Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

XU HƯỚNG CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM RA SAO?

Xu hướng chính trị ở Việt Nam ra sao?

Lê Quỳnh

BBCVietnamese.com, London

Cập nhật: 23:01 GMT - thứ tư, 23 tháng 5, 2012

Bốn nhà nghiên cứu về Việt Nam nói với BBC nhận định của họ về chính trị Việt Nam và viễn cảnh có dân chủ hóa hay không.
Điểm tham chiếu cho cuộc trao đổi qua email là Bấm một tiểu luận đăng trên Tạp chí Dân chủ (Journal of Democracy) số tháng Tư 2012, của Tiến sĩ người Anh Martin Gainsborough.

Đây là một trong vài nghiên cứu hiếm hoi gần đây của người nước ngoài tìm cách giải thích vì sao nền chính trị “không ưa các giá trị tự do” tồn tại ở cả ba nước Lào, Campuchia và Việt Nam.
Ba quốc gia này dù khác nhau nhưng cũng lại có nhiều điểm chung, theo ông Gainsborough, người từng có thời gian dài làm nghiên cứu thực địa tại Việt Nam.
Tác giả nhấn mạnh yếu tố văn hóa chính trị - vị nể tầng lớp trên và quan hệ mang tính gia trưởng – để giải thích trục liên hệ Nhà nước - Công dân ở ba nước. Nền văn hóa chính trị mà giới cầm quyền ở cả ba nước chia sẻ khiến họ bác bỏ đa nguyên và nghi ngờ mọi tổ chức độc lập và xã hội dân sự.
Dân chủ tự do phương Tây cũng khó nảy mầm ở ba nước vì “sự trỗi dậy của ‘chính trị tiền bạc" và "thương mại hóa nhà nước". Đây là hiện tượng có quyền là có tiền, và Nhà nước cùng doanh nghiệp sống dựa vào nhau.
BBC đã mời bốn tiến sĩ nghiên cứu Việt Nam bình luận về tiểu luận Bấm “Elites vs. Reform in Laos, Cambodia, and Vietnam” và thử dự đoán diễn biến chính trị sắp tới.
Bấm Tiến sĩ Lê Sỹ Long, Đại học Houston, Hoa Kỳ:
"Một khi công chúng càng không xem Đảng Cộng sản là vĩ đại, thì càng có nhiều người kêu gọi một hình thức chính trị đa nguyên nhất định"
Tiến sĩ Lê Sỹ Long
Theo tôi hiểu, Martin biện luận rằng không thể xảy ra sụp đổ chính thể ở Việt Nam, và chính phủ Việt Nam không gặp thách thức nghiêm trọng. Ông cũng đặt ra một số con đường mà Việt Nam sẽ đi, nhưng nói “điều chắc chắn là sự thắng thế to lớn và đột ngột của tư tưởng chính trị tự do là kết quả ít khả thi nhất”.
Nhìn chung, không hẳn là tôi bất đồng với luận điểm chung của Martin. Điểm duy nhất tôi muốn nói là dường như Martin đánh giá thấp những “sự đứt gãy cơ cấu” và “điểm bước ngoặt” đang xuất hiện ở Việt Nam, mà sẽ quyết định con đường đi của chính phủ.
Những “đứt gãy cơ cấu” bao gồm thất bại trong kiểm soát tham nhũng, yếu kém căn bản trong hệ thống kinh tế và tài chính (liên tục lạm phát cao, bất ổn giá, bộ máy hành chính cồng kềnh…), sự kém hiệu năng của chính phủ (phụ thuộc các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, các vụ thu hồi đất gây tranh cãi…). Tuy vậy, tôi phải thừa nhận rằng những “đứt gãy cơ cấu” thường được dự báo ít khi nào xảy ra.


Chính quyền Việt Nam vẫn có khả năng hóa giải các phong trào 'ngoài luồng'
Những “điểm bước ngoặt” là hoạt động của các nhóm vì quyền lao động, đất đai, nhân quyền, dân chủ, tôn giáo. Các hoạt động này trước đây tương đối tách biệt nhau, nhưng nay bắt đầu tương tác bất chấp sự đàn áp của nhà nước. Theo một số tường thuật, sự kết nối gia tăng giữa các nhóm xã hội dân sự này là do nhà nước một đảng không thể đáp ứng đòi hỏi của dân chúng.
Như Carl Thayer từng nhận xét, rủi ro bất ổn chính trị hay bất ổn xã hội xảy ra vì sự phê phán chính sách ở một lĩnh vực này lại có thể lan qua các lĩnh vực khác. Tuy vậy, tôi cũng thừa nhận những “điểm bước ngoặt” không thể xảy ra trừ phi có ủng hộ, ít nhất ngấm ngầm, từ các nhóm khác hay một liên minh quan trọng bên trong Đảng.
Tuy vậy, tôi cho rằng những “sự đứt gãy cơ cấu” và “điểm bước ngoặt” hiện đang khiến Đảng khó duy trì hiện trạng như lâu nay. Các vụ như bauxite, Trường Sa và Hoàng Sa, và thu hồi đất đã dẫn đến tranh luận về cải cách – làm thế nào xây dựng một chính phủ có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp.
Một khi công chúng càng không xem Đảng Cộng sản là vĩ đại, thì càng có nhiều người kêu gọi một hình thức chính trị đa nguyên nhất định.
Sụp đổ chính thể rất khó xảy ra chủ yếu vì hệ thống Đảng ở Việt Nam rất giỏi thu nạp các vấn đề nóng bỏng từ mọi phong trào “bước ngoặt”.
Về căn bản, cản trở cho kêu gọi cải tổ hiện nay là thiếu đồng thuận và động lực. Hai điều này thường xảy ra từ “sự đứt gãy cơ cấu” (như cải tổ kinh tế năm 1986) khi một liên minh tìm được đồng thuận để thúc đẩy thay đổi lớn.
Cuối cùng, tôi đồng ‎ý với Martin rằng nếu những biến chuyển có xảy ra, thì tư tưởng chính trị tự do cũng sẽ không thắng thế. Tuy vậy, những thay đổi chuyển hóa sẽ có thể đánh dấu một cột mốc quan trọng để đem lại “diễn biến hòa bình” mà từ lâu thiếu vắng trong lịch sử chính trị Việt Nam.
Bấm Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, nhà tư vấn về xã hội dân sự, Hội An, Việt Nam:
Martin Gainsborough rõ ràng đúng khi nói có những khía cạnh phi dân chủ trong văn hóa chính trị của Việt Nam (cũng như Lào và Campuchia) mà đã tồn tại từ những chính thể trước kéo dài cho đến ban lãnh đạo hiện nay. Nhưng tôi không nghĩ điều này quyết định những thay đổi tương lai. Nhiều nước Đông Á và Đông Nam Á có những khía cạnh tương tự, vậy mà một số (Indonesia, Nam Hàn, Đài Loan…) đã trở thành các nền dân chủ hoạt động tương đối tốt, và cũng có những nước chưa thành công.
Một chi tiết rút ra được từ phân tích của Tiến sĩ Gainsborough là dân chủ hóa phụ thuộc vào thay đổi trong xã hội và văn hóa chính trị. Nó không chỉ là thay một nhóm cai trị này bằng một nhóm khác. Một phần vì nhận thức này mà đa số các tác nhân của xã hội dân sự hiện nay không xem đối lập chính trị là ưu tiên.


Các lãnh đạo Hàn Quốc đã tạo ra cuộc biến đổi sang dân chủ
Bằng cách thực hiện các dự án cộng đồng và làm gương trong hoạt động, xã hội dân sự có thể đóng vai trò xây dựng để thúc đẩy một xã hội và nền văn hóa dân chủ hơn, ngay cả bên trong hệ thống chính trị hiện hành. Người ta không thể dự đoán khi nào hoặc liệu thay đổi chính trị có xảy ra hay không, nhưng sự tham gia về xã hội và văn hóa có thể diễn ra bất kỳ lúc nào.
Trong bài, tác giả cũng đặt câu hỏi làm thế nào ngăn chặn việc lợi dụng chức vụ để tư lợi. Tôi muốn chỉ ra rằng việc này không nhất thiết đồng nghĩa với dân chủ hóa. Một số nền dân chủ như Ấn Độ, Philippines cũng gặp vấn đề tham nhũng và lạm dụng quyền lực, trong khi một số nước phi dân chủ (Singapore, hay có lẽ Cuba) lại có tiến bộ giải quyết những vấn đề này.
Mọi hệ thống đều phải đi tìm giải đáp cho câu hỏi có thể làm gì khi các lãnh đạo vượt quá lằn ranh cho phép: hoặc bỏ phiếu loại bỏ họ, hoặc lật đổ qua các phong trào dân chúng, hoặc kỷ luật nội bộ. Hiện nay Việt Nam chỉ có cơ chế thứ ba, và cách này chỉ hiệu quả nhất định trong một thời gian.
Bấm Tiến sĩ Dr. Jörg Wischermann, Viện Nghiên cứu châu Á, Hamburg, Đức:
Martin Gainsborough có cái nhìn đáng chú ‎ ý về ba chính thể độc đoán ở Đông Nam Á và phân tích tác động của các lực lượng kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội giúp duy trì hiện trạng cũng như những lực lượng có thể dẫn đến thay đổi (hạn chế) của ba chính thể.
Giả định đằng sau phân tích của ông ấy là sự đối lập giữa văn hóa chính trị và quyền lợi của “giới tinh hoa” và bên kia là cái ông gọi là sự tham gia xã hội dân sự của một bộ phận giai cấp trung lưu. Sự đối lập này tạo thành trọng tâm cho khung lý‎ thuyết mà tác giả dùng để phân tích các góc cạnh của nguyên trạng và thay đổi ở ba nước.
"Cách hiểu văn hóa như thế có thể bị tranh cãi nhiều. Nó có vẻ tương tự cái nhìn về những nước Ả Rập bị coi là thù nghịch với sự thay đổi – cho đến khi Mùa xuân Ả Rập hủy diệt những gì còn sót lại từ giả định này. "
Tiến sĩ Dr. Jörg Wischermann
Và ưu điểm cũng như nhược điểm trong phân tích của tác giả cũng nằm ở đây. Về căn bản, ông xem văn hóa là một hiện tượng xã hội cụ thể đại diện cho tính cách cốt lõi của một dân tộc, và ông cố gắng gắn hành vi của con người vào những cấu trúc hạn chế, định sẵn. Gainsborough cho rằng ở cả ba nước, văn hóa chính trị mang tính gia trưởng và độc đoán, và hiện trạng chính trị, kinh tế được các lợi ích kinh tế giúp duy trì. Trái ngược với nó, xã hội dân sự được mô tả như lực đẩy thay đổi từ từ.Bấm
Cách hiểu văn hóa như thế có thể bị tranh cãi nhiều. Nó có vẻ tương tự cái nhìn về những nước Ả Rập bị coi là thù nghịch với sự thay đổi – cho đến khi Mùa xuân Ả Rập hủy diệt những gì còn sót lại từ giả định này. Điểm thứ hai, về vai trò của xã hội dân sự như nguồn gốc của sự đổi thay từ từ, đáng tin hơn và có thể có nhiều bằng chứng thực tiễn ít nhất trong trường hợp Việt Nam.
Ở phần cuối, Gainsborough làm một điều khá hiếm là nhìn về tương lai của ba chính thể. Thật không may, ông chỉ đưa ra các kịch bản theo những điểm tham chiếu quen thuộc (dân chủ hóa ở Nam Hàn và Đài Loan; chia rẽ trong hàng ngũ của “giới tinh hoa”….). Một lần nữa, ông cho rằng sức mạnh của một nền văn hóa chính trị độc đoán sẽ hạn chế cố gắng thay đổi toàn diện chính thể (một kết luận mà theo tôi, ông không chứng minh ít nhất về thực nghiệm).
Phần cuối bài và đề cập liên tục của tác giả về sức mạnh khống chế của văn hóa chính trị khiến độc giả ngạc nhiên. Làm sao Đông phương luận (Orientalism) có thể hồ hởi sống lại ở Đông Nam Á, một năm sau khi Mùa xuân Ả Rập đã hủy diệt những gì còn lại của tư duy ấy?
Vì sao Gainsborough không giới hạn lập luận trong những gì có thể quan sát rõ ràng và đã được ông phân tích kỹ ở những tác phẩm trước đó: sự đối lập quyền lợi giữa các tầng lớp trong xã hội Việt Nam, và cố gắng của các giới nhằm khống chế nhà nước và chính sách của nhà nước.
Nếu tác giả làm thế, hẳn ông đã kết luận rằng hiện nay có một sự thống trị tạm thời và mong manh của một lớp người có ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, và nhà nước mà họ khống chế có các chính sách nhằm xoa dịu giai cấp lao động và nông dân (hai cột trụ của chế độ cộng sản) mà bỏ qua giai cấp trung lưu. Ví dụ là chính sách chống lạm phát mà đã gây ra phá sản cho khoảng 100,000 đến 150,000 doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.
Bấm Tiến sĩ Tường Vũ, Phó Giáo sư Khoa Chính trị học, Đại học Oregon, Hoa Kỳ:
Martin Gainsborough đúng khi cho rằng văn hóa chính trị của giới tinh hoa và một xã hội dân sự yếu ớt tạo thành những thách thức to lớn cho dân chủ tự do (liberal democracy).


Cảnh sát Jakarta và người biểu tình năm 1999: hiện chưa rõ Việt Nam theo mô hình Đài Loan hay Indonesia
Nhưng dân chủ tự do chỉ là một hình thức của dân chủ. Các nền dân chủ châu Á như Nhật Bản và Nam Hàn, ở nhiều mặt, là phi tự do. Ví dụ, theo Luật An ninh Quốc gia từ năm 1948, chính phủ Nam Hàn có thể truy tố và tống giam người dân chỉ vì họ ca ngợi Bắc Hàn. Năm 2010, 151 người bị thẩm vấn vì nghi ngờ vi phạm Luật An ninh Quốc gia.
Số lượng người bị truy tố vì có hoạt động 'thân Bắc Hàn' trên mạng là 82 người năm 2010.
Sang năm 2011, có 178 trang web nội địa bị đóng cửa vì bị cho là có nội dung 'ủng hộ Bắc Hàn'.
Để có dự đoán chính xác hơn, có lẽ chúng ta cần giới hạn sự thảo luận về một hệ thống thực tiễn hơn, ví dụ nền dân chủ có bầu cử đa đảng như Indonesia. Hệ thống này dĩ nhiên không hoàn hảo, nhưng từ góc nhìn tự do, nó vẫn tốt hơn nhiều so với chế độ độc tài toàn trị hiện nay ở Việt Nam.
Nếu ta nghĩ theo hướng này, khả năng chuyển đổi cao hơn nhiều ngay cả khi không thể nói chính xác khi nào nó xảy ra. Khó đoán là vì thông thường, chuyển đổi chỉ xảy ra khi nhiều sự kiện cùng kết hợp.
"Tôi thấy Indonesia và Ai Cập là kịch bản khả dĩ hơn cho Việt Nam, chứ không phải Nam Hàn và Đài Loan, do mâu thuẫn giữa các phe trong Đảng Cộng sản, quản lý kinh tế kém và sự tụt giảm chất lượng cuộc sống mấy năm qua, cũng như sự gia tăng tham nhũng và bạo lực của cảnh sát."
Tiến sĩ Tường Vũ
Thử nghĩ về sự sụp đổ của chính thể Suharto ở Indonesia năm 1998. Nó xảy ra vì khủng hoảng kinh tế và chuyện kế vị. Trước đây khủng hoảng kinh tế đã từng có nhưng chỉ khi kết hợp vấn đề kế vị, nó mới khiến chính thể Suharto sụp đổ. Năm 2011 ở Ai Cập, cũng là vấn đề kế vị và sự xuất hiện đột ngột của một biểu tượng tử sĩ khiến sự phẫn nộ dồn nén lâu nay bùng phát chống sự tàn bạo của cảnh sát.
Tôi thấy Indonesia và Ai Cập là kịch bản khả dĩ hơn cho Việt Nam, chứ không phải Nam Hàn và Đài Loan, do mâu thuẫn giữa các phe trong Đảng Cộng sản, quản lý kinh tế kém và sự tụt giảm chất lượng cuộc sống mấy năm qua, cũng như sự gia tăng tham nhũng và bạo lực của cảnh sát.
Dĩ nhiên, việc chuyển giao quyền hành ở Việt Nam được thể chế hóa tốt hơn Indonesia và Ai Cập. Nhưng kể từ 2006, ta chứng kiến việc tập trung quyền hành vào tay Thủ tướng và phe của ông. Chưa rõ liệu phe này có khả năng thể chế hóa ưu thế của họ tại Đại hội Đảng lần sau hay không.
Nói về nguồn gốc thay đổi, những gì Đảng Nhân dân Hành động làm ở Singapore cũng không xảy ra được ở Việt Nam, vì đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam thậm chí chưa bao giờ chấp nhận khái niệm đối lập. Đi từ “dân chủ tập trung” đến “đối lập trung thành” là con đường quá xa cho họ. Ngược lại, các đảng đối lập ở Singapore, dù yếu, vẫn luôn tồn tại. Do thiếu sự đối lập có tổ chức ở Việt Nam, một kịch bản như ở Liên Xô (một phe hay cá nhân trong Đảng, Boris Yeltsin, dẫn dắt thay đổi đột ngột) là khả dĩ hơn.
Liệu sẽ có Yeltsin ở Việt Nam hay không, và người đó như thế nào, sẽ phụ thuộc sự kết hợp các yếu tố kể trên. Nhưng ngày hôm nay, sự kết hợp đó có vẻ khả thi hơn so với 5 năm trước.
Quý vị có ý kiến về các nhận định này xin Bấm chia sẻ với BBC Tiếng Việt.

GIỚI THIỆU SÁCH “VIỆT NAM : NHÌN LẠI CHẾ ĐỘ” của Martin Gainsborough

Giới thiệu sách – Việt Nam: Nhìn lại chế độ
Nguồn: Ben Bland, Global Asia

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
01/10/2011

http://www.x-cafevn.org/node/1580

Ben Bland điểm sách Việt Nam: Nhìn lại chế độ (Vietnam: Rethinking The State ) của Martin Gainsborough, NXB Zed Books, 2010.
http://ecx.images-amazon.com/images/I/41s1b5Xa8pL._SL500_AA300_.jpg


Bóc trần ‘Đổi mới’

Lang thang ở trung tâm Hà Nội, nơi những biểu ngữ chạy khẩu hiệu của Đảng Cộng sản giăng ngang đường phố của những gian hàng nữ trang, những tiệm quần áo hàng hiệu và những nhà hàng sang trọng, thật dễ để bị lôi cuốn vào quan điểm đã được chấp nhận về Việt Nam đã làm cách nào để đạt được ngày hôm nay.

Quan điểm này, vốn được chia sẻ bởi Đảng Cộng sản cũng như nhiều học giả quốc tế, cho rằng từ năm 1986 khi chính quyền phát động một chương trình toàn khắp về việc cách tân kinh tế theo hướng thị trường – tiếng Việt gọi là đổi mới – nhằm tiếp sức cho nền kinh tế đã dậm chân tại chỗ vì những giới hạn của hợp tác xã nông nghiệp và kế hoạch tập trung. Việc triển khai và mở rộng thành công của kế hoạch này trong 24 năm kế tiếp đã chuyển biến tương lai Việt Nam khi chính quyền rút lui khỏi kinh tế và lĩnh vực tư nhân thăng hoa. Từ đó Việt Nam đã chuyển từ một nước cô lập, nghèo khó trở thành một quốc gia sôi động với thu nhập ở mức trung bình. Đó là lập luận thường thấy.

Tuy nhiên, một bổ xung mới vào dòng sách vốn rất giới hạn về Việt Nam đương đại đã tìm cách đập tan sự thừa nhận dễ dãi này. Trong cuốn sách phá vỡ thần tượng Việt Nam: Nhìn lại Chế độ của mình, Martin Gainsborough, một giảng viên chính trị tại Đại học Bristol ở Anh Quốc, đã lập luận rằng mọi cố gắng nhằm phân tích nền chính trị của Việt Nam qua lăng kính “đổi mới” đều sai lầm về cơ bản.

Gainsborough, một người vừa trở thành một tu sĩ Anglican, thừa nhận rằng trong hơn 20 năm qua Việt Nam “đã trải qua một chuyển biến từ một hệ thống kế hoạch tập trung trở thành một hệ thống chú trọng vào thị trường để phân phối hàng hoá và dịch vụ,” và rằng sự chuyển biến này đã dẫn đến việc hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới và nâng cao thu nhập bình quân. Nhưng ông nói rằng quá trình này, vốn được thúc đẩy bởi một loạt những thành phần, nên được hiểu một cách thẳng thừng là “thị trường hoá” hơn là đổi mới.

Gainsborough liệt kê bốn trở ngại lớn trong quan điểm đồng thuận về quá trình đổi mới ở Việt Nam.
Thứ nhất, nó nhấn mạnh quá nhiều vào thay đổi hơn là tiếp diễn.
Thứ hai, nó phóng đại tầm mức về việc chính sách là yếu tố quyết định thay đổi và vai trò của giới cầm đầu chính trị đang kiểm soát sự thay đổi này.
Thứ ba, nó hiểu sai về tính chất của nền chính trị ở Việt Nam, vốn trên thực tế là “một tập hợp tạp nham của những tác động và phản tác động từ giới lãnh đạo” và “rất không rõ ràng như thường được nghĩ.”
Cuối cùng, nó khuyến khích một cố gắng sai lầm nhằm chia Đảng Cộng sản ra làm hai thành phần “đổi mới” và “bảo thủ”.
Ông viết: “Tuy nhiên, những gì chúng ta khám phá ra là nền chính trị này không nhắm vào những tranh chấp giữa những vị thế chính sách đối chọi nhau – giới lãnh đạo Việt Nam rất hời hợt về chính sách – mà về tiền bạc, sự bảo trợ và sự liên kết bè phái chính trị lỏng lẻo liên quan đến cá nhân.” Sự mê hoặc sai lạc đối với quá trình đổi mới này đã làm mờ mắt hầu hết các nhà quan sát quốc tế trước thực chất về sự thay đổi của nền kinh tế (và, trong giới hạn nhỏ hơn, của nền chính trị) trong hai thập niên qua.

Gainsborough đặc biệt có vấn đề với quan điểm rằng sự rút lui của nhà nước ra khỏi kinh tế và việc nuôi dưỡng một thành phần doanh nghiệp tư nhân là động cơ thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng ở Việt Nam. Rút tỉa từ nghiên cứu thực tế kinh doanh ở Thành phố Hồ Chí Minh và ở những tỉnh xa hơn như Lào Cai và Tây Ninh, ông nhấn mạnh rằng chính quyền, trên thực tế đã tăng cường sự kiểm soát của mình trong kinh tế khi mức tăng trưởng nhảy vọt từ những năm 1990 trở về sau.

Các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty Việt Nam thường than phiền rằng luật lệ và cơ cấu pháp lý trong nhiều ngành công nghiệp vẫn không rõ ràng và đồng nhất. Đây không phải là điều ngẫu nhiên, vì chính quyền Việt Nam sử dụng tính chất mơ hồ như là một “công cụ quản lý”, Gainsborough nói. “Để thành công trong kinh doanh, các công ty vẫn phải dựa dẫm nhiều vào chính quyền để có được giấy phép, hợp đồng, quyền truy cập vốn, đất đai và, rất thường xuyên là sự bảo kê,” ông viết.

Vì thế, trong khi có những than phiền ngày càng nhiều từ cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi giảm bớt giới hạn và tăng cường sự minh bạch trong luật lệ, “những lời kêu gọi này tương đối yếu ớt so với sự hào hứng mà nhiều công ty, vì cần thiết, phải chạy theo lòng bố thí của chính quyền.”

Gainsborough ít khi bỏ qua một yếu tố nào trong luận chứng của mình, đa phần được viết rất súc tích, ngay cả khi ông tìm cách khẳng định một giả thuyết chung về chính quyền có thể làm cho những độc giả không chuyên về nghiên cứu phải vò đầu bứt tai.

Những quan sát mới mẻ nhưng thẳng thừng và đầy thách thức của ông về nền chính trị Việt Nam được đưa ra vào thời điểm quan trọng của đất nước. Trước kỳ đại hội năm năm của Đảng Cộng sản được tiến hành vào tháng Giêng, Việt Nam đang bị tả tơi bởi nền kinh tế vĩ mô bất ổn và mối quan ngại về khả năng của chính quyền trong việc giữ nguyên tỉ lệ tăng trưởng nhanh. Nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích bày tỏ hi vọng rằng trong đại hội lần thứ 11 này, khi kế hoạch về giới lãnh đạo và kinh tế được đưa ra, sẽ giúp thúc đẩy đất nước vào hướng đi đúng – nhanh chóng thay đổi các công ty nhà nước nặng nề cũng như những thay đổi khác tạo ra một môi trường kinh doanh có lợi hơn.

Nhưng Gainsborough lập luận rằng không chỉ những tiên đoán về đại hội đảng chỉ dựa trên những thông tin tối thiểu, chúng còn thường dựa trên quan điểm sai lạc về nền chính trị Việt Nam, vốn thường không được định hình bởi các thảo luận chính trị. “Để bắt kịp với những khu vực khác trong châu Á, nền chính trị ở Việt Nam chú tâm hơn vào cá nhân và mối quen biết với những thế lực bảo kê cũng như sự bảo trợ về chính trị hơn là chính sách,” ông viết.

Sự phê bình này cũng đã đi vào trọng tâm của tính chính danh của Đảng Cộng sản hiện thời, một đảng duy nhất ở Việt Nam vốn được suy dẫn từ việc tự nhận rằng đã đề xuất và tiến hành đổi mới, cùng với huyền thoại là người bảo vệ chủ quyền đất nước. “Khái niệm rằng đã có một kế hoạch rõ ràng về chính sách mà giới lãnh đạo đã đề ra trong năm 1986 và tìm cách để tiến hành nó là một điều sai lầm,” Gainsborough viết. Sau đó ông bổ xung thêm: “Ngay cả những sự thật ‘thiêng liêng’ nhất sau 1975, cụ thể là sự liên hệ giữa Đại hội lần Sáu của Đảng năm 1986 với việc ‘phát động’ đổi mới, cũng đòi hỏi một cuộc điều tra mới liên quan đến sự diễn giải mang tính xét lại rằng đại hội đảng là người cổ xuý cho công cuộc này.”

Nếu những nhận định trên khiến cho những vị lãnh đạo Việt Nam nào đọc chúng cảm thấy khó chịu, chúng cũng đem đến sự bất an cho những nhà đầu tư nước ngoài và các công ty Việt Nam, vốn đang nóng lòng muốn thấy được một ngân hàng trung ương độc lập hơn, hệ thống pháp lý và luật lệ rõ ràng hơn, và thêm nhiều thay đổi trong hệ thống giáo dục trì trệ. Những hi vọng về việc một chương trình đổi mới bỗng dưng xuất hiện sau khi những tranh chấp chính trị liên quan đến đại hội đảng lắng dịu có vẻ như là một ảo tưởng khi được nhìn qua lăng kính phân tích của Gainsborough.

Những thảo luận tiền đại hội tại quốc hội, trong ngành truyền thông Việt Nam và trong cộng đồng viện trợ quốc tế cũng như những nhà đầu tư đã chú trọng vào việc Vinashin, một công ty đóng tàu nhà nước đã gần như phá sản sau khi mở rộng vào nhiều lĩnh vực và gây ra những món nợ không chi trả nổi. Một số tổng giám đốc đã bị bắt giữ về tội danh sai phạm trong quản lý kinh tế sau khi chính quyền công bố những khó khăn của công ty này vào tháng Sáu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang bị phê phán vì trên thực tế các giám đốc Vinashin trực tiếp nằm dưới quyền văn phòng thủ tướng và chính ông đã đề xuất viễn kiến về việc phát triển những tập đoàn nhà nước theo chiều hướng của những chaebol của Nam Hàn. Những khó khăn tại Vinashin do đó đã tạo ra một tranh luận hiển nhiên rằng về những giá trị của việc phát triển do nhà nước chỉ đạo. Các độc giả đọc sách của Gainsborough cũng sẽ bắt buộc phải suy nghĩ kỹ về điều này. Ông lưu ý rằng việc phanh phui những trường hợp sai phạm quản lý kinh tế và tham nhũng trước đây không phải vì mong muốn tiêu diệt tham nhũng và sự thiếu hiệu quả mà chủ yếu là vì những đấu đá giữa những bộ phận khác nhau trong chính quyền. Ví dụ như ông cho rằng đa số những biểu hiện liên quan đến vụ tham nhũng cực lớn tại Tamexco, một tập đoàn nhà nước khác, trong thời kỳ giữa và cuối những năm 1990s cũng đã lan tràn rộng rãi. Nhiều vấn đề tại Tamexco – như phân phối tín dụng có liên quan đến chính trị, cho các công ty đang nợ nhiều vay mượn và thiếu kiểm toán – cũng là cội rễ của những khó khăn hiện nay ở Vinashin.

Tất cả những điều này đều hỗ trợ cho luận điểm của Gainsborough rằng sự tiếp diễn trong nền chính trị Việt Nam đã bị lơ là nhằm cổ suý cho quan điểm hấp dẫn hơn về sự thay đổi. Những tác phẩm về Việt Nam đương đại viết bằng tiếng Anh đã gặp khó khăn trong việc tìm cách vượt qua khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam trong hai khía cạnh chủ yếu. Thứ nhất, các tiểu thuyết gia, nhà báo và học giả Tây phương đã quá chú trọng vào việc viết về cuộc chiến Việt Nam, có lẽ bởi vì tính quan trọng vẫn còn tiếp diễn của cuộc chiến đối với những thảo luận chính trị hiện tại của Hoa Kỳ. Thứ hai, thế hệ thứ nhất của các học giả tìm cách vượt qua tiêu điểm nhỏ hẹp này bao gồm những người mà bản thân họ là sản phẩm của cuộc Chiến tranh Việt Nam (như David Marr và William Duiker) hoặc mang tâm lý của cuộc Chiến tranh Lạnh.

Cuốn sách mới của Gainsborough không chỉ bổ xung một cách quan trọng vào những tác phẩm đã có về Việt Nam đươngđại mà còn kích động những mặc định có sẵn đang diễn tả về nó. Ông đã xây dựng một người rơm của quá trình đổi mới rồi san bằng nó một cách đầy thông minh, giúp thiết lập một cơ cấu đầy quan trọng để giúp hiểu được sự thay đổi và tiếp diễn đang thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế đầy tốc độ tại Việt Nam.

Nếu nền chính trị của Việt Nam thật sự được vận động bởi cá nhân, sự bảo kê và tiền bạc hơn là bởi chính sách, đây thật sự là thời điểm chín muồi để kể lại câu chuyện đầy hưng phấn những chưa được viết ra về ai đã thắng và ai đã thua trong một phần tư thế kỷ khi những triển vọng kinh tế của đất nước đã được chuyển hoá đến độ không còn nhận ra được.//

http://www.globalasia.org/V5N4_Winter_2010/Martin_Gainsborough.html


Globalasia- 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét