Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

VÌ MỘT NỀN DÂN CHỦ XÓA NỢ!



Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Cập nhật: 10:38 GMT - thứ năm, 28 tháng 3, 2013


Không kém may mắn như Việt Nam về tỷ lệ nợ công 55% GDP (thống kê chính thức), nợ công của Miến Điện chỉ khoảng 12 tỷ USD.
Hoặc còn may mắn hơn Việt Nam, đất nước của Aung San Suu Kyi đang có diễm phúc hiếm có để được xóa nợ.
Thời gian đang trôi nhanh đến một sự kiện lịch sử của dân tộc Miến Điện trong vòng nửa thập kỷ qua. Từ đầu tháng 4/2013, đất nước này sẽ chính thức được hưởng bầu không khí tự do báo chí theo đúng nội hàm tươi sáng nhất của cụm từ này.
Lần đầu tiên từ 50 năm qua, báo chí tư nhân được phép xuất bản.
Tất cả khởi đầu từ một bước ngoặt mà có lẽ ngay cả những thành viên lạc quan nhất của phong trào dân chủ Miến Điện cũng khó hình dung ra.
Vào những ngày cuối cùng của năm 2012, nhiều nhà báo bản địa đã không thể tin nổi khi chính tổng thống Thein Sein - người xuất thân từ tầng lớp quân đội bị xem là độc đoán và để lại di sản đàn áp cho cái chết của hàng ngàn người dân - khẳng định sẽ không còn cấm đoán tự do báo chí.
Thein Sein - “Nhân vật châu Á” của năm 2012 như một ghi nhận trân trọng của tờ Straits Times của Singapore - rõ ràng đã mong muốn làm một điều gì khác hơn hẳn những tuyên bố sáo rỗng.
Mùa xuân phản biện
Tình hình biến chuyển như thể kịch bản mùa xuân Ả Rập đang tái hiện. Câu chuyện mấy năm trước ở Tunisia cũng lại hiện ra.
Mới chỉ ngày hôm trước, ban biên tập nhiều tờ báo ở đất nước Bắc Phi này còn nơm nớp lo lắng về những cú điện thoại đột ngột từ Bộ thông tin gọi đến, không ngoài ý đồ chấn chỉnh một số trang mục hoặc bài viết nào đó “có vấn đề”. Nhưng chỉ sang ngày hôm sau, như có một phép màu, toàn bộ đường dây điện thoại với chính quyền đều lặng câm. Những khuôn mặt hậm hực đe nẹt của giới quản lý báo chí cũng biến đâu mất.
"Miến Điện bắt đầu cảm nhận về hơi hướng nhân dân được bằng vai phải lứa với giới quan chức và các đại gia."
Còn giờ đây ở Miến Điện, người ta đang bắt đầu cảm nhận về hơi hướng nhân dân được bằng vai phải lứa với giới quan chức và các đại gia, bắt đầu có được tiếng nói phản biện đối với những chính sách và hoạt động không thích hợp của chính quyền.
Ko Ko Aung, phóng viên BBC tại Miến Điện, đã bộc bạch: “Thoạt tiên chúng tôi đều tỏ ra nghi ngờ, không chỉ riêng tôi mà cả các đồng nghiệp khác. Thế nhưng cho tới nay tôi chưa bị ai ngăn cản làm công việc của mình. Chúng tôi được tự do hành nghề cho dù chưa có giấy phép mở văn phòng”.
Mọi chuyện trở nên thông thoáng đến mức kinh ngạc. Thay cho thái độ và hành động theo dõi, dò xét, thậm chí sẵn sàng bắt bớ trước đây, các cơ quan phụ trách truyền thông và cảnh sát lại trở nên thân thiện một cách kỳ quặc. Giờ đây, các phóng viên quốc tế có thể tác nghiệp dễ dàng mà không hề bị gây khó dễ. Những vấn đề cốt lõi mà trước đây luôn bị bao phủ bởi con dấu “Tuyệt mật” cũng vì thế đang dần được công khai và minh bạch hóa.
Logic cải thiện không khí dân chủ ở Miến Điện trong thời gian qua hiển nhiên đang mở ra một lối đi đầy hứa hẹn cho năm 2013 và cả những năm tiếp theo. Tinh thần phản biện xã hội sẽ dâng cao, được hứa hẹn không những không làm mất an ninh chính trị, mà còn xúc tác cho sự đoàn kết muộn mằn giữa các đảng phái và nhân sự ở đất nước này - một sự thống nhất cực kỳ quý báu cho sự phát triển đích thực của quốc gia.

Cần thay đổi

Tổng thống Miến Điện Thein Sein và bà Aung San Suu Kyiở New York tháng Chín 2012
Mở ra lối thoát cho báo chí tư nhân, Thein Sein và những người của ông cũng tìm ra cửa thoát hiểm cho chính họ.
Với rất nhiều quan chức, tâm trạng tối thượng mà họ tính toán là trước hết giữ được mạng sống, sau đó bảo toàn được tài sản, còn sau đó nữa vẫn duy trì được một phần quyền lực, dù biết rõ sẽ phải chia sẻ phần còn lại cho phong trào dân chủ và nhân dân.
Còn Thein Sein lại đang giúp cho đất nước có thêm một cánh tay đắc lực để tái thiết và xây dựng, giảm bớt tình trạng phân hóa giàu nghèo và đương nhiên cũng hạn chế phần nào nạn tham nhũng đang tràn lan và trở nên quá nguy hiểm đối với nền an ninh quốc gia.
Vào tháng 11/2012, ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Barak Obama đã quyết định tháo dỡ một phần lệnh cấm vận kinh tế do Mỹ thiết lập với Miến Điện từ hàng chục năm qua. Cũng không phải ngẫu nhiên mà người đã bước vào Nhà Trắng với khẩu hiệu “We need a change!” (Chúng ta cần thay đổi!) lại chọn Miến Điện như điểm công du đầu tiên ngay sau khi ông chấp chính nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Còn trong ‘nhiệm kỳ’ mới của Miến Điện, quốc gia này sẽ có dịp không còn bị bế quan tỏa cảng khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ và Tây Âu. Cũng theo logic này, các tổ chức tài chính như Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế có thể không còn nhiều lý do để không cho Miến Điện vay tiền tái thiết đất nước.
Giá trị nhằm khơi lại nguồn sinh lực lại có thể lên đến 70 tỷ USD - một con số khổng lồ mà chính phủ Miến Điện sẽ không thể, không bao giờ vay mượn được trừ khi họ phải thay đổi tự thân.
Thành tâm chính trị

"Con đường dân chủ chỉ ngào ngạt hương hoa hồng trên đầu những người bền gan, nhưng đám gai sắc của hoa lại luôn làm lòng bàn chân họ tóe máu."
Ai muốn được cộng đồng quốc tế xóa nợ? Dĩ nhiên là những nước đang ngập đầu trong tư thế chúa chổm, những nước đang có tỷ lệ nợ công dường như chưa chạm vào giới hạn hiểm nguy theo số báo cáo, nhưng thực chất nợ nước ngoài đã vọt lên đến 70-80% hoặc hơn 100% GDP.
Miến Điện là một minh họa chắc nịch như thế trong quá khứ. Nhưng hiện tồn và viễn cảnh của quốc gia từng bị đẩy vào nghèo khó trầm kha do tham nhũng di căn kinh niên và chế độ độc tài quân phiệt điêu đứng này lại có thể nhận được cơ may được coi là hiếm có. Mới chỉ từ đầu năm 2013, những tuyên bố dồn dập từ Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Nhật Bản, Câu lạc bộ Paris và Na Uy đã làm cho nền dân chủ mới khai sinh ở Miến Điện phổng phao hẳn lên, trong bối cảnh gánh nặng nợ nần trên đôi vay gày guộc của họ được giảm bớt một nửa.
6 tỷ USD được xóa nợ quả là một món quà rất đáng giá của phương Tây dành cho nền dân chủ xứng đáng được xếp vào trường hợp “quốc gia mới nổi” - không phải về kinh tế mà nghiễm nhiên về chính trị.
Nhưng món quà đó lại hoàn toàn không phải là một phúc lộc ngẫu nhiên.
Thein Sein đã giữ lời hứa. Thậm chí giữ lời một cách quá thành tâm so với mặt bằng thành khẩn bình quân của các chính trị gia độc tài thời nay.
Chỉ không lâu sau khi Thein Sein nhậm chức tổng thống vào năm 2011, nhân vật đối lập với chính quyền là nữ chính khách và cũng là nhà hoạt động xã hội danh tiếng Aung San Suu Kyi đã được chính thức phóng thích, nghiễm nhiên trở nên một thủ lĩnh của đảng phái đối lập hoạt động công khai và có chân đứng khá vững chắc trong quốc hội.
Vì một nền dân chủ xóa nợ!
Con đường dân chủ chỉ ngào ngạt hương hoa hồng trên đầu những người bền gan, nhưng đám gai sắc của hoa lại luôn làm lòng bàn chân họ tóe máu.
Điều kỳ lạ mà khó ai ngờ là một viên tướng tưởng như võ biền như Thein Sein và tưởng như sẽ tiếp tục nối dài cánh tay đàn áp của chế độ độc đoán lại trở nên một mẫu mực thực lòng trong việc xúc tác thay đổi chính bản chất của chế độ đó.
Vận mệnh của Miến Điện sẽ được quyết định bởi chính nhân dân của đất nước này. Họ sẽ tiến đến một nền dân chủ thực sự bằng việc được cộng đồng quốc tế xóa những món nợ về kinh tế, còn tự thân họ lại xóa đi những món nợ về chính trị và bất bình đẳng xã hội trong dĩ vãng.
Cảnh tượng trên sẽ khác hẳn với cái dĩ vãng không muốn nhắc lại - một dĩ vãng từng được tô hồng, nhưng lớp dân đen lại chỉ có thể hô hấp bằng loại dưỡng khí của tăm tối.
Tác giả, tiến sĩ Phạm Chí Dũng, đang sống ở Sài Gòn. Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét