Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

CHUYỆN NHỎ HAY LỚN?


January 8, 2013 By Alan Phan

Theo Sina Online, Trung Quốc đang bắt đầu thảo luận với các đảng không Cộng Sản cũng như đã phát động một chiến dịch PR mới về hình ảnh cho các tân lãnh tụ. Không một phân tích gia chính trị nào lại ngây thơ cho rằng Tập Cận Bình sắp là một Boris Yeltsin của Trung Quốc; nhưng lịch sử cũng đầy những bất ngờ thú vị mà ít người có thể dự đoán chính xác. Tuy nhiên, những dấu hiệu nhỏ nhoi này có thể là một “dạo khúc” cho một bài trường ca thay đổi cả lịch sử nhân loại. Khi Đặng Tiểu Bình quay lại Bắc Kinh và tụ họp đàn em để lật đổ “tứ nhân bang” do vợ Mao Trạch Đông cầm đầu, ít người có thể mường tượng một biển dâu cho xã hội Trung Quốc chỉ 10 năm sau đó.
Tình thế tuyệt vọng về kinh tế đã đưa Gorbachev lên nắm quyền để đế chế Xô Viết “tự diễn biến” vào 1989. Lần này, nhiều người tiên đoán mâu thuẫn và bất ổn xã hội sẽ buộc các tân lãnh tụ Trung Quốc phải hay đổi sâu xa cơ chế chánh trị để kinh tế tiếp tục khởi sắc và thỏa mãn nhu cầu an sinh của lớp trẻ. Thực ra, ngoài một vỏ bọc dưới danh nghĩa “xã hội chủ nghĩa dân tộc” để tiếp tục nắm quyền, đảng cộng sản Trung Quốc đang điều hành một nền kinh tế “tư bản’hơn cả đàn anh Mỹ. Chỉ khác một chỗ là “tư bản thân hữu tập quyền của thiểu số” thay vì “tư bản thị trường cho đại chúng”. Sự cách biệt này không sâu rộng lắm và tôi cho rằng 2 nhiệm kỳ của Tập Cận Bình có thể lấp đi đến 70 phần trăm hố ngăn.
Nhiều người nghĩ là tôi bi quan thái quá khi đánh giá tương lai của nền kinh tế Việt. Thực ra, tôi đang rất lạc quan. Chu kỳ của lịch sử sắp đi vào một cơn lốc mới và tôi hy vọng là những dấu hiệu từ Trung Quốc cho thấy một vận chuyển “lớn” của tình hình châu Á. Vở kịch cũ quá dở và màn sắp hạ vì khán giả đã bỏ đi gần hết. Tôi sẽ nán lại đây ít lâu đợi màn kịch mới. Hy vọng các diễn viên, kịch bản và đạo diễn mới sẽ cống hiến một tác phẩm “ngon lành” hơn.
Alan Phan
Bài của Sina Online:
Chính trường Trung Quốc đang báo hiệu những chuyển thay lớn. Tân lãnh tụ Tập Cận Bình vừa mới tuyên bố rằng đảng Cộng sản sẵn sàng và cam kết sẽ làm việc chung với các đảng phái khác, theo tinh thần đa đảng, đồng thời ủng hộ ý kiến để các đảng khác (không phải Cộng sản) giữ một vai trò quan trọng trong chính quyền.
Bản tin của Tân Hoa Xã nói là ông Tập hứa hẹn và cam kết tham khảo ý kiến cũng như lắng nghe các đề nghị từ các đảng phái khác với mục tiêu để đảng Cộng sản có thể phục vụ dân chúng hữu hiệu hơn.
Ngay sau khi lên nắm quyền tối thượng với vai trò Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước và Chủ tịch quân ủy trung ương, ông Tập đã tiếp kiến các tân lãnh tụ của 8 đảng ngoài Cộng sản. Điều đặc biệt là 8 đảng phái này đều là những người hết lòng ủng hộ đảng Cộng sản, và được nhà nước cấp phép hoạt động công khai.
Ở một động thái khác, ông Tập cùng thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đang muốn cải thiện, tạo dựng một hình ảnh khác theo hướng gần gũi, thân thiện với người dân.
Hình chụp các nhà lãnh đạo trong Ban thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực của Trung Quốc được đưa trên các mặt báo những ngày gần đây rõ ràng nhằm tạo dựng một hình ảnh khác theo hướng thân thiện với dân chúng.
Đó là bức ảnh ông Tập Cận Bình, nhân vật đứng đầu, người quyền lực nhất Trung Quốc bình dị đèo con gái thư thái trên một chiếc xe đạp.














Đó là bức ảnh Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhân vật quyền lực thứ hai trong Bộ Chính trị, người được mô tả là một nhân vật biết “đặt nhân dân lên trên hết” ngồi xổm nở nụ cười tự nhiên thoải mái một cách thân thiện bên những lão nông mình trần cạnh bức tường gạch nham nhở. Rồi những cảnh ông Lý đang bắt tay các thợ mỏ và ăn mì ăn liền khi kiểm tra công tác cứu hộ thảm họa… (theo BBC)













Trước đó không lâu, Trung Quốc cũng đã ban hành một sắc lệnh “không hoa, không quà, không thảm đỏ cho lãnh đạo”. Băngrôn, thảm đỏ, hoa, phong tỏa đường phố, tặng quà kỷ niệm trong các chuyến thăm của lãnh đạo… sẽ nằm trong danh sách bị hạn chế. Các quan chức quân đội cũng buộc phải nói “không” với các loại rượu đắt tiền và tiệc tùng xa hoa. Thay vào đó, họ sẽ buộc phải dùng các bữa ăn tự chọn đơn giản, bình dân. Vừa mới tháng 7/2012, Trung Quốc đã ra lệnh cấm đưa món súp vi cá mập vào các bữa tiệc chiêu đãi quan chức.
Theo bản qui định “15 điều” do chính quyền thủ đô Bắc Kinh ban hành yêu cầu quan chức lãnh đạo phải hạn chế các hội nghị tốn kém, giảm số người tháp tùng, đơn giản hóa việc tiếp đón. Dẹp bỏ các bài báo ca tụng lãnh đạo hoặc đưa tin về các buổi triển lãm, cắt băng khánh thành và các hoạt động, nghi lễ khác. Thậm chí còn qui định rất cụ thể, khắt khe rằng một bản tin quan trọng không vượt quá 800 chữ, thời gian phát sóng trên truyền hình không được vượt quá 1 phút.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét