Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012
TỬ THỦ TRÊN NÚI NỢ
Nguyễn-Xuân Nghĩa
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Cử Tri Trong Thế "Xin-Cho" Giữa Đầm Lầy Chính Trị
* Quốc hội Hoa Kỳ - hay con thuyền say sóng... nợ *
Qua một bài xã luận trên tờ Wall Street Journal ngày 17 tuần trước, năm giáo sư thuộc hạng danh dự về kinh tế vừa gióng hồi chuông báo động về tình trạng tài chánh nguy ngập của Hoa Kỳ. Trong số này, một vị có thể lãnh giải Nobel Kinh tế năm nay, xin chờ tháng tới!
Là chuyên gia đã phục vụ chính quyền liên bang của cả hai đảng, năm tác giả góp ý về lãnh vực chuyên môn của họ với câu nhập đề lạnh mình: "Vị Tổng trưởng Ngân khố sắp tới sẽ gặp vấn đề nguy ngập tới độ Alexander Hamilton cũng khó bảo vệ được niềm tin và khả năng trả nợ của Hoa Kỳ". Hãy tưởng tượng đến một lời báo động gần gũi hơn với chúng ta: "Nguy cơ ngoại xâm trầm trọng tới độ Hưng Đạo Vương cũng thấy khó!"
Alexander Hamilton là Tổng trưởng Ngân khố (Tài chánh) đầu tiên trong Nội các George Washington, có chủ trương can thiệp vào thị trường để tìm sự quân bình chứ không cổ xuý tự do kinh tế. Lý do báo động là vì từ bốn năm qua, ngân sách Hoa Kỳ bị thâm thủng liên tục với mức chưa từng thấy, mỗi năm hơn ngàn tỷ, nên chính quyền mới đi vay. Và chất lên đầu mỗi hộ gia đình một gánh nợ vô hình, trung bình là 55 ngàn Mỹ kim. Khi đã đi vay thì phải trả tiền lời, chi phí tài chánh ấy lại đắp thêm vào núi nợ và sẽ có ngày núi lở khi sau này lãi suất gia tăng....
Bài tiểu luận không lọt vào mắt của đa số vì những biến động tại Trung Đông.
Thị trường tài chánh thì còn hồ hởi với quyết định mới nhất từ Ủy ban Tiền tệ FOMC của Ngân hàng Trung ương hôm 13: Tiếp tục cứu nguy vô hạn định với hai biện pháp bất thường. Thứ nhất là nâng mức lưu hoạt có định lượng đợt ba ("quantitative easing 3" hay QE3), với mỗi tháng 40 tỷ đô la được bơm vào kinh tế - được in ra, ghi vào trương mục các ngân hàng. Thứ hai, tiếp tục "xoắn lãi suất" ("operation twist" hay bán ngắn mua dài): bán trái phiếu ngắn hạn và mua trái phiếu dài hạn để hạ lãi suất dài hạn và kích thích kinh tế mà khỏi in bạc.
Quý độc giả có nhức đầu về mấy chi tiết chuyên môn đó thì đừng buồn: đa số dân Mỹ cũng thế mà thôi! Chỉ cần biết là trong sự tê liệt chung của chính quyền, định chế độc lập là ngân hàng trung ương đã lại tung lưới cấp cứu. Mỗi tháng bơm thêm khoảng 80-85 tỷ Mỹ kim "cho đến khi tình hình nhân dụng sáng sủa hơn". Nôm na là cho đến khi thất nghiệp giảm.
Giảm đến cỡ nào thì vừa? Bao giờ sẽ đạt giấc mơ đó?
Lãnh đạo Hệ thống Dự trữ Liên bang là Chủ tịch Ben Bernanke khéo lách để khỏi đưa ra một con số. Dại gì mà tự đóng đinh? Nếu tò mò tìm hiểu – phải tò mò khi viết về chuyện kinh tế chính trị trên cột báo này, khổ thật! - thì qua một bài diễn văn của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Khu vực Minneapolis, ta suy ra tỷ lệ thất nghiệp "chấp nhận được" ở khoảng 5,5%.
Xin tính nhẩm: mỗi tháng kinh tế Hoa Kỳ phải tạo ra 125 ngàn việc làm cho lớp dân số đến tuổi bước vào thị trường lao động. Muốn hạ mức thất nghiệp hiện nay là 8,1% được cỡ một điểm (1%) thì mỗi tháng phải tạo thêm 250 ngàn công việc mới. Tức là kinh tế phải đạt tốc độ tăng trưởng 3% mỗi năm - một phép lạ so với sự èo uột hiện nay (dưới 2%). Mà phép lạ ấy phải kéo dài liên tục trong ba năm liền thì con tầu kinh tế mới cập bến thất nghiệp 5,5%.
Sự thật lại u ám hơn vậy. Từ hai tháng qua, cả triệu người nản chí ra khỏi lực lượng lao động. Họ chỉ lục tục quay lại nếu hy vọng tìm ra việc làm. Trong giả thuyết lạc quan là họ tìm ra việc, thì hàng năm kinh tế phải tạo thêm ba triệu việc mới - suốt năm năm liền. Tức là từ vụ suy trầm cuối cùng (Tháng 12 năm 2007 đến Tháng Bảy 2009), Hoa Kỳ sẽ ra khỏi niềm u uẩn hiện nay nếu kinh tế liên tục tăng trưởng trong chín năm liền. Trung bình, bảy năm là suy trầm một lần, bây giờ nếu được chín năm? Với chữ "nếu", ta có thể nhét Paris vào cái lọ!
Nhưng giấc mơ tăng trưởng đó là bất khả nếu ta nhớ lại núi nợ trên đầu và nhu cầu cắt giảm công chi mà ai cũng nói đến dù chẳng dám làm vì sợ thất cử.
Ở trên có nhắc đến kỳ vọng thất nghiệp 5,5% của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Minneapolis.
Ông ta là loại "diều hâu", thuật ngữ của ngân hàng trung ương về chủ trương triệt để canh chừng lạm phát. Vừa rồi, ông lại đồng ý với quyết định bơm tiền mà hết ngại lạm phát vì còn sợ điều nguy ngập hơn: nạn thất nghiệp. Ông ta đổi lông thoát xác thành "bồ câu", quan tâm đến nhân dụng hơn lạm phát.
Con diều hâu lẻ loi còn lại là Richard Fisher, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ khu vực Dallas. Dù là dân Texas (hi hi), Fisher theo đảng Dân Chủ, hai lần tranh cử Nghị sĩ mà thất bại, trước khi được bổ nhiệm vào hệ thống ngân hàng trung ương và là người cực ngần ngại với quyết định bơm tiền.
Trong bài diễn văn hôm 19 tại Câu lạc bộ Harvard ở New York, và từng đi học trong trường hải quân, ông nói đến chuyến hải hành của con tầu kinh tế vào nơi vô định. Ngân hàng Trung ương cứ phải quyết định mà bên trong chẳng ai biết được khi nào tới bến! Đã đành là thường dân chúng ta thì khó biết, nhưng khi các hoa tiêu hay tài công trên phòng lái xác nhận rằng họ cũng không biết thì quả là thế gian này có nhiều điều khó hiểu.
Chủ tịch Ngân hàng Dallas giải thích như sau: muốn kích thích kinh tế, người ta cần biện pháp tiền tệ và biện pháp ngân sách. Phần mình, ngân hàng trung ương đã bấm bút tiền tệ và chất lên một núi tiền mấy ngàn tỷ mà máy không chạy, kinh tế chưa nhúc nhích. Chỉ vì Quốc hội cứ ngồi trên cái cần trục ngân sách. "Cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà tiếp tục chất nợ, đẩy con cháu xuống nước và không làm tròn nhiệm vụ với quốc gia. Tỉnh giấc đi chứ, làm cái gì đi chứ!"
Khi chủ tịch một ngân hàng dự trữ văng tục bằng tiếng La tinh "Illegitimum non Carborudum" thì ta hết nói. Dịch cho sát khẩu khí của một chuyên gia thì câu "Don't let the bastards grind you down" có thể là "đừng để lũ khốn nạn làm ta khốn khổ!"
Mấy ai dám nặng lời như vậy với hệ thống chính trị hiện hành?
Độc giả tất nhiên tò mò tự hỏi. Rằng dù chính trị ách tắc, chính quyền cứ tăng chi rồi ngất ngư đi vay "như thủy thủ say rượu" thì ngân hàng trung ương cũng đã bơm mấy ngàn tỷ Mỹ kim từ bốn năm qua. Vì sao chưa công hiệu?
Một trong nhiều cách giải thích: Chính quyền ngồi trên núi nợ, ngân hàng ngồi trên két bạc mà doanh nghiệp có cả ngàn tỷ trong túi vẫn không nhúc nhích vì sợ bất trắc.
Từ bốn năm nay, công báo của chính quyền liên bang có thêm cả ngàn trang luật lệ mới được ban hành. Một kỷ lục cao bằng núi nợ. Theo Liên đoàn Quốc gia các Doanh nghiệp Độc lập NFIB, luật lệ nhiêu khê và thay đổi khiến tiểu doanh thương không dám lấy rủi ro đầu tư và tạo thêm việc làm.
Môi trường kinh doanh bất trắc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của ngân hàng trung ương mà là trách nhiệm của chính quyền.
Nghĩa là làm sao? Là cử tri đã bầu lên những đại diện thiếu trách nhiệm trong cơ chế hành pháp và lập pháp. Họ tăng chi để mua phiếu mà bất kể chuyện nợ nần về sau. Họ tử thủ trên núi nợ, rồi chứng tỏ sự mẫn cán bằng sáng kiến luật lệ để kiểm soát thị trường, điều tiết giao thương, phân định ngành nghề xấu tốt, phải đạo hay không, đáng trợ cấp hay không.
Họ vẽ ra một trận đồ làm doanh giới cò con chóng mặt, hết dám bung ra thành lập các cơ sở mới, vốn dĩ là những trung tâm tuyển dụng cao nhất.
Hy vọng cập bến thất nghiệp 5,5% là chuyện xa vời nếu con tầu kinh tế cứ nằm trong đầm lầy chính trị hiện nay. Và chính cử tri mới là những người quyết định sau cùng và có lãnh đạo xứng đáng với mình. Nếu cứ duy trì tinh thần "xin-cho" ngày nay thì Hoa Kỳ chưa khá và kinh tế vẫn nằm dưới đáy vực.
Trên đỉnh cao vòi vọi là ráng mây đỏ của núi nợ - sẽ có ngày ụp xuống con cháu!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét