Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011
20 TRIỆU MÁY TÍNH BẢNG
December 29, 2011 By Alan Phan
Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không cần phải nói với thiên hạ là dân tộc Việt Nam anh hùng hay vô địch. Chúng ta sẽ không cần thắc mắc là dân tộc Việt Nam có thông minh khôn ngoan nhất tinh cầu. Chúng ta chỉ cần hãnh diện là thế hệ trẻ sắp tới của chúng ta đã được trao tay chiếc chìa khóa kiến thức của thế kỷ 21.
Một tỷ rưỡi đô la mỗi năm
Ý tưởng bắt đầu từ một câu chuyện về cơ quan xuất bản sách giáo khoa của Bộ Giáo Dục. Một anh bạn trong cuộc cho biết là công ty này và các công ty liên hệ có một doanh thu gần 1.5 tỷ đô la chuyên in sách giáo khoa cho 20 triệu học sinh và 5 triệu sinh viên toàn quốc (không biết có chính xác, nhưng các cú điện thoại cho công ty xuất bản đều rơi vào im lặng).
Nếu thực vậy, cộng thêm với các công ty tư nhân khác, nhà nước và phụ huynh đã chi ra một khoản tiền khá lớn mỗi năm cho mục đích này. Số lượng giấy sử dụng cũng tạo thêm ít nhiều tác hại cho môi trường. Và dù công ty quốc doanh không có lời, mọi người đều biết thu nhập lợi lộc cá nhân cùa các nhân viên cán bộ liên quan cũng không nhỏ. Đây là một rào cản khác về lợi ích trong bài toán phải giải quyết.
Tôi tin rằng với một số lượng học sinh cao đến vậy và phần lớn sách giáo khoa tương đối giống nhau, một thư viện kỹ thuật số trên máy tính chắc là khả thi và tiết kiệm hơn. Nếu đây là một doanh nghiệp tư nhân có nhiêm vụ đào tạo 20 triệu người, thì việc phải làm sẽ rất đơn giản và không cần nhiều thảo luận. Giải pháp sẽ là mua 20 triệu máy tính bảng cho học viên và tải (download) sẵn tất cả tài liệu học tập vào máy.
Với một máy tính bảng có chức năng tương đương như Ipad, giá thị trường cho một đơn đặt hàng lớn như vậy sẽ vào khoảng 140 đô la hay một đầu tư ban đầu là 2.8 tỷ đô la (chỉ bằng nửa tiền đầu tư vào Vinashin). Chỉ trong 2 năm, chúng ta sẽ thu về khoản đầu tư này.
Hiệu quả của đầu tư
Bây giờ thử ngẫm nghĩ về tác động của việc đầu tư này cho kinh tế và xã hội Việt Nam:
1. Nếu 20 triệu trẻ em Việt sử dụng máy tính này mỗi ngày kể từ khi em lên 6 tuổi, kỹ năng đã được trau dồi sẽ tuyệt vời như thế nào khi em bước vào giảng đường đại học? Bao nhiêu em sẽ phát huy được những năng khiếu bẩm sinh để trở thành “siêu sao” trong ngành công nghệ thông tin của quốc gia, của thế giới?
2. Những kiến thức thâu nhặt ngoài sách vở trong học trình sẽ khiến giới giáo viên e dè và không thể không lo cập nhật hóa kiến thức và kỹ năng của riêng mình nếu không muốn bị học trò qua mặt. Đội ngũ thầy cô sẽ bén nhậy và giỏi giang hơn.
3. Với kiến thức của “đám mây”, đứa trẻ sẽ giúp cha mẹ, bà con, láng giềng tiếp cận với một thế giới đương đại, năng động và đa dạng mỗi ngày và làm đời sống của xã hội thêm văn minh, cởi mở và rộng lượng.
4. Góc nhìn của một đứa trẻ tiếp xúc mỗi ngày với “ngôi làng toàn cầu” sẽ chín chắn và sâu đậm hơn dù bé sinh ra và lớn lên trong khu đầm lầy hèo lánh của Cà Mau hay rừng núi hoang vu của Mông Cái.
5. Quan trọng hơn cả là sự san bằng những lợi thế của các trẻ em giàu đang có máy tính và có lẽ nhiều kiến thức về đời sống “ngoài kia” hơn các trẻ em nghèo ở vùng quê. Khi tạo cơ hội cho càc trẻ vùng nông thôn xa xôi, chúng ta sẽ có thêm một ít chất xám mà bao lâu nay, xã hội đã tàn nhẫn bỏ bê.
Góc nhìn tiêu cực
Chắc chắn là sẽ có những tiêu cực đi kèm với động thái này. Nhiều quyền lực sẽ tranh luận về thì giờ mê mệt với game hay chat của các em (tôi lo lắng nhiều hơn về lãng phí và bệnh tật từ thì giờ đi nhậu nhẹt của người lớn). Nhiều nhân vật khác sẽ thắc mắc về sư thu nhập các tin tức lề trái hay những văn hóa tập tục khác truyền thống (tôi lại sợ hơn về cái tư duy già cỗi của thế hệ hiện tại đang làm chúng ta tụt hậu).
Đây là cái giá mà nhiều thế lực bảo thủ không chấp nhận trả, mặc cho bất cứ tiến bộ nào về kinh tế. Nhưng bánh xe tiến hóa sẽ tiếp tục lăn, chậm hay sớm. Trái cấm kiến thức của Adam, khao khát của Eva, là một lực đẩy rất con người, qua ngàn năm nay. Không một lý thuyết, ý thức hệ nào có thể thay đổi mãi định mệnh thiên nhiên của cả một dân tộc.
Lời kêu gọi tiếp tay
Tôi chưa bao giờ lên tiếng “kêu gọi” về bất cứ điều gì cho bất cứ mục đích gì. Hôm nay, tôi sẽ làm một ngoại lệ. Tôi mong được sự tiếp tay của bất cứ ai đồng ý về mục tiêu trên, hãy cất cao tiếng nói và đòi cho được một máy tính bảng “free” cho mọi trẻ em nghèo. Hãy thiết kế một biểu tượng (logo) và in ra cả ngàn áo thun (T-shirts). Tôi sẽ tình nguyện luôn luôn mặc trên người cho đến khi chúng ta tới đích. Hãy truyền gọi biểu tượng này trên khắp các mạng truyền thông, trên các blog và thư từ cá nhân, trên mọi lời nói trao đổi hàng ngày.
“20 TRIỆU MÁY TÍNH BẢNG CHO CÁC EM”
Cùng đầu tư với chánh phủ
Chúng ta hãy giúp chánh phủ một tay. Các gia đình có khả năng hãy tự sắm lấy máy tính cho con em, không cần nhờ vả vào ngân sách. Các cơ quan thiện nguyện trong và ngoài nước chắc chắn sẽ rất hào hứng trong việc hổ trợ chương trình này. Nếu tiền đầu tư bởi chánh phủ không vượt quá 1 tỷ đô la, thì thành công của ý tưởng có nhiều cơ hội thành hiện thực. Thêm vào đó, chúng ta sẽ cam kết là nếu 20 triệu máy này đến tay các em, chúng ta sẽ không bới móc quan chức nào đã ăn tiền hoa hồng của nhà cung cấp. Ích lợi quá lớn cho quốc gia sẽ đặc biệt cho phép một vài nhũng lạm, lãng phí chắc phải xẩy ra.
Chúng tôi chỉ muốn bảo đảm là khi máy tính đến tay các trẻ em phải lội qua sông để đi học, thì hãy kèm theo một bao bì không thấm nước cho máy.
Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không cần phải nói với thiên hạ là dân tộc Việt Nam anh hùng hay vô địch. Chúng ta sẽ không cần thắc mắc là dân tộc Việt Nam có thông minh khôn ngoan nhất tinh cầu. Chúng ta chỉ cần hãnh diện là thế hệ trẻ sắp tới của chúng ta đã được trao tay chiếc chìa khóa kiến thức của thế kỷ 21.
“20 TRIỆU MÁY TÍNH BẢNG CHO CÁC EM”
(Bài viết đã xuất bản trên Tạp Chí Doanh Nhân số 95 ngày 27/12/2011)
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét