Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

QUỐC HỘI VIỆT NAM: KẺ NGU NGƠ GIỮA KHU RỪNG MA QUÁI

Quốc hội Việt Nam: Kẻ ngu ngơ giữa khu rừng ma quái

24/05/2012

Thường Sơn

CTV Phía Trước

Quốc hội sẽ giải quyết được hiện trạng ngổn ngang và bất nhẫn của nền kinh tế như thế nào? Nhưng vào lần này, toàn bộ nền kinh tế Việt Nam lại đang dấn thân vào một thảm họa lớn nhất kể từ cơn chấn động giá – lương – tiền từ năm 1985.

Đống rác thải



Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 21.5 – Ảnh: Ngọc Thắng/VIBOnline

Phần lớn nền kinh tế Việt Nam vẫn bị chìm ngập dưới đống rác thải do các nhóm lợi ích đổ lên. Gần ba tháng sau lần hạ lãi suất huy động đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước thực hiện, mọi chuyện vẫn không hề được cải thiện.

Vào thời gian này, Quốc hội lại bắt đầu một kỳ họp mới, trong không biết bao nhiêu kỳ họp mà người dân Việt Nam ví như “đánh trống bỏ dùi” từ trước đến nay. Vào lần này, chắc chắn vấn đề kinh tế và nhiều mâu thuẫn trầm kha của nó sẽ được các đại hiểu Quốc hội nêu ra. Nhưng được nêu ra đến mức nào và được tranh luận đến đâu thì lại do… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng quyết định.

Một con số thống kê hết sức khiêm tốn từ các cơ quan quản lý nhà nước đã xác nhận có 17.000 doanh nghiệp chịu cảnh phá sản và giải thể trong 4 tháng đầu năm 2012. Nhưng dư luận trong nước cũng dè dặt cho rằng chính phủ đã chưa đánh giá toàn diện, sâu sắc tình hình suy giảm kinh tế, hoặc báo cáo của chính phủ có vẻ như hơi “hồng” quá…

Bản chất bao giờ cũng thực hơn hình thức. Những con số thực chất lại lớn hơn nhiều con số được báo cáo. Nếu vào giữa năm 2011, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã trở thành địa chỉ đầu tiên “dũng cảm” phát ra con số nợ xấu của Việt Nam lên đến 13%, chứ không chỉ là 3% như báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, thì cũng có thể suy diễn là con số doanh doanh nghiệp phải giải thể, phá sản khi năm 2012 mới chỉ trôi qua hơn một quý đã có thể gấp nhiều lần con số báo cáo.

Thực thế, báo chí lại có cách tính khác. Không dựa vào vào báo cáo của ngành ngân hàng hay của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giới phóng viên xuất phát từ những con số của ngành thuế. Theo đó, đã có khoảng 1/3, tức gần 200.000 doanh nghiệp không còn khả năng đóng thuế cho nhà nước. Một hiện trạng khoảng 30% doanh nghiệp đã không còn khả năng hoạt động đối với một nền kinh tế mà nợ công đang vượt quá tỷ lệ 60% và có thể đã xấp xỉ 70% GDP, chứ không chỉ khiêm tốn là 53% như các báo cáo vẫn được mô tả quá giả dối bởi chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nhân nào gặt quả nấy!

Đã quá rõ là nhân nào gặt quả nấy. Giờ đây, hậu quả mà các ngân hàng thương mại – nhóm lợi ích mạnh nhất và đã được chứng minh là tàn nhẫn nhất ở Việt Nam – đổ lên đầu doanh nghiệp, lại đang biến thành một cú đá hậu đối với chính họ. Từ giữa năm 2011 và đặc biệt từ sau khi Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm vào cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhóm lợi ích ngân hàng đã triệt để tiến hành chính sách siết chặt tín dụng nhằm triệt tiêu khả năng tồn tại của những nhóm lợi ích đối thủ – bất động sản và chứng khoán và cả với những ngân hàng đồng nghiệp dễ “nuốt”. Cái gọi là “chính sách thắt lưng buộc bụng” như thế đã phát huy tác dụng rất lớn, vì chỉ trong chưa đầy một năm, hầu hết những doanh nghiệp bất động sản có máu mặt đã phải đầu hàng. Ở Việt Nam, nếu người ta có thể kể đến những cá mập như Vincom và Hoàng Anh Gia Lai, thì nay mỗi doanh nghiệp này đều đang mang trên lưng số lỗ từ 10.000 đến 15.000 tỷ đồng.

Nhưng đằng sau cú tàn sát lẫn nhau giữa các nhóm lợi ích, nền kinh tế và các doanh nghiệp cùng tầng lớp bình dân cũng đương nhiên phải chịu vạ lây. Tín dụng bị siết chặt cùng lãi suất treo cao đến trên 20% – một tỷ lệ gần như không tưởng đối với thế giới tài chính phương Tây, đã nhanh chóng làm kiệt quệ sức kháng cự cuối cùng của nhiều doanh nghiệp ngành nông nghiệp, thủy sản, sản xuất hàng xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ. Ngay cả những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng, bán lẻ cũng lâm trọng bệnh.

Trong khi đó, nhóm lợi ích hưởng cơ chế độc quyền và đặc quyền từ nhà nước như xăng dầu và điện lại đổ thêm dầu vào lửa. Giá xăng dần trong nước tăng liên tục dù chẳng có tín hiệu nào về xu hướng tăng của giá dầu thế giới. Xăng tăng lại dẫn đến điện, như một cuộc đua mô tô siêu sang thể thức 1, chỉ nhằm thanh toán hết số lỗ ít nhất trên ba chục ngàn tỷ đồng của những doanh nghiệp này, phát sinh từ công cuộc đầu tư trái ngành trước đây, lên đầu người dân đóng thuế.

Sau một thời gian giằng co giữa dư luận phản biện và nhóm lợi ích bao cấp, phần thắng đã gần như thuộc về Chính phủ. Từ cuối năm 2011, giá điện đã bắt đầu lên tiếng, bất chấp tiếng kêu gào phản đối của dân chúng. Trong bối cảnh Nguyễn Tấn Dũng và các quan chức chính phủ hoàn toàn làm ngơ với thái độ không thể nói là không có ẩn ý, cái được gọi là “lộ trình tăng giá điện” đã tiếp diễn không ngừng nghỉ. Một cuộc vận động hành lang và cả hoạt động PR chính sách đã dẫn đến việc chính Bộ Tài chính và cá nhân Bộ trưởng Vương Đình Huệ, người trước đây vẫn được xem là có chút uy tín còn lại trong hàng ngũ bộ trưởng đương thời, đã thỏa hiệp với đề nghị của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về cơ chế Chính phủ chỉ quy định khung giá bán điện, còn diễn biến trong khung giá đó như thế nào sẽ thuộc về quyền hạn của doanh nghiệp. Như những gợi ý gần đây nhất của Bộ Công thương, giá điện phải có xu hướng theo sát giá thị trường.

Quốc hội sẽ giải quyết vấn đề bức xúc nào trước? Và liệu có thể giải quyết được hay không? E rằng triển vọng như thế lại phụ thuộc quá nhiều vào Nguyễn Sinh Hùng – một nhân vật vốn là cấp phó của Nguyễn Tấn Dũng được đưa sang vị trí “án ngữ” đối với tiếng nói của những người đại diện cho cử tri cả nước.

Những đại biểu còn lại của dân tộc cũng vì thế mà tự mang hình ảnh của kẻ ngu ngơ giữa khu rừng ma quái.

Thảm họa đang tới!

Hiện thực khó khăn duy nhất đối với chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng không phải là vấn đề tăng giá xăng dầu và điện – hai chủ đề đã được “đi đêm” gần như trọn vẹn và bảo đảm bù lỗ cho các doanh nghiệp độc quyền làm ăn thua lỗ. Mà trên hết và bộc lộ tính hậu quả rõ nhất là tình trạng hoàn toàn bất cân xứng giữa một núi tiền nằm kẹt trong ngân hàng và nền kinh tế vẫn ngắc ngoải trong cơn khát vốn.

Như giới chuyên gia suy luận, nếu tiền từ ngân hàng không được giải phóng thì các doanh nghiệp sẽ không thể sản xuất, sức cầu suy giảm mạnh sẽ dẫn đến hàng tồn kho tiếp tục tồn ứ và gây ra phá sản diện rộng cho doanh nghiệp, đồng thời làm tăng vọt nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Đến khi đó, nền kinh tế sẽ rơi vào thiểu phát và người ta chỉ còn việc ngồi nhìn xem ai là kẻ chết trước và ai là kẻ tiếp nối thân phận đen đủi như thế.

Hai lần giảm lãi suất huy động vào các tháng 3 và 4 năm 2012, cộng với con bài tẩy về áp trần lãi suất cho vay ở mức 15% đã được Ngân hàng Nhà nước tung ra vào đầu tháng 5 năm nay, nhưng mọi chuyện vẫn không suy xuyển. Song điều đáng nói là trong khi nền kinh tế vẫn ngày càng kiệt sức hơn thì bản thân thị trường bất động sản cũng gần như phủ nhận sức mua. Bất động sản lại là khu vực mà không chỉ khối doanh nghiệp nhà đất, cả nhiều ngân hàng cũng đang dính sâu đậm vào tình thế kẹt hàng.

Tại một số ngân hàng lớn như Agribank, Eximbank, Vietcombank, BIDV, ACB, Sacombank, Vietinbank…, tài sản bất động sản đã được gán nợ và siết nợ là một giá trị khồng lồ, cũng như nợ xấu bất động sản phát sinh vào cuối quý 1/2012 đã khiến cho các ngân hàng này chóng mặt. Nếu không tìm cách tiêu thụ số hàng tồn kho thì nhiều khả năng đến giữa hoặc cuối năm 2013, bản thân các ngân hàng cũng sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính mà có thể dẫn đến phá sản như doanh nghiệp bất động sản trước đó.

Đó cũng là lý do mà không cần phải chờ đến các “nghị gật” ở Quốc hội chấp thuận, tự thân nhóm lợi ích ngân hàng đang và sẽ phải làm mọi cách để kích cầu. Nhưng không phải kích cầu cho nền kinh tế vì điều đó chẳng đem lại lợi lộc gì cho họ, mà là kích thích sức mua tối đa từ khu vực người tiêu dùng. Một cú giảm mạnh lãi suất huy động và lãi suất cho vay cũng có thể sẽ diễn ra trong không bao lâu nữa, điều mà sẽ làm kinh ngạc giới phân tích kinh tế thế giới về thái độ nới lỏng tín dụng nhằm “giải cứu doanh nghiệp” của Nhà nước Việt Nam.

Đến thời điểm này, cùng với nhiều dấu hiệu ngày càng bất ổn trong hệ thống kinh tế – tài chính ở Tây Âu và cả ở Mỹ, những tiền đề cho một “cơn bão toàn diện” – hình ảnh mà “chuyên gia tận thế” Nouriel Roubini vẫn nhắc đi nhắc lại, đang dần hình thành trên bờ Địa Trung Hải. Không thể khác hơn, toàn bộ nền kinh tế Việt Nam cũng đang dấn thân vào một thảm họa lớn nhất kể từ cơn chấn động giá – lương – tiền vào năm 1985.

Nhưng lần này, rất nhiều khả năng thảm họa kinh tế sẽ dẫn đến thảm họa chính trị đối với chế độ cầm quyền.

© 2012 TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét