Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

BÀN VỀ CUỐN BÊN THẮNG CUỘC CỦA HUY ĐỨC


Trọng Đạt

January 3, 2013

Tôi mới đọc hết cuốn một, Giải Phóng, rất dầy trên internet. Tác giả viết công phu, sưu tầm được nhiều dữ kiện, phỏng vấn các nhà lãnh đạo Công sản Việt Nam, các tướng lãnh quân đội nhân dân, các nhà “cách mạng lão thành”. Về phía Việt Nam Cộng Hòa, tác giả phỏng vấn các ông cựu chuẩn tướng Nguyễn hữu Hạnh, phó thủ tướng Nguyễn văn Hảo, dân biểu Hồ ngọc Nhuận, Ngô công Đức.. phần nhiều những người còn ở trong nước.
Nhìn tổng quát
Cuốn sách bắt đầu từ ngày 30/4/1975, một khúc quành bi thảm của lịch sử miền nam nước Việt. Đối với người miền nam tác giả đã làm sống lại một phần trang sử đen tối nhất của đất nước hiền hòa này mà họ đã trải qua gần bốn mươi năm trước. Trên thực tế người ta chỉ muốn quên đi, ít người muốn nhắc lại giai đoạn đầy máu và nước mắt này.
Cuốn đầu nói về tình hình Việt Nam từ sau ngày 30/4/1975 cho tới 1993 khi quân đội CS Việt nam rút hết khỏi Cam bốt. Bên Thắng Cuộc hiện được nhiều người nói tới, kẻ khen cũng nhiều người chê cũng lắm. Bề ngoài đồ sộ, hành văn nghiêm túc nhưng nói chung toàn bộ cuốn sách cũng không khám phá và thể hiện được những sự kiện mới lạ như nhiều người mong đợi, nhất là đối với người hải ngoại, có chăng là đối với ngưởi trong nước vì cuốn sách không được phổ biến tại Việt nam.


Chúng ta đều biết những cuộc phỏng vấn các nhà lãnh đạo CS không thể lấy được những dữ kiện bí mật hoặc sự thật lịch sử, chính trị. CS Nga đã sụp đổ từ hai chục năm qua nhưng nhiều bí mật từ thời Lenine, Staline cho tới nay mới chỉ được bạch hóa một phần nào. Cuộc đại tàn sát lớn nhất trong lịch sử nhân loại do Staline ra tay trừng trị nước chư hầu Ukraine năm 1933 khiến cho bẩy triệu người chết đói thê thảm. Thế mà trang sử ghê tởm này đã được Staline dấu kín, che mắt cả thế giới suốt 70 năm mà người ta gọi là The forgotten Holocaust.
Nhiều người nói Bên Thắng Cuộc là một cuốn sách tuyên truyền, tôi không nghĩ vậy vì nay tuyên truyền coi như vứt đi, người ta đã biết tỏng ra rồi. Nó cũng không phải viết ra để phơi bầy những sự thật tại Việt Nam từ ngày 30/4/75 cho tới 1993 vì tại xứ không có tự do, con người dù là một ông đứng đầu nước không thể muốn nói gì thì nói.
Nhiều người nói đây là cuốn lịch sử Việt Nam từ 30/4/75 cho tới 1993, tôi nghĩ nó không phải là một cuốn sử vì nó ôm đồm quá nhiều lãnh vực. Cho tới nay có nhiều cách viết sử: Biên niên ký như Sử Ký của Tư Mã Thiên, thế kỷ I trước Tây Lịch hoặc Việt Nam sử lược của Trần trọng Kim, ngoài ra còn có tiểu thuyết Lịch sử như Tam Quốc Chí, Chiến Tranh Và Hòa Bình… Ngày nay người ta có thể diễn tả lịch sử bằng phim ảnh như Vietnam, a History by Television hoặc viết sử bằng lối kể chuyện lịch sử nhưng nội dung chỉ để tả những biến cố chính trị mà thôi. Trở lại cuốn Bên Thắng Cuộc vì nó chứa đựng rất nhiều lãnh vực, bao gồm cả chính trị, kinh tế, xã hội, chiến tranh, tài chính, vượt biên, đổi tiền..… trăm thứ bà rằn nên khó có thể gọi là một cuốn sử.
Mặc dù có chia chương mục nhưng Bên Thắng Cuộc cũng không thể là một cuốn sách khảo cứu vì không hội đủ điều kiện, rườm rà thiếu phương pháp khoa học như phân tích, tổng hợp, diễn dịch, qui nạp, nguyên nhân hậu quả… Vả lại một cuốn sách khảo cứu chỉ bàn về một chủ đề không ôm đồm nhiều vấn đề như vậy, chính tác giả cũng không xác nhận nó là cuốn sử hay biên khảo. Nó cũng không phải là cuốn hồi ký, tự sự vì tác giả chỉ tham khảo tài liệu, dựa vào các cuộc phỏng vấn để viết ra.
Thật không biết xếp nó vào loại sách gì, nhưng ta cứ coi nó là một cuốn sách ghi chép nhiều lãnh vực của nước Việt nam từ ngày 30/4/1975 cho tới năm 1993.
Trước hết tôi xin nói tổng quát về cuốn sách:
Gồm hai phần, 11 chương, phần I Miền Nam, Phần II Thời Lê Duẫn. Về tên sách, tác giả dùng chữ “thắng cuộc” thay vì “thắng trận” như muốn nói đây là một cuộc chơi hơn là một cuộc chiến. Trong lời mở đầu tác giả nói cuốn sách bắt đầu từ ngày 30/4/1975 ngày mà nhiều người tin là miền Bắc giải phóng miền nam, nhưng cũng có nhiều người nhìn lại suốt hơn ba mươi năm giật mình cho là bên được giải phóng lại chính là miền Bắc và tác giả nói hãy để cho các nhà chính trị, xã hội học.. nghiên cứu, ông chỉ kể lại diễn tiến lịch sử.
Tại chương 9 Xé rào đề cập tới những thất bại kinh tế như bù giá vào lương, mậu dịch quốc doanh… và kết luận kế hoạch làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa thất bại và cuộc chiến “được coi là giải phóng miền nam” đã nối nền kinh tế bị nhốt kín suốt hai mươi năm của miền Bắc với nền kinh tế thị trường của miền nam.
“Cuộc “Bắc tiến” ngoạn mục của những chiếc quạt bàn, tủ lạnh, xe máy Honda đã phần nào giải phóng tư duy cho chính những người đã lãnh đạo chiến tranh.” (Trang 311)
Tác giả kết luận “ai thắng ai”. Khi mới vào sách tác giả cho thấy miền Bắc thắng về quân sự và gần cuối cho thấy miền Nam thắng về kinh tế, ai giải phóng ai? Như thế chẳng khác nào nói trong trận đấu, trong cuộc chơi này hai bên huề nhau theo tỷ số 1-1 chứ không phải 1-0 như người ta thường nghĩ. Tác giả tránh né không muốn mất lòng bên nào.
Hành văn cũng có chỗ ly kỳ như trong Tây Hán chí, Đông Chu Liệt Quốc nhưng nhiều chỗ dài dòng không cần thiết đoạn nói về tiểu sử Pol Pot, Sihanouk vì nó không liên quan tới Việt Nam. Tác giả có vẻ khách quan nhưng tựu chung nó chỉ là một sự khách quan nhiều thiếu sót, chỉ nói lên được phần nào sự thật nhất là khi nói về miền Nam VN có thể do thiếu thông tin tài liệu, hoặc vì tránh né.
Tuy nói là chỉ kể lại diễn tiến nhưng tôi thấy ông không nói hết sự thật, hoặc không thể nói được vì còn đang ở trong nước. Trang 350 Đại hội 6 Trung ương Đảng CSVN tháng 12/1986 ba ông Lê đức Thọ, Phạm văn Đồng, Trường Chinh xin rút tên không ra ứng cử kỳ này, tác giả chỉ nói sơ xài mà tránh né những chi tiết cần nói. Hơn một năm trước đó ông Gorbachev lên làm Tổng bí thư CS Liên xô từ 11/3/85 đã thực hiện đổi mới, chẳng lẽ đảng CSVN đổi mới mà không liên hệ gì tới biến cố lớn lao này của Nga hay sao?
Khoảng hai năm sau khi VN đổi mới (1988, 89), tôi làm nhân viên văn phòng cho một công ty tư doanh nhỏ, họ tuyển chuyên gia, một ông giám đốc đã về hưu đến nạp đơn. Hôm ấy ông cán bộ này có ngồi lại tâm sự với tôi về đổi mới và cho biết lý thuyết kinh tế Marx nay không còn hợp thời. Liên xô đã đổi mới, ông Gorbachev cử một ủy viên sang VN làm đảo chính nhưng “không cho đổ máu”(nguyên văn). Hẳn ai cũng biết nếu không có bàn tay lông lá của ông anh cả Liên xô thì Trường Chinh, Lê đức Thọ, Phạm văn Đồng dễ gì mà từ bỏ quyền lực như vậy.
Các chương mục
Tôi xin đi vào các chương mục, vì cuốn sách quá dài, bài viết chỉ có giới hạn nên chỉ bàn về một số điểm cần nói. Tôi cũng xin đóng góp thêm một số ý kiến với tác giả nhất là phần nói về miền Nam VN vì tôi đã là người dân miền nam trước đây.
Tác giả mở đầu bằng Phần 1 Miền Nam, Ba mươi tháng tư, tiến quân từ bưng biền về giải phóng Sài gòn, những dữ kiện quân sự ở đây dựa vào tài liệu “Cách mạng”, nói chung không có gì mới. Sau ngày 30/4/1975 báo Sài Gòn Giải Phóng đã đăng cả năm trời những diễn tiến này từ tháng 3 cho tới cuối tháng 4/1975 do các Tướng Tá cách mạng kể lại, Tướng Văn Tiến Dũng, Đại tá Dương đình Lập, Thượng tá Trần cao Minh, Trung tá Đinh văn Thiên.. cũng đã viết lại trong các cuốn Đại Thắng Mùa Xuân, Cuộc Tiến Công Và Nổi Dậy Mùa Xuân 1975, Một Số Trận Đánh Trước Cửa Ngõ Sài Gòn…
Tác giả có viết sai vài chi tiết nhỏ như trang 22 nói sân bay Lộ Tẻ (Cần Thơ) thực ra là Trà Nóc, trang 21 nói ngày 21/4/1975 ông Thiệu triệu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm vào thông báo ông từ chức, thực ra ông Khiêm đã từ chức Thủ tướng trước đó một tuần (hôm 14/4)
Đó là cái nhìn cuộc chiến từ phía kẻ thắng, tôi xin vắn tắt kể thêm cái nhìn từ phía người thua cuộc để biết tại sao ai thắng ai: Cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ bắt đầu từ ngày 19/12/1946 tại Hà nội và chấm dứt ngày 30/4/75 tại Sài Gòn. Cách mạng đã theo đúng rập khuôn những lý thuyết quân sự Lenine như trong cuốn “Nguyên Lý Căn Bản Của Chủ Nghĩa Lénine” (do Staline viết, tôi đã đọc 1976)
Về quân sự Lenine đưa ra những nguyên tắc chính:
a- Con đường đã vạch ra là phải đi đến cùng.
b- Chủ động tấn công tiêu diệt địch.
c- Phòng ngự là con đường chết của vũ trang khởi nghĩa.
d- Đã đánh là phải thắng bằng được, địch một thì ta năm, địch hai thì ta mười
Cuộc chiến tránh Đông Dương lần thứ nhất hay tám năm khói lửa giữa Pháp-Mỹ và Việt minh -Trung Cộng tới 1954 chấm dứt. Trước đó hơn một năm, chính phủ Pháp chỉ muốn rút chân ra khỏi Đông Dương, (Henry Navarre, Agonie de l’Indochine trang 71), người ta quá chán cuộc chiến khi mà kẻ thù sẵn sàng lấy xác chết đổi chiến thắng. Từ 1955, 56 người Mỹ lại đi vào vết xe đổ của người Pháp trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai (1960-75) và rồi cũng phải tìm đường ra từ đầu thập niên 70, cả người Pháp và Mỹ phải chịu thua chiến lược “chén sành chơi chén kiểu” của “Cách mạng” trong khi Mỹ, Pháp quí trọng sinh mạng con người như vàng.
Trước khi ký Hiệp định Paris hai tháng Nixon viện trợ ồ ạt cho miền nam hơn 200 máy bay chiến đấu, 346 trực thăng đủ các loại , ba tiểu đoàn pháo binh 175 ly, hai tiểu đoàn thiết giáp (Nixon, No More Vietnam 170, 171) Miền Bắc bị thiệt hại nặng trong trận Mùa hè đỏ lửa 1972 (mất 100 ngàn quân, 700 chiến xa) và các căn cứ quân sự tại BV bị B-52 đánh phá tan nát trong trận oanh tạc cuối năm 1972. Sau khi ký Hiệp định Paris miền nam mạnh hơn miền Bắc nhiều nhưng không được phép đánh ra Bắc, người Mỹ chỉ giúp miền nam tự vệ.
Từ 1973 miền Nam bị Quốc hội Mỹ cắt giảm viện trợ mỗi năm 50% (Henry Kissinger, Years of Renewal trang 471), từ tháng 4/1974 hỏa lực giảm 70%, tháng 2/1975 đạn trong kho chỉ chỉ còn đủ đánh 30 ngày, tháng 4/1975 chỉ còn đủ đạn đánh 2 tuần (Cao văn Viên Những ngày cuối VNCH trang 92).
Miền Bắc vẫn được CS quốc tế viện trợ dồi dào, hai giai đoạn 1969-72 và 1973-75 vẫn được viện trợ khoảng 660 ngàn tấn vũ khí, đạn dược (BBCvietnamese.com 10/5/2006), viện trợ của Nga cho BV từ tháng 12/1974 đã tăng gấp 4 lần (Years of Renewal trang 481) và cuối cùng cuộc chiến đã kết thúc ngày 30/4/1975.
Miền nam thua vì “hết đạn”, đơn giản vậy thôi.
Gọi là cuộc chiến tranh giải phóng cho vui thôi chứ kỳ thật chỉ là cuộc chiến tranh xâm lược, khó mà phủ nhận được.
Nay Huy Đức coi như Bùi văn Tùng là người tiếp thu dinh Độc lập, tin tức do “Cách mạng” đưa ra không thống nhất về việc này, sau 30/4/1975 báo Sài gòn Giải Phóng nói người tiếp thu là một Đạị tá Cách mạng, một năm sau tờ báo này còn đăng hình Đại tá đó. Chuyện xe tăng vào dinh Độc lập từ 1975 đến nay có nhiều thông tin hoàn toàn khác nhau. Năm 1976 có một bài trên báo Sài Gòn Giải Phóng nói đạo quân và chiến xa từ Long An vào chiếm dinh Độc lập trước nhất, họ đăng hình những xe lội nước PT-76 ở trong sân dinh, nay thì có nhiều tin khác nhau về chuyện này.
Năm 1981, Đại Tá Bùi Tín lúc còn tại chức đã trả lời phỏng vấn một ký giả Pháp ở Hà Nội, ông cho biết chính ông đã đại diện “cách mạng” tiêp thu dinh, sự kiện được xác nhận trong video clip.
xin vào link http://www.youtube.com/watch?v=Ch0-w4GBuWY
hay vào www.youtube.com đánh bằng tiếng việt Phong van Bui tin 1981.
“Cách mạng” đã chính thức xác nhận như thế, từ đó các sách Mỹ về chiến tranh VN đều nói Bùi Tín tiếp thu dinh Độc lập nhưng từ đầu thập niên 90 khi Bùi Tín bỏ đảng (tức “bảng đỏ”) thì Cách mạng gạt bỏ Bùi Tín ra. Sau đó nhiều tin khác nhau về chuyện này, ký giả Nguyễn trần Thiết cho rằng Cao đăng Chiếm là đại diện Cách mạng tại dinh Độc lập trưa 30/4/1975, một ký giả khác nói Đại tá Nam Long. Năm 2005 một tờ báo tại Hà Nội (Thanh Niên?) mở cuộc phỏng vấn để tìm ra người tiếp thu dinh Độc Lập và đã công nhận ông Bùi văn Tùng trong vài trò này, những chuyện vừa kể người miền nam ít ai quan tâm.
Tác giả ghi lời kể của trung úy Bùi quang Thận, anh ta nhẩy từ xe tăng xuống cầm cờ giải phóng chạy vội vào cửa dinh Độc lập đâm sầm vào cửa kính lớn và ngã bò xuống đất, tác giả nói từ thuở bé anh này chưa hề biết có tấm kính lớn như vậy. Khi Đại tá Chánh văn phòng VNCH mời Thận vào thang máy để lên nóc dinh treo cờ thì anh không chịu vào, sợ bị nhốt luôn trong đó vì anh chưa bao giờ biết thang máy là cái gì. Đọc đến đây tôi không khỏi thấy xót xa trong lòng, một sĩ quan “quân đội nhân dân anh hùng” chưa hề thấy một tấm kính lớn và cái thang máy bao giờ trong khi tại Sài Gòn từ 1961(thời ông Diệm) rạp Rex đã có thang máy, từ giữa thập 60 nhiều building Sài Gòn đã có thang máy, như thế ta thử tưởng tượng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trước 1975 lạc hậu và khốn khổ như thế nào? Năm 1978 một người bạn tù nói với anh em: nếu được tha về tôi sẽ ra Bắc chơi, cứ nghe nói nó lạc hậu, mình ra xem nó lạc hậu đến cỡ nào!
Chương 2. Cải tạo.
Tôi xin góp ý thêm về chuyện cải tạo, chẳng qua nó chỉ lả sự áp dụng rập khuôn theo lý thuyết Lenine từng chữ một. Khi CS chiếm xong Sài gòn, họ thành lập “Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn Gia định” (UBQQ) do Thượng tướng Trần văn Trà làm chủ tịch, Ủy ban QQ có nghĩa là quân đội tạm thời cai trị chờ khi có chính quyền dân sự. Khoảng hơn một tháng sau ngày 30/4 (chứ không phải ngày 5/5 như tác giả viết) UBQQ đăng thông cáo của Trân văn Trà yêu cầu những đối tượng sau đây đi trình diện cải tạo: Công chức trung ương từ Chánh sở, địa phương từ trưởng ty, phó quận cho tới Tổng thống; sĩ quan cảnh sát từ thiếu tá trở lên; các thành phần đảng phái, nhân viên tình báo ra trình diện học tập tại trường Gia Long và một vài trường khác (quên tên), mang theo quần áo, lương thực.. đủ dùng trong một tháng, đây chỉ là một sự đánh lừa xảo trá.
Sau đó các sĩ quan VNCH (thiếu úy trở lên) cũng có thông cáo ra trình diện, các địa phương cũng bắt sĩ quan, công chức có chức vụ chỉ huy, viên chức xã ấp đi học tập cải tạo. Toàn bộ số người trình diện hay bị bắt được ước lượng 100 ngàn dựa theo số sĩ quan VNCH (có khoảng 90 ngàn sĩ quan VNCH và sĩ quan cảnh sát).
Sau đó họ cho xe chở hàng ngàn người lên làng cô nhi Long thành, lập lên trường học tập cải tạo do Ban lãnh đạo nhà trường quản lý. Tại đây gồm 4 khối: công chức (trung cấp và cao cấp) đông nhất; sĩ quan cảnh sát, đảng phái, nhân viên tình báo, tổng cộng trên ba ngàn người (3,000). Thời gian từ tháng 6 cho tới gần Tết (khoảng tháng1/1976) đối xử dễ chịu, cho gửi quà, tiền, có cantin bán hàng, không phải lao động, chỉ nhổ cỏ làm việc nhẹ, họ bắt đầu thanh lọc, bắt học viên kê khai quá trình.. Gần Tết họ thả về rất đông khoảng trên 500 người, đa số có thân nhân làm cán bộ bảo lãnh, những người chuyên môn, và những người lo lót, hiến vàng cho nhà nước (thực ra vào túi riêng cán bộ). Ủy ban quân quản ăn hối lộ thả nhiều nên Bộ nội vụ tại trung ương vội vã gom tù lại, những ai được về coi như thoát, ai kẹt lại lãnh đủ. Nhiều người cấp lớn (phụ tá bộ trưởng, phó tổng thư ký, tổng giám đốc.. được về rất sớm, sau này mới biết, họ được người môi giới đút tiền, vàng cho cán bộ trong UBQQ.
Khoảng hơn một năm sau ngày nhập trại, bộ nội vụ bèn gom tù lại, ra Chính sách 12 điểm, tất cả học viên thành tù hết, án phạt ba năm… do Công an quản lý, đối xử hà khắc, bắt lao động cực nhọc, giai đoạn này cho ăn đói, mỗi bữa chỉ có vài củ khoai và một hai bát bo bo… chừng hơn một năm thì chuyển tù ra Bắc gần hết chỉ giữ lại hơn 200 người (từ giám đốc trở xuống) để lo nhà bếp, họ đưa hàng mấy nghìn tù hình sự ở Bùi Gia Mập về từ đó chỉ thả rất ít, sau ba năm lại tự động tăng án.
Những người bị giam ở trong nam thì còn đỡ khổ vì có gia đình thăm nuôi vả lại miền nam khá hơn miền Bắc, những người bị đưa ra Bắc vô cùng thê thảm, đói khát, lạnh lẽo, bệnh tật, làm việc quá sức.. nhiều người chết bỏ xác miền Bắc hoặc hóa ra thân tàn ma dại. Sĩ quan cấp thiếu úy, những người quá trình nhẹ hoặc có thân nhân là cán bộ bảo lãnh phần nhiều được về trong vòng ba năm, cấp trung úy hoặc ty sở trưởng, những người có liên hệ an ninh tình báo thường là được về sau 5 hay 6 năm. Năm 1980, 81 (khoảng 5, hay 6 năm sau 30/4/75) họ thả về rất nhiều, chỉ còn lại khoảng chưa tới 20%, những người kém may mắn có thể lên tới 10, 13, 15 năm
Việc tập trung cải tạo không phải do quyết định của ông Trần văn Trà, ông Võ văn Kiệt hay Cao đăng Chiếm… mà là sự áp dụng máy móc những nguyên lý căn bản của Lenine. Trong một số sách của Lenine mà tôi được đọc sau 1975 như bộ Lenine tuyển tập (in tại Nga khoảng 800 trang), Làm gì.. có viết rất rõ về chính sách tập trung giam giữ: Lenine nói chiếm được một tỉnh, giải phóng được một nước thì dễ nhưng giữ yên được đất nước, địa phương ấy mới là khó: muốn vậy sau khi chiếm được lãnh thổ, trước hết phải tập trung giam giữ lâu dài bọn phản động, thành phần làm việc cho chế độ cũ, chỉ khi nào ổn định được xã hội, nắm vững tình hình an ninh nội chính mới thả chúng về
Ngoài ra trong bộ Lenine tuyển tập và Bản tuyên ngôn đảng CS (Manifeste du parti communiste) có nói về Vô sản lưu manh (proletaire en haillons) như sau: Bọn này gồm những tên đầu đường xó chợ, đói khát rách rưới, Vô sản lưu manh rất nguy hiểm, chúng là kẻ thù số một của chuyên chính vô sản vì dễ bị bọn phản động mua chuộc, chúng cần bị giam giữ, loại trừ.
Như đã nói trên, khoảng cuối 1976, họ đưa hơn ba nghìn (3,000) tù hình sự từ Bùi Gia Mập (Phước Long) về trại Long Thành, đa số từ 16 tuổi cho tới trên 20 gồm những tên có tiền án, trộm cắp, vô gia cư, hoặc gia đình gửi đi cải tạo. Tại Bùi Gia Mập bọn tù hình sự này bị đối xử dã man, đánh đập tàn nhẫn, cho ăn đói khát, không có thăm nuôi, số tù hình sự chết như rạ vì bệnh tật, đói khát nên họ mới chuyển về Long Thành, tuy nhiên tại đây ngày nào cũng có nhiều người chết vì bệnh cũ. Trước đây tại miền nam VN nhiều người nghèo đói tưởng mình là vô sản, là con ruột của Cách mạng, lầm chết, thực ra kẻ thù của chế độ. Vô sản chân chính được định nghĩa là những người công nhân sản xuất ra của cải vật chất chứ không phải là bọn khố rách áo ôm.
Việc giam giữ tù chính trị có hai mục đích chính: giữ an ninh và trả thù, nhiều nhà kiệt quệ vì nuôi tù, ngoài ra Sở công an Thành phố còn khuyến khích cán bộ tán tỉnh lấy vợ tù cải tạo để gia đình họ tan nát không còn ý chí chống phá cách mạng. Mục đích nữa là để lấy nhà của các phạm nhân. Các nhà lớn đều bị “Cách mạng” lấy ngay sau khi vào Sài Gòn không cần lý do, nhà của tù chính trị, sĩ quan cải tạo chỉ được để ở, khi chết hay đi nước ngoài sẽ phải trao lại cho cách mạng. Nhiều người muốn ở lâu dài phải mua lại chính căn nhà mình đang ở.
Trang 68 tác giả nói sai: “Cuối thập niên 1970 ngay cả người Sài Gòn cũng không mấy khi có gạo trắng cá tươi, cơm tù không thể nào tránh được các thiu, gạo hẩm”
Thập niên 1970 chuyện cơm trắng cá tươi đối với người miền nam chỉ là chuyện nhỏ, nhà nào chẳng có. Làm gì có cơm tù? chỉ có vài củ khoai lang, củ sắn, nửa bát boo, cả tuần may ra có được một bát cơm trắng”
Chương 3. Đánh tư sản, đổi tiền, cải tạo công thương nghiệp tư doanh, kinh tế mới…
Chương này liên quan đến kinh tế, trước hết tôi xin nói sơ về kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trên thế giới có hai nền kinh tế chính: kinh tế tự do (Anh, Pháp, Mỹ…) và kinh tế chỉ huy như (Liên Xô, Trung Cộng…) Lý thuyết kinh tế Mác xít cho rằng kinh tế tư bản đưa tới khủng hoảng vì sản xuất do tư nhân không có kế hoạch, không ước lượng nhu cầu thị trường nên sản xuất thặng dư quá nhiều. Marx chủ trương phải đưa vào kế hoạch, tập thể làm chủ. Nhà nước quản lý nền kinh tế và qui hoạch nhu cầu nên sản xuất sẽ không bị dư thừa đưa tới khủng hoảng, đó là cơ bản của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trên nguyên tắc chỉ những nước tư bản có sẵn nền công nghiệp mới tiến lên xã hội chủ nghĩa được. Sau khi Cách mạng đã làm chủ đất nước, sản xuất cá thể của chế độ cũ sẽ được thay bằng sản xuất tập thể để tiến lên “làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa”. Sản xuất tập thể sẽ không những tránh được khủng hoảng mà còn khiến cho của cải vật chất gia tăng thật nhanh, giai đoạn này gọi là xã hội chủ nghĩa, làm theo khả năng hưởng theo lao động, có bất công vì làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít.
Sản xuất tập thể khiến xã hội đạt được sản lượng lớn mà hàng hóa ê hề, tràn đầy, khi ấy không cần quyền tư hữu vì TV, quần áo, xe hơi, lúa gạo, thực phẩm đầy kho muốn xài bao nhiêu cũng được, muốn ăn bao nhiêu cũng có, làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu. Giai đoạn này gọi là Cộng sản văn minh, không còn bất công, khi ấy không những không cần quyền tư hữu mà sẽ không còn biên giới quốc gia, thế giới tiến tới Đại đồng đó gọi là Thiên đường Cộng Sản. Trên thực tế chỉ có những thằng điên mới tin được cái lý thuyết này.
Như đã nói ở trên muốn tiến lên xã hội chủ nghĩa phải trải qua thời kỳ tư bản. Việt Nam Trung Hoa là những nước nông nghiệp, nông vi bản chưa đủ điều kiện để áp dụng kinh tế xã hội chủ nghĩa, không đủ điều kiện để theo một cái lý thuyết kinh tế thổ tả thì có nhục hay không?
Trở lại miền nam VN, sau khi đã đổ bao nhiêu xương máu trong cuộc chiến này Cách mạng không chấp nhận đường lối “làm ăn cá thể” mà mà phải “tiến lên làm ăn lớn xã hội chủ nghĩa” do đó có đánh tư sản, cải tạo cộng thương nghiệp tư doanh. Kỳ thực nói nghe cho văn vẻ nhưng chỉ là để lấy nhà, cướp đoạt tài sản nhân dân, thực hiện bần cùng hóa nhân dân. Trí Dân hiện ở Tiệp Khắc, xưa là bộ đội đã tham gia chiến dịch Hồ chí Minh lịch sử, sau khi giải phóng miền nam ông hoàn toàn thất vọng vì đã bị Đảng lừa gạt, Sài Gòn quá văn minh. Dương thu Hương khi vào tới Sài gòn đã khóc và nói đây là một cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhât của lịch sử, xứ mọi rợ đánh chiếm một xứ văn minh.
Trí Dân góp ý trên diễn đàn cho biết sở dĩ Đảng phải thực hiện bần cùng hóa nhân dân làm cho miền nam tiêu điều như miền bắc để người miền bắc khỏi thất vọng khi thấy cảnh văn minh sung túc của miền nam được giải phóng. Ta thấy chính sách Cách mạng phản văn minh, phản tiến bộ là nhường nào. Những năm 1978, 79 đài BBC thường nói mặc dù bị đánh tư sản nhiều lần nhưng nay mức sống của miền Nam vẫn còn quá cao so với miền Bắc, Hà nội vẫn cố gắng hạ thấp đời sống của miền Nam xuống cho bằng miền Bắc.
Đổi tiền là cách cướp cạn hợp trắng trợn của Cách mạng đã được tác giả nhìn nhận:
“Người dân miền nam từng nghe những “luận điệu” như Việt Cộng về thì sẽ lấy kìm rút móng những ai còn sơn móng, bắt đàn bà con gái lấy thương binh. Ít ai lường được sẽ có những mũi kìm êm ái hơn như… đổi tiền.” (trang 85)
Cải tạo công thương nghiệp, ép buộc dân đi kinh tế mới trước hết là để chiếm nhà, sau 30/4 Cách mạng cũng giải phóng luôn nhiều căn hộ thành phố để lấy nhà cho những người có công với cách mạng. Cán bộ lớn ở nhà lớn, cán bộ nhỏ thì nhà nhỏ, hiện nay nhà cửa tại Sài gòn đã đổi chủ gần hết, người cũ nay còn đâu?
Chính sách kinh tế mới chỉ là sự lường gạt, đưa hàng trăm nghìn người lên những vùng đồi núi khô cằn như sỏi đá, không có một tí kế hoạch nào khác hẳn chính sách dinh điền dưới thời ông Diệm 1955, 56… đã biến đất hoang thành những khu trù mật. Mấy năm sau 30/4 hàng ngàn, vạn người đi kinh tế mới trở về thành phố trắng tay, mất hết cơ ngơi, tài sản, vô gia cư, lang thang đầu đường xó chợ. Chính sách cải tạo công thương nghiệp, cải tạo kinh tế miền nam thất bại hoàn toàn vì không thể đem áp dụng một lý thuyết kinh tế bán khai, mọi rợ vào một xã hội văn minh sung túc.
Trong phần nói về đánh tư sản, trang 98, 102… tác giả kể lại một giai thoại hay về nhân vật huyền thoại Lý Mỹ, cô học sinh lớp 12 người việt gốc Hoa, gia đình tư sản. Lý Mỹ sớm giác ngộ cách mạng, được kết nạp vào đoàn thanh niên CS năm 1978 , quá nhiệt tình với Cách mạng cô đã dẫn các đoàn viên về nhà chỉ chỗ cha mẹ mình cất dấu tài sản và được báo chí ca ngợi “Lý Mỹ đã hòa mình trong ngọn lửa triều thời đại ấy”. Khi nhà nước cho người Hoa đi bán chính thưc, Lý Mỹ đã tình nguyện ở lại với Cách mạng, cô được Thành ủy ca ngợi như một thần tượng của đoàn thanh niên CS. Cha mẹ cô vượt biên bị bắt, người ta tịch thu nhà mặc dù cô là nhân vật “điển hình”, thần tượng của đoàn thanh niên CS
“Nó xẩy ra trắng trợn và quá mau lẹ, Lý Mỹ cắn răng đi tìm đồ đạc thì hầu như trong nhà không còn gì quí giá.” (trang 130)
Người ta đã lột sạch…căn nhà cô trước là một cửa hàng bách hóa lớn và sang trọng giờ đây tan hoang…Giai thoại thật hay, chua chát, có lẽ nó là giai thoại ly kỳ nhất của cuốn sách.
Chương 4 Nạn Kiều.
Tôi xin góp ý thêm về chính sách cho đi bán chính thức. Sau 1975 chính quyền CSVN và CS Trung Hoa bắt đầu rạn nứt dần đi tới chỗ thù nghịch. Hà nội bắt đầu tìm cách tống cố người Việt gốc Hoa đi để trừ hậu họa và cũng là để cướp nhà, lấy vàng, lấy tài sản của họ. Tại miền nam các tỉnh và Sài Gòn cho tổ chức đi bán chính thức bằng tầu vượt biên. Họ lập danh sách những người Việt gốc Hoa xin đi bán chính thức, mỗi người phải đóng 8 lượng vàng (tức 8 cây), đó là một số tiền rất lớn. Sau 1975 vàng trị giá cao, một lượng có thể nuôi một nhà ba người trong một năm, chỉ những nhà giầu mới đi được, cũng có một số người Việt tham gia nhưng phải khai tên giả (tên Tầu).
Các tỉnh miền Nam Rạch giá, Bạc Liêu, Sóc Trăng .. là nơi người Hoa đi nhiều, họ đóng nhiều tầu lớn đậu trên các sông để chở khách, tầu có thể chứa hàng trăm người. Vì số người ra đi quá đông, tầu đóng vội vã, gỗ không đủ bảo đảm nên nhiều tầu ra khơi bị lủng, bể chìm chết rất nhiều. Theo lời dân địa phương ở Bạc Liêu kể lại những năm 1977, 78, thời kỳ cho đi bán chính thức dân vượt biên chết như rạ. Thí dụ tại cửa Đại Ngãi, một chiếc tầu bị mắc cồn cát, khi nước lên khiến hàng trăm người chết, xác trôi vào đầy trong bờ, chỉ có một số ít sống sót. Những tầu này bị hải tặc Thái lan bị cướp bóc hãm hiếp dữ dội, hải tặc thích săn tầu vượt biên vì cướp được nhiều vàng.
Một thời gian sau, chính sách cho đi bán chính thức bị bãi bỏ, những tầu đóng sẵn vẫn còn nằm chình ình trên những con sông tại các thành phố Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ. Các tỉnh lấy vàng để tự túc nhưng phần nhiều vào túi cán bộ, đảng viên bất kể sinh mạng của người dân. Có người trước ở Rạch Giá cho biết Nguyễn Tấn Dũng hồi đó là cán bộ cấp lớn tại địa phương này là người đứng ra tổ chức việc cho đi bán chính thức để lấy vàng.
Tác giả nói tổng số nạn nhân lên tới 902 ngươi, có 9 tầu bị nạn tại Đồng Nai, Bến Tre, Sông Bé, Tiền Giang, Long an, Sài Gòn..nhưng con số người chết trong đợt này cao hơn nhiều, chắc phải hàng mấy nghìn người hoặc hơn thế.
Chương 5. Chiến tranh.
Trong trận chiến biên giới Việt Hoa (trang 170), tác giả nói bắt đầu sáng 17/2/79 Tầu đỏ tập trung 450 ngàn quân, chín quân đoàn chủ lực, xử dụng 200 ngàn quân trong ngày tấn công đầu tiên 17/2 . CSVN bị đánh bất ngờ. Không thấy nói lực lượng VN tham chiến là bao nhiêu sư đoàn, bao nhiêu người mà chỉ thấy nói một vài tiểu đoàn. Trận đánh kéo dài khoảng hai tuần lễ cho tới đâu tháng 3, Trung Cộng thiệt hại khoảng 25 ngàn, bị thương 37 ngàn, phí tổn 5,5 tỷ nhân dân tệ, bằng một phần tư ngân sách (22,3 tỷ). VN đánh thắng Trung Cộng với một lực lượng địa phương nhỏ hơn nhiều (không thấy nói ta thiệt hại bao nhiêu). Mấy năm trước tôi có được đọc một số bài của phía Trung Cộng viết, họ nói phía VN bị thiệt hại nặng, xác chết đầy cả ra trên chiến địa trong cuộc chiến này.
Tác giả mô tả trận chiến không mạch lạc và khó hiểu. CSVN với một lực lượng nhỏ có thể đánh bại một đạo quân quá đông lại tinh nhuệ nhưng đánh bại như thê nào? Một trận đánh có hai tuần lễ mà Trung cộng phải tốn một phần tư ngân sách thì thật quá đáng. Tác giả nói VN bị bất ngờ, nhưng tôi nhớ năm 1978, 79 báo Sài Gòn Giải phóng hàng ngày đều đã loan tin Trung quốc tăng cường khiêu khích biên giới như thế không thể nói là không biết trước.
Trong tất cả các cuộc chiến tranh với Thực dân, Mỹ Ngụy, Trung Cộng, trận nào “Cách mạng” cũng thắng lớn cả, từ Mậu Thân, Hạ Lào, Mùa hè đỏ lửa, trận Điện biên phủ trên không Giáng sinh 1972 … cứ thấy toàn là thắng lợi cả. Thắng trận chẳng hay ho gì, thắng trận mà khiến miền Bắc tan tành, miền Nam tiêu điều, hàng triệu thanh niên miền Bắc mất mạng. Từ ngày CSVN cướp chính quyền 1945 đến 1992 không lúc nào là ngớt chiến tranh, hết chống Thực dân, Đế quốc cuối cùng là cuộc chiến giữa các chế độ CS, nó đã khiến người dân chán ngấy đến tận cổ.
Chương 6 Vượt biên.
Xin bổ túc thêm với tác giả vì tôi là người trong cuộc. Sau 1975 miền Bắc thất vọng vì thấy miền nam quá văn minh sung túc so với họ, người miền nam thì tuyệt vọng, không thấy một tia ánh sáng nào. Làm công nhân viên lương chết đói không đủ sống nhưng để khỏi phải đi kinh tế mới. Năm 1980, chúng tôi ở tù về gặp họ hàng, bạn bè chỉ thấy toàn là chuyện thúi ruột, một cô em họ nói: đi thì may ra còn sống được, ở lại rồi cũng chết đói. Một bà mẹ có con vượt biên bị giam mấy năm nay than: Sống thế này thì cũng như chết rồi.
Sở dĩ tôi nói miền nam tuyệt vọng vì không còn đường sống, hoặc chỉ trông vào tiền, quà ở ngoại quốc gửi về hay bán đồ đạc, quí kim ăn dần. Buốn bán thường lỗ vốn, bán một, hai lượng vàng để mở quán, sập ngoài chợ nhưng khi thu lại không mua nổi số vàng đã bán ra vì vàng lên giá nhanh, bởi vậy chẳng thà để vàng bán ăn dần hơn là làm vốn kinh doanh.
Những gia đình liên hệ chính trị, ngụy quân, ngụy quyền bị kỳ thị, con cái rất khó xin việc hoặc vào các trường cao đẳng. Những gia đình liên hệ chế độ cũ bị trả thù, theo dõi nhất là tại các tỉnh địa phương. Những người tìm đường đi vừa vì kinh tế và vì cả chính trị, vả lại người dân đã quen sống tự do, không thích hợp với môi trường của chế độ độc tài. Làm ăn đã khó lại hay bị địa phương nhũng nhiễu, làm tiền. Hối lộ tràn lan, cái gì cũng phải mất tiền.
Tuy nhiên đi vượt biên không phải là chuyện dễ mà vô cùng gian nan, trầy da tróc vẩy. Trước hết phải có vàng , có tiền, chỉ những nhà khá giả giầu có mới đủ điều kiện đi vượt biên, tiền đóng cho tổ chức rẻ nhất một lượng vàng (cây), một số tiền rất lớn. Những chỗ rẻ không bảo đảm, hay bị lừa, thường những chỗ ba hay bốn cây bảo đảm hơn. Có nhiều người xuống vùng ven biển đóng ghe tự tổ chức lấy, có tổ chức mua bãi tức lo lót cho công an địa phương tốn kém hơn nhưng khi lên ghe, tầu dễ hơn, những tổ chức nghèo phải trốn tránh khó khăn.
Công an vừa ăn tiền của tổ chức lại hay gửi người của họ xuống tầu. Chỉ có một số rất ít những người đi một lần đầu thoát ngay, thường là năm ba lần trở lên, có người đi mười lần, mười lăm lần, thậm chí hai mươi lần mới thoát. Có người đi hàng chục lần không thoát, tan gia bại sản vì vượt biên, nhà bị chính quyền tịch thu, lang thang đâu đường xó chợ. Có trường hơp ra khơi bị bắt, bị gió bảo dạt vào bờ. Có nhiều trường hợp bị lừa, lường gạt quá nhiều, tới 70%, cuộc sống gian khổ người ta lại đạp lên đầu nhau mà sống. Số người chết do Liên hiệp quốc ước lượng khoảng từ một trăm ngàn tới vài trăm ngàn nhưng không hoàn toàn chính xác. Nhiều tầu bị gặp bão, hoặc bị hải tặc cướp rồi đâm chìm tầu để phi tang, có khi bị chính quyền các nước kéo ra khơi dã man. Trong số các nước láng giềng thì Thái Lan và Mã lai đối xử với thuyền nhân tồi tệ dã man nhất, Phi luật Tân,Nam Dương nhân đạo hơn.
Ngoài ra phải kể thêm những người chết trong bờ hay ngoài cửa biển vì lằn đạn của du kích, công an biên phòng. Giữa năm 1981, trong một lần vượt biên tại Bạc liêu, vào lúc khuya trời tối mù mịt, chúng tôi ngồi trên chiếc ghe nhỏ chờ tầu thì một chiếc tầu lớn thuộc tổ chức khác chạy ào ào ra cửa biển Đại ngãi. Khi ấy du kích mai phục trên bờ, hàng mấy chục tay súng bắn như mưa vào chiếc tầu gỗ. Sáng hôm sau, chúng tôi bị bắt được biết nhiều người bị bắn chết tối qua, một ghe chở đầy xác chết đi về huyện.
Một ông trưởng ấp tử tế cho chúng tôi biết đi vượt biên rất nguy hiểm, nếu xui gặp tầu công an biên phòng nó cướp vàng và còn bắn chìm tầu bằng đại liên 12 ly 7 để phi tang. Người mình đối với nhau còn dã man như vậy thì còn trách gì Thái Lan, Mã Lai. Nhiều tầu gặp tầu các nước ở hải phận quốc tế nhưng không được vớt vì họ tránh trách nhiệm.
Vượt biên khởi đầu từ 1977, 78 những năm79, 80.. 81, 82 là thời kỳ cao điểm, số người vượt biên bị bắt giam trên toàn quốc có tới hàng mấy chục ngàn, có trại chỉ giam năm bẩy tháng, có trại giam mấy năm như các trại ngoài trung. Trưởng trại ăn hối lộ công khai, ai lo tiền, vàng được về ngay trước mặt mọi người. Các trại vượt biên đa số trấn lột thuyền nhân bị bắt, cướp vàng bạc, tư trang, có khi đánh đập họ tàn nhẫn. Các tỉnh miền nam có vượt biên nhiều nhất là Rạch giá, Cà Mâu, Sóc Trăng, Bặc Liệu.. họ đi sang phía Thái Lan, Nam Dương. Ngoài trung Nha Trang, Đà Nẵng thường sang Phi luật Tân hay Hồng Kông. Thuyền nhân vừa là nạn nhân của hải tặc, chính quyền Thái Lan, Mã Lai và của cả công an, chính quyền địa phương CSVN.
Sau khi CSVN chiếm Cam bốt, có nhiều tổ chức dẫn người đi bằng đường bộ qua biên giới Thái Lan. Những tổ chức này của bộ đội, giá cả tương đương đường biển nhưng có phần gian nguy ghê sợ hơn nhiều. Qua biên giới Thái Miên gặp bộ đội CSVN cũng chết, mà gặp lính Miên lính Thái cũng nguy, số người thoát cũng có, bị bắn chết, cướp bóc hãm hiếp cũng nhiều, con đường đi vượt biên chẳng qua chỉ là địa ngục.
Sau ngày 30/4/1975 người ta tưởng hòa bình rồi, sẽ không còn cảnh chết chóc nhưng ai dè đâu, mấy năm sau biết bao gia đình mất người, mất của tại biển đông. Chính quyền CSVN dửng dưng trước cảnh đồng bào chết chìm, chết bắn giữa biển cả mênh mông, họ mong cho nhân dân chết bớt đi cho đỡ phải nuôi hàng triệu miệng ăn.
Chương 8 Thống nhất.
Trang 244 tác giả nói ngày 20/12/1960 Đảng thành lập Mặt trận giải phóng miền nam.
“Ảnh hưởng của Mặt trận có vẻ như tăng hơn khi lôi kéo được nhiều trí thức có uy tín bỏ Sài Gòn ra chiến khu”
Hoàn toàn sai, số người theo Mặt trận chỉ có một số rât ít gồm những người bất mãn, những người có thân nhân VC móc nối, ngoài ra những người trong bưng thì hầu hết theo vì sợ, vì áp lực. Từ 1945 đến nay, những người theo CS phải nói 90% là vì sợ, sợ bị cho đi mò tôm.
Trang 250 tác giả nói Hội nghi hiệp thương thống nhất hai miền được tổ chức từ 15 đến 21/11/75 tại dinh Độc Lập, trưởng đoàn CSBV là Trường Chinh, trưởng đoàn miền nam Phạm Hùng, ông này ủy viên trung ương đảng cũng là CSBV. Đúng12 giờ ngày 21/11/75 hội nghị kêt thúc, hai miền là một.
“Cuộc lánh nạn của của những người di cư, vì thế, chỉ có giá trị hai mươi năm. Những gì mà họ lo sợ bỏ chạy hồi năm 1954, sau ngày 30/4 lại ở ngay trước mặt”
Câu này thì tác giả nói đúng quá, năm 1954 dân Bắc Kỳ di cư chạy trốn “Bác và đảng” nay lại gặp thấy “Bác và đảng”, rầu thúi ruột thúi gan.
Đảng đưa 300 ngàn quân chính qui nuốt trọn miền Nam rồi dựng lên cái chính phủ bù nhìn Cộng Hòa miền nam VN. Sau đó hiệp thương thống nhất hai miền theo lời Bác, diễu hết chỗ nói, trò hề rẻ tiền nhất thế giới.
Trên thế giới sau thế chiến thứ hai có hai nước bị chia đôi là Đức và Triều tiên, năm 1954 ViệtNam cũng bị chia đôi. Năm 1990 Đông Đức sáp nhập vào Tây Đức, thống nhất trong hòa bình. Hơn mười năm sau, tôi có đọc một bài báo viết về thống nhất nước Đức, nó cho thấy trên thực tế vẫn là hai nước, một bên văn minh, một bên vẫn lạc hậu. Người Tây Đức than thở phải gánh cái của nợ Đông Đức, đúng là cái của nợ, họ than nó vừa ngu vừa lười, đủ thứ thói hư tật xấu, thế mà trước đây thế giới đỏ khen lấy khen để Đông Đức văn minh nhất.
Nay Nam Hàn không muốn thống nhất với Bắc Hàn dù là trong hòa bình vì họ trông cái gương nước Đức, người Nam Hàn không muốn sống chung với anh nghèo đói miền Bắc vì họ sẽ phải nai lưng nuôi cái của nợ này. Miền nam VN trước 1975 có mức sống cao hơn miền Bắc cũng không muốn thống nhất với miền Bắc dù là trong hòa bình y như thực trạng của Nam Hàn với Bắc Hàn bây giờ, huống hồ là thống nhất trong sự áp bức của miền Bắc.
Chương 10. Đổi mới, sự thực nói là đổi mới cho đỡ nhục, đỡ xấu hổ, đổi mới nói trắng ra là bỏ xã hội chủ nghĩa theo tư bản chủ nghĩa. Làm đổ bao nhiêu xương máu của cả hai miên Nam Bắc để tiến lên xã hội chủ nghĩa, nay thấy xã hội chủ nghĩa sai và chuyển sang tư bản thì biết ăn nói sao với nhân dân bây giờ.
Từ trang 339 tới trang 353 tác giả nói ông Trường Chinh là người đầu tiên khởi xướng đổi mới kinh tế, tháng 11/1986 ông đại diện cho đảng sang Moscow trình diện ông anh cả Gorbachev để xin cho VN đổi mới và được chấp thuận. Gorbachev còn khen VN đi xa hơn Nga trong tinh thần này.
Ngày 15/12/1986 trong kỳ Đại hội 6 này ba ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ xin rút tên không ra ứng cử, trên TV ông Trường Chinh tuyên bố cho cả nước biết ông và Phạm văn Đồng, Lê Đức Thọ xin rút tên ra ứng cử chức Tổng bí thư. Ngày 15/12/1986 Nguyễn văn Linh được bầu làm Tổng bí Thư gọi là TBT đổi mới.
Như đã nói trên, năm 1989 tôi có được tiếp xúc với một ông cán bộ, giám đốc về hưu cho biết năm 1986, Gorbachev cử người sang Hà nội làm đảo chính “nhưng không cho đổ máu”, hư thực không rõ nhưng người dân đều nghĩ Liên Sô buộc CSVN phải đổi mới. Chuyện đổi mới hay nói khác đi là theo kinh tế tư bản là chuyện tất nhiên, muốn chết đói thi cứ tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa.

Kết luận
Nhìn chung tác giả có khuynh hướng đánh giá thấp kinh tế xã hội chủ nghĩa, Bên Thắng Cuộc nghiêng về kinh tế hơn là chính trị. Cuốn sách hiện được phổ biến ở hải ngoại nhưng không được phổ biến tại VN, nhiều người trong nước muốn được đọc nhất là thế hệ trẻ, đối với hải ngoại thì cũng không lấy gì làm lạ cho lắm. Theo ý kiến của một số người trong nước, cuốn sách cho thấy sự sai lầm của giới lãnh đạo CS sau ngày 30/4, họ đã bỏ lỡ cơ hội áp dụng kinh tế thị trường để cứu vãn tình hình suy sụp của đất nước .
Trước thế chiến thứ hai chỉ có một mình nước Nga theo Cộng sản từ 1917 tới 1945, Staline chủ trương chỉ áp dụng xã hội chủ nghĩa tại Nga trước đã, trái với Trosky, đối thủ Staline chủ trương tiến lên vô sản toàn thế giới. Trosky trốn sang Mễ Tây Cơ bị Staline cho người theo giết năm 1940. Năm 1945 Sô viết đánh Đức quốc xã rồi tràn qua Đông Âu lập nên một lô các nước CS tại đây. Bên Á châu, Sô viết đánh Nhật chiếm Mãn châu, Mông Cổ, Bắc Hàn dựng thêm vài nước CS và giúp Mao nhuộm đỏ Trung hoa. Tính tới 1975 trên thế giới có 17 nước xã hội chủ nghĩa nhưng nay rơi, rớt, rụng dần chỉ còn vài nước đếm trên đầu ngón tay. Nếu không có Thế chiến thứ hai thì chỉ có một mình nước Nga theo CS và bây giờ chế độ CS đã bị xoá tên
Từ đổi mới năm 1986 dẫn tới một cuộc cách mạng lớn tại Đông Âu đầu thập niên 90, trái ngược với cuộc cách mạng vô sản “nong trời nở đất” 1917. Các nước CS Đông Âu, Liên xô lần lượt bỏ chế độ Cộng sản trở lại chế độ tư bản của họ trước đây từ những năm 1945, 1917.
Nay le que còn sót vài nước CS đang ráng sức quay ngược bánh xe lịch sử được tí nào hay tí nấy. Ngạn ngữ ca dao bình dân thường nói:
“Khôn tới mấy cũng không ai khôn hơn được ông Trời”
Trọng Đạt
Viết xong đêm giao thừa 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét