Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

VĂN HÓA TỪ CHỨC


BLOG CỦA ALAN
NGÀY CHÚA NHẬT 28/10/2012

Sau 1 ngày (không cần 15 ngày) tự phê và tự tha thứ, cá nhân Alan Phan sẽ chính thức từ chức vị trí Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa kể từ 1/1/2013. Đây là chuyện nghiêm túc, có thực chứ không phải chuyện đem ra diễu chơi.
Viasa là một quỹ riêng tư của 3 gia đình thành lập từ 2002. Sau 10 năm, tôi xin được phép rút lui vì các lý do đơn giản sau đây:
- Hiệu quả tài chánh của mấy năm vừa qua khá bết bát vì lối quản trị bảo thủ và chiến thuật trọng sự an toàn không thích hợp lắm trong một môi trường nhiều thay đổi và cần sáng tạo;
- Sau 10 năm, cũng bao nhiêu đó công việc ngày qua ngày, ông già Alan đã mất đi niềm đam mê ban đầu và sự đói khát hăng say để tạo nhiệt huyết cho nhân viên và đối tác;
- Sự ù lì, lười biếng, mệt mỏi đã thể hiện trong các cấp quản lý cao. Virus của căn bệnh “làm vừa đủ để khỏi bị đuổi” đã lan truyền nặng và mục tiêu vì doanh thu hay lợi nhuận đã bị bỏ sót.


Nói tóm lại, Viasa cần một cuộc thay máu để đổi mới và toàn ban Quản Trị đã rút lui để nhường chỗ cho một thế hệ mới. Dĩ nhiên đây là một rủi ro lớn vì các người trẻ hơn có thể thiếu kinh nghiệm nên “chơi” dở hơn và gây tổn hại. Nhưng điều quan trọng hơn là công ty phải đi tới, phải phát triển, phải tạo một văn hóa và những thành tích mới. Dậm chân tại chỗ trong thế trận cạnh tranh hiện nay là tự hủy diệt.
Cũng may là Viasa đã phát triển từ một quỹ nhỏ có vốn 30 triệu USD lên thành 78 triệu USD ngày nay. Không gì ấn tượng; và thực ra, đó là tiền riêng của cá nhân gia đình, nên không ai đòi treo cổ chúng tôi. Trên hết, mình tự biết lúc nào vai trò trong kịch bản đã xong và màn đã hạ.
Tôi nhận xét trên thế giới, văn hóa từ chức thường phổ biến hơn ở các nước văn minh và nhiều lòng tự trọng. Tôi đánh giá cao nhất là Nhật Bản với danh dự và tinh thần võ sĩ đạo “thà chết chứ không chịu nhục”. Kế đó là dân tộc Hàn Quốc (luôn học theo văn hóa Nhật) và các nước Âu Mỹ. Tệ nhất là các nước Á Phi kém mở mang và buồn nhất là các lãnh tụ chính trị với thói quen “hy sinh vì dân vì nước” cho đến đồng đô la cuối cùng.
Tôi không hiểu quyền lực có ma thuật gì mà quyến rũ nhiều “vĩ nhân” như vậy. Quyền lực càng lớn mạnh, chuyện rời bỏ càng khó khăn. Từ những anh độc tài bé hon như Pol Pot, Khadafi…đến những “đại lãnh tụ” như Stalin hay Mao; chỉ có cái chết mới cho các anh này và dân tộc họ một kỳ “nghỉ hưu” thoải mái. Ngay cả chàng Clinton, lớn lên trong tinh thần dân chủ minh bạch, cũng làm đủ mọi cách để ở lại Tòa Bạch Ốc, dù đã hết được hút “xì gà” made-in-Lewinsky.
Một vài nhà độc tài như Suharto, Marcos…giải thích kín đáo qua các mạng thông tin là họ đã bám trụ vì gia đình và thuộc hạ. Họ sẵn sàng ra đi “thôi, không hy sinh vì tổ quốc dân tộc nữa”, nhưng lại phải hy sinh vì một đám sâu bọ, ký sinh trùng?
Có lẽ tôi không hiểu vì với tôi, “tự do” , không phải “quyền lực”, là hạnh phúc tối thượng. Muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói, ăn bú tè…thỏai mái, không sợ ai phê bình chỉ trích hay lập hồ sơ để trù úm. Mình mình tự phê và tự tha thứ thôi (quy trình sáng tạo này mới xuất hiện, không biết có ai đăng ký bản quyền chưa?).
Cho nên tôi nhìn về 2013 như sự khởi đầu của một hành trình mới, khám phá mới, đầy thú vị. Tôi sẽ khởi nghiệp mới, chịu đựng thử thách mới và tạo dựng những thành công mới (cũng như thất bại mới). Ở lứa tuổi trên 60, có ai muốn lên đuờng phiêu lưu cùng tôi? Hay là các bạn sẽ loay hoay suốt ngày lo chống đỡ bùa phép của các “thế lực thù địch’?
Alan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét