Vũ Hoàng
& Nguyễn-Xuân Nghĩa, Ngày 130327
Diễn Đàn Kinh Tế RFA
Kết quả việc
cắt lãi suất của VN sẽ ra sao?
Hôm Thứ Hai
25, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại quyết định sẽ cắt hàng loạt lãi suất chủ
chốt sau khi có tin là chỉ số giá tiêu dùng đã giảm trong Tháng Ba. Đây là lần
thứ bảy mà lãi suất được hạ từ khoảng một năm nay để kích thích sản xuất kinh
tế. Kết quả sẽ ra sao, Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi với nhà tư vấn kinh tế
Nguyễn-Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do, qua cuộc trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện
sau đây.
Điều không bất ngờ
Vũ Hoàng: Xin kính
chào tái ngộ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, kể từ cuối năm 2011, lãi suất tại
Việt Nam đã được Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh và lần này là lần thứ
bảy mà cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay đều giảm để các doanh nghiệp
dễ tiếp cận được vốn. Ông nghĩ sao về quyết định này nếu nhìn vào hoàn cảnh
kinh tế của Việt Nam từ một năm nay?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Tôi
thiển nghĩ rằng việc Ngân hàng Nhà nước tại Việt Nam có một Quyết định và hai
Thông tư để đồng loạt hạ các loại lãi suất cơ bản từ ngày 26 là điều không bất
ngờ. Tín hiệu về lãi suất được nhiều nơi đón bắt từ trước khi nhiều ngân hàng
tự ý hạ lãi suất ký thác vào tuần trước và thị trường cổ phiếu tăng giá ngoạn
mục từ hai tuần qua. Tức là nhiều người biết rằng Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn
bị tống ga và việc chỉ số giá tiêu dùng có giảm trong Tháng Ba chỉ khiến người
ta yên tâm lao tới mà thôi. Nhưng nhìn vào hoàn cảnh kinh tế Việt Nam, chúng ta
chẳng nên lạc quan như nhiều người trong nước đã lầm từ cả năm nay.
Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ bắt đầu từ đó, thưa
ông. Hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam là gì và vì sao ông nói rằng nhiều người đã
lầm từ một năm nay?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Kể như từ
cuối năm 2011 đến nay, kinh tế Việt Nam gặp trạng thái tôi xin gọi là "co
giật liên hồi", tức là trôi ra khỏi biến động này lại chìm vào biến động
khác. Đó là nạn ách tắc tín dụng vì doanh nghiệp vay tiền không được, rồi núi
nợ xấu của ngân hàng bỗng tăng rồi hạ một cách khó tin, đến tình trạng tồn kho
ế ẩm, bất động sản đóng băng, hàng chục vạn xí nghiệp đóng cửa, đại gia bị bắt,
quan chức bị điều tra, v.v... Tất cả đều xảy ra trong bối cảnh vật giá leo
thang, lạm phát chập chờn, và tuổi trẻ thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Nhiều người
biết rằng Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị tống ga và việc chỉ số giá tiêu dùng
có giảm trong Tháng Ba chỉ khiến người ta yên tâm lao tới mà thôi. Nguyễn-Xuân Nghĩa
- Khi ấy,
nhớ lại nhận xét của giới chức kinh tế ở trong và ngoài chính quyền, ta thấy họ
có xác nhận khó khăn rồi đánh giá là kinh tế sắp đụng đáy nên sẽ bật dậy trong
vài tháng hay vài quý. Ở trong chính quyền, họ trấn an hay ru ngủ thị trường,
là điều chỉ hiểu được với sự độ lượng. Nhưng ở ngoài chính quyền mà lạc quan
như vậy thì quả là điều đáng lo về khả năng thẩm định.
- Thực tế
thì thị trường đang chuyển bại thành liệt, và ngần ấy bài toán về nợ xấu của
ngân hàng, công trái của nhà nước, sự mất giá của khu vực địa ốc và nhất là sự
hoài nghi của người dân về khả năng cải cách của chính quyền, đang là loại vấn
đề có thật. Người ta thấy đảng bị mộng du, nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng
thì bơi vào biển lạ mà không có hải đồ, còn kinh tế ở dưới thì tiếp tục ngụp
lặn và người dân không có lối thoát.
Vũ Hoàng: Nhưng dường như Ngân hàng Nhà nước
của Việt Nam cho là chính sách tiền tệ đã góp phần kiềm chế được lạm phát và
biện pháp hạ lãi suất có thể kích thích kinh tế trong sự ổn định. Ông nghĩ sao
về cách đánh giá này?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Tôi nghĩ là
chỉ có ở Việt Nam sau khi đã bị lạm phát năm 2008 tới mức 24% quy ra toàn năm
rồi 18% vào năm 2011, người ta mới hài lòng với lạm phát trên 6% và nghĩ đến việc
cắt lãi suất là giải pháp an toàn. Thực tế thì năm nay vật giá vẫn đe dọa và có
thể vượt quá 7% mà đà tăng trưởng khó lên tới chỉ tiêu 5,5%. Trong khi đó, các
doanh nghiệp loại nhỏ và vừa, là thành phần tạo ra nhiều việc làm nhất, lại
chết như rạ, trong hai năm mà phá sản 10 vạn, bằng phân nửa của tổng số doanh
nghiệp bị đóng cửa trong suốt 20 năm qua.
- Trong
chuyện giảm lãi suất chúng ta có thể thấy ra hai điều. Ở đầu ra là tín dụng cho
doanh nghiệp, rất nhiều cơ sở kinh doanh vẫn không vay được tiền dù lãi suất
giảm một điểm bách phân, tức là 1% hay 100 điểm cơ bản. Có nhiều lý do họ không
vay được tiền, hay tiếp cận với nguồn vốn như cách nói tại Việt Nam. Một phần
là vì ách tắc trong cơ chế, như ngân hàng sợ mất nợ, hụt vốn nên đòi hỏi nhiều
điều kiện khó khăn hơn. Phần khác là niềm tin của thị trường chưa có, số tổng
cầu không tăng và doanh nghiệp mà vay được tiền thì có khi lại chất hàng vào
tồn kho. Tình trạng bấp bênh ấy không thể chỉ giải quyết bằng cách hạ lãi suất.
Vũ Hoàng: Ông nói đến hai điều trong
chuyện hạ lãi suất này. Vừa rồi là đầu ra của ngân hàng hay tín dụng cho doanh
nghiệp. Còn điều kia là gì thưa ông?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Điều kia là
lãi suất huy động, là tiền lời trả cho các trương chủ ký thác từ một tháng đến
một năm, đã giảm từ 8% xuống 7,5% và ký thác tiết kiệm theo hạn kỳ lâu hơn thì
do sự thoả thuận giữa ngân hàng và thân chủ, tức là cũng phải trên 8%. Ta thử
xét vấn đề này theo khía cạnh "phí tổn thời cơ của tư bản", là đầu tư
đồng tiền dư dôi vào nơi nào thì lợi nhất?
- Thứ nhất,
từ năm ngoái, người nào có tiền thì đã ồ ạt tháo chạy khỏi thị trường bất động
sản vì biết là kẹt vốn và sẽ lỗ. Họ cũng dè dặt với việc đầu cơ qua thị trường
chứng khoán, vì chưa có lời. Một số thì nghĩ đến đô la nhưng âu lo về trị giá
của đồng bạc xanh trên thị trường ngoại hối vì chính sách hạ lãi suất tới số
không và ào ạt bơm tiền của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ. Nhiều người thì nhắm
vào vàng nên giá vàng trong nước mới cao hơn giá quốc tế, nhưng lại sợ là vàng
có thể sụt, hoặc nhà nước sẽ chiếu cố đến thị trường này và giành lấy độc quyền
hoặc trưng thu bất ngờ. Vì thế, về cơ bản, các giải pháp đầu tư ấy vừa thiếu an
toàn vừa kém lời.
Cái bẫy của thanh
khoản
Vũ Hoàng: Thưa ông, có phải là trong hoàn cảnh
đó, những người có tiền chỉ còn một ngả bảo vệ trị giá tài sản của họ là ký
thác vào ngân hàng hay chăng?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Thưa đúng
vậy và đấy mới là vấn đề khi ta xét về cả hai mặt là có lời và an toàn.
- Nói về
phần lời thì khi ký thác, người ta có thể được 8% trở lên, là mức lời cực lớn
mà cũng là một gánh nặng cho ngân hàng vì nói chung, khi kinh tế chỉ tăng
trưởng ở khoảng 5% mà kiếm ra 8% thì ai cũng ham, nhưng làm gì mà lời hơn 8% để
trả cho khách? Trong khung cảnh cắt giảm lãi suất đồng loạt của các nước mà lãi
suất ký thác lại được tới 8% thì đấy là chuyện hãn hữu, gần như chỉ có ở Việt
Nam! Ở xứ khác mà được một hai phân là mừng. Đã vậy, từ kinh nghiệm của Cộng
hòa Síp, người ta còn e rằng khi cùng quẫn thì nhà nước lại đánh thuế trên tiền
lời tiết kiệm để cứu lấy chuyện khác, như đã có người đề nghị tại Việt Nam.
- Nói về sự
an toàn thì tất cả chỉ là tương đối. Hệ thống ngân hàng của Việt Nam rất bấp
bênh và có quá nhiều rủi ro sụp đổ, nhưng dù sao thì các trương chủ còn có thể
rút ký thác ra tiền mặt, ít ra là một phần, chứ không đến nỗi mất cả chì lẫn
chài. Họ đành tin vào lợi thế của thanh khoản như vậy vì nhìn quanh chẳng còn
giải pháp nào khác. Muốn tẩu tán tư bản và chuyển tiền ra ngoài thì phải là đại
gia hoặc có quan hệ lớn với giới chức của đảng và nhà nước.
Vũ Hoàng: Khi kết hợp cả hai mặt an toàn
và có lợi của giới có tiền thì người ta thấy thế nào?
Tôi nghĩ
rằng nó cũng tựa như đẩy một sợi dây mà chẳng tác động theo sự chờ đợi, tức là
rơi vào cái bẫy của thanh khoản như giới kinh tế thường nói. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Tôi trộm
nghĩ rằng người ta thấy ra một bi và hài kịch.
- Bi kịch là
số phận của người có tiền bị kẹt giữa những kênh đầu tư đều bất trắc như nhau
và giải pháp ít tệ nhất vẫn là gửi tiền vào ngân hàng mà nơm nớp lo rằng mình
giao trứng cho ác. Hài kịch là cách tính toán trên thị trường công khố phiếu,
tức là cho nhà nước Việt Nam vay tiền.
- Sau khi
quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước được công bố, trị giá trái phiếu
tăng vọt và phân lời sụt. Tôi xin giải thích thêm là trị giá trái phiếu và phân
lời, tức là tiền lời khi cho vay, chuyển dịch ngược chiều. Khi thấy lạm phát
thoái lui và lãi suất ký thác hạ, giới đầu tư muốn cho vay nhiều hơn nên giá
trái phiếu mới tăng và phân lời mới giảm. Hôm 25 thì phân lời trái phiếu loại 5
năm giảm tám điểm cơ bản hay 0,08% tới 8,92% là mức thấp nhất kể từ Tháng Hai
năm 2009. Vì thấy nhiều người muốn cho nhà nước vay tiền, ta để ý đến gánh nợ
của nhà nước, là gánh công trái hay "nợ công" theo cách gọi trong
nước.
Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông, hình như là gánh
nợ của nhà nước cũng đang là vấn đề mà?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Hài kịch
ở đây là người ta không biết rằng nhà nước Việt Nam trực tiếp hay gián tiếp đã
mắc nợ đến mức nào. Lý do là chính quyền không công khai hóa các khoản nợ của
mình, lẫn trách nhiệm hoàn trái khi bảo lãnh cho các tập đoàn kinh tế của nhà
nước hay các địa phương. Nhiều nơi thì chỉ có thể ước tính rằng gánh công trái
của Việt Nam lên tới phân nửa Tổng sản lượng, khoảng 72 tỷ đô la, trong đó 60%
là vay ngoại quốc.
Tòa nhà căn
hộ cao cấp ở Hà Nội, ảnh chụp hôm 14-08-2011. RFA photo.
- Chưa biết Việt Nam sẽ trang trải nợ nần thế nào nhưng vì bội chi ngân sách thường xuyên ở mức 5% của Tổng sản lượng nên ai cũng có thể suy ra rằng chính nhà nước Việt Nam đang đảo nợ, tức là vay khoản nợ mới để trả nợ cũ và cứ vậy mà tích lũy tiền lời.
- Bây giờ,
khi lạc quan cho nhà nước vay tiền bằng cách mua vào công khố phiếu với kỳ vọng
có lời tám chín phân sau này, nhiều nhà đầu tư hay chủ nợ đang chuốc lấy họa.
Họ chẳng biết là nhà nước Việt Nam vay để làm gì, cho ai và làm sao kiếm ra lời
để trả nợ sau này khi doanh nghiệp nhà nước thì lỗ lã, các dự án xây dựng hạ
tầng thì rệu rã vì bị rút ruột và gây lãng phí triền miên.
- Các ngân
hàng trung gian hay tổ chức tín dụng làm môi giới thì đã ăn hoa hồng và đứng
sang một bên, còn chủ nợ thì gói kén nợ chuyền tay qua người khác mà chẳng biết
là bên trong bị ung thối đến cỡ nào, cho tới ngày sẽ nhờ Câu lạc bộ Paris hay
London dàn xếp để đòi nợ! Hài kịch là thế, như người ta đã chứng kiến quá nhiều
lần tại nhiều xứ khác trên thế giới.
Vũ Hoàng: Tổng kết lại thì ông không mấy lạc
quan về biện pháp cắt giảm lãi suất vừa qua?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Tôi nghĩ
rằng nó cũng tựa như đẩy một sợi dây mà chẳng tác động theo sự chờ đợi, tức là
rơi vào cái bẫy của thanh khoản như giới kinh tế thường nói. Và sợi dây đó sẽ
thắt cổ các chủ nợ vì khách nợ sau cùng là một nhà nước không đáng tin.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao
đổi và qua một kỳ khác có lẽ chúng ta sẽ tìm hiểu về Câu lạc bộ Paris và Câu
lạc bộ London là nơi có thể dàn xếp chuyện đòi nợ sau này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét