Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

007 "SKYFALL": SỰ SUY TÀN CỦA THẾ GIỚI CŨ

“Skyfall”: Sự suy tàn của thế giới cũ

12/11/2012

Tags: Hà Thủy Nguyên, Skyfall

Hà Thủy Nguyên

Tập phim thứ 23 của Series phim 007 đang gây sốt trên các rạp chiếu phim khắp thế giới thực sự đánh dấu sự suy tàn của một thế giới cũ. Chắc hẳn không phải vô tình mà nhà sản xuất “Skyfall” lại phát hành bộ phim này vào đúng năm 2012 – năm Tận Thế.
Một hệ thống cũ đến thời bất lực
Mở màn cho bộ phim là sự suy yếu liên tiếp không thể kiểm soát của hệ thống nhân vật “chính diện” mang trọng trách bảo vệ trật tự xã hội, chống lại những tên tội phạm điên rồ với tham vọng đạp đổ và thống trị tất cả.
Bắt đầu bằng việc James Bond bị đồng sự bắn trúng rơi xuống ngọn thác và sau đó anh chàng điệp viên ẩn cư với danh nghĩa một kẻ đã chết trong an bình. Rõ ràng, Bond đã thể hiện một sự mệt mỏi với cuộc chiến “chính – tà” theo kiểu kinh điển. Kể cả lúc Bond quay về với MI6 (lúc này đang trong cơn khủng hoảng trầm trọng) thì anh đã mất đi sức mạnh và các kỹ năng của mình: thể lực kém, khả năng ngắm bắn sụt giảm, không chịu nổi áp lực tâm lý… Đặc biệt trong phim không còn những màn phiêu lưu tình ái say mê và khiêu gợi như những phần trước, chỉ còn vài nét điểm xuyết nhợt nhạt. Phải chăng ngọn lửa trong James đang nguội dần theo tuổi tác. Phim nói về tuổi trung niên của James Bond hay còn là sự đi xuống của hình mẫu anh hùng theo kiểu cũ.


Sau sự mất tích của James Bond, MI6 rơi vào cơn khủng hoảng nặng nề chưa từng có. MI6 không còn sự chủ động của một tổ chức luôn hoạt động trong bóng tối để bảo vệ thế giới nữa, mà giờ đây đã bị lôi ra ánh sáng và trở thành mục tiêu ngắm bắn của kẻ thù. Không chỉ các điệp viên bị lộ vỏ bọc mà hệ thống máy tính của MI6 – Cục tình báo Anh bị đột nhập, gây ra vụ nổ lớn ngay tại trụ sở khiến 6 nhân viên thiệt mạng.
Bà M. , giám đốc của MI6 phải chịu trách nhiệm giải trình trước Bộ Quốc phòng, đứng trước nguy cơ giải tán MI6. Chính Hội đồng chất vấn với các chính khách đầy quyền lực cũng đã nhìn thấy sự suy sụp này, dù cho bà M. đọc một bài thơ thể hiện ý chí đầy cảm hứng. Điều này càng được khẳng định khi Silva và bè lũ (nhân vật phản diện) ung dung bước vào văn phòng của Bộ và nã súng không thương tiếc. Rõ ràng không phải chỉ MI6 mà cả chính phủ đều đang lo lắng về sự phát triển mạnh mẽ của tội phạm loại mới với những quyền lực mà họ chưa thể hiểu hết. Họ có thể khắc chế được những kẻ chế tạo các loại vũ khí hàng loạt, những ông trùm tài chính lũng đoạn cả thế giới… nhưng loại tội phạm kiểu mới này thì họ đành khoanh tay ngồi nhìn vì quyền lực của chúng dựa trên hàng vạn đoạn mã hóa của các con số.
Tội phạm hay những người đấu tranh cho thế giới mới
Silva – kẻ thù mới của MI6, đặc biệt chĩa mũi nhọn vào bà M. Silva vốn là một điệp viên cũ của MI6 với bộ óc thiên tài. Hắn tấn công MI6 hoàn toàn dựa trên hệ thống Internet với các chiêu trò của hacker. Hắn không tham tiền bạc, không tham quyền thống trị thế giới, mà hắn chỉ muốn làm rõ bộ mặt thật của các chính khách và quan chức chính phủ, muốn lập lại trật tự cho thế giới mới. Silva là một sự kết hợp giữa Joker và Harvey Dent, người hai mặt trong “The Dark knight” của đạo diễn Christophe Nolan – những tên siêu tội phạm luôn bỡn cợt chính quyền, thể hiện cử chỉ kì quặc bên cạnh những hành vi tàn sát hàng loạt.
Tên tội phạm Silva làm chúng ta nhớ tới trào lưu Anonymous đang lan truyền rộng rãi trên thế giới hiện nay. Trào lưu Anonymous (với biểu tượng mặt nạ được tạo cảm hứng từ bộ phim “V for Vandetta”) vốn bắt nguồn từ một nhóm hacker không phân biệt biên giới, sau đó lan rộng sang cộng đồng mạng với những thông điệp về “Tự do”, “Thoát khỏi hệ thống”. Các hacker của trào lưu này được đánh giá là những tội phạm nguy hiểm bậc nhất với các chiến tích lẫy lừng như đứng đằng sau nhiều cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) những trang web như Amazon, PayPal hay MasterCard; “hạ gục” được cả trang web chính phủ Thuỵ Điển; hack và tung thông tin cá nhân như số tài khoản, số an sinh xã hội, của Aeron Barr – CEO của công ty chuyên cung cấp giải pháp bảo mật HBGary… để đấu tranh cho quyền tự do của Julian Assange người sáng lập ra Wikileak- một trang nổi tiếng cung cấp các thông tin mật của chính phủ Mỹ đã bị đóng cửa. Nguy hiểm hơn, vào năm 2011, Anonymous đã gửi đi những bức email cung cấp thông tin về những phi vụ “làm giả mạo giấy tờ và tham nhũng” của Bank Of America. Những cuộc biểu tình của cộng đồng Anonymous đang diễn ra ở nhiều nơi trên đất Anh và đất Mỹ. Phải chăng cuộc chiến chống lại Silva là sự thể hiện cho nỗi lo lắng về sự lớn mạnh của trào lưu Anonymous đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát của họ.
Thế giới mạng chính là thế giới mới, nói một thứ ngôn ngữ mới và luôn mở cửa với tuổi trẻ. Kẻ lũng đoạn trong thế giới của những con số ấy sẽ nắm quyền kiểm soát mọi công cụ khác như tài chính, quân sự, truyền thông… Và tiếc thay, ngay cả những chính quyền tân tiến như Mỹ cũng phải bó tay trước sự hoành hành của các “đế chế ảo”. Các cơ quan an ninh chính phủ có thể lần ra dấu vết của người tung tin, có thể giam cầm họ, nhưng không thể ngăn chặn được một luồng dữ liệu đủ sức nặng một khi nó đã vào xa lộ thông tin. Súng đạn không giải quyết được sự mâu thuẫn này. Có lẽ thế mà trong bộ phim 007 lần này xuất hiện nhân vật Q. mới – một cậu bé ốm o, mặt đầy mụn nhưng không coi James Bond ra gì. Nếu Q. cũ chỉ đóng vai trò hậu cần, sáng chế các trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ cho việc xâm nhập thuộc địa của 007 thì anh chàng Q. mới trở thành người chỉ dẫn từng đường đi nước bước cho Bond và đặc biệt là chỉ cần ngồi trong văn phòng trụ sở chứ không cần phải lẽo đẽo chạy theo người hùng.
Mặc dù cuối phim vẫn là cái chết của Silva, nhưng hắn chỉ bị tiêu diệt ở vùng núi Scotland hẻo lánh gần như không bị ảnh hưởng bởi khoa học công nghệ. Tại thế giới hoang sơ như thời kỳ cao bồi viễn Tây (cũ hơn cả thế giới cũ), nơi con người dùng sức mạnh cơ bắp và một ít súng đạn để sinh tồn, thì những kẻ lệ thuộc vào thế giới ảo như Silva đành phải thua cuộc. Chiến thắng này có thể thỏa mãn những ai vẫn say mê mô tuýp anh hùng kiểu kinh điển, nhưng trên thực tế nó đánh dấu sự suy tàn của thế giới cũ vốn sự kiểm soát của chính phủ và các tập đoàn kinh tế.
Bà M. qua đời, sự xuất hiện của M. mới và Q. mới là sự ẩn dụ cho một khởi đầu mới. Những tập 007 sau năm 2012 chắc hẳn phải xây dựng hình mẫu James Bond theo kiểu của Neo trong Matrix thì mới có thể theo kịp thời đại. Bởi nếu không, 007 dù là vai chính nhưng sẽ luôn trở thành con rối bị giật dây trong tay Q. trẻ tuổi – người nắm giữ thứ vũ khí ảo mà chỉ có những bộ óc toán học thiên tài mới có thể sử dụng được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét