Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC TRÊN BIỂN Ở CHÂU Á


http://www.project-syndicate.org/commentary/asian-nationalism-at-sea-by-joseph-s--nye

Tác giả: Joseph S. Nye
Người dịch: Huỳnh Phan

03-09-2012
Joseph S. Nye, cựu trợ lý Bộ trưởng quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, là Giáo sư Đại học tại trường Đại học Harvard và là một học giả hàng đầu thế giới …
CAMBRIDGE – Chiến tranh sẽ nổ ra ở các vùng biển Đông Á chăng? Sau khi các nhóm dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc và Nhật Bản tranh đua tổ chức đổ bộ lên các khối đất đá cằn cỗi mà Trung Quốc nói đến như là quần đảo Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là quần đảo Senkaku (Tiêm Các), những người biểu tình giận dữ ở thành phố Thành Đô phía tây nam Trung Quốc hô vang, “Chúng ta phải giết sạch bọn Nhật”.
Tương tự như vậy, một cuộc giằng co giữa các tàu Trung Quốc và Philippines trên bãi cạn Scarborough ở biển Đông đã dẫn đến các cuộc biểu tình ở Manila. Và bước tiến trong hợp tác hoạch định từ lâu giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã bị trúng ngư lôi khi Tổng thống Hàn Quốc đến thăm hòn đảo cằn cỗi mà Hàn Quốc gọi là Dokdo (Độc đảo), Nhật Bản gọi là Takeshima (Trúc đảo), và Hoa Kỳ gọi Liancourt Rocks.
Ta không nên quá hoang mang. Mỹ đã tuyên bố rằng quần đảo Senkaku (do quận Okinawa cai quản khi nó được giao lại Nhật Bản vào năm 1972) nằm trong vòng bảo vệ theo hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Trong khi đó, bế tắc trên bãi cạn Scarborough đã dịu lại, và dù Nhật Bản triệu đại sứ ở Hàn Quốc về qua sự cố Dokdo, không chắc hai nước sẽ đi đến đánh nhau.


Nhưng cũng rất nên nhắc lại rằng Trung Quốc đã sử dụng vũ lực gây chết người để đẩy Việt Nam khỏi quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và [ở Trường Sa] năm 1988. Và Trung Quốc đã khuyến dụ Campuchia, nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay chặn thông cáo chung cuối cùng lại do có kêu gọi bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông – lần đầu tiên trong lịch sử 40 năm của hiệp hội gồm 10 thành viên này không đưa ra được bản thông cáo chung.
Sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Đông Á là đáng lo ngại và có thể hiểu được. Ở châu Âu, dù Hy Lạp có thể phàn nàn về các điều kiện ủng hộ Đức đề ra đối với việc tài trợ khẩn cấp, giai đoạn kể từ chiến tranh thế giới thứ II đã chứng kiến một bước tiến lớn lao trong việc đan kết các nước lại với nhau. Không có điều tương tự xảy ra ở châu Á, và các mắc mứu xuất hiện vào thập niên 1930 và 1940 vẫn còn nguyên, một vấn đề đã bị sách giáo khoa và các chính sách thiên lệch của chính phủ làm trầm trọng thêm.
Đảng Cộng sản Trung Quốc không còn thật là cộng sản nữa. Thay vào đó, cơ sở tính hợp pháp của đảng dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và chủ nghĩa dân tộc đại Hán. Những ký ức về cuộc chiến tranh Trung-Nhật 1894-1895 và sự xâm lược của Nhật Bản trong thập niên 1930 là hữu ích về mặt chính trị và nằm khớp trong một chủ đề lớn hơn về việc Trung Quốc bị các lực lượng đế quốc hiếp đáp.
Một số nhà phân tích quốc phòng Mỹ xem chiến lược biển của Trung Quốc là hung hăng rõ rệt. Họ trỏ vào chi tiêu quốc phòng tăng lên và việc phát triển công nghệ tên lửa và tàu ngầm được thiết kế làm rào cản trên biển kéo dài từ bờ biển của Trung Quốc đến “chuỗi đảo đầu tiên” trong đó có Đài Loan và Nhật Bản.
Tuy nhiên, những người khác lại nhìn thấy một chiến lược của Trung Quốc đang bối rối, mâu thuẫn, và bị tê liệt bởi các lợi ích quan liêu cạnh tranh nhau. Họ chỉ vào những kết quả tiêu cực của các chính sách quyết đoán nhiều hơn của Trung Quốc kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Quả thật, các chính sách của Trung Quốc đã phá hỏng các mối quan hệ của họ với hầu hết các nước láng giềng.
Xem sự cố Senkaku hồi năm 2010, sau khi Nhật Bản bắt giữ các thủy thủ của một tàu đánh cá Trung Quốc đã đâm vào một tàu tuần duyên Nhật Bản, Trung Quốc leo thang trả thù về kinh tế. Kết quả, như một trong những nhà phân tích Nhật Bản nêu, là “Trung Quốc ghi được một bàn”, đảo ngược tức thì những gì đang là một xu hướng thuận lợi thuộc Đảng Dân chủ cầm quyền Nhật Bản trong quan hệ song phương. Tổng quát hơn, trong khi Trung Quốc chi hàng tỉ nhân dân tệ trong các nỗ lực để tăng sức mạnh mềm tại châu Á, hành vi của họ ở biển Đông lại mâu thuẫn với thông điệp của chính họ đưa ra.
Tôi đã hỏi bạn bè và các quan chức Trung Quốc tại sao Trung Quốc lại theo đuổi một chiến lược phản tác dụng như thế. Câu trả lời đầu tiên và chính thức là Trung Quốc thừa kế yêu sách lãnh thổ từ lịch sử, bao gồm một bản đồ từ thời kỳ Quốc Dân đảng, bản đồ đó phác hoạ một “đường chín đoạn” hầu như bao trọn hết biển Đông. Ngày nay, với công nghệ dưới nước cũng như các nguồn lợi thủy sản có thể khai thác được nhiều hơn trong khu vực, khó có thể từ bỏ di sản này. Trong năm 2009-2010, một số cán bộ cấp trung và các nhà bình luận thậm chí còn nói tới biển Đông như là một “lợi ích cốt lõi” chủ quyền, giống như Đài Loan hay Tây Tạng.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ rõ ràng về vị trí chính xác của “đường chín đoạn”, về việc liệu các yêu sách của họ chỉ nói tới một số vùng đất, đảo, đá (land features) hay cũng nói tới thềm lục địa mở rộng và biển. Khi được hỏi tại sao họ không làm rõ yêu sách của mình, người đối thoại Trung Quốc đôi khi nói rằng nếu làm như vậy sẽ đòi hỏi nhiều thỏa hiệp chính trị khó khăn và quan liêu, các thoả hiệp này sẽ kích động chủ nghĩa dân tộc trong nước.
Ngoài ra, đôi khi họ nói rằng họ không muốn bỏ đi một con bài mặc cả quá sớm. Vào năm 1995, và một lần nữa vào năm 2010, Mỹ tuyên bố rằng vùng biển trên biển Đông phải được cai quản bằng Công ước LHQ 1982 về Luật Biển (trớ trêu là Hoa Kỳ chưa phê chuẩn công ước này), nhưng Hoa Kỳ sẽ không đứng về phe nào đối với các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Thay vào đó, Mỹ kêu gọi các tuyên bố tranh chấp nên giải quyết thông qua thương lượng.
Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý về một bộ quy tắc ứng xử không ràng buộc về mặt pháp lý để quản lý các tranh chấp như thế, nhưng với tư cách là một cường quốc lớn, Trung Quốc tin rằng họ sẽ được lợi trong các thương lượng song phương hơn là thỏa thuận đa phương với các nước nhỏ. Đằng sau sức ép của của Trung Quốc lên Campuchia để ngăn chặn thông cáo cuối cùng của ASEAN lại trong mùa hè này chính là niềm tin đó.
Nhưng đây là một chiến lược sai lầm. Là một cường quốc lớn nên Trung Quốc sẽ có trọng lượng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và họ có thể làm giảm thiệt hại do tự họ gây ra qua việc đồng ý với một bộ quy tắc ứng xử.
Đối với quần đảo Tiêm Các/ Điếu Ngư, đề nghị tốt nhất đến từ báo The Economist. Trung Quốc nên ngưng phái các tàu của chính phủ đi vào vùng biển Nhật Bản, và sử dụng một đường dây nóng với Nhật Bản để kềm chế khủng hoảng do các “cao bồi” dân tộc chủ nghĩa gây ra. Đồng thời, hai nước cần phục hồi thỏa thuận khung năm 2008 về hợp tác phát triển các mỏ khí tranh chấp ở biển Hoa Đông, còn chính quyền trung ương Nhật Bản nên mua những đảo cằn cỗi này từ chủ sở hữu tư nhân và tuyên bố chúng là khu bảo tồn biển quốc tế.
Đã tới lúc tất cả các nước ở Đông Á ghi nhớ lời khuyên nổi tiếng của Winston Churchill: “Đánh nhau bằng mồm luôn tốt hơn là đánh nhau bằng vũ khí” (Thương thảo thì luôn tốt hơn là đánh nhau).
Nguồn: Project Syndicate

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét