Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011
THỦY ĐIỆN: CÔNG CÓ, TỘI CÓ VÀ NHIỀU CÁI KHÓ NÓI
Tác giả: Nhất Ngôn
Toàn bộ gánh nặng mà thủy điện trút xuống người dân vùng hạ lưu sông có thủy điện phải gánh lấy. Còn thứ trách nhiệm kia thì như… “bóng chim, tăm cá” vì trách nhiệm chung nghĩa là… không ai có trách nhiệm cả.
Nhắc đến thủy điện và hệ lụy của nó, không thể bỏ qua các thủy điện ở miền Trung với những đợt xả lũ kinh hoàng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là người viết phủ nhận vai trò của thủy điện. Chỉ là nhìn nhận lại vai trò của nó trong thời điểm hiện tại và cần có những thay đổi cần thiết.
Có công...
Anh họ tôi, một trong những người đầu tiên đến Trị An hoang vu trong những ngày xây dựng công trình thủy điện tại đây đến giờ vẫn còn tự hào. Những ngày hậu đổi mới ấy, những người đi dựng lại đất nước mang trong mình bầu nhiệt huyết để sau này nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã miêu tả lại trong bài hát Trị An âm vang mùa xuân:
"Dòng điện âm vang từ triệu con tim
Dòng điện mênh mang từ ngàn khối óc
Dòng điện mê say gọi ngày tương lai
Dòng điện trong ta gọi đời bay xa..."
Cho đến bây giờ, sau hơn 20 năm gắn bó với Trị An, anh tôi vẫn hát lại bài hát đó với giọng hát có lửa. Thực sự thủy điện Trị An đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế của tỉnh Đồng Nai, vùng Đông Nam Bộ với dòng điện của mình.
Nhìn rộng hơn, cùng với tuyến đường dây 500kV Bắc- Nam, thủy điện Trị An cùng nhiều công trình trọng điểm khác đã đặt nền móng cho cuộc bứt phá khỏi cơ chế bao cấp kéo dài chục năm sau ngày đất nước thống nhất.
Đợt lũ vừa qua, anh tôi gọi điện với giọng có vẻ trách móc: "Vừa rồi báo chí nói có tỉnh miền Trung nước lũ vẫn lên trong những ngày có nắng là lỗi do thủy điện. Có cái đúng, có cái chưa đúng..." Theo anh, nếu mực nước mưa càng lớn thì lũ càng lớn, hạ nguồn càng ngập nặng nhưng thủy điện cũng đóng vai trò điều tiết lũ khi giảm thiểu mức lũ ấy.
"Ví dụ với lượng mưa đầu nguồn trên mức 700ml thì hạ nguồn lũ ở mức báo động cấp 5 nhưng thủy điện điều tiết nó chỉ còn lại ở mức báo động cấp 3 thì rõ ràng thiệt hại sẽ ít hơn. Lượng nước đổ về hạ nguồn ít hơn thì phải dài ngày hơn nên có khi này nắng cũng có lũ là chuyện bình thường."
Với anh họ tôi, thủy điện có lợi như vậy đấy! Dù anh cũng không phủ nhận nó có hại...
Cũng có tội...
Hiện nay, vấn đề vận hành liên hồ chứa của các thủy điện được các nhà khoa học đặt ra với nhiều dấu hỏi. Nếu không vận hành liên hồ, (giả sử) khi xảy ra sự cố vỡ đập đầu nguồn thì "hiệu ứng domino" sẽ kéo theo một loạt thủy điện phía dưới vỡ đập liên hoàn, hậu quả thật khó mà tưởng tượng.
Có thủy điện ở đầu nguồn thì tương ứng với diện tích rừng đầu nguồn bị suy giảm do phải dành đất rừng làm hồ chứa. Cách thức tích nước tự nhiên bằng hệ thống rừng đầu nguồn bị thay đổi khiến hệ sinh thái mất cân bằng, tầng nước ngầm cũng suy giảm theo.
Vùng nước động được thay bằng vùng nước tĩnh nên nước ngầm, nước mặt ở hạ du cũng thay đổi theo xu hướng suy giảm. Khả năng nhiễm mặn ở hạ du cũng cao hơn, nguy cơ ô nhiễm vì lượng nước dùng để gột rửa tự nhiên giảm đi nên xử lý nước sông thành nước sinh hoạt tại các nhà máy cấp nước cũng tốn kém hơn.
Mặt khác, quá trình tích nước, xả nước của thủy điện nặng tính lợi ích của chủ đầu tư khi nước được giữ lại vào mùa khô (để dành phát điện) và xả nhiều vào mùa mưa (lo sợ vỡ hồ). Điều này tạo ra những đợt hạn hán hay lũ lụt nhân tạo một cách rõ rệt.
Thiên tai thì có thể dự báo được bằng kinh nghiệm dân gian, dự báo thời tiết chứ "nhân tai" thì đành chịu thua. Vì như đã nói ở trên, quy trình vận hành liên hồ không có hoặc có mà không chặt chẽ thì chỉ có dân hạ nguồn lãnh đủ.
Thượng nguồn các con sông là nơi cư trú, sinh sống của đồng bào các dân tộc. Có thủy điện, họ phải thay đổi địa điểm cư trú, thậm chí thay đổi luôn phương thức sản xuất truyền thống để tồn tại. Điều này là phai nhạt hay thậm chí biến mất nhiều tập tục, nghi lễ nói riêng và bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung.
...Và nhiều cái khó nói lắm!
Ngoài những thủy điện đã được Chính phủ cho phép xây dựng còn có vô số các thủy điện tư nhân mọc lên, như nấm khắp đất nước được đề nghị từ cấp tỉnh, cấp huyện và thậm chí là cấp xã.
Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương)- ông Tạ Văn Hường cho rằng ngoài các thủy điện lớn (nhóm A) do bộ quản lý thì các thủy điện nhỏ (từ nhóm B trở xuống) là do các địa phương tự quyết, tự chịu trách nhiệm.
Một trận lũ nhân tạo có thể làm sạt lở, xuống cấp, sụp đổ cả một hệ thống hạ tầng cơ sở ở hạ nguồn và mức đến bù (nếu có) của các thủy điện chỉ là hạt muối bỏ biển. Xét cho cùng, để khôi phục lại đời sống thì cũng chỉ có ngân sách Nhà nước (vốn từ tiền thuế của dân) rót xuống và người dân tự bỏ tiền túi ra trang trải.
Vậy thì toàn bộ gánh nặng mà thủy điện trút xuống người dân vùng hạ lưu sông có thủy điện phải gánh lấy. Còn thứ trách nhiệm kia thì như... "bóng chim, tăm cá" vì trách nhiệm chung nghĩa là... không ai có trách nhiệm cả.
Xưa nay, ngành điện lúc nào cũng than thiếu vốn để xây dựng công trình cơ bản nhưng lại đem vốn của ngành đi đầu tư vào các lĩnh vực khác để nhận lấy thua lỗ mà "chúa chổm" EVN Telecom là ví dụ điển hình.
Xưa nay, khi nhiệt điện gặp khó khăn do than đá, khí đốt lên giá thì "ông nhà đèn" chỉ có duy nhất một bài ca mang tên "tăng giá điện" đánh vào túi tiền người dân nhưng chưa thấy họ nói tới lợi nhuận thủy điện ra sao.
Trung bình, thủy điện ở nước ngoài cần 20-30 năm hoạt động mới hoàn vốn trong khi thủy điện xứ mình chỉ từ 10-15 năm. Quá tài!
Tôi chợt ước ao giá mà mình biết được trong các công ty cổ phần thủy điện tư nhân, có bao nhiêu vốn do cán bộ địa phương, cán bộ trung ương đóng góp vốn vào đấy, trực tiếp hoặc thông qua người thân.
Đem câu hỏi này gặp vài chủ đầu tư thì chỉ nhận được cái gãi đầu, nụ cười méo xệch: "Nhiều cái khó nói lắm em ơi..."
"Cái tội" vốn có của thủy điện, vì thế khó mà bị truy cứu, dù tội ấy không nhỏ...
Các quốc gia trên thế giới càng lúc càng tránh xa thủy điện. Họ nhận thức lại về hình thức khai thác năng lượng này được ít, mất nhiều nên phá đập đi, trồng lại rừng. Nhưng cũng mất hàng mấy chục năm, thậm chí cả trăm năm cũng chưa thể khôi phục lại sinh cảnh cũ.
Theo tìm hiểu của người viết, đa phần các thiết bị thủy điện đang hoạt động tại Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ, Nga, khối EU và đặc biệt là Trung Quốc. Đa phần là các thiết bị thủy điện này vốn là đồ cũ bị nước ngoài thanh lý sau khi phá các đập chứa.
Và đã có người lên tiếng cảnh báo về việc chúng ta có thể "sập bẫy" xoay quanh câu chuyện thủy điện.
Tư duy... ve chai
Có một thời báo chí cảnh báo việc nhập rác vào Việt Nam. Rác ở đây không chỉ là thứ bốc mùi hôi thối, cũ mòn rỉ sét mà có khi rất đẹp, rất bóng bẩy và quan trọng là còn... xài được.
Hình thức hợp tác của các "bạn hàng tốt", "đối tác tốt" là rót vốn thông qua việc bán thiết bị trả chậm hoặc hợp tác cổ phần thông qua các dự án cụ thể. Xử lý một tấn rác có thể kiếm được lợi nhuận từ việc phân loại, tái chế những thứ còn xài được như đã nói trên. Nhưng chắc chắn số rác không xài được thì môi trường nước mình, sức khỏe dân mình lãnh đủ.
Tôi rất thông cảm với những người đi lượm ve chai khi hàng ngày phải lục lọi từng túi rác để sinh nhai. Nhưng thật đáng sợ nếu như thứ "tư duy ve chai" ấy được áp dụng ở các doanh nghiệp Nhà nước lẫn tư nhân.
Ve chai đi xin rác và mua các thiết bị cũ với giá cho không và quy trình tái chế ấy thường được đánh đổi bằng chính sức khỏe của họ. Nhưng khi anh đem về hàng chục tấn, hàng trăm và thậm chí là hàng ngàn tấn rác, thiết bị cũ thì đó là hiểm họa cho cả môi trường sống lẫn một nền kinh tế.
Sự lỗi thời của thủy điện đã được chứng minh ở nhiều quốc gia trong khi tại VN, người người làm thủy điện, nhà nhà làm thủy điện... Và chưa có một thống kê chính xác nào về việc các thủy điện mọc lên như nấm ở nước ta được sử dụng các thiết bị nhập khẩu ra sao. Chỉ biêt một điều, "tư duy ve chai" chắc chắn xuất hiện khá nhiều trong câu chuyện làm thủy điện hiện nay.
Theo cảnh báo của thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường Đại học Cần Thơ thì "coi chừng chúng ta đang sập bẫy". Vì hàng nghìn tấn thiết bị thủy điện cũ của nước ngoài lần lượt "bay" vào Việt Nam theo chân các thủy điện lớn nhỏ.
Sự tỉnh táo ở đâu?
Một nhà khoa học nghiên cứu thủy điện nhận định thế này: "Nếu bắt buộc từng địa phương phải kê khai việc nộp thuế từ thủy điện, chúng ta sẽ biết được mức đóng góp cụ thể cho ngân sách của thủy điện ra sao. Tính luôn các thiệt hại về đường sá, nhà cửa, tài sản, mùa màng và thậm chí là tính mạng người dân nữa. Đem hai thống kê ấy so với nhau thì sẽ rõ thủy điện mang đến lợi/ hại ra sao".
Điện được sản xuất từ thủy điện góp phần phát triển kinh tế quốc gia, an ninh năng lượng, ổn định đời sống nhưng xét cho đến cùng lợi nhuận lại rơi vào tay tư nhân (trừ các thủy điện Nhà nước).
Các quốc gia trên thế giới càng lúc càng tránh xa thủy điện. Họ nhận thức lại về hình thức khai thác năng lượng này được ít, mất nhiều nên phá đập đi, trồng lại rừng. Nhưng cũng mất hàng mấy chục năm, thậm chí cả trăm năm cũng chưa thể khôi phục lại sinh cảnh cũ.
Đập Tam Hiệp- một dạng đại công trình thấy được từ mặt trăng- ở Trung Quốc là một ví dụ cụ thể. Hàng trăm nghìn tấn thiết bị, nước được tập trung lại một chỗ tạo ra sức ép khổng lồ cho vùng đất xây nó, khiến hiện tượng nứt gãy địa chất xảy ra cho các vùng phụ cận.
Sự tham lam trong tích nước đầu nguồn khiến môi trường sống hạ du xơ xác vào mùa khô do hạn và tan hoang vào mùa mưa bởi lũ. Chính quyền Trung Quốc đã thừa nhận sự xuất hiện của đập Tam Hiệp là một sai lầm.
Ở Việt Nam, chưa có công trình thủy điện nào đang hoạt động được nhắc đến như là một sai lầm cả!
Mặt khác, về nguyên lý cơ bản thì các con sông giống nhau: Chảy từ trên cao xuống thấp. Không lý gì chúng ta lo ngại đập Xayaburi tận bên Lào nếu xây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ du sông Mekong- đồng bằng sông Cửu Long. Mà chính chúng ta lại "quên" những vùng hạ du của các con sông nước mình...
Một cách đánh đổi rất không tỉnh táo!
Minh bạch lý thuyết
Có dịp tiếp xúc với người dân lẫn chính quyền của một số vùng thượng nguồn sông được dự tính làm thủy điện, người viết thật sự cảm thấy đau lòng trước thực trạng hiện nay: Đa phần họ... ủng hộ thủy điện.
Bởi có thủy điện là có thêm cơ hội mua bán, hàng quán sẽ mọc lên, các tụ điểm giải trí xuất hiện để phục vụ cho công nhân công trình. Hậu quả không được nghĩ tới vì những thông tin chính xác về hậu quả của thủy điện chưa bao giờ đến với người dân một cách đầy đủ.
Bởi thế, họ ủng hộ cái mà họ không được cung cấp thông tin đầy đủ!
Khi có thủy điện (tôi nhấn mạnh là thủy điện tư nhân), người dân bị đẩy khỏi mảnh đất của tổ tiên họ, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống của họ và dĩ nhiên là quá trình ấy làm mai một ngay, chứ không mai một dần dần bản sắc văn hóa truyền thống.
Vậy thông tin về thủy điện đã được chuyển tải đến người dân như thế nào? Báo chí ư? Thưa không, nơi mà hệ thống phát hành không với tới, internet không có hoặc chỉ có đối với những người giàu thì chẳng có thông tin nào cả cho người nghèo cả. Chính quyền cơ sở ư? Dự án cấp tỉnh phê duyệt thì cấp huyện, cấp xã khó lòng phản đối.
Thông tin trên báo chí cho thấy vừa qua ở miền Trung, các thủy điện xả lũ ĐÚNG QUY ĐỊNH (thông báo trước 2 giờ) nhưng vẫn gây thiệt hai nghiêm trọng, dân chạy lũ không kịp, thiệt hại vẫn xảy ra.
Vậy thì cần phải xem lại quy trình xả lũ ấy đã HỢP LÝ hay chưa. Nếu chưa thì cần thay đổi lại cho phù hợp.
Và tất cả những điều này, nên được công khai với người dân vì không công khai thì sự minh bạch từ trước tới giờ chỉ mang tính lý thuyết hoặc hình thức.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét