Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012
TỐC ĐỘ CỦA CÔNG NGHỆ ĐỜI SỐNG
October 19, 2012 By Alan
Khi tôi đọc lại những sinh hoạt của các nhân vật trong tiểu thuyết của Balzac hay Steinbeck vài thế kỷ trước, tôi vẫn tìm thấy những thói quen hàng ngày của họ như trầm ngâm trước ly cà phê buổi sáng, chậm rãi lướt qua các tin tức bình luận trên mặt báo…không khác gì chuyện tôi vẫn làm xưa nay. Nhưng con cái tôi và các thế hệ sau này có thể không biết báo giấy là gì hay ai lại có thì giờ nhâm nhi ly cà phê? Ngày nay, chúng lướt qua các tin quan trọng đã tải sẵn trên Ipad hay Iphone, nốc cạn ly cà phê hòa tan và vội vàng đưa con nhỏ đi gởi nhà trẻ. Bửa ăn sáng là một thanh ngũ cốc (cereal bar) trong khi lái xe.
Tốc độ của công nghệ đã thay đổi thói quen trong đời sống và từ đó, tư duy của con người đã biến thiên tận gốc rễ.
Tôi còn nhớ vào năm 1982, một phái đoàn của GE Capital ghé thăm đảo Hải Nam (Trung Quốc) để thảo luận việc tài trợ cho vài dự án. Khác hẳn Bắc Kinh hay Thượng Hải, chúng tôi như quay về thế kỷ thứ 19. Chúng tôi bảo nhau nếu bây giờ, Thế Chiến Thứ Ba xẩy ra hay Tổng Thống Mỹ Reagan có bị ám sát, chắc chúng tôi sẽ hoàn toàn không hay biết trong 7 ngày nơi đây. Lý do là với 1 đài TV, 1 đài radio và 2 tờ báo toàn bằng Hoa ngữ, cộng với khó khăn khi dùng điện thoại liên quốc tế, sự cô lập của chúng tôi gần như toàn diện. Tuy nhiên, chỉ 20 năm sau đó, khu vực Tân Á phía nam đã trở thành một khu nghĩ dưỡng danh tiếng của Á Châu với hơn 15 khách sạn 5 sao.
Khi chúng tôi đi nước ngoài công tác vào thập niên 70, việc bực nhất là phải dùng điện thoại ở quốc gia sở tại kêu về trụ sở chính ở Mỹ. Thường thường, chúng tôi phải kêu tổng đài đặt hàng rồi đợi họ kêu lại cho mình khi họ tiếp nối được với điện thoại bên Mỹ. Thời gian chờ đợi có thề là 5 phút đến 50 phút. Và bạn không thể rời phòng, vì nếu tổng đài kêu lại bạn không được, họ cắt cuộc gọi và mình phải làm 1 cú đặt hàng khác. Nhiều khi cần đi vệ sinh cũng phải chào thua.
Nhưng sự lạc hậu của kỹ thuật truyền thông cũng giúp chúng tôi nhiều thời gian rãnh rỗi thú vị. Tôi nhớ khoảng cuối năm 1978, tôi và 2 nhân viên quản lý Mỹ vừa hoàn tất một hợp đồng cho Garuda thuê chiếc Boeing 727. Chúng tôi ra gởi nguyên tập hồ sơ qua PanAm để chuyển nhanh về New York cho ban pháp lý điều chỉnh và soạn bản văn sau cùng. Sau đó, chúng tôi có 3 ngày cùng 2 ngày cuối tuần để ăn chơi. Chúng tôi mời vài cô bạn gái Indo, bay xuống một khu nghĩ dưởng ở Bali bằng tiền của hãng (OPM) để tiệc tùng. Đó là một thú vui tuyệt vời. Khi kể chuyện lại cho một đồng nghiệp trẻ tháng rồi tại Mã Lai, anh ta ghen tị bực tức. Hợp đồng vừa thảo luận xong, anh Email về trụ sở New York. Sáng hôm sau, khi ngủ dậy là đã nhận nguyên văn bản đã chỉnh sửa để họp tiếp với các khách hàng địa phương.
Trong những thập kỷ vừa qua, chưa bao giờ công nghệ đột phá nhanh như vậy. Phải mất cả 10 ngàn năm để chiếc xe hơi thay con ngựa trong vận chuyển. Chỉ cần 100 năm để thói quen gởi thơ qua Bưu Điện gần như chấm dứt. Khi một CEO thuyết trình về dự án IT của anh về một công nghệ bán dẫn mới nhất cho các nhà sản xuất chips, chúng tôi hỏi anh rủi ro lớn nhất của dự án là gì. Anh nói rất bình thản,” tôi sợ rằng khi tôi bước ra khỏi đây thì công nghệ này có thể đã lỗi thời rồi.” Với công nghệ, Zuckerberg khởi nghiệp với 1 ngàn đô la trong căn phòng nội trú và xây Facebook thành một công ty thị giá 100 tỷ đô la trong 8 năm. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích IT cho là chỉ 15 năm sau, không còn ai dùng Facebook.
Ngày nay, các trẻ em ở Âu Mỹ cũng xa dần thiên nhiên và những vẻ đẹp đơn giản. Chúng bù đầu vào những video games, những lướt sóng trên mạng và text cho nhau qua điện thoại từ những căn phòng kín mít trong một nhà tù thoải mái. Thú lang thang thả diều trên đồi hay qua đồng cỏ chỉ còn hiện diện ở vùng quê vùng xa của các xứ nghèo. Khi tôi kể về thú hái hoa bắt bướm, hay đá dế, con trai tôi phê bình là “đồng bóng”, “man rợ”. Chúng không chấp nhận việc làm tổn thương bất cứ một sinh vật nào, nhưng lại reo hò khi giết người liên tục trong trò chơi của thế giới ảo.
Có lẽ đó cũng là một nghịch lý của cuộc cách mạng công nghệ. Thay vì cho chúng ta nhiều thời giờ hơn nhờ sự gia tăng hiệu năng, chúng lại đem đến cho chúng ta nhiều công việc hơn cùng với áp lực. Dữ liệu và kiến thức được tiếp cận dễ dàng với một số lượng “khủng” tạo nên một rối loạn về thứ tự ưu tiên cũng như về mức độ tin cậy.
Chúng ta có rất nhiều lựa chọn hơn nên năng động hơn trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng nhận chịu nhiều thách thức đến độ chúng ta chỉ mong muốn được yên lặng, bất động và trống rỗng. Chúng ta muốn quay về những ngày xưa…khi những tấm lòng thương nhau còn biết cười nghiêng tà áo. Và những chiếc lá mùa thu vàng như tóc nàng công chúa trong một cổ tích mê hoặc nào.
Nhưng có lẽ đó chỉ là những ước mơ thóang qua. Dù chóng mặt vời tốc độ của công nghệ, việc quay về với trí tuệ của trăm năm trước vẫn có thể làm chúng ta kinh hoàng. Nhất là khi bị kẹt lại trong những quốc gia không bao giờ muốn thay đổi; với đám đông chung quanh, “đám mây kiến thức” là khoa học giả tưởng, “dư luận thế giới” là chuyện tào lao của bọn Tây Phương, “kinh tế thị trường” là khi các anh có đô la đợi sẵn ở Thụy Sĩ, “tài sản của nhân dân” là OPM, và “ngôi làng toàn cầu” vẫn có cây đa cao ngất tầng xanh.
Tệ hơn hết là chúng ta vẫn làm những gì chúng ta đang làm, nhưng nếu năng đi chùa khấn vái thì dịnh mệnh sẽ đổi thay và đem chúng ta “tiền rừng bạc biển”.
T/S Alan Phan
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét