Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

MẠN ĐÀM VĂN CHƯƠNG VỚI DƯƠNG NHƯ NGUYỆN

MẠN ĐÀM VĂN CHƯƠNG VỚI DƯƠNG NHƯ NGUYỆN
Phần Hai

ĐỐI CHIẾU VĂN CHƯƠNG TRONG NƯỚC VỚI HẢI NGOẠI VÀ TIÊU CHUẨN PHÊ BÌNH SÁCH:

***
LỊCH SỬ, SỰ THẬT HAY TIỂU THUYẾT?
“SÔNG HƯƠNG, DỊ HƯƠNG VÀ BÓNG ĐÈ”




Dương Như Nguyện:
• Sản phẩm trung học của VNCH; giải thưởng văn chương phụ nữ VNCH 1975.
• Thành danh ở Mỹ;
• Thập niên 79-80 (lứa tuổi đôi mươi): học báo chí.
• Thập niên 1990-2000 (lứa tuổi 40-50): Xuất bản Mùi Hương Quế; Daughters of the River Huong; Mimi and her Mirror; Postcard from Nam; giải thưởng International Book Awards, loại tiểu thuyết đa văn hóa (Los Angeles).



Đỗ Hoàng Diệu:
• Sản phẩm của XHCN;
• Thành danh ở VN;
• Thập niên 2000 (lứa tuổi đôi mươi):  Bóng Đè không được VN đưa cho giải thưởng văn chương nào cả.



Sương Nguyệt Minh, Quân Đội Nhân dân, VNCHXHCN, viết Dị Hương
Được Hội Nhà Văn VN trao tặng giải thưởng văn chương toàn quốc năm 2010.



Vua Gia Long: Thống nhất sơn hà –
Thế Tổ Cao Hoàng Đế: Quân vương hay ác quỷ của Dị Hương ???


TÓM TẮT PHẦN 1:

Trong Phần 1 của cuộc phỏng vấn thực hiện bởi Quê Hương (QH), Dương Như Nguyện (DNN) nói về phân tích văn chương và phân loại tiểu thuyết. Trả lời câu hỏi của QH về tập truyện Mùi Hương Quế, bà đề cập đến Hồ Xuân Hương, Anais Nin, và Phạm Thị Hoài.

TÓM TẮT PHẦN 2 DƯỚI ĐÂY:

Người đọc tiếng Việt đã xôn xao về một tác phẩm (không phải là tác phẩm văn chương)
đã bị từ chối không cho xuất bản ở VN, nhưng lại được tung ra thị trường ở hải ngoại, gây nhiều bàn cãi trong dư luận về giá trị lịch sử: đó là cuốn “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức. Nhân dịp này, QH tiếp tục đưa ra một đối chiếu khác, qua Phần Hai cuộc mạn đàm văn chương với Giáo Sư Dương Như Nguyện. Tuy trọng tâm cuộc mạn đàm là thế giới của văn chương sáng tạo và nghệ thuật tiểu thuyết, DNN đã nhắc đến và nêu kết luận về tiêu chuẩn chung cho tất cả các sách bất kỳ loại nào. Bà gọi tiêu chuẩn đó là “cái khuôn vuông tròn” để đo lường bất cứ cuốn sách nào “trong công việc đi tìm và phô bày sự thật,” cũng như “trách nhiệm của ngòi bút trước độc giả và lịch sử.”
Đầu thập niên 2000, Giáo Sư DNN đã nghiên cứu về tiêu chuẩn phân tích và phê bình văn chương sáng tạo (thuộc về chương trình “post J.D.” của Bà tại đại học Harvard). Năm 1978, khi cộng đồng người Việt ở Mỹ con rất phôi thai, Bà tốt nghiệp báo chí hạng Tối Ưu từ đại học Nam Illinois, nơi giảng dạy của cố giáo sư ngữ học VN, Tiến Sĩ Nguyễn Đình Hòa. Bà phụ giảng cho giáo sư Hòa một niên khoá năm bà chỉ mới 19 tuổi. Trong Phần Hai của cuộc mạn đàm với Quê Hương, đăng tải dưới đây, Bà nói về tiêu chuẩn phê bình qua cách phân loại sách, đồng thời đối chiếu văn chương sáng tạo trong và ngoài nước qua dạng tiểu thuyết lịch sử.
Bà so sánh “mùi hương” và “bóng…” bằng cách nói đến tác phẩm Dị Hương và Bóng Đè, đã xuất bản trong nước.

TRÍCH: “Giá trị văn chương sáng tạo phải tuỳ thuộc vào mục đích, ngụ ý , biểu tượng, chủ trương và chiều sâu tư tưởng của tác giả, cũng như cái đẹp của tác phẩm về phương diện mỹ thuật. Công cuộc phẩm định giá trị ấy là chỗ đứng cao quý, lương tâm, đạo đức và mỹ thuật tính của nhà phê bình. Theo tiêu chuẩn của Roland Barthes, thì nhà phê bình cũng là nhà sáng tạo. Đạo đức của cây viết đặt nặng trên cả hai: nhà văn sáng tạo và nhà phê bình văn chương, hai thế đứng khác nhau, cùng chung một sứ mạng. Theo tôi, đó là sứ mạng đem cái đẹp và nhân bản tính vào công cuộc đi tìm sự thật của nhân loại: đi tìm lòng cao thượng ở chốn bùn lầy, đi tìm sự hàn gắn cho tất cả mọi đổ vỡ, đi tìm hy vọng cho mọi thảm kịch, rồi gói ghém tất cả vào nghệ thuật cô đọng của ngôn ngữ, diễn tả qua lời kể truyện. Như thế, nhân vật trở thành nhân chứng. Tôi gọi việc gói ghém này là “cái khuôn vuông tròn và tính chất trọn vẹn của một tiểu thuyết văn chương!”
“…Còn những tác phẩm nghiên cứu hay tường thuật, theo dạng “phi tiểu thuyết” (non-fiction), thì dĩ nhiên độc giả và nhà phê bình không cần đi vào thế giới sáng tạo của văn chương. Tuy thế, tác giả cũng vẫn phải hoàn tất “cái khuôn vuông tròn” ấy, trong việc đi tìm và phô bày sự thật. Đó là trách nhiệm chung của ngòi bút trước độc giả và lịch sử!”





***
QH: Việc phân loại sách quan trọng như thế nào trong chu trình phân tích và phê bình, thưa chị?

DNN: Quan trọng lắm, vì việc phân loại khẳng định tiêu chuẩn đánh giá của người đọc cũng như của nhà phê bình. Thí dụ: khi tác giả đã khẳng định một cuốn sách là tiểu thuyết, thì phân tích và phê bình phải đi vào giá trị của nghệ thuật và sáng tạo, thay vì quay quắt về vấn đề các dữ kiện đời sống và lịch sử “đúng” hay “sai,” “đầy đủ” hay “thiếu sót,” “công bằng” hay “thiên vị,” như khi đánh giá sách “phi tiểu thuyết” (non-fiction) nhất là về lịch sử hay chính trị. Điều tối kỵ là bóc vỏ “tiểu thuyết” để công kích tác giả, cho rằng tác giả là nhân vật. Nếu chuyện này xảy ra, gây hoang mang cho độc giả về ranh giới giữa đời sống và tiểu thuyết, thì đó là hành vi thiếu lương thiện mà giới phê bình đứng đắn của một xã hội văn minh ngày nay không thể bước vào.
Trái lại, khi một cuốn sách rõ ràng là dạng hồi ký, nghiên cứu, hay “phóng sự,” thì giá trị phải đặt theo tính chất công bằng, tính chất đầy đủ của việc nghiên cứu, sự đóng góp vào việc ghi chép lịch sử, hoặc dựa trên tiêu chuẩn trung thực và nghiêm túc: dữ kiện có xác đáng, dựa trên nguồn chính xoác và uy tín, cuốn sách có trình bày nhiều quan điểm khác nhau của một vấn đề dựa trên những nguồn nầy, hoặc trên căn bản luận lý, qua con mắt nhà báo hay người ghi chép chịu trách nhiệm trước độc giả và lịch sử trong công cuộc đi tìm sự thật.
Nếu là tác phẩm nghiên cứu xã hội theo khoa học nhân văn, thì còn phảui định giá việc phân tích dữ liệu, diễn giải thống kê, vân vân, theo quy chế của khoa học thực nghiệm (gọi là phương pháp nghiên cứu định tính (quantitative), thay vì định lượng (qualitative).
Khi một tác phẩm không phải là văn chương sáng tạo, được dựa trên phương pháp nghiên cứu định lượng (qualitative), thí dụ như thu góp và phân tích dữ kiện lịch sử và xã hội, thì giá trị sẽ phải nằm ở tính cách đầy đủ của tác phẩm. Thí dụ: công cuộc phỏng vấn để lấy dữ kiện: phỏng vấn những ai, có tiêu biểu trong mệnh để muốn nói hay không, hỏi những câu gì, cách đặt câu hỏi, vân vân, cũng như kết luận của tác giả dựa trên các dữ kiện đã nêu ra. Nếu có nhắc đến lịch sử, thì phải kê khai nguồn, và càng nhiều nguồn nói lên nhiều quan niệm khác nhau thì càng tốt cho tính cách phân tích và lý luận của tác giả.
Một thí dụ khác: khi phê bình hay viết sách, nếu chỉ đưa nguồn ra cho thật nhiều đề “lòe” người đọc, không có nghĩa là công việc nghiên cứu hay phê bình có tính cách chân chính, vì “nguồn” có thể bịa đặt, hoàn toàn sai lầm, “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia,” hoặc bóp méo, và như thế là lường gạt độc giả, nhất là khi độc giả không có thì giờ hay chuyên môn để tìm hiểu các “nguồn” này. Từ cái gọi là phê bình và dẫn chứng, đi đến “xuyên tạc” và “công kích” bất lương để triệt hạ một tiếng nói, rất dễ dàng xảy ra, nhất là trong một quần chúng ít kiến thức chuyên môn và có tâm lý giao động vì ảnh hưởng bởi những biến chuyển của lịch sử ngoài tầm tay của họ.
Riêng về bộ môn triết lý (philosophy), ở đại học Mỹ, hoàn toàn không cho người viết được kê khai nguồn, mà chỉ có thể đặt lên giấy trắng mực đen những tư tưởng “gốc” của chính mình, dựa trên lý luận và sáng tạo.
Dù là loại sách gì chăng nữa, thì việc đi tìm chủ đích của tác giả và vấn để trách nhiệm đạo đức của ngòi bút tác giả là tối quan trọng trong vấn để phân tích và phê bình sách. Trách nhiệm ngòi bút của nhà phê bình vì thế còn quan trọng hơn cả tác giả, vì nhà phê bình, nếu có lương tâm và có chỗ đứng trong thế giới sách vở, là người đã tự đứng ra nhận lãnh nhiệm vụ hướng dẫn quần chúng.

QH: : Đi qua lãnh vực báo chí một cách rõ rệt hơn, nếu một nhà báo viết sách, thì theo chị tiêu chuẩn phê bình phải như thế nào?
DNN: Tiêu chuẩn viết báo về “tin” (news) đặt trọng tâm ở sự dễ hiểu (viết cho độc giả chỉ ở mức tốt nghiệp trung học), trung thực với mục đích loan tin cho quần chúng mà thôi. Nếu viết báo ở một lãnh vực chuyên môn (tiếng của giới báo chí ở Mỹ gọi là “beat”), thì nhà báo có thể đi vào địa hạt phân tích và nhắm vào quần chúng có trình độ cao hơn mức tốt nghiệp trung học. Như vậy, nói chung tiêu chuẩn viết cho nhà báo luôn luôn phải đặt ở sự trung thực và đầy đủ. Điều này có nghĩa rằng nhà báo phải phỏng vấn và tìm tòi tài liệu nghiên cứu ở nhiều mặt khác nhau, và phải trình bày vấn để ở nhiều khía cạnh chứ không phải chỉ một chiều.
Trên thực tế, nhà báo khi viết và phân tích thế nào cũng đem định kiến của mình vào tác phẩm. Điều này chúng ta, cộng đông người Việt hải ngoại, đã thấy rõ ràng trong việc các nhà báo Tây Phuơng tường trình chiến tranh Việt Nam. Nhan nhãn những nhà báo phục vụ cho các xu hướng chính trị, hay đi tìm danh trong nghề nghiệp của mình. Nhưng cũng đã có những nhà báo hy sinh cả tính mạng vì nhiệm vụ cao quý của người tường thuật.
Vì vậy, khi tường thuật, nghiên cứu, và nhận định, càng ít định kiến chừng nào thì tác phẩm của nhà báo càng có giá trị chừng ấy, vì nhà báo đã làm nhiệm vụ “thông tin” của mình, đi ngược lại định kiến của mình, thay vì tìm cách ảnh hưởng đến dư luận qua khung kính đầy định kiến của cá nhân mình. Vì nhà báo cũng là con người mà thôi, và con người có thể nhầm lẫn, định kiến, người đọc và nhà phê bình cần phải làm việc nhận định gắt gao vì chỗ đứng quan trọng của báo chí trong một xã hội dân chủ.

QH: Như vậy tiếng nói của nhà báo có thể là tiếng nói của dân gian không, thưa chị? Chẳng khác chi lịch sử viết bằng dân gian, như trường hợp ca dao tục ngữ của Việt Nam mình…
DNN: Điều này rất “khả thi” nhất là khi tiếng nói của nhà báo đi ngược lại đường hướng của chính sách, trong một xã hội kém dân chủ. Các nhà độc tài luôn luôn tìm cách tiêu diệt trí thức và nhà báo, hoặc biến họ thành những công cụ phục vụ cho chính sách. Tôi dùng chữ  "chính sách" để dịch từ  “policy” , không có nghĩa là sách lược nhất thiết phải chân chính. Chữ  "chính"  trong  "chính sách"  ở đây có nghĩa là sách lược được công bố, được thi hành theo giáo điều (formalized, official).
Trong một xã hội như vậy, thì tác phẩm tường thuật của nhà báo, nếu đi ngược lại chính sách, có thể trở thành một phần tử của dân gian ghi lại những dữ kiện lịch sử và ảnh hưởng của các dữ kiện đó trên con người. Nếu không là sự ghi chép đến từ quan niệm của dân, (một hình thức ghi lại lịch sử truyền khẩu) , thì tác phẩm của nhà báo vẫn là một tài liệu nghiên cứu, trong đó giá trị phải đặt trên tính trung thực, khả năng tìm tòi, sắp đặt, sự công bằng và cách kể chuyện từ mọi phía của người viết.
Nếu nhà báo là công cụ của thế lực, thì tác phẩm không còn là tác phẩm của nhà báo nữa, mà là tác phẩm của thế lực. Tuy nhiên, những độc giả muốn hiểu thế lực, thì vẫn phải đọc tác phẩm ấy như thường. Đọc như giáo điều thì không, nhưng đọc để tìm hiểu, thì vẫn nên đọc.
Làm thế nào để biết tác phẩm là của nhà báo, phản ánh tiếng nói của dân gian, hay là của thế lực? Đó là nhận định của mỗi độc giả. Sự ca tụng quá đáng, hay chửi rủa thậm tệ, đều có tác dụng tâm lý trên quần chúng, làm chính trị hoá sự việc (politicized), đi đến mục đích bóp méo việc đi tìm sự thật mà chính độc giả phải tự nhận định lấy, từ chỗ đứng và tầm nhìn của mình.
Công việc đi tìm sự thật, dựa trên tính tương đối của sự thật cũng như sự hiển nhiên của dữ kiện, phân biệt hẳn ra khỏi tuyên truyền hay định kiến, chính là công tác trường kỳ khó khăn nhất trong lịch sử nhân loại. [in đậm bởi Quê Hương]


QH: Như thế thì, riêng trong bộ môn tiểu thuyết, trách nhiệm của tiểu thuyết gia là gì, thưa chị? Vì tiểu thuyết là giả tưởng, điều đó có nghĩa rằng tác giả muốn viết gì thì viết hay không?
DNN: Dĩ nhiên là không. Đánh giá tiểu thuyết không thể nằm trong phạm vi “chân chất” được (tôi dịch chữ “literal.”) Tác phẩm là “literary” (văn chương), không phải là một bài tường thuật có tính cách “chân chất” (literal). Thí dụ: nhận định sau đây: “Ủa, tác giả mô tả nhân vật ăn kẹo chocolat. Tôi muốn biết kẹo đó hiệu gì để tôi cũng đi mua. Tác giả không nêu lên nhãn hiệu của kẹo chocolat, làm tôi thất vọng, và như thế là tác giả viết dở hay không đúng sự thật?” Đó là thí dụ của sự “chân chất”. Từ “chân chất” đi đến ngô nghê hay ngớ ngẩn. Phê bình văn chương kiểu đó là xuyên tạc và thiếu lương thiện, rất có hại khi được phổ biến cho quần chúng không chú tâm đến bộ môn nghệ thuật, và chưa hề đọc tiểu thuyết.
Vì giá trị của tiểu thuyết nằm ở cách kể truyện, tiểu thuyết gia phải tạo cho độc giả cảm tưởng và xúc động. Ngay cả tiểu thuyết khoa học giả tưởng hay truyện ma quái cũng phải có tác dụng làm độc giả bước vào thế giới huyền ảo mà tưởng như rằng minh đang có mặt trong truyện, nhu thể là truyện có thật. Trong thế giới của văn chương sáng tạo hay nghệ thuật trình diễn, người Mỹ gọi cảm tưởng này là “suspended disbelief”: độc giả và người xem hoàn toàn tin tưởng vào câu truyện, đến nổi tất cả những nghi ngờ đều “ngưng đọng” lại. Chỉ khi nào đạt được và đem đến cảm tưởng say mê, đến nỗi “tất cả những nghi ngờ về một thế giới không có thực đã bị ngưng đọng lại” trong trái tim và đầu óc người xem (ý nghĩa cụm từ “suspended disbelief”), thì lúc đó nghệ thuật tiểu thuyết và nghệ thuật trình diễn mới được gọi là thành công.
Nói khác đi, người xem bị cuốn hút vào thế giới của tiểu thuyết và tưởng rằng thế giới đó có thực, đến nổi bị ảnh hưởng về mệnh đề của tiểu thuyết, tin theo tác giả, bị thuyết phục bởi tác giả để khóc cười theo tác giả bằng cách sống dưới da những nhân vật, thì đó mới đúng là một cuốn tiểu thuyết hay. Tiểu thuyết tuyệt tác thường có mệnh đề, và phải phản ảnh đời sống đầy đủ và trung thực, dù rằng cụ Nguyễn Du rất khiêm nhường nói lên, “..Mua vui chỉ được một vài trống canh…” Nếu không có giá trị mệnh đề, thì người ta không dùng chữ “tiểu thuyết,” nghĩa đen là “A little essay,” để mô tả bộ môn nghệ thuật này. Do đó, tiểu thuyết cũng phải dựa trên nghiên cứu, biện luận, nhưng tất cả đều phải qua nhân vật và cốt truyện. Sự tạo dựng nhân vật, vì thế, vô cùng quan trọng trong nghệ thuật tiểu thuyết.
Tìm cho ra mệnh đề của tiểu thuyết để phân tích chính là công việc của nhà phê bình. Trong một cuốn tiểu thuyết hay, tác giả không ‘đi vào’ cốt truyện thay thế nhân vật, để giảng giải công trình nghiên cứu cho độc giả, vì như thế là đã “kéo độc giả ra khỏi thế giới của ‘suspended disbelief.” Tiểu thuyết gia đem độc giả vào thế giới ảo tưởng với mục đích thức tỉnh độc giả về phương diện tri thức, tư tưởng, hoặc để cải cách xã hội y hệt như những tác phẩm nghiên cứu phi tiểu thuyết. Trong trường hợp đó, tiểu thuyết gia làm công việc của …luật sư trong nghệ thuật thuyết phục, gọi là the art of persuasion hay rhetoric. Đây là một trong những điểm chính yếu tôi nêu lên khi nghiên cứu về tương quan giữa văn chương và luật học (“law and literature movement”) tại đại học Harvard. Nhà văn viết tiểu thuyết tức là mặc áo luật sư.
Có một loại tiểu thuyết nữa, trong đó tác giả chỉ đi theo cảm hứng sáng tạo, không muốn đem vào tiểu thuyết mệnh đề nào cả. Người ta gọi đó là nghệ thuật vị nghệ thuật (“L’art pour l’art), và đã có rất nhiều bàn cãi về loại sáng tạo này ở Việt Nam, đầu thế kỷ 20. Một thí dụ: cuốn Lolita của Vladimir Nabokov, được cho là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất thế giới vì khả năng viết của nhà văn. Cho đến bây giờ, thế giới văn học vẫn chưa ngã ngũ rằng cuốn tiểu thuyết này có mục đích nghị luận, hay chỉ là một sáng tạo nghệ thuật thuần túy.

QH: Nếu có “nghị luận,” thì tại sao không nói thẳng qua sách khảo cứu hay viết biên luận như…luật sư, mà lại phải viết tiểu thuyết làm chi?
DNN: Vì tiểu thuyết gia là những nghệ sĩ sáng tác, còn các nhà khảo cứu hay luật sư thì không. Nhu cầu phục vụ xã hội đem họ lại gần với nhau mà thôi. Nói trắng ra, dạng tiểu thuyết đáp ứng như cầu giải trí cũng như nhu cầu của con người đi tìm chân thiện mỹ. Hơn thế nữa, trong buổi giao thời, dạng tiểu thuyết trốn thoát được con mắt soi bói của bạo lực và đem mệnh đề cải cách xả hội hay ghi nhận lịch sử đến cho quần chúng một cách dễ dàng hơn, không bị ‘kiểm duyệt’ gay gắt khi có tình trạng kiểm soát tự do ngôn luận.
Tại đại học Harvard, tôi dùng ngay thí dụ từ văn học sử VN để chứng minh lý do tại sao tác giả gửi gấm mệnh đề của mình qua văn chương sáng tạo, nhất là trong buổi giao thời. Tôi nhìn vào giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh và việc thay đổi quyền lực từ triều Lê chúa Trịnh, qua đến nhà Tây Sơn, rồi cuối cùng là triều Nguyễn, tiếp xúc với Tây Phương đưa đến chủ nghĩa thực dân áp dụng ở VN và hịch Cần Vương. Trong giai đoạn kéo dài, vô cùng nhiễu nhương này, khi mà người Việt giết hại lẫn nhau và triệt hạ nhân tài, đất nước trải qua bao nhiêu chiến tranh và biến chuyển, rất nhiều văn thi sĩ vào bậc nhất của VN đã ra đời và đã sáng tạo, nhiều người là những nhà cách mạng tư tưởng, nhà hiền triết, hoặc đệ nhất khoa bảng của xã hội thời ấy: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Bà Huyện Thanh Quan, rồi Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê…
Cho việc nghiên cứu, tôi đặc biệt chú trọng đến “bộ ba tác phẩm sáng tạo” (trilogy) của cổ thi VN: theo tôi, “bộ ba” này có tư tưởng phôi thai dẩn đến mệnh đề “nữ quyền,” diển tả tâm trạng và nỗi đau của phụ nữ thời cổ: Kim Vân Kiều, Cung Oán, và Chinh Phụ, phản ảnh đời sống của xã hội thời ấy. Dĩ nhiên là luận đề của tôi viết bằng tiếng Anh. Tôi gọi bộ ba tác phẩm này là “The Glass Bottle” (cái chai trong vắt). Văn chương sáng tạo chứa đựng mệnh đề xã hội giống như cái chai trong vắt: nhìn vào chỉ thấy ‘tiểu thuyết’ – cốt truyện và nhân vật—mà chẳng thấy cái chai đâu cả, vì cái chai làm bằng thủy tinh! Bức tường bằng thủy tinh ấy che chở cho mệnh đề xã hội của tiểu thuyết, độc giả muốn hiểu thế nào cũng được. Độc giả có thể không nhìn thấy hình thù cái chai, nhưng xuyên qua bức tường thủy tinh, có thể đã thấy chính mình và xã hội của mình, qua cốt truyện và nhân vật.
Thử tưởng tượng nếu truyện Kiều, Chinh Phụ và Cung Oán không phải là dạng thi văn sáng tạo, thì hậu quả của nhân vật Từ Hải, tiếng kêu than của người đàn bà từ cung cấm, và giọt lệ của người chinh phụ động chạm đến triều đình và giới quý tộc như thế nào. Về ảnh hưởng của Chinh Phụ trong thời chiến, nên nhớ: trong Binh Thư Yếu Lược của Trần Hưng Đạo, có câu tương tự như sau: “nếu làm náo động quân sĩ, sẽ CHÉM!” (tôi nói theo trí nhớ, xin quý vị chuyên về cổ văn kiểm lại dùm). Thử nghĩ, nỗi lòng hối tiếc của người thiếu phụ: “lúc ngoảnh lại thấy màu dương liễu, thà khuyên chàng đứng chịu tước phong…” có thể mang đến bao nhiêu “cái chém” cho binh sĩ, nếu không được che dấu dưới dạng thi văn sáng tạo qua ngòi bút của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm.

QH: Xin chị nói thêm về công trình nghiên cứu của chị ở đại học Harvard, chương trình “hậu tiến sĩ” phải không ạ? Chị làm công trình khảo cứu này ở trường Luật?
DNN: Thưa phải…Trường Luật và Faculty of Arts and Sciences. Giá trị của Harvard là ở chỗ họ cho môi trường khảo cứu rất rộng rãi, cởi mở, và không hạn chế đề tài…

QH: Thưa chị, ngoài bộ ba cổ thi từ văn học sử VN, và lý thuyết “ cái chai trong vắt” của chị, công trình nghiên cứu ở Harvard đem lại những gì khác?
DNN: Tôi phê bình tất cả là 6 cuốn sách văn chương sáng tạo hiện đại, trong đó có 2 cuốn nói về VN:
1)The Quiet American của Graham Greene, nhà văn quốc tế chuyên về tiểu thuyết chính trị, đã tiên đoán sự thất bại của Mỹ ở Đông Dương qua cuốn tiểu thuyết này;
2)The Deep Green Sea của Robert Olen Butler, nhà văn đoạt giải Pulitzer về truyện ngắn của Mỹ. Truyện dài này nói về thảm kịch của một cựu chiến binh Hoa Kỳ quay về thăm lại VN sau chiến tranh. Ông ta đã vô tình “lấy” chính đứa con gái vô thừa nhận của mình, giống như chuyện loạn luân của Oedipus trong thần thoại Hy Lạp.
3)Kiss of the Spider Woman, kịch sân khấu ‘cải cách,” của nhà văn Nam Mỹ Samuel Puig, nói về hai người đàn ông gặp nhau trong nhà tù, giai đọan cách mạng của Á Căn Đình, đã được Broadway diễn, và Hollywood làm thành phim.
4)Mrs. Bridge của Evan Connell, nói về khủng hoảng tâm lý của giới trung lưu da trắng sống ở ngoại ô, thập niên 1950s, đã được làm thành phim, tài tử Paul Newman và vợ ông ta, JoAnne Woodward, đóng vai chính.
5)Art Lover của Carole Masso, nhà văn cải cách và giáo sư văn chương của đại học Brown và Columbia, nói về nội tâm và đời sống tình dục, tình cảm của một phụ nữ phải đối diện với nguồn gốc lịch sử của bản thân mình.
6)Sau cùng là tiểu thuyết Sula của nữ văn hào Mỹ da đen, Toni Morrison (nhà văn đọat giải Putlizer của Mỹ và Nobel của thế giới về tiểu thuyết). Sula nói về cái chết của người phụ nữ da đen khi đã bỏ đi, rồi chọn quay trở về với nguồn cội của mình.
Tôi chọn 6 tác phẩm vì cảm thấy những mệnh đề của chúng có những điểm tương đồng với mệnh đề liên quan đến người di dân gốc Việt. Các bài phê bình của tôi kể trên đều dẫn chứng thuyết của Roland Barthes mà tôi cũng như một số cây viết VN lớn tuổi hơn tôi, trong và ngoài nước đã nhắc đến: theo Barthes, chu trình phê bình văn chương chính là chu trình sáng tạo của nhà phê bình. Tác giả không cần giải thích, mà nhà phê bình là người mang trách nhiệm giải thích. Trong thuyết của Barthes, nhà phê bình không phải là người đi khen tặng hay mạt sát, mà phải là người đi phân tích và tìm tới thế giới sáng tạo của tiểu thuyết, qua chính khả năng sáng tạo của mình: người đọc thấy gì trong tiểu thuyết qua những biểu tượng và tình tiết?

QH: Để thay đổi đề tài, và để quay lại tiểu thuyết của chị, tôi xin nhận xét, có lẽ chị yêu thích hay bị ám ảnh bởi chữ “Hương”: Chị viết tập truyện “Mùi Hương Quế” và sau đó là “Con Gái Của Sông Hương.” Chị có thể giải thích motif nầy, và xin chị phân biệt hai tác phẩm này của chị.
DNN: Tập truyện Mùi Hương Quế mang tên của một tùy bút dựa trên chuyện có thật, không phải tiểu thuyết. Tôi viết về mùi hương ngào ngạt của một khúc quế, đặt trong phòng khách nhà cha mẹ tôi ở chung cư Nguyễn Trường Tộ, Phủ Cam, Huế, thập niên 60 (cũng là nơi cư ngụ của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc đó—TCS là hàng xóm của gia đình tôi ở Huế). Quế là tên của bà ngoại tôi. “Hương” của khúc quế trở thành cái dây nối hiện tại của tôi với quá khứ là nguồn cội Việt Nam.
Sông Hương, trái lại, là một tiểu thuyết lịch sử giả tưởng, nói lên tâm tình của phụ nữ bị trị qua cuộc chiến tranh Đông Dương và sự mất mát cũng như giải thoát hoàn cảnh sau 1975. Giải thoát không toàn vẹn, mà mất mát thì quá lớn, vì nhân vật chính, Simone, đã phải ra đi, mang theo quá khứ là hành trang, và đã trở về đối diện với cội nguồn. Dòng sông tượng trưng cho sự chuyển tiếp của định mệnh và mùi hương từ quá khứ ấy chính là sợi dây máu mủ trong kiếp lưu vong. Sông Hương là motif, tượng trưng cho tình cốt nhục, nối liền 4 thế hệ phụ nữ, không phải chỉ là dòng sông địa lý.

QH: Theo Chị, thì chữ Hương trong “sông Hương’ có nghĩa là gì?
DNN:Theo khảo cứu và nhất là khi tôi nói chuyện với một vài dân Huế gốc gác từ chùa Thiên Mụ, thì chữ “Hương” không phải chỉ là mùi hương thơm.
Tục truyền rằng Chúa Nguyễn Hoàng, trong cuộc Nam tiến, đã dừng chân ven bờ một dòng sông, nơi mà ngài nằm mộng thấy bà lão khuyên nên thắp một bó hương và đi dọc theo bờ sông (đấy cũng là nguồn gốc của việc xây cất chùa Thiên Mụ). Theo lời bà lão trong giấc mộng của Chúa Nguyễn Hoàng, thì khi nào bó hương tàn, Chúa Nguyễn nên dừng chân để đặt nền móng cho xứ sở. Và Chúa đã làm điều này. Theo những người con của Huế đã nói chuyện với tôi, thì dòng sông từ đó có tên “Hương” cũng như nhiều địa danh ở Huế bắt đầu bằng chữ “Hương” như Hương Thủy, Hương Trà, v…v… Sông Hương, trước khi được Chúa Nguyễn Hoàng khám phá, chắc chắn mang tên Chàm, không phải tên Việt. Vậy chữ “parfums” của Pháp, hay chữ “perfume” của National Geographic hay các hãng du lịch, thực ra chỉ là vấn đề dịch thuật bởi người ngoại quốc. Hương có thể là mùi thơm của thiên nhiên, hoa cỏ, mà cũng có thể là bó hương hay mùi thơm của nhang, thắp bởi Chúa Nguyễn Hoàng, hoặc là cả hai. Tôi là tác giả cuốn tiểu thuyết, không muốn gọi dòng sông quê mẹ của tôi là “perfume.” Cho nên tác phẩm mang tên Daughters of the River Huong, ( thay vì “Daughters of the Perfume River”). Tựa này do chính mẹ tôi, người Huế chính thống, đặt cho cuốn truyện.
Nói rộng hơn, thành phố Huế, Saigon, Paris, Nữu Ước và những kỷ niệm của cô bé Simone trong tiểu thuyết của tôi, từ chiếc “sập gụ” vua ban, cho đến cây mộc lan, cái tên Quế, tên Sâm, tên Huyền Phi, màn đêm phủ trên sông Hương, bóng tối ngoài khung bán nguyệt của Tử Cấm Thành, lá vàng của Paris ở St. Germain des Pres, tiếng hát nhạc cổ điển Tây Phương hay giọng hò ca Huế, chim họa mi, và ngay cả tình yêu trái cấm hay hôn nhân không tình yêu của Simone, tất cả đều là motifs. Phân tích văn chương phải đi vào những “motifs” nầy. Phân tích văn chương bắt buộc phải là phân tích biểu tượng, không thể là phân tích “chân chất,” vì literary meaning không thể là literal meaning.

QH: Nói đến chủ đích của tác giả và motif “hương,” chị nghĩ sao về truyện ngắn “Dị Hương” của Sương Nguyệt Minh đã được giải thưởng văn học của Hội Nhà Văn, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam?
DNN: Tôi có đọc qua truyện ngắn đã gây sôi nổi này. Văn chương của Dị Hương xúc tích, gay cấn và đem đến “ấn tượng” mạnh mẽ. Tuy nhiên, ta phải nêu câu hỏi: chủ đích của tác giả là gì, nhất là qua hành động tiểu thuyết hoá đời tư của vua Gia Long?
Tôi chỉ xin góp ý về vấn đề xây dựng nhân vật. Ở Dị Hương, tôi không thấy được chu trình “xây dựng mới,” về nghệ thuật (art) hay thủ thuật (craft) của nhà văn. Tôi chỉ thấy sự “xây dựng lại” con đường khai phá của Nguyễn Huy Thiệp (NHT) về tiểu thuyết lịch sử, nhưng theo tôi thì NHT độc đáo, sắc bén, sâu xa và sáng tạo súc tích hơn Sương Nguyệt Minh. Độc giả không nhìn thấy được sự phức tạp tâm lý của nhân vật trong Dị Hương, dù rằng có thấy tác giả “gây ấn tượng” rất mạnh mẽ bằng ngôn ngữ, hành động và cảnh trí. Có thể nói Dị Hương gây “shock effect” theo ngôn từ của Tây Phương.
Dị Hương không viết bằng tầm nhìn của nữ tính (tiếng Anh gọi là “perspective,” một yếu tố rất cần thiết cho nghệ thuật tiểu thuyết). Theo tôi, tầm nhìn của Dị Hương hoàn toàn là tầm nhìn của nam giới, nhưng là một nam giới đứng ở trạng huống hư ảo nào đó, một thế giới xa vời trong trí tưởng của tác giả, không có thuần chất của đời sống bấy giờ (tôi diễn giải chữ “authenticity”). Thế nhưng, Dị Hương lại không phải là tiểu thuyết siêu thực (dịch chữ “surrealism” hay “surrealist drama”).
Có thể đó là sự khác biệt giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với thế giới bên ngoài.
Vậy thì Dị Hương là loại tiểu thuyết gì, để đáp ứng lại thôi thúc trí tuệ và tình cảm của độc giả, của chính tác giả, hay các giám khảo văn chương, đi theo nhu cầu nhà nước?
Vì thế, chúng ta cũng nên đặt câu hỏi tại sao Dị Hương trúng giải. Các giám khảo và các nhà bình luận ở VN nghĩ gì và đặt tiêu chuẩn gì? Khi trao giải thưởng, những người làm chính sách văn hóa cho Việt Nam nhìn như thế nào về văn chương sáng tạo và việc tiểu thuyết hoá lịch sử bằng cách la`m ô uế hình ảnh Nguyễn Ánh và Ngọc Bình? Nhân vật giả tưởng Trần Huy Sán tiêu biểu cho cái gì trong quần chúng? Đâu là động lực cho hành vi của của các nhân vật này (Động lực, tiếng Anh gọi là “motivation.” là một yếu tố rất quan trọng của nghệ thuật xây dựng nhân vật cho tiểu thuyết). Ở xã hội Mỹ thì dĩ nhiên không có việc chính phủ làm chính sách văn hóa để ảnh hưởng việc sáng tác hay sáng tạo của “dân”, dù rằng cơ quan giám sát truyền thông có đặt cơ chế và Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có thể giám sát tự do ngôn luận quá trớn gây hại cho xã hội hay người chung quanh.). Tự do ngôn luận ở Mỹ, đất nước dân chủ hàng đầu của thế giới, chưa bao giờ đuoc luật pháp công nhận là “tuyệt đối.”
Theo tôi, ở xã hội nào đi chăng nữa, tiểu thuyết là một bộ môn quốc tế. Tiểu thuyết phải là một tấm thảm dệt công phu, mà mỗi nhân vật là một nét vẽ cho tấm thảm đó, để độc giả tìm thấy bức tranh toàn bộ của tấm thảm. Tiểu thuyết không thể chỉ là một mặt phẳng để tác giả đem đổ vào đó không biết bao nhiêu thứ tạp nhạp, chỉ với mục đích gây ấn tượng cho người đọc.
Điều này không có nghĩa tiểu thuyết phải được giản dị hoá hay đi theo đường thẳng. Một trong những tiểu thuyết với văn phong, cú pháp, và cốt truyện phức tạp nhất, không đi theo đường thẳng, đồng thời gây sôi nổi nhất, là cuốn “kinh Ác Quỷ” của một văn hào gốc Trung Á.

QH: “Dị Hương” nói về vua Gia Long và công chúa Ngọc Bình. Đó là tiểu thuyết dã sử, cũng như “Sông Hương” của chị là tiểu thuyết dã sử. Theo chị, thế nào là một tiểu thuyết lịch sử hay dã sử?
DNN: Theo tôi, có hai dạng tiểu thuyết lịch sử:
1. Dạng thứ nhất: Nhân vật tiểu thuyết là nhân vật lịch sử. Vì thế, việc xây dựng nhân vật phải chính xác theo dữ kiện lịch sử. Tuy nhiên tâm tình và tâm lý nhân vật lịch sử có thể đi theo sáng tạo của tiểu thuyết gia để đem các nhân vật lịch sử đến gần độc giả. Dị Hương là loại thứ nhất.
2. Dạng thứ hai: Các nhân vật đều là giả tưởng, nhưng được dựng lên trong bối cảnh lịch sử có thực. Việc xây dựng bối cảnh phải chính xác theo lịch sử, dù rằng nhân vật là tưởng tượng. Sông Hương của tôi là loại thứ hai.
Vì thế, tiêu chuẩn phẩm định Sông Hương so với Dị Hương khác nhau.
Bất cứ loại nào đi nữa, tôi cho rằng đạo đức của tiểu thuyết gia không cho phép nghệ sĩ sáng tạo bóp méo lịch sử, dù rằng tiểu thuyết gia có thể đặt lại câu hỏi: đâu là sự thật? Tiểu thuyết gia có thể giúp độc giả hình dung ra khung cảnh của lịch sử như một cuộn phim. Đó là nhiệm vụ của tiểu thuyết.

QH: Có điểm tương đồng gì không trong đường lối viết văn giữa chị và Sương Nguyệt Minh?
DNN: Theo tôi, Dị Hương rõ ràng là hơi thở và tầm nhìn của nam giới, còn Sông Hương giống như sóng mắt và giải lụa của nữ giới.
Theo tôi, ngòi bút của Dị Hương rất tàn độc. Tôi hy vọng rằng Sông Hương của tôi, dù có mô tả sự tàn độc của lịch sử, thí dụ, việc tra tấn trong Hỏa Lò (nhân vật Dì Sâm), vẫn không là ngòi bút tàn độc. Trái lại, Sông Hương chứa đựng lãng mạn tính của lý tưởng về nguồn.
Là một độc giả, tôi có nhận xét sau đây về Dị Hương: Truyện được được xây dựng trên đời sống tình dục và những ham muốn trần truồng, gần như bệnh hoạn (dịch chữ perversion), từ trong vô thức nào đó của hai nhân vật lịch sử: Gia Long Hoàng đế bên cạnh Ngọc Bình Công chúa. Đọc xong tôi bị rơi vào tình trạng “hụt hẫng.” Tôi không cảm nhận được động lực của nhân vật, và vì thế không đi vào thế giới của tiểu thuyết được (tác dụng lớn nhất của tiểu thuyết gia trên độc giả –làm cho độc giả sống vào khung cảnh của tiểu thuyết, như tôi đã giải nghĩa cụm từ “suspended disbelief” trước đây). Tôi cũng chẳng thấy rõ “Hương” trong Dị Hương có là biểu tượng cho tư tưởng gì không.
Nếu độc giả không thể cảm nhận được luận đề của tiểu thuyết, và truyện ngắn Dị Hương chỉ có mục đích mua vui -- diễn tả lại đời sống chăn gối và thói quen dục vọng gớm ghiếc của vua Gia Long (người thống nhất sơn hà), thì như vậy, Dị Hương có phải là một “tiểu thuyết tình dục” theo nghĩa “literary erotica” như tôi đã diễn giải trước đây? [Phần một của bài phỏng vấn] Tác phẩm đem một Hoàng đế và một Hoàng hậu lịch sử ra làm nhân vật để gây “ấn tượng.” Vậy cái gì đứng sau ấn tượng này? Đây là những câu hỏi phức tạp phải đặt ra và xem xét bởi người bình giảng.
Nhân đây, tôi cũng nhắc luôn đến truyện ngắn Bóng Đè. Độc giả của Đỗ Hoàng Diệu nhận thức được vô số luận đề trong truyện ngắn Bóng Đè. Cho nên tôi không thể gọi Bóng Đè là “tiểu thuyết tình dục” như tác phẩm của Anais Nin. Bóng Đè là một truyện ngắn luận đề, nhưng vì cô Diệu viết quá tỉ mỉ và trần truồng về phản ứng dục tình của phụ nữ, gây xúc động cho nhiều người đọc, và vì thế truyện ngắn có thể “bị” đem phân tích như một hình thức tiểu thuyết tình dục mà thôi.
Theo tôi, thì Bóng Đè còn mang đầy đủ tính cách âm u của một tiểu thuyết kinh dị (thriller). Trong không khí ma quái ấy, trái hẳn với Dị Hương, Bóng Đè mang đầy tính thuần chất (authenticity) của đời sống bây giờ, dù rằng cốt truyện là thế giới của “fantasia” (ngôn từ Tây Phương nói về tiểu thuyết ảo tưởng, thay vì tiểu thuyết hiện thực). Và như thế, Bóng Đè vừa ảo tưởng vừa hiện thực. Điều này nói lên khả năng viết vô cùng phong phú của cô Diệu.
Tôi cho rằng Diệu quá bi quan. Nhân vật của cô bước vào số phận hẩm hiu vì nàng đã trở thành nạn nhân của chính mình, sau khi là nạn nhân của “cái bóng” từ quá khứ. Giải thoát độc nhất (salvation) hay sự cứu rỗi (redemption) là “thai nghén” của người phụ nữ: biểu tượng cho tương lai. Nhưng “thai nghén” ấy, kết quả biến dạng của sự cưỡng bức, đối với tôi là thụ động.
Như tôi đã nói với một số đồng hương, con đường của phụ nữ Việt Nam trước mặt không phải là chịu đựng hay yêu thích “bóng đè” để chỉ được “thai nghén” cho tương lai, mà phải là tính chất chủ động cho số phận của mình. Khi chủ động thì ‘số phận’ đâu còn là ‘số phận’ nữa (theo nghĩa của thuyết “định mệnh” (fatalism) như truyện Kiều)? “Số phận” trở thành tương lai, trong đó ‘thai nghén’ là một hình thức của con đường giải thoát. Nói nôm na như sau: để khỏi bị“bóng đè” thì chúng ta có thể làm sao “đè lại bóng,” dập tắt sự xâm chiếm của nó đi khi cần thiết, nhằm chiến thắng bằng cách tự giải thoát mình qua tư tưởng, chấm dứt những ám ảnh, áp bức của văn hóa thống trị (dịch chữ dominant culture), đến từ quá khứ.

QH: Chị có thể so sánh thẳng“Sông Hương” với “Dị Hương” khi cả hai tác phẩm đều được lồng vào “lịch sử”?
DNN: Tôi xin so sánh tính cách “dã sử” của Dị Hương với Sông Hương như sau:

Sông Hương là một tiểu thuyết trường thiên (dịch chữ “epic”), được dựng lên trong bối cảnh lịch sử). Nhân vật hư cấu, cốt truyện hư cấu, bối cảnh có thực.
Dị Hương không có tính cách “epic” của một truyện dài. Dị Hương dựa trên nhân vật có thực được nêu đích danh trong lịch sử, vua Gia Long, nhưng hành vi của nhân vật thì hư cấu. Cốt truyện có thể là hư cấu, còn bối cảnh thì pha trộn vừa hư cấu vừa có thực. Nói tóm lại, độc giả lẫn lộn không biết cốt truyện và bối cảnh có thực hay không.
Nói khác đi, đọc Dị Hương, độc giả bắt buộc phải hỏi: vua Gia Long, Công Chúa Ngọc Bình có như thế hay không? Trần Huy Sán có thực hay không? Lịch sử và tiểu thuyết có thể bị lẫn lộn. Khi đem nhân vật lịch sử ra hư cấu thêm bớt, bối cảnh thì vừa thực vừa hư, Dị Hương có thể gây hoang mang. Vấn đề gay gắt nhất trong Dị Hương là chủ đích của tác giả khi chọn lựa làm việc này. Dựng tiểu thuyết để viết lại hay thay đổi cái nhìn về lịch sử sẽ gây ra vấn đề đạo đức và trách nhiệm – tác giả nên dừng lại ở đâu để bảo vệ và tôn trọng con đường đi tìm sự thật – sứ mạng chính của nhà văn?
Khác với Dị Hương, tất cả các nhân vật của Sông Hương đều hư cấu. Lịch sử trở thành cái nền, bối cảnh cho các nhân vật giả tưởng cùng sống, cư xử và đối tác với nhau. Trong chính sử của Việt Nam, không có vị vua triều Nguyễn nào tên là Thuận Thành, mà cũng không có vương phi nào gọi là Huyền Phi. Nhân vật lịch sử độc nhất có thật là Đức Thành Thái, nhưng vua Thành Thái không phải là nhân vật Thuận Thành. Khâm Sứ Trung Kỳ thời vua Thành Thái cũng không mang tên Sylvain Foucault. Tác giả đem những nhân vật hư cấu này vào tình huống cá nhân hoàn toàn theo tưởng tượng. Chỉ có bối cảnh lịch sử là có thật để làm tăng tính chất thuần túy và rất đáng tin cho truyện mà thôi (dịch chữ “authenticity” và “credibility”). Độc giả biết như thế. Vì thế, không có việc bóp méo lịch sử.
Câu hỏi lớn nhất: thế nào là một tiểu thuyết có giá trị, nhất là khi tiểu thuyết có tác dụng bóp méo lịch sử? Tiểu thuyết phải được nhận định trên giá trị văn chương và tư tưởng, nhưng không thể thay thế lịch sử.




Dương Như Nguyện, giải Học sinh Trung học Xuất sắc Toàn quốc
trao bởi Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, trước 1975.



QH: Chị nghĩ sao về lý luận của một số độc giả, cho rằng tác giả tiểu thuyết lịch sử không thể lấy nhân vật có thật đem vào tiểu thuyết, cũng không được tạo nên nhân vật hư cấu, mà phải viết giống hệt như những gì lịch sử đã ghi xuống?
DNN(cười): Nói như vậy thì đem chôn hoặc gạch xóa luôn bộ môn tiểu thuyết cho rồi.
Tôi xin nêu một vài thí dụ lấy từ văn học Tây Phương.
1) Thí dụ thứ nhất: Một trong những tiểu thuyết hấp dẫn nhất của thế giới là truyện “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ” của văn hào Alexandre Dumas, viết năm 1844. Bối cảnh là nước Pháp năm 1625 và ba chàng ngự lâm – Athos, Porthos và Aramis, theo hầu vua Louis thứ 13. Họ khắc phục được Hồng Y Richelieu và sứ giả của ngài là Bà Quý Phái De Winter trong chiến dịch muốn làm xấu mặt hoàng gia. Độc giả thường thắc mắc xem ba chàng ngự lâm này có thật hay không, vì đức Hồng Y và Vua Louis thứ 13 thì hoàn toàn có thật, và bối cảnh thì y hệt như thật.
Cũng như nhiều tác giả viết tiểu thuyết khác, Alexandre Dumas dùng nhân vật lịch sử có thật để dựng nên tiểu thuyết. Thế nhưng, nhà văn không bóp méo những gì lịch sử đã ghi nhận về đức Hồng Y cũng như nhà vua nước Pháp. Các sử gia đều biết là 3 chàng ngự lâm không có thật, dù rằng bối cảnh lịch sử của tiểu thuyết rất đáng tin. Trong trạng huống của tiểu thuyết, thì hành động của hai nhân vật lịch sử: nhà vua và Đức Hồng Y, dĩ nhiên là sản phẩm tưởng tượng của Dumas. Điều này không làm cho giá trị tác phẩm của Dumas hay vấn đề lương tâm người cầm bút bị vẫn đục đi.
2) Thí dụ thứ hai: Một giáo sư Luật ở đại học Yale, Jed Rubenfeld, viết cuốn tiểu thuyết trinh thám mang tên “Diễn Giải Việc Sát Nhân” (The Interpretation of Murder), xuất bản bởi Nhà Henry Holt ở Nữu Ước.
Truyện này phân tách tâm lý kẻ sát nhân để đi truy tìm thủ phạm đã giết một phụ nữ thượng lưu ở Nữu Ước. Truyện hoàn toàn giả tưởng. Tuy nhiên, tác giả đã đem hai nhân vật có thực vào truyện: bác sĩ Sigmund Freud và đồ đệ của ông ta là lý thuyết gia Carl Jung. Hành động của Freud và Jung trong truyện trùng hợp với những chi tiết có thực ngoài đời, nhưng dĩ nhiên hành vi của hai nhân vật này trong tiểu thuyết hoàn toàn là tưởng tượng. Đây là một điển hình cho việc pha trộn sự thật và tiểu thuyết một cách vô hại, vì chính các sử gia cũng không biết từng đường đi nước bước của hai bác sĩ Freud và Jung – hai vị này đã làm những gì khi họ viếng thăm nước Mỹ ở thời điểm của cốt truyện?.
3) Thí dụ thứ ba: Ảnh hưởng của nghệ thuật sáng tạo trên quần chúng, xã hội và chính trị là trường hợp cuốn tiểu thuyết nổi tiếng: Kinh Ác Quỷ (the Satanic Verses). Nhà văn gốc Ấn Độ Salman Rushdie dựng một nhân vật giả tưởng quá giống giáo chủ Đạo Hồi. Vì thế dân Hồi Giáo đã vô cùng căm phẫn, đòi giết hoặc khủng bố nhà văn và các tiệm sách. Mới gần đây, năm 2012, lại có trường hợp tương tự về một cuốn phim cũng nói về Hồi Giáo. Cuốn tiểu thuyết Kinh Ác Quỷ có giá trị văn chương rất cao và văn phong vô cùng khó hiểu. Còn cuốn phim gây sóng gió mới gần đây có giá trị mỹ thuật và tư tưởng gì không?
Kết luận: Giá trị của tiểu thuyết lịch sử cũng như lương tâm của ngòi bút không thể đặt trên tiêu chuẩn rằng tiểu thuyết phải giống y hệt như lịch sử. Như thế thì đâu còn là nghệ thuật sáng tạo nữa! Tuy nhiên, khi đem nhân vật lịch sử ra dựng thành nhân vật chính, hoàn toàn theo giả tưởng, hay dựng một nhân vật giả tưởng mà quá trùng hợp với nhân vật lịch sử, thì người viết sẽ phải đối diện với vấn đề đạo đức của ngòi bút như tôi đã trình bày.
Giá trị văn chương phải tuỳ thuộc vào mục đích, ngụ ý, biểu tượng, chủ trương và chiều sâu tư tưởng của tác giả, cũng như cái đẹp của tác phẩm về phương diện mỹ thuật. Công cuộc phẩm định giá trị ấy là chỗ đứng cao quý, lương tâm, đạo đức và mỹ thuật tính của nhà phê bình. Theo tiêu chuẩn của Roland Barthes, thì nhà phê bình cũng là nhà sáng tạo. Đạo đức của cây viết đặt nặng trên cả hai: nhà văn sáng tạo và nhà phê bình văn chương – hai thế đứng khác nhau, cùng chung một sứ mạng như nhau. Theo tôi, đó là sứ mạng đem cái đẹp và nhân bản tính vào công cuộc đi tìm sự thật của nhân loại: đi tìm lòng cao thượng ở chốn bùn lầy, đi tìm sự hàn gắn cho tất cả mọi đổ vỡ, đi tìm hy vọng cho mọi thảm kịch, rồi gói ghém tất cả vào nghệ thuật cô đọng của ngôn ngữ, diễn tả qua lời kể truyện. Như thế, nhân vật trở thành nhân chứng. Tôi gọi việc gói ghém này là “cái khuôn vuông tròn và tính chất trọn vẹn của một tiểu thuyết văn chương!”
Còn những tác phẩm nghiên cứu hay tường thuật, theo dạng “phi tiểu thuyết” (non-fiction), thì dỉ nhiên độc giả và nhà phê bình không cần đi vào thế giới sáng tạo của văn chương. Tuy thế, tác giả cũng vẫn phải hoàn tất “cái khuôn vuông tròn” ấy, trong việc đi tìm và phô bày sự thật. Đó là trách nhiệm chung của ngòi bút trước độc giả và lịch sử! [đoạn này được in đậm bởi Quê Hương].

QH: Cảm ơn Chị, và xin hẹn độc giả một dịp khác, nói về đề tài văn chương khác.
---
(QH có hỏi tác giả DNN về những tranh cãi mè nheo do một số rất ít người VN gây ra về tiểu thuyết “Con Gái của Sông Hương” Tuy nhiên, phần ấy đã trao lại cho độc giả muốn viết bài nhận định về việc tranh cãi này).

MẠN ĐÀM VĂN CHƯƠNG VỚI DƯƠNG NHƯ NGUYỆN. PHẦN MỘT

http://diemnhan.blogspot.com/2012/11/man-am-van-chuong-voi-duong-nhu-nguyen.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét