Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

VIỆT NAM: NGƯỜI NGHÈO TẠI CÁC ĐÔ THỊ “VẬT LỘN MỖI NGÀY ĐỂ KIẾM SỐNG”.


http://thediplomat.com/2012/10/23/hanoi-urban-poors-everyday-struggle/?all=true

29/10/2012

Bảo Anh chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Taufik Indrakesuma & Johannes Loh, The Diplomat

Khi dân số Việt Nam bắt đầu chuyển dần về các thành phố, những người nghèo khổ phải vật lộn vất vả đối với các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của con người. Liệu họ có bị bỏ lại ở phía sau?
Hiện nay Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Một thập kỷ trước đây, chỉ có 24% dân số sống ở các thành phố, với 65% lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp nông thôn. Ngày nay, số liệu cho thấy đã có hơn 30 triệu người sinh sống ở các khu vực thành thị, chiếm khoảng 34% tổng dân số của Việt Nam. Nước này đang chứng kiến các khu vực độ thị gia tăng nhanh chóng, với số lượng 755 các thị xã và thành phố, và con số này vẫn tiếp tục tăng lên. Các nhà quy hoạch ước tính rằng các thành phố của Việt Nam sẽ có khoảng 46 triệu người sinh sống vào năm 2020. Hai thành phố lớn nhất, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, là trung tâm tăng trưởng chính của đất nước, cùng với sự hỗ trợ bởi tỷ lệ thất nghiệp đô thị tương đối thấp ở khoảng 4,6%.


Là một quốc gia vừa đạt mức thu nhập trung bình và tham vọng để đạt được cấp độ cao hơn trong quá trình phát triển con người, Việt Nam cần phải giải quyết những thách thức liên quan đến những vấn đề như cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân nông thôn và đô thị. Đặc biệt, Việt Nam sẽ phải đối mặt với dòng di cư từ nông thôn ra thành thị, một xu thế lớn toàn cầu mà sẽ tiếp tục gây khăn cho các nhà quy hoạch thành phố trong tương lai gần. Nhiều người Việt Nam nghèo khó ở vùng nông thôn sẽ thử vận may của họ tại các trung tâm đô thị đang phát triển mạnh, với hy vọng sẽ tìm thấy các cơ hội việc làm cho cả người lao động có tay nghề lẫn lao động phổ thông. Các nhà quy hoạch đô thị cần phải tìm cách đề đối phó với tình trạng nhập cư này cũng như phải nhìn nhận thực tế rằng hầu hết trong số đó đều không được trang bị đầy đủ tay nghề để tham gia vào nền kinh tế đô thị.
Các chỉ số mới nhất (xem bên dưới) từ nhóm Asian Trends Monitoring (ATM) kể về một câu chuyện tại thủ đô Hà Nội và một số vấn đề mà thành phố này đang phải vật lộn trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân tại đây. Những con số và thông tin được kết hợp từ các dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cùng với các dữ liệu chính từ các cuộc điều tra về những hộ nghèo của ATM, cũng như từ các cuộc phỏng vấn do ATM được thực hiện ngày tháng 9 năm 2012.


Nguồn ảnh: Asian Trends Monitoring

Các chỉ số này nêu bật các vấn đề nổi trội mà những người nghèo tại Hà Nội phải đối mặt. Mặc dù GDP của Việt Nam đang phát triển và các mức thu nhập giữa những người nghèo đang được tăng lên, nhưng điều này không nhất thiết là cuộc sống của họ được cải thiện và họ được tiếp cận với các dịch vụ cần thiết. Có một số những hạn chế về những dịch vụ do chính phủ cung cấp, dẫn đến những thứ như một “danh sách nghèo” khá nghiêm ngặt của các hộ gia đình hội đủ điều kiện.
Các dịch vụ dành cho người nghèo tại Hà Nội hiện nay rất hạn chế và thường không thể tiếp cận được đối với những người khốn khó nhất. Những người di cư và lao động thời vụ thường là những người dân nghèo nhất của thành phố nhưng thường thì họ cũng không đáp ứng đủ điều kiện để vào danh sách hộ nghèo, vì họ không phải là cư dân Hà Nội chính thức. Hơn nữa, họ không thể tiếp cận với các dịch vụ nhà ở cũng như tài chính.
Vì hầu hết người nghèo tại Hà Nội làm việc trong các lĩnh vực phi chính thức, họ thường phải có vốn vay lưu động cũng như tiêu dùng. Thật không may, các dịch vụ tài chính vi mô ở khu vực thành thị hiện nay khá hiếm. Số liệu điều tra xác nhận rằng những người nghèo tại Hà Nội thường không có sự lựa chọn khi có nhu cầu sử dụng tín dụng. Đại đa số người dân được hỏi, 73,9% cho biết họ vay vốn từ những người thân hoặc bạn bè. Ngay cả các dịch vụ cho vay tiền không chính thức, thường là lựa chọn phổ biến nhất sau khi họ không thể tiếp cận hệ thống tài chính chính thức, thì chỉ có khoảng 7,8% người dân sử dụng các nguồn này.
Người nghèo cũng bị tước đoạt nhiều quyền lợi khi nói đến dịch vụ y tế. Nếu họ không đủ khả năng để trả tiền bảo hiểm y tế theo giá thị trường thì họ bị buộc phải trả tiền túi mỗi khi cần phải điều trị bệnh. Hiện nay vấn đề thương mại hóa các dịch vụ y tế đang diễn ra rầm rộ làm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trở nên tồi tệ thêm. Chương trình Phát triển Con người của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh trong một bản báo cáo rằng những nỗ lực để đảm bảo kinh phí dịch vụ xã hội bền vững đã dẫn đến “sự thương mại hóa ngày càng gia tăng trong lĩnh vực dịch vụ xã hội công cộng, cũng như gia tăng sự phụ thuộc về lệ phí của người sử dụng bởi các tổ chức cung cấp dịch vụ”. Hơn 50% người được hỏi trả lời rằng họ gặp nhiều khó khăn trong việc trả tiền cho dịch vụ y tế. Kết quả là, nhiều người chọn cách tự chữa trị hoặc không điều trị. Ngoài ra, hơn 1/3 (36%) những người sử dụng các phòng khám tại các địa phương không hài lòng với chất lượng dịch vụ.
Như chúng tôi đã giải thích trong bản báo cáo mới nhất, ATM Bulletin 18 “Trao quyền cho người nghèo tại Hà Nội”, có một số các chiến lược khả thi nhằm giúp thu hẹp khoảng cách dịch vụ và giảm nghèo tại thủ đô Việt Nam. Chúng bao gồm sự tập trung mạnh mẽ vào việc xây dựng doanh nghiệp xã hội – ví dụ như trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch cũng như trong các dịch vụ tài chính bằng cách mở rộng cách tiếp cận toàn diện cho các doanh nhân hạng nhỏ thông qua chính sách vi mô giá cả phải chăng.
Cả hai chiến lược này tập trung vào việc trao quyền cho họ chứ không phải là cung cấp trực tiếp các dịch vụ. Mặc dù xây dựng các trung tâm y tế và trường học cho người nghèo có thể mang lại hiệu quả, nhưng các tổ chức tài chính vi mô có thể cung cấp cho những người nghèo số vốn mà họ cần để bắt đầu và phát triển doanh nghiệp của họ. Mặt khác, các phương pháp tiếp cận này có thể giúp lĩnh vực tài chính phát triển bền vững hơn bởi vì nó được phát triển dựa trên hệ thống lợi nhuận và cho phép các tổ chức mở rộng dịch vụ của họ về chất lượng cũng như độ bền vững của mỗi tổ chức.
Những cải tiến trong nguồn thu nhập ở mỗi hộ gia đình, trong một thời gian dài, có thể cho phép họ tự tiếp cận và trả tiền cho các dịch vụ hiện có mà không cần phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính phủ.
Taufik Indrakesuma & Johannes Loh là hai cộng sự nghiên cứu tại Asian Trends Monitoring Bulletin thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Singapore.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét