Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

DÒNG SỮA MẸ


November 4, 2012 By Alan Phan

BLOG CUA ALAN NGÀY THỨ HAI 5/11/2012

Link để xem comment:
http://www.gocnhinalan.com/blog-cua-alan-va-bca/dong-sua-me.html

Tôi có nghe kể lại là khi tôi mới sinh ra, mẹ tôi không có sữa cho con (vì thiếu dinh dưỡng hay vì căng thẳng trong loạn lạc?). Mỗi lần tôi khóc đói, bố tôi phải bồng đi khắp làng để xin sữa. Có lẽ sự cố này giải thích cái tính “bú bậy” sau này của tôi? Trong những ngày đầu kinh doanh, tôi đầu tư vào nhà máy làm sữa ờ Thủ Đức với anh Âu Ngọc Hồ (hãng Foremost, tiền thân của Vinamilk sau này). Trong tiềm thức, chắc tôi đang trả lại món nợ ngày xưa?
Tôi còn nhớ yêu cầu Ban Giám Đốc làm một chương trình tiếp thị giống như cái quảng cáo tôi đã học được bên Ý ngày đó. Những bích chương khắp các ngõ ngách đường phố của Rome quảng bá một thương hiệu sữa với hình ảnh mẹ cho con bú và khẩu hiệu,” sữa chúng tôi thiên nhiên và tốt lành như dòng sữa mẹ…dĩ nhiên, bình sữa của chúng tôi không đẹp bằng”. Tôi thầm nghĩ nếu Vinamilk dùng quảng cáo này với rất nhiều hình ảnh tiêu biểu và cho người tiêu dùng bình chọn “bình sữa đẹp nhất Việt Nam”, chắc đường phố chúng ta sẽ đẹp ra, văn hóa hơn…là biểu ngữ phô trương các tư tưởng lớn của những thây ma và zombies?
Tôi có thể chém gió cả ngày về sữa, món ăn tinh khiết và bổ dưỡng nhất của cuộc đời (dĩ nhiên phải cẩn thận khi nó dán nhãn made-in-china). Nhưng như bao nhiêu đứa trẻ khác, tôi phải cai sữa mẹ và quay ra bú sữa bò. Và tôi còn nhớ ông thầy dậy môn quản trị dặn chúng tôi phải cẩn thận về hội chứng “sữa bò”. Theo ông, nhiều doanh nhân không chấp nhận những giải pháp đơn giản, tìm lý giải cho những chiêu trò luôn gây rắc rối. Đó là việc thay vì ra mua một lít sữa ngoài siêu thị khi đói dạ, họ thích mua cả con bò đem về nuôi để “tiết kiệm”, “để làm từ gốc đến ngọn”, “để tạo công ăn việc làm”, hay “để gia tăng giá trị”. Các chánh phủ cũng rất ưa thích lối kinh doanh này. Còn tôi thì nghĩ đến các bạn trẻ trong những mối quan hệ nam nữ hay với gia đình.


Tuy nhiên, tôi rất hiểu những quyến luyến với dòng sữa mẹ. Trong việc chọn lựa chuyện làm ăn và nơi sinh sống cho những năm tới, tôi cân nhắc rất nhiều về những ưu điểm và sự thích hợp của chúng trên ý thích và lối sống của tôi. Monte Carlo có một phong cách sống văn minh hơn tất cả; nhưng tôi yêu xứ Mỹ với tinh thần tự do và sáng tạo. Phiêu lưu trong phóng túng chắc không đâu bằng Barcelona hay Rome; nhưng nếu muốn kiếm tiền tỷ đô la thì phải quay lại Trung Quốc. Mệt mỏi an phận thì qua Gold Coast (Australia) hay mua lại đồn điền cà phê cũ ở Costa Rica; muốn sống quanh quá khứ thì chọn Paris vậy. Nhưng “dòng sữa mẹ” ngày nào vẫn nhắc nhở tôi về những đêm mưa ôm nhau chờ trời sáng, về những cành phượng vĩ che bóng mát gay gắt của cuộc tình cháy bỏng, về những ngọn đồi và những bải biển còn in dấu ngây ngô.
Nhưng tôi cũng biết là mình khá thất vọng với hiện tại. 5% dân số đã lợi dụng lịch sử để vắt cạn dòng sữa mẹ. 4 triệu người phải lang thang khắp thế giới như tôi ngày bé để tìm nơi “bú nhờ”. Và những người còn lại đang tranh giành khốc liệt chút “sữa thừa” bất kể tình đồng hương. Sự vô cảm với môi trường sống thể hiện một văn hóa “không còn văn hóa”.
Sau 67 năm, bình sữa mẹ đã già và nhăn nheo. Không còn sinh lực để tái tạo, mẹ cũng mặc cảm với hàng xóm, gây nên những cãi vả thường xuyên với đám con ở lại. Yêu gia đình, tôi không muốn bỏ đi. Nhưng suốt ngày nhìn và nghe những quắn quại đau thương cùng là một hình phạt tôi không muốn nhận.
Chỉ một chút sữa mà cũng nhiêu khê quá các bạn nhỉ.
Alan Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét