Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

NGÀY 22 THÁNG 9 NĂM 2011

Trung Quốc có thể đối mặt với khả năng leo thang của đối thủ ?

Ngay cả khi Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng hải quân, cán cân lực lượng khu vực sẽ chống lại các âm mưu áp đặt mong muốn của Bắc Kinh. Trong tương lai, Trung Quốc có thể phải đối mặt với khả năng leo thang của các lực lượng hải quân đối thủ, dù nhỏ hơn nhưng có năng lực, tại các khu vực khác trong một cuộc xung đột hoặc khủng hoảng trên biển Đông. Đối phó với sự đáp trả Chắc chắn là Trung Quốc sẽ thiếu các phương tiện quân sự thích hợp để biến biển Đông thành chiếc ao nhà của mình, nhưng họ có thể tiến những bước dài theo hướng này trong khi tiếp tục các dự án hải quân.


Hoạt động tuần tra trên biển thường xuyên nhằm ngăn cản các lực lượng hải quân đối thủ tiếp cận các vùng biển này vẫn nằm ngoài tầm với của họ, nếu đó là mục tiêu. Trung Quốc có thể đưa ra các đe dọa quân sự ở cấp thấp, ép các nước láng giếng phía Nam bằng các hạm đội hiện có, gồm tàu nổi, tàu ngầm, máy bay và tên lửa. Các hành động như vậy có thể gây ra một số kháng cự trước mắt, nhưng chúng vẫn chưa báo hiệu sự sắp xếp lại tương quan lực lượng trên biển một cách căn bản mà một lợi ích cốt lõi của Trung Quốc có thể đòi hỏi. Các nước Đông Nam Á cũng như các cường quốc lớn ngoài khu vực này đều không chấp nhận một trật tự hàng hải trong đó Trung Quốc là trung tâm. Các nước cạnh tranh sẽ chống lại. Vì vậy, ngay cả khi Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng hải quân, cán cân lực lượng khu vực sẽ chống lại các âm mưu áp đặt mong muốn của Bắc Kinh. Các nước Đông Nam Á sẽ không tiến hành các chiến thuật hăm dọa chừng nào các hỗ trợ về ngoại giao và quân sự của Mỹ vẫn còn đáng tin cậy. Các tuyên bố công khai của Washington về sự can dự của họ vào các vùng biển châu Á cho thấy khu vực này không có lý do gì phải sợ là Mỹ sẽ từ bỏ vai trò bình ổn mà họ đã từ lâu đảm nhận tại các vùng biển châu Á. Dù Trung Quốc chắc chắn là một cường quốc biển đang nổi, nhưng các lực lượng hải quân trong khu vực cũng không dễ bị đánh lừa. Họ cũng sẽ không mãi để yên. Rõ ràng là cả các nước đòi chủ quyền và các bên thứ ba trong các tranh chấp lãnh thổ đều đang đáp trả bước tiến ra biển của Trung Quốc. Singapore, Malaysia, Indonesia và cả Việt Nam đang mua tàu ngầm để chống lại Trung Quốc. Các cường quốc ngoài khu vực như Nhật Bản và Australia cũng bám sát quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc theo cách của mình. Tokyo lên kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm của mình lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua, trong khi Canberra đã bắt đầu chương trình tàu ngầm đắt giá nhất trong lịch sử Australia. Cả hai nước này rõ ràng đang nhắm tới Bắc Kinh. Và, nhìn về hướng Đông qua vịnh Bengal, Ấn Độ cũng lo ngại rằng sự bá chủ của Trung Quốc tại biển Đông sẽ báo trước một sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Hải quân Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, vùng biển mà New Delhi coi là một khu vực riêng của Ấn Độ. Trong tương lai, Trung Quốc có thể phải đối mặt với khả năng leo thang của các lực lượng hải quân đối thủ, dù nhỏ hơn nhưng có năng lực, tại các khu vực khác trong một cuộc xung đột hoặc khủng hoảng trên biển Đông. Sự leo thang như vậy sẽ kiềm chế các tư lệnh quân sự và chính trị của Trung Quốc. Nói tóm lại là các xu hướng trong tương quan lực lượng hải quân đối với Trung Quốc có thể diễn ra nhanh hơn những gì có thể mường tượng. Việc Mỹ có thể duy trì vai trò bá chủ của mình tại biển châu Á hay không là yếu tố quyết định cuối cùng - và có thể mang tính sống còn - đối với khả năng Trung Quốc sử dụng các phương tiện để đạt mục đích này. Chiến lược Biển của Mỹ năm 2007 đã xác định Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là các khu vực ưu tiên hành động của các lực lượng biển, cam kết huy động các lực lượng chiến đấu mạnh ở đây trong tương lai gần. Điều này đặt biển Đông - khu vực nối giữa hai đại dương trên - vào vị trí trung tâm lợi ích biển của Mỹ. Hơn nữa, Chiến lược Biển tuyên bố rằng Hải quân Mỹ sẽ duy trì khả năng "áp đặt sự kiểm soát biển bất cứ khi nào cần thiết, lý tưởng nhất là phối hợp với các bạn bè và đồng minh, nhưng sẽ tự lực cánh sinh nếu phải như thế". Đây là một tuyên bố mập mờ về ý định. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đã tạo ra sự nhập nhằng lớn về bản chất cam kết của Mỹ đối với khu vực này. Tuyên bố quyền tự do hàng hải qua các tuyến SLOCs ở Đông Nam Á là "một lợi ích quốc gia" của Mỹ, Ngoại trưởng Clinton cũng đã tái khẳng định rằng Washington không có quan điểm gì về việc ai sẽ có chủ quyền đối với các đảo và các vùng nước liền kề trên biển Đông. Điều này cho phép Bắc Kinh có một phạm vi để thử thách tính kiên định của Mỹ khi củng cố các yêu sách của mình. Sự đối đầu lặp đi lặp lại trong tương lai rõ ràng sẽ nảy sinh vì bối cảnh này. Trung Quốc có thể đối phó với khả năng kháng cự bằng việc đưa ra các nguồn lực phụ để vượt qua các thiếu hụt về số lượng và kém về chất lượng của Hải quân PLA. Nói ngắn gọn là Bắc Kinh cần thêm nhiều tàu để đối đầu với các đơn vị hiện đại, và cần tuyển ngày càng nhiều sĩ quan có năng lực và dày dạn kinh nghiệm, cũng như lực lượng binh sĩ để điều khiển các tàu đó, đảm bảo hải quân có thể vận hành các thiết bị tinh vi trong một cuộc chiến tranh trên biển với cường độ cao. Một số chuyên gia chỉ ra rằng Trung Quốc đã không chế tạo thêm tàu khu trục mới nào từ năm 2005, nghĩa là việc tăng cường lực lượng hải quân của nước này đang tạm ngừng. Nhưng có một bằng chứng cho thấy việc xây dựng lực lượng hải quân còn lâu mới kết thúc. Trên thực tế, Bắc Kinh có vẻ đang thúc đẩy đóng tàu bên cạnh nhiều mục tiêu khác, chuyển đầu tư của mình từ đóng tàu khu trục sang một loạt hoạt động khác. Ví dụ, Trung Quốc tiếp tục biến các thân tàu cũ thành các tàu khu trục nhỏ gắn tên lửa hành trình lớp Jiangkai II, loạt tàu tân tiến nhất thuộc lớp này trong kho Hải quân PLA. Trung Quốc cũng dồn sức tân trang tàu sân bay cũ Varyag của Nga, chủ yếu nhằm tạo một cơ sở để huấn luyện lái tàu. Việc này đã gạt sang một bên việc chế tạo tàu sân bay mới, mà Bắc Kinh đến nay đã thừa nhận là đang theo đuổi. Và cuối cùng, tin đồn về việc ngừng chế tạo tàu khu trục có thể không bao giờ có thật. Nhìn vào những bức ảnh chụp bên ngoài thì thấy một tàu chiến có trọng tải hơn 10.000 tấn - lớn nhất từng thấy ở Trung Quốc - có thể sắp hoàn thành tại một xưởng đóng tàu của nước này. Sự kiện Đài Loan khác Đài Loan là một nhân tố can thiệp quan trọng, thường bị bỏ qua trong chiến lược Trung Quốc đối với Đông Nam Á. Dù quan hệ hai bờ eo biển này đã "tan băng" từ năm 2008, nhưng Trung Quốc vẫn luôn chú ý và tập trung nguồn lực để chuẩn bị cho một loạt các sự cố quân sự bất ngờ tại eo biển này. Đơn cử, Bắc Kinh sẽ duy trì ràng buộc cho tới khi nào tình thế bế tắc liên quan đến Đài Loan được giải quyết. Nhưng nếu hòn đảo này sẽ trở về với đại lục, một cách hòa bình hay phải dùng tới súng đạn, thì Trung Quốc sẽ đưa ra một phép tính mới trong chiến lược của mình. Một giải pháp làm hài lòng sẽ không chỉ giải phóng Trung Quốc khỏi một vấn đề quân sự - chính trị đau đầu, nó còn tạo cho Bắc Kinh một vị trí cố thủ quân sự có thể quan sát khu vực phía Bắc biển Đông. Một thế giới hậu Đài Loan khi đó sẽ mở ra một triển vọng quân sự mới cho các tư lệnh PLA. Một mặt, Trung Quốc có thể tái huy động các lực lượng quân sự từng được dùng để chống Đài Loan tới các địa điểm khác hỗ trợ cho các chiến dịch biển phía Nam. Mặt khác, Bắc Kinh có thể sử dụng chính hòn đảo này như một căn cứ, đặt khẩu đội tên lửa, máy bay tấn công và tàu chiến để bao vây một phần biển Đông. Đúng là Đài Loan không phải là loại "thuốc bách bệnh", nhưng nó có thể là một tài sản địa chiến lược. Các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay chiến thuật xuất kích từ bờ biển Trung Quốc sẽ không thể tấn công tới các mục tiêu dọc bờ biển Đông. Các mục tiêu này nằm rải rác quanh một đường cong hình chữ U kéo dài về phía Nam từ Việt Nam đến Indonesia và quay lên phía Bắc tới Philippines. Vành đai phòng hộ dài và cong như vậy gây phức tạp rất nhiều cho việc tấn công, kể cả đối với một sức mạnh tên lửa lớn và tinh vi như Lực lương Pháo binh thứ hai của PLA. Nhưng vấn đề sẽ đỡ phức tạp hơn khi các lực lượng được đặt căn cứ ở Đài Loan. Đừng mắc mưu Trung Quốc dường như đang đi theo bước của các cường quốc đại lục trước đây như Mỹ, Đế quốc Đức, và Liên Xô trong việc xác quyết quyền bá chủ đối với các vùng biển gần kề. Vì vậy, việc Trung Quốc quả quyết trong các tranh chấp ở biển Đông không đáng ngạc nhiên lắm. Nhưng có nhiều kiểu bá chủ khác nhau. Các quốc gia châu Á có thể sống chung với một Trung Quốc, giống như nước Mỹ của Mahan, hống hách nhưng không thể tham vọng nhiều. Một Trung Quốc đòi sở hữu toàn bộ các vùng biển trong khu vực là một vấn đề hoàn toàn khác. Các lãnh đạo châu Á và Mỹ nên theo dõi các yêu sách và hành động của Trung Quốc theo các mô hình lịch sử từ kinh nghiệm của Mỹ một thế kỷ trước. Dường như không có mối nguy hiểm nào trước mắt đặt ra. Có khoảng cách lớn giữa các lợi ích cốt lõi tối đa của Trung Quốc với khả năng họ bảo vệ được các lợi ích này. Bắc Kinh đặt ra các thách thức an ninh tại các vùng biển gần, chưa kể tới các đề nghị ngoài khu vực. Nhưng nếu Trung Quốc bằng lòng với việc giải quyết một lợi ích cốt lõi hạn chế - một cái gì đó ít hơn việc đòi hỏi bá chủ hoàn toàn biển Đông - hoặc nếu họ chứng tỏ sẵn sàng tập trung lực lượng về phía Nam bất chấp các lợi ích ở các nơi khác có thể bị phương hại, thì họ có thể sớm đạt kết quả trong yêu sách bá chủ biển Đông. Nhưng nền chính trị thế giới là một sự va chạm giữa các lực lượng đang tồn tại. Không quốc gia nào, dù nhỏ, là một thứ vô tri vô giác. Phát ngôn và hành động của Trung Quốc đã gây ra một phản ứng - một chu kỳ phản ứng trong khu vực, thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang quy mô nhỏ. Bắc Kinh sẽ không thể ra lệnh cho các nước láng giềng nhỏ hơn trong bối cảnh hiện nay. Do đó, Mỹ và các chủ thể Đông Nam Á nên sáng suốt đồng thời thận trọng để không cường điệu quá các ý định hay năng lực của Trung Quốc. Nếu làm được như vậy, họ sẽ tạo thêm cơ hội cho hòa bình./. Châu Giang dịch từ THE WASHINGTON QUARTERLY - SPRING 2011 Tác giả: Toshi Yoshihara và James R. Holmes http://apac2020.the-diplomat.com/feature/the-next-arms-race/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét