Bàn về Đạo đức thay lời chúc mừng Giáng sinh
Huynh Thuc Vy
December 22, 2011
Trước nay tôi thích nói về luật pháp hơn đạo đức. Không phải do tôi xem thường tầm quan trọng của nó trong mối các quan hệ nhân sinh mà bởi tôi cho rằng một chuẩn mực chỉ có thể được giữ gìn khi đi kèm theo nó là những biện pháp thúc ước hữu hiệu. Chúng ta thấy rõ luật pháp có được điều kiện tích cực đó — cái mà đạo đức không có được hoặc có, nhưng kém hiệu quả hơn.
Thế nhưng cuộc đấu tranh hiện nay của chúng ta là vì một thể chế dân chủ tự do- một chế độ chính trị mà đặc trưng của nó là đạo đức, trong khi sự sợ hãi là đặc trưng của chế độ độc tài, như Montesquieu đã nói. Tuy nhắc đến những giá trị dân chủ tự do, chúng ta không trực tiếp đưa ra những tuyên ngôn cho tinh thần đạo đức nhưng kỳ thực chúng ta đang cổ vũ cho một xã hội nơi đạo đức được trọng vọng. Thật lạ đời rằng trong một chế độ dân chủ tự do, nơi người ta không chính thức đưa đạo đức lên như một giá trị của thể chế, nơi người ta chỉ dành nhiều thời gian và công sức để đề cao và bảo vệ nền pháp trị thì đạo đức lại được phát huy. Bởi xét cho cùng những giá trị như công bằng, tự do, tự thân chúng lại là một vấn đề đạo đức. Không có kẻ vô đạo đức nào yêu chuộng công bằng, tự do. Bởi vậy, không ngoa chút nào khi ta nói xã hội dân chủ được đặc trưng bởi đạo đức.
Trong xã hội hiện đại, con người vướng mắc vào khá nhiều vấn đề khó tháo gỡ dù đã cố gắng không mệt mỏi theo đuổi việc hoàn thiện những định chế chính trị và xã hội hiện có của mình . Và khi các chuẩn mực luật pháp chẳng thể phát huy vai trò của mình trong nhiều lĩnh vực, chuẩn mực đạo đức sẽ làm tiếp phần việc ấy.
Trong các chế độ độc tài, như một điều rất tự nhiên, con người thường sống, suy nghĩ và hành động trong nỗi sợ hãi; tất cả mọi tình cảm, ý chí và nguyện vọng hầu như chỉ để xoa dịu, khỏa lấp và thậm chí là để tự phù hợp với nỗi sợ hãi từ tâm thức đó. Nơi đó, đạo đức chỉ là thứ yếu, là thứ để ca ngợi chứ không phải để thực hiện. Vì thế sự băng hoại đạo đức là hậu quả trực tiếp của nền độc tài; đến lượt mình sự suy đồi đó lại củng cố cho sự vững mạnh của nền chuyên chính. Sự xói mòn nền tảng đạo đức là vấn đề đáng lo nhất trong tất cả những vấn đề đáng lo ở Việt Nam ta ngày nay. Đồng ý là thiện ác luôn song hành trong bất cứ xã hội nào. Nhưng nếu một xã hội dung túng cái ác và không có những biện pháp tích cực để chế tài cái ác và bảo vệ cái thiện, thì ắt xã hội đó có vấn đề từ gốc rễ. Trong những xã hội được vận hành bằng sự sợ hãi, đạo đức trở nên điều thứ yếu, và khi đạo đức đóng vai phụ trong nền văn hóa, cái ác sẽ lên ngôi. Bởi vậy, dù với một lực lượng công an hùng hậu, chính quyền Việt Nam chỉ có thể trấn áp những người dân lương thiện mà không thể ngăn cản nổi tội phạm tung hoành khắp nơi, cũng bởi chính nó là hiện thân vĩ đại của cái ác. Tư tưởng Hồ Chí Minh, những giáo trình giáo dục công dân… không thể ngăn nổi những vụ giết người man rợ, hàng ngàn vụ phá thai mỗi năm, những vụ tài xế xe tải đâm xe cho tới khi nạn nhân chết mới thôi để khỏi tốn phí tổn y tế, cùng những vụ bê bối học đường…
Không nói những tưởng tất cả chúng ta đều nhận thức rõ đạo đức là nguồn mạch của nhân văn, là thứ thể hiện bản chất một xã hội. Nếu đạo đức là nhân tố chính hình thành nên cốt cách một con người thì cũng chính đạo đức tạo nên thần thái của một dân tộc. Theo tôi, một con người đáng tôn kính không phải vì tiền bạc và danh vọng mà chính vì đức hạnh của họ. Không khó hiểu khi Đức Đạt Lai Lạt Ma được ca ngợi là vị Thánh sống, một biểu tượng cho tình yêu và đạo hạnh dù Ngài chỉ là một Quốc vương vong quốc. Cũng như thế, một dân tộc mạnh không phải vì nó có vũ khí hạt nhân. Sức mạnh tinh thần và tiềm lực nội tại của nó phần chính đến từ đạo đức. Xây dựng kinh tế, thủ đắc vũ khí hạt nhân đã khó khăn, bảo vệ nền văn hóa, xây dựng một xã hội văn mình còn khó hơn gấp nhiều lần. Thật khó tưởng tượng một dân tộc có thể hội nhập nhân loại văn minh với nền đạo đức suy hoại của mình. Bạn sẽ coi quốc gia nào mạnh hơn, đáng kính phục hơn: Đan Mạch hay Bắc Triều Tiên? Nơi mà một người viết truyện cổ tích nhân văn được suy tôn là người Anh hùng dân tộc hay một quốc gia bất hảo thủ đắc vũ khí hạt nhân, được lãnh đạo bởi một tên độc tài bệnh hoạn? Thật vậy, giá trị tinh thần và nền văn minh của một dân tộc bắt nguồn từ những giá trị đạo đức.
Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ hiện nay, đạo đức phải được đề cao hơn nữa. Bởi trong những yếu tố cần thiết đóng vai trò động lực cho cuộc đấu tranh, nâng cao tinh thần người dân hướng về dân chủ tự do và đoàn kết người Việt khắp nơi , đạo đức đóng vài trò lớn. Bởi thứ nhất, không một người Việt nào có thể được gọi là người tốt mà cảm thấy an lòng, cảm thấy không phẫn nộ khi sống trong xã hội Việt Nam hôm nay; không một người có đầy đủ tư cách đạo đức nào ủng hộ những kẻ chà đạp con người. Không cần trí tuệ cao xa, bất cứ ai có lòng nhân ái, lòng yêu nước đều không sớm thì muộn sẽ nhận rằng rằng chế độ độc tài là vật chướng ngại cho an sinh và sự phồn thịnh của chúng ta. Chính đạo đức chứ không gì khác sẽ góp phần chính vạch ra chiến tuyến giữa một bên là những người yêu nước, yêu chuộng tự do dân chủ và bên kia là chế độ độc tài. Thứ nữa, đối với những người đang đấu tranh trong và ngoài nước, tinh thần đạo đức sẽ là chất keo kết dính họ với nhau dưới ngọn cờ dân chủ tự do bất chấp những khác biệt về quan điểm. Vì khi tinh thần dân chủ kết hợp với đạo đức, mọi toan tính chính trị, mọi đố kỵ ghen ghét, mọi mưu đồ trục lợi cá nhân sẽ nhường chỗ cho tình tự dân tộc, cho sự yêu chuộng công lý và tự do. Tôi thiết nghĩa rằng, không thể dễ dàng để có một chính thể tốt đẹp khi lãnh đạo nó là những kẻ vô đạo đức, mưu mô trục lợi. Vì thế, đạo đức là vũ khí của chúng ta chống độc tài và cũng chính nó mở ra khả năng xây dựng thành công nền dân chủ tự do sau này.
Lâu nay với công việc dạy học ở nhà, tôi đã không ít lần nghĩ ngợi và thấy buồn khi từng lớp học sinh đi qua mỗi năm, tôi nhận thấy lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm của những em lớp mới chẳng bằng lớp cũ- một sự tụt hậu về đạo đức. Trong những câu chuyện của các em, các em nói về những việc đau lòng như thể nó là việc bình thường, với một thái độ rất thờ ơ. Các em đối xử với một người bạn nghèo như kẻ ngoài lề. Các em không giữ được sự lễ phép thường có của trẻ em thời tôi còn bé. Thật lòng, trong góc nhà bé nhỏ của mình, tôi lo lắng cho con đường đi lên của dân tộc.
Nhưng những sự việc đã xảy ra với gia đình tôi hai tháng vừa qua cho tôi cơ hội có một cái nhìn khác. Hôm nay xin kể ra đây một vài câu chuyện mà chúng ngày càng trở nên thưa thớt trong xã hội này. Có một bác buôn bán ở chợ cóc, dành dụm những đồng tiền vất vả, lăn lộn cả ngày ngoài chợ để gởi cho tôi dù bác chỉ biết tôi qua mấy bài viết được in chui ra giấy. Những đồng tiền cũ, nhàu nát, nhưng được gấp phẳng phiu như mảnh đời khó nhọc của bác, như tấm lòng yêu thương chất phác mà bác dành cho tôi. Lại có một bạn gọi điện thoại cho bạn trai tôi phân trần vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn không thể giúp nhiều cho tôi và hỏi xem có thể tặng tôi ba chục ngàn bằng cách nạp tiền vào tài khoản di động của tôi được không? Một cụ già sống tận Houston, Mỹ quốc dành tặng tôi 30 đô la. Rồi một tăng sĩ ở Sài Gòn đã tám mươi tuổi, dành tặng tôi hơn một triệu. Rồi những em sinh viên, những nhà giáo nghèo, những cô chú bác tôi chưa từng gặp mặt khác…. Và còn nhiều tấm lòng Người Việt khác ưu ái dành cho gia đình tôi trên khắp thế giới.
Mọi người thấy không? Đó chính là Đạo đức- Đạo đức dũng mãnh vạch ra lập trường đối lập với Nhà cầm quyền bằng hành động ủng hộ Dân chủ, Đạo đức lên án kẻ ác vì chứng kiến sự chà đạp nhân phẩm của họ, Đạo đức yêu thương chia sẻ vì nhìn thấy khổ đau của đồng loại. Tổ quốc sẽ vì có những con người này mà có thể vượt qua mọi kiềm tỏa để vươn lên. Đó là tình yêu thương mà những kẻ thấp cổ bé miệng dành cho nhau lúc hoạn nạn. Đó là hành động minh chứng dân tộc đứng về phía của lẽ phải và đỡ đầu cho Công lý. Đó chính là sức mạnh của chúng ta, là tia lửa hy vọng đang nhen nhóm một ngày nào đó sẽ thắp bừng lên ngọn đuốc canh tân. Đó là những lá phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ xây dựng thể chế Dân chủ tự do. Tôi tin vào chiến thắng cuối cùng của chúng ta khi chúng ta là những kẻ biết thương yêu nhau, những kẻ có chính nghĩa! Chế độ độc tài! Các người sẽ thua không chỉ vì hoàn cảnh thế giới bất lợi cho các người, mà còn bởi đạo đức đang ở phía chúng tôi, những người dân có lương tri và trí tuệ của đất nước này ủng hộ chúng tôi.
Trong những ngày mùa đông lạnh lẽo này, những ngày chờ đợi lệnh cưỡng chế từ Nhà Cầm quyền, gia đình tôi đã có được sự ấm áp trong tình yêu thương và ơn nghĩa của đồng bào. Tôi mừng vui nhưng không kém phần lo lắng vì nghĩ mình chưa làm được gì xứng đáng với tình yêu thương đó. Mùa Giáng sinh đã đến gần. Giáng sinh là mùa của yêu thương, là dịp để gởi đi thông điệp của tình yêu không kể tôn giáo, văn hóa; bởi vì cũng như đạo đức, tình yêu mang tính phổ quát. Xin nhân dịp này, kính chúc quý đồng bào trong nước cũng như hải ngoại một mùa Giáng sinh ấm áp và an lành. Xin cầu nguyện cho một Việt Nam sớm có dân chủ tự do, cho dân tộc Việt Nam thăng tiến cùng thế giới.
Tôi biết rằng khi nói đến đạo đức là nói đến thứ khó nắm bắt và thúc ước. Thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta không nhận thức được vai trò to lớn của nó. Nếu chúng ta có thể tốn giấy mực để lý luận về dân chủ, pháp trị, thì không lý nào không thể có những nỗ lực cần thiết để đề cao Đạo đức trong tình hình xã hội Việt Nam ngày nay. Vì thế xin mượn bài biết này như một thông điệp của tinh thần Đạo đức và Tình yêu trong mùa Giáng sinh. Đạo đức và Tình yêu sẽ xóa nhòa bao cuộc chia rẽ, ly tán và tổn thương của dân tộc, sẽ giúp những người yêu nòi giống Việt đoàn kết bên nhau trong cuộc đấu tranh cam go này.
Tam Kỳ ngày 22 tháng 12 năm 2011
Huỳnh Thục Vy
NGUYỄN THỊ NGỌC HẠNH: Một Nữ Anh Thư Kiệt Xuất
Truong Son Le Xuan Nhi
December 22, 2011
http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=BfaRdwN28uU
Ngày 13 tháng 12 năm 2001, trong lúc cả nước Mỹ, cả thế giới đang chuẩn bị đón mừng lễ giáng sinh thì Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và một chiến hữu tên Phạm Anh Cường âm thầm lấy vé máy bay từ Pháp sang San Francisco, nơi tên phó thủ tướng Việt cộng Nguyễn Tấn Dũng đang cư ngụ tại khách sạn Marriot chờ nói chuyện với phái đoàn Hoa Kỳ về việc giao thương giữa hai nước.
Mặc dầu khách sạn được mấy lớp hàng rào cảnh sát và FBI bao phủ, hai người đã lọt vào trong được khách sạn và đến tận văn phòng tên phó thủ tướng Việt cộng. Nữ anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Hạnh liền rút túi lấy chai xăng mang theo ra để tính làm chuyện đã dự định, nhưng chưa kịp làm gì thì cơ quan an ninh đã ụp đến và bắt chị lại. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh liền chỉ tay vào mặt tên Việt cộng rồi hô to: “Đã đảo Cộng Sản. Lịch sử dân tộc sẽ xử tội chúng bây.”
Dĩ nhiên, những ngày tiếp theo là những ngày lao lý nhọc nhằn, một cái giá phải trả cho người chiến sĩ chọn con đường chiến đấu quyết liệt. Sau vài tháng tạm giam, chính quyền Hoa Kỳ khuyên, và đúng hơn, phải dùng danh từ dụ dỗ chị và chiến hữu Cường rằng, nếu hai người chịu nhận tội thì họ sẽ được trả về Pháp liền, không bị phiền lụy gì đến pháp luật cả. Người bạn của Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nhận tội và được trả về Pháp đúng như lời hứa, nhưng nữ anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cương quyết nhất định khôngchịu nhận tội. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã chọn con đường của mình đi và quyết đi cho đến cùng. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh muốn dùng tòa án Hoa Kỳ, nơi chị bị truy tố và bị xét xử để biến nó thành một diễn đàn tố cáo tội ác của Cộng Sản Việt Nam. Dù rằng chị biết, chọn lựa như thế là phải chấp nhận ở tù nhiều năm vì luật pháp nước Mỹ không chấp nhận những hành động như thế. Và làm thân phận một người phụ nữ ngọai quốc đến từ Âu Châu, tiếng Anh không rành, văn hóa chưa hiểu được nhiều, những ngày tù tội sẽ là những ngày dài cam khổ. Nhưng nữ anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã quyết định như thế và chị tiếp tục đi theo con đường ấy.
Và quả thật, đúng như những gì chị nghĩ, tại phiên xử, nữ anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã biến thành một phiên xử tố cáo tội ác của Cộng Sản Việt Nam đối với dân tộc Việt Nam. Suốt gần hai tuần lễ, bằng những lời lẽ chân thật nhưng cảm động và tràn đầy phẫn uất, trong vai trò bị cáo, chị đã biến mình thành một một công tố viên đại diện cho dân tộc Việt Nam, cho lương tâm thế giới, dõng dạc tố cáo trước báo chí Hoa Kỳ và thế giới những tội ác của Cộng Sản Việt Nam đã phạm với dân tộc Việt Nam. Qua những lời tố cáo của chị tại tòa án, CSVN đã hiện nguyên hình một lũ ăn cướp bạo tàn, vô liêm sỉ, dã man, tham nhũng và ngu dốt.
Ngày 19-1-03, tòa chung thẩm Liên Bang kết án Nguyễn Thị Ngọc Hạnh 5 năm tù với hai tội danh: “Dự mưu phóng hỏa và chống cự nhân viên công lực.” Trước khi phiên tòa chấm dứt, chị đã được mời lên nói những lời phát biểu cuối cùng trước tòa án. Chính giờ phút này, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã làm cho nhiều người nhỏ lệ. Một lời phát biểu đáng lý chỉ được phép nói trong vòng dăm ba phút đồng hồ, chỉ Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã được quyền “thuyết giảng” hơn 30 phút. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nói, khẩu khí oai dũng không thua gì Trần Bình Trọng năm nào nói với quân Nguyên:
“Tôi không xin ân huệ gì cho riêng tôi. Tôi chỉ xin bà chánh án quan tâm đến tập tài liệu tố giác tội ác Cộng Sản mà tôi đã trao tận tay bà…Tôi vô tội! Kẻ có tội chính là Hồ chí Minh và đảng CSVN. Hôm nay quý vị có thể nhân danh pháp luật để kết án tôi, đóng đinh tôi, nhưng không thể phủ nhận lòng yêu nước của tôi…Ngày nào tôi còn hơi thở, tôi còn tiếp tục hy sinh tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền của quê hương tôi”.
Nghe những lời nói của người nữ anh hùng, người thư ký đánh máy tốc ký đã khóc sướt mướt cho đến khi đánh máy những lời nói cuối cùng của chị…Chị đã bình thản và chấp nhận 5 năm tù để đổi lấy thời gian hơn nửa tiếng đồng hồ, làm một công tố trạng tố cáo tội ác của Cộng Sản Việt Nam, cho cả dân tộc VN.
Sau đó, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh được gởi về thọ hình tại nhà tù liên bang ở California. Nơi đây, chị đã gặp một số tù nhân Việt Nam và ai cũng đem lòng quý mến và thương yêu chị. Bao nhiêu tiền bạc chị nhận được từ bên ngoài, chị chia hết cho những người tù đang ở chung với chị mà chị coi như là những đứa em. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nói:
“Tôi đã từng ở tù nhiều năm ở Việt Nam, sang đến tù Âu Châu, bây giờ tù Mỹ, tôi rất dễ thích hợp với nhà tù. Nơi chốn này, tôi quen rồi nên tôi không cần gì cho tôi cả. Tôi sống như thế nào cũng được, nhưng các em nó còn nhỏ, các em không quen với những khó khăn, không được tiếp tế, tội nghiệp chúng nó lắm.”
Tháng 7 năm 2003, vì lý do sức khỏe, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh được đưa về giam giữ ở nhà thương đồng thời là nhà tù duy nhất của chính phủ liên bang ở ngoại ô Dallas tên Carswell. Tại nơi đây, chị liền được những nhân vật chống chộng nổi tiếng của cộng đồng Việt Nam như giáo sư Cao Chánh Cương, nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ, chiến sĩ đấu tranh nhiều năm Trương Sĩ Lương, nhà văn nữ Thu Nga, cựu đại tá Võ Văn Ân đến thăm viếng và ủy lạo tinh thần hầu như mỗi tuần lễ. Đặc biệt riêng đại tá Võ Văn Ân, những tháng sau cùng, đại tá đến thăm chị hầu như 2, 3 lần một tuần để an ủi khích lệ và bàn thảo với chị về một sách lược đấu tranh mới…
Cá nhân tôi, đã nghe tên anh hùng NguyễnThị Ngọc Hạnh từ lâu, nhưng chưa hề có dịp được giáp mặt. Sau khi cơn bão Katrina tàn phá thành phố tôi ở, tôi phải lưu vong sang Dallas, tôi liền làm đơn để xin phép đi thăm chị.
Cảm giác lần đầu tiên khi gặp Nguyễn Thị Ngọc Hạnh thật là một cảm giác khó quên được trong đời. Trong hội trường thăm nuôi to lớn của nhà tù liên bang, tôi nhìn thấy một nữ tù nhân dáng người ốm, chiều cao trung bình so với một người Việt Nam trong bộ quần áo tù nhân bước ra. Dáng đi của chị hiên ngang và quả quyết như một nữ tướng, dù rằng đang mặc bộ đồng phục nhà tù, dù rằng đang bước trong nhà tù. Gương mặt chị sáng lạng, cặp mắt bất khuất kiên cường, luôn luôn chiếu sáng ánh lửa hy vọng.
Bắt tay và được giới thiệu với chị, tôi có cảm tình ngay với người phụ nữ anh hùng này. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nói chuyện nhỏ nhẹ, rõ ràng, lý luận sâu sắc. Thỉnh thoảng, không quên chêm vào vài câu pha trò ý nhị, tươi sáng. Tôi ngồi im suốt một buổi sáng để nghe chị nói và âm thầm quan sát và tìm hiểu con người chị. Tôi muốn biết vì sao, hoặc động cơ nào đã thúc đẩy một người phụ nữ Việt Nam hiền lành, một người vợ hiền trong mộtgia đình bình thường của miền Tây Việt Nam, lớn lên từ chốn đồng ruộng thơm hơi lúa, trở thành một chiến sĩ chống cộng hăng say và có thể nói, quyết liệt và táo bạo có thể so sánh ngang hàng với Lý Tống. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã khóc khi nói đến những hình ảnh đau thương của “Anh Lính Cộng Hòa”. Chị khóc một cách tự nhiên và chân thật. Chị coi những anh lính Cộng Hòa như những người anh ruột của mình. Một lần, gặp một anh lính Cộng Hòa trên một chuyến xe lửa trên đường ở tù về, chị đã móc hết tiền trong túi ra cho anh và nhường chỗ chị cho anh ngồi.
Chị đã kể lại những bất công không phải của chị nhưng mà của đồng bào chị đã phải gánh chịu trong chế độ Cộng Sản. Và Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cũng kể phớt qua cuộc đời của chị. Cuộc đời của một người Việt Nam mà số ngày tù nhiều hơn số ngày sống tự do ở ngoài đời…
Sau nhiều giờ đồng hồ ngồi nói chuyện, tôi hiểu được lý do nào và động lực nào đã biến người vợ hiền Nguyễn Thị Ngọc Hạnh thành người nữ anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Hạnh của thời đại này. Lý do đó là: Chị không chịu nỗi những bất công và đàn áp của bọn Cộng Sản Việt Nam đang đè xuống trên đầu trên cổ đồng bào chị. Chị không chịu nỗi cảnh chúng nó tàn phá quê hương của chị. Đơn giản như thế thôi. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh tuyên bố rằng chị không chiến đấu cho mình mà cho dân tộc Việt Nam. Chị đã hy sinh cả gia đình, mấy đứa con, chọn con đường tranh đấu, lấy hạnh phúc của dân tộc làm hạnh phúc của mình. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh tuyên bố:
“Tôi sinh ra là người Công Giáo, nhưng bây giờ thì dân tộc Việt Nam là tôn giáo của tôi. Tranh đấu giành lại tự do hạnh phúc cho người Người Việt Nam là ĐẠO, tức là con đường của tôi.”
Và chị nói thêm:
“Sau năm năm ở tù, tôi đã có nhiều thì giờ để học hỏi và suy nghĩ. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều suốt năm năm qua để tìm một con đường để giải phóng dân tộc. Và tôi rất lạc quan, tin tưởng…”
Ngừng một chút, chị ngước mắt nhìn lên bầu trời xanh ở bên ngoài hàng rào trại tù và chậm rãi tuyên bố một câu quan trọng:
“Dù ngày xưa tôi là một người chuyên môn đốt tòa đại sứ Việt cộng, nhưng bây giờ thì tôi đã quyết định từ bỏ con đường bạo lực. Tôi đã tìm ra một phương pháp tranh đấu ôn hòa bất bạo động nhưng sẽ đem lại kết quả. Tôi sẽ không dùng lửa để đốt tòa đại sứ nữa, nhưng tôi sẽ gom lửa của đồng bào, gom lửa của tôi, của anh, của tất cả chúng ta để chúng ta cùng nhau đốt cháy chế độ Cộng Sản…”
Nguyễn Thị Ngọc Hạnh mỉm cười rồi lắc đầu tiếp:
“Tôi đã đốt tòa đại sứ của chúng nó ở Anh và ở Pháp, nhưng tôi không biết rằng mình đốt thì nó sẽ lấy tiền bảo hiểm để xây lại một tòa đại sứ mới hơn, đẹp hơn, lớn hơn xưa. Tôi đã quyết định từ bỏ con đường tranh đấu bạo động như ngày xưa. Lửa của tôi bây giờ sẽ được dùng một cách hữu hiệu hơn.”
Và chị lập lại câu nói mà tôi cho rằng là một câu nói vô cùng quan trọng của một điểm khởi đầu của một cuộc tranh đấu mới:
“Tôi sẽ gom lửa của đồng bào, gom lửa của tôi, của anh, của tất cả chúng ta để chúng ta cùng nhau đốt cháy chế độ Cộng Sản…”
Lần cuối cùng tôi đến thăm chị, Chủ nhật ngày 16 tháng 4 năm 2006, chúng tôi bịn rịn từ giã nhau. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh hỏi tôi về cảm nghĩ của tôi về vấn đề chống Cộng. Tôi thành thực cho chị biết rằng tôi rất bi quan. Tôi thấy rằng chúng ta mỗi ngày một già đi, yếu đi. Tình hình cộng đồng lại ly tán, chia rẽ, đố kỵ. Không đồng ý với nhau thì đâm ra ghét nhau và nếu cần thì không ngần ngại chửi nhau là…Việt cộng.
Trong khi đó, chính quyền Việt cộng mỗi ngày mỗi giàu mỗi mạnh và đặc biệt, những thằng mình muốn trù ẻo cho nó…bị trúng gió mà chết thì chúng nó lại khôngnhững không chết, mà xem hình thì thấy chúng càng ngày càng béo tốt thêm. Nhìn mặt mày chúng nó phè phỡn trên các tờ báo mà tối về nhà buồn…ăn cơm không được.
Nghe như thế Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nghiêm sắc mặt lại và trách tôi liền, không hề có một chút rụt rè dù đây chỉ là lần thứ hai tôi gặp chị:
“Anh không được bi quan như thế. Tôi ở trong tù mà tôi còn nghĩ được sách lược chống chúng nó, anh ở ngoài tự do, có nhiều phương tiện, nhiều cơ hội, tại sao anh lại có những tư tưởng bi quan như thế? Một chiến sĩ chống cộng như anh mà bi quan như thế thì làm sao chúng ta chiến thắng Cộng Sản được?”
Tôi giật mình chưng hửng và ngồi im không biết nói gì, như một người học trò bị thầy giáo quở mắng ở những ngày cònđi học tiểu học. Đại tá Võ Văn Ân nhìn tôi…thương hại.
Chị tiếp tục “giảng” cho tôi một bài thật dài, thật hay. Cuối cùng, chị nói:
“Chúng ta không được bỏ cuộc nửa chừng. Chúng ta phải chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Và tôi tin tưởng chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Tôi quả quyết như thế. Chế độ bạo tàn phi nhân của Việt cộng sẽ phải bị sụp đổ…”
Tôi nhìn thấy trong những lời chị nói, dường như có những ngọn lửa hừng hực phát ra…Tôi nghi nhận những gì Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nói và cảm thấy những gì chị nhận xét về tôi rất đúng. Lâu nay, phần vì hoàn cảnh cá nhân, phần vì phải tranh sống hằng ngày, phần vì nhìn thấy cộng đồng chia rẽ, tôi như đâm ra thờ ơ với việc tranh đấu. Và tệ nhất, tôi cảm thấy bi quan.
Tôi xin cám ơn anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã thẳng thắn chỉ trích về những nhận định sai lầm của tôi. Sự chỉ trích rất đúng và tôi hứa với chị sẽ cố gắng nhìn lại thời thế để tìm một cái nhìn sáng sủa hơn. Những lời Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nói làm tôi chợt nhớ đến những chiến sĩ quốc gia mà tôi luôn luôn nể phục, những con người đã âm thầm chiến đấu suốt bao nhiêu năm nay và cho đến giờ này vẫn còn một lòng dạ sắt son với tổ quốc, không hề tàn phai dù chỉ một chút: Nơi tôi ở ngày xưa, thành phố NewOrleans, có những người như chiến hữu Lê Hồng Thanh, chiến hữu Trương Minh Đức, Không Quân Vũ Viết Ngữ. Nơi tôi ở bây giờ, thành phố Dallas, có những người chiến sĩ như Trương Sĩ Lương, như đại tá Võ Văn Ân. Xa hơn nữa, tôi nhớ đến những người như anh Huỳnh Lương Thiện ở San Francisco, anh Đào Trường Phúc và chị Nguyệt Ánh ở DC, thằng bạn già tôi, Không Quân Nguyễn Văn Ngà ở Vancouver, và người đàn anh khả kính, trung tá KQ Khưu văn Phát ở DC, Hội trưởng Tổng Hội Không Lực VNCH…
Dĩ nhiên là danh sách còn rất nhiều và nhiều nữa và tôi không nhớ hết được ở đây, chỉ ghi vội lên vài tên, như một lời tạ tội vì đã vắng mặt khá lâu trên con đường tranh đấu, và đồng thời cũng gởi đến những lời khích lệ cùng khen ngợi tấm lòng sắt son đến các anh các chị.
Chúng tôi bịn rịn chia tay nhau và chắc phải một thời gian khá lâu mới được gặp lại. Tuần sau, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh sẽ mãn hạn tù và sau đó sẽ được chuyển sang sở di trú trước khi lên đường trở về Pháp.
Trên đường về nhà với đại tá Võ Văn Ân, chúng tôi nói chuyện với nhau và chúng tôi nghĩ rằng nữ anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Hạnh sẽ là ngọn lửa chiến đấu, ngọn lửa hy vọng cuối cùng của chúng ta. Tôi nguyện cầu cho chị có đủ can đảm, tài năng và phương tiện để, như lời chị nói, sẽ gom lửa của chị và của đồng bào đốt cháy chế độ Cộng Sản phi nhân tàn bạo.
Đã từ lâu, cá nhân tôi cũng như nhiều người quốc gia khác, dù không nói ra, nhưng chúng ta luôn luôn âm thầm đi tìmmột ngọn lửa để khôi phục quê hương. Và chúng ta đã nhìn thấy nhiều phong trào, nhiều đoàn thể, nhiều đảng phái nổi lên. Nhưng sau 31 năm, tôi chưa nhìn thấy một niềm hy vọng hoặc một hứa hẹn nào thực tiễn cả. Thậm chí một đoàn thể chínhtrị hoạt động đến giờ này mà còn tồn tại được, số thành viên đi họp còn được 25% so với ngày mới thành lập thì phải được coi như là một đảng phái thành công và có thực lực. Có lẽ cái tật làm ít nói nhiều, lãnh tụ thích đọc diễn văn dài giòng hơn là tích cực dấn thân, lãnh tụ sợ thay đổi, lãnh tụ luôn luôn muốn được bao vây bởi những nịnh thần ngon ngọt của một thời quá vãng, lãnh tụ không dám đối diện với thực tế phũ phàng trước mặt vẫn là một cơn bịnh trầm kha trong các đoàn thể đảng phái của chúng ta. Cộng thêm vào đó, là kẻ thù…thời gian. Càng ngày, chúng ta càng già đi và yếu đi vì chúng.
Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một hứa hẹn, một đốm lửa, dù chỉ là một đốm lửa rất nhỏ, rất leo lét được khai sinh và đốt lên từ một người phụ nữ Việt Nam bé nhỏ và có thể nói, chưa được nhiều người biết đến tên như Nguyễn Thị Ngọc Hạnh. Và bản chất của lửa, ai cũng biết, luôn luôn bắt đầu rất bé nhỏ, leo lét, khiêm nhường, yếu đuối, nhiều khi bị gió thổi tắt, nhưng lại bùng lên trở lại nhờ vài ngọn gió nhỏ. Và nếu ta biết đặc tính của lửa thì phải biết sự nguy hiểm của lửa. Cứ nhìn một đám cháy rừng thì biết. Nó thường bắt đầu bằng một ngọn lửa rất nhỏ, rất leo lét, chỉ đốt cháy vài ngọn lá nhỏ nằm trên mặt đất. Nhưng một khi lửa đã bắt lên nhờ những cọng lá nhỏ bé này rồi thì những cây cổ thụ to lớn, cho đến nguyên cả một khu rừng vĩ đại, cho đến cả một tiểu bang rộng vài trăm triệu mẫu tây sẽ bị chìm trong biển lửa chỉ trong vòng vài tuần lễ ngắn ngủi.
Hôm nay, nhân ngày mãn hạn tù của nữ anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, tôi xin kính cẩn viết lên bài này để giới thiệu Nguyễn Thị Ngọc Hạnh với những đồng hương chưa biết chị. Với những ai đã biết chị, chúng ta hãy cùng nhau chúc mừng chị. Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã hứa với chúng ta rằng chị sẽ dùng hết quãng đời còn lại của chị để đấu tranh cho dân tộc Việt Nam.
Tất cả chúng ta, những người đã biết Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và mới biết chị, chúng ta cần phải tiếp một tay với chị để đốt lên ngọn lửa mà tôi mạo muội gọi rằng ngọn lửa Nguyễn Thị Ngọc Hạnh. Trong tương lai, chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và những chiến hữu như đại tá Võ Văn Ân, nhóm anh em Bến Cũ và những chiến hữu liên hệ sẽ có những chương trình hoạt động và sẽ thông báo sau.
Chúng ta phải cùng nhau gom lửa chung với Nguyễn Thị Ngọc Hạnh. Với ngọn lửa này, chúng ta sẽ cùng nhau đốt cháy chế độ bạo tàn của Việt cộng như lời Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nói…Chúng ta sẽ thắng!
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét