Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

HÒA ĐÀM PARIS 1968

Hòa đàm Paris 1968: Trò chơi hai cấp độ?

https://docs.google.com/file/d/1Bi79VxnucdoENRHb57IHidNsRw2xdUMVWZB3CrkNB9nJYieyxjBFGXEPvhVg/edit

Tác giả: David Milne

http://www.uea.ac.uk/politics-international-media/People/Academic/David+Milne

• David Milne là một giảng viên cao cấp về Lịch sử Chính trị Mỹ tại Đại học Đông Anglia. Ông là một thành viên Fox International tại Đại học Yale năm 2003, một thành viên cấp cao của Viện Gilder-Lehrman về Lịch sử Mỹ, New York City, năm 2005, và ông có tư cách hội viên tại Hiệp hội Triết học Mỹ, Philadelphia, năm 2008. Chuyên khảo đầu tiên của ông, "Rusputin của Mỹ: Walt Rostow và Cuộc chiến Việt Nam" đã được Hill and Wang xuất bản năm 2008. Hiện nay ông đang viết cuốn sách thứ 2, tựa đề tạm thời là Thuyết duy lý trí trong Ngoại giao Mỹ (Intellectualism in American Diplomacy), cho Farrar Straus and Giroux. Tác phẩm của ông đã xuất hiện trên Tạp chí Lịch sử Quân sự, International Affair, The Nation, và the Los Angeles Times.

Nhìn lại Hòa đàm Paris, cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara cho rằng, "mức độ các cơ hội bị bỏ lỡ thực sự là không thể tin được."

LTS: 40 năm đã trôi qua kể từ ngày chúng ta kết thúc đàm phán tại Hội nghị Paris, với việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Nhìn lại chặng đường đàm phán kéo dài và căng thẳng ấy, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam từng nêu câu hỏi, liệu đã bao giờ chúng ta bỏ lỡ cơ hội đàm phàn, kết thúc chiến tranh. Đến nay, nhiều tài liệu mật vẫn chưa được giải mã để có câu trả lời.
Từ phía Mỹ, đã có nhiều nỗ lực đi tìm lời giải cho chuyện, có hay không việc bỏ lỡ cơ hội này. Nhân kỉ niệm 40 năm hòa đàm Paris, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu một trong những nghiên cứu như vậy, như một góc nhìn tham khảo.




Phần 1:
Một khía cạnh quan trọng của sự chuyển đổi Robert S. McNamara quá cố từ một Hàn Chiến Binh (Cold Warrior) tự tin sang một người chỉ trích chính sách ngoại giao bành trướng của Mỹ là trong những năm 1990 ông mong muốn tìm hiểu thời đại Chiến tranh Việt Nam về "các cơ hội bị bỏ lỡ" vốn đã có thể đã ngăn Mỹ và Việt Nam khỏi cuộc xung đột tàn khốc.
Trong Tranh cãi không hồi kết (Argument Without End), vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng cho rằng "Có [. . .] những cơ hội hoặc là đã tránh được chiến tranh trước khi nó bắt đầu, hoặc là đã dập tắt nó từ rất lâu trước khi nó diễn ra".
Theo đánh giá của McNamara, việc Mỹ và Bắc Việt không đạt được một thỏa thuận hòa bình có thể chấp nhận được nhau là một trong những thất bại lớn của các mối quan hệ quốc tế thời hậu chiến. Với một nhóm các nhà ngoại giao kỳ cựu, và các viện sĩ ở Mỹ, McNamara đã bàn đến một số sáng kiến hòa bình bên thứ ba với những người đồng nhiệm của Bắc Việt, trong đó có những vật có uy tín lớn như Tướng Võ Nguyên Giáp và Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Trần Quang Cơ.
Trong 6 cuộc họp được tổ chức tại Hà Nội từ tháng 11/1995 đến tháng 2/1998, các bên tham dự đã thảo luận những gì trở nên sai lầm và tìm cách xác định liệu một nền hòa bình đáng tin cậy là có thể trong những năm Johnson. Ngạc nhiên trước mức tiếp thu mà Bắc Việt Nam khẳng định đối với các cuộc đàm phán, McNamara kết luận rằng "mức độ các cơ hội bị bỏ lỡ thực sự là không thể tin được [. . .] , có rất nhiều cơ hội tiến tới một thỏa thuận thông qua đàm phán về cuộc chiến tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 5/1965 đến tháng 10/1967 đã bị bỏ lỡ.'
Vì nhiệm kỳ của McNamara tại Lầu năm Góc kết thúc vào ngày 1/2/1968, Tranh cãi Không Hồi kết không phân tích các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Bắc Việt tại Paris từ tháng 5/1968. Đây là một sự bỏ sót đáng tiếc về các sáng kiến bên thứ ba - còn được biết đến bởi các mật danh MAYFLOWER (Tháng 4-5/1965), XYZ (5-9/1965), PINTA (Tháng 12/1965-tháng 1/1966), MARIGOLD (6-12/1966), SUNFLOWER (1-2/1967) và PENNSYLVANIA (6-10/1967) - căn cứ vào những hoạt động phía sau sân khấu và tất cả có rất ít cơ hội thành công.

Trái lại, các cuộc đàm phán song phương ở Paris từ tháng 5/1968 tới tháng 1/1969 mang lại cho Tổng thống Johnson một cơ hội chắc chắn để kết thúc cuộc chiến: Johnson đã tự loại mình khỏi cuộc chạy đua tổng thống, việc đảm bảo một nền hòa bình thỏa hiệp sẽ thúc đẩy các triển vọng bầu cử của đảng Dân chủ, và rất ít cố vấn cho chính quyền (cả bên trong và bên ngoài) vào thời điểm đó coi "chiến thắng" ở Việt Nam là một khả năng có ý nghĩa.
Nhiều sử gia quốc tế - chẳng hạn như George Herring, Lloyd Gardner và Robert Schulzinger - đã nghiên cứu quãng thời gian quan trọng này như một phần của các dự án sách rộng hơn. Nhưng chỉ có một bài báo hoặc một chương sách phân tích các cuộc đàm phán hòa bình Paris một cách trọn vẹn: Tiểu luận của Herbert Schandler mang tựa đề "Lầu Năm Góc và Các cuộc đàm phán Hòa bình sau ngày 31/3/1968".
Tuy nhiên, tác giả không tham khảo hai nguồn quan trọng đầu tiên: Tài liệu của Cố vấn an ninh quốc gia Walt Rostow tại Thư viện Lyndon Baines Johnson ở Austin, Texas và tài liệu của nhà Đàm phán trưởng W. Averell Harriman tại thư viện Quốc hội ở Washington DC. Hai nhân vật có ảnh hưởng này bất hòa với nhau trong giai đoạn đó, và sự sụp đổ của các nỗ lực của Harriman ở Paris có thể bị quy cho bầu không khí bất thuận lợi ở Washington mà các nhân vật diều hâu như Rostow đã cố hết sức để tạo ra.
Nhưng có nhiều hơn thế trong câu chuyện này, chứ không chỉ sự đấu đá nội bộ đã được phân tích bởi nhiều học giả, chẳng hạn như Graham Allison. Trong một cuộc hội thoại kín hồi tháng 9/1968, Harriman hỏi Bộ Trưởng Quốc phòng Clark Cliford "một cách thẳng thắn, liệu ông có cảm thấy Tổng thống ước được chứng kiến [Phó Tổng thống] Humphrey bị hạ gục [trong cuộc bầu cử Tổng thống] hay không". Sau khi ngừng một lát để dự liệu phản ứng của mình, Cliford trả lời rằng "Nếu ông nhất trí là chuyện này chỉ giữa ông và tôi thì tôi tin rằng ông đã đúng: Tổng thống muốn chứng kiến ông ấy bị đánh bại".
Bực bội bởi sự thiếu quan tâm của Tổng thống Johnson đối với các cuộc đàm phán ở Paris, cả hai người dự đoán rằng, trước tiên, Tổng thống muốn để lại việc kiến tạo hòa bình cho người kế nhiệm của mình, và thứ hai, Johnson tin rằng Richard Nixon sẽ bảo vệ sự độc lập của Nam Việt chắc chắn hơn so với vị Phó Tổng thống của ông, Hubert Humphrey.
Bài báo này phân tích tính logic của tuyên bố đó và kết luận rằng cáo buộc này mang trọng lượng đáng kể. Ngoại trưởng Dean Rusk, Walt Rostow và LBJ đều đành cam chịu trước một chiến thắng của phe Cộng hòa ngày 5/11/1968. Lựa chọn ưa thích của Johnson, trên thực tế, là muốn Nelson Rockefeller, một thành viên Cộng hòa ôn hòa dòng dõi, người ông rất cảm phục, đánh bại Richard Nixon giành sự đề cử ứng viên của Phe Cộng hòa và sau đó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước đối thủ hoặc Humphrey hoặc Kennedy.
Tuy nhiên, những hy vọng này đã tan thành mây khói vào ngày 8/8 khi Nixon giành được sự ủng hộ của đảng mình. Tổng thống sau đó phải đối đầu với một lựa chọn phiền phức là ông sẽ ủng hộ ai về mặt cá nhân. Hubert Humprey chủ trương rút quân Mỹ khỏi cuộc chiến Việt Nam và tư tưởng chủ bại này là không thể chấp nhận đối với Tổng thống và các cố vấn diều hâu, những người đầu tư quá nhiều sức lực và tín nhiệm cá nhân vào cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản Việt Nam. Trong khi các chính sách bảo thủ trong nước của Nixon là lời nguyền cho những người cấp tiến như Rusk, Rostow, và Johnson, nền tảng địa chính trị của ông không bao giờ bị ngờ vực. Và vì vậy, triển vọng một chiến thắng của Nixon được Tổng thống ngầm chấp nhận - do bị kích động theo hướng này bởi các cố vấn diều hâu của ông - như một lựa chọn ít tồi tệ hơn cả cho vị thế thế giới của Mỹ.
Bốn nhân vật chính trong câu chuyện này được chia làm 2 phe: Một phe gồm Averell Harriman và Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford - tập trung vào đạt được một thỏa thuận thông qua đàm phán ở Paris mà ràng buộc nghiêm túc với cả Bắc Việt và Nam Việt, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (NLF). Một phe gồm Ngoại trưởng Dean Rusk và Walt Rostow - những người quả quyết rằng bất cứ một nền hòa bình thỏa hiệp nào trực tiếp bao gồm NLF trong một chính phủ liên hiệp Nam Việt Nam sẽ không thể có vào thời của họ. Lyndon Baines Johnson là trọng tài quyết định và ông chọn cách ủng hộ Rusk - Rostow. Cuối cùng, Richard Nixon là người hưởng lợi chính của việc Lyndon Johnson không quan tâm đặt một dấu chấm hết qua đàm phán cho Chiến tranh Việt Nam trong thời kỳ ông làm Tổng thống.
Như Harriman hồi tưởng một cách cay đắng vào tháng 12/1968: "Gần như chắc chắn rằng tính chất mà vấn đề Việt Nam được giải quyết, với lời khuyên của Rusk and Rostow, đã mang lại chiến thắng cho Nixon". Hậu quả u ám nhất của cơ hội hòa bình bị bỏ lỡ ở Paris là thực tế rằng các điều khoản hòa bình cuối cùng được Henry Kissinger và trưởng đoàn đàm phán của Bắc Việt, Lê Đức Thọ, nhất trí vào tháng 1/1973 về căn bản không khác biệt lắm so với những gì Harriman và ông Thọ đã nhất trí ở Paris vào tháng 11/1968. Đã cống hiến quá nhiều thời gian và sức lực như vậy cho cuộc chiến Việt Nam nhưng Johnson không có mong muốn tách rời Nam Việt Nam và ngăn cảnh máu đổ trong những gì, vào lúc đó, là một chính nghĩa quân sự tuyệt vọng.

Lập luận này có những hàm ý quan trọng đối với "Giả thuyết Trò chơi Hai cấp độ" của Robert Putman. Trong bài viết có tựa đề "Ngoại giao và Chính trị trong nước: Logic của Trò chơi Hai Cấp độ", được International Organization xuất bản năm 1988, Putman cho rằng, các cuộc đàm phán quốc tế giữa các nước diễn ra ở cấp độ trong nước và ở cấp độ quốc tế.
Khi thúc đẩy đàm phán, các nhà lãnh đạo buộc phải đáp ứng các nhu cầu và mối quan tâm của các khu vực bầu cử trong nước bằng việc đưa ra các nhượng bộ và tạo dựng liên minh, trong khi đàm phán quốc tế được theo đuổi với sự suy tính chủ yếu trong đầu: bất cứ thỏa thuận nào cũng sẽ không gây thiệt hại nghiêm trọng cho các khu vực bầu cử trong nước. "Win-sets" xảy ra khi các quyền ưu tiên của các chủ thể ở cả hai cấp độ chồng lấn nhau và vì thế thỏa thuận quốc tế trở thành có thể.
Như Putham kết luận: "Diễn biến gở nhất trong lĩnh vực chính trị so sánh và các mối quan hệ quốc tế trong những năm gần đây là sự công nhận giữa các chủ thể trong phạm vi của nhu cầu phải tính đến những rắc rối giữa hai [. . .] Nghiên cứu có ảnh hưởng sâu rộng này giờ đây được cần đến để phân tích và đào sâu hơn sự hiểu biết của chúng ta về cách thức những trò chơi như vậy được thực hiện. Thông qua triển khai phương pháp luận lịch sử thế giới, dựa chủ yếu vào các dữ liệu văn khố chưa được tận dụng, bài báo này hưởng ứng tuyên bố của Putnam. Bằng cách làm như vậy, tôi hy vọng sẽ thiết lập được một sự kết nối giữa lịch sử quốc tế và giả thuyết các mối quan hệ quốc tế; hai lĩnh vực mà không tương tác với nhau nhiều như lẽ ra nên thế.
Cuối cùng, thuyết trò chơi hai cấp độ của Putnam rất hữu ích trong việc giải thích lý do tại sao các cuộc đàm phán năm 1968 đã tiến triển như thế, mặc dù không hoàn toàn theo cách ông hình dung lúc đầu.
Do từ bỏ việc đảm bảo một thỏa thuận hòa bình năm 1968, Lyndon Johnson đã cố tình phớt lờ các nền tảng của Đảng Dân chủ - bỏ qua một khối cử tri then chốt - để nhường lại một lợi thế quan trọng cho phe Cộng hòa. Ông từ chối xây dựng một liên minh nội địa thân thiết trong đảng - như giả thuyết của Putnam - thay vào đó, lại chọn cách tặng cho Nixon một cú huých bầu cử quyết định: từ chối một nền hòa bình mà Johnson cho là không có giá trị, mà chính nó vốn gần như chắc chắn giúp cho Humphrey trở thành Tổng thống.
Trong các cuộc đàm phán trực tiếp với Hà Nội, Johnson đề cập đầu tiên và tối quan trọng đến việc đảm bảo cho khả năng Nam Việt Nam tiếp tục tồn tại như một nhà nước - một mục tiêu cơ bản, trong rất nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, tự nhường bước cho một chiến thắng của Nixon - thực vậy, rất tích cực hỗ trợ cho chiến thắng đó bằng sự chây ì của bản thân - trước vị Phó Tổng thống của chính ông là cách có thể chắc chắn nhất để đạt được mục tiêu này.
Các cuộc đàm phán hòa bình Paris, vì thế, cấu thành một trò chơi hai cấp độ theo kiểu đặc biệt nhất. Mục tiêu lấn át của Tổng thống Johnson là bảo vệ sự độc lập của Nam Việt Nam đã đòi hỏi ông phải vứt bỏ logic chính trị của đảng, giao phó cho Humphrey và đảng Dân chủ một số phận u ám, và phớt lờ chiến thuật lá mặt lá trái (nói một cách chính xác là phản nghịch) của chiến dịch tranh cử Nixon là khuyến khích Tổng thống Thiệu của Nam Việt Nam đẩy lùi các nỗ lực về một nền hòa bình thỏa hiệp cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống và một khả năng chiến thắng của Nixon. Tính liên kết của ngoại giao và chính trị trong nước chưa từng rõ ràng hơn thế trong năm cuối cầm quyền của Lyndon Johnson.

Hòa đàm Paris: Mỹ xếp Việt Nam Cộng hòa ở đâu?

Tác giả: David Milne
Trong khi Rostow cho rằng phải đẩy Thiệu lên tuyến đầu của đàm phán thì Harriman tin rằng Mỹ và Bắc Việt Nam là hai thành phần chính trong đàm phán.
Sau "Chiến dịch Tết Mậu thân" ngày 30/1/2968 (trong đó những người cộng sản Bắc Việt tấn công tất cả các thành phố và thị trấn lớn ở miền Nam), Lyndon Johnson, với việc tham khảo ý kiến Bộ trưởng Quốc phòng Clark Cliford, người mà ông tin cậy và mới bổ nhiệm - đã đi đến các kết luận về các triển vọng quân sự của Mỹ ở Việt Nam. Tuy các cuộc tấn công của những người cộng sản bị quân Mỹ đẩy lùi, "tia sáng cuối đường hầm" đốt lên cuối năm 1967 hóa ra chỉ là ảo giác.
Chiến dịch này đặt ra một câu hỏi không hề dễ chịu cho chính quyền Johnson: Làm thế nào mà Mỹ có thể thắng cuộc chiến tại Việt Nam nếu như không bảo vệ được ngay cả trung tâm Sài Gòn?
Không thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng, Tổng thống Johnson, vào ngày 31/3/1968, thông báo hạn chế ném bom đơn phương, kêu gọi đàm phán hòa bình lâu dài, và cuối cùng nói thêm rằng ông sẽ không tranh cử nhiệm kỳ 2.
Từ đó, Johnson tuyên bố sẽ dành sinh lực của mình cho việc đạt được hòa bình với Bắc Việt Nam. Như Johnson nhớ lại trong hồi ký của ông: "Tôi chưa từng chắc chắn hơn thế về tính đúng đắn của quyết định của mình. Tôi đặt mọi thứ tôi có thể chỉ đạo và mọi thứ bản thân tôi có vào công cuộc tìm kiếm hòa bình [. . .]'. Tổng thống dường như thừa nhận rằng Miền Nam Việt Nam không thể tiếp tục là trách nhiệm của Mỹ một cách vô hạn định, và rằng ngoại giao là chiến lược tin cậy duy nhất còn lại mà ông có thể sử dụng.
Trong một cuộc thăm dò của Lou Harris được thực hiện ngày tiếp sau đó, tỷ lệ phản đối 57% dành cho Johnson đã quay 180 độ sang con số 57% ủng hộ. Nhưng đòn bẩy tín nhiệm ngắn hạn này không thể che khuất thực tế rằng cuộc chiến tại Việt Nam đã vắt kiệt phần lớn sinh khí chính trị của Tổng thống, thứ đã hun đúc ông thành một nhân vật cải tổ thành thạo và đầy sức thuyết phục suốt những năm đầu tiên ở Phòng Bầu Dục.

Về phần mình, Bắc Việt Nam vui mừng khi thấy Johnson quyết định lùi bước và tìm kiếm hòa bình. "Chúng tôi rất vui về quyết định của Tổng thống Johnson", Đại sứ Việt Nam tại Czechoslovakia nói "Tôi cho rằng điều này sẽ đưa cuộc chiến tới hồi kết. Các cuộc đàm phán giờ đây có thể bắt đầu và chúng có thể bắt đầu sớm".
Để chuẩn bị cho nhóm đàm phán của mình, Johnson chọn W. Averell Harriman, một nhà ngoại giao nổi tiếng và có ảnh hưởng.
Là đặc sứ của Franklin Roosevelt tại London và Moscow trong Thế chiến II, và Thống đốc Dân chủ của New York từ năm 1955 tới 1959, Harriman từ lâu đã tin rằng Chiến tranh Việt Nam chỉ gây hại cho vị thế của Mỹ trên thế giới. Ông cũng muốn đạt được một thỏa thuận mà sẽ mở rộng các triển vọng của phe Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/1968; khi Phó Tổng thống Hubert Humphrey có thể phải đối mặt với Richard Nixon, một nhân vật mà Harriman không ưa.
Đạt được sự trung lập hóa của Lào năm 1962, Harriman có một bề dày thành tích trong việc kiến tạo hòa binh ở Đông Nam Á. Lyndon Johnson hoàn toàn có lợi khi trao cho Harriman quyền hạn ngoại giao nhằm đạt được một thỏa thuận trước ngày bầu cử 5/11. Đảm bảo một nền hòa bình danh dự bề ngoài sẽ tăng thêm danh tiếng lịch sử của ông và cho người phó một cơ hội tốt hơn để bảo vệ di sản Xã hội Lớn.
Tiếp sau bài phát biểu ấn tượng của Lyndon Johnson ngày 31/3, các chủ thể chính sách ngoại giao then chốt của chính quyền đã khôn khéo giành ưu thế với hy vọng sự vững vàng của các cuộc đàm phán với Bắc Việt Nam sẽ theo sau. Johnson vẫn chưa thông báo rằng Averell Harriman sẽ dẫn đầu tiến trình tìm kiếm hòa bình, nhưng vị chính khách cao niên này nhận ra rằng mình có cơ hội tốt được bổ nhiệm và muốn đảm bảo rằng chiến dịch đánh bom của Mỹ nhằm vào Bắc Việt Nam sẽ không ngáng trở ông đạt được một thỏa thuận.
Ngày 31/3, Tổng thống tuyên bố ngừng một phần chiến dịch ném bom tại vĩ tuyến 20, nhưng các vi phạm của quân đội Mỹ ngày càng nhiều. Vào ngày 2/4, Harriman viết cho Tổng thống chúc mừng về "thông báo của ông đêm Chủ nhật" song cảnh báo ông rằng sau đó các máy bay ném bom Mỹ đã phá hủy căn cứ không quân Thanh Hóa, và dường như sẽ xử như một trò chơi công bằng đối với bất kỳ một mục tiêu nào "cách Hà Nội 45 dặm và cách Hải Phòng 30 dặm".
Quan ngại các cuộc đàm phán với Bắc Việt Nam sẽ tan vỡ thậm chí trước khi chúng bắt đầu, Harriman viết: "Tôi mạnh mẽ kêu gọi ngài hành động để đảo ngược xu hướng tai hại này. Tôi đề nghị rằng, rõ ràng như ý định của ngài, ngài thông báo chiến dịch ném bom sẽ đặc biệt giới hạn ở phía nam Vinh, nơi rõ ràng là cực bắc của dải đất hẹp miền Bắc Việt Nam".
Sợ rằng thời khắc tài năng lãnh đạo được ngưỡng mộ rộng khắp của mình sẽ bị hủy hoại bởi những viên phi công Mỹ liều lĩnh, Johnson chỉ thị cho Chủ tịch hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Earle G. Wheeler phải giới hạn mọi hoạt động ném bom của Mỹ ở phía nam vĩ tuyến 19 - chứ không phải vĩ tuyến 20 như đã thông báo trước đó.
Đây có thể là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Tổng thống nghe theo lời khuyên của Harriman năm 1968. Tuy nhiên, hạn chế này vẫn không thay đổi, dù ít hay nhiều, trong khoảng thời gian cầm quyền còn lại của Tổng thống Johnson.
Cùng ngày Harrison yêu cầu sự rõ ràng về chiến dịch ném bom, Walt Rostow khuyên Tổng thống rằng "tôi vẫn tin mục tiêu then chốt là buộc Thiệu phải thực hiện trong khoảng thời gian 1 tháng, hoặc đại loại thế, một đề nghị tới Việt Cộng là để họ hoạt động như một đảng chính trị theo Hiến pháp".
Rostow nhận ra rằng, đề nghị này khó có thể nhận được hoan nghênh nồng nhiệt ở Sài Gòn nhưng vẫn tin rằng hành xử của Nam Việt Nam "có thể rất khác nếu họ biết rằng chúng ta muốn họ là thành phần chính trong đàm phán về một thỏa thuận".
Rostow muốn Tổng thống miền Nam Việt Nam Thiệu, không phải là một nhà ngoại giao Mỹ, đóng một vai trò then chốt trong bất kỳ một cuộc đàm phán nào với miền Bắc Việt Nam.
Ông lập luận: Thiệu sẽ chống cự một cách quyết liệt hơn nữa những lời kêu gọi kiềm chế quân đội Mỹ, và sẽ chỉ đồng thuận về một nền hòa bình dựa trên các điều khoản thuận lợi nhất cho đất nước ông ta.
"Nếu không từ bỏ toàn bộ quyền tự do hành động của chúng ta, hoặc cho Thiệu toàn quyền", Rostow thừa nhận, "chúng ta phải thuyết phục cả chính quyền Thiệu (cùng quân đội của ông ta) và người dân miền nam Việt Nam rằng chúng ta sẽ tham vấn chặt chẽ nhất có thể với chính phủ của họ". Cơ hội tốt nhất mà Rostow có được đảm bảo rằng cam kết liên tục của Mỹ dành cho Nam Việt Nam, là phải đẩy Thiệu lên tuyến đầu của đàm phán.
Chiến lược của Rostow nhằm đảm bảo "hòa bình" vì thế lại xung đột trực tiếp với những gì mà nhà đàm phán trưởng của Tổng thống hình dung. Harriman tin rằng Mỹ và Bắc Việt Nam là hai thành phần chính trong đàm phán. Ông hiểu rằng Tổng thống Thiệu sẽ rất căm ghét nỗ lực đạt được một nền hòa bình thỏa hiệp của ông, và thoải mái hơn với triển vọng đặt Nam Việt Nam vào một sự việc đã rồi dựa trên một sự hiểu biết song phương với Hà Nội.

Hòa đàm Paris và 'kẻ xúi bẩy' đằng sau Johnson


Tác giả: David Milne

Việc chọn Harriman đứng dầu đàm phán bị Rostow nhìn nhận với thái độ thù địch. Ngày 3/4, Rostow tham gia phe của cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, Tướng Maxwell Taylor, bày tỏ những nghi ngờ lớn rằng liệu Harriman có phù hợp với chức vụ.
"Với tất cả sự tôn trọng đối với Thống đốc Harriman", Rostow và Taylor viết với rất ít sự tôn trọng: "chúng tôi không tin ông ấy là người thích hợp thực hiện cuộc đàm phán này - nếu nó diễn tiến vượt khỏi giai đoạn đầu tiên". Rostow và Taylor đưa ra hai lý do biện hộ cho phản đối của họ. Thứ nhất, "sức khỏe của ông ấy không được tốt", và thứ hai, "ông ấy thiếu - và luôn luôn thiếu - một sự hiểu biết cũng như đồng cảm với Nam Việt Nam".
Tuy Rostow và Taylor thừa nhận rằng "Averell đúng 100% rằng chúng ta không nên để cho Sài Gòn có quyền phủ quyết vị thế của chúng ta trong đàm phán", ông ấy không chắc liệu mình "có muốn đưa họ theo và cho họ niềm tin rằng sẽ là cần thiết nếu một giải pháp vững bền, vì lợi ích của Mỹ, sẽ xuất hiện".
Trước đó, Rostow ranh ma hơn Harriman về sự cần thiết phải ngưng ném bom và ông ta nghi ngờ rằng nhà ngoại giao cao niên này chủ yếu bị thúc đẩy bởi danh tiếng cá nhân và chính trị đảng phái - chứ không phải bởi bất cứ mong muốn nào cho Nam Việt Nam. Vị cố vấn an ninh quốc gia có thể đã đúng ở cả hai điểm.
Tuy nhiên, chiến dịch chống lại Harriman của Rostow đã thất bại. Johnson đã chọn một người mà có những đóng góp to lớn cho việc định hình các mối quan hệ quốc tế của thế kỷ 20. Averell Harriman sở hữu một kiểu danh tiếng ngoại giao mà Tổng thống chắc chắn không thể bỏ qua, và ông đã nắm giữ danh hiệu "Đại sứ vì Hòa bình", được trao tặng năm 1966.

Mặc dù vậy, Johnson cũng có một số lo ngại như Rostow về việc Harriman thiếu tính nhạy cảm về Nam Việt Nam và khát vọng đảm bảo hòa bình với một cái giá tiềm năng không chấp nhận được. Trong một lưu ý viết tay cho Rostow, Tổng thống nhất trí rằng "điểm về những nhượng bộ lẫn nhau cần phải được hiểu rõ trong nội bộ chính phủ Mỹ trong thời gian sớm nhất có thể. Nếu không, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta đã cho đi vị thế sức mạnh đàm phán hiện tại mà Hà Nội vừa trao cho chúng ta một cách quá hào phóng [thông qua thất bại chiến lược của Chiến dịch Tết (Mậu Thân)] - mà không nhận lại được gì".
Cần phải nhấn mạnh ở đây rằng Johnson đã chọn Harriman từ một vị thế yếu kém - ông không có sự yêu mến và sự tôn trọng như của John F. Kennedy dành cho nhà đàm phán đáng kính này. Tín nhiệm của Johnson là bị vấy bẩn sau Tết Mậu thân và ông cảm thấy mình có rất ít lựa chọn.
Khi các sự kiện vỡ lở, phát thanh viên CBS Walter Cronkite đã có câu hỏi nổi tiếng: "Điều gì đang diễn ra ở đây? Tôi đã nghĩ chúng ta đang thắng cuộc chiến này". Trong một môi trường trong nước thù địch như vậy, sẽ là đê tiện nếu phớt lờ sự tinh tường và hỗ trợ của Harriman.
Tuy nhiên, Tổng thống sẽ phải đảm bảo khá chắc rằng nhà ngoại giao hàng đầu của ông trung thành với tiêu chuẩn đàm phán khắt khe nào đó. Thứ trưởng Quốc phòng Cyrus Vance rốt cục đã được chọn đi cùng Harriman tới Paris, nhưng Johnson và Rostow vẫn lo rằng nhóm này có vẻ chủ hòa.
Với sự chấp thuận của Tổng thống, Rostow đưa một nhân vật diều hâu tin cẩn, thành viên Hội đồng An ninh quốc gia NSC William J. Jorden, vào đoàn để kiểm soát những gì sẽ diễn ra.
Như Jorden hồi tưởng, Rostow đã cử ông tới Paris để "theo dõi những kẻ đáng khinh đó [Harriman và Vance] và đảm bảo họ không mang đồ của nhà đi cho." Trong một cuộc điện đàm lịch sự thận trọng với Rostow ngày 4/4, Harriman lịch sự buộc phải nói rằng: "Ông sẽ giúp rất nhiều nếu [Jorden] có thể đi cùng". Rõ ràng Harriman không hay biết rằng vai trò chủ yếu của Jorden là một giám sát viên.
Khi những hoạt động chuẩn bị cho sứ mệnh của Harriman chính thức bắt đầu, Rostow bày tỏ lo ngại với Tổng thống rằng một trong "những mục tiêu đàm phán" của ông là giảm dần cuộc chiến trên không của Mỹ. "Mục tiêu của chúng ta không phải là chấm dứt ném bom", Rostow lập luận. "Mà là các cuộc hội đàm nhanh chóng và quan trọng hướng tới hòa bình".
Mặc dù Clark Clifford can thiệp kịp thời, Harriman vẫn được phép cho tiêu chuẩn đàm phán của ông không bị đụng đến. Phản ứng trước những gì ông cho là bới lông tìm vết vô nghĩa, Harriman than phiền rằng những phản đối của Rostow đối với lập trường của ông là "không thích hợp" và "rõ ràng sáng kiến của Clifford đã cứu được các chỉ dẫn [đàm phán] khỏi bị tổn thương".
Harriman viết rằng "Ngoại trưởng không có bất kỳ đóng góp nào". Việc người chịu trách nhiệm điều hành các chính sách ngoại giao của Mỹ tỏ ra không quan tâm mấy đến các nỗ lực của Harriman không phải là điềm tốt. Nó trở nên rõ ràng với Harriman rằng mục đích mới của Rusk và Rostow là cản trở các nỗ lực của ông trong việc đạt được một thỏa thuận nhanh chóng.
Nhà báo có ảnh hưởng của Washington Post Drew Pearson từ lâu đã lo ngại về sự xúi bẩy của Rostow với Tổng thống và lo ngại rằng thiện ý của Harriman đang bị nghi ngờ quá mức. Ngày 19/4, Pearson viết một cách thất vọng rằng Rostow "có thể làm cho các ý tưởng của mình về Đông Nam Á gắn chặt vào Lyndon Johnson [. . .] Không một ai biết về Rowtow nghi ngờ tính chính trực của ông. Nhưng họ đặt câu hỏi về đánh giá của ông.
Ngày 28/4, Rostow trình bày với Dean Rusk những gì ông mô tả là "một ý tưởng kỳ cục". Vì thỏa thuận về miền nam là tâm điểm của vấn đề, Rostow băn khoăn liệu có khả năng là không thể đối với "Thiệu khi chấp nhận sáng kiến và tích cực tìm kiếm các cuộc hòa đàm riêng với "một thành viên" của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, dùng một người tin cậy". Đặt Thiệu vào "tâm điểm của mọi sự" sẽ có nghĩa là "sáng kiến nhằm định hướng số phận [của Nam Việt Nam] sẽ nằm trong tay đúng người. Điều này hay hơn là thiết lập hòa bình dựa trên "kết quả của các cuộc hội đàm Mỹ - Hà Nội, vân vân".
Lo ngại về "sự thiếu nhiệt tình của Harriman với Nam Việt Nam", Rostow muốn Tổng thống hãy truyền sức mạnh từ nhóm đàm phán của ông sang chính phủ Nam Việt Nam. Việc Hà Nội sẽ đồng ý đàm phán trực tiếp với Thiệu - lãnh đạo của nhà nước "bù nhìn" mà họ không công nhận - là phi hiện thực. Tuy nhiên, Rostow vẫn tin rằng Hà Nội sẽ đồng ý dàn xếp với Sài Gòn và đưa ra bằng chứng để chứng minh điều này.
"Ở các làng Việt Cộng', Rostow báo cáo với Johnson, "trẻ em đang được dạy hát những câu như sau: "Máu sẽ chảy vào tháng 5; sẽ có hòa bình vào tháng 6". Nếu họ khuấy động những kiểu hy vọng này, thì điều đó phải có nghĩa là, về mặt ngữ nghĩa, họ đang nghĩ đến một cuộc đàm phán nhanh chóng chứ không phải dai dẳng".
Than ôi, về mặt ngữ nghĩa, các khúc hát của trẻ con chẳng có có tý nghĩa nào như vậy... Rostow quá mê thích dùng kiểu của CIA theo những cách mang tính bè phái, thường là nhiều màu sắc, để minh họa cho Tổng thống.

Rostow có một yếu tố khác trong đầu khi tư vấn rằng Thiệu nên trở thành một thành phần then chốt trong các cuộc đàm phán: Tổng thống Nam Việt Nam sẽ dễ bảo trong việc dỡ bỏ các giới hạn áp đặt lên chiến dịch ném bom hơn so với Harriman. Ngày 10/5, Rostow bày tỏ hy vọng rằng Mỹ sẽ bắt đầu "ném bom giữa các vĩ tuyến 19 và 20 sớm". Còn hơn cả phá hủy hòa đàm, Rostow tin rằng nếu Mỹ không ném bom Bắc Việt Nam đủ mạnh thì Hà Nội có thể "đánh giá quá cao hiệu quả của áp lực đối với chúng ta về toàn bộ vấn đề ném bom". Giả định sai lầm về phía Hà Nội "có thể kéo dài giai đoạn hành động đàm phán qua lại để đổi lấy việc ngừng ném bom hoàn toàn".
"Ném bom để đổi lấy hòa bình" rõ ràng là thần chú của Rostow. Nhưng tất nhiên, những xúi bẩy quá khôn khéo này không chỉ toàn về hòa đàm. Rostow cũng cảm thấy "chúng ta có thể nhận thêm nhiều trao đổi trước khi họ tới được Nam Việt Nam nếu chúng ta bỏ bom tuyến đường nằm giữa vĩ tuyến 19 và 20". Có thể đoán trước được rằng Harriman đã phản dối các kế hoạch của Rostow, viết rằng "tái tổ chức chiến dịch ném bom giữa các vĩ tuyến 19 và 20 có thể "làm chậm [đàm phán]". Sau đó, Harriman bình luận về Rostow rằng "tôi không bao giờ muốn thấy một giác thư nào khác từ người đàn ông đó nữa".

Hòa đàm Paris giữa cuộc đối đầu của các cố vấn

Tác giả: David Milne

Liên quan đến hòa đàm Paris, những ngày cuối của nhiệm kì Tổng thống, Johnson xoay đổi hướng giữa hiếu chiến và kiềm chế, phản ánh những chia rẽ trong các cố vấn chính sách của ông và cả nước Mỹ.
Các cuộc đàm phán không chính thức với đoàn đại biểu Bắc Việt Nam bắt đầu ở Paris ngày 10/5. Tóm tắt của Harriman là tương đối thẳng thắn: Ông sẽ thiết lập liên hệ với các đại diện Bắc Việt Nam, thuyết phục họ cùng bắt tay xuống thang chiến tranh, và nhất trí ủng hộ các cuộc bầu cử tự do ở Nam Việt Nam, trong đó Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam sẽ hạ vũ khí và tham gia bầu cử như một chính đảng hòa bình.
Harriman tuyên bố trong lúc ông rời khỏi Washington rằng "Chúng tôi sẽ tham gia trong tinh thần ngay thật và thiện chí. Nếu tinh thần đó phù hợp với phía bên kia, tiến bộ có thể được tạo ra hướng tới mục đích của chúng ta là một thỏa thuận hòa bình."
Tuy nhiên, Rostow không mất nhiều thời gian để phát hiện ra các vấn đề và một lần nữa biện luận thiên về một sự leo thang quân sự nhanh chóng nhằm cản trở nhà đàm phán trưởng của Mỹ. Làm như thế, Rostow va chạm với Harriman và Clark Cliford.
Về sự phản đối của Bộ trưởng Quốc phòng đối với các kế hoạch ném thêm bom, Rostow viết: "Những gì phân tích của Clark không đề cập đến là những gì chính sách mà chúng ta nên theo đuổi nếu không có đột phá trong các cuộc đàm phán ở Paris và nếu họ tiếp tục "đọc danh bạ điện thoại" cho chúng ta nghe mỗi khi chúng ta gặp nhau. Tôi không tin chúng ta có thể ngồi vô hạn định trong những hoàn cảnh như vậy".
Nếu phe Dân chủ chọn Thượng nghị sĩ New York Robert Kennedy tại Đại hội toàn quốc của đảng ở Chicago hay không và nếu người dân Mỹ có bầu ông vào tháng 11, Rostow sợ rằng Bắc Việt Nam đơn giản là chần chừ cho đến khi Tổng thống Kennedy đưa ra một giải pháp thiện chí hơn. Để ngăn chặn điều này xảy ra, Rostow đề nghị Tổng thống đánh phá "các cảng biển Bắc Việt Nam và/hoặc cử một số quân của chúng ta bắc tiến qua DMZ". Xâm lược Việt Nam, Rostow lập luận, sẽ tạo cho Tổng thống Robert F. Kennedy một triển vọng không chắc thành công.

Thất vọng trước sự hiếu chiến của Rostow, Harriman viết ngày 4/6 rằng "sẽ là một sai lầm lớn khi dọa đánh bom các khu đô thị ở Bắc Việt Nam một khi họ tiếp tục tiến công vào Sài Gòn [. . .] Đánh bom Hà Nội hoặc Hải Phòng trong những hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi tin, sẽ khiến Hà Nội đoạn tuyệt với hòa đàm và có những phản ứng bất lợi khác".
Phản hồi trước những lo ngại của Harriman, Rostow gửi một lá thư bi quan tới tổng thống. "Tôi miễn cưỡng đi đến kết luận", Rostow cảnh báo, "Rằng nếu chúng ta tiếp tục duy trì các cuộc đàm phán ở Paris, chúng ta sẽ phải đón nhận nguy cơ giải tán chúng [. . .] Tôi tin rằng họ đang cười vào mặt chúng ta và coi chúng ta như những gã khờ trên mặt trận quân sự - ngoại giao".
Rostow khuyên Tổng thống rằng ông hãy "yêu cầu Averell bảo Bắc Việt Nam rằng chúng tôi sẽ phải đáp trả cho mỗi quả tên lửa vào Sài Gòn bằng ít nhất một quả bom nhằm vào Hà Nội". Rostow đồng tình với "quan điểm của Clark Clifford rằng điều này có thể là một đòn giáng chí tử vào vị thế chính trị của Phó Tổng thống".
Tuy nhiên, "Clark đã sai lầm khi tin rằng chúng ta - hoặc Phó Tổng thống - có thể tiếp tục sống chung với vị thế phi nhân cách và nhục nhã khi mà [. . .] họ từ chối đàm phán nghiêm túc ở Paris."
Quan ngại trước sự thiếu nền tảng của Bộ trưởng Quốc phòng, Rostow thậm chí đã cố tách Lầu Năm Góc khỏi vành đai thông tin, từ chối chuyển các báo cáo từ hòa đàm Paris cho Cliford. Thư ký của Bộ Ngoại giao Benjamin Read đã rất choáng với sự khiếm nhã thô thiển này và đã lập ra một "dịch vụ sứ giả tư nhân" nhằm phá vỡ sự cấm vận thông tin của Rostow.
Có một chút băn khoăn là Harriman, đồng minh thân cận nhất của Clifford, lại chịu mô tả Walt Rostow như một "Rasputin" của Mỹ vì những ảnh hưởng vô vị mà ông này chèn vào việc ra quyết định của Tổng thống.
Các triển vọng về một sự đột phá ngày càng hứa hẹn về phía Bắc Việt Nam và ngày 4/6, Thủ tướng Liên xô Alexei Kosygin viết cho tổng thống nói rằng "Tôi và các cộng sự của tôi tin tưởng" rằng Bắc Việt Nam sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận, miễn là Mỹ dừng chiến dịch ném bom."
Là một chuyên gia có tiếng về USSR, Harriman không hiểu "một lãnh đạo Xô Viết lại đưa ra một lập trường trực tiếp như thế". Hài lòng với triển vọng về một sự đột phá như vậy, Clifford cùng ông kêu gọi một sự ngừng ném bom. Một Dean Rusk vốn kín đáo ít nói nhưng tỏ rõ sự ủng hộ đối với một phản ứng tích cực trước yêu cầu của Kossygin. Mỹ có thể luôn nối lại chiến dịch ném bom nếu như không có gì tiến triển.
Tuy nhiên, trong một cuộc gặp với Tổng thống ngày tiếp sau đó, Rusk thay đổi chiến thuật và "phá hỏng đề xuất của Clifford, giữ quan điểm rằng tất nhiên chúng ta không thể chấp nhận những gì Kosygin nói một cách nghiêm túc. Không hay biết sự trở mặt của Ngoại trưởng, Clifford và Harriman giữ vững lập trường nhưng không đi đến đâu.
Như Harriman hồi tưởng: "Tác động thực sự của điều này là cực kỳ mạnh mẽ, gạt bỏ Kosygin, và Clifford và tôi đều nghĩ chúng tôi đã để mất một cơ hội đưa chính phủ Liên Xô vào cùng gánh vác trách nhiệm, theo một cách có giá trị nhất, cho tương lai hòa đàm".
Thất vọng bởi cách hành xử của Rusk, Harriman nhớ lại rằng "Tôi chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ một cuộc thảo luận nào ở Nhà Trắng, nơi có một nỗ lực quá rõ ràng được thực hiện về phía một thành viên trong Nội các của Tổng thống với mục đích phá hoại vị thế của người khác trước khi người ta có cơ hội thể hiện nó".
Trở lại Foggy Bottom cùng nhau, Rusk nói với Harriman rằng "vấn đề với Clark là ông đã đánh mất dũng khí kể từ khi tiếp quản Lầu Năm Góc". Tức giận bởi sự gièm pha này, Harriman nói với sếp của mình rằng ông không đồng ý về cơ bản với cách giải thích của ông này về các động cơ của Clifford. Sau đó, ông ghi lại: "Tôi cảm thấy Dean chắc chắn đã sử dụng đòn tấn công này vào tính cách của Clark với Tổng thống. Đối với tôi, kiểu tấn công như thế nhằm vào một đồng nghiệp là đê tiện".
Harriman và Clifford đã có một cuộc trò chuyện qua điện thoại thẳng thắn vào ngày 21/6, trong đó họ thảo luận về vấn đề cốt lõi đang phải đối mặt: cụ thể, họ tỏ ra là hai nhân sự cấp cao duy nhất của chính quyền Johnson quan tâm đến việc đạt được hòa bình ở Việt Nam.
Đối với Clifford, vấn đề chính là Tổng thống chịu ảnh hưởng của các cố vấn "bi quan", những người đưa ra một phản ứng xa lánh với Bắc Việt Nam. Clifford nói với Harriman rằng Tổng thống "được báo cáo rằng khó có thể chịu nổi về thái độ của chúng ta với Nam Việt Nam, binh lính của chính chúng ta và thậm chí cả vị thế của chúng ta trên thế giới nếu chúng ta để mặc cho Sài Gòn bị nã pháo trong khi Hà Nội không bị đụng đến. Ông ấy bắt đầu khó bảo.
Gắn với cách tiếp cận này, tôi nghĩ, là một nỗ lực từ phía ai đó muốn tỏ dấu hiệu rằng có lẽ sẽ không có kết quả gì từ Paris". Clifford tin rằng có một cách duy nhất để làm dịu bất mãn của "chính những người đàn ông rất quân phiệt" (ý ông là Rusk và Rostow), những người muốn leo thang một cuộc chiến trên không, và để nhấn mạnh một thực tế rằng các cuộc hội đàm ở Paris đang tạo ra "những chỉ hướng" đầy hy vọng, ngay cả khi điều này không khớp với thực tế. Nếu báo chí Mỹ đưa tin Harriman đang đạt tiến bộ nào đó ở Paris, thì sẽ khó hơn cho Tổng thống khi phê chuẩn kiểu chiến dịch ném bom mà Rostow đề nghị.
"Những gì tôi nghĩ chúng ta phải làm", Clifford nhận xét, "là theo cách thận trọng nhất phải biểu thị được điều gì đó đang diễn ra". Cliford hy vọng rằng những bày tỏ hy vọng quá mức về chủ đề đàm phán sẽ phá được niềm tin thái quá của Rostow và Rusk vào khả năng của quân đội Mỹ sẽ vẫn thắng cuộc. Đó là một cách đặc biệt để chính quyền Johnson vận hành. Bộ trưởng Quốc phòng sẽ tham vấn ngoại giao và Ngoại trưởng sẽ đề nghị leo thang quân sự. Clifford tin rằng đối với những người chủ trương hòa bình của chính phủ, các viễn cảnh này là tuyệt vọng đến nỗi chỉ một sự dối trá nhẹ nhàng cũng có khiến cho công luận Mỹ hủy hoại những kẻ diều hâu.
Trong những ngày còn lại của chính quyền Johnson, Tổng thống xoay đổi hướng giữa hiếu chiến và kiềm chế, phản ánh những chia rẽ trong các cố vấn chính sách của ông và cả nước Mỹ. Clifford sau đó than vãn rằng Lyndon Johson hành động "giống như kiểu một nhà lãnh đạo lập pháp, tìm kiếm sự đồng thuận giữa những người luôn đối chọi nhau, chứ không giống như một vị tổng tư lệnh quyết đoán ra lệnh cho cấp dưới".
Trong khi Clifford mô tả năm 1968 là năm khó khăn nhất trong đời ông, Dean Rusk nhớ lại rằng thời gian đàm phán là "một vết nhơ" mà ông chỉ thoát được nhờ vào một ly rượu scotch, aspirin và thuốc lá hàng ngày. Nhận thấy rõ thời gian cầm quyền còn rất ít, Johnson đã quá kiệt sức để có thể đưa bản thân ra khỏi tình trạng buồn chán đã bén sâu.
Tạp chí Time đưa tin, có một "bầu không khí lặng lẽ bất thường trong Nhà Trắng", chứng tỏ những dấu hiệu cho thấy Johnson "đã đặt mình vào thì quá khứ". Bằng cách thể hiện sự thiếu quan tâm như vậy đối với các cuộc hòa đàm Paris, Johnson báo hiệu cho vị Phó Tổng thống của mình rằng ông này phải hạ gục Richard Nixon mà không có ai giúp đỡ.
Harriman và Vance muốn Tổng thống phấn chấn lên và áp đặt kiềm chế hơn nữa lên quân đội, nhưng Johnson không muốn tạo cú huých cần thiết này cho các cuộc hòa đàm Paris. Các nhà đàm phán của Tổng thống muốn hòa bình vì lợi ích của chính nó nhưng cũng lo ngại các cuộc hòa đàm bị kéo dài, mà không thấy hồi kết đâu, có thể mở hé một cánh cửa cho chiến thắng bầu cử của phe Cộng hòa. Và cả hai người đều xem Tổng thống Richard Nixon là một triển vọng kinh hoàng.

Sam Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét