Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ, BÙI VIỆN VÀ CAO TĂNG TÂY TẠNG TENZIN DRODON

PHẠM VŨ

1/- NƯỚC TA LỠ THỜI CƠ “DUY TÂN”: NGUYỄN TRƯỜNG TỘ (1828-1871)
Chí sĩ, danh sĩ, kiến trúc sư, quê làng Bùi Chu, Hưng Nguyên, Nghệ An. Con đông y sĩ Nguyễn Quốc Thư. Gia đình ông theo đạo Thiên Chúa, cha mất sớm, ông theo học chữ Hán với cụ Tú Giai. Năm 1855, nhà thờ xứ Tân Ấp mời ông dạy chữ Hán, từ đó ông học chữ Pháp và Quốc ngữ với các giáo sĩ.
Năm 1858, giám mục Gauthier (ta gọi là Ngô Gia Hậu) đưa Trường Tộ sang Pháp. Trên đường sang Pháp, ông có ghé La Mã yết kiến Giáo Hoàng, rồi đến Paris. Ba năm sau (1861) ông về nước. Người Pháp có ý dùng ông làm tay sai, nhưng giàu lòng yêu nước, ông từ chối không nhận chức tước gì cả.
Ở ẩn nơi quê nhà, Trường Tộ lần lượt gửi lên triều đình vua Tự Đức nhiều bài điều trần giá trị, đè nghị triều đình cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục…Các điều trần của ông nếu được áp dụng sẽ là một ách lược lớn, biến Việt Nam thành một nước hùng cường, tạo nên chuyển biến quan trọng trong lịch sử giữ nước của dân tộc.ta. Ông từng nói rõ lý do khiến ông viết bản điều trần:
<…Hàn công nói: “Biết không nói là kẻ bất nhân, nói mà không nói hết là kẻ bất nghĩa. Thế cho nên thân tôi tuy ở chốn giang hồ mà lòng vẫn gửi nơi lăng miếu. Tôi thạt không nỡ nhìn thấy nước nhà đổ nát, trăm họ lưu ly, cho nên không xét phận hèn mọn mà dám phạm vào lỗi nói ngay thẳng. Nếu cho lời tôi là khi trá, hoặc có ai xúi giục, thì xin đem tờ biểu này treo ở Quốc môn để sau này làm chứng”.>
(Điều trần thời sự)
Hoặc ngụ lòng qua mấy câu thơ thắm thiết:
“Nhật mộ tuy vô hồi chiếu xứ
Quì hoa tự hữu hưởng dương thần”.
Dịch nghĩa:
Vừng nhật dù không quày dọi lại
Lòng quì vẫn cứ hướng theo mà.
Ngày 22-11-1871, ông mất, hưởng dương 44 tuổi. Nguyễn Trường Tộ còn để lại đời hơn 14 bản trần tình về quốc kế dân sinh và khá nhiều bài thơ hay được truyền tụng.
Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ (Thiên hạ đại thế luận) In trong Nam Phong tạp chí.
(Tháng 2-3 năm Tự Đức 16, tức tháng 3-4 năm 1836)
Tôi là Nguyễn Trường Tộ, bề tôi nước Đại Nam, đã từng trốn ra nước ngoài, xin đem những điều mà tôi đã biết và thấy một cách chính xác về sự thế trong thiên hạ, mạo tôi kính bẩm. Trộm nghĩ việc trong thiên hạ chỉ có “thể” mà thôi…
Hãy nói về thiên đạo trước. Khí đất từ Bắc đến Nam, vận trời từ Tây sang Đông…


Ngày nay các nước phương Tây, đã bao trùm suốt từ Tây Nam cho đến Đông Bắc, toàn lãnh thổ châu Phi…cho Nhật Bản, Trung Quốc và các đảo ở ngoài biển…không đâu là không chiếm đất và nô dịch dân những nơi đó…Huống hồ nước Việt ta là một nước bé nhỏ, tại sao lại muốn trái đạo trời mà làm những việc thiên hạ khó làm được?...
Tôi thường nghiên cứu sự thế trong thiên hạ mà biết rằng hòa với Pháp là thượng sách...Hiện nay tình hình trong nước rối loạn. Trời thì sanh tai biến…tiền của, sức lực của dân đã kiệt quệ… Trong Triều đình quần thần chỉ làm trò hề cho vui lòng vua, che đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chặn các bậc hiền tài…, những kẻ hận đời sẽ thừa cơ nổi dậy…Thế mà sao đối ngoại thì không có cách nào để giải vây cho. Lại đi tàn sát dân mình…
Vả lại, các điều mà nước Pháp xin mở bến tàu, lập phố xá, thông cửa bể để buôn bán, lập nhà thờ để giảng đạo mà thôi…
Vậy kính xin đại nhân tâu lại đầy đủ. Cho họ một miếng đất thì…người buôn trong thiên hạ đua nhau đến buôn bán trong nước mình, mà nước nhà sẽ được vững như bàn thạch, là dân sẽ tránh được khổ lầm than, để giữ vững cơ nghiệp…
Kính xin soi xét. Sau này nếu được yên, tôi xin đích thân đến để trình bày rõ lòng riêng bấy lâu ấp ủ của tôi.
Nay bái bẩm
Ngày 3-4-1863, năm Tự Đức 16: Nguyễn Trường Tộ kí.
- Nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, Huỳnh Thúc Kháng và học giả Lê Thước đã ca ngợi ctài đức của Nguyễn Trường Tộ: là “nhà khoa học, nhà chính trị và cũng là nhà tân học nước ta xưa. Tư tưởng và kiến thức của tiên sinh hơn người đồng thời muôn nghìn”.
2/- BÙI VIỆN (1841 – 1878)
Danh sĩ đời vua Tự Đức, hiệu Mạnh Dực, quê làng Trình Phổ, An Hồi, Trực Định, nay thuộc Kiến Xương, tỉnh Nam Định.
Năm Bính thìn 1856 có Ân khoa, ông đỗ Cử nhân. Năm 1855 trước năm ông thi đỗ, Quốc tử giám Tế tửu là Võ Duy Thanh biết tài ông, nên tiến cử ông với Tham tri bộ Lễ là Lê Tuấn trong việc bình định các nhóm Cờ đen, Cờ vàng khuấy rối ở miền Bắc.
Doanh điền sứ Doãn Tuấn nghe danh tiếng, mời Bùi Viện cộng sự mở mang bến Ninh Hải thành cửa bể Hải Phòng ngày nay. Hoàn thành công tác, ông lại đảm nhận trách vụ dẹp loạn quân Quảng văn Tế ở Quảng Yên.
Có lòng yêu nước, Bùi Viện cùng Hoàng Phan Thái, Nguyễn Tư Giản, Đặng Đức Thuận, Nguyễn Trường Tộ lập Tân Đảng, chủ ý khuyến cáo triều đình vua Tự Đức nên duy tân cải cách chính trị, quân sự, văn hóa v v…
Lòng bất vụ lợi và yêu nước của ông, được chứng tỏ trong mấy lời ưu ái của vua Tự Đức ban khen ông:
“ Trẫm ư tử vị hữu thâm ân nghĩa, tử nãi dĩ quốc an, nãi bảo gia an, thâm đồ viễn lự, quỷ thần đương diệc giám chi”.
Nghĩa: “ Trẫm đối với người chưa có ân nghĩa gì mà người đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi lo lắng, quỷ thần ắt cũng chứng cho”.
Năm Quý dậu 1873, vua Tự Đức cử Bùi Viện xuất dương đầu tiên, nhưng vẫn lưỡng lự nên triều đình chưa chính thức cử đi công cán nên ông không có chức vụ và giấy tờ gì cả. Ông ghé Hong Kong, rồi sang Nhật Bản, từ đây ông sang thẳng thủ đô Washington. Tại nước Mỹ, Bùi Viện đã được Tồng thống Lincoln tiếp kiến, nhưng vì ông không có Quốc thư chính thức của nước mình chứng minh, nên ông đành phãi trở về nước để xin triều đình Quốc thư. Nhưng khi có Quốc thư trong tay, sang Mỹ lần thứ hai, tình hình nước Mỹ đã có Tồng thống mới, nội bộ vẫn rối ren nên Bùi Viện lại đành phải trở về.
Đã thế, về đến Nhật, ông được tin mẹ mất, xúc đông, ngậm ngùi, ông có làm bài văn tế cực kỳ thống thiết. Vua Tự Đức vẫn trọng dụng ông, bổ làm Tham tri. Rồi đổi làm Tham chính Thương biện, cùng với Nguyễn Tăng Doãn coi về việc quan thuế ở Bắc Kỳ. Ít lâu sau , đổi làm Chánh quản đốc Nha tuần tải, Bùi Viện liền thực thi kế hoạch chỉnh đốn Hải quân, thành lập đội tuần dương quân đật dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông. Năm Mậu dần 1878, ngày 1-11 âm lịch, Bùi Viện mất. Triều đình và cả nước đều thương tiếc.
- Nguyễn Tư Giản, danh dĩ đương thời là Nguyễn Tư Giản - người đã cùng Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện dân nhiều bản điều trần - có đôi liễn điếu ông:
“ Tha sinh nhược vị vong gia quốc
Trang chí không lân phó hải sơn”.
Nghĩa:
Kiếp sau chưa dứt niềm nhà nước
Chí lớn đành đem gửi biển non.
- Bùi Dị - danh sĩ đời Tự Đức - ngậm ngùi điếu:
“Thôn thanh do thảo đăng tiền sớ
Tế chio1 nan thù hải ngoại du”.
Nghĩa:
Thoi thóp sớ dâng còn để lại
Vẫy vùng chí lớn vội đem đi.
BỎ LỠ DỊP “NGÀN NĂM MỘT THUỞ ĐỂ DUY TÂN ĐẤT NƯỚC”
Bùi Viện đã được vinh dự tiếp kiến bởi Tổng thống Mỹ Lincoln. Đây là vị Tổng thống đã đề ra việc xóa bỏ nô lệ da đen, nên 11 Tiều bang miền Nam tách ra thành lập Liên hiệp “Confederate States of America (CSA) để gây chiến với chính phủ Liên Bang “United States of America (USA)”, sau đó Tổng thống Lincoln chiến thắng. Chúng ta biết rằng, trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, nước Pháp có ý muốn công nhận chính quyền miền Nam, muốn làm cho Hoa Kỳ chia rẽ, yếu đi để không thể trở thành một cường quốc; mặc dù thời chiến tranh cách mạng chống người Anh trước đó, nhờ có sự giúp đỡ tận tình của nước Pháp, Hoa Kỳ mới có thể giành được nền độc lập. Nếu vua Tự Đức ngay từ lúc đầu đặt niềm tin thực sự vào Bùi Viện, chính thức phong chức tước cho ông đi công cán ngoại quốc mang theo Chiếu chỉ giới thiệu với quốc gia sở tại, thì biết đâu vào thời gian đó, Tổng thống Lincoln – vì bất mãn với nước Pháp có ý định ngấm ngầm công nhận chính quyền ly khai miền Nam – sẽ chỉ thị Hoa Kỳ tận tình giúp đỡ Việt Nam “duy tân đất nước”.
Tuy nhiên, sau đó với sự phản bác của giáo sư đại học Paris là Laboulaye và nhiều người khác trên báo chí, chính phủ Pháp đã bỏ ý định công nhận chính quyền miền Nam, từ đó Laboulaye cùng với kiến trúc sư Bartholdi – vì yêu nền dân chủ đầu tiên trên thế giới với bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 và Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 – nên đã vận động, quyên góp tài chánh để sáng tác ra bức tượng khổng lồ, chớ sang tặng nhân dân Mỹ nhằm kỳ niệm 100 năm bản Tuyên ngôn Độc lập. Đó là bức tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng - là quốc bảo, biểu tượng của Hoa Kỳ, được thiết kế tọa lạc uy nghi ngay cửa vào Cảng thành phố New York. (Paris hiện còn một tượng Tự do bé tí cùng kích thước tượng Tự do tại Hà Nội nhưng không còn vì năm 1945 đã thành tượng A-di-đà chùa Ngũ Xá. Thế là Thần lại thành Bụt. Thật nuối tiếc!)
3/- NHÀ SƯ VIỆT NAM TRỞ THÀNH MỘT “CAO TĂNG TÂY TẠNG”
Đây là điều đặc biệt vì nhà sư là người đầu tiên rời Hoa Kỳ qua Ấn Độ xuống tóc trong một tu viện Tây Tạng vào dịp Tết Kỷ Mão 1999, khi mới 12 tuổi. Đặc biệt hơn nữa, đây là người Việt Nam đầu tiên được truyền thừa trong lịch sử hơn ngàn năm của Phật giáo Tây Tạng.
Kusho Tenzin Drodon sinh tại Quận Cam, ở miền Nam California trong một gia đình khá giả, lên tám tuổi, cậu bé họ Phạm đã muốn trở thành một Geshe Tây Tạng.
Mà Geshe là gì?
Geshe là học vị trong hệ thống Phật giáo Tây Tạng, tương đương với bằng Tiến sĩ về Phật học của Tây phương. Bình thường ra thì phải mất hai chục năm mới xong và nhiều người không xong nổi. Thế giới hiện chỉ có chừng 200 vị Geshe thôi.
Muốn được thành một Geshe thì phải thấm nhuần năm ngành học là Bát nhã ba la mật (Prajnaparamita), Trung quán luận (Madhyamika), Giới luật (Vinaya), A tỳ đạt ma luận (Abidharma) và Lý luận căn bản (Pramana Vidya). Thấm nhuần ở đây là phải nhập tâm, bằng Tạng ngữ, trong vài chục năm tu tập gian nan, hầu có thể ứng đối tranh luận trong mọi tình huống về mọi chủ đề trong các cuộc khảo hạch thường xuyên và từ đó đi hoằng pháp cho nhân thế. Đã vậy, từ thấp lên cao, học vị Geshe còn có bốn cấp là Dorampa, Lingtse, Tsorampa và cao nhất là Lharampa và trung bình thì phải sáu năm mới lên tới cấp tối ưu.
Thánh tăng Tây Tạng ngày nay, Kyabje Lati Rinpoche, được Đức Đạt Lai Lạt Ma yêu cầu hướng dẫn chú bé gốc Việt họ Phạm
Vị cao tăng Tây Tạng đã hướng dẫn chú bé họ Phạm là một Lharampa Geshe, một hóa thân của danh tăng Gongkar Rinpoche.
Ngài được tôn là châu báu trong hàng Thánh tăng Tây Tạng ngày nay, pháp danh là Kyabje Lati Rinpoche, hiện là cố vấn về Lý luận (Tsen-shabs) của đức Đạt Lai Lạt Ma. Môn sinh của Tulku Lati Rinpoche thường chỉ là những nhà sư được xác nhận là báo thân của một cao tăng, một vị đạo sư, một guru từ kiếp trước nguyện tái sinh để tiếp tục hạnh nguyện.
Và đức Đạt Lai Lạt Ma là người trực tiếp yêu cầu Tulku Lati Rinpoche dìu dắt chú bé.
Vì sao một chú bé sinh trong một gia đình Việt Nam tại Hoa Kỳ lại được nhận vào tu viện Tây Tạng, rồi được chính đức Đạt Lai Lạt Ma trao phó cho một vị cao tăng hàng đầu của Ngài việc hướng dẫn tu học đó?
Có lẽ phải đi từng bước để nhìn ra con đường học đạo của vị tăng người Việt này.
Với người Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Đại từ Đại bi Bồ tát Quán Thế Âm. Việt Nam ta quen gọi vị Bồ tát ấy là Phật Quan Âm, vì vậy, nhiều người cũng gọi Ngài là Phật Sống Tây Tạng. Người Tây Tạng tôn Ngài là "Kundun" với ý nghĩa ấy.
Trong hệ thống Phật giáo Tây Tạng, một Lạt Ma được coi là hiện thân của Phật, và Bồ tát nguyện tái sinh để cứu độ chúng sinh. Bậc hóa thân ấy được tôn là Tulku ("Chu cô" theo cách phiên âm Hán-Việt). Danh hiệu Lạt Ma chỉ được dành cho những người giảng dạy giáo pháp và có thẩm quyền thực hành nghi lễ của Phật giáo. Trong số những người được chứng nhận là Lạt Ma, những vị uyên thâm và cao quý nhất thì được tôn là Rinpoche (nghĩa là "vô cùng quý báu"). Trong hàng giáo phẩm và triều đình Tây Tạng, người ta thấy nhiều cao tăng được tôn vinh là Rinpoche.
Bây giờ, chúng ta có đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 - một vị Phật Sống - ủy thác cho một Tulku Rinpoche việc dẫn đạo cho một nhà sư trẻ của Việt Nam...
Nhà sư này phải có gì đặc biệt mà có lẽ người thường như chúng ta chưa thấy hết được..
Từ ngày đó đến nay, việc tu học của nhà sư này đã có sự tăng tiến.
Một người Mỹ xuất gia sang Ấn Độ tu Phật giáo đã là hiếm, nhưng vẫn có. Một người sinh tại Mỹ - thuộc thế hệ thứ nhì vì cha mẹ là người Việt tỵ nạn - thì lại hiếm hơn. Đây lại là người Mỹ đầu tiên được nhận vào tu viện Tây Tạng Gaden Shartse, trong tỉnh Mundgod của tiểu bang Karnataka ở miền Nam Ấn Độ để được tu học thành Sa di.
Tên Mỹ-Việt Donald Phạm đổi thành Konchog Osel. Người thân thì gọi là Kusho. Konchog có nghĩa là hiếm quý, Osel là tịnh quang, ánh sáng trong lành, và Kusho là một cao tăng.
Thế rồi, sau khi khảo hạch thì chính Tulku Lati Rinpoche đã thỉnh đức Đạt Lai Lạt Ma làm lễ thọ giới Cụ túc cho chú tiểu sa môn. Có mặt trong buổi lễ cử hành vào đúng ngày Phật Đản còn có bốn vị Rinpoche khác. Chú được ban pháp danh là Tenzin Drodon, nghĩa là "Người nắm giữ Phật pháp" (Tenzin) "cứu độ chúng sinh" (Drodon). Drodon là một pháp danh ít có trong hệ thống Tăng già Tây Tạng.
Ngày nay, Phật giáo Tây Tạng có một nhà sư dung mạo sáng rỡ, nói sành sõi tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Tây Tạng với phương ngữ quý phái của Kinh đô Lhasa, ở bên kia đỉnh núi tuyết ngàn trùng. Vào mùa Xuân Đinh Hợi 2007, ở tuổi 21, Kusho sẽ thọ giới Tỳ kheo với đức Đạt Lai Lạt Ma, một điều kỳ lạ nữa. Trong lịch sử Tây Tạng, đây là người Việt đầu tiên được chính đức Đạt Lai Lạt Ma truyền thừa và truyền giới.
Năm chú lên bốn, bà mẹ đọc báo thấy có tin là vị Đạo sư Lati Rinpoche sẽ đến thuyết pháp ở Los Angeles. Quá mừng khi được cơ hội gặp vị cao tăng mà mình đã đọc lời giảng trong sách từ khi còn mang thai chú bé, bà dẫn chú đi nghe và năm đó Donald đã quy y với Tulku Lati Rinpoche!
Gần bốn năm trôi qua, rồi vào dịp Tết Kỷ Mão 1999, cả gia đình Donald Phạm đã theo Hoà thượng Geshe La qua Ấn Độ. Chú sẽ ở lại nơi đây. Tết Nguyên đán Kỷ Mão thì xuống tóc, trở thành Sa di Kusho Konchog Osel. Tu viện có 1.500 người cùng học nhưng chú được chính đức Đạt Lai Lạt Ma ân cần phó thác cho vị Viện trưởng Tulku Lati Rinpoche trực tiếp hướng dẫn. Mọi người ân cần gọi chú là Kusho-la.
Hai năm sau, Kusho được đưa lên Dharamsala, miền cực Bắc Ấn Độ, vào học viện Lý luận Phật giáo, Institute of Buddhist Dialectics. Có 300 sinh viên, học viện này nằm gần thị trấn McLeod Ganj của Ấn. Thị trấn được gọi là "Little Lhasa", trụ sở của Chính quyền Lưu vong Tây Tạng, và học viện IBD là nơi đức Đạt Lai Lạt Ma thường giảng pháp.
Trong học viện, tiểu Sa di Kusho là người trẻ nhất và được chú ý vì khả năng lãnh hội lẫn tranh luận. Chú còn được khen là từ tốn khiêm nhường và thường trầm lặng trước mối quan tâm của truyền thông báo chí. Nhiều người đã luận rằng Kusho có thiện nghiệp để trở thành sư, và có phúc duyên được hướng dẫn bởi những vị cao tăng để theo đuổi Phật học đến chỗ thâm sâu.
Ngày nay, Kusho đã thành một vị sư 21 tuổi, và Xuân này sẽ thọ giới Tỳ kheo với chính đức Đạt Lai Lạt Ma, thành Shakya Bikshu Tenzin Drodon.
Nếu tu học để thành sư mà không nghĩ đến việc giúp đỡ người khác thì là một sự lãng phí! Phật giáo Tây Tạng rất chú ý đến việc tu dưỡng Bồ đề tâm, đến Bồ tát hạnh và coi việc giúp đỡ người khác là một bổn phận trọng yếu, một phần không thể tách rời trong đức từ bi của người Phật tử.
Nói đến người khác, Kusho có nghĩ đến người Việt và Phật giáo Việt Nam không?
Vị Sa môn trẻ này cám ơn mẹ cha là những Phật tử đã khuyến khích và giúp đỡ mình trên con đường học đạo.
Chính là tấm lòng yêu thương của bà mẹ đã khiến chú cố gắng tu tập để có thể làm tròn bổn phận với Việt Nam.
Vì vậy, sau giai đoạn tu chứng, nhà sư trẻ còn phải đi một bước rất xa là học hỏi thêm về Việt Nam và Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo Tây Tạng theo Kim cang thừa (Varayana) của Đại thừa Mahayana, nhưng cũng áp dụng phép tu có đặc tính Mật tông và cả Bồ tát hạnh trong những giáo lý nền tảng của Phật giáo Nguyên thủy Theravada. Vì vậy, trong giáo trình đào tạo và tu học, các học viên đều phải thấm nhuần những lý giải Tiểu thừa hay Nguyên thủy. Sau này, Kusho sẽ học thêm về những đặc tính đa diện của Phật giáo Việt Nam và phải thông thạo tiếng Việt để tiếp xúc với Phật tử người Việt.
Một con đường rất dài... Khi viết, Kusho sử dụng cả hai tay, trái và phải, để viết chữ Tây Tạng hay tiếng Anh. Khi học, có lẽ cũng phải nhớ đến tương lai là tìm đến Phật giáo Việt Nam. Vả lại, chính đức Đạt Lai Lạt Ma đã căn giặn như vậy.
Hôm đó, sau khi được Ngài truyền giới, vị tiểu sa môn được đức Đạt Lai Lạt Ma gọi riêng ra chụp chung tấm hình. "Con giữ tấm hình này cho quê hương con, cho nước Việt Nam". Kusho treo tấm hình trong trai phòng tại học viện, như một nhắc nhở hàng ngày.
Việc nhà sư Tenzin Drodon này sẽ chứng đắc học vị Geshe có thể chỉ là thời gian vì tâm nguyện như vậy. Nhưng, việc một người có tâm hồn và giáo dục Việt Nam được tu học thành nhà sư Tây Tạng mới là một hạnh ngộ hiếm hoi.
Lời khuyên của Tulku Lati Rinpoche là Kusho hãy cố gắng tinh tấn tu học để trở thành một sa môn đầy đủ Bồ tát hạnh là Bi, Trí, Dũng để hoằng pháp lợi sanh cho nhân thế. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rõ hơn trong từng buổi gặp gỡ: "Đừng quên Việt Nam. Lòng từ bi và trí tuệ của con sẽ giúp ích rất nhiều cho quê hương con."
Pháp danh Drodon quý hiếm này, có lẽ Ngài chọn cho Kusho để hướng tới trách nhiệm với Việt Nam.
Sông Mekong xuất phát từ vùng đất Kham đã tái sinh của hai vị cao tăng Tây Tạng là Gehse La và Tulku Rinpoche. Nơi con sông này đổ ra biển chính là Việt Nam.
Phải chăng, đức Đạt Lai Lạt Ma đã thấy vạn sự từ đầu nguồn tiền kiếp, mà chưa đến lúc nói ra?
TÓM TẮT
Thật đáng tiếc cho cả nước Mỹ và cả Việt Nam là, chỉ sau chiến thắng vài ngày, Tổng thống Lincoln bị ám sát nên khi Bùi Viện mang Quốc thư của vua Tự Đức sang trở lại nước Mỹ lần thứ hai thì tình hình chính trị ở đây đã thay đổi: Tổng thống mới là Ulysse Grant bận đối phó với hậu quả ngổn ngang của cuộc Nội chiến, tinh thần chia rẽ giữa Nam – Bắc vẫn chưa hàn gắn được, dù Tổng thống Lincoln đã có chính sách khoan hồng tối đa cho phe miền Nam. Chính vì thế, nước Mỹ đau buồn trước sự mất mát một vị Tồng thống tài ba nhất của nước Mỹ, mà nước Việt cũng đau buồn vì cơ hội “ngàn năm một thuở để duy tân đất nước” đã tiêu tan ra mây khói, biết đâu nước ta được duy tân sẽ trở thành một nước Việt cường thịnh trước cả Nhật Bản. Vì chúng ta biết rằng chỉ sau vua Tự Đức ( 1848 – 1883) một thời gian ngắn, tại Nhật Bản với vua Mutsuhito, niên hiệu Meiji, Minh trị Thiên hoàng (1867 – 1912) đã tiến hành một cuộc duy tận hoàn toàn nước Nhật, trở thành một cường quốc ớ châu Á, rồi chiến thắng Tàu và Nga trong hai cuộc hải chiến lẫy lừng. làm rang danh giống da vàng châu Á.
Chính Bùi Viện hội đủ điều kiện tín nhiệm của vua Tự Đức và triều thần, chứ khác hẳn với trường hợp khó khăn hơn của nhà tân học Nguyễn Trường Tộ, vì là giáo dân Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên thái độ lưng chừng, lưỡng lự của triều thần và vua Tự Đức cũng đáng bị Lịch sử phán xét.
Chúng ta ngậm ngùi xúc động trước tấm thịnh tình và lòng yêu nước tha thiết tột đỉnh của hai nhà Tân học Bùi Viện và giáo dân Thiên Chúa giáo Nguyễn Trường Tộ.
Dù sao, với việc có một nhà sư người Mỹ gốc Việt trờ thành một Cao tăng Tây Tạng vào năm 2008, cũng đem lại nhiều niềm hãnh diện và an ủi cho non nước Tiên Rồng. Mong thay một cơ duyên mới sẽ đến!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét