Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

THỰC TẾ CỦA THỊ TRƯỜNG


http://www.econlib.org/library/Columns/y2005/Robertsmarkets.html

http://www.invisibleheart.com/archives.php

13/09/2012

Russell Roberts*, Econlib.org
Nguồn: Thư viện Kinh Tế và Tự Do

Bạn đang ngồi trong nhà đọc sách trong một ngày hè, ngoài trời nóng bức, bỗng dưng bạn cảm thấy lạnh. Chiếc máy lạnh trong nhà bạn đang rồ lên chạy ào ào. Bạn đứng dậy và kiểm tra cái điều nhiệt kế, và quả nhiên những điều bạn nghi ngờ đã được kiểm chứng-ai đó trong nhà đã tăng độ lạnh của chiếc máy điều hòa nhiệt độ. Bạn chỉnh lại nhiệt độ trên điều nhiệt kế đúng theo ý bạn và trở lại phòng đọc sách.
Hay là giả sử rằng bạn phải đi ra ngoài làm vài công việc lặt vặt nào đó. Khi mở cửa ra đường, bạn thấy trời đang mưa. Chẳng có nút vặn nào để “tắt” mưa cả. Bạn quay vào nhà lấy áo mưa hoặc chiếc dù để che mưa trước khi bước ra ngoài.
Ta có thể chia ra một cách dễ dàng những điều ta trải nghiệm trong thế giới này thành hai loại hiện tượng–một loại là những điều như nhiệt độ trong nhà của ta; sự tăng, giảm nhiệt độ là kết quả của hành vi và ý định của con người, và một loại, như là mưa ngoài trời, không phải là hành vi và ý định cuả con người
Nhưng cũng còn một loại kinh nghiệm thứ ba nữa–những hiện tượng xảy ra là vì hành vi của con người nhưng lại không phải do ý định của con người.
Ngôn ngữ là một thí dụ của hiện tượng này. Chẳng có ai chế tạo hay kiểm soát tiếng Anh cả. Cũng có một số chuyên gia tự cho mình nhiệm vụ kiểm tra và ảnh hưởng đến sự tiến hóa của Anh ngữ, nhưng thực ra cũng chẳng làm được gì nhiều, cũng giống như chính phủ Pháp đã cố bắt dân Pháp đừng dùng từ “le weekend” để chỉ hai ngày nghỉ cuối tuần nữa, mà thay vào đó là cụm từ dược chính quyền phê chuẩn là “fin de semaine” (cuối tuần lễ).



Ai chế tạo ra động từ “google,” hay những danh từ như “cyberspace,” hay “blog”? Nhưng quan trọng hơn, ai là người quyết định rằng những từ này có thể được sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày mà không cần phải giải thích? Chẳng có ai cả! Bởi vì chẳng có ai kiểm soát ngôn ngữ, ta có thể nghĩ rằng ngôn ngữ sẽ trở nên lộn xộn và hỗn độn. Thế nhưng từ ngữ đâu có rơi tự nhiên như những hạt mưa. Những từ nào tồn tại và những từ nào bị loại bỏ, những từ nào làm cho tâm trí ta thích thú và những từ nào bị rơi vào quên lãng, không phải là một hiện tượng bất kỳ. Những chọn lựa của con người khiến những từ này (chứ không phải từ khác) trở thành một phần của Anh ngữ, bởi vì những từ ngữ này hữu dụng. Nhưng không có ai là vị quan tòa có quyền quyết định, mà có thể nói rằng, tất cả chúng ta đã góp phần vào việc quyết định. Nhưng ta cũng không thể dùng từ “chúng ta” hiểu theo nghĩa là có một quyết định tập thể. Chẳng có quyết định tập thể gì hết, mà thực ra chỉ là kết quả của một số khá đông người dùng một từ nào đó, rồi từ đó truyền đi mà thôi. Ngôn ngữ xuất phát từ một sự tương tác phức tạp giữa những người cùng nói, đọc và viết ngôn ngữ đó.
Trớ trêu thay, ta lại không có một từ nào để diễn tả cái hiện tượng lạ lùng này của ảnh hưởng tập thể. Tập thể những người dùng Anh ngữ đâu có bầu cho ai, hay ủy nhiệm quyền hành cho những chuyên viên ngữ học nào để làm công việc tuyển chọn từ ngữ đâu. Chính những người dùng tiếng Anh “quyết định” chữ nào sống và chữ nào chết nhưng từ “quyết định” ở đây cũng không có nghĩa là một hành vi có ý thức. Không có cái gọi là ý thức của tập thể.
Thì giờ đi làm hàng ngày tại các thành phố lớn của Mỹ là một thí dụ khác. Tại sao lại mất nhiều thì giờ hơn để di chuyển trong những giờ cao điểm (buổi sáng đi làm, buổi chiều tan sở)? Kẹt xe là lỗi của ai đây? Chẳng phải lỗi của ai cả. Nhưng nó cũng không phải là một hiện tượng bất kỳ, ngẫu nhiên, hay một hiện tượng thiên nhiên. Sự lưu thông của xe cộ là kết quả của hành vi của con người nhưng không phải là kết quả từ ý định của con người. Thì giờ di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác là kết quả của sự tương tác phức tạp tạo nên bởi quyết định của những người lái xe. Nó có tính khả tri (và ta có thể đoán trước được là giờ nào sẽ bị kẹt xe), dù rằng chẳng có ai “muốn” nó xảy ra như vậy. Lưu thông bị chậm trong giờ cao điểm hơn là vào lúc giữa trưa. Lưu thông tại thành phố lớn bị kẹt nhiều hơn so với tại thành phố nhỏ.
Điều này không có nghĩa là không có cách gì để tác động đến thì giờ đi làm hàng ngày hay các hiện tượng “xuất lộ” xảy ra.[1] Kẹt xe không giống như trời mưa. Nhưng những phương cách hiển nhiên nhất, đại loại như vặn nút để tắt máy lạnh, không vận hành theo cách người ta tiên liệu [để đối phó với kẹt xe]. Mở rộng đường cao tốc, tăng cường thêm các phương tiện di chuyển công cộng chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn và đều thất bại trong việc làm giảm giờ kẹt xe. Những “giải pháp” này có khuynh hướng xem kết quả của một tiến trình”xuất lộ” như thể là nhiệt độ trên chiếc điều nhiệt kế. Những biện pháp như vậy chắc chắn thất bại.
Chúng ta ai cũng dễ dàng chấp nhận khái niệm là không có một cá nhân nào quyết định được là đi từ đây đến kia sẽ mất bao nhiêu thì giờ trong giờ cao điểm tại một thành phố lớn tại Mỹ. Cũng như chẳng có ai lý luận là khi tôi lái xe đi làm mất thêm nửa giờ đồng hồ nữa là tại tôi muốn như thế. Ngay cả khi tôi ngồi trước tay lái và chính tôi lái chiếc xe, chúng ta đều hiểu rằng tôi hoàn toàn không có ý định là chuyến đi của tôi sẽ mất thêm nửa tiếng nữa. Ta hiểu rằng nửa tiếng đồng hồ ta mất thêm khi lái xe đi làm là kết quả của những lựa chọn có tính cách cá nhân của tất cả những người lái xe. Ta cũng hiểu rằng cái ý tưởng cho là “chúng ta,” gồm tất cả những người lái xe cộng lại, có một ý định tập thể là sẽ lái xe chậm hơn trong giờ cao điểm, là một ý tưởng ngớ ngẩn. Chẳng có một ý định cá nhân nào cả, và chuyện lái xe bị chậm hơn trong giờ cao điểm cũng chẳng phải là kết quả của một ý định tập thể nào hết. Khái niệm cho rằng có một ý định tập thể là một khái niệm chẳng có nghĩa lý gì cả.
Tương tự như vậy, nếu bạn dọn nhà từ St. Louis đến Washington D.C,[2] như tôi dọn nhà hai năm trước đây, bạn sẽ thấy giá một căn nhà ở D.C mắc hơn một căn nhà tương đương ở St. Louis nhiều. Khi tôi mua nhà ở D.C, tôi chẳng bực tức gì người bán nhà tính cho tôi một cái giá cao như thế. Tôi cũng chẳng trách anh ta về sự sai biệt giá cả giữa cái nhà của anh ta với căn nhà tương đương ở St. Louis. Tôi cũng không nổi giận khi anh ta ra giá căn nhà mắc hơn tới mười lần giá tiền mua căn nhà này, lúc còn mới vào năm 1969. Hầu như ai cũng hiểu rằng giá của một căn nhà chẳng phải được thực sự ấn định bởi người bán, hay bởi bất kỳ ai, hay bởi một ý định tập thể nào hết. Chẳng có ai có chủ định là giá nhà cửa tại vùng D.C sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm như đã xảy ra trong thời gian 5 năm vừa qua.
Khoa Kinh tế học là một khoa học nghiên cứu về các hiện tượng “xuất lộ,” đặc biệt là khi có giá cả (tính bằng tiền hay không tính bằng tiền) liên quan. Ta gọi những hiện tượng xuất lộ này là “thị trường.” Đây thiệt là một cái từ không thích hợp, nhưng cũng là một điều tôi chẳng có quyền nói gì hết. Đó là một từ đã được người ta sử dụng từ hơn một thế kỷ và chắc rằng sẽ còn tồn tại lâu dài. Nhưng tôi nói không thích hợp là bởi vì trong đầu óc quần chúng, từ ngữ thị trường dẫn ta đến hình ảnh của Thị trường Chứng khoán New York, hay một cái chợ làng, tức là một môi trường được tổ chức và trong đó các hoạt động giữa người mua, kẻ bán được tập trung cao độ. Phần lớn những gì chúng ta học trong khoa Kinh tế học gọi thị trường là các hoạt động tương tác phi-tổ chức và phi-tập trung giữa người mua và kẻ bán.[3]
Thế nhưng, kết quả của những hoạt động tương tác phi-tổ chức, phi-tập trung này lại là giá cả, dù đó là giá cả tính bằng tiền như giá căn nhà, hay không tính bằng tiền như trong trường hợp lưu thông. Giá cả có một trật tự của nó dù rằng không do một cá nhân hay nhóm người nào tổ chức. Cái trật tự này cùng vói tính khả tri của giá cả xảy ra hàng ngày trong đời sống của chúng ta mà ít khi chúng ta thông hiểu.
Hãy lấy một thí dụ rất quan trọng, sự trật tự của giá cả và kết quả của tình trạng thặng dư nguyên liệu cho phép kiến thức được phổ biến rộng rãi qua sự chuyên môn hóa. Những sự chuyên môn hóa này giúp ta duy trì tiêu chuẩn của đời sống. Mức độ chuyên môn hóa xảy ra song song với giá cả, nhưng chính giá cả khiến cho sự chuyên môn hóa xảy ra dễ dàng hơn. Một công ty làm bút chì chẳng hạn, chẳng bao giờ lo là sẽ thiếu bột than (để làm ruột bút chì), hay thiếu gỗ để làm thân bút, hay thiếu sơn màu vàng để sơn các cây bút chì. Điều này giúp cho hãng bút chì mua những nguyên, vật liệu này từ bên ngoài [chứ không cần phải tích trữ] và cũng không cần phải tích lũy những kiến thức cần thiết trong mọi công đoạn làm ra cây bút chì. Sự xuất hiện của giá cả kéo theo sự xuất hiện của một thế giới mà trong đó không có ai biết cách làm cây bút chì từ đầu tới cuối. Thế giới đó là một thế giới dễ chịu vì đó là một thế giới mà bút chì thì lúc nào cũng có sẵn ê hề và giá lại rẻ nữa.
Thấu hiểu được các hiện tượng xuất lộ mà các nhà kinh tế học gọi là thị trường tức là nắm được tinh túy của phương thức tư duy kinh tế. Ngược lại, đầu óc của chúng ta dường như lại quen với cách suy nghĩ được gọi là phương thức tư duy kiến tạo, tức là phương thức tư duy bao gồm cả hành vi và ý định của con người. Nếu tôi không hài lòng với cái bếp nhỏ bé của tôi, tôi sẽ thảo một phương án để nới rộng cái bếp này ra, rồi tôi thực hiện theo phương án này, và nếu đó là một phương án tốt, thì tôi sẽ có một cái bếp rộng rãi hơn. Kẻ nào mà chỉ ngồi ước có được cái bếp mới mà không có hành vi hay ý định gì cả, thì kẻ đó chỉ thất vọng mà thôi. Hoặc là nếu tôi thấy lá rụng ngoài sân, tôi không hy vọng là những chiếc lá đó sẽ tự nó dọn dẹp và quét vào một chỗ. Tôi phải có ý định quét lá, rồi thì thực sự làm cái công việc quét dọn đó. Vặn nút cái điều nhiệt kế để thay đổi nhiệt độ trong nhà tôi là một thí dụ tương tự.
Nhưng lối tư duy kiến tạo đó không giải quyết được các vấn đề của hiện tượng xuất lộ. Thay đổi những kết quả xuất lộ vốn phức tạp hơn nhiều so với việc xây một cái cầu hay nới rộng cái nhà bếp, hay ngay cả đưa người lên mặt trăng. Hiểu được những khó khăn liên quan tới các hiện tượng xuất lộ là bắt đầu tìm cách trả lời câu hỏi tại sao ta có thể đưa người lên mặt trăng được, nhưng lại không diệt được nạn nghèo đói trên trái đất. Đưa người lên mặt trăng là một vấn đề kỹ thuật thuộc về kiến tạo, và là kết quả của việc áp dụng suy luận và sử dụng tài nguyên. Còn giải quyết nạn nghèo đói là một vấn đề kinh tế (từ kinh tế tôi dùng ở đây không dính dáng gì đến tài chánh hay tiền bạc). Những thách thức của vấn đề kinh tế liên quan đến các hiện tượng xuất lộ. Trong bối cảnh đó, chỉ sử dụng tiền bạc mà thôi để giải quyết vấn đề theo lối tư duy phi-kinh tế và bỏ qua tác động của những khuyến lệ và thị trường, thì khó mà thành công được.
Thomas Sowell thường nói rằng thực tế là những gì ta không tùy ý lựa chọn được. Nhưng mà ta vẫn cứ muốn thế. Ta vẫn cứ muốn thay đổi kết quả-mà không chịu chấp nhận hậu quả-một cách dễ dàng như là điều chỉnh cái điều nhiệt kế trong nhà của ta. Ta vẫn muốn vặn lên một cái thì lợi tức được tăng lên, và vặn xuống một cái thì giá xăng được giảm xuống. Ta muốn trách hãng Wal-Mart là tại sao lại trả lương nhân viên của họ thấp hơn mức lương trung bình của toàn quốc. Ta muốn trách Tàu (hay Mễ, hay Nhật, hay Ấn độ) về số thâm thủng mậu dịch (nhập siêu) của chúng ta. Ta muốn chê trách hay ngợi khen người chủ nhân của Bạch Cung về việc [tạo ra] những công việc làm mới có mức lương cao hay thấp. Quan điểm phổ thông này bất chấp thực tế và bỏ qua sự phúc tạp cố hữu của thế giới thực, và trở thành chất liệu chính của nghề viết báo và trở thành mầm mống cho các hậu quả không định trước.
Hãy xét xem nhân viên bình thường của Wal-Mart, những người nhận mức lương thấp hơn mức trung bình của cả nước, và lại không có cả bảo hiểm sức khỏe. Nếu người bán nhà không định được mức giá nhà muốn bán là bao nhiêu, thì sao ta lại trách Wal-Mart là trả lương dưới mức trung bình cho nhân viên của họ hay không cho họ được hưởng bảo hiểm sức khỏe? Hình như ta thấy hiển nhiên là Wal-Mart ấn định mức lương đó chứ, nhưng cái “hình như” đó cũng ngây thơ như khi ta nghĩ rằng người chủ căn nhà định được giá bán cho căn nhà của họ.
Tiền lương của tôi, lấy làm thí dụ đi, cao hơn tiền lương nhân viên bậc trung của Wal-Mart. Điều này khiến bạn tưởng lầm rằng người chủ của tôi, Đại học George Mason, là người nhân hậu còn Wal-Mart là kẻ tham lam chỉ biết để ý đến lời lỗ.
Nhưng lý do thực sự khiến cho tôi kiếm được nhiều tiền hơn nhân viên Wal-Mart chẳng dính dáng gì đến lòng nhân hậu của George Mason hay sự tham lam của Wal-Mart cả. Lý do thực sự là tôi có nhiều chọn lựa khác ngoài Đại học George Mason hơn là những nhân viên Wal-Mart, cũng giống như giá cái nhà của tôi tùy vào giá của những cái nhà khác có cùng chất lượng. Nếu ta muốn tất cả những cửa hàng Wal-Mart trên thế giới trả lương cao hơn cho nhân viên của họ, thì những nhân viên có kỹ năng thấp phải học thêm những kỹ năng khác, những kỹ năng được trả lương cao hơn.
Khi tôi nêu lên điểm này, một sinh viên của tôi phản bác bằng câu hỏi là tại sao Wal-Mart lại có quyền bóc lột những nhân viên có kỹ năng thấp và không có được nhiều chọn lựa khác?
Tôi cũng muốn trả lời người sinh viên này bằng một câu hỏi tương tự–anh chàng bán nhà ở D.C có quyền gì để bóc lột những người dự định mua nhà bằng cái giá nhà cao hơn nhiều so với người mua ở St. Louis? Nhưng trả lời như thế sẽ khiến ta mất đi hai điểm quan trọng. Thứ nhất, Wal-Mart không bóc lột nhân công khi thuê mướn họ. Thực ra, điều ngược lại mới đúng. Bằng cách tạo ra một mô hình thương mại giúp cho những nhân viên kỹ năng thấp phục vụ số lượng khách hàng thèm khát các sản phẩm giá hạ, Wal-Mart thực ra đã gia tăng các sự chọn lựa khác cho những nhân viên này và nâng mức lương của họ cao hơn so với mức lương mà họ lẽ ra sẽ phải nhận nếu không có Wal-Mart.
Điểm thứ hai là nếu ta xem Wal-Mart là nguyên nhân tạo ra mức lương thấp, thì quan điểm này có thể đưa tới những chính sách tai hại như cấm không cho Wal-Mart mở một cửa tiệm mới trong thành phố của bạn. Khi Wal-Mart mở một cửa tiệm mới, người ta “hồ hởi” xếp hàng xin việc. Nếu thế thì làm sao mà ta lại cho rằng Wal-Mart làm giảm cơ hội tìm việc làm của những người này?
Thật là rủi thay khi những người có ý tốt lại thường tiếp tay cho những kẻ cạnh tranh với Wal-Mart vì quyền lợi riêng để cản trở sự phát triển của Wal-Mart hoặc của các hãng khác. Và cũng thật là thê thảm khi chỉ vì sự kém hiểu biết về kinh tế mà người ta đẩy đất nước đến bờ vực của khủng hoảng kinh tế.
Khi tôi viết những dòng này, New Orleans đang ở trong tình trạng hỗn độn. Một số những nhà máy lọc dầu bị bão Katrina quất sụm. Giá xăng đang tăng vọt. Các chính trị gia đang dọa các nhà cung cấp dầu bằng các luật lệ trừng phạt sự “làm giá,” tăng giá khi khan hiếm. Các chính trị gia từ Tổng thống Bush trở xuống đều kêu gọi mọi người “thắt lưng, buộc bụng,” hãy ít lái xe lại, và “chỉ lái xe khi nào cần thiết thôi.” Họ không biết rằng những lời kêu gọi này chẳng có nghĩa lý gì hết. Họ tưởng là hễ cứ năn nỉ hoặc giáo dục người dân thì cũng sẽ làm được cái điều mà giá cả sẽ làm trong việc thiết lập và ổn định trật tự, một trật tự trong đó tôi sẽ chẳng bao giờ phải suy đi nghĩ lại xem sẽ có xăng ở cây xăng đầu đường khi tôi đi nghỉ hè, hay khi lái xe đi làm, hay vì trường hợp khẩn cấp phải lái xe đến bệnh viện.
Nhưng thực tế là điều ta không lựa chọn được. Ta không thể cùng lúc có một sự giảm sút đột ngột số xăng cung ứng cho thị trường và giá xăng rẻ được. Không có nút vặn cho giá xăng. Kết quả của những biện pháp trừng phạt cũng dễ cho ta tiên liệu–các nhà cung cấp xăng dầu bắt đầu cung cấp theo “chế độ.” Những người lái xe đang lo lắng vì thiếu xăng và nay lại có quyền lo thêm [là sẽ khan hiếm xăng] vì những kẻ làm giá sẽ bị trừng phạt. Và kết quả là người ta xếp hàng dài tại vài thành phố để mua xăng, và các cây xăng đóng cửa sớm hơn thường lệ vì hết xăng. Đó cũng là những kết quả ta thấy khi có các biện pháp kiểm soát giá cả được thực thi trong những năm 1970.[4]
Friedrich A. Hayek, trong cuốn sách Sự Tự Đại Chết Người, đã viết rằng: “Cái nhiệm vụ kỳ lạ của kinh tế học là chứng minh cho người ta thấy là họ chẳng biết gì nhiều về cái mà họ tưởng tượng là sẽ thiết kế ra được.” Rủi thay, khi chính trị gia cố “vặn” giá dầu xuống để bảo tồn trật tự, họ lại làm cho tình thế trở nên tồi tệ hơn. Có thể ta sẽ hành xử khéo léo hơn nếu ta nhớ được bản chất xuất lộ của giá cả, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
* Russell Roberts là giáo sư Kinh tế học tại Đại học George Mason và là Biên tập viên Chuyên mục của Thư viện Kinh tế và Tự do. Tiểu luận này là một phần được trích ra từ cuốn sách do giáo sư Roberts đang viết về vai trò của các hiện tượng xuất lộ trong việc tạo nên tiêu chuẩn sinh sống của chúng ta.
Trích từ Học Viện Công Dân 2008
________________________________________
[1] Hiện tượng “xuất lộ,” tạm dịch từ “emergent phenomenon” là sự xuất hiện, nhô ra của một cấu trúc mới, hay mô hình mới từ sự tương tác của các phần tử trong một hệ thống phức tạp.
[2] Washington D.C (District of Columbia) là khu vực thủ đô của Hoa Kỳ, nằm giữa hai tiểu bang Virginia (phía tây nam), và Maryland (các hướng còn lại).
[3] Phi-tổ chức (non-organized): cá nhân tự do giao dịch với nhau theo bất cứ hình thức nào họ chọn. Phi-tập trung (decentralized): các giao dịch được phân tán ra giữa các cá nhân với nhau mà không cần có một đầu não điều hành.
[4] Tình trạng khan hiếm xăng trong thập niên 1970: 1973 do OPEC cấm vận không bán dầu cho Mỹ để phản đối việc Mỹ tái viện trợ cho Do Thái trong cuộc chiến giữa Do Thái và khối Ả rập, và năm 1979 khi Iran xảy ra khủng hoảng chính trị đưa đến việc giảm sản xuất dầu hỏa. Tại Mỹ, xăng khan hiếm đến độ chính quyền tại một vài tiểu bang như Texas, California và Pennsylvania phải ấn định là những xe nào có bảng số xe chẵn chỉ được đổ xăng trong ngày chẵn, và số lẻ trong những ngày lẻ. Tình trạng này chấm dứt vào tháng Giêng 1980.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét