Trung Quốc sẽ bảo vệ "lợi ích cốt lõi" ở Biển Đông thế nào?
Tác giả: Toshi Yoshihara and James R. Holmes
Quân đội Trung Quốc có thể đã sở hữu những yếu tố cần thiết để bắt đầu thực thi một chính sách bá chủ tại biển Đông, nhưng để làm vậy, họ sẽ có thể buộc phải tập trung hầu hết các lực lượng biển của mình tới bờ biển phía Nam, bất chấp các nguy cơ lớn ở các vùng biển khác của Trung Quốc. Để trở lại chính sách lợi ích cốt lõi một cách đanh thép, Hải quân PLA phải phát triển máy móc vũ khí hạng nặng, thành thạo trong việc điều khiển tàu và thủy thủ và nhạy bén chiến thuật để hoàn thành một số chức năng.
Nhiệm vụ chính của họ là tích lũy đủ tàu, máy bay và vũ khí để áp đặt sự kiểm soát tại bất cứ vùng biển nào ở Đông Nam Á mà lãnh đạo Trung Quốc chọn. Điều này sẽ đòi hỏi phải huy động lực lượng đáng tin cậy tới hầu hết mọi nơi ở khu vực phía Nam biển Đông, cách đảo Hải Nam gần 1.000 hải lý. Kiểm soát được các vùng biển của mình sẽ tạo điều kiện cho các sứ mệnh hải quân khác ở các vùng biển tranh chấp.
Làm được điều này, hạm đội biển của Trung Quốc có thể kiểm soát các biển theo nhiều con đường khác nhau. Họ có thể bảo vệ các tàu bạn dọc các tuyến SLOCs hoặc tấn công tàu địch đi qua các hải trình này. Họ có thể đưa lực lượng vào bờ bằng máy bay hạ cánh trên biển, tên lửa tấn công mục tiêu mặt đất hay lực lượng lính thủy đánh bộ trên các tàu tấn công đổ bộ. Hoặc họ có thể thực hiện các chức năng cảnh sát như hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai, chống hải tặc... hợp thức hóa vị trí bá chủ của mình tại biển Đông, như Mỹ từng làm tại biển Caribbea và vùng Vịnh theo hệ luận của Roosevelt.
Trung Quốc cũng có thể hưởng lợi từ sự năng động của lực lượng hải quân. Như trong nỗ lực cứu hộ sóng thần đa quốc gia năm 2004, các tàu biển được thiết kế để kiểm soát trên biển hoặc việc huy động lực lượng có thể sẵn sàng được chuyển sang các sứ mệnh cảnh sát. Được xây dựng cho các chiến dịch tấn công, các tàu đổ bộ và tàu bệnh viện của Trung Quốc gần đây đã được huy động tham gia các sứ mệnh phi chiến đấu ở Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, đây là một loạt các sứ mệnh đầy tham vọng cho một lực lượng hải quân quen với việc bảo vệ bờ biển. Liệu Hải quân PLA có thể thể hiện mình với các lực lượng hiện có? Theo tạp chí Jane's Fighting Ships 2010-2011, Hải quân Trung Quốc có 135 tàu chiến lớn (tàu ngầm và tàu nổi) và một số tàu nhỏ được chưa thành ba hạm đội: hạm đội biển Bắc, hạm đội biển Đông và hạm đội biển Nam. Số lượng này khiến người ta có thể choáng, nếu nói đến tổng lực của một lực lượng hải quân.
Tuy nhiên, theo nguyên tắc của hải quân Mỹ, một lực lượng hải quân cần ba tàu để đảm bảo cho một tàu sẵn sàng tác chiến. Một tàu đi tuần tra ngoài khơi theo chu kỳ tập huấn chiến lược của hải quân; một tàu được huy động theo một chế độ tập trận, thanh tra và bảo vệ định kỳ; tàu thứ ba đang được kiểm tra lại toàn bộ tại một xưởng đóng tàu và không thể tham gia tác chiến trên biển. Nói cách khác, các tư lệnh chỉ có 1/3 tổng số tàu chiến để sử dụng, dù 1/3 khác có thể sẵn sàng chiến đấu.
Thực tế của Mỹ tạo ra một thước đo thô cho thấy mức độ sẵn sàng của hải quân Trung Quốc, rõ ràng số hạm đội trên giấy vượt quá sức mạnh chiến đấu có thể huy động rất nhiều. Theo số liệu của tạp chí trên về các tàu chiến lớn của Trung Quốc, 45-90 tàu chiến được hỗ trợ bởi các tàu nhỏ phải bảo vệ các cam kết của Trung Quốc tại ba biển của nước này, đó là chưa kể đến một loạt các sứ mệnh mở rộng ở Ấn Độ Dương. Thử đặt con số này cạnh 32 tàu chiến lớn mà các lực lượng hải quân Đông Nam Á có thể huy động. Đó là chưa nói đến các nước khác cũng có thể can thiệp vào sự cố ở biển Đông. Hải quân của Đài Loan có 28 tàu chiến lớn, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có 71 tàu, và Hải quân Australia có 18 tàu. Tất nhiên các hạm đội này cũng phải tuân thủ tỷ lệ 3:1 đối với các đơn vị có thể tác chiến.
Bên cạnh đó là sự phản đối Trung Quốc rất lớn dọc vùng ngoại biên của nước này. Hải quân PLA sẽ phải quản lý những nơi tranh chấp mà không có một hạm đội hậu cần ấn tượng - gồm những tàu có thể cung cấp vũ khí, nhiên liệu và chiến binh trên biển, từ đó mở rộng phạm vi tuần tra của các tàu chiến - và không có các năng lực quan trọng như chiến tranh chống tàu ngầm và các biện pháp đáp trả bằng thủy lôi. Hơn nữa, do không thể huy động lực lượng và các chức năng phi chiến đấu, các hạm đội đổ bộ trở nên thiếu sức sống.
Nhưng các biện pháp vật chất không nói lên toàn bộ câu chuyện. Vũ khí hủy diệt nhất không quan trọng bằng việc sử dụng nó. Các kỹ năng chiến thuật điều khiển tàu và thủy thủ của các sĩ quan và quân đội vẫn chưa được thử thách dù Hải quân Trung Quốc đã thạo trong nhiệm vụ chống hải tặc ngoài khơi Somalia. Nhiệm vụ chống hải tặc đã khiến lính thủy của Hải quân PLA mệt mỏi vì không quen với các chuyến đi dài cũng như việc bảo vệ vũ khí chống lại nước biển mặn, thời tiết khắc nghiệt và chiến dịch kéo dài. Dù PLA gần đây đã kết hợp nhiều kịch bản chiến tranh trên biển thực tế vào các cuộc tập trận huấn luyện, vẫn chưa thể nói các tư lệnh Trung Quốc sẽ điều khiển các tàu chiến của mình tốt tới mức nào trong bối cảnh căng thẳng của một cuộc chiến tranh nóng.
Bên cạnh hạm đội, Mahan cũng kể tới các căn cứ quân sự ở hai bên các tuyến SLOCs, coi đây như một "trụ cột" thứ hai của sức mạnh biển. Để có sự hiện diện thường trực, PLA sẽ phải có sự hỗ trợ của một loạt các căn cứ ở phía Nam biển Đông. Đài Loan đang kiểm soát đảo Ba Bình (tên quốc tế là Itu Aba, phía Trung Quốc gọi là Thái Bình Đảo), hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa, cùng với các đảo nhỏ gắn với nó là Bàn Than (Center Cay) và Sơn Ca (Sand Cay).
Nhưng ngay cả sự sở hữu này của Đài Loan cũng có giá trị chiến lược mơ hồ đối với Trung Quốc trong một sự cố quân sự lớn, đặc biệt là sự cố có sự can thiệp của Hải quân Mỹ. Đảo này quá nhỏ và có ít tài nguyên để huy động lực lượng tuần tra biển hay tiến hành các chiến dịch lớn. Hầu hết, các đảo này được coi như trạm nghỉ giữa đường để tiếp nhiên liệu và vũ khí cho các hạm đội nhỏ hơn của Hải quân PLA. Giá trị lớn nhất của các hòn đảo này có thể nhằm ở tiềm năng chống can thiệp vào các vùng biển gần đó. Trung Quốc có thể huy động các tên lửa hành trình chống hạm tầm xa tại các căn cứ này, tạo ra một vùng cấm đi lại ở biển Đông.
Các tư lệnh Trung Quốc có thể quan tâm đến một năng lực mới - tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM), một loại tên lửa có thể tấn công các mục tiêu di động trên biển ở vị trí cách hàng trăm hải lý - để bù vào các yếu kém về năng lực hải quân của mình.
Theo Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, một nguyên mẫu ASBM đã đạt được "năng lực tác chiến ban đầu", hoặc được huy động tác chiến ở giai đoạn đầu.Các ước tính về tầm bắn của nó là từ 1.500 - 2.500km. Loại ASBMs này có thể được đặt ở đảo Hải Nam hoặc ở một nơi nào đó ở phía Nam Trung Quốc, cho phép tấn công ra toàn biển Đông, cũng như chống lại mọi sự tiếp cận của phương Tây vào Eo biển Malacca. Tăng tầm bắn của hỏa lực bờ biển sẽ giảm bớt gánh nặng của hạm đội tàu Trung Quốc, từ đó tăng sức ép lên các đối thủ thách thức lợi ích của Trung Quốc trong thời bình cũng như thời chiến.
Sự khác biệt giữa các kịch bản thời bình và thời chiến là rất lớn, đơn giản bởi vì Mỹ có thể sẽ không gia tăng lực lượng của mình tới đương đầu với Trung Quốc, trừ phi xảy ra một cuộc chiến tranh nóng. Sự khiêu khích sẽ là rất nhẹ. Nếu Washington tránh can dự vào các tranh cãi trong thời bình, điều này sẽ giảm bớt căng thẳng đáng kể cho các lực lượng Hải quân Trung Quốc. PLA sẽ chỉ phải đối mặt với các hạm đội yếu hơn của các nước Đông Nam Á.
Được hỗ trợ bởi một số lượng đủ ASBMs có khả năng đặt các hạm đội của đối thủ vào tình thế nguy hiểm, thậm chí một Hạm đội Biển Nam cũng có thể hăm dọa các nước Đông Nam Á bằng việc thỉnh thoảng hoặc định kỳ phô trương lực lượng. Việc sử dụng lực lượng hải quân trong thời bình như vậycó thể nhằm áp đặt một sự bình thường mới lên các nước Đông Nam Á, vốn ngầm hiểu là Trung Quốc có nhiều lợi ích hơn ở biển Đông. Nếu đây là một phần trong một chiến lược dài hạn nhằm hủy hoại thiện chí chính trị của các nước láng giềng Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ không lo lắng về việc xây dựng một hạm đội cực mạnh hoặc việc hướng tới các mối đe dọa khác lớn hơn.
Nhưng nếu Bắc Kinh vẫn khao khát sở hữu thực sự biển Đông - một cách hiểu về "lợi ích cốt lõi" - từ đó kiểm soát thường xuyên các sự kiện trên biển, thì họ sẽ phải tăng cường mạnh mẽ việc xây dựng lực lượng hải quân, để đối phó với khả năng can thiệp của Mỹ. Chỉ có cách đó thì PLA mới đạt tiêu chuẩn của Mahan là hội tụ đủ sức mạnh hải quân để đối phó với hạm đội lớn nhất có thể sẽ được huy động chống lại họ.
ASBMs có thể lúc nào cũng có, song chúng không phù hợp với sức mạnh chiến đấu bền bỉ và đáng tin cậy trên biển. Nói tóm lại là Bắc Kinh có thể hy vọng tạo ra một trật tự khu vực mới bằng cách sử dụng vũ lực đang có trên biển hoặc đang chế tạo, nhưng làm như vậy họ sẽ phải đương đầu với sự can thiệp của Mỹ. Nếu sức mạnh Hải quân Mỹ tiếp tục suy yếu, Trung Quốc sẽ ngày càng tự do hành động hơn, đơn giản là các tổng thống Mỹ sẽ thấy ngày càng khó biện hộ cho những nguy cơ của việc đưa các đội đặc nhiệm hải quân quý báu của Mỹ vào những chỗ nguy hiểm.
Có lẽ cũng nên dự báo về các mô hình tác chiến có thể đặc trưng cho các hoạt động của Hải quân PLA trong việc bảo vệ một lợi ích cốt lõi. Đối với các sứ mệnh thời bình tại biển Đông, PLA sẽ đảo lộn trật tự theo hướng thả lỏng cho các lực lượng quốc phòng của mình tấn công. Hiện tại ASBM sẽ là loại vũ khí được sử dụng đầu tiên trong một sự cố bất ngờ ở Tây Thái Bình Dương chống Hải quân Mỹ. Các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa sẽ giúp PLA gây hư hại hoặc làm chìm lực lượng tiếp viện cho Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tiến về phía Tây từ đảo Guam, Hawaii hay các cảng ở bờ biển phía Tây nước Mỹ.
ưSau đó, máy bay được trang bị tên lửa hành trình hoạt động từ các sân bay trên đất liền có thể tham chiến, tiếp đến là các hệ thống tầm ngắn như tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel, tàu tuần tra tàng hình chớp nhoáng, và các tàu nổi lớn - tất cả đều được trang bị tên lửa hành trình chống hạm. Mục tiêu của PLA có thể là cân bằng hoặc đảo lộn cán cân lực lượng trước khi các nhóm tấn công của Mỹ vây kín các bờ biển châu Á - giống như Hải quân Đế quốc Nhật đã tưởng tượng việc sử dụng tàu ngầm và máy bay để truy đuổi "các chiến dịch ngăn chặn", ngăn chặn một hạm đội lớn của Mỹ trước khi xảy ra cuộc giao tranh quyết định.
Ngược lại, trong các cuộc khủng hoảng thời bình tại biển Đông, PLA có thể sẽ dùng ASBMs như một vũ khí răn đe để bảo vệ các tàu nổi. Với việc trang bị loại tên lửa này, kể cả các chiến hạm nhỏ cũng trở thành lý tưởng để gây sức ép lên các bên yếu hơn trong khu vực. Ví dụ, các chiến hạm tàng hình nhỏ lớp 022 Houbei được trang bị tên lửa hoạt động tại quần đảo Trường Sa với sự yểm trợ của ASBM có thể đẩy hầu hết các lực lượng hải quân Đông Nam Á đến đường cùng. Liệu Trung Quốc có kế hoạch xây dựng các nhóm tấn công bằng tàu sân bay để gây sức ép hay không vẫn còn chờ thời gian trả lời, nhưng các chuyến xuất kích định kỳ của các tàu nhỏ cũng đã nhắc nhở các nước láng giềng nhỏ hơn về các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, nhấn mạnh giá trị mà Trung Quốc gắn cho biển Đông.
Nói cách khác, việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh chiến đấu trên biển dù nhỏ nhất cũng có thể tác động đến tương quan lực lượng hải quân có lợi cho Bắc Kinh trong các sự cố bất ngờ trong thời bình không có sự can thiệp của Hải quân Mỹ. Dần dần, khi không bị các lực lượng bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản hay Australia phản đối, các lần chứng tỏ sự bá quyền của Trung Quốc đối với các hạm đội Đông Nam Á có thể bắt đầu nhận được sự ủng hộ bất đắc dĩ trong một trật tự mới mà Trung Quốc là trung tâm.
Điều này có thể diễn ra trong vòng ít nhất 5 năm tới - giống như Vương quốc Anh đã phải mặc nhận cách hiểu hiếu chiến của chính quyền của Tổng thống Mỹ Grover Cleveland về Học thuyết Monroe. Năm 1985, Anh quốc dọa xâm lược một mảnh đất giữa Venezuela và Guyana của Anh, phớt lờ Học thuyết Monroe của Mỹ và gây rắc rối ở Tây bán cầu. Tổng thống Cleveland khi đó đã cử tàu chiến tới Venezuela, quân Anh bị đánh bại và buộc phải mặc nhận học thuyết này.
Tiền lệ Mỹ dường như đáng tin cậy theo các xu hướng chiến lược hiện nay. Thực vậy Bernard Cole, giáo sư Viện Quân sự Quốc gia, cho biết Hải quân PLA có thể có khả năng "bá chủ biển Đông Á" vào năm 2016-2017 vì lực lượng này tăng trưởng nhanh chóng trong khi Hải quân Mỹ đang quá tải và Nhật Bản gặp khó khăn tài chính trong ngành công nghiệp đóng tàu. Các dự báo này đáng để suy ngẫm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét