Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

NHỮNG NGƯỜI MỸ SAU CÙNG RÚT RA KHỎI VIỆT NAM





23/04/2013  
Bob Drury & Tom Clavin
Ngô Bắc
dịch và phụ chú – Trích từ Gió-O



 Nguồn: Bob Drury & Tom Clavin, Last Men Out, The True Story of America’s Heroic Final Hours in Vietnam, Free Press: New York, London, Toronto, Sydney, 2011, chapter Epilogue, các trang 251-262; Postscript, các trang 263-271.. 


 Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, 1975


Khi mọi việc đã xong xuôi, tôi không chắc là liệu tôi sẽ được một phần thưởng hay một cú đá đít thật mạnh. — Thiếu Tá Jim Kean, Thủy Quân Lục chiến Hoa Kỳ

Hồi kết cuộc trên Chiến hạm USS Okinawa – 08:45 sáng 30 tháng Tư năm 1975

Bản thân Jim Kean lấy làm ngạc nhiên.  Ông đã không nghĩ rằng mình còn đủ năng lực để phá lên cười.  Song nơi đây ông đang cười toa toét như một con ma trơi khi ông đứng trên sàn con tàu tấn công thủy lục USS Okinawa.  Họ đã không thể vươn tới chiếc USS Blue Ridge, nơi mà Toán Swift 22 được chờ đợi đáp xuống – chiếc soái hạm của Đoàn Đặc Nhiệm 76 thì quá xa ngoài khơi và chiếc trực thăng đã không còn đủ nhiên liệu.  Và giờ đây Kean ngắm nhìn với một cái cười toét miệng khi mười lính bảo vệ an ninh Thủy Quân Lục Chiến quần áo tả tơi của ông bước ra khỏi chiếc trực thăng, lần lượt từng người lính, để rồi bị tước vũ khí bởi một đội Thủy Quân Lục Chiến Của Hạm Đội.


      Kean đã sẵn trao khẩu súng trường M-16 loại phát cho Thủy Quân Lục Chiến của chính ông, một khẩu súng lục tự động 0.9 milimét mà ông đã nhặt được gần hồ tắm của tòa đại sứ, và khẩu súng Colt 45 Gold Cup cá nhân của ông.  Song một số lính Phòng Vệ An Ninh Thủy Quân Lục Chiến (PVANTQLC) của ông, miễn cưỡng giao nạp các súng ống của họ, đã không hoàn toàn sốt sắng như thế.  Kean nhận thức rằng Các Thủy Quân Lục Chiến Hạm Đội đã có lệnh của họ: mọi vũ khí mang theo bởi bất kỳ ai đặt chân lên một tàu Hoa Kỳ sẽ bị vứt sang một bên.  Song, ông đã nhận thấy quang cảnh thì kỳ quái.  Không kể các lựu đạn ném bằng tay, ông đếm được ba mươi sáu súng trường và súng lục đủ loại và kích thước khác nhau bị tịch thu từ các lính của ông và bị ném xuống Biển Nam Hải [sic], kể cả hai khẩu súng lục tự động do Tiệp Khắc chế tạo mà lính của ông đã nhặt được từ những nơi mà chỉ có Trời mới biết và ngay cả một khẩu súng .32 mạ chất chromium.  Có một lúc ông đã nghĩ mình có thể phải can thiệp, khi ông nhận thấy Steve Schuller cãi nhau dây dưa với một Thủy Quân Lục Chiến Hạm Đội.  Nhưng trước khi ông có thể ra tay, Schuller đã đổi thái độ, sải bước đến cạnh sườn của sàn bay, và quăng các vũ khí của chính mình từ trên mạn tàu.  Nếu chúng sẽ bị chìm xuống, anh ta sẽ tự mình làm việc đó.

       Đúng, Kean nghĩ lại, đúng là quân cướp của Pancho Villa.
       Tất cả lính PVANTQLC, hàng trăm dân tỵ nạn Nam Việt Nam, quân sự và dân sự, đứng xếp hàng làm thủ tục.  Hàng tá các chiếc trực thăng của Không Quân Hoàng Gia [Royal?] Nam Việt Nam tiếp tục lảng vảng trên đầu, nhất định sẽ bị ném xuống cùng nấm mồ trên biển như các khẩu súng của lính PVANTQLC, bất luận là chúng có tìm được khoảng trống trên sàn tàu để đáp xuống hay không.  Một số thủy quân lục chiến của Kean còn ở trên khoang tàu để ngắm nhìn hoạt cảnh, nhưng viên thiếu tá đã quá kiệt sức.  Ông đã làm xong thủ tục nhập cảnh trên tàu, tìm thấy một giường nơi boong tàu bên dưới, và chìm vào một giấc ngủ say trong sáu tiếng đồng hồ.
 
       Trước 3 giờ chiều một chút, một thủy thủ đã lay ông thức giấc.  Tướng Carey đã triệu hồi ông đến chiếc soái hạm USS Blue Ridge.  Khi chiếc trực thăng nhấc mình khỏi chiến hạm USS Okinawa cho một chuyến bay mười lăm phút, Kean thắc mắc khong rõ ông ta sẽ gặp rắc rối tới đâu về việc bố trí hơi gas làm chảy nước mắt trên mái nhà [tòa đại sứ].  Ừ, mình đã có một binh nghiệp tốt kéo dài đến nay.  Có thể sẽ là một sự tổn thất sau cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam.

       Tài sản duy nhất của ông là một điếu xì gà đã hút một nửa, và khi Tướng Carey tra hỏi ông, Kean vẫn còn đang mặc chiếc áo đánh golf hiệu Arnold Palmer và quần tây màu xanh.  Viên thiếu tá thấy nhẹ khi Tướng Carey chúc mừng ông ta về công việc được thi hành tốt, và kế đó, Kean tiếp tục đến gặp “The Bulls: Những Con Bò Mộng” khác – tiểu đoàn trưởng và sĩ quan hành quân của lực lượng đổ bộ Thủy Quân Lục Chiến, cũng như trưởng toán đổ bộ của trung đoàn, Đại Tá Al Gray.  Chính trong phiên họp này ông ta hay biết rằng thi thể của Hạ Sĩ  (Corporal) Charles McMahon và Binh Nhất (Lance Corporal) Darwin Judge vẫn còn ở đâu đó trong Sàigòn và rằng Đại tá Gray đang cầm đầu một cuộc điều tra về việc không thu hồi được thi hài của họ.

       Mẫu tin tức dữ tợn này đã khuấy động lại sự tức giận của ông về việc đã phải phân tán làm đôi toán biệt phái của ông ba ngày trước đó và gửi nhóm đó đến DAO [Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự].  Nhưng ông đã không nói gì cả.  Còn gì để nói nữa.  Kean còn khám phá thêm rằng các đại tá Lục Quân Hoa Kỳ Madison và Summers, các kẻ cũng lên tàu USS Blue Ridge, đã tố cáo các Thủy Quân Lục Chiến tại tòa đại sứ hoảng loạn “và để lại đàng sau những người mà một cách nào khác có thể được cứu vớt”, kể cả các người Đại Hàn say rượu.  Kean bực mình về điều ông xem là một sự vu khống nhưng cân nhắc lời nói của ông một cách thận trọng.

       “Chúng tôi có lẽ đã có thể di tản hết mọi người trong khuôn viên tòa đại sứ”, ông nói với Đại Tá Gray.  “Nhưng chúng tôi sẽ phải phớt lờ các mệnh lệnh của Tổng Thống để làm việc đó”.

       Trong khi đó, mặc dù lính PVANTQLC của ông không có các thủ tục hành chính nhiêu khê hay sự “bắn sẻ” liên binh chủng để đối phó, họ thấy rằng họ gặp phải một ván đề: các thủy thủ Hải Quân, nhận thức được cơ hội lịch sử,  thường tìm cách để thuổng những đồ dùng cá nhân lặt vặt mà họ mang theo, kể cả quần áo của họ, làm kỷ niệm.  Sau khi họ đã làm xong thủ tục nhập tàu và được đưa xuống các boong tàu bên dưới, họ đã cởi bỏ các y phục hôi hám và lảo đảo đi tìm các trận tắm đầu tiên của họ trong một tuần lễ.  Schuller tháo các chiếc tất ra – các mảnh thịt dứt ra giữa chúng – khi anh nhận thấy một thủy thủ chụp lấy chiếc áo của Terry Bennington.  Anh ta chặn người thủy thủ lại, và từ khi đó trở đi, các lính PVANTQLC đã tìm cách thay nhau vào buồng tắm, canh gác cho quân phục của người kia.

       Toàn thể toán biệt phái an ninh Thủy Quân Lục Chiến Sàigòn đã đến được căn cứ hải không quân tại Subic Bay, Phi Luật Tân hôm 6 Tháng Năm.  Tại Tòa Đại Sứ Mỹ ở Manila, họ được biệt trú và được cấp phát dao cạo râu, bàn chải đánh răng, và, một lộc trời, các bữa ăn nóng hổi.  Tuy nhiên, điều làm họ buồn phiền, với các sở thông hành, các giấy tờ công vụ, và sổ lĩnh lương bị mất từ lâu, những ngày kế đó đã phải ngồi tại các chiếc bàn đặt trên giá kê để điền hàng đống mầu đơn từ — “sự đón tiếp về quê” chính thức của họ trước sự vui mừng của chế độ thư lại.

       Cuối cùng, sau một cuộc nổi loạn nhỏ, Kean đã dàn xếp để phát ngân viên chính của tòa đại sứ ứng trước $200 mỹ kim cho mỗi lính của ông, và họ được phép ra ngoài căn cứ để đi mua sắm quần áo sạch sẽ.  Đương nhiên, sau khi mua sắm giầy, quần jean xanh, và áo thung T-shirts, phần lớn xúm xít về “Hẻm Con heo: Pig Alley” nổi tiếng của thành phố thủ đô – phiên bản đường Tự Do của Manila.  Tuy nhiên, mọi nơi trong thành phố mà họ đi đến, họ bị theo sau bởi các thông tín viên la hét đòi nghe “câu chuyện thực sự” của những khoảnh khắc sau cùng trên nóc tòa đại sứ.  Cuối cùng, sau một trong quá nhiều cuộc chạm trán với các nhà báo dò hỏi, phần lớn trong toán biệt phái đã trưng dụng một quán rượu, trả cho chủ nhân của quán để thảy ra ngoài những ai không phải là lính PVANTQLC, và đã trải qua tám tiếng đồng hồ ăn, uống, và sống lại điều mà nhiều người đã giả định sẽ là các khoảnh khắc sau cùng trong cuộc đời của họ.  Đông đảo các cô gái quán rượu Phi Luật Tân ở trong số các khán giả hiếu kỳ bên ngoài quán rượu ngây người nhìn vào, và tin đồn rằng số tiền mà các Thủy Quân Lục Chiến được ứng trước đã không được chi trả hoàn toàn cho thực phẩm và rượu bia.

       Tromg bữa tiệc, Trung Sĩ Nhất Juan Valdez đã trải qua phần lớn buổi tối thu mình suy tư ở một góc nhà.  Sau hai ngày đáp lên chiến hạm USS Okinawa, Valdez cũng được chở tới chiến hạm USS Blue Ridge để được tra hỏi bởi Tướng Carey và Đại Tá Gray, và chính nơi đó anh ta, giống như Kean, khám phá ra rằng thi hài của Hạ Sĩ McMahon và Binh Nhất Judge vẫn chưa hề rời khỏi Sàigòn.

       Thoạt tiên Valdez tức giận sôi sục với Trung Sĩ Xạ Thủ (Gunnery Sergeant) Vasco Martin, người mà anh ta đã cắt cử phụ trách đội lính PVANTQLC được phái sang DAO (Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự).  Tuy nhiên, cơn tức giận của anh đối với Martin đã sớm giảm xuống, khi anh tự đặt mình vào vai trò viên đội trưởng và suy nghĩ về các sự hỗn loạn hoàn toàn đã bao phủ Văn Phòng DAO trong và sau khi có các sự pháo kích của Quân Đội Bắc Việt.  Martin đã không thể làm gì để mang thi hài của các thanh niên đó về nước, và vào lúc các lính PVANTQLC đến Manila, cơn thịnh nộ của Valdez đã quay trở ngược vào bên trong.  Sau hết, anh ta là Trung Sĩ “Cao Cấp Nhất” cũng như thuộc trường phái cổ điển: anh ta đã tin tưởng sâu xa trong tâm hồn mình tín điều rằng các người lính TQLC không bao giờ bỏ sót một bạn đồng ngũ của chính họ đàng sau lưng.  Biến cố sẽ ám ảnh anh ta trong nhiều năm.

       Ngày kế tiếp, trở lại tòa đại sứ tại Manila, Kean đang sửa soạn cho chuyến quay trở lại Hồng Kông khi anh gặp gỡ [Đại Sứ] Graham Martin tại văn phòng viên đại sứ Mỹ tại Phi Luật Tân.  Đó là lần cuối cùng họ gặp nhau.  Hai bên trao đổi cuộc nói chuyện lặt vặt mo6t. cách vụng về — Martin vẫn còn xanh xao vàng vọt và ủ rũ một cách thảm thiết – và Kean cảm thấy nhẹ nhõm khi hướng đến phi trường sau khi cuộc đối thoại ngắn ngủi của họ được kết thúc.  Không lâu sau đó, trở lại Hồng Kông, anh ta đã bắt đầu công tác đánh máy lại từ trí nhớ một bản báo cáo sau khi thi hành công tác dài chín trang, cách nhau một hàng, cũng như thảo các sự tường thuật đề bạt sẽ tạo thành căn bản cho bốn mươi hai huy chương Hải Quân Chiến Công và Hải Quân Tuyên Dương sau này được tưởng thưởng cho các lính Phòng Vệ An Ninh Thủy Quân Lục Chiến thuộc các toán biệt phái ở Sàigòn, Cần Thơ, Phnom Penh, Nha Trang, Đà Nẵng và Biên Hòa.

       Khi anh ta ráp nối các chiến công của các lính Thủy Quân Lục Chiến của anh ta lại với nhau, anh đã nghĩ về Napoléon, kẻ có lần từng ghi nhận rằng các hành vi can đảm mà các người lính sẽ thực hiện để có được một dải huy chương nhỏ bé.  Câu hỏi của chính ông cũng đã được trả lời khi, thay vì một cú đá mạnh vào đít, anh được ban thưởng Huy Chương Sao Đồng về công trạng do các hành động của anh ta tại Sàigòn trong tuần lễ cuối cùng của Tháng Tư 1975.

       Chiếc thương thuyền SS Pioneer Contender, lôi theo sau hai chiếc bè đổ bộ được biến cải của Terry McNamara, đã đến được bán đảo Vũng Tầu và các chiên thuyền vòng ngoài của Hạm Đội Thứ Bảy khoảng 9:30 sáng ngày 30 Tháng Tư, 1975.  Việc đầu tiên mà viên cựu [tổng] lãnh sự Mỹ tại Cần Thơ và viên hạ sĩ quan phụ trách lính PVANTQLC Cần Thơ của ông, Trung Sĩ Tham Mưu (Staff Sergeant) Steve Hasty, nhận thấy bao quanh họ, dòng nước xanh của Biển Nam Hải [sic] bừa bãi với mảnh vỡ của tàu bị đắm và đồ vật trôi dạt của các chiếc thuyền tỵ nạn chạy trốn.  Hai người đã chia nhau một bữa điểm tâm lạnh trên sàn chiếc thương thuyền khi một người đưa tin thông báo McNamara rằng hai chiếc bè LCM tơi tả của ông sẽ không còn cần thiết để di tản người Việt Nam từ bờ biển của bán đảo.

       Không lâu sau buổi trưa, McNamara và Hasty được di chuyển bởi tàu cứu nạn Nhật Bản sang một chiếnc tàu lớn hơn được thuê mướn bởi người Mỹ, chiếc LST Đại Hàn được xây dựng để đổ bộ các chiếc xe tăng, có khả năng đi biển.  Họ đã trải qua một tối lạnh lẽo nằm ngủ dưới sao đêm và hai mươi bốn tiếng sau, một đội phi cơ trực thăng Thủy Quân Lục Chiến đã đến vớt McNamara và càc công dân Mỹ của ông cùng Hasty và nhóm lính Thủy Quân Lục Chiến nhỏ bé của anh ta và đã chở họ đến chiếc USS Blue Ridge.  Cuộc phiêu lưu tự biên tự diễn của họ đã qua. [Phần tường thuật của chính Terry McNmara sẽ được dịch và đăng tải sau này trên Gió O, chú của người dịch].

       Khi chiếc trực thăng Huey chở McNamara bay cao bên trên Hạm Đội Thứ Bẩy, viên chức ngoại giao kỳ cựu quan sát chiều dài và chiều rộng của hạm đội.  Ông đã có một ý nghĩ: Làm sao mà một quốc gia với một sức mạnh lớn lao như thế lại kết thúc một cuộc chiến tranh bằng việc bỏ rơi đồng minh của nó và cứu vớt các công dân của chính nó trong một tình huống ô nhục đến thế? Trong khi chiếc tàu USS Blue Ridge lái đến Phi Luật Tân, Mcnamara đã gửi một điện văn về Bộ Ngoại Giao tại Hoa Thịnh Đốn về nơi chốn của ông và các nhân viên của ông và đã tìm cách đưa các ghi nhận của chính ông về hành trình theo đường sông [từ Cần Thơ ra biển, chú của người dịch].

       Trong khi đó Steve Hasty đã tìm thấy Jim Kean, sĩ quan chỉ huy của anh, tại khu biệt trú của Thủy Quân Lục Chiến trên tàu.  Khi Kean miệng cười toét nhận ra viên trung sĩ tham mưu trẻ tuổi của mình, ông hét to, “Anh đã thi hành công việc tốt đẹp mà chúng tôi kỳ vọng ở anh”.  Hasty sau đó đã được đẩy lên phần thượng tầng của chiếc tàu để được tra hỏi bởi đích thân Tướng Carey, một kinh nghiệm làm choáng váng cho một người lính áo xanh như thế.  Qua các ly trà đá, viên tướng đã cám ơn viên trung sĩ tham mưu về công tác tốt đẹp mà anh ta đã làm.  Một triệu ý nghĩ chạy ngang qua đầu của Hasty.  Sự phản bội của cơ quan CIA.  Việc leo lên tàu của Hải Quân VNCH.  Cuộc tấn công trên sông.  Trận mưa bão mù trời nhiều phần đã cứu vớt mạng sống của họ.  Nỗi tuyệt vọng của họ khi không tìm thấy một chiếc tàu Hải Quân Hoa Kỳ chờ đợi họ tại vùng châu thổ của con sông.

       Song khi viên tướng hỏi về cuộc hành trình, viên trung sĩ tham mưu biết giữ các ý kiến riêng của mình và chỉ trình bày các sự kiện không thôi.  Anh ta đã bước ra khỏi phòng riêng của viên tướng với ý nghĩ.  Ông không biết một nửa sự việc, thưa Ngài.

       Vào lúc hoàng hôn ngày 30 Tháng Tư, một lẽ thủy táng truyền thống đã được thực hiện trên sàn tàu USS Hancock.  Các quan tài thì trống rỗng.  Thi hài của Đại Úy William Nystul và Trung Úy Michael Shea không bao giờ được thu hồi từ chiếc trực thăng của họ, chiếc Swift 14, đã bị vỡ và chìm dưới nước sâu khoảng bảy mươi bộ Anh.

       Sau khi trưởng đoàn phi hành chiếc Swift 14, Stephen Wills, và nhân viên cơ khí bậc nhất của nó, Richard Scott, được cứu vớt từ Biển Nam Hải [sic], các vật phẩm duy nhất khác được thu hồi từ chiếc máy bay là bốn chiếc mũ của phi hành đoàn, và thanh ngang chân đáp xuống phía trước của chiếc trực thăng, với các bánh xe vẫn còn gắn vào đó.  Nguyên nhân của tai nạn không bao giờ được xác định, như như các sử gia Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến, Thiếu Tá George Dunham và Đại Tá David Quinlan sẽ viết sau này, “sự thiếu kinh nghiệm của phi hành đoàn và sự không quen thuộc với nhiệm vụ có thể đã là các yếu tố”.

       Cựu quân nhân trở thành nhà báo Bắc Việt, Đại Tá Bùi Tín, phó tổng biên tập tờ báo chính thức của Quân Đội Bắc Việt, tờ Quân Đội Nhân Dân, đi cùng với đội xe tăng dẫn đầu đã ủi xuyên qua cánh cửa trông như tấm vỉ sắt nướng thịt của các chiếc cổng dẫn vào Dinh Tổng Thống ở Sàigòn vào sáng ngày 30 Tháng Tư.  Trong khi ông Tín leo lên các bậc thang tới tòa kiến trúc hoa hòe giữa các lính bộ binh Bắc Việt đáng sợ, các kẻ điều khiển các xe tăng ngơ ngác, và các sĩ quan cấp thấp từ Quân Đoàn 2 của Tướng [Văn Tiến] Dũng, ông ta bị nhận lầm là một nhà lãnh đạo Cộng sản.  Ông ta được hướng dẫn bởi một viên phụ tá tổng thống đến một văn phòng riêng của Tướng Dương Văn Minh, mặc một chiếc áo ngắn tay và được bao quanh bởi các bộ trưởng của ông.  Ông Minh đã sẵn nói chuyện với người dân và quân đội Nam Việt Nam qua đài phát thanh – hạ lệnh họ ngừng chiến đấu và đoan chắc với họ rằng “một sự hòa giải và hòa hợp dân tộc” đang trong tầm tay.

       Giờ đây ông đã chào đón ông Tín với một lời loan báo ngắn ngủi khác: “Tôi đang chờ đợi từ sáng sớm hôm nay để chuyển giao quyền hành cho ông”.

       Ông Tín sửng sốt.  Ông hỏi một người chỉ huy xe tăng QĐBV về nơi chốn của Tướng Dũng.  Không ai hay biết.  Như thế, ông Tín nắm lấy tình hình. 

      “Không có vấn đề chuyển giao quyền hành của ông”, ông ta nói với Tướng Minh.  “Quyền hành của ông đã sụp đổ.  Ông không có gì trong tay để giao lại, và do đó ông không thể giao lại những gì ông không thể có”.

       Như thể để hòan tất diễn tiến, ngay lúc đó một tiếng phát nổ của sự khai hỏa vũ khí tự động làm rung chuyển các cửa sổ.  Các bộ trưởng của Tướng Minh xao động, phía quân Bắc Việt không nhúc nhích.  “Quân lính chúng tôi chỉ đang ăn mùng”, ông Tín nói với các người trong phòng.  “Giữa người Việt Nam không có người thắng và không có người bị khuất phục.  Chỉ có người Mỹ bị đánh bại”.

       Lá cờ của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, tức Việt Cộng, được treo cao trên Dinh Tổng Thống lúc 12:15 trưa, và khi ngày này trôi qua, Bùi Tín đã đi thăm thành phố bị bại trận.  Ông ta đã chụp ảnh các khúc to lớn của cây me rải khắp mặt đất của khuôn viên Tòa Đại Sứ Mỹ, và đi theo một toán quân Bắc Việt lên trên nóc tòa đại sứ, đang trống không, ngoại trừ sự vứt vung vãi các vũ khí bị thải hồi, các chiếc mũ sắt, và các chiếc áo giáp chống đạn.  Từ ở đó, trên nóc tòa kiến trúc cao nhất tại Sàigòn, ông ta có thể nhìn thấy các đám lửa vẫn còn đang cháy chung quanh thành phố, kể cả ở Phi Trường Tân Sơn Nhứt và khuôn viên Văn Phòng DAO bên cạnh.

       Muộn hơn vào buổi tối hôm đó, ông Tín đã biến mất vào một văn phòng nhỏ trong Dinh Tổng Thống để viết bản tin điện cho tờ báo của ông.  Ông đã viết một bài bốn trang giấy nhưng không biết làm sao để gửi nó đi cho các chủ biên của ông tại Hà Nội.  Ông đã xin quá giang một chuyến xe đi đến văn phòng DAO, hy vọng tìm thấy một máy viễn ấn còn hoạt động, nhưng khám phá rằng mọi trang thiết bị truyền tin đều đã bị làm hỏng bởi toán phá hủy thuộc Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

       Với một sự ức đoán, ông ta bước qua một tòa nhà nhỏ, nằm vòng ngoài của quần thể, một trong những kiến trúc đầu tiên được dựng lên bởi người Mỹ tại Sàigòn khi căn cứ được biết đến là Trại Davis.  Nó được chiếm ngụ bởi một toán truyền tin QĐBV để làm trụ sở.  Ông ta đã để lại bản tường thuật báo chí cho họ, và sau cùng nó đã được chuyển ra Hà Nội.    

       Những dòng mở đầu bài tường thuật của ông ta vì thế đã ghi: “Tôi đang viết bài báo này khi ngồi tại một bàn giấy trên tầng thứ nhì của Phủ Tổng Thống tại Sàigòn.  Cuộc chiến tranh lâu dài đã qua đi”.

       Frequent Wind: Trận Gió Thường Xuyên, cuộc hành quân Hoa Kỳ sau cùng tại Việt Nam, đã là một cuộc di tản lớn nhất và thành công nhất chưa từng được thực hiện.  Nó đã không được lập lại lần nào kể từ đó.  Trong các tuần lễ trước khi chiến dịch Frequent Wind được phóng ra hôm 29 Tháng Tư, các máy bay với cánh cố định đã di tản được 50,493 người, kể cả 2,678 cô nhi, từ Phi Trường Tân Sơn Nhứt của Saigòn.  Con số chính xác dân tỵ nạn được đưa ra biển bởi các trực thăng Không Quân Hoàng Gia [?] [Nam]Việt Nam, các máy bay tư nhân, các chiếc  xà-lan (barges), tàu đánh cá kéo lưới (trawlers) và các chiếc thuyền khác trong Tháng Tư đó, và bao nhiêu người đã đến nơi an toàn, thì không thể tính toán được.

       Với bầu trời đông đúc trên Sàigòn, các sĩ quan tình báo của Tướng Dũng chứng tỏ khá chính xác trong sự lượng định của họ về điều mà nhiều người đã sẵn mệnh danh như “Cuộc Hành Quân Di Tản Dunkirk của Mỹ”.  Các phi công máy bay trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã bay 682 phi vụ vào Sàigòn trong Chiến Dịch Trận Gió Thường Xuyên.  Tổng số 395 người Mỹ và 4,475 người Việt Nam và công dân nước thứ ba đã được di tản từ Văn Phòng DAO, với 978 người Mỹ và 1,220 người Việt Nam và những người khác đã được cứu vớt từ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ.  Tổng cộng, hơn 7,000 người đã được bốc ra khỏi rhành phố trước khi nó bị chiếm cứ bởi binh si Bắc Việt và Việt Công.  Trong số 420 người bị bỏ lại đàng sau tại tòa đại sứ, hơn 100 người là công dân Nam Hàn.

       Trong 1.054 giờ bay bởi các phi công máy bay trực thăng Thủy Quân Lục Chiến trong các hôm 29 và 30 Tháng Tư, Đại Úy Gerry Betty trong chiếc CH-46 Lady Ace 09 ghi nhiều giờ nhất, đã bay 18.3 giờ trong thời khoảng 20 tiếng đồng hồ.  Trước khi có sự quay trở về của chiếc tàu mẹ của họ, chiếc USS Dubuque, từ Vịnh Thái Lan, phi đội của Berry vẫn không có một “phi cảng gốc”, và ông cùng phi hành đoàn của ông đã trải qua hai mươi bốn tiếng kế tiếp quá giang trên chiếc USS Duluth cho tới, hôm 1 Tháng Năm, khi chiếc tàu Dubuque xả hơi quay về lại Biển Nam Hải.  Bốn chiếc trực thăng của Berry sau đó quay về chiếc Dubuque, và au đó lái sang Okinawa.  Vì nỗ lực anh hùng của họ trong cuộc di tản, Phi Đội Sea Knights của Berry được vinh danh là Phi Đội của Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến trong năm vào năm 1975.

       Một ghi nhận nữa về máy bay trực thăng: chiếc trực thăng mà Steve Schuller nhận thấy đang đậu trên nóc tòa nhà trên đường Gia Long chiều ngày 29 đã trở thành một hình tượng mà cho đến ngày nay được tin tưởng một cách sai lạc là biểu trưng cho các người Mỹ cuối cùng rời Sàigòn.  Văn Phòng hãng thông tấn UPI nằm ở tầng trên cùng của Khách Sạn Peninsula Hotel, cách Pittman Apartments bốn khu phố. Trưởng phòng UPI là Alan Dawson, và có vài nhânh viên cùng thông tín viên tự do như Hubert van Es, một nhiếp ảnh gia Hòa Lan đã quyết định ở lại và tường trình sự chiếm giữ bởi quân Bắc Việt và Việt Cộng.

       Van Es vừa mới trở về sau khi đi chụp ảnh và đang ở trong phòng tối rửa phim.  Anh ta nhận thấy được một chiếc trực thăng trên nóc một tòa nhà.  Anh chụp lấy một chiếc máy ảnh và một ống kính 300 mm, ống kính dài nhất trong văn phòng, và phóng ra bao lơn.  Anh đã chụp được mười tấm hình của O. B. Harnage, một nhân viên của Cơ Quan CIA, đang giúp các thường dân leo lên chiếc trực thăng.  Sau khi rửa phim, Van Es đã lựa chọn một ảnh được in ra để chuyển bởi các tín hiệu phát thanh đến Tokyo từ văn phòng điện báo Sàigòn.  Tấm ảnh đen trắng khổ 5 x 7 phân Anh cần đến mười hai phút để gửi đi.  Van Es đã đi xuống mồ anh ta năm 2009, quả quyết rằng anh ta đã ghi xuống tin tức chính xác trong lời chú thích tấm ảnh, nhưng chính  các nhà biên tập đã giả định một cách lầm lẫn rằng nó là nóc nhà của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và là chiếc máy bay trực thăng Mỹ cuối cùng để di tản Sàigòn. [Phần tường thuật của chính Van Es về bức ảnh lịch sử này sẽ được dịch và đăng tải trên Gió O, chú của người dịch]

       Trong hồi ký của mình, A Time to Heal, [Tổmg Thống] Gerald Ford đã suy tưởng về sự thành công không được quảng bá của Mỹ trong những giờ phút kết thúc của Chiến Tranh Việt Nam.  “Khi mọi việc đã xong xuôi, tôi cảm thấy sự thỏa mãn và nhẹ nhõm sâu đậm rằng cuộc di tản đã là một sự thành công”, ông đã viết như thế.  “Tuy nhiên, vấn đề về những gì cần làm đối với các người tỵ nạn vẫn còn tồn tại.  Hơn 120,000 người trong họ đã tìm cách vượt thoát, nhưng họ đã không có nơi để đi đến.  Thái Lan không muốn họ.  Mã Lai, Nam Dương và Phi Luật Tân cũng thế.  Tôi cảm thấy Hoa Kỳ có một nghĩa vụ đặc biệt với họ, và vào ngày 30 Tháng Tư tôi đã yêu cầu Quốc Hội chấp thuận một dự luật sẽ cung cấp 507 triệu cho sự chuyển vận và chăm sóc họ.  Hạ Viện đã bác bỏ lời yêu cầu của tôi hôm 1 Tháng Năm.  Không thể tin được! Sau Thế Chiến II chúng ta đã mở các cổng của chúng ta và cung cấp một đời sống mới cho 1.4 triệu người di cư cùng 50,000 người nữa sau cuộc cách mạng Hung Gia Lợi trong năm 1956 và nửa triệu người Cuba sau khi Castro lên nắm quyền hành.  Trong năm 1975, các trại tỵ nạn đã được thiết lập khắp nước.  Với sự giúp đỡ của các công dân địa phương và các tổ chức thiện nguyện, 120,000 người Việt Nam đã bắt đầu một cuộc sống mới tại Hoa Kỳ, như những người tỵ nạn trước họ đã làm.”

       Những kẻ khác đã không may mắn như thế.  Mặc dù không có gì được hay biết một cách chính thức về số phận của khoảng 300 người tỵ nạn Việt Nam bị bỏ rơi trong khuôn viên tòa đại sứ — các người dân Nam Hàn bị bỏ lại đàng sau cuối cùng đã hồi hương về xứ sở của họ — theo chính phủ Hà Nội, hơn 200,000 các viên chức chính phủ, các sĩ quan quân đội, các binh sĩ Nam Việt Nam đã bị gửi đến “các trại cải tạo”, nơi sự tra tấn, bệnh tật, và thiếu dinh dưỡng lan tràn.

       Cựu tổng thống Nam Việt Nam, Tướng Dương Văn Minh, được đối xử khá hơn.  Vài ngày sau sự sụp đổ của thành phố thủ đô của ông, ông được phép quay trở về ngôi biệt thự của mình.  Ông đã sống ở đó trong tám năm kế tiếp trong sự ẩn dật, nuôi chim và chăm sóc các giống hoa lan ngoại nhập.  Trong năm 1983 ông được chấp thuận cho xuất cảnh sang Pháp, nơi ông sống gần Paris cho đến khi lại xuất cảnh lần nữa, sang Pasadena, California, nơi trong Tháng Tám 2001 ông bị bệnh và mất đi ở tuổi 85.

       Ông Minh đã sống đủ thọ để nhìn thấy Hoa Kỳ tái thiết lập các quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam dưới thời Tổng Thống Bill Clinton trong Tháng Bẩy 1995.  Tài sản tòa Đại Sứ Hoa Kỳ cũ đựoc hoàn trả cho Hoa Kỳ, và chiếc cầu thang dẫn lên bãi đáp trực thăng trên nóc nhà được cứu vớt và giờ đây được trưng bày tại Bảo Tàng Viện Gerald R. Ford ở Grand Rapids, Michigan.

       Vào sáng ngày 29 Tháng Tư, 1975, lúc 9 giờ sáng giờ Tiêu Chuẩn Miền Đông – mười bảy tiếng sau khi loạt pháo kích của quân Bắc Việt vào Phi Trường Tân Sơn Nhứt bắt đầu – Đại Úy Thủy Quân Lục Chiến hai mươi tám tuổi Michael Maloney nhận được một cuộc điện thoại tại một căn phòng kéo dùng làm một văn phòng tuyển mộ của Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến đàng sau Chi Nhánh Bưu Điện dưới phố Boston, Massachusetts.  Ngoài các nhiệm vụ của anh ta như một sĩ quan tuyển mộ, Maloney cũng là sĩ quan phụ trách số quân nhân bị tổn thất trong khu vực.

       “Tôi có một thông báo về sự tổn thất, KIA: Killed In Action: Bị hạ sát trong khi công tác”, người gọi từ Ban Tổn Thất của Quận Hạt Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến Thứ Nhất tại Garden City, New York bắt đầu nói.  “Anh có sẵn sàng để ghi lại chưa?”

       Maloney đã sẵn sàng với một chiếc bút chì và tập giấy.
       “Tên – McMahon, Charles”, giọng nói tiếp tục.  “Cấp bậc – Hạ Sĩ.  Các vết đạn bắn phá tung thành nhiều mảnh.”

       Trong vòng chín mươi phút, Đại Úy Maloney và Trung Sĩ Xạ Thủ Hilliard Crosswhite đã đến bằng một chiếc xe đến ngôi nhà dành cho hai gia đình sơn màu hồng và trắng của Edna và Charles McMahon, Sr., ở Woburn.  Charles McMahon Sr., một công nhân cơ xưởng phiên ban đêm, đang ngủ và không nghe thấy tiếng gõ cửa của họ.  Sau khi tham khảo với cảnh sát địa phương, hai quân nhân Thủy Quân Lục Chiến đã quay trở lại ngôi nhà của McMahon đúng lúc Edna McMahon và đứa con trai trẻ hơn của bà, Scott, một Thủy Quân Lục Chiến vừa mới được tuyển mộ song vẫn còn trong thời gian chưa có nhiệm vụ cụ thể, đang tiến vào ngôi nhà.  Scott McMahon dừng chân để nói với họ — “Tôi có thể giúp gì được các ông, thưa ngài?  Có việc về anh của tôi phải không?” – nhưng Maloney và Crosswhite đã yêu cầu được phép vào trong nhà.  Edna McMahon đánh thức người chồng thức dậy, và gia đình tụ tập tại phòng bếp. 

       Maloney thu hết can đảm.  “Thưa ông bà McMahon”, anh ta nói, “tôi tiếc phải thông báo với ông bà rằng con trai của ông bà, Charles, đã bị giết chết tại Việt Nam”.

       Maloney đã không nói – bởi anh ta không biết – rằng xác của đứa con trai cả của Charlie và Edna Mcmahon vẫn còn ở Sàigòn.

      Cách nửa đất nước, vào 11:30 sáng Giờ Tiểu Chuẩn Miền Trung trong cùng ngày, một chiếc xe Chevrolet màu đen chở hai quân nhân Thủy Quân Lục Chiến đã chặn Henry Judge khi ông ta sắp kết thúc các đợt đưa thư buổi sáng của ông tại Marshalltown, Iowa.  Chiếc xe đậu sát vào lề đường, các Thủy Quân Lục Chiến bước ra, và một người trong họ đã thông báo cho ông hay rằng con trai của ông, Darwin, đã bị hạ sát tại Việt Nam.  Họ đã đi bộ cùng với ông về ngôi nhà ván ghép màu trắng và đợi bên ngoài trong khi Henry nói cho bà vợ hay rằng con trai của họ đã chết.  Chiều hôm đó, ông bà Judges đã nói với toán đầu tiên của các thông tín viên bắt đầu cắm trại tại sân trước của họ.

       “Tẩt cả điều tôi có thể nói rằng Darwin đã cảm thấy nó đã phải có mặt ở đó để ngăn chặn Cộng Sản khỏi đến đây, Ida [?Edna] đã nói với các nam nữ ký giả tụ họp trong khi chồng của bà, Henry, đứng im lặng cạnh bà.  “Chúng tôi hãnh diện về đứa con đó.  Chúng tôi là người ngoan đạo Thiên Chúa, như quý vị thấy, và vị Chúa tốt lành sẽ chăm sóc chúng tôi.  Tôi yêu thương đứa con trai của tôi, nhưng khi đến giờ con phải ra đi …”

       Lá thư “thăm hỏi trên tàu” mà Juan Valdez đã viết cho gia đình McMahon đến tay họ ít ngày sau khi họ hay biết được về cái chết của con trai họ.  Hạ Sĩ Charles McMahon, Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (USMC), và Hạ Sĩ Nhất Darwin Judge, USMC, Đại Úy William Nystul, USMC, và Trung Úy Michael Shea, USMC, đã là bốn người sau cùng trong số 58,151 người Mỹ bị chết trong Chiến Tranh Việt Nam, cuộc chiến cũng đã làm thương tích 300,000 người Mỹ và tốn phí $670 tỷ mỹ kim đã điều chỉnh theo lạm phát.  Cuộc chiến đã chứng kiến cái chết của hàng triệu người Việt Nam không được nói tới.

       Với tám năm, năm tháng, và ba ngày – từ Nghị Quyết Vịnh Bắc Phần năm 1964 hồi Tháng Tám 1964 cho đến khi ký kết các Hiệp Định Hòa Bình Paris trong Tháng Một 1973 — Chiến Tranh Việt Nam cũng giữ kỷ lục cuộc xung đột quân sự chính thức dài nhất của Mỹ cho đến Tháng Sáu 2010, khi nó bị qua mặt về thời gian bởi Chiến Dịch Enduring Freedom tại A Phú Hãn.

       Vào ngày 1 Tháng Năm 1975, Đại Sứ Graham Martin, kẻ đã đồng ý tổ chức một cuộc họp báo tại phần nổi trên chiếc USS Blue Ridge, đã nhận được một điện tín sau cùng qua đường dây bí mật từ Bộ Trưởng Ngoại Giao Henry Kissinger.  Bức điện tín viết: “Tôi nghĩ cần khuyến cáo rằng ông nên tránh đưa ra mọi ý kiến công khai cho đến khi ông lập xong bản báo cáo lên Tổng Thống”.

       Các lời từ trước lâu của Kissinger chạy ngang qua đầu óc của Martin.  Ông phải lùi lại ra khỏi nơi đó bởi vì dân chúng Mỹ phải có một người nào đó để quy trách.  Martin đã bãi bỏ cuộc họp báo.  Song khi bị bắt gặp bởi các thông tín viên ở boong tàu bên dưới, vị đại sứ Hoa Kỳ cuối cùng tại Nam Việt Nam đã tuyên bố, “Tôi nghĩ người Mỹ có quyền hãnh diện về cuộc di tản này.  Tôi tuyệt đối không có gì phải xin lỗi cả”./-         
***
Hậu truyện 

Vào ngày 30 Tháng Tư, 2010, nhiều lính Phòng Vệ An Ninh Thủy Quân Lục Chiến có mặt trong những giờ cuối cùng của sự hiện hữu của đất nước Nam Việt Nam đã tụ họp tại Quantico, Virginia, để kỷ niệm 35 năm biến cố lịch sử.  Cuộc di tản hào hùng ba thập niên rưỡi trước đây đã được khởi động một các biểu trưng bởi cái chết của Darwin Judge và Charles McMahon, và cuộc họp mặt kỷ niệm biến cố sẽ kết thúc với sự tưởng nhớ buồn thảm về hai người lính Thủy Quân Lục Chiến trẻ tuổi bởi những người đã từng phục vụ với họ và đến những người mà số phận đã ban cho họ tặng phẩm của tuổi trung niên.  Giữa và trong số nhiều lễ tiết khác, các Thủy Quân Lục Chiến tụ họp đã tham dự buổi lễ mãn khóa Trường Phòng Vệ An Ninh Thủy Quân Lục Chiến năm 2010 với tư cách các khách danh dự, và thăm viếng Đài Tưởng Niệm Các Cựu Chiến Binh Chiến Tranh Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn, nơi họ tìm thấy danh tính của Judge và McMahon trên một kiến trúc bằng đá trầm mặc.

Mặc dù đã phân tán khắp nơi sau các cuộc phiêu lưu nhiều gian truân của họ, phần lớn các Thủy Quân Lục Chiến đóng ở Sàigòn vẫn còn là các bạn cá nhân hay giữ liên lạc xuyên qua Hiệp Hội Về Biến Cố Sụp Đổ Của Sàigòn (Fall of Saigon Association), được đồng thành lập và hợp thức hóa bởi luật sư Doug Potratz trong năm 2000.  Một số không ít tiếp tục từ quân vụ của họ tại Việt Nam để xây dựng một binh nghiệp trong Binh Chủng.  Không phải tất cả mọi ngườiu đều có thể có mặt trong buổi tái ngộ này – ba trong “Mười Một Người Sau Cùng: Final Eleven”, kể cả Jim Kean, đã từ trần trước đó – nhưng như người đứng ra tổ chức cuộc họp mặt, cựu lính Phòng Vệ An Ninh Thủy Quân Lục Chiến Sàigòn, Ken Crouse, đã ghi nhận, “Họ vẫn còn ở với chúng ta, trong trái tim và đầu óc của chúng ta”.

Mặc dù hiếm được nói tới, hai sự hiện diện như bóng ma treo lơ lửng trên cuối tái ngộ cuối tuần kỷ niệm ba mươi lăm năm đó.  Người đầu tiên là vị đại sứ sau cùng tại Sàigòn, Graham Martin.  Tiếp theo sự trở về từ Việt Nam, Martin, kẻ không hề một lần nữa lại phục vụ ở hải ngoại trong bất kỳ tư cách nào của Bộ Ngoại Giao, được bổ nhiệm làm phụ tá đặc biệt cho Bộ Trưởng Ngoại Giao Henry Kissinger.  Ông đã về hưu không lâu sau đó, trong năm 1977, mắc chứng bệnh khí thủng (emphysema) và phải thở bằng một bình oxygen.  Ông và người vợ, Dorothy, đã quay trở về quê quán của họ tại Winston-Salem, North Carolina, nơi họ ăn uống nơi nhà một trong các người anh em họ trẻ tuổi hơn của Martin, người đang theo học đại học trong khu vực.  Martin đã mất trong năm 1990 ở tuổi bảy mươi bảy.  Trong năm 2002, người anh em họ, yêu cầu được giấu tên, có viết một lá thư cho trang mạng của Hiệp Hội Fall of Saigon Association trong đó ông có ghi, “Tôi trải qua từng đêm này sang đêm khác nghe các sự hồi tưởng của ông, sự tường thuật giải bày của ông về những gì xảy ra không như mong đợi và các niềm hối tiếc của ông.  Theo bà Dorothy, Grahm chưa bao giờ hoàn toàn hồi phục từ các biến cố trong Tháng Tư 1975.  Bà nói chúng đã dằn vặt ông đên chết trong 15 năm.”

Một sự hiện diện trong buổi họp mặt khác không hề được thảo luận tới, nhung được cảm nhận trong nội tạng, là sự hiện diện của Tướng Văn Tiến Dũng, viên tư lệnh Cộng Sản trong năm 1975 đại diện cho tất cả mọi điều mà Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ chiến đấu chống lại tại Việt Nam.  Quyển sách của ông Dũng, Đại Thắng Mùa Xuân, được viết trong một văn phong thú vị một cách ngạc nhiên, đã trở thành tác phẩm tiêu chuẩn từ quan điểm của Bắc Việt về chiến tranh và những ngày cuối cùng của nó, và các quân nhân Phòng Vệ An Ninh Thủy Quân Lục Chiến kỳ cựu đã không ngạc nhiên khi hay biết rằng tiếp theo sau sự chiếm cứ Sàigòn, ông Dũng đã chỉ huy cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt cũng như cuộc xung đột biên giới phát sinh năm 1979 với Trung Quốc.  Trong năm kế, ông ta trở thành bộ trưởng quốc phòng của Việt Nam, một chức vụ ông nắm giữ trong bảy năm cho đến khi bị loại bỏ.  Sau đó, ông Dũng đã sống im lặng cho đến khi từ trần trong Tháng Ba 2002.

Một cách mỉa mai, tại một bữa ăn tối Thứ Bẩy trong một mô hình rập khuôn Quán Rượu Tun Tavern nổi tiếng trên nền của Bảo Tàng Viện Quốc Gia về Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến, cả các ý nghĩ lẫn các ly rượu được nâng lên trong sự tưởng nhớ đến một nhân vật nổi tiếng khác đã từ trần, kẻ mà các cảm tình chính trị có thời từng bị nhìn bởi nhiều Thủy Quân Lục Chiến là không mấy khác biệt với các lãnh tụ Cộng Sản tại Bắc Việt Nam.  Bởi chính cố Thượng Nghị Sĩ Edward M. Kennedy của Tiểu Bang Massachusetts là kẻ, bắt đầu từ Tháng Năm 1975, mở đầu cho các cuộc thương thảo mạnh mẽ, sau hậu trường với Hà Nội đưa đến sự giải thoát các di cốt của Hạ Sĩ McMahon và Hạ Sĩ Nhất Judge, được hoàn trả cho hai phụ tá của thượng nghị sĩ tại Thành Phố Sàigòn trong Tháng Ba 1976 và được chở về Hoa Kỳ để mai táng theo nghi lễ quân cách.

Tương tự, một nhân vật dân sự nữa đã chiếm giữ một vị thế đặc biệt trong trái tim và đầu óc của các cựu Phòng Vệ An Ninh Thủy Quân Lục Chiến: cựu [tổng] lãnh sự Mỹ tại Cần Thơ, Francis Terry McNamara.  Mặc dù nhóm ở Sàigòn xa lạ vào lúc đó “cuộc giang hành” nổi tiếng của McNamara, các chiến công của ông từ lâu đã đi vào các niên sử không chính thức của Bộ Ngoại Giao và Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến.  Trung thành với lòng yêu mên của ông dành cho Việt Nam và người dân của nó, theo sau cuộc di tản Sàigòn, McNamara xung phong làm giám đốc Ban Đặc Nhiệm để Tái Định Cư Dân Tỵ Nạn Đông Dương tại Bộ Ngoại Giao.  Từ chức vụ đó, ông tiếp tục phục vụ làm tổng lãnh sự tại Quebec, Csanada, phó trưởng phái bộ tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Beirut, Lebanon; và phụ tá thứ trưởng ngoại giao đặc trách các sự vụ công chúng.  McNamara cũng phục vụ với tư cách thành viên chuyên về ngoại giao tại Viện Hoover Institution của Đại Học Stanford và là nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại Học Quốc Phòng (National Defense University).  Sau ba mươi bảy năm công vụ, ông về hưu trí tại McLean, Virginia, trong năm 1993, để viết hồi ký của ông, thuật lại cuộc phiêu lưu của ông xuôi dòng sông Cần Thơ (River of Poems).

Khi một vài người tại cuộc họp mặt hỏi Steve Hasty khi nào anh ta sẽ ngồi xuống để viết lại câu chuyện đi biển của chính anh về “Câu Lạc Bộ Du Thuyền Cần Thơ: Cần Thơ Yatch Club”, anh mỉm cười một cách buồn bã và nói, “Có thể khi tôi có thì giờ trong kiếp sau của tôi”.  Anh có thể không nói dỡn chơi.  Trước khi về hưu trong Tháng Hai 2009 sau một binh nghiệp bốn mươi mốt năm xuất sắc, Hasty đã trở thành một đại tá hiện dịch lớn tuổi trong toàn thể Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến, cũng như là Thủy Quân Lục Chiến hiện dịch phục vụ lâu dài nhất.  Một năm sau khi rời khỏi Cần Thơ, Hasty được tuyển chọn cho một sự bổ nhiệm làm một chuẩn úy, và ngay sau đó đã bắt đầu một hành trình bao gồm các sự bổ nhiệm trong ngành tình báo quân đội, Trường Trinh Sát – Bắn Tỉa (Scout-Sniper School), và phản khủng bố.  Trong năm 1988, anh đã tốt nghiệp hạng bình (magna cum laude) từ Đại Học George Washington University với cấp bằng về Trung Đông học và các quan hệ quốc tế, và hai năm sau đó đã tình nguyện cho nhiệm vụ chiến đấu trong Chiến Dịch Tấm Khiên Sa Mạc (Operation Desert Shield) và tiếp tục trong khả năng đó trong suốt Chiến Dịch Trận Bão Sa Mạc (Operation Desert Storm).

Anh đã trau dồi sự tinh thông chống khủng bố và thu thập tình báo trong các nhiệm sở sau đó tại Turkey, vùng Kurdistan ở phía bắc của Iraq, Somalia, Cairo, Haiti, Bosnia, Cuba, Peru, Norway, và Kosovo, và ba tuần trước khi có các cuộc tấn công ngày 11 Tháng Chín, anh đã đảm trách chỉ huy tất cả các linh Phòng Vệ An Ninh Thủy Quân Lục Chiến tại các cơ sở ngoại giao Hoa Kỳ trên toàn thế giới.  Tiếp theo sau việc chỉ huy này, anh lại một lần nữa tình nguyện cho nhiệm vụ chiến đấu, tại Iraq, và theo sau sự cử nhiệm đó với hai sự điều động đến A Phú Hãn.   Chiếc rương của Hasty đầy các huy chương bao gồm Huy Chương Công Tác Ưu Việt Quốc Phòng, Chiến Công Bội Tinh (Legion of Merit), Huy Chương Ngôi Sao Đồng với Huy Hiệu Anh Dũng và ba Ngôi Sao Vàng, Huy Chương Công Trạng Quốc Phòng với ba Bó Lá Cây Sồi, Huy Chương Công Trạng, Huy Chương Tuyên Dương Công Tác Hỗn Hợp, Huy Chương Tuyên Dương Hải Quân với Huy Hiệu Anh Dũng và Ngôi Sao vàng, huy chương Thành Tích Công Tác Hỗn Hợp, Huy Chương Giải Thưởng Công Lao Danh Dự Bộ Ngoại Giao, và mười bẩy bằng tuyên dương của các đơn vị Hoa Kỳ và ngoại quốc.

Trong cùng bữa ăn tối kỷ niệm đó tại Quán Tun Tavern, khi không ít lời đàm thoại tất nhiên hướng đến các câu chuyện di tản từ khuôn viên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, tên của Gerry Betty được nhắc lại bởi ít người.  Vào đúng lúc ấy, Betty, kẻ được mời tới Quantico bởi hiệp hội, ở cách xa một lục dịa, đang được chiêu đãi như khách danh dự tại Bảo Tàng Viện Flying Leatherneck Aviation Museum tại Miramar, California, nơi chiếc máy bay cũ của anh ta, chiếc CH-46 Sea Knight, Lady Ace 09, được đặt để trưng bày thường trực.

Tiếp theo sau sự sụp đổ của Sàigòn, Betty đã thăng tiến một cách vững chắc qua các cấp bậc của binh chủng, phục vụ tại các nhiệm sở quanh thế giới và đã theo học tại cả Trường Cao Đẳng Tham Mưu và Chỉ Huy Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến và Cao Đẳng Chiến Tranh Hải Quân, từ đó anh đã đạt được một bằng cao học về nghiên cứu chiến lược.  Tại nhiệm sở cuối cùng của anh, khi đó đã được thăng cấp đại tá, Betty đã chỉ huy hơn sáu mươi máy bay và 3,000 Thủy Quân Lục Chiến và thủy thủ yểm trợ các hoạt động của hạm đội trong Chiến Dịch Tấm Khiên Sa Mạc.  Trong khi phục vụ, anh cũng tìm giờ để kiếm được một bằng cao học từ trường Salve Regina College, điều tốt hơn nữa, có lẽ, là việc thán phục các họa kiểu phức tạp trên ba Huy Chương Phi Hành Xuất Sắc, hai huy chương Chiến Công, hai Huy Chương Không Quân Phi Vụ Đơn Thân, một Huy Chương Tuyên Dương Hải Quân, và Dây Biểu Chương Hoạt Động Chiến Đấu và bốn mươi sáu Huy Chương Không Quân.  Vào lúc hồi hưu khỏi Binh Chủng trong năm 1993 sau hai mươi lăm năm phục vụ, Betty đã thu thập được hơn 4,800 tổng số giờ bay.  Ngày nay, Betty, kẻ đã tiến tới việc thành lập một công ty an ninh phi hành, chia đôi thời giờ giữa Florida và tiểu bang quê quán của anh ở Montana.

Số phận của các Thủy Quân Lục Chiến là những kẻ sau cùng rút ra khỏi Sàigòn bao gồm từ vui vẻ đến chua chát.  Tại cuộc tái ngộ, các lời cầu nguyện im lặng được khấn cho hai “Bobbys” đã từ trần – Schlager và Frain.  Người kể tên trước, kẻ mà công tác tại Sàigòn là lần công tác thứ ba của anh ở Việt Nam, đã phục vụ hai mươi ba năm trong Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến trước khi hồi hưu và trở thành giám thị kiểm tra phẩm chất cho một công ty tại tiểu bang Washington.  Anh vẫn còn là một kẻ thích hoạt động ngoài trời nhiệt thành, đi bộ và cắm trại khắp vùng Tây bắc Pacific cho đến khi đời sống của anh bị cắt ngắn bởi chứng ung thư, trong Tháng Hai 2003, ở tuổi sáu mươi hai.
Trong trường hợp của Frain, anh đã ra khỏi Thủy Quân Lục Chiến không lâu sau Sàigòn, và các chiến hữu của anh đã mất sự tiếp xúc với anh ta cho mãi đến 1992, trước khi có sự từ trần của anh không lâu.  “The Body Beautiful” [ức đoán là biệt hiệu của anh ta, chú của người dịch] đã vươn ra ngoài trong một lá thư gửi cho viên trung sĩ cao nhất ngày trước của anh, Juan Valdez.  Frain đã viết rằng sau khi anh xuất ngũ khỏi Binh Chủng trong năm 1975, anh đã di chuyển về lại vùng Tây Bắc Thái Bình Dương [Pacific Northwest, tức vùng Tiểu Bang Washington, chú của người dịch], theo học đại học, đã đỗ bằng cử nhân về tài chính doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp, và đã khởi sự một chức nghiệp dân sự như một phân tích viên ngân sách cho Bộ Năng Lượng Tiểu bang Washington.  Trong các thập niên kế tiếp, anh đã làm cha bốn “đứa con gái xinh đẹp”, song cũng trải qua ba mươi cuộc giải phẫu vì bệnh ung thư và chứng bệnh Crohn.

“Chúng ta tất cả đều bị ném mình vào một thời điểm và không gian sẽ tồn tại như một phần của lịch sử”, Frain đã đã kết thúc bức thư của anh gửi cho Valdez.  “Có một mối ràng buộc không thể nào diễn tả bằng từ ngữ sẽ mãi mãi nối kết chúng ta”.  Nỗi đau đớn của các bệnh tật này thì quá nhiều để nhận lãnh, Frain đã tự tử trong năm 1993.
Cả hai Bobby Frain và Bobby Schlager đều đã được chôn tại Nghĩa Trang Quốc Gia Willamette tại Richland, Washington.

Tương tự, bất kỳ khi nào tên của “Silent” Phil Babel được nêu lên tại cuộc họp mặt, nó luôn luôn được nói trong giọng điệu nín lặng.  Không lâu sau cuộc di tản, các đồng sự Thủy Quân Lục Chiến của anh đã mất tiếp xục với Babel, và để trả lời các sự tra hỏi của họ, anh ta nói rõ ràng anh đã không muốn dính dáng gì với họ.  Sau khi hay biết được sự từ trần của Frain, Valdez đã thực hiện một nỗ lực phối hợp để vươn tới Babel bằng cách du hành đến nhà anh ta ngoại ô San Antonio.  Babel đã từ chối gặp anh, và Valdez đã bị xua đuổi ra khỏi cổng trước bởi bà vợ của Babel.

Mặt khác, tên của Duane Gevers, chỉ mang lại các nụ cười mỉm và tiếng cười lớn.  Sau khi Gevers rời khỏi Thủy Quân Lục Chiến trong năm 1977, anh dường như đã biến mất khỏi mặt đất cho mãi đến trong thập niên 1980, các cựu đồng sự PVANTQLC bắt đầu nhận được các cú điện thoại từ anh nài nỉ họ gia nhập cùng với anh ta tại Saudi Arabia, nơi Vua Chợ Đen [Black Market King, biệt hiệu của Gevers, chú của người dịch] đã đạt được một hợp đồng từ một ông hoàng Saudi nổi tiếng để cung cấp an ninh.  Ngày nay, Gevers vẫn còn đang đảm trách và vận tải hàng hóa như một người lái xe tải đường dài.

Không ít các PVANTQLC ở Sàigòn tiếp nối sự phục vụ trong Thủy Quân Lục chiến của họ bằng các chức nghiệp trong sự chấp hành luật pháp.  “Big” John Ghilain, người đã rời khỏi Sàigòn trên chiếc trực thăng thứ nhì ngay trước chiếc sau cùng, đã giải ngũ trong năm 1977 và gia nhập Phòng Cảnh Sát Medford, Massachusetts, nơi anh ta vẫn còn đang phục vụ với tư cách sĩ quan tuần cảnh cũng như một thành viên của Đội Phòng Vệ Danh Dự của Phòng này.  Ghilain cũng là phó chủ tịch của Hiệp Hội The Fall of Saigon Association và vẫn còn tích cực trong công việc cấp phát học bổng dành cho sự tưởng nhớ McMahon và Judge.

Dave Norman đã ròi khỏi Binh Chủng trong năm 1976 để tìm kiếm một cấp bằng đại học, và khi là một sinh viên, anh đã được tuyển dụng bởi Văn Phòng Cảnh Sát Trưởng Quận Greene County (tiểu bang Ohio), làm việc trong các công tác chìm chống nha phiến.  Ba năm sau, anh được tuyển làm một sĩ quan toàn thời gian bởi phòng cảnh sát Piqua, Ohio, và bốn năm sau được thuyên chuyển đến Văn Phòng Cảnh Sát Trưởng Quận Miami, cũng thuộc tiểu bang Ohio.  Anh đã đỗ bằng cao học ngành tư pháp hình sự và vẫn còn là một thám tử của Quận Miami.

Steve Bauer đã đi một vòng quanh co hơn đến phù hiệu thi hành luật pháp của anh.  Anh đã phục vụ trong hai mươi năm trong Binh Chủng, theo sau sự bố trí toán PVANTQLC Sàigòn với các nhiệm sở tại San Diego, Alaska, Okinawa, và Coronado, California, trong các chức vụ thay đổi như trung sĩ trung đội bộ binh, giảng viên huấn luyện, liên lạc Thủy Quân Lục Chiến với Lục Quân Hoa Kỳ, và Hà Sĩ Quan Phụ Trách [NCOIC: Non-Commisioned In Charge, chú của người dịch] của một Đơn Vị Thám Thính Thủy Bộ.  Anh được tuyển cho lên chuẩn úy và trong Chiến Dịch Trận Bão Sa Mạc đã phục vụ với tư cách sĩ quan [vũ khí] hóa chất, sinh học, hạt nhân của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Thứ Nhất.  Theo sau Chiến Dịch Trận Bão Sa Mạc, anh đã quay trở lại Trại Camp Pendleton với tư cách viên chức chấp hành của một công ty giảng huấn và đã hồi hưu trong năm 1992.  Trong khi phục vụ, Bauer đã lấy một nữ thủy thủ Hải Quân, và khi cô vợ được chuyển về Newport, Rhoda Island, anh đã di chuyển sang miền đông và bắt đầu đi học trường luật.  Nhưng khi vợ anh lại được thuyên chuyển một lần nữa, về Pensacola, Florida, anh đã bỏ trường luật và đã khởi sự một chức nghiệp thứ nhì với Phòng Cảnh Sát Pensacola, nơi anh vẫn còn phục vụ với tư cách một trung sĩ tuần cảnh.

Terry Bennington, kẻ có mặt trong cuộc tái ngộ, đã chuyển từ Sàigòn sang một nhiệm sở Phòng Vệ An Ninh Thủy Quân Lục Chiến tại Vienna, Áo Quốc.  Anh đã là một trong các PVANTQLC đang công tác trong năm kế tiếp khi Tổng Thống Ford bị trượt té nổi tiếng xuống từ thang máy bay trong cuộc thăm viếng nước Áo của ông.  Khi Tổng Thống Ford hay biết rằng Bennington đã là một trong các Thủy Quân Lục Chiến sau cùng rời khỏi Sàigòn, tổng thống đã mời viên hạ sĩ quan gặp ông một cách riêng tư trong một cuộc đàm thoại ba mươi phút trong đó Bennington “đã cám ớn ông đã lấy chúng tôi ra khỏi đó”.  Sau đó trong buổi tối, Betty Ford [vợ Tổng Thống Ford, chú của người dịch] đã điện thoại cho anh lấy địa chỉ bố mẹ anh để bà có thể gửi cho họ một bức ảnh chụp của anh với ông Ford.

Bennington đã hồi hưu khỏi Binh Chủng với cấp bực thượng sĩ (sergeant major) trong năm 1995, sau khi đã phục vụ hai mươi bốn năm.  Anh đã trở thành một huấn luyện viên Lính Trừ Bị Junior ROTC tại Quận Henrico, tiểu bang Virginia, và bốn năm sau đó đã bắt đầu làm việc cho chính quyền liên bang tại Quantico với tư cách một phân tích viên các sự giả cách (simulations).  Bennington hiện là phó giám đốc Ban Huấn Luyện Các Sự Giả Cách, Huấn Luyện và Giáo Dục Chỉ Huy, nhằm phát triển các phương pháp để cứu sinh mạng của nhân viên Mỹ đang phục vụ tại A Phú Hãn và Irap, nơi con trai của anh đã phục vụ hai lần với tư cách một Thủy Quân Lục Chiến.

Steve Schuller đã đóng góp hai mươi năm (và hai mươi bốn ngày) cho quân vụ và về hưu từ Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến vào năm 1991 với cấp bậc trung sĩ xạ thủ (gunnery sergeant) – nhưng không phải trước khi thực hiện được giấc mơ của anh và được điều động sang Okinawa với tư cách một “bộ binh siêu tuyệt” (super grunt) của tổ Trinh Sát Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Thứ Ba.  Anh có nói mình “đã trải qua các năm tốt nhất của cuộc đời” khi sống ở bụi cây “phục kích” các đại đội đi bộ Thủy Quân Lục Chiến thay nhau luân phiên đi xuyên qua rừng của Okinawa, nhưng cảnh huống gần nhất với chiến đấu là việc huấn luyện với đạn thật cùng Các Thủy Quân Lục Chiến Đại Hàn Dân Quốc.  Nằm giữa nhiệm vụ Trinh Sát là sự bố trí PVANTQLC cuối cùng hậu Sàigòn sang New Delhi, Ấn Độ, và sau này thi hành vài công tác trong nước, từ giảng viên huấn luyện trên Đảo Parris đến viên chức tuyển mộ tại cả tiểu bang quê quán của anh ở Connecticut lẫn ở tổng hành dinh Thủy Quân Lục Chiến tại Hoa Thịnh Đốn.

Như một người dân sự, Schuller đã khởi lập một công ty xây dựng tu bổ nhà cửa và trong năm 2001, gần ba mươi năm ngày sau khi anh rời nông trại của mẹ anh để bắt đầu cuộc phiêu lưu trong Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến, anh đã quay trở về mảnh đất tại vùng tây bắc Connecticut nơi mà anh cùng người vợ di chuyển vào ngôi nhà mà họ xây dựng đối diện với cánh đồng của trang trại thuộc gia đình anh, chỗ họ vẫn đang sinh sống.

Mike Sullivan tiếp tục ở lại trong Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến và hồi hưu trong Tháng Một 1988 sau khi phục vụ trong hai mươi mốt năm.  Anh đã quay lại trường đại học và đỗ bằng cao học về hành chính công quyền cùng lúc khi anh đang làm việc tại Đại Học National University với tư cách cố vấn tài chính cho các sinh viên.  Sau khi nhận được văn bằng, Sullivan đã làm việc cho hệ thống tòa án thuộc Quận Orange County, California, ở cả các ban hình sự lẫn khiếu nại nhỏ nhặt.  Anh đã rời công việc trong năm 1993 để trở thành người chăm sóc toàn thời gian cho đứa con trai, Sean, bị mắc chúng loạn dưỡng bắp thịt (muscular dystrophy).  Anh đã làm công việc này cho đến Tháng Mười Hai, 2009, khi Sean bị mất.  Theo Sullivan, “Kể từ đó vợ tôi và tôi vẫn còn đang cố gắng để bám giữ lấy cuộc sống không có cháu Sean”.

Tiếp theo sau cuộc di tản của Sàigòn, Jim Kean ở lại trong Binh Chủng trong tám năm nữa, hồi hưu với cấp bậc trung tá trong năm 1983 sau hơn hai mươi ba năm quân vụ.  Anh đã sử dụng sự lưu loát Hoa ngữ và kinh nghiệm của anh tại Đông Nam Á để thành lập ra Yankee Traders, một công ty xuất-nhập cảng các sản phẩm Á Châu, và đã đánh cuộc sự thành công của sự kinh doanh đó vào việc mua lại một công ty khác, Pacific Grinding Wheel, tại Marysville, tiểu bang Washington.  Trong năm 1998, anh đã về hưu khỏi công việc dân sự và, với tất cả năm đứa con đã trưởng thành của họ và đều đã tự lập, anh và Rosanne đã dọn đến Cummaquid, Massachusetts, nơi anh ta dự định viết quyển tự truyện của mình.  Sinh hoạt hàng ngày của anh bao gồm các vòng bơi buổi sáng tại một hồ tắm địa phương, và vào ngày 5 Tháng Năm, 2008, khi ra khỏi hồ tắm, anh bị cơn đau tim gây chết người.  Anh được chôn cất tại Nghĩa Trang Quốc Gia Massachusetts ở Bourne.

Được nhớ nhung da diết tại cuộc tái ngộ 2010 là Trung Sĩ Juan Valdez.  Ở tuổi bẩy mươi hai, bộ râu mép dầy, rậm rạp của “Frito Bandito” giờ đây đã hoàn toàn ngả bạc nhưng cách nào khác, anh vẫn còn trong tình trạng sẵn sàng chiến đâu.  Valdez, kẻ điều khiển với tư cách chủ tịch Hội The Fall of Saigon Association từ ngôi nhà của anh tại Miền Nam California, đã dự định tham dự biến cố cuối tuần sau khi ngừng chân ngắn ngủi tại thành phố quê quán của anh ở San Antonio, Texas.  Nhưng anh đã ngã bệnh vì cảm cúm trên chuyến xe hỏa chở anh sang miền đông và đã miễn cưỡng quay trở về California.  Anh đã hoàn toàn hồi phục.

Viên Trung Sĩ Thượng Đẳng đã trải qua ba mươi năm trong Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến yêu dấu của anh, kể cả các nhiệm vụ PVANTQLC tại Vienna và Brusseks.  Anh cũng đã phục vụ như một Quân Cảnh (MP) lưu thông bằng xe gắn máy tại Hawaii, và trong một công tác biệt trú tại Trại Pendleton trong Tháng Sáu 1985 anh đã được thăng lên cấp bậc cao nhất dành cho quân nhân đăng lính của Binh Chủng, chánh trung sĩ pháo thủ (master gunnery sergeant).  Anh đã hoàn tất chức nghiệp quân sự hiện dịch tại Trại Camp Pendleton trong Tháng Sáu 1985 và đã chọn vùng sát phía bắc của San Diego làm nơi ở.  Trong mười hai năm sau ngày hồi hưu, Valdez đã làm phụ tá quản lý nhà ở của Cơ Quan Gia Cư Cho Các Gia Đình Trong Trại của Trại cho đến khi hồi hưu sau cùng khỏi công việc dân sự trong năm 1997.

Là một người học hỏi thâm niên về bất kỳ và mọi điều kích thích anh ta, trong suốt chức nghiệp lâu dài của mình, Valdez đã đỗ các bằng cao đẳng về lịch sử nghệ thuật và quản trị và giám sát tư pháp hình sự, địa ốc, và quản trị khách hàng.  Anh đang tiếp tục theo học các Trường Cảo Đẳng Cộng Đồng tại Palomar và MiraCosta, với các dự định chuyển tiếp lên Đại Học Uinersity of California tại San Marcos “trong tương lai gần”.

Sau bữa ăn tối tại Quán Tun Tavern vào đêm ngày 1 Tháng Năm 2010, một số các bạn chưa sẵn sàng về nhà.  Khoảng một tá đã lang thang đến Command Post (Quán Đồn Chỉ Huy), một quán rượu được ưa thích tại căn cứ Quantico, nơi các chiếc bàn được lại lại sát nhau để mọi người có thể ngồi và nói chuyện.  Các tấm ảnh mới được chụp và các ảnh cũ được chuyền quanh, các ký ức được chia sẻ và tranh luận, các ly rượu được gọi (và tái gọi).  Đã có đầy tiếng cười khi các người nhắc lại sự tô điểm việc chiến đấu từ lâu của họ [?, đoạn này viết khó hiểu, sai văn phạm và không rõ nghĩa, chú của người dịch] được phóng đại cho nhau về một biến cố định hình đời sống của họ ba mươi lăm năm trước đây.

Đến lúc kết thúc cuộc họp mặt ngẫu nhiên này, thái độ đột nhiên trở nên buồn rũ khi John Ghilain và Dwiight McDonald, ngồi ở đầu dẫy bàn nối dài, bày tỏ sự hối tiếc rằng tióan biệt phái PVANTQLC Sàigòn đã để lại hai người khi họ rời khỏi thành phố.  “Cho đên ngày hôm nay, tôi vẫn mong muốn rằng chúng ta đã mang được các Thủy Quân Lục Chiến đó về nước với chúng ta”, McDonald thì thầm, và các chiếc đầu quanh bàn đã gật gù một cách im lặng.

Sau đó không còn gì để nói.  Đã đến lúc quay về nhà , và để cho các cựu Thủy Quân Lục chiến này tiếp tục đời sống của họ./-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét