Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

NGÀY 23 THÁNG 9 NĂM 2011

Bầu Cử Hoa Kỳ Trong Cơn Hoạn Nạn

2011-09-23

Nguyễn Xuân Nghĩa




Những giới hạn của thuật hùng biện...

Nhìn theo một cách nào đó, đáng lẽ Khương Tử Nha đã có thể là... người Mỹ.

Trong cuốn "Thái công Binh pháp" tương truyền là của một nhân vật được đời sau biết tới dưới tên Khương Thượng - tên chữ là Khương Tử Nha, tên tự là Lã Vọng, vì vậy được tôn là Lã Thái công, v.v... - ta có thấy viết một câu về phép trị nước có màu sắc "vô vi" hay "supply side" kiểu Mỹ. Đó là "chớ cướp đoạt thời giờ cầy cấy trồng dâu nuôi tằm của dân; thâu thuế ít thì dân không thiếu tiền của; ít việc lao dịch cho nhà nước thì dân khỏi nhọc nhằn, ắt nước giàu mà nhà nhà vui vẻ."



Sau họ Lã hơn 2.800 năm, một người như Thomas Jefferson đã có thể gọi nhân vật này là đồng chí!

Cùng các bậc quốc phụ của Hoa Kỳ, Jefferson chủ trương rằng một chính quyền lý tưởng là chính quyền cai trị rất ít! Không gian hoạt động của chính quyền càng được thu hẹp thì sinh hoạt của người dân càng dễ phát triển....

Triết lý chính trị độc đáo ấy cũng dẫn tới hiện tượng... "ách tắc" khi các chính khách lao vào trò "hữu vi" trong guồng máy công quyền: bành trướng sự can thiệp của nhà nước trong sinh hoạt của quốc dân.

Chúng ta cần nhớ lại chuyện xưa, may ra thì hiểu được chuyện nay.


***

Hiến pháp Mỹ quy định thể thức để cử lãnh đạo theo cái kiểu rất "không giống ai".

Tổng thống được bầu lên bốn năm một lần, vừa nhậm chức thì chia quyền với một Thượng viện có hai phần ba đã được bầu lên từ trước, và một Hạ viện cũng thuộc loại "tân cử" như mình. Ra khỏi Phủ Tổng thống mà nói chuyện với nước Mỹ về nước Mỹ thì ông còn gặp mấy chục Thống đốc, những người cầm đầu Hành pháp ở cấp Tiểu bang. Nếu mạnh tay làm luật theo chủ đích của mình mà gặp chống đối của tiểu bang, Tối cao Pháp viện sẽ là cơ chế cuối cùng quyết định về cái lẽ đúng sai....

Các Nghị sĩ của Thượng viện được bầu lên cho nhiệm kỳ sáu năm, cho nên mỗi đợt bầu cử hai năm một lần thì có một phần ba được bầu lại. Dân biểu tại Hạ viện thì hai năm lại xin phiếu cử tri nên phải theo rất sát tâm tư ý kiến người dân, chứ khó khoan thai tỉnh táo như các Nghị sĩ. Còn về các Thống đốc thì 50 tiểu bang có chừng năm bảy kiểu bầu khác nhau mà chẳng ông nào lại phải thần phục Tổng thống như các Tổng trấn hay Tỉnh trưởng ở xứ khác.

Trong một quốc gia theo thể chế đại nghị - như tại Âu Châu hoặc Nhật Bản, Ấn Độ, v.v... - các chính đảng tranh cử với nhau để kiểm soát Lập pháp, là Quốc hội. Và người lãnh đạo đảng thì nắm luôn Hành pháp, làm Thủ tướng. Còn lại, Hoàng đế, nhà vua hay Tổng thống thì chỉ có chức vụ tượng trưng của một quốc trưởng. Vì vậy, sau mỗi kỳ bầu cử là cả quốc gia có thay đổi lãnh đạo và đường lối như trong một đợt sóng mới.

Tại Mỹ thì Tổng thống phải thỏa hiệp với... tàn dư của cuộc bầu cử trước. Chưa nói đến các định chế chuyên môn rất độc lập, như Ngân hàng Trung ương chẳng hạn.

Nghĩa là các nhà lập quốc đã bày ra luật chơi rất quái là lãnh đạo Hoa Kỳ không có toàn quyền quyết định. Và khi phải quyết định về nội chính, chuyện nội bộ nước Mỹ, hai cột trụ kia của nền dân chủ là Hạ viện và Thượng viện lại tuân theo những quy củ và quy luật khác. Mà Hạ viện mới là cơ chế "thân dân" nhất – hai năm lại bầu lên một lần cho nên xa dân là mất ấn tín – và có quyền hạn nhất về chuyện thiết thực của dân, là bạc tiền, ngân sách và thuế khóa.

Xét như vậy từ căn bản thì loại Tổng thống tay non và tưởng bở có thể nghĩ rằng dân bầu mình lên với một sứ mạng hoàn toàn mới mà quên hẳn thực tế chính trị do Hiến pháp đề ra.

Khi cầm quyền và tỉnh giấc hoang tưởng thì thấy rằng mình bị ách tắc. Đó là trường hợp Barack Obama, một Giáo sư về Luật Hiến pháp!


***


Thực tế thì Hiến pháp Hoa Kỳ muốn thu hẹp khả năng tung hoành của lãnh đạo và, như Jefferson hay các nhà sáng lập đã phát biểu, muốn thu hẹp phạm vi hoạt động của nhà nước. Cũng vì vật mà rất dễ gây ách tắc khi có một cuộc bầu cử mới với kết quả gọi là "tréo giò" và tạo ra thế cài răng lược.

Đó là lý do chúng ta có nạn ách tắc ngày nay.

Nhưng bế tắc hiện tại đã xuất phát từ năm 2008.

Về hiện tại, Tổng thống Barack Obama bên đảng Dân Chủ bị kỳ đà cản mũi, là Hạ viện vừa lọt vào tay Cộng Hoà trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái. Ông chỉ còn trông cậy vào đảng Dân Chủ tại Thương viện, một đảng có đa số vừa bị bào mỏng năm ngoái và có thể mất quyền kiểm soát trong cuộc bầu cử năm tới. Lý do đơn giản là kỳ tới, đảng Dân Chủ có nhiều Nghị sĩ phải tái tranh cử hơn là đảng Cộng Hoà, trong khi dân chúng lại thất vọng về những người đang tại chức, dù ở bất cứ đảng nào. Khi thấy ghế của mình lung lay, các dân biểu nghị sĩ đều phải xét lại chủ trương nào là ăn khách và không chơi dại chạy theo lá cờ phất phới trong tay Tổng thống.

Họ chỉ mong là đối thủ Cộng Hòa sẽ phạm sai lầm và làm cử tri phật ý trong 14 tháng sắp tới!

Về chuyện xưa, dù đắc cử năm 2008 với 53% số phiếu, khá lớn nhưng chưa đến mức gọi là long trời lở đất "landslide", ông Obama quên mất là có 47% cử tri lại tín nhiệm người khác. Quan trọng nhất, ông quên mất hoàn cảnh khiến mình đắc cử.

Trong vòng sơ bộ, Obama đạt thành tích bất ngờ là vượt qua nhân vật sáng giá trong đảng và đã chuẩn bị tranh cử từ năm 2000, khi ra khỏi tám năm làm Đệ nhất Phu nhân mà nhảy dù vào New York tranh chức Nghị sĩ. Đó là Nghị sĩ Hillary Clinton, nay là Ngoại trưởng và là chính khách Dân Chủ được ưa thích nhất. Obama đắc cử nhờ một vụ khủng hoảng bùng nổ ba tháng sau khi ông được cánh tả đảng Dân Chủ loại bỏ ngôi sao sáng là Hillary.

Bài này không nói về nỗi oan của Hillary khi bị qua mặt vào giờ chót, Tháng Sáu 2008, một sự sai lầm của lãnh đạo đảng Dân Chủ khi nghĩ đến triển vọng đưa ra một ứng cử viên gốc Phi Châu da đen với khẩu hiệu "Đổi Mới".

Thế rồi sau vòng loại và hai tuần sau đại hội của hai đảng, Hoa Kỳ bị vụ khủng hoảng tài chánh ngày 15 Tháng Chín 2008. Biến cố này, và cách ứng xử quá kém của ứng cử viên Cộng Hoà là Nghị sĩ John McCain đã giúp Nghị sĩ Obama thu hẹp khoảng cách, vượt qua đối thủ và đắc cử.

Khi đắc cử, Obama quên ngay vụ khủng hoảng "trời cho" – bùng nổ giữa một chu kỳ suy trầm – vì có chương trình bài bản được chuẩn bị từ khi làm Nghị sĩ mới có hai năm là đã lo tranh cử Tổng thống và hoàn toàn không có một kinh nghiệm gì về điều hành.

Thế rồi nhờ đảng Dân Chủ kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện trong hai kỳ bầu cử 2006 - 2008, ông Obama coi việc áp dụng chương trình này là ưu tiên. Giờ đây, ông đang lãnh họa khi lại phải xin phiếu quốc dân để tái đắc cử.

Ông lãnh họa vì kinh tế ra khỏi 18 tháng suy trầm, từ Tháng 12 năm 2007 đến Tháng Bảy 2009, mà vẫn bò ngang trong hơn hai năm, từ giữa năm 2009 đến nay, và có khi sẽ lại bị suy trầm nữa. Vì vậy, thất nghiệp vẫn ngất ngưởng trên mức 9% trong khi bội chi ngân sách và gánh nặng công trái thì đã vượt mọi kỷ lục vì các chương trình cải tạo xã hội kiểu Obama, từ chuyện y tế đến môi sinh, đến cải tổ tài chánh dồn trong kế hoạch kích thích kinh tế.

Ban tham mưu Obama có nói ra toan tính chính trị là "không nên để lỡ một vụ khủng hoảng": nhân khủng hoảng mà cải tạo lại cả xã hội Mỹ. Cũng lớn lao như Tổng thống Ronald Reagan sau khi ông đắc cử năm 1980. Chính là toan tính ấy mới giải thích vì sao chính quyền Obama thường xuyên đổ lỗi cho người tiền nhiệm, cho chính quyền Bush.

Thủ thuật chính trị này là điều có thể hiểu được, nhưng khó hiểu hơn thế là có lẽ chính quyền cũng tin như vậy!


***


Các kịch sĩ giỏi thường bị hiện tượng "nhập vai", lộng giả thành chân, đóng vai Thượng đế mãi nên tin rằng mình là người có tài Cứu thế....

Thực tế thì mọi chính khách được bầu vào Toà Bạch Cung đều thừa hưởng di sản của người tiền nhiệm và bị quá khứ đó chi phối chứ không có một trang giấy trắng để muốn vẽ gì thì vẽ. Rồi khi gặp trở ngại thì dồn trách nhiệm cho chính quyền trước.

Nếu không có vụ Watergate của Richard Nixon và vụ Việt Nam trong nhiệm kỳ Gerald Ford thì Jimmy Carter đã chẳng đắc cử năm 1976. Không có nạn suy trầm và không khí bi quan thời Carter thì Reagan đã chẳng đại thắng năm 1980. Sau tám năm gọi là hoàng kim của Reagan, George H. Bush (Bush 41) lại lãnh di họa từ vụ khủng hoảng tín dụng (747 cơ sở sụp đổ vì vụ "Savings & Loan") dồn trong nạn suy trầm kinh tế 1990.

Cũng thế, không có Reagan và Bush 41 thì Bill Clinton đã chẳng hưởng "cổ tức hoà bình" khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991. George W. Bush cũng vậy, đã lãnh hai vụ khủng hoảng dồn dập là khủng bố 9-11 vào tháng Chín và sự sụp đổ của các tổ hợp bất lương vào tháng 12 (vụ Enron) năm 2001, khi bong bóng đầu tư vừa bể năm 2000 và kinh tế suy trầm từ Tháng Ba 2001: những biến cố ấy đều xuất phát từ triều đại gọi là hoàng kim của Clinton.

Chính là nỗi thất vọng về những gì xảy ra trước đó khiến cử tri mới bầu ra lãnh đạo mới, với hy vọng là sẽ có thay đổi. Nghị sĩ Obama đã hứa hẹn sự thay đổi nên đắc cử, nhưng khác hẳn mọi vị tiền nhiệm, ông tiếp tục đổ lỗi cho chính quyền trước.

Ông khai thác tâm lý hoảng hốt thành khủng hoảng, là một chữ là chính quyền của ông đã lạm dụng. Rốt cuộc thì gây ra khủng hoảng thật!


***


Trong thực tế, chúng ta còn thấy ra một tai họa khác, đó là biệt tài tranh cử của Obama theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó".

Sở dĩ phải gọi đó là biệt tài của sự hùng biện vì làm cho quần chúng của mình tưởng rằng ông bán thịt dê thật. Một sự u mê kỳ lạ của cử tri! Ngày nay, khi họ tỉnh ngộ thì Obama khốn đốn.

Khi tranh cử, ông Obama đề cao chủ trương phản chiến với lý luận là sẽ triệt thoải khỏi chiến trường Iraq vì cuộc chiến tại đây là phi chính nghĩa - chứ không chính đáng như cuộc chiến tại A Phú Hãn. Đó là treo đầu dê. Bán thịt chó là vẫn khai triển chiến lược Iraq của vị tiền nhiệm – Bush dồn quân đánh tới để sẽ rút khỏi Iraq - và còn áp dụng chiến lược đó tại A Phú Hãn với quyết định cũng đôn quân đánh tới để lại thương thuyết với đối thủ việc triệt thoái y như tại Iraq.

Khi tranh cử, ông Obama đả kích việc Bush hung hăng can thiệp vào xứ khác, hoặc có chánh sách tồi tệ với tù nhân hay nghi can khủng bố. Đó là treo đầu dê. Bán thịt chó là vẫn chưa thể đóng cửa trại tù Guantanamo và truy tố những nhân viên an ninh trình bào tội tra tấn tù nhân. Chưa thể vì không thể! Phải có kinh nghiệm điều hành thì mới biết được cái khó của từng quyết định.

Với Âu Châu, ông Obama và cử tri của ông nay mới thấy rằng các lãnh tụ Âu Châu có mục tiêu khác với Hoa Kỳ chứ không chỉ vì ghét Bush. Mục tiêu ấy khiến họ muốn sớm rút khỏi A Phú Hãn và dẫn dụ Hoa Kỳ hốt rác cho họ ở những nơi gặp rắc rối. Vụ Libya là thí dụ. Mục tiêu ấy khiến chính quyền Đức từ chối giải pháp tăng chi như Obama yêu cầu và rất khó chịu về cách thức Hoa Kỳ giải quyết vụ khủng hoảng của kỹ nghệ xe hơi Mỹ khiến Opel của Đức lãnh họa....

Ông Obama treo đầu dê vì cần đến khối cử tri phản chiến bên cánh tả trong cuộc bầu cử. Khi cầm quyền, ông chẳng thể làm khác. Sau khi tưởng rằng đã bầu lên một tổng thống chủ hòa và sẵn sàng đi vái tứ phương, cử tri phản chiến bắt đầu thất vọng, và nói ra chuyện tổng thống bán thịt chó.

Về nội chính cũng thế.

Khi kinh tế suy trầm và khủng hoảng tài chánh bùng nổ, Chính quyền Bush và Ngân hàng Trung ương phải bơm tiền và in tiền để hạ lãi suất và để kéo các ngân hàng ra khỏi tình trạng ách tắc tín dụng "credit crunch". Ngày nay, chính sách đó vẫn tiếp tục, trong hoàn cảnh ngặt nghèo hơn.

Hoàn cảnh ngặt nghèo vì khi tranh cử, Nghị sĩ Obama đả kích tài phiệt Wall Street và bọn vận động hành lang chính trị đã gây ra khủng hoảng. Đó là treo đầu dê. Bán thịt chó là sự kiện các tỷ phú Wall Street và bọn "lobby" đều yểm trợ mạnh nhất cho các ứng cử viên Dân Chủ, kể cả Obama. Ngày nay, sau vụ khủng hoảng, các đại gia về tài chánh và ngân hàng còn tập trung tài sản nhiều hơn xưa! Trong khi đó, các ngân hàng cộng đồng và tiểu doanh ở địa phương bị chết kẹt trong những luật lệ mới đầy tốn kém.

Và không ai dám cho vay hoặc đầu tư nữa.

Các tổ hợp chi tiền cho Obama cũng là doanh nghiệp đã xuất cảng việc làm ra ngoài và có khả năng lách thuế tinh vi nhất! Đó là thành tích của G.E., một tập đoàn có doanh lợi 14 tỷ mà không trả thuế, với Tổng quản trị CEO nay được mời làm cố vấn kinh tế cho Tổng thống để... tạo ra việc làm cho dân chúng. Hoặc của tỷ phú Warren Buffet, người giàu thứ nhì của nước Mỹ, chỉ lãnh lương 100 ngàn đồng nên trả thuế ít hơn viên thư ký và đòi tăng thuế của các triệu phú. Nhưng tổ hợp đầu tư Bershire Hathaway của ông nợ hơn hai tỷ tiền thuế mà còn tranh cãi chưa chịu thanh toán. Buffet là một trong những người đang vận động yểm trợ tài chánh cho Tổng thống!

Ngày nay, cử tri của Obama đã nhìn ra sự thể, nhất là cử tri bên cánh tả có xu hướng đại chúng, muốn giới hạn khả năng khuynh đảo của thiểu số giàu có ở trên.


***


Khi tranh cử, Nghị sĩ Obama đã thuyết phục được cánh tả rằng ông sẽ tạo ra thay đổi nhờ hậu thuẫn của các lực lượng cực tả, những thành phần đã loại bỏ Hillary trong vòng sơ bộ. Obama cũng thuyết phục được một thiểu số bất mãn bên cánh hữu, xu hướng kịch liệt chống nạn bội chi của Chính quyền Bush. Ngày nay, thiểu số tích cực bên cánh tả đã thất vọng và thiểu số kia ở bên cánh hữu thì lập ra phong trào Tea Party, còn quyết liệt chống lại nạn bội chi nay đã lên đến mức kỷ lục! Ở giữa, thành phần ôn hoà bên đảng Dân Chủ thì e sợ thất cử và thành phần cử tri trung dung độc lập thì thất vọng nhiều nhất với Obama.

Đâm ra vụ khủng hoảng chính trị 2008-2009, một hậu quả bất ngờ của biệt tài tranh cử của Obama, lại gây khó cho ông khi Obama cần tái tranh cử. Hy vọng duy nhất của Tổng thống là đảng Cộng Hoà sẽ lại phạm sai lầm. Trong khi chờ đợi, chúng ta có 14 tháng ách tắc với rất nhiều đòn phép tranh cử sẽ được đôi bên thi thố.

Điều tai hại là trong khi chờ đợi, kinh tế vẫn suy trầm và thất nghiệp vẫn lửng lơ trên đỉnh. Bài này được viết khi cùng với các thị trường tài chánh toàn cầu, thị trường cổ phiếu Mỹ sụt giá vào ngày thứ bốn: chỉ số Kỹ nghệ Dow Jones có lúc mất thêm gần 500 điểm và chỉ số S&P 500 mất hơn 3%, nội trong một ngày Thứ Năm 22.... Ly kỳ!

Posted by Nguyễn Xuân Nghĩa at 02:08

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét