BLOG CỦA ALAN NGÀY THỨ TƯ 12/9/2012
Tôi gặp Bill lần đầu trong một bữa nhậu của 8 ông Việt kiều tại quán Hợp gần khu Bolsa, Little Saigon. Bill tự giới thiệu là “nông dân” vừa xuống California chơi từ Vancouver. Anh dành diễn đàn sau đó,gần như độc thoại và “nổ” không kém các đại gia ở đây.
Tôi hào hứng nghe chuyện làm nông của anh vì khác với tinh thần nông nghiệp cổ truyền, anh có vẻ là một nông dân biết nắm bắt những công nghệ hiện đại nhất của thế giới. Sau 10 phút, tôi mới vỡ lỡ là sản phẩm nông nghiệp của anh là “cần sa”. Cuối bữa ăn, tôi còn biết thêm là anh vừa ra khỏi tù với bản án 3 năm; và anh giải thích thêm là bây giờ anh “đồng tính” vì thói quen trong tù.
Khi tôi nói về nông nghiệp công nghệ cao cho kinh tế Việt Nam, tôi không bao giờ nghĩ là nó đã được nhóm Việt kiều ở Canada thử nghiệm và ứng dụng sâu rông như vậy. Những nông trại cần sa thường nằm dưới lòng đất để tránh bị cảnh sát phát giác. Họ thường khám phá ra các trại này do khối lượng điện và nước sử dụng rất cao so với một gia cư trung bình (vì không có ánh nắng mặt trời nên các nông dân phải dùng đèn thay thế vả giữ ấm). Giải pháp hiện đại mới là thay thế đèn bằng một hỗn hợp của tia laser hồng ngoại và bóng LED.
Các kỹ thuật khác như tưới nhỏ giọt theo thời biểu định sẵn trên các chậu thẩm nước (hydroponic ponds) , bắt đầu với những loại giống đã được cấy DNA mới, miễn nhiễm với sâu bọ; sản phẩm được gia tăng nồng độ THC gì đó; hệ thống sản xuất sấy khô theo đúng chuẩn ISO; và một phòng thí nghiệm kiềm phẩm rất công phu. Trên hết, các bác nông dân này có kế hoạch tiếp thị rất tốt, biết cắt bỏ hết các môi giới trung gian và họ còn lo tạo thương hiệu để có khách hàng trung thành.
Đầu tư vào một nông trại hiện đại như vậy lên đến 1.8 triệu đô la một hectare. Tuy nhiên, tỷ lệ hoàn vốn chưa đến một mủa (3 tới 5 tháng) vì năng suất cao gấp 4 lần phương pháp trồng trọt cổ truyền. Một kilogram cần sa bán sỉ với giá khoảng 4 ngàn đô la một kilogram và theo mô hình công nghệ cao này, một hectare có thể mang lại doanh thu hơn 4.5 triệu đô la mỗi năm sau khi trừ chi phí.
Dĩ nhiên đây là một loại làm ăn phi pháp, tù đày lúc nào không biết. Nhưng tôi thú vị khi biết rằng các tội phạm này dù tác nghiệp và có lẽ xuất thân là những nông dân ít học, đã nắm vững các định luật kinh tế về thị trường, về công nghệ cao, về hiệu năng sản xuất, về nhu cầu đổi mới để vượt trội. Chắc chắn là họ bén nhậy và chuyên sâu hơn các đại gia và quan chức ở đây. Nếu những nhân vật liên quan và trách nhiệm đến sự phát triển nông thôn Việt Nam có được tư duy và hành xử của những cựu nông dân này, thì đời sống chúng ta đã thay đổi nhiều.
Trở lại với Bill. Dù mới ra tù, nhưng trông anh vẫn còn rủng rỉnh tiền bạc. Anh dành trả hết cho bữa ăn, khoảng 400 đô la và còn để lại 200 đô la tiền boa. Anh cho biết nguyên là nông dân Hải Phòng, vượt biên qua ngã Hồng Kông cách đây 25 năm. Anh khoe là trước khi bị Mỹ bắt (vì anh khuếch trương trồng trọt tại Washington), anh có về Việt nam và xây cho bố mẹ một biệt thự tốn gần 700 ngàn đô và mua tặng ông bà chiếc xe Lexus. Tôi không nhớ rõ họ anh, nhưng ghi trong danh bạ điện thoại là “Bill Đô La”.
Alan Phan
Vài điều về cần sa marijuana (theo Google): Một loại cây theo dạng cây thuốc lá, lá cần sa được phơi khô và vấn vào giấy để hút. Cần sa được bán hợp pháp tại vài bang Mỹ nếu có toa của bác sĩ; và phần lớn các quốc gia Âu Chậu không bỏ tù người dùng, chỉ người bán. Thị trường toàn cầu cho cần sa là 120 tỷ đô la (bằng GDP của Việt Nam). Toàn thế giới, nông dân trồng 11 triệu hectares cà phê, thu hoạch khoảng 720 tỷ đô la, trong khi số hectares dành cho cần sa được ước lượng khoảng 82 ngàn hectares.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét