Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Myanmar trong 'xoay trục' Mỹ


Tác giả: Nguyễn Huy theo asiatimes

Nhấn mạnh và thực thi cái gọi là chiến lược "xoay trục" từ Trung Đông sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bắt đầu chuyến công du bốn ngày tới Đông Nam Á. Ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tới Myanmar.
Chuyến đi của Obama còn đánh dấu bởi sự kiện tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Campuchia, nơi ông dự kiến sẽ gặp gỡ Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Cuộc gặp diễn ra giữa lúc vị tổng thống Mỹ có những thương thảo gay cấn với đảng Cộng hòa về vấn đề tài chính, và nguy cơ bạo lực tồi tệ nhất trong bốn năm qua giữa Israel và chính phủ Hamas ở dải Gaza có khả năng leo thang thành cuộc xung đột lớn hơn.
Việc Obama rời Washington trong một thời điểm quan trọng như vậy chứng tỏ tầm quan trọng ngày càng lớn mà chính phủ ông đặt vào chiến lược "xoay trục". Nhà Trắng thích gọi chiến lược ấy là "tái cân bằng" hướng về châu Á. Sự quan trọng của châu Á còn được khẳng định thêm lần nữa với thực tế đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tổng thống Mỹ kể từ khi ông được tái đắc cử ngày 6/11.
"Quyết định đi tới châu Á của Obama ngay sau khi đắc cử nói lên tầm quan trọng mà ông đặt ở khu vực này cũng như vị trí trung tâm của nó với rất nhiều lợi ích an ninh quốc gia và những ưu tiên của chúng tôi", Tom Donilon, cố vấn an ninh quốc gia của Obama trong một bài phát biểu về chính sách cho biết.
"Cách tiếp cận của chúng tôi có căn cứ từ một định hướng đơn giản", ông Donilon nói với khán giả tại Trung tâm nghiên cứu An ninh và Quốc tế (CSIS). "Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương, có lợi ích gắn bó chặt chẽ với trật tự kinh tế, an ninh và chính trị châu Á. Thành công của Mỹ trong thế kỷ 21 gắn liền với thành công của châu Á".



Chuyến đi của ông Obama còn có điểm dừng chân ở Thái Lan - quốc gia gần đây đón tiếp hàng loạt quan chức cao cấp của Mỹ trong hoạt động tại châu Á vài tháng qua trong đó có Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Bà Clinton cũng sẽ tháp tùng ông Obama khi ông tới khu vực.
Một số nguồn tin cho hay, ban đầu bà Suu Kyi - lãnh đạo đối lập ở Myanmar, người đã gặp tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng hai tháng trước đây phản đối chuyến thăm của Obama khi coi đó là sự vội vã, đặc biệt trong lúc chính phủ quốc gia Đông Nam Á chưa giải quyết xong vấn đề tù chính trị, bạo lực chống lại với dân tộc thiểu số tại bang Rakhine và thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với quân nổi dậy Kachin.
Sự chuyển đổi ở Myanmar và thực tế chuyến viếng thăm của Obama tới nước này đang thu hút sự chú ý lớn tại Mỹ - khi một số nhóm nhân quyền và các nhà phân tích độc lập cho rằng, sự liên can chặt chẽ của Washington trong tiến trình chuyển đổi, nhất là quyết định hồi tháng 7 trong việc dỡ bỏ lệnh cấm đầu tư của Mỹ vào Myanmar kể cả với các công ty dầu khí là quá hấp tấp.
Tại cuộc tuần hành ở phía ngoài Nhà Trắng hôm thứ năm, tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi ông Obama nhấn mạnh mối quan tâm nhân quyền trong các cuộc gặp của ông tại Yangon với giới lãnh đạo Myanmar bao gồm cả Tổng thống Thein Sein và bà Suu Kyi. Người biểu tình cho rằng, ông Obama - người dự kiến sẽ có các cuộc trò chuyện với sinh viên và các nhóm hoạt động xã hội dân sự tại Đại học Yangon - nên yêu cầu các tập đoàn Mỹ "đặt vấn đề nhân quyền lên trước lợi nhuận" khi họ đầu tư vào nguồn năng lượng và khoáng sản dồi dào của Myanmar hy tìm cách khai thác thị trường tiềm năng của gần 50 triệu dân tại đây.
Trong phát biểu đưa ra, cố vấn an ninh Mỹ Donilon nhấn mạnh, ông Obama sẽ chuyển tải thoogn điệp nhất quán về nhân quyền và cải cách dân chủ ở mọi nơi ông tới, nhưng đặc biệt chú ý tới Myanmar. Trong khi tái khẳng định các tiến bộ mà nước này đạt được, ông Donilon cho biết, thì Tổng thống Mỹ cũng sẽ nhấn mạnh tới yêu cầu thả toàn bộ tù chính trị còn lại, chấm dứt xung đột sắc tộc, tạo điều kiện để nhân viên cứu trợ và nhà quan sát nhân quyền tới các khu vực có xung đột tại Myanmar.
Tuy nhiên, hầu hết trong bài phát biểu, Donilon tập trung vào sự ủng hộ và thúc đẩy chiến lược "tái cân bằng" của chính phủ Mỹ hướng tới châu Á - Thái Bình Dương. Ông nói, "tầm nhìn dài hạn" về châu Á của Washington là chứng kiến "một khu vực mà sự trỗi dậy của các cường quốc mới diễn ra hòa bình, nơi đảm bảo quyền tự do tiếp cận biển, không gian, vũ trụ và không gian ảo để thương mại phát triển; nơi các diễn đàn đa quốc gia góp phần thúc đẩy lợi ích chung; nơi các công dân ngày càng có khả năng gây ảnh hưởng đến chính phủ và các quyền con người được tôn trọng".
Theo ông, một yếu tố quan trọng trong chiến lược của Mỹ, là "theo đuổi mối quan hệ ổn định và xây dựng với Trung Quốc" - mối quan hệ mà ông thừa nhận có "những yếu tố của cả hợp tác và cạnh tranh".
Trong khi nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ với nỗ lực hội nhập của Bắc Kinh vào các ổ chức khu vực và toàn cầu như EAS thì cố vấn an ninh Mỹ cũng nhấn mạnh quyết tâm của Washington trong "thúc đẩy Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương", một sáng kiến kinh tế cho tới nay không bao gồm Trung Quốc. Ông Donilon gọi đó là "sự thương thảo quan trọng nhất được thực hiện trong hệ thống thương mại toàn cầu".
Trung Quốc đã bày tỏ mối quan ngại ngày một lớn về tốc độ nâng cấp quan hệ quân sự giữa Washington với các nước láng giềng của Bắc Kinh như Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn là những nước có đụng độ với Bắc Kinh xung quanh vấn đề chủ quyền hàng hải. Mỹ còn tiến hành ngày càng nhiều cuộc tập trận chung với các quốc gia Đông Nam Á, tăng cường tiếp cận cảng biển ở Singapore, Australia...
Ngay cả khi Bắc Kinh nỗ lực mở rộng trao đổi quân sự với Washington thì một số quan chức cấp cao Trung Quốc vẫn cáo buộc chính quyền Mỹ theo đuổi chính sách "ngăn chặn" và thậm chí là kích động căng thẳng giữa Bắc Kinh với láng giềng.
Tháng trước, lần đầu tiên, Washington đã mời Myanmar tới quan sát cuộc tập trận quân sự lớn ở Thái Lan. Sự kiện mang tên "Hổ mang Vàng" là cuộc diễn tập quân sự đa phương lớn nhất thế giới. Động thái này được các quan chức Mỹ mô tả là cột mốc trong việc cải thiện quan hệ hai bên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét