Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

HOA KỲ: “ĐỒNG MINH LÀ NỀN TẢNG TRONG NỖ LỰC TÁI CÂN BẰNG TẠI CHÂU Á”


http://online.wsj.com/article/SB10001424127887323353204578126592329167294.html?mod=googlenews_wsj

Đặng Khương chuyển ngữ, Laura Meckler, WSJ
Bangkok, Thái Lan – Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã hạ cánh xuống thủ đô Thái Lan, một đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ, trong một chuyến đi cấp tốc đến châu Á. Chuyến đi này sẽ bao gồm cuộc gặp gỡ cấp cao với lãnh đạo Miến Điện và sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Hoa Kỳ đến nước này.
Chuyến đi của ông sẽ kết thúc ở Campuchia, nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, một diễn đàn mà Hoa Kỳ sử dụng để đẩy mạnh sự ảnh hưởng của họ trong khu vực.
Tổng thống Obama sẽ có mặt ở khu vực châu Á chỉ vỏn vẹn ba ngày, tranh thủ thời gian giữa các cuộc đàm phán Quốc hội về ngân sách vào hôm thứ Sáu và ngày nghỉ truyền thống trước Lễ Tạ Ơn vào ngày thứ Tư tới đây.
Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết rằng chuyến đi này rất quan trọng đối với nỗ lực của ông Obama nhằm tách khỏi sự chú ý từ Trung Đông sang trục châu Á, nơi mà tổng thống đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng của lực lượng quân sự Hoa Kỳ, cũng như ảnh hưởng kinh tế và chính trị – một phần nhằm đối trọng lại với sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nhưng ngay cả khi ông công du đến châu Á thì mặt khác ông phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, giữa lúc bạo lực vẫn tiếp tục diễn ra giữa Israel và Hamas.


Tại Thái Lan, ông Obama đã được chào đón bằng thảm đỏ bởi các quan chức Thái Lan, từ cửa máy bay Air Force One đến đoàn xe của ông ở gần bên cạnh. Sau đó, ông cùng Ngoại trưởng Hillary Clinton đã thăm di tích lịch sử mang tính biểu tượng tôn giáo, Tu viện Hoàng gia Wat Pho.
Ông Obama cũng sẽ đến thăm Vua Bhumibol Adulyadej và gặp gỡ với Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh lại mối quan hệ lâu dài với Thái Lan, nhằm gửi một thông điệp tới các nước còn lại trong khu vực rằng: Vẫn có nhiều giá trị trong việc quan hệ với Hoa Kỳ.
“Đồng minh là nền tảng trong nỗ lực tái cân bằng của chúng tôi ở châu Á”, Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia, cho phóng viên biết trên đường đến châu Á.
Thứ Hai này, ông Obama sẽ đến Myanmar, nước mà trong 18 tháng qua đã trải qua nhiều chuyển đổi từ các lãnh đạo quân sự tàn bạo sang nền dân chủ – vày chuyến thăm này nhằm tiếp tục khuyến khích các thay đổi cần thiết. Ông Obama có thể sẽ công bố thêm các viện trợ cho Miến Điện.
“Chúng tôi thấy tiềm năng to lớn trong mối quan hệ đó [Hoa Kỳ - Miến Điện], cả về những gì Hoa Kỳ có thể làm để thúc đẩy quá trình chuyển đổi dân chủ tại Miến Điện, nhưng cũng hiểu rằng Miến Điện là một nước quan trọng nằm trong một khu vực quan trọng, và có thể trở thành một đối tác của Hoa Kỳ theo cách mà mang lại những lợi ích rộng lớn hơn”, ông Rhodes nói. Hoa Kỳ đề cập đến tên đất nước là “Burma” vì họ chưa bao giờ công nhận chế độ độc tài quân sự đã đổi tên nước này sang Myanmar. Trước chuyến đi, các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ không có kế hoạch thay đổi cách tiếp cận đó.
Một số tổ chức nhân quyền quốc tế nói rằng chính phủ Thein Sein cần phải làm nhiều hơn nữa để chứng minh sự thành thật trước chuyến viếng thăm của tổng thống. Họ chỉ trích những bạo lực sắc tộc dữ dội chống lại các nhóm thiểu số người Hồi giáo, tiếp tục bỏ tù các đối thủ chính trị và việc hiến pháp Miến Điện giữ 25% số ghế cho các thành viên quân đội trong quốc hội.
“Chuyến viếng thăm Miến Điện làm được rất nhiều điều: làm nên lịch sử, thúc đẩy cải cách, và đối trọng lại với Trung Quốc. Nhưng có một điều mà họ không làm là đưa ra các chiến lược thúc đẩy quyền con người”, John Sifton thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền [Human Rights Watch] nói. “Và đây là lý do tại sao chủ đề này rất quan trọng, tổng thống ít nhất cần đảm bảo để nhắc đến một số chủ đề này, chẳng hạn như việc trả tự do cho các tù nhân chính trị. Nếu không thể làm được thì chuyến thăm sẽ hoàn toàn là một mất mát rất lớn”.
Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng những bước tiến trong thời gian qua như gửi Ngoại trưởng Clinton đến Miến Điện, bổ nhiệm đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ trong 22 năm và nới lỏng các trừng phạt kinh tế – đã được đáp ứng cùng với các cải cách sâu rộng. Họ [lãnh đạo Miến Điện] cũng mong đợi nhiều từ chuyến thăm của Tổng thống Obama, trong đó sẽ bao gồm một bài diễn văn gửi đến nhân dân tại đây và thăm các nhà hoạt động dân chủ cũng như gặp gỡ lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi tại nhà bà, nơi bà từng bị quản thúc tại gia trong 15 năm.
Nhà Trắng cho biết thông điệp của ông Obama là tiếp tục kêu gọi nước này cải cách thêm nữa. “Đây là một thời điểm quan trọng mà chúng tôi tin rằng các lãnh đạo Miến Điện đã đi trên con đường đúng đắn, và quan trọng hơn nữa là chúng tôi không bỏ lỡ khoảnh khắc này để tiếp tục thúc giục họ tiếp tục thay đổi. Chúng tôi muốn làm cho tiến trình này không thể đảo ngược”, Danny Russel – Giám đốc Cấp cao về châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết.
Các bước tiến của Miến Điện trong việc cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ và các quốc gia khác được xem như một thách thức đối với mối quan hệ mạnh mẽ truyền thống với Trung Quốc trong khu vực này. Tuy nhiên, trước chuyến thăm, một quan chức cấp cao Trung Quốc cho báo chí nước ngoài biết rằng Trung Quốc không nghĩ chuyến đi của ông Obama là mối đe dọa đối với họ.
“Chúng tôi tin rằng Hoa Kỳ không có ý đến đây để đe dọa Trung Quốc, và Trung Quốc cũng không có ý định để đặt ra các mối đe dọa đối với Hoa Kỳ”, Thứ trưởng Ngoại giao Fu Ying cho biết hôm thứ Bảy.
Chuyến đi của ông Obama sẽ kết thúc ở Campuchia, một quốc gia khác với các hồ sơ nhân quyền đầy phức tạp. Nhà Trắng cho biết ông Obama không sẽ thăm nước này hoặc gặp gỡ với Thủ tướng Hun Sen, nếu Campuchia không phải là nước chủ nhà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và tổ chức cuộc họp Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
Một làn sóng ngầm được cho biết là Hoa Kỳ đã nỗ lực ủng hộ các các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực để sử dụng diễn đàn đa phương này nhằm thiết lập một bộ quy tắc ứng xử đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông. Hơn một nửa tổng số thương mại thế giới đi qua vùng biển này, nơi mà Trung Quốc lên tiếng tuyên bố chủ quyền bao gồm hầu như tất cả diện tích và tranh chấp với các nước nhỏ hơn như Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Hoa Kỳ cho biết họ giữ thế trung lập đối với các tranh chấp nhưng muốn đảm bảo tự do đối với các tuyến đường vận chuyển. Trung Quốc đã từng lên tiếng rằng tranh chấp nên được giải quyết thông qua đàm phán song phương với các nước láng giềng nhỏ hơn, trong khi đó Hoa Kỳ ủng hộ cách giải quyết mang tầm vóc khu vực. Thực tế thì cơ hội giải quyết vấn đề này tại Hội nghị Thượng đỉnh có vẻ rất mỏng manh, đặc biệt giữa lúc Trung Quốc đang trải qua một quá trình chuyển đổi lãnh đạo. Bắc Kinh có thể cảm thấy rằng họ cần thiết phải tiếp tục chính sách mà nước họ đã đề ra liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét