Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

THỬ PHÁC HỌA CHÂN DUNG MỘT THƯỜNG DÂN


Đoàn Nhã Văn

Biến cố 4/1975 khởi đầu cho một cuộc di dân vĩ đại có một không hai trong lịch sử Việt Nam, với hằng triệu người đã ra đi, bằng nhiều cách khác nhau, suốt nhiều năm dài. Trong số đó, có ông. Từ một người lính, làm một lưu dân, rồi ông cầm bút, dù thừa biết rằng, sách bút không nuôi sống được ai. Những năm đầu 1980’s, ông có hai tác phẩm: “Măng Đầu Mùa” (in chung với Võ Hoàng) và “Cuộc Chiến Chưa Tàn”. Bẵng đi một thời gian khá lâu, độc giả không thấy ông viết truyện ngắn nữa mà chuyển sang viết bình luận thời sự và chính trị, những bài viết đẩy tên tuổi ông đi xa hơn. Từ đó đến nay, hầu như những người còn đọc sách báo Việt Ngữ, quan tâm đến thời cuộc, đặc biệt là những công-dân-mạng, ngoài nước, dường như không ai không biết đến tên ông.

Biết tên ông, nhưng ông là ai? Nếu hỏi thẳng, vào thời điểm này, biết chừng, ông sẽ cho chúng ta một câu trả lời thú vị. Nhưng thôi, hãy nghe ông nói chút ít về mình, từ những ngày xa xưa lắm: “hồi nhỏ đi chơi, đi học, lớn lên đi lính, đi tù… (CS), ra tù lang thang, vượt biển đến Mỹ, làm báo Nhân Văn.” Hỏi thêm: đi lính ra sao? Ông bảo: “Tôi rất hay quên đội nón, quên cài nút áo, quên gôm ống quần. Toàn là những thứ quên lãng hợp lý nhưng lại không được chấp nhận ở đời sống quân trường. Tôi thích nhìn nắng chiều hay nắng sớm lao xao trên những hàng cây nên đôi khi còn quên chào luôn cả niên trưởng.” (Thằng lính bạc tình)

Thì ra, ông từng là một anh lính thuộc loại … ba gai.



Hỏi thêm: ông còn nhớ gì về lính, sau nhiều năm định cư tại Mỹ? Trả lời “Cái thứ người như tôi cứ mỗi lần nhậu xỉn mới chợt nhớ ra mình đã từng là lính, mới ba hoa về những năm tháng tù đày, mới khề khà luận bàn đến tình chiến hữu, về chuyện đấu tranh… này nọ. Tỉnh ra tôi lại lút cút đi làm, lại sống như mình chưa hề là lính, chưa từng có thằng vì tôi mà bỏ mạng, chưa có đứa đã chí tình dặn dò tôi lo chuyện quang phục quê hương. Lính có năm bảy đường, năm bẩy thứ. Cái thứ như tôi ngó bộ hơi kỳ và cũng hơi nhiều.” (Thằng lính bạc tình)

Rõ ràng là lối trả lời.. ba búa.

Tuổi trẻ mang tính ba gai, tuổi già lảng bảng chút ít ba trợn.

Có người gọi đó là tính cách của ông. Tôi chưa từng gặp, nên không biết cái mà người ta “nói” về ông, đúng hay sai. Nhưng rõ ràng, khu rừng văn chương của ông chẳng giống ai.

Trước tiên, nội cái tên “sổ tay thường dân” đã là một cái hổng giống con giáp nào! Người ta quyền cao, chức trọng, là ông lớn, là quan to, là chủ bút, chủ báo, chủ biên, chủ nhiệm, chủ tịch, chủ nợ, v.v., mới cần một cuốn sổ để ghi chép, để ghi nợ, để viết xuống những ý tưởng sẽ được trình bày trước công chúng. Đằng này, là một …thường dân, không quyền thế, (và có lẽ) nghèo tiền bạc, vậy mà cũng như ai, kè kè một cuốn …sổ tay! Nhưng điều đáng nói: cuốn sổ tay này (hơi bị) “nặng ký”. Không phải nặng theo tính chất vật lý, mà là nặng bởi một tấm lòng. Tấm lòng đó, đồng cảm với người, ấm áp với đời. Vì thế nó lôi cuốn bạn đọc.

Thực ra, cảm động bởi một tấm lòng, chỉ là một bước khởi đầu. Quyến rũ người đọc trên ngần ấy trang viết, tất phải bắt nguồn từ một rung động lớn: một bản lĩnh nghệ thuật được dàn trải trên từng trên viết. Trong văn học nghệ thuật, ý tưởng không làm nên sự khác biệt giữa nhà văn. Chính bản lãnh nghệ thuật mới làm nên điều đó.

Sổ tay thường dân (STTD), trước hết, là tập hợp những bài viết nặng lòng với quê hương, những bài bình luận đặt trọng tâm vào tình người, và sau nữa, là những trang viết bám sát từng biến chuyển của thời cuộc tác động vào đời sống của những người dân thấp cổ, đang còng lưng sống nốt những tháng ngày còn lại trên mảnh đất hình chữ S. Cái tâm thế mà ông đặt vào trong từng bài viết của mình là tâm thế của một người con, lìa xa đất tổ, nhưng lòng vẫn đau đáu nhìn về bên kia biển lớn với một ước vọng khá nhỏ nhoi: làm sao cho dân tình đỡ khổ, làm sao cho người đối với người ngày một tử tế hơn. Trong cái ước vọng đó, ông dị ứng với những bản báo cáo nổ như pháo, những lời tuyên bố nghe rất là rổn rảng, những con số thống kê đầy dấu chấm hỏi.

Viết về một thể loại như thế, bàn về nhiếu vấn đề khô khan, thường dễ làm người đọc nản lòng ở những bài viết tương đối dài. Cho nên, ông đã chọn cho mình một con đường đi riêng biệt. Ở đó, trên từng trang sổ tay, luôn luôn ẩn hiện những chất hài, pha lẫn những nghịch ngợm, không phải cái nghịch ngợm nổi loạn của tuổi 15, 17, mà là một thứ nghịch-ngợm-ngầm, chín mùi, đọc lên, nghe nó đi thấu vào tận ruột gan, đã thiệt là đã. Có nhiều lúc, ẩn hiện cái tếu táo của một anh chàng vui tánh. Dùng chất hài trong những bài viết có tính chất nghiêm trọng là nhằm kéo cái khô khan, chán ngắt xuống gần với đời thường, để mọi người có thể thưởng ngoạn một cách dễ dàng hơn. Ở những điều mà người khác cho là to tát, vĩ đại, sổ tay của ông đơn giản hóa, làm cho nó thực hơn, sống động hơn, và nhất là “đời” hơn. Trong ý nghĩa đó, không ít lần ông mai mỉa những nhân vậït lớn, thét ra lửa, bằng chính những bản báo cáo hay những tác phẩm của họ.

Hãy nhìn thử ông viện sĩ Nguyễn Chơn Trung, trong nước:

“Sau đây là báo cáo của Viện Sĩ Nguyễn Chơn Trung, Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt ở Nước Ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh:

“Năm 2004 cả nước có khoảng 3,3 tỷ USD kiều hối, riêng TP. HCM đạt 1,8 USD… đó chỉ mới thống kê theo đường “chính ngạch” qua ngân hàng, chưa kể kiều hối về nước bằng những con đường khác nữa. Tiềm năng của Việt kiều rất lớn. Nếu tính xuất khẩu dầu lửa, xuất khẩu gạo của Việt Nam, cả năm phải dùng nguồn lực toàn dân mới đạt gần 2 tỷ dolar. Trong khi đó, với số lượng kiều hối đổ về quê hương, chúng ta có được 3,3 tỷ dollar. Tiềm lực này nếu bị bỏ quên là điều đáng tiếc.”

Không biết cái viện (thổ tả) nào đã sản xuất ra cái loại viện sĩ, như Nguyễn Chơn Trung. Ông ấy thường hay nói chữ, và nói (rất) ngu. Mấy tỉ Mỹ kim tiền tươi (đổ về ào ạt hàng năm) mà thằng chả kêu bằng “tiềm năng” và “tiềm lực”, Giời Đất ạ!” (Hát Xẩm)

Và đây, một tác phẩm của một nhân vật (hơi) lớn khác.

“Tác phẩm duy nhất mà tôi thực sự tâm đắc, vào thời điểm đó, là Hổ Chí Minh Toàn Tập – dù tác giả viết nhiều đoạn hơi (bị) dở. Thí dụ như: “Không có lực lượng gì ngăn trở được mặt trời mọc. Không có lực lượng gì ngăn trở được loài người tiến lên. Cũng không có lực lượng gì ngăn trở được chủ nghĩa xã hội phát triển.”

(Giời ạ, mặt trời chứ bộ mặt trận sao mà đòi lấy lực lượng ra ngăn trở. Tương tự, có cái lực lượng mẹ rượt nào mà ngăn trở được loài người tiến lên, cha nội? Viết như thế mà cũng bày đặt cầm bút).

Ngoài những lỗi lầm nho nhỏ không đáng kể như thế – về nội dung – phải nói đây là một công trình đồ sộ, rất đáng đồng tiền bát gạo. Sách rất dầy, giấy in rất tốt, giá rất rẻ, và (rất) được những bà hay những cô bán hàng rong ưa chuộng. Họ cần giấy để gói, hoặc để chùi; còn tôi, tôi cần một phần ăn – nhiều hơn số tiền túi mình có thể mua. Do đó, dù có đói thảm thiết tôi cũng chả bao giờ (dại dột) xà ngay xuống mẹt xôi hay mẹt bánh. Tôi luôn chịu khó đi lòng vòng mua sách, rồi mới mang đổi lấy thức ăn – cho đỡ khổ cái dạ dày!” (Tô Hoài và Ba người khác)

Ông đọc nhiều, bám vào thời sự trong nước từng ngày, tinh tế nhìn quanh đời sống. Ông bao quát chuyện “lớn”. Ông đi sâu vào chuyện nhỏ. Chuyện “lớn” ông dí dỏm theo kiểu lớn. Cái nhỏ, ông hài hước theo kiểu nhỏ. Nhưng dù nhỏ hay lớn, mâm nào có ông, mâm đó được nhiều người biết đến.

Chuyện lớn, như chuyện đi vào văn học sử, ông dũa te tua những kẻ đi quá giang trên chuyến tàu quá tải, một cách mờ ám. Ông bình về những cái tuyên cáo trên những tờ báo lớn trong nước. Ông luận về những lời lẽ “có cánh” của những quan lớn một thời như: Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải v.v., một cách rất có “duyên”, để người đọc thấy được bề mặt khác của những tuyên bố hùng hồn. Ông đi đến gần như tận cùng cái đau của người dân khi hứng chịu những cái ác từ những người không tử tế, từ sau 1975.

Chuyện nhỏ, ông viết về con chim sẻ, chim ri, củ khoai, củ sắng, cây vú sữa miền Nam, cái bia tưởng niệm, cuốn băng nhạc, đôi dép, cái mũ. Lớn thêm tí xíu, ông viết về con đò, cái nghèo, cái đói v.v.

Cứ lấy một chuyện nhỏ thử coi, chuyện cái mũ, đôi dép, chẳng hạn.

“Những gia đình đông con thường nghèo, và những gia đình nghèo thường … đông con. Nghèo, tất nhiên, đi cùng với khổ. Khổ nhất là anh em phải mặc áo quần của nhau, người Việt gọi là mặc “khính”, cứ đứa lớn mặc chật thì đứa kế sẽ mặc tiếp.

Mặc quần áo cũ đã phiền, đi dép cũ hay đội nón cũ còn phiền hơn nữa, nhất là dép râu và nón cối. Loại nón này xuất hiện cùng luợt với chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, như một biểu hiện cho … tai họa, và sự khốn cùng của người dân – ở sứ xở này.

Một cái nón cối mới tinh (đội) trông đã chả giống ai. Chơi một cái đã cũ, bẩn thỉu, và bạch phếch màu lên đầu thì kể như là hết thuốc! Đã có mấy thế hệ người Việt phải đội những cái nón cối (thổ tả) như thế, trong suốt cuộc đời không may của họ”( Thôi bỏ đi Tám (Bis))

Viết ngắn mà thấm. Nói ít mà đau.

Lấy thêm một ví dụ nhỏ nữa, về cây vú sữa, chẳng hạn.

“Hồi đó, cô bảy chỉ mới 14 tuổi. Cô kể: “Khi các chú với tía mang balô lên Vàm Chắc Băng tập kết, mẹ gọi tôi vào nói: Tụi nó đi mà không có gì gửi cho Cụ Hồ. Mày chạy xuống nhà ngoại bứng về cho má cây vú sữa gửi cho Cụ nhanh lên!”

Chẳng ai trả lời được câu hỏi tại sao mẹ Tư lại tặng cây vú sữa mà không là cây khác.”(Con ở Miền Nam Ra thăm lăng Bác)

Gần đây, 2004, Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Cà Mau có quyết định cho xây bia tưởng niệm cây vú sữa. Xem thử ông nghỉ gì về cái quyết định này.

“cái quyết định của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Cà Mau, về chuyện “cho xây bia tưởng niệm cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ”, là có vẻ hơi nặng phần trình diễn. Tưởng gì chớ mộ bia, và bằng khen thì “những gia đình có công với cách mạng” – Bắc cũng như Nam – đâu có thiếu. Nhà nào mà sau vườn không ngổn ngang bia mộ liệt sĩ, và trên tường không treo (tá lả) cả đống bằng khen thưởng.” (Con ở Miền Nam Ra thăm lăng Bác)

Cái “duyên” ngầm của ông nằm trong nét hài, giễu cợt những thứ mà ông thấy ứa gan. Từ tếu táo ông đi đến cà khịa, khi cần. Nhưng phải nói rõ hơn, ông sẵn sàng cà khịa với những “cái gọi là” viện này, ủy ban kia, “ba người khác”, rồi (lại) ba người khác nữa v.v…. Nhưng đằng sau cái cà khịa tới cùng đó, là một tấm lòng xót xa với những người … thường dân. Đó là những ông lão đưa đò ở miền Trung, những em thơ bị “ba người khác” và đồng bọn giành lấy những phương tiện tối thiểu để đến trường (như chiếc thuyền máy được nước ngoài viện trợ), những đau khổ bị chèn ép của những người dân tộc v.v. Những người mà ông chia sẻ, xót xa chính là những người thấp cổ, bé miệng trong một xã hội mà luật lệ mọc lên một cách (hết sức) vô thứ tự như cây rừng, nên đến khi cần dùng luật, họ lấy luật rừng ra xử. Chẳng hạn việc tòa án xử ông lão chèo đò trên 80 tuổi, trong vụ chìm đó ở bến Chôm Lôm.

Theo báo chí trong nước tường trình:

“Chủ tọa Vũ Thanh Liêm hỏi: “Biết mình già yếu, tuổi đã cao nhưng tại sao ông vẫn còn chèo đò. Lúc đó ông có biết đã vi phạm pháp luật vì không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường thủy không?”. Ông Nghĩnh đáp: “ Tôi gắn bó với sông Thu Bồn từ nhỏ. Già cả rồi nhưng nghĩ tới hột lúa hột gạo nên phải làm. Cả đời tôi không đi ra khỏi làng, làm sao biết quy định của pháp luật được.”
Cũng theo báo chí trong nước thì “Cả bản Chôm Lôm như chết lặng trong tiếng khóc thương. Nghĩa trang của bản đã phủ thêm 13 vòng hoa trắng. Nhiều em không thể có nổi tấm ảnh thờ, gia đình phải dùng sách vở, giấy khen để làm di ảnh.”

Vậy ông bình luận thế nào về vụ này?

“Ở một nơi mà những cụ già đến tuổi tám mươi vẫn phải làm việc mưu sinh, và những đứa bé suốt thời ấu thơ chưa bao giờ có được cơ hội chụp một tấm hình, mà đòi hỏi ông lái đò phải có giấy phép hành nghề, và khách đi đò phải có phao an toàn là những biện pháp …”khắc phục” (nghe) rất …viễn vông!” (Chuyện từ những chuyến đò ngang)

Nhưng chưa hết:

“Giá mà ngày trước Bác (giai) đừng đi linh tinh (tìm đường cứu nước, và chung chạ tùm lum) thì mọi chuyện – không chừng – đã khác, và đã khá. Cứ ở lại quê mình với bác gái, một vợ một chồng – sớm tối có nhau – không có sức vóc làm ruộng thì nuôi gà, nuôi vịt, đan lát quàng qué kiếm thêm (có lẽ) cũng không đến nỗi nào. Được thế thì bây giờ gia tộc cũng đỡ mang tiếng xấu và tỉnh nhà (chắc chắn) đã có một chiếc cầu ngang, qua bến Chôm Lôm. Còn những công dân lão hạng khắp mọi nơi (như ông Võ Nghĩnh) cũng sẽ đều được nằm chết ở nhà mình – thay vì ở nhà … tù, vì tội đưa đò – khi đã quá tuổi tám mươi.” (Chuyện từ những chuyến đò ngang)

Ông viết vậy nên “chúng” ghét là phải.

Viết STTD, ông viết bằng tâm thế của một người đúng về phía yếu, về phía nạn nhân, về phía của nước mắt, nhưng rõ ràng không phải là nước mắt của “mẹ mìn”. Chọn cho mình một thế đứng như thế là thách thức, là tuyên chiến với cái ÁC. Lựa chọn như vậy, nên ông đau nỗi đau của người dân nghèo xứ thượng, ông nghe đắng chát nỗi niềm của những ông lão chèo đò, ông xót xa cho những em thơ thiếu điều kiện đến trường….

Cái nghèo đói sao mà cứ đeo đuổi theo họ suốt đời. Sống ở thôn quê, ruộng đồng, sông nước, cái nghèo cứ quấn quýt một bên. Làm sao để khá hơn? Đêm nằm vắt tay lên trán, nghĩ mãi chẳng ra. Nhà nước luôn khuyến khích mọi người triển khai kế hoạch: vườn-ao-chuồng, để góp phần phát triển đất nước. Vườn (thiệt tình mà nói), những người thường dân … thua, vì họ làm gì có đủ đất để mà làm vườn. Đất thuộc về người khác! Còn nuôi, trồng để phát triển? Biết nuôi con gì, biết trồng cây gì để mà “xóa đói giảm nghèo”. Mà có nuôi, có trồng thì cũng phải có tiền. Nghèo quá, ai cho vay. Cái khó bó cái khôn. Cái vòng luẩn quẩn như con gà và cái trứng cứ đeo đuổi họ suốt đời. Phải chi họ có “chút ít” như cán bộ, họ sẽ biết trồng cây gì và nuôi con gì ngay. Có lẽ, cũng bắt chước như “người ta”, họ sẽ trồng cây “xăng” và nuôi con “cave” để lên nhà lầu, để tậu xe hơi.

Đó là những tiếng cười thầm, chua xót. Đó là những giọt nước mắt khô, lăn dài, trong một thời đại “thổ tả”.

Từ một người thường dân, đứng bên này biển mà nhìn về bên kia (chứ ông chưa đi hết biển), nghe từng nhịp tim đập với thế thời, ông vui sướng, biết có những nhà yêu nước, bất chấp hiểm nguy, đòi quyền sống, đòi quyền làm người cho những thường dân trong nước. Ông viết về họ như góp thêm những ánh lửa nhỏ cho một ngọn đuốc lớn. Ông viết về họ, như trải lòng mình ra (và như ngã nón chào) những người dám vì người, quên mình. Những dòng chữ của ông vì thế mà lấp lánh. Lấp lánh một tấm lòng.

Nhiều người cho rằng: trí thức là những kẻ biết đặt câu hỏi “tại sao” trước những điều xảy ra trong cuộc sống. Và hơn thế nữa, “họ” là những người biết đặt câu hỏi ngược lại những điều mà người khác có thể cho là chân lý. Đặt câu hỏi như thế là nhìn vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhằm soi rọi những ẩn khuất của cuộc sống. Tôi chưa từng nghe ông tự nhận mình là trí thức, khoa bảng. Vậy mà, bất cứ số sổ tay nào, ông cũng lật đến cốt lõi của từng vấn đề. Ông đề cập một cách nhẹ nhàng, mà thâm sâu. Ông đào xới, xóc tung từng điểm, ngay cả những điểm hết sức nhạy cảm, một cách không khoan nhượng, mà không hề sắt máu. Ông lộït mặt nạ những con thò lò, vạch mặt những kẻ láu cá một cách thẳng thừng mà lại rất ngoạn mục.

Có một nét đặt biệt ông thường dùng trong câu văn, là những dấu ngoặc đơn. Với nhiều nhà văn khác, thành phần trong dấu ngoặc đơn thường là thành phần phụ, dùng để giải thích hay thuyết minh một điều gì được nói trước đó. Với ông, không là thế. Mà nhiều khi nó lại là cái cốt lõi của điều ông muốn nói. Nó tạo nên cái nét tinh quái trong chữ nghĩa của ông. Cứ đọc những đoạn trích dẫn để thấy cái đắc địa của những chữ ông bỏ trong ngoặc đơn.

Và, hơn thế, ông thường đẩy vào trong cái trong cái ngoặc đơn ấy, một từ mà ông (lấy làm) thích thú: “thổ tả”. Cái viện (thổ tả), cái nón cối (thổ tả), loại nhạc (thổ tả), chính sách (thổ tả), thời đại (thổ tả)… Cái gì mà ông thấy chướng tai gai mắt, cái “món hàng” ấy sẽ được xếp vào loại (thổ tả) này ngay. Công bình mà nói, không phải cái (thổ tả) nào cũng đạt được điều ông muốn diễn đạt.

Còn nữa, thỉnh thoảng ta nghe ông phán một tiếng: Mẹ rượt. Đó là tiếng chửi đổng của miền Nam. Ông phải xổ … nho như thế, vì bực mình khi đọc hay nghe phải những lời nói có cánh nhưng (rất là) ngu, như ông thường nói. Phải xả nó ra, để khỏi phải bực bội. Xong xuôi, lại phải giải thích cho … thằng chả đó nghe. Tánh ông là thế. Chẳng hạn: “Bỏ cái thành kiến mẹ rượt đi mấy Tám”, hay “ Có cái lực lượng mẹ rượt nào mà ngăn trở được loài người tiến lên, cha nội?” v.v.

Diễn tả nét đẹpï, của văn chương cũng như của một người con gái, dễ hơn diễn tả cái duyên ngầm. Để “thấy” cái duyên, lắm lúc cần phải đối diện. Nghe người khác thuật lại, cái duyên đó đã mất đi nhiều phần. Cái duyên trên những trang viết của ông cũng thế. Để thưởng thức, nó đòi hỏi người đọc phải trực tiếp đọc nó. Để thấm!

Viết về thời sự, chính trị, vạch mặt cái ÁC của thời đại, bằng một giọng văn hóm hỉnh, pha chất hài hước trên từng trang viết, giễu cợt một thời đại thổ tả, cà khịa với những bản mặt táo bón, tếu táo với những ông bạn của dân, mỉa mai những lời “có cánh”, từ trước tới nay, trong làng văn, báo, khu rừng này dường như chưa có người khai phá. Vì thế, trái núi mang tên ông, Tưởng Năng Tiến, là một trái núi đơn.

Đoàn Nhã Văn
2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét