Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

NHỮNG GÌ ĐẰNG SAU VỤ VINALINES


Giáo sư Carl Thayer

Gửi cho BBCVietnamese.com từ Úc

Cập nhật: 09:40 GMT - thứ tư, 23 tháng 5, 2012


Dư luận đang chú ý vào ông Dương Chí Dũng và bà Đặng Thị Hoàng Yến
Trong nhiều năm nghiên cứu chính trị Việt Nam, tôi chưa bao giờ chứng kiến một nỗ lực kiểm soát thông tin về các động thái nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam chặt chẽ như trong những năm gần đây.
Giới chức cộng sản đã thành công trong việc làm nhụt chí báo giới nước ngoài ở Việt Nam, và ít ai trong số phóng viên thường trú ở Hà Nội nay dám cả gan tường thuật về chính trị nội bộ Việt Nam như những người đi trước, thí dụ Murray Hiebert (Far Eastern Economic Review) và Robert Templer (AFP).
Đảng gia tăng kiểm soát các cơ quan tuyên truyền và hạn chế truyền thông Việt Nam tiếp cận các hội nghị và họp hành của Đảng.
Nhận định của tôi về kiểm soát thông tin quanh các quyết định nội bộ trong Đảng được đúc kết ra từ tường thuật các tranh luận hiện thời về việc sửa đổi Hiến pháp, cũng như chiến dịch chống tham nhũng và chỉnh đốn Đảng.
Toàn bộ các tường thuật của báo giới Việt Nam về kết quả Hội nghị Trung ương 5 vừa rồi đều thiếu vắng chi tiết. Điều này, theo tôi, chỉ dấu rằng đang có mâu thuẫn lớn trong nội bộ Đảng về cả các chính sách và các cá nhân.
Mạng lưới quyền lực
Việt Nam hẳn đang bấn loạn vì các bê bối nhiều tỉ đôla liên quan các tập đoàn khổng lồ của nhà nước là Vinashin và Vinalines. Hai bê bối này có liên hệ trực tiếp tới trọng tâm chính trị Việt Nam hiện nay vì chúng dính líu tới mạng lưới ngầm của quyền lực về kinh tế và chính trị.
Nói cách khác, Vinashin và Vinalines không chỉ dính líu tới các chủ tịch, giám đốc, nhân viên của hai tập đoàn, mà các ông bầu chính trị đằng sau họ.
Các tập đoàn này đã được tung hoành mà không cần minh bạch và thiếu giám sát có hiệu quả. Năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải xin lỗi trước Quốc hội vì bê bối Vinashin.
Rõ ràng là phong cách lãnh đạo tùy hứng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vốn khiến cho quyền lực tập trung ngày càng nhiều vào tay thủ tướng, đã khiến Đảng và các cơ quan của Đảng bị giảm quyền lực để có thể giám sát và kiểm soát hiệu quả. Mạng lưới sâu rộng của Thủ tướng vừa là cầu thủ vừa là trọng tài trong nền kinh tế Việt Nam.
Cần nhớ rằng chính ông Nguyễn Tấn Dũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng do ông đứng đầu, sau khi ông được bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ đầu tiên.
Tại Hội nghị Trung ương 5, quyết định thành lập một Ban Chỉ đạo Trung ương mới chống tham nhũng có vẻ là một trong các bước đầu tiên của Đảng nhằm tái lập kiểm soát với chính phủ.
Nếu các tin tức là chính xác, Thủ tướng sẽ thôi chức trưởng ban và thay vào đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ban Nội chính Trung ương sẽ đóng vai trò thường trực của Ban Chỉ đạo mới.
Hai trường hợp
Nếu chính trị Việt Nam hiện thời phản ánh cả chính sách lẫn cá nhân, nó có thể giải thích cơn khốn khó của đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến và lệnh bắt ông Dương Chí Dũng, cựu lãnh đạo Vinalines.
Bà Hoàng Yến được đồn là thân cận với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Sự nghiệp kinh doanh lên như diều gặp gió của bà được đánh dấu bằng nhiều lần xuất hiện trước công chúng với các bức hình chụp cùng ông Sang.
Đơn xin từ nhiệm của bà bị Thường vụ Quốc hội bác bỏ với lý do các đại biểu đánh mất lòng tin nhân dân chỉ có thể bị Quốc hội bãi nhiệm. Nếu bà Yến từ nhiệm, câu chuyện đã kết thúc. Nay bà sẽ phải đối diện cuộc bỏ phiếu gây hổ thẹn tại Quốc hội.
Thủ tướng Dũng, về phần mình, thì phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ các tập đoàn kinh tế nhà nước. Lệnh bắt ông Dương Chí Dũng và các quan chức khác của Vinalines có thể được xem là nhằm giảm bớt phe cánh của Thủ tướng, tương tự như khi các lãnh đạo Vinashin bị truy tố.
Cuộc đấu tranh nội bộ ngầm hiện tại giải thích vì sao đang có một đợt trấn áp đáng kể nhắm vào các blogger và phóng viên kể từ sau Đại hội Đảng XI.
Giới chức an ninh, sau khi đã thuần phục truyền thông nước ngoài, quay sang bịt miệng các nguồn thông tin khác duy nhất còn lại nói về chính trị nội bộ của Việt Nam.
Chính phủ cần đưa ra các quyết định lớn về cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, sở hữu đất đai và chống nạn tham nhũng. Các quyết định này sẽ tác động tới mạng lưới quyền lực và bảo trợ ở các cấp độ.
Nếu vụ Đặng Thị Hoàng Yến và Dương Chí Dũng báo trước một sự chia rẽ nội bộ trong Đảng vì các chính sách và các cá nhân, thì Việt Nam dường như sẽ bước vào một giai đoạn bất an về chính trị. Tình hình này sẽ lại càng trầm trọng thêm vì nền kinh tế yếu kém.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét