Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013
Hoa Lục - Đài Loan Liên Minh Khống Chế Biển Đông
Lời phi lộ:
Bài này một phần đã được phổ biến dưới tiêu đề “Yếu Tố Đài Loan Trong Tranh Chấp Biển Đông” nay có thêm những yếu tố mới làm tình hình Biển Đông ngày càng thêm nguy hiểm cho nên tôi thấy cần bổ túc và nói rõ thêm. (Đào Văn Bình )
Trước đây cuộc tranh chấp Biển Đông vốn đã phức tạp, nay bỗng trở nên phức tạp, nguy hiểm hơn với tham vọng của Đài Loan. Năm 1956 (có tài liệu nói 1971) khi hải quân của Miền Nam còn yếu, chưa chú ý nhiều đến biển-đảo và phó thác an ninh Biển Đông cho Mỹ, bè lũ Tưởng (Tưởng Giới Thạch (1956) & Tưởng Kinh Quốc (1972) tiến chiếm Đảo Ba Bình (Tàu gọi Thái Bình) hòn đảo lớn nhất trong Quần Đảo Trường Sa của Việt Nam. Nói về mặt lịch sử và pháp lý, ngay Trung Hoa còn không có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa huống chi một hòn đảo nhỏ của Trung Hoa (Đài Loan) làm sao có thể đòi hỏi chủ quyền ở đây? Còn về mặt địa lý, Trường Sa cách Đài Loan 960 hải lý, trong khi chỉ cách Khánh Hòa/Nha Trang 250 hải lý cho thấy không thể nào có chuyện Trường Sa là của Tàu - Đài Loan hay Hoa Lục.
Từ ngày chiếm được Đảo Ba Bình, Đài Loan đã cho đồn trú quân, xây dựng hệ thống phòng thủ tại đây. Và khi Hoa Lục lì lợm công bố Đường Lưỡi Bò gom hết Biển Đông về mình vào năm 2009 và áp chế Việt Nam, Phi Luật Tân thì Đài Loan tỏ ra hung hăng hơn về mặt ngoại giao, chính trị và quân sự - không ngoài mục đích giành giật chủ quyền tại nơi mà Đài Loan đã lấn chiếm trái phép. Căng thẳng tăng dần theo thời gian:
-Vào ngày 12/10/2011 Ủy Ban Quốc Phòng Quốc Hội Đài Loan tuyên bố các đơn vị tuần duyên của Đài Loan sẽ được trang bị hỏa tiễn Thiên Kích Aparral là loại hỏa tiễn tối tân, đưa xe tăng bố phòng ở các cụm đảo còn trong vòng tranh chấp vì lo ngại hỏa lực của quân trú phòng ở đây thua kém các lực lượng tranh chấp khác. Đài Loan không nói rõ lực lượng tranh chấp đó là ai: Hoa Lục, Việt Nam hay Phi Luật Tân? Hay cả ba? Hiện nay Đài Loan đang chiếm giữ Đảo Itu Aba (Thái Bình) mà Việt Nam gọi là Ba Bình là hòn đảo lớn nhất trong Quần Đảo Trường Sa. Trước tình hình đó Hoa Kỳ hoảng quá vì nó liên quan tới đồng minh thân thiết là Phi Luật Tân và vì nó có thế đổ thêm dầu vào lửa cho nên vào ngày 14/10/2011 phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ lên tiếng khuyến khích tất cả các bên tranh chấp giải quyết bất đồng bằng phương tiện ôn hòa trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, tránh xử dụng vũ lực hay đe dọa xử dụng vũ lực.
-Vào ngày 16/10/2011 Phi Luật Tân phản ứng. Bộ Quốc Phòng Phi Luật Tân cho rằng thái độ trên của Đài Loan có thể gây hiểu lầm từ các nước đang có tranh chấp và Đài Loan cần nói rõ thêm về kế hoạch đem hỏa tiễn vào Trường Sa. Phi Luật Tân tuyên bố sẵn sàng bảo vệ tới cùng các hòn đảo trong khu vực Trường Sa thuộc chủ quyền của Phi Luật Tân. Còn Việt Nam và Hoa Lục thì hoàn toàn giữ im lặng.
-Từ 17/10 tới 28/10/2011 để tiếp sức thêm cho Phi Luật Tân, Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc tập trận đổ bộ lên một bãi biển gần Trường Sa với Phi Luật Tân (BBC) nhằm “tăng cường an ninh khu vực chứ không không nhắm vào bất cứ nước nào.” Việt Nam và Đài Loan giữ im lặng, trong khi Bắc Kinh phản đối và cho rằng các cuộc tập trận này “đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.” Không biết Hoa Lục có thiên vị “người anh em cùng huyết thống” không vì Đài Loan đưa hỏa tiễn và xe tăng tới đây thì ông nín khe, còn Hoa Kỳ và Phi Luật Tân tập trận thì ông phản đối. Trong thời gian này, tin tức xì ra là Tổng Thống Đài Loan là Mã Anh Cửu đã úp mở cho biết là sẽ ký kết hòa ước với Hoa Lục và nhường Đảo Ba Bình để đổi lấy sự yên thân là Hoa Lục sẽ không tấn chiếm Đài Loan.
-Ngày 26/10/2011 Ô. Trương Tấn Sang thăm Phi Luật Tân và cùng Tổng Thống Phi Luật Tân kêu gọi thành lập một khu vực hòa bình tại Biển Đông. Và theo Đài VOA, Việt-Phi đồng ý đối thoại đa phương để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Qua cuộc gặp gỡ này, mọi người đều thấy Phi Luật Tân và Việt Nam chủ trương nhường nhịn và hợp tác với nhau để đối phó với kẻ thù nguy hiểm hơn là Hoa Lục và ngày nay thêm Đài Loan.
-Vào ngày 07/11/2011 Tư Lệnh Hải Quân Đài Loan tuyên bố nếu có chiến tranh ở Biển Đông thì Đài Loan sẽ hỗ trợ cho Hoa Lục, nhất định không giúp Phi Luật Tân và không đứng yên để nhìn. Xin nhớ cho Đài Loan /Trung Hoa Dân Quốc và Phi Luật Tân trước đây là đàn em dưới trướng của Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam. Nay vì “ máu chảy ruột mềm” và “một giọt máu đào hơn ao nước lã ”, Đài Loan quên “tình xưa nghĩa cũ” và “chơi” luôn Phi Luật Tân- ông bạn đồng minh cũ của mình. Nếu như một hòa ước được ký kết giữa Hoa Lục và Đài Loan thì người dở khóc dở cười chính là Hoa Kỳ. Trước đây cứ mỗi lần Đài Loan tuyên bố đòi độc lập thì Hoa Lục lại hăm dọa dùng vũ lực để tấn chiếm Đài Loan. Hoa Kỳ vội vã đem tàu chiến tới đứng chặn ở giữa khiến Hoa Lục hậm hực rút lui. Nhưng nay anh em nhà người ta đã làm lành với nhau thì sự hiện diện của Hoa Kỳ trở nên vô nghĩa, mời ông đi chỗ khác chơi, ông sớ rớ ở đây làm gì? Và chính sách “Một Nước Trung Hoa” của Hoa Kỳ cũng sẽ trở nên lỗi thời vì nếu có một hòa ước như vậy thì nhà ai nấy ở, rõ ràng có hai nước Trung Hoa chứ đâu phải một nước Trung Hoa? Ngoài ra nếu một cuộc đọ sức giữa Đài Loan và Phi Luật Tân xảy ra ở Biển Đông thì Hoa Kỳ bênh ai, bỏ ai bây giờ? Cả hai đều là đàn em và đồng minh của mình cả. Thật đau đầu! Cuộc cờ thế giới biến chuyển rối như canh hẹ.
-Ngày 13/12/2011 theo hãng thông tấn Đài Loan CNA, Đài Bắc đã cho khánh thành một hệ thống năng lượng mặt trời trên hòn đảo đang có tranh chấp với Việt Nam, Phi Luật Tân và Hoa Lục . Đây được coi như một hành động để củng cố thêm chủ quyền của mình.
-Ngày 16/12/2011 Dân Biểu Ben Evardone- Chủ Tịch Ủy Ban Thông Tin của Hạ Viện Phi Luật Tân yêu cầu Bộ Ngoại Giao Phi là phải có văn thư phản đối chính thức và đòi hỏi chính quyền phải đưa vấn đề này ra trước ASEAN và Liên Hiệp Quốc - Phi Luật Tân “không thể thụ động trước hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của đất nước.” Còn hai dân biểu khác trong ủy ban quốc phòng thì kêu gọi Tổng Thống Aquino phải lên tiếng phản đối Đài Loan. Trong khi đó Việt Nam có thể đang âm thầm chuẩn bị nhưng không bày tỏ phản ứng gì.
-Ngày 27/12/2011 Đài BBC trích dẫn báo chí Philippines đưa tin nước này đã điều tàu chiến lớn nhất của mình ra Biển Đông hướng về khu vực có dự án khai thác khí đốt.
-Ngày 3/1/2012 tin tức cho biết Bộ Quốc Phòng Philippines đang xem xét khả năng mua các loại hỏa tiễn đất-đối-hải và tăng cường năng lực giám sát hàng hải vì Phi Luật Tân cho rằng các thiết bị quân sự do Mỹ hỗ trợ là không đáp ứng được yêu cầu (cũ quá và bị gỡ hết hỏa tiễn khi bàn giao).
-Ngày 17/01/2012 một phái đoàn bao gồm 4 thượng nghĩ sĩ Hoa Kỳ trong đó có các thượng nghĩ sĩ nặng ký như John McCain, Joe Lieberman đã tới thăm Phi Luật Tân và tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Phi Luật Tân trong tranh chấp biển đông bằng hai cách: Tăng cường hiện diện quân sự Mỹ ở vùng này và trợ giúp quốc phòng cho Phi Luật Tân.
-Ngày 19/07/2012, Việt Nam phản đối Đài Loan cho kéo dài đường băng/phi đạo trên Đảo Ba Bình thuộc Quần Đảo Trường Sa của Việt Nam mà máy bay quân sự khổng lồ C-130 có thể đáp xuống được.
-Ngày 7/9/2012 Việt Nam phản đối một nhóm quan chức cao cấp Đài Loan đã tới cắm cờ và tuyên bố chủ quyền ở Bãi Cạn Bàn Than thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 31/8/2012 và Việt Nam coi đây là một trong những hành động leo thang gây hấn nghiêm trọng tại Biển Đông. (theo Dân Trí)
-Ngày 23/8/2012 Việt Nam yêu cầu Đài Loan hủy ngay kế hoạch diễn tập quân sự bằng đạn thật trên Đảo Ba Bình mà Đài Loan gọi là Đảo Thái Bình, nhưng Đài Loan bác bỏ phản đối của Việt Nam.
-Ngày 3/1/2013, phát ngôn viên Steve Hsia của Đài Loan lên tiếng phản đối Luật Biển mới của Việt Nam và cho rằng luật này đụng tới chủ quyền của Đài Loan tại các quần đảo ở Biển Đông. (VOA)
-Ngày 10/1/2013 Việt Nam phản đối trước tin Đài Loan tuyên bố tiến hành thăm dò dầu khí tại vùng biển xung quanh Đảo Ba Bình thuộc Quần Đảo Trường Sa của Việt Nam.
-Ngày 4/2/2013 cơ quan quốc phòng của Đài Loan cho biết 40 giáo sư và sinh viên đại học sẽ được chọn tham gia vào hội trại trên Quần Đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
-Ngày 7/3/2013 Báo chí Philippines trích nguồn tin từ Bộ Quốc Phòng nước này cho hay Việt Nam và Philippines đã có cuộc họp tuần rồi tại Manila để thúc đẩy hợp tác quốc phòng. Vấn đề này được đôi bên thảo luận trong cuộc họp của Nhóm Công Tác Hỗn Hợp. Trưởng phái đoàn Philippines tham gia cuộc họp là Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Raymund Quilop và đoàn Việt Nam do Thiếu Tướng Vũ Chiến Thắng- Cục Trưởng Cục Đối Ngoại Bộ Quốc Phòng dẫn đầu.
-Ngày 11/3/2013 VOA tiếng Việt đưa tin “Hiện tại xung đột quân sự vì tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và Biển Đông Trung Hoa có phần chắc sẽ không xảy ra, nhưng có nguy cơ có thể có các cuộc đụng độ tình cờ. Đó là nhận định của Bộ Quốc phòng Đài Loan đưa ra ngày 9/3 được thông tấn xã trung ương Đài Loan đăng tải.” Đài Loan hàm ý gì khi đưa ra phỏng đoán “nước đôi” như vậy trong khi vào ngày 12/3/2013, “Thông tấn xã Đài Loan CNA ngày 11/3/2013 dẫn lời Vương Tiến Vượng, Cục Trưởng Cục Cảnh Sát Biển Đài Loan cho hay lực lượng này sẽ tăng cường "hợp tác" và trao đổi thông tin với Cảnh Sát Biển Trung Quốc trong việc tăng cường cái gọi là "tuần tra" trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.” (theo GDVN). Nếu vậy - trên Biển Đông sẽ hình thành hai liên minh đối đầu với nhau: Liên Minh Hoa Lục- Đài Loan và Liên Minh Việt Nam-Phi Luật Tân. Tình hình Biển Đông diễn biến khôn lường!
-VOA ngày 12/3/2013 cố vấn anh ninh Tòa Bạch Ốc Tom Donilon, một ngày trước chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của tổng thống Brunei nói rằng Washington không có đòi hỏi chủ quyền và không có lập trường đối với tuyên bố chủ quyền của các nước khác ở Đông Á và không nghiêng về bên nào trong các vụ tranh chấp (Biển Đông và Hoa Đông). Tuy nhiên, Hoa Kỳ kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào sử dụng sự cưỡng ép hoặc sức mạnh để xúc tiến đòi hỏi chủ quyền của mình.
Sau đây là một số nhận định:
1) Tính từ năm 2011 tới nay tình hình căng thẳng ở Trường Sa giữa Việt Nam/Phi Luật Tân và Đài Loan mỗi lúc mỗi gia tăng. Nương tựa vào sức mạnh hải quân của Trung Quốc, Đài Loan “nhờ gió bẻ măng” quyết tâm giành giật chủ quyền và tài nguyên thiên nhiên tại đây trong khi Hoa Lục hoàn toàn im lặng để thủ lợi.
2) Việt Nam và Phi Luật Tân tạm gác tranh chấp lãnh thổ, nương tựa vào nhau để cùng chống lại hai đối tượng nguy hiểm là Đài Loan và Hoa Lục. Đây là chiến lược khôn ngoan của cả hai nước. Việt Nam và Phi Luật Tân hiểu rằng không thể biến ASEAN thành một liên minh quân sự để chống Tàu. Thế nhưng “liên minh riêng lẻ” thì vẫn có sức mạnh mà không ai chỉ trích được. Quan điểm của Việt Nam là có thể đàm phán với Phi Luật Tân nhưng không thể thương thảo với Đài Loan hay Hoa Lục - vì hai đối tượng này hoàn không có cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền trên bất cứ hòn đảo hay bãi đá ngầm nào ở Hoàng Sa và Trường Sa.
3) Là cường quốc hải quân hàng đầu và đang ở tư thế lãnh đạo thế giới và có liên hệ mật thiết với Đài Loan, trách nhiệm của Hoa Kỳ tới đâu? Hoa Kỳ phải làm gì để kiềm chế Đài Loan trong bối cảnh vô cùng phức tạp và ngày càng trở nên nguy hiểm ở Biển Đông? Rõ ràng Hòa Kỳ phải quyết tâm trong vấn đề này. Chỉ Hoa Kỳ mới đủ sức ép để ngăn chặn Đài Loan gây thêm những biến động không lường trước được ở Biển Đông. Mục tiêu chính của Hoa Kỳ và cũng là mong đợi của thế giới là “hòa bình và ổn định” cho khu vực. Thế nhưng vì nguồn tài nguyên thiên nhiên, Đài Loan bất chấp luật lệ quốc tế, phớt lờ khuyến cáo của Hoa Kỳ. Khi Đài Loan động thủ, kẻ hưởng lợi là Hoa Lục và kẻ thiệt thòi là Phi Luật Tân và Việt Nam. Chẳng hạn ngày mai Đài Loan kéo dàn khoan tới đây hoặc gọi thầu thăm dò dầu khí chung quanh Đảo Ba Bình thì Phi Luật Tân và Việt Nam phải làm gì? Biện pháp quân sự chăng? Khi đó liệu Hoa Lục có lợi dụng cơ hội để tiến chiếm luôn phần còn lại của Quần Đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam? Liệu lập trường “trung lập” của Hoa Kỳ - tức không đứng về phe nào, ngay cả với Phi Luật Tân - có khuyến khích Hoa Lục lộng hành và Đài Loan “nhờ gió bẻ măng” không?
4) Nói về giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Đài Loan, tính đến 21/12/2010 Đài Loan dẫn đầu trong tổng số 92 nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam với 2146 dự án, tổng vốn đầu tư lên đến gần 23 tỉ USD. Năm 2010 có 95 dự án đầu tư mới với tổng số vốn 1.2 tỉ USD và trong 5 tháng đầu năm 2011 là 19 dự án với tổng số vốn 171.7 triệu USD. (Internet) Theo thống kê mới nhất, vào Tháng Giêng, 2013 mậu dịch song phương Việt Nam-Taiwan là 989.1 triệu đô-la, tăng 69.3% so với cùng thời kỳ này năm 2012. Trong Tháng Giêng 2013 Việt Nam xuất cảng sang Taiwan 175.2 triệu đô-la. Nếu một cuộc đụng độ giữa Việt Nam và Đài Loan xảy ra ở Biển Đông, chắc chắc quan hệ thương mại đổ vỡ và gây tổn thương cho cả hai nước, chưa kể bộ mặt của Đài Loan sẽ xấu đi đối với các quốc gia Đông Nam Á. Không biết Đài Loan, dám hy sinh quyền lợi trước mắt vì lợi ích lâu dài của dân tộc? Có thể lắm.
5) Cuộc liên kết giữa Đài Loan và Hoa Lục đầy thủ đoạn ngày hôm nay khiến chúng ta nhớ tới câu chuyện ngụ ngôn của Trung Hoa như sau:
“Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em nhà nọ, sau khi người cha chết đi đã để lại một gia tài kếch xù. Vì không di chúc cho nên hai anh em tranh giành nhau. Ai cũng bảo gia tài thuộc về mình. Bọn cướp thấy hai anh em cãi nhau như vậy bèn kéo đến. Người em vì căm thù người anh cho nên nói rằng thà để ăn cướp lấy còn hơn để cho thằng anh bất nhân ăn cả. Còn người anh cũng nghĩ rằng thà cho bọn cướp ăn còn hơn để cho thằng em hỗn láo. Thế là gia tài kếch xù kia không ai bảo vệ cho nên bọn cướp ung dung cuỗm đi. Sau khi bọn cướp đi rồi, hai anh em thấy mình tay trắng, rầu rĩ nhìn nhau. Một ông già đi ngang qua hỏi chuyện gì vậy? Hai anh em thành thực thưa lại mọi chuyện. Nghe xong ông già tức giận nói, “Chúng mày ngu quá! Tại sao chúng mày không đoàn kết chống bọn cướp? Đuổi được bọn cướp đi rồi chúng mày có quay sang giết nhau cũng được. Lúc đó gia tài dù thuộc thằng nào thì cũng là dòng họ, cũng là anh em. Nay cướp lấy rồi làm sao đòi được nữa?”
Hoa Lục ngày nay đã trở thành một cường quốc với sức mạnh quân sự, kinh tế đứng thứ nhì thế giới, nhưng một số người vẫn cứ nhìn vào hình ảnh mấy ông Tàu mặc quần đùi, cửi trần bán hủ tíu, dầu-cháo-quẩy, bánh bao ở Chợ Lớn cách đây nửa thế kỷ để chê bai họ đủ điều- nhưng họ lại biết làm đúng như lời ông già. Tức là - dù thù nhau đến tận xương tận tủy, nhưng khi có ngoại thù thì tạm dẹp nội thù, đoàn kết chống giặc trước đã. Bằng cớ là khi Nhật xâm lăng Trung Hoa (1937-1945), Tưởng Giới Thạch đã liên minh với Mao Trạch Đông để chống Nhật. Đuổi được Nhật rồi họ mới quay sang giết nhau. Ngày nay, Đài Loan và Hoa Lục dù là kẻ thù - nhưng trước quyền lợi lâu dài của tổ quốc, họ đoàn kết lại để giành giựt đất đai ở Biển Đông cho con cháu họ sau này. Hậu duệ Mã Anh Cửu và Hồ Cẩm Đào nay là Tập Cận Bình đã theo đúng lời khuyên của tổ tiên là ông già quê mùa năm xưa là “ đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết” …làm thế giới điên đầu.
Vào ngày 14/01/2012 Ô. Mã Anh Cửu tái đắc cử tổng thống Đài Loan trước sự vui mừng của Ô. Obama và Ô. Hồ Cẩm Đào vì ông Mã Anh Cửu theo chủ trương mới của Quốc Dân Đảng Trung Hoa là hòa hoãn, hợp tác trong tinh thần anh em một nhà với Hoa Lục chứ không đòi độc lập hoặc “Quang Phục Lục Địa” như thời Tưởng Giới Thạch và Tưởng Kinh Quốc. Vậy thì chuyện Hoa Lục và Đài Loan có liên minh với nhau trong tranh chấp Biển Đông là chuyện đương nhiên. Để bổ túc thêm tinh thần đoàn kết của người Tàu chúng ta nhớ lại một câu đối khá hắc búa trước đây của làng văn Việt Nam mà chưa thấy ai đối lại: “Vợ cả vợ hai đều là vợ cả.” Nay thì chúng ta có thể đối “Mèo trắng mèo đen đều là mèo cả”. Theo tinh thần đó thì “Hoa Lục hay Đài Loan đều là Tàu cả”.
Việc liên minh giữa Hoa Lục và Đài Loan trong tranh chấp Biển Đông đẩy Việt Nam và Phi Luật Tân vào tình thế vô cùng nguy hiểm, chắc chắn sẽ tác động tới toàn thể Đông Nam Á. Còn về phía Mỹ, hải quân Hoa Kỳ sẽ phản ứng thế nào khi lực lượng tuần tra ở Biển Đông, bên cạnh tàu chiến Hoa Lục lại có thêm tàu chiến Đài Loan?
Đào Văn Bình
(California 14 Tháng 3, 2013)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét