Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố kế hoạch đóng quân vĩnh viễn tại Australia của quân đội Mỹ. Bắt đầu từ năm 2012, quân đội Mỹ sẽ triển khai hơn 2,000 quân ở Australia, trong 5 năm sẽ tăng lên đến 4.500 quân.
Máy bay chiến đấu của Không quân chiến đấu thế hệ thứ 3 như F22 / F35 và tàu sân bay động cơ hạt nhân cũng sẽ thường xuyên ra vào Australia, và dần dần mở rộng hoạt động quân sự tại Australia.
Kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Mỹ triển khai lực lượng lớn trên thế giới. Sau khi Liên Xô sụp đổ, với sự thống trị đơn cực, số quân đồn trú ở nước ngoài của Mỹ đã giảm xuống, nhưng vẫn duy trì một con số đáng kinh ngạc.
Gần đây, quân đội Mỹ đồn trú ở nước ngoài được điều chuyển liên tục, thu hút sự chú ý của dư luận.
Đóng quân truyền thống: 3 khu vực chiến lược lớn đều chốt giữ nơi hiểm yếu
Về truyền thống, quân đồn trú Mỹ ở nước ngoài chủ yếu có 3 khu vực chiến lược lớn: Thứ nhất là khu vực chiến lược châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông. Thứ hai là khu vực chiến lược Đông Á, Thái Bình Dương. Thứ ba là khu vực chiến lược Nam, Bắc Mỹ.
Khu vực chiến lược thứ nhất
Châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông: Bố trí chu đáo
Khu vực chiến lược được quân đội Mỹ coi trọng nhất là châu Âu. Thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô lấy Đông Đức và Tây Đức làm ranh giới, phân chia châu Âu. Châu Âu cũng trở thành tuyến đối đầu quan trọng nhất tranh quyền bá chủ giữa Mỹ và Liên Xô.
Đối mặt với “dòng thác” lực lượng cơ giới hóa của Liên Xô cũ, các nước Tây Âu rơi vào hoàn cảnh hiểm nghèo. Để che chở các đồng minh và lực lượng của mình, Mỹ đã đưa hàng trăm nghìn quân đến đóng tại châu Âu, đã xây dựng nhiều căn cứ, bao gồm các căn cứ phòng thủ tên lửa và căn cứ tên lửa hạt nhân, từ đó tạo được sự răn đe với khả năng “Tây tiến” của quân đội Liên Xô. Việc tranh quyền bá chủ của hai nước đã biến châu Âu thành một kho vũ khí lớn.
Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, sự cảnh báo đối với châu Âu không còn nữa, quân đồn trú Mỹ ở châu Âu giảm đáng kể, nhưng vẫn duy trì một lực lượng chiến đấu lớn. Khi đó, châu Âu đã trở thành doanh trại quân đội quan trọng nhất ở nước ngoài của quân đội Mỹ.
Xuất phát từ đây, quân đội Mỹ mở rộng ảnh hưởng đến các khu vực như Đông Âu, Bắc Phi, Trung Đông, chẳng hạn khi tấn công Iraq, Mỹ đã sử dụng các căn cứ quân sự ở châu Âu làm trung tâm hậu cận và điều chuyển lực lượng.
Đến nay, quân đội Mỹ triển khai đầy đủ, chu đáo lực lượng ở châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông.
Tổng số quân đồn trú lên tới trên 100.000 quân (không bao gồm quân đồn trú ở Iraq), trong đó một nửa đóng tại khu vực Trung Âu như Đức làm nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ, tuyến phía nam có cụm căn cứ ở Hy Lạp, Italia có nhiệm vụ kiểm soát Địa Trung Hải và biển Đen, phía đông có các căn cứ ở Trung Đông, Bắc Phi chốt giữ Trung Đông giám sát Ấn Độ Dương, cụm căn cứ Anh ở hướng tây và cụm căn cứ Bắc Âu ở phía bắc được coi là tuyến 2 tăng viện.
Khu vực chiến lược châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông đã bảo đảm chắc chắn vai trò ảnh hưởng cho quân đội Mỹ ở đại lục Âu-Á, đồng thời biến Đại Tây Dương thành “nội thủy” của quân đội Mỹ.
Khu vực chiến lược thứ hai
Đông Á, Thái Bình Dương
Sử dụng nhiều “chuỗi đảo” chia cắt Thái Bình Dương
Khu vực chiến lược Đông Á, Thái Bình Dương là một “nắm đấm” khác của quân đội Mỹ. Nếu nói đặc điểm các căn cứ của khu vực chiến lược châu Âu là triển khai với mật độ dày đặc, thì quân đồn trú Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương lại nhiều “chuỗi đảo” để chia cắt Thái Bình Dương thành nhiều lớp, tạo ra chiến tuyến trước sau hỗ trợ lẫn nhau.
Trong đó, chuỗi đảo thứ nhất, phía bắc bắt đầu từ quần đảo Aleutian, đi qua Nhật Bản, kéo xuống Đài Loan, Philippinese, trong đó lô cốt đầu cầu (cứ điểm tấn công) là Hàn Quốc.
Còn chuỗi đảo thứ hai lấy Guam làm “lõi”, bao gồm cụm căn cứ khu vực phụ cận châu Đại Dương, làm tiếp viện cho chuỗi đảo thứ nhất. Ở phía sau, còn có sự hỗ trợ của các căn cứ trên quần đảo Hawaii, đồng thời đây cũng là tiền tiêu phòng thủ lãnh thổ ở phía tây của Mỹ.
Ở khu vực chiến lược này, nhiệm vụ trước đây của quân đội Mỹ là ngăn chặn Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô cũ, hiện nay có nhiệm vụ duy trì ảnh hưởng và bao vây Trung Quốc, Nga. Hiện nay, Mỹ triển khai hơn 100.000 quân ở khu vực chiến lược này, trên một nửa là đóng tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Khu vực chiến lược thứ ba: nam bắc châu Mỹ
“Sân sau” có nhiệm vụ cảnh báo sớm và chi viện
Khu vực chiến lược nam, bắc châu Mỹ là “sân sau” của Mỹ. Ngay từ thế kỷ 19, Tổng thống Mỹ Monroe đã đề xuất “hệ thống châu Mỹ”, tuyên bố châu Mỹ là phạm vi ảnh hưởng của mỹ. Sau đó, để xác nhận lợi ích này, Mỹ còn từng phát động cuộc chiến giữa Mỹ với Tây Ban Nha để đuổi Tây Ban Nha ra khỏi khu vực này.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, châu Mỹ “đứng độc lập” rất khó bị người khác cạnh tranh, các quốc gia thế giới thứ ba ở khu vực này cũng không đe dọa nổi Mỹ. Cho nên, quân đồn trú Mỹ ở bên ngoài biên giới hoàn toàn không nhiều.
Cụm căn cứ ở Canada, Greenland ở phía bắc chủ yếu phụ trách cảnh báo sớm và chi viện đối với khu vực chiến lược châu Á-Thái Bình Dương, cụm căn cứ Mỹ Latinh ở phía nam chủ yếu là căn cứ huấn luyện và tuyến phòng thủ chống tàu ngầm. Khu vực chiến lược này còn có căn cứ Guantanamo từng xảy ra vụ bê bối ngược đãi tù nhân.
Quân đồn trú tạm thời: diễu võ dương oai, nói đi nhưng ở lại
Ngoài các cụm căn cứ có hệ thống ở 3 khu vực chiến lược nêu trên, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quân Mỹ còn nhiều lần tiến hành tấn công quân sự và chiến tranh cục bộ ở nước ngoài, theo đó tiến hành đóng quân tạm thời với nhiều quy mô khác nhau.
Tìm mọi cách giữ lại hàng nghìn “cố vấn” ở Iraq
Bước vào thế kỷ 21, quân đội Mỹ lại tiến hành 2 cuộc chiến tranh quy mô lớn đối với Iraq và Afghanistan, đồng thời cũng lưu lại “đại quân” ở nơi đây. Số quân Mỹ ở Iraq tăng giảm tùy thuộc tình hình tại đây, năm 2007 đã lên tới 170.000 quân, nhiều hơn số quân đưa vào cuộc chiến.
Năm 2010, quân Mỹ tuyên bố kết thúc nhiệm vụ tác chiến ở Iraq, rút lực lượng chủ lực, chỉ giữ lại 40.000-50.000 quân “hỗ trợ ổn định tình hình”. Lực lượng này cũng sẽ rút toàn bộ vào cuối năm 2011. Cách đây không lâu, Mỹ và Iraq còn tranh cãi về vấn đề này, quân Mỹ muốn tiếp tục lưu lại ít nhất mấy nghìn quân làm “cố vấn”, phía Iraq không đồng ý.
Lực lượng tại Afghanistan tăng gấp đôi so với tham chiến ban đầu
Cùng với việc từng bước rút quân khỏi Iraq, quân đồn trú Mỹ ở Afghanistan lại không ngừng tăng lên, từ khi Obama tăng cường binh lực 30.000 quân vào cuối năm 2009, đến nay quân Mỹ tại Afghanistan đã lên tới 100.000 quân, hầu như đã tăng gấp đôi so với lực lượng tham chiến ban đầu.
Năm 2011, Mỹ tuyên bố sẽ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan từ năm 2012, đến năm 2014 sẽ rút quân toàn bộ khỏi Afghanistan. Nhưng đến tháng 8/2011 lại tuyên bố sẽ xây dựng căn cứ lâu dài, giữ lại hàng nghìn quân Mỹ cho đến năm 2024, thực chất là Mỹ có tâm trạng “thực sự không muốn đi, thực sự muốn ở lại”.
Việc đóng quân ở nước ngoài như trên hầu như đều là kết quả phô trương sức mạnh trên toàn cầu của Mỹ. Tại một khu vực, khi tấn công xong, loại bỏ một thế lực không thân thiện, hơn nữa giữ lại một lực lượng, hỗ trợ cho thế lực thân cận mình. Việc tấn công và đóng quân ở Iraq đã triệt để đưa khu vực dầu mỏ vịnh Péc-xích vào phạm vi ảnh hưởng của Mỹ; còn việc truy đuổi và tiêu diệt Taliban ở Afghanistan rõ ràng là “vươn vòi bạch tuộc” vào khu vực Trung Á.
Biến động gần đây
Binh lực dàn trải, khu vực mở rộng
Trong thời kỳ đỉnh cao tranh quyền bá chủ với Liên Xô cũ, quân đồn trú ở nước ngoài tại 3 khu vực chiến lược lớn lên tới hơn 1 triệu quân, chiếm 1/3 tổng số quân Mỹ. Sau đó Chiến tranh Lạnh “nhạt” dần, Mỹ đang từng bước cắt giảm. Nhưng cho dù đến nay, quân đồn trú Mỹ ở nước ngoài vẫn lên tới 400-500 nghìn quân, chiếm 1/3 tổng binh lực của Mỹ.
Quân số giảm xuống, vũ trang tăng cường
Quân số tuy giảm xuống, vũ khí trang bị và khả năng phản ứng nhanh lại được tăng cường. Thế mạnh của quân Mỹ trên thế giới đã vượt xa thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Ban đầu Mỹ đóng quân nhằm phòng thủ Liên Xô cũ là chính, nhưng đã chịu nhiều thương vong trong chiến tranh Triều Tiên, kiêng sợ Liên Xô cũ và Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam, không dám toàn lực ném bom miền Bắc Việt Nam. Một quân đội hạng nhất thế giới cũng chỉ dám bắt nạt các nước nhỏ như Grenada, Panama.
Tuy nhiên, sau khi bước vào thế giới đơn cực, hoàn toàn không lo ngại điều gì, Mỹ đã tấn công Iraq, tấn công Afghanistan, bất chấp dư luận quốc tế, sự phản đối của đồng minh.
Thích làm cho đối thủ đau đầu
Cùng với việc trực tiếp hành động quân sự, một hành động quan trọng khác là từng bước thúc đẩy, xây dựng căn cứ, đóng quân, lấp chỗ trống trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô cũ, đồng thời tăng cường kiềm chế đối với Nga đang trỗi dậy trở lại.
Chẳng hạn, tại Ba Lan – cửa ngõ Đông Âu, năm 2010, Mỹ đa đưa một lực lượng tên lửa đầu tiên đến đóng tại nước này, đồng thời năm 2011 xác định kế hoạch đóng quân lâu dài. Đối với Nga, đây là một “nhân tố bất ổn”, nhưng đối với Mỹ, làm cho đối thủ đau đầu chính là điều họ thích.
Vì vậy, trong những năm gần đây, xu thế chung đóng quân ở nước ngoài của Mỹ là, quân số cắt giảm, nhưng khu vực đóng quân lại mở rộng. Quân Mỹ theo đuổi sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực quân sự, phối hợp hiệp đồng có hiệu quả, sử dụng linh hoạt hơn lực lượng hiện có, từ đó nhằm đạt được mục đích ngăn chặn đối thủ, củng cố, mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
Lấy khu vực châu Á-Thái Bình Dương làm ví dụ, điều 8.000 quân từ Okinawa ở chuỗi đảo thứ nhất tới Guam ở chuỗi đảo thứ hai, bề ngoài là rút về, nhưng rút “nắm đấm” có khi lại là chuẩn bị cho “xuất chiêu” tấn công. Quả nhiên, Mỹ chuẩn bị đưa quân đến đóng tại Australia, Mỹ cũng đã tăng cường tập trận chung với Philippinese, bắt đầu tập trận với nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Khu vực chiến lược châu Âu mở rộng sang hướng Đông, khu vực chiến lược châu Á-Thái Bình Dương mở rộng sang hướng Tây, 2 cánh dài bao bọc địa cầu này tiến hành hợp lực bao vây tại Ấn Độ Dương, gây phiền phức mất ăn mất ngủ cho Trung Quốc.
Written by QuocNam
TIN MỚI: TQ đã triển khai tên lửa đạn đạo DF-21C ở Thanh Hải
Trang mạng “military industrial complex” ngày 6/12 cho biết, hình ảnh chụp được từ vệ tinh thương mại cho thấy, Trung Quốc đã triển khai tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn cơ động DF-21C kiểu mới tại khu vực tỉnh Thanh Hải. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai hệ thống vũ khí mới này ở khu vực phía tây Trung Quốc.
Những hình ảnh mà vệ tinh thương mại GeoEye-1 Mỹ chụp được cho thấy, quân đội Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa kiểu cơ động DF-21C với một số lượng tương đối ở khu vực cách thành phố Đức Linh Cáp – tỉnh Thanh Hải khoảng 230 km về phía tây.
Trên những bức hình mà vệ tinh này chụp được ngày 14/6/2010 có thể nhìn thấy rõ 2 bộ thiết bị phóng DF-21C đặt tại sa mạc. Trận địa của những tên lửa này kề sát núi Kỳ Liên, nối liền với đường quốc lộ G215. Rất nhiều công trình quan trọng của trận địa này đều được che phủ nguỵ trang bằng màu đen, trong đó có xe phóng tên lửa, trang bị bảo đảm hậu cần và doanh trại cho bộ đội sinh hoạt.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, đây là lần đầu tiên phát hiện hệ thống tên lửa DF-21C nằm trong trạng thái triển khai. Trước đây, hệ thống tên lửa DF-4 sử dụng nhiên liệu lỏng đảm nhiệm trực ban sẵn sàng chiến đấu tại khu vực Đức Linh Cáp.
Điều cần chỉ ra là, Trung Quốc hiện đang sử dụng tên lửa nhiên liệu rắn mới từng bước thay thế tên lửa nhiên liệu lỏng cũ. Tuy tên lửa nhiên liệu rắn có khả năng cơ động tương đối mạnh, thời gian phản ứng tác chiến tương đối ngắn, nhưng chúng cũng tồn tại một số yếu điểm.
Các chuyên gia cho rằng, thể tích của các hệ thống tên lửa kiểu cơ động như DF-21C đều tương đối lớn, thao tác và bảo đảm hậu cần đều cần rất nhiều nhân viên. Đồng thời, các loại trang bị bảo đảm trong hệ thống đồng bộ và số lượng các loại xe cùng rất nhiều. Những đặc điểm này không những khiến cho các hệ thống này dễ bị vệ tinh phát hiện, mà cũng đã hạn chế khả năng cơ động của chúng.
Ngoài ra, khi phóng, tên lửa kiểu cơ động chắc chắn phải lựa chọn sân bãi có độ cứng tương đối cao để bảo đảm tính ổn định của hệ thống khi phóng, đồng thời tránh động cơ tên lửa bị hư hại trong quá trình điểm hoả (kích hoạt). Vì vậy hệ thống phóng này chỉ có thể tiến hành cơ động trên đường quốc lộ/đường cái/đường ô tô và tiến hành phóng ở bãi phóng xác định.
Trên thực tế, từ những bức ảnh mà vệ tinh thương mại GeoEye-1 chụp được có thể nhìn thấy rõ trận địa bằng phẳng dùng để phóng DF-21C.
Có phương tiện truyền thông Ấn Độ cho rằng, Trung Quốc dùng DF-21C thay thế cho DF-4 kiểu cũ sẽ tiếp tục tăng cường khả năng răn đe của nước này đối với các nước xung quanh. Nhưng xét tới tầm phóng của DF-21C, báo giới Ấn Độ rõ ràng đã thổi phồng mối đe doạ của loại tên lửa này.
Căn cứ vào số liệu công bố trước đây của các cơ quan tình báo Mỹ, tên lửa dòng DF-21có tầm phóng khác nhau khi mang theo đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường. Trong đó, tầm phóng của DF-21A mang theo đầu đạn hạt nhân có thể đạt tới 2.150 km, còn tầm phóng tối đa của DF-21C mang theo đầu đạn thông thường là 1.770 km, còn tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D (thu hút sự chú ý của Hải quân Mỹ) chỉ có tầm phóng khoảng 1.450 km (cũng có số liệu nói là có tầm phóng lên tới 3.000 km).
Các chuyên gia quân sự cho rằng, nói về vị trí triển khai hiện nay của DF-21C, nó vẫn chưa thể bao trùm các mục tiêu chiều sâu của Ấn Độ, quân đội Trung Quốc lựa chọn triển khai loại tên lửa này ở khu vực lân cận Đức Linh Cáp, ở mức độ rất lớn có thể là xuất phát từ sự tính toán tránh sự tấn công từ trên không của đối phương.
Trung Quốc triển khai tên lửa hạt nhân tới biên giới Ấn Độ
Trung Quốc đã triển khai tên lửa hạt nhân tới khu vực biên giới phía Tây giáp ranh với Ấn Độ.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ được tổng hợp dựa trên tin tức do giới truyền thông Ấn Độ thu thập được cho biết, Trung Quốc đã triển khai tên lửa hạt nhân tới khu vực biên giới phía Tây giáp ranh với Ấn Độ.
Kèm theo bản báo cáo này còn có các hình ảnh chụp từ vệ tinh do thám cho thấy rõ cả loại tên lửa mà quân đội Trung quốc đã triển khai. Các nhà phân tích ảnh vệ tinh đã khẳng định rằng, đó chắc chắn là tổ hợp phóng tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21C.
Một trong những bức ảnh được vệ tinh GeoEye-1 chụp ngày 14/6/2010 cho thấy rõ 2 tổ hợp phóng tên lửa DF-21C đã được triển khai tới khu vực trung tâm của lãnh thổ Trung Quốc, cách Delingha 230 km về phía Tây.
Các bệ phóng DF-21C được đặt nằm bên sườn dốc ở khu vực sa mạc, dọc quốc lộ G215 của Trung Quốc. Các tổ hợp phóng, doanh trại, trạm bảo dưỡng kỹ thuật và dịch vụ được ngụy trang khéo léo bằng bạt rất khó phân biệt với màu sắc của sa mạc.
Đây là lần đầu tiên DF-21C bị phát hiện tại khu vực triển khai.
Năm 2007, các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy Trung quốc đã có dấu hiệu trực quan đầu tiên về quá trình chuyển đổi từ DF-4 sang DF-21 ở khu vực Delingha. Vào năm 2008, vệ tinh đã quan sát được một hệ thống rộng lớn gồm các bãi phóng tên lửa trong bán kính 5 dặm, kéo dài về phía tây Delingha, dọc theo quốc lộ G215.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét