài chánh cho giới đầu tư và tiêu thụ, so với 40% của các ngân hàng Mỹ. Khi bị đẩy vào việc tài trợ cho các nước miền Nam "theo diện chính sách" và bị suy sụp vì khả năng du hý quá cao của các nước trong Club Med, các ngân hàng Âu châu có thể sụp đổ.

Kết hợp hai chuyện định hướng và sức nặng, ta thấy ra sự chồng chéo và tương hằng - ảnh hưởng dây chuyền trong vòng luẩn quẩn - của ba hồ sơ: thứ nhất là gánh nặng công trái (khủng hoảng trái phiếu), thứ hai là sự rung chuyển của ngân hàng (khủng hoảng ngân hàng) và sự chấn động hay bất lực của cơ chế Âu châu (khủng hoảng chính trị). Như ba cái trụ của một kiến trúc bất ổn, bất cứ chân nào bị nghiêng là cả khối kiến trúc có thể sụp.

Cho đến nay, các nước mới chỉ cố khoanh vùng để giữ cho khủng hoảng Hy Lạp khỏi lan qua xứ khác và nghĩ rằng sẽ tốn chừng 280 tỷ, ngân khoản cần thiết có thể cao gấp bội, chừng 400 tỷ Euro. Nhưng nếu khủng hoảng lại lan qua xứ khác – như mọi người chờ đợi hoặc lo sợ - Liên Âu sẽ cần tới ít ra là hai ngàn tỷ Euro.

Trong gần hai năm qua, cuộc tranh luận mới chỉ giới hạn vào bảy tám trăm tỷ Euro và thể thức vận hành của EFSF I rồi và EFSF II. Nhu cầu thực tế còn lớn hơn vậy và hậu quả chính trị cũng thế. Nói cách khác, quyết định của các nước về quỹ EFSF II chưa giải quyết được vấn đề. Nếu khối Euro có trục xuất Hy Lạp để cứu vãn từng phần còn lại của đồng bạc thì khủng hoảng vẫn chưa dứt.

Lý do là vì nhu cầu của quỹ EFSF II đòi hỏi từng thành viên sẽ phải góp thêm chừng một phần tư Tổng sản lượng quốc gia vào việc cấp cứu. Và nếu so với Tổng sản lượng GDP, hai đại gia trong khối Euro là Đức và Pháp sẽ có mức công trái còn cao hơn Hoa Kỳ! Trong hoàn cảnh bấp bênh đó, bất cứ một xứ nào khác lại lâm nạn, như Ý, Pháp, Bỉ, thì khủng hoảng lập tức bùng nổ.

Mà chẳng cần lâm nạn, một lời phát biểu hoặc một cuộc bầu cử địa phương cũng có thể làm thị trường rúng động, làm trương chủ ký thác hốt hoảng và các ngân hàng theo nhau sụp đổ.

Trong ngần ấy kịch bản, việc Hy Lạp tự nguyện rút lui hoặc bị đẩy ra khỏi khối Euro vẫn chưa là giả thuyết kinh hoàng nhất. Giả thuyết kinh hoàng là dân chúng Đức không muốn chính quyền tiếp tục đi làm lính cứu hoả và lui về phản ứng có thủ, đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ.... Vì vậy, hai năm sắp tới sẽ là mối lo đằng đẵng.

Còn nhức tim hơn chuyện suy trầm và thất nghiệp Hoa Kỳ.

Posted by Nguyễn Xuân Nghĩa at 10:47

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét